Triết lý đánh thuế đối với thu nhập từ sở hữu, chuyển nhượng chứng khoán và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

01/02/2014

TS.NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chứng khoán là một loại hàng hóa có thể mua đi bán lại để kiếm lời hoặc sở hữu dài hạn để hưởng cổ tức, lợi tức hoặc lãi suất. Thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, công ty cổ phần (CTCP) và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có thể tạo lập nguồn vốn để kinh doanh. Đối với CTCP, việc mua bán liên tục cổ phiếu trên thị trường không chỉ giúp cho các nhà đầu tư hưởng lợi từ giao dịch cổ phiếu mà còn có thể hỗ trợ cho cổ đông rút lui khỏi CTCP mà không ảnh hưởng đến cơ cấu vốn chủ sở hữu. Thông thường, cổ tức, lợi tức hoặc lãi suất nhận được từ sở hữu và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (CNCK) là đối tượng đánh thuế thu nhập. Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới căn cứ vào chính sách khuyến khích hay hạn chế đầu tư một số loại chứng khoán để quy định thu nhập chịu thuế, thuế suất và cách thức thu thuế đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK.
Hiện nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm, pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và pháp luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chưa thực sự phát huy vai trò là công cụ khuyến khích hoạt động đầu tư chứng khoán thông qua chế độ ưu đãi thuế dài hạn, ngoài ra, những bất cập trong việc xác định thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế và cơ chế hành thu khiến cho không ít nhà đầu tư rời bỏ thị trường do không đạt được lợi ích mình kỳ vọng[1]. Bài viết đề cập về triết lý đánh thuế đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK và kiến nghị hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập ở nước ta hiện nay.
Untitled_407.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Triết lý đánh thuế đối với thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng chứng khoán  
Về nguyên tắc, nghĩa vụ nộp thuế thu nhập từ sở hữu và CNCK được quy định trong Luật thuế TNDN và Luật thuế TNCN. Việc đánh thuế đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK dựa trên những tiêu chí nhất định. Những tiêu chí này được xây dựng gắn với bối cảnh kinh tế - xã hội, khuyến khích hay hạn chế đầu tư chứng khoán trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đánh thuế ở các quốc gia có TTCK phát triển cũng được tham khảo để xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với chứng khoán.
Chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập từ sở hữu và CNCK bao gồm các tổ chức và cá nhân. Các tổ chức sở hữu chứng khoán ở nước ta bao gồm các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, trong đó phải kể đến ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty đầu tư và quỹ đầu tư, ngoài ra, còn có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc quỹ đầu tư nước ngoài. Các tổ chức này có thể sở hữu chứng khoán dài hạn để duy trì sự liên kết công ty, hưởng thu nhập từ sở hữu chứng khoán hoặc sở hữu ngắn hạn nhằm chuyển nhượng thu chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Còn cá nhân sở hữu chứng khoán bao gồm người lao động, nhà đầu tư khác là cá nhân trong và ngoài nước cũng với mục đích hưởng cổ tức, lợi tức, lãi suất dài hạn hoặc chênh lệch từ mua bán chứng khoán[2].
Ở nước ta, Luật Chứng khoán năm 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2010, là cơ sở pháp lý để phát hành và quản lý đối với chứng khoán lưu thông. Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử bao gồm: (i) cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; (ii) quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; (iii) hợp đồng góp vốn đầu tư và (iv) các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định (Điều 6 Khoản 1).
 Theo kinh nghiệm đánh thuế chứng khoán ở nhiều nước, đối tượng chứng khoán được sở hữu hoặc giao dịch bị đánh thuế được phân loại thành bốn nhóm: (i) chứng khoán hiện vật (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ) và chứng khoán phi hiện vật (hợp đồng tương lai, chỉ số chứng khoán), (ii) chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết, (iii) chứng khoán được đầu tư trực tiếp và đầu tư thông qua ủy thác, (iv) chứng khoán do tổ chức trong nước phát hành và chứng khoán do tổ chức nước ngoài phát hành. Theo đó, pháp luật quy định cách xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất và phương thức thu nộp thuế khác nhau.
 Ở các nước có TTCK phát triển, ngoài giao dịch chứng khoán bằng hiện vật là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu, các giao dịch chứng khoán phi hiện vật là hợp đồng tương lai, nhóm chỉ số giá chứng khoán cũng mang lại lợi ích nhất định cho nhà đầu tư từ việc mua đi, bán lại và khoản chênh lệch này cũng là đối tượng đánh thuế. Ở nước ta, một số công cụ phái sinh đơn giản cũng bước đầu được sử dụng không chính thống như quyền mua chứng khoán, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn… Các công cụ này đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi là chủ yếu trong giai đoạn TTCK tăng trưởng nhanh năm 2006-2008. Hiện nay, do khung pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán và văn bản dưới luật) chưa có quy định cụ thể nên việc giao dịch các chứng khoán phái sinh bị coi là trái các quy định của pháp luật[3].
Thông thường, Luật thuế TNDN hay Luật thuế Thu nhập pháp nhân (TNPN) và Luật thuế TNCN quy định tách bạch quyền đánh thuế của Nhà nước đối với thu nhập từ sở hữu và thu nhập từ CNCK của tổ chức và cá nhân, các quy định liên quan đến xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, ưu đãi thuế và phương thức tính thuế.
Về nguyên tắc, chứng khoán là giấy tờ có giá được lưu thông trên TTCK được coi là loại hàng hóa đặc biệt không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT)[4]. Cụ thể, Điều 3 Luật thuế GTGT  quy định chuyển nhượng vốn, chứng khoán thuộc diện không chịu thuế GTGT. Ngoài ra, đánh thuế đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK có phân biệt chủ thể tham gia là tổ chức và cá nhân. Thu nhập của doanh nghiệp là đối tượng chịu thuế TNDN, sau khi nộp thuế TNDN, doanh nghiệp có thể trích lập các quỹ thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phân chia cho người góp vốn. Trong trường hợp người góp vốn là doanh nghiệp, về nguyên tắc khi nhận cổ tức hoặc lợi tức từ chứng chỉ quỹ[5], doanh nghiệp không bị đánh thuế. Trong khi đó, cổ đông là cá nhân, nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ phải đóng thuế TNCN khi nhận cổ tức và lợi tức chi trả là 5%. Ở đây, có việc đánh thuế trùng một dòng tiền lợi nhuận từ doanh nghiệp đối với cá nhân sở hữu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Về cách thức đánh thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân, có hai mô hình đánh thuế bao gồm: mô hình đánh thuế đối với thu nhập của cá nhân nhận được không tính đến thuế TNDN do doanh nghiệp chi trả đã nộp[6]. Trường hợp này còn gọi là đánh thuế trùng. Hiện nay, theo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thì cách đánh thuế này là hợp lý vì nếu xét về dòng tiền, đánh thuế cổ tức là đánh thuế 2 lần đối với cùng một món tiền, nhưng nếu xét về chủ sở hữu của món tiền đó lại khác nhau nên pháp nhân phải nộp thuế TNDN còn cá nhân có thu nhập phải nộp thuế TNCN[7]. Hai là mô hình đánh thuế kiểu châu Âu, có sự thống nhất và điều chỉnh pháp luật thuế TNDN và thuế TNCN bằng gắn kết nghĩa vụ của cổ đông trong Luật thuế TNPN và phân hóa chúng (Imputation System)[8]. Triết lý đánh thuế này bắt nguồn từ học thuyết cho rằng lợi nhuận phát sinh từ công ty thuộc về người góp vốn, đánh thuế pháp nhân là việc lấy trước thuế thu nhập của cá nhân[9]. Các nước châu Âu theo mô hình nhằm loại trừ đánh thuế trùng thuế TNPN và thuế TNCN từ nguồn lợi nhuận của công ty, theo đó, Luật thuế TNCN quy định khấu trừ một khoản thuế hoặc một khoản thu nhập chịu thuế khi xác định nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân.
Đối với hoạt động đầu tư chứng chỉ quỹ, thực chất nhà đầu tư góp vốn nhằm hưởng lợi tức từ quỹ đầu tư được vận hành bởi công ty quản lý quỹ. Thông thường, các nước trên thế giới coi quỹ đầu tư là hình thức góp vốn tập thể theo hợp đồng, trong trường hợp không hình thành pháp nhân thì chỉ đánh thuế đối với người góp vốn với tư cách thành viên đối với khoản lợi tức được chi trả theo giá trị và số lượng chứng chỉ quỹ sở hữu. Có nghĩa là áp dụng nguyên tắc bỏ qua đánh thuế đối với quỹ đầu tư (The Pass-Though Principle) mà đánh thuế đối với người được hưởng lợi là người sở hữu chứng chỉ quỹ. 
2. Những bất cập
2.1  Về quy định đánh thuế đối với cổ tức và lợi nhuận chứng chỉ quỹ
Hiện nay, theo Luật thuế TNCN, nhà đầu tư cá nhân bị đánh thuế 5% đối với cổ tức do CTCP chi trả hoặc lợi tức chi trả từ quỹ đầu tư. Trước đó, CTCP đã nộp thuế TNDN, còn lợi tức chứng chỉ quỹ được xác định trong tổng lợi nhuận thu được từ các hạng mục đầu tư sau khi trừ đi phí ủy thác quản lý trả cho công ty quản lý quỹ và các chi phí khác liên quan đến vận hành quỹ. Có thể thấy, ở nước ta, dòng tiền từ CTCP được đánh thuế hai lần ở khâu xác định thu nhập chịu thuế của CTCP và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư chứng khoán quay trở lại thị trường, biện pháp tránh đánh thuế trùng cần được đặt ra. Nếu so sánh mức chi trả cổ tức của cổ phiếu và lợi tức chứng chỉ quỹ hiện nay với lãi tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là 7%, thì mức cổ tức dao động từ 5% đến 15%/mệnh giá trong điều kiện thị giá cổ phiếu gấp khoảng từ 2 đến 5 lần mệnh giá thì có thể thấy lợi ích từ sở hữu chứng khoán ít hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại TCTD, trong khi lãi suất này không bị đánh thuế thu nhập.
Còn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán, khi nhận cổ tức hoặc lợi tức chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán chỉ bị đánh thuế một lần tại khâu doanh nghiệp chi trả. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và chi phí vay vốn cao thì khuyến khích cá nhân đầu tư chứng khoán có thể hỗ trợ tính thanh khoản của chứng khoán trên thị trường, hỗ trợ cho CTCP và công ty TNHH huy động vốn trên TTCK để mở rộng quy mô đầu tư, kinh doanh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn và bảo đảm tính thanh khoản của chứng khoán trên thị trường, Nhà nước cần xem xét miễn thuế cổ tức, lợi tức chứng chỉ quỹ dài hạn cho các nhà đầu tư cá nhân.
 Ở các quốc gia có TTCK phát triển, tùy thuộc vào chính sách phát triển TTCK mà pháp luật quy định biện pháp loại trừ đánh thuế trùng giữa thuế TNPN và TNCN. Chẳng hạn ở Anh, từ năm 1973, với việc du nhập phương thức thống nhất và điều chỉnh thu nhập của pháp nhân và cá nhân, nước này đã loại trừ việc đánh thuế hai lần đối với thu nhập của pháp nhân và thu nhập của cá nhân từ nguồn lợi nhuận chi trả từ công ty bằng cách tính thuế ở khâu chi trả thu nhập của pháp nhân, còn ở khâu chi trả thu nhập, cá nhân được khấu trừ thuế. Còn ở Pháp, vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, do bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm thuế suất thuế TNDN tại Hoa Kỳ, nước này đã xóa bỏ tình trạng đánh thuế hai lần trên cùng nguồn thu nhập từ công ty, theo đó cá nhân được khấu trừ một khoản thuế do công ty đã nộp ở khâu trước[10].
Hiện nay, ở nước ta, ngoài sự hiện diện của quỹ đầu tư chứng khoán còn có quỹ đầu tư bất động sản[11]. Do dòng tiền lợi nhuận thu được từ các hạng mục đầu tư của các quỹ không giống nhau nên khi đánh thuế cần phân biệt tiêu chí đánh thuế, loại trừ đánh thuế đối với thu nhập phát sinh từ chứng khoán đã bị đánh thuế. Đối với quỹ đầu tư bất động sản[12], quỹ được tổ chức và hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư đại chúng (quỹ đầu tư bất động sản) hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng (gọi là công ty đầu tư chứng khoán bất động sản). Quỹ đầu tư bất động sản là một loại hình quỹ đóng, theo đó, sau khi chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, quỹ không mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư và hoạt động với mục đích chủ yếu đầu tư vào bất động sản cho thuê nhằm tạo lợi nhuận ổn định. Với đặc thù khác biệt về hình thức tổ chức kinh doanh và hạng mục đầu tư của quỹ đầu tư bất động sản[13] và công ty đầu tư chứng khoán bất động sản, có thể thấy pháp luật thuế thu nhập phải điều chỉnh dựa trên sự khác biệt trong xác định thu nhập chịu thuế và thuế suất của các chủ thể góp vốn và tổ chức kinh doanh trong loại hình kinh doanh tín thác này. Việc pháp luật quy định chi tiết, cụ thể có ý nghĩa quan trọng giúp cho nhà đầu tư có thể lựa chọn cách thức đầu tư, góp vốn phù hợp. Khi Nhà nước khuyến khích hình thức đầu tư tín thác thì cần thực hiện chính sách ưu đãi thuế để vừa nhằm khai thác tính chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ trong duy trì sự hiện diện của các quỹ đầu tư với tư cách là nhà tạo lập thị trường cũng như thu hút các chủ thể đầu tư vào chứng chỉ quỹ.  
2.2. Quy định đánh thuế đối với thu nhập từ CNCK                                                                                
CNCK là cách thức để tổ chức và cá nhân có thể thu hồi được vốn đầu tư. Về nguyên tắc, Luật thuế TNCN chỉ đánh thuế khi người chuyển nhượng có thu nhập - khoản chênh lệch giữa giá bán và giá mua sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc tạo ra thu nhập. Đối với doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, các chi phí liên quan đến đầu tư chứng khoán được tính chung vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.                                                                                     
Hiện nay, khi doanh nghiệp có thu nhập từ CNCK phải chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng được xác định chung trong tổng thu nhập chịu thuế là 25% theo Luật thuế TNDN 2008 và 22% từ 1/1/2014 theo Luật sửa đổi một số điều Luật thuế TNDN được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013. Những đối tượng chịu thuế suất 22% sẽ được áp dụng mức 20% kể từ 1/1/2006. Tuy nhiên, việc đánh thuế đối với thu nhập từ CNCK của tổ chức nước ngoài không thường trú còn tồn tại bất cập. Hiện nay, Thông tư 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (thuế nhà thầu) là cơ sở đánh thuế đối với thu nhập từ CNCK của tổ chức kinh doanh nước ngoài không thường trú là các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đối với thu nhập từ CNCK của các tổ chức này, cơ quan thuế hiện nay không áp dụng mức thuế suất 0,1%/giá chuyển nhượng theo Điều 13 của Thông tư mà áp dụng mức thuế suất là 25%/thu nhập từ chuyển nhượng giống như các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, trong khi đó lại không công nhận chi phí thực tế của các quỹ đầu tư nước ngoài đã bỏ ra trong quá trình đầu tư như chi phí nhân sự, chi phí luật sư, chi phí đi lại… khiến cho mức thuế thực tế phát sinh trong quá trình đầu tư mà họ phải đóng lên đến 50-60%[14]. Việc áp dụng mức thuế suất như trên đối với quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài chưa gắn với nguyên tắc trung lập trong đánh thuế cũng như chưa tính đến đặc thù của loại hình quỹ đầu tư dưới hình thức hợp đồng.
Nếu áp dụng tương tự Nghị định 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 124/2008/NĐ-CP về cách xác định thu nhập từ CNCK đối với pháp nhân thì “các chi phí liên quan trực tiếp đến việc CNCK” phải được khấu trừ (Khoản 3 (b) Điều 6 Nghị định 122). Sự không rõ ràng về áp dụng quy định về khấu trừ chi phí đối với quỹ đầu tư nước ngoài cho thấy sự thiếu nhất quán trong áp dụng pháp luật do thiếu quy định pháp luật về cho phép áp dụng tương tự pháp luật trong đánh thuế và bảo đảm quyền lựa chọn phương pháp tính thuế.
Trong trường hợp áp dụng chế độ thuế khoán đối với thu nhập từ CNCK là 0,1%/doanh thu (giá chuyển nhượng) theo Thông tư 60/2012/TT-BTC, thực chất vấn đề khấu trừ chi phí không đặt ra nhưng cũng cần ghi nhận trong Luật thuế TNDN hoặc Luật thuế TNCN để làm cơ sở cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật, tránh tình trạng lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế của cơ quan thuế chưa có cơ sở pháp lý thuyết phục.
Còn nhà đầu tư cá nhân có thu nhập từ CNCK có thể lựa chọn phương pháp kê khai nộp thuế: (i) với thuế suất là 20% đối với thu nhập từ CNCK hoặc (ii) thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng (Điều 23 Luật thuế TNCN). Mặc dù có nhiều ý kiến về sự bất hợp lý của việc áp dụng phương thức đánh thuế 0,1%/giá chuyển nhượng theo Luật thuế TNCN 2007 nhưng Luật thuế TNCN sửa đổi năm 2012 không có quy định sửa đổi về vấn đề này. Phương thức đánh thuế 0,1%/giá bán chứng khoán hiện nay đang được các nhà đầu tư lựa chọn do không xác định được chính xác chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư để áp dụng phương thức đánh thuế 20%/tổng thu nhập. Về bản chất, khoản thuế từ CNCK xác định trên giá bán được đặt ra chưa phù hợp với nguyên tắc đánh thuế thu nhập đó là chỉ đánh thuế khi cá nhân có thu nhập đạt tới ngưỡng nhất định. Sự lựa chọn phương thức khoán thuế chỉ nên coi là giải pháp tình thế để chống thất thu ngân sách nhà nước.
Với bất cập như trên, có thể nói, đánh thuế đối với CNCK chưa gắn với bản chất thuế thu nhập, công cụ thuế này chưa trở thành công cụ khuyến khích hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và giao dịch chứng khoán trầm lắng như hiện nay, chỉ sử dụng phương pháp đánh thuế dựa trên thu nhập thực có và thực hiện miễn loại thuế này trong một thời hạn dài cũng cần được xem xét nhằm tác động vào tính thanh khoản của chứng khoán trên thị trường, khuyến khích các giao dịch mua bán của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng như hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc quy định bổ sung về thuế đối với chứng khoán trong Luật thuế TNDN và Luật thuế TNCN cần được tiến hành cùng với minh bạch hóa bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế thực hiện kê khai bù trừ thuế thu nhập từ sở hữu và CNCK trong thu nhập tổng, hoàn thuế thu nhập từ đầu tư và CNCK trong Luật Quản lý thuế.
Có thể tham khảo kinh nghiệm ở một số nước về chế độ kê khai tính thu nhập của cá nhân như sau: ở Pháp áp dụng chế độ đánh thuế chuyển nhượng cổ phần theo phương thức kê khai tổng thu nhập với mức thuế từ 21% đến 60,5% (trong đó thuế thu nhập là từ 5,5% đến 45%, còn thuế liên quan đến bảo hiểm xã hội là 15,5%. Hoa Kỳ đánh thuế Liên bang theo phương thức kê khai tổng thu nhập với 3 mức 0%, 15% và 20%, ở các bang, chẳng hạn bang New York mức thuế suất từ 4% đến 8,82%, còn thành phố mức thuế suất từ 2,55% đến 3,4% và khoản thu bổ sung bằng 14% khoản thu thuế[15]
Từ bất cập nêu trên, có thể thấy pháp luật thuế TNCN và TNDN cần được bổ sung quy định về các loại chi phí được khấu trừ trong đầu tư chứng khoán. Có thể đặt ra mức khấu trừ cố định hoặc liệt kê các chi phí được trừ và giới hạn được trừ để bảo đảm quyền được khấu trừ các chi phí của người nộp thuế và minh bạch hóa quyền thu thuế của Nhà nước.
Ngoài ra, như đã đề cập, Luật Chứng khoán hiện hành bên cạnh quy định chứng khoán bằng hiện vật dưới dạng chứng chỉ, còn quy định chứng khoán phi hiện vật là hợp đồng tương lai và chỉ số giá chứng khoán. Theo xu hướng phát triển của TTCK, khi có thêm giao dịch các loại chứng khoán này sẽ thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường và làm tăng tính thanh khoản của chứng khoán trên thị trường. Hiện nay, ở nước ta, với sự nỗ lực của các Sở giao dịch chứng khoán, chỉ số VN30 bao gồm các cổ phiếu có chất lượng nhất trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã được xây dựng, cùng với Bộ chỉ số HOSE – Index là những cơ sở để phát triển thị trường giao dịch nhóm chứng khoán và chỉ số giá chứng khoán. Trong điều kiện khuyến khích TTCK phái sinh phát triển thì quy định về thuế thu nhập từ chuyển nhượng đối với loại chứng khoán này cũng cần phải được điều chỉnh kịp thời. 
3.Kiến nghị
3.1. Pháp luật thuế thu nhập cần quy định chi tiết về đánh thuế đối với các loại chứng khoán
Có thể thấy rằng, do sự đa dạng của các loại chứng khoán và sự đa dạng của loại hình tổ chức đầu tư nên chỉ với những quy định về thuế suất, chi phí được trừ trong Luật thuế TNDN đối với thu nhập từ CNCK và quy định về thuế suất trong Luật thuế TNCN là chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Đây là lý do cơ bản khiến cho việc xây dựng Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán gặp phải vướng mắc chưa thể thông qua.
Trong bối cảnh này, Luật thuế TNDN và Luật thuế TNCN cần quy định chi tiết hơn về nguyên tắc đánh thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng khoán, cần nhất quán trong quy định về phương thức đánh thuế thu nhập, không nên đưa ra phương thức đánh thuế khoán mà cần xây dựng các quy định về khấu trừ để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Đặc biệt, để bao quát các nguồn thu và bảo đảm công bằng trong xác định thu nhập từ sở hữu và CNCK, ngoài hoàn thiện các đạo luật, cần có hướng dẫn chi tiết về xác định thu nhập chịu thuế đối với từng loại chứng khoán, phương pháp tính thuế và quyền lợi của người nộp thuế gắn với hình thức tổ chức kinh doanh để giúp cho cơ quan thuế dễ dàng quản lý thuế còn người nộp thuế có thể giám sát hành vi thu thuế để bảo vệ quyền lợi của mình.
3.2. Xác định chủ thể và nghĩa vụ nộp thuế đối với đầu tư tín thác
Thông thường, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ đầu tư do đặt niềm tin vào tính chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ trong quản lý và vận hành quỹ. Khuyến khích đầu tư chứng chỉ quỹ cũng chính là tạo ra nguồn tài chính để đầu tư vào nền kinh tế một cách gián tiếp. Do lợi ích của nhà đầu tư chỉ đạt được thông qua hoạt động vận hành quỹ và quỹ chỉ xem như là một phương tiện để công ty quản lý quỹ nhận ủy thác đầu tư nên cần xác định nguyên tắc đánh thuế đối với các quỹ đầu tư theo hạng mục đầu tư. Ngoài ra, pháp luật cần quy định rõ nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể góp vốn và kinh doanh theo loại hình tổ chức công ty đầu tư chứng khoán hoặc theo hình thức hợp đồng với các quỹ đầu tư để tránh bất cập không đáng có. Hơn thế nữa, việc cụ thể hóa phương thức đánh thuế, điều chỉnh hợp lý mức thuế đối với hoạt động đầu tư tín thác gắn với đặc thù của quỹ đầu tư và công ty đầu tư chứng khoán có ý nghĩa quan trọng tác động vào sự phát triển ngành quản lý quỹ và hỗ trợ quá trình minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán.
3.3. Quy định về khấu trừ chi phí
Như đã đề cập, Luật thuế TNDN và Luật thuế TNCN đều chưa quy định đầy đủ về các loại chi phí được khấu trừ trong đầu tư chứng khoán đối với cá nhân và nhất quán trong quy định phương thức đánh thuế đối với hình thức đầu tư tín thác, do vậy dẫn tới tình trạng quỹ đầu tư nước ngoài bị đánh thuế thu nhập từ CNCK theo thuế suất áp dụng đối doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, sự lựa chọn phương pháp áp dụng thuế suất 20% thu nhập từ chuyển nhượng đối với cá nhân nhà đầu tư không khả thi do khó xác định các chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư. Có thể thấy những sự bất cập này đều xuất phát từ việc pháp luật chưa quy định cụ thể về các loại chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức nước ngoài và cá nhân đầu tư nói chung.  
Về nguyên tắc, có hai cách bảo đảm quyền được khấu trừ chi phí của nhà đầu tư chứng khoán bao gồm khấu trừ cố định hoặc khấu trừ theo chi phí thực tế. Dưới góc độ quản lý thuế, nếu cơ quan thuế công nhận chi phí thực tế do người nộp thuế tự kê khai sẽ khó có thể bảo vệ quyền thu thuế của Nhà nước bởi động cơ khai tăng chi phí để tối đa hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Bởi vậy, Luật thuế TNCN có thể quy định về khấu trừ cố định chi phí nhằm bảo đảm sự tiện lợi trong đánh thuế cũng như buộc nhà đầu tư phải tự cân đối chi phí trong hoạt động đầu tư. Nếu Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành xác định rõ ràng loại chi phí được trừ và mức được trừ cụ thể sẽ có thể xóa bỏ phương pháp đánh thuế khoán là 0,1%/giá trị chuyển nhượng. Còn đối với quỹ đầu tư nước ngoài khi bị áp dụng thuế suất 25% như trước (hoặc 22% áp dụng từ 1/1/2014) với khoản khấu trừ cố định cũng có thể chấp nhận đầu tư khi cân đối được thu chi thay vì bị cơ quan thuế áp đặt tính thuế như hiện nay.
3.4. Về miễn giảm thuế thu nhập từ sở hữu và CNCK
Ở nước ta, việc miễn thuế có thời hạn đối với thu nhập từ sở hữu chứng khoán đã được thực hiện từ ngày 01/8/2011 đến ngày 31/12/2012 theo Nghị quyết số 08/2011/QH13 ngày 6/8/2011 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi ngắn hạn này chưa có tác động tích cực đến sự phục hồi của TTCK. Trong bối cảnh nhiều công ty niêm yết kinh doanh không có lãi, thậm chí còn thua lỗ dẫn đến hủy niêm yết và giải thể, chính sách ưu đãi thuế “dài hơi” cần được áp dụng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.
Với nguyện vọng phát triển ngành quản lý quỹ tạo ra kênh huy động vốn và đầu tư vào nền kinh tế, các công ty quản lý quỹ kiến nghị cần sớm miễn thuế đối với lợi tức được chia từ quỹ đầu tư, hoặc áp dụng thuế suất từng phần cho từng khoản thu nhập, giảm 50% thuế chuyển nhượng chứng chỉ quỹ (0,05%) cho tổ chức đầu tư nước ngoài và cá nhân; miễn thuế đối với lợi tức được chi từ quỹ trái phiếu hoặc áp dụng thuế suất 5% giống như trước hợp nhà đầu tư trực tiếp đầu tư vào trái phiếu[16].
Do đặc thù của hoạt động đầu tư chứng khoán, cơ quan có thẩm quyền cần nhất quán quy định biện pháp ưu đãi miễn thuế dài hạn hoặc có thời hạn đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK trong các luật thuế thu nhập, đây là giải pháp hỗ trợ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp trong và ngoài nước vào TTCK Việt Nam.
Bản chất của thuế là khoản nộp bắt buộc của tổ chức và cá nhân và không được hoàn trả trực tiếp. Khi các quy định pháp luật thuế đối với thu nhập từ sở hữu và CNCK hợp lý sẽ khuyến khích được sự tự nguyện kê khai nộp thuế và tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế. Nếu pháp luật thuế không ưu tiên bảo vệ quyền của người nộp thuế và điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường và nền kinh tế nói chung thì công cụ thuế khó có thể sử dụng để khuyến khích hoạt động đầu tư chứng khoán. Bởi vậy, cần xem chính sách thuế và pháp luật thuế đối với chứng khoán không chỉ nhằm tạo khoản thu cho ngân sách nhà nước mà phải trở thành công cụ hữu hiệu để khuyến khích nhà đầu tư chứng khoán và duy trì thị trường chứng khoán nhằm hỗ trợ cho sự tồn tại của nền kinh tế thị trường.

 


[1] Tham khảo nội dung phỏng vấn Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam trong bài “Chứng khoán cần được ưu đãi thuế”, Hữu Hòe. Đầu tư chứng khoán ngày 12/9/2013.
[2] Hiện nay nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng giao dịch chính, chiếm hơn 85% giao dịch của toàn thị trường. Tham khảo bài “Sử dụng VN 30 để thành lập sản phẩm đầu tư mới”, Hữu Hòe- Phan Hằng, Đầu tư chứng khoán ngày 14/10/2013.
[3] Tham khảo: "Việt Nam đang rất cần thị trường chứng khoán phái sinh" Duy Cường – Nhật Bình, Vneconomy điện tử ngày 20/6/2013 tải từ http://vneeconomy.vn.
[4] Về điểm này, pháp luật Việt Nam cũng quy định giống như pháp luật của nhiều nước. Cụ thể, Luật thuế tiêu dùng Nhật Bản loại trừ đối với đánh thuế CNCK là công trái, cổ phiếu, phần vốn góp của thành viên công ty hợp danh, chứng khoán cầm cố, trái quyền tiền mặt.
[5] Ở nước ta, Nghị định 24/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thuế TNDN 2008 được sửa đổi bằng Nghị định 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 và Nghị định 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 quy định chi tiết Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT năm 2013 quy định chế độ miễn thuế đối với thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN (Khoản 5 Điều 4 NĐ 124/2008/NĐ-CP).
[6] Mô hình đánh thuế kiểu Hoa Kỳ. Tham khảo bài: “Chế độ thuế tín thác đầu tư Tạp chí Tài chính, Viện Nghiên cứu tài chính- Bộ Tài chính Nhật Bản (投資信託の大蔵省財政金融研究所フィナンシャル・レビュー Nov1995) trang 27.
[7] Tham khảo bài “Đầu tư chứng khoán: Đánh thuế hai lần” Duy Chung, Báo Đại Đoàn kết, ngày 6/11/2011.
[8] Mô hình đánh thuế kiểu châu Âu theo phương thức hợp nhất, điều chỉnh hai sắc thuế TNDN và thuế TNCN (Tham khảo Chế độ thuế tín thác đầu tư,trang 27, sđd Chú thích 6)
[9] Tham khảo bài “Phân chia lợi nhuận công ty và thuế thu nhập”, Sakai Katsuhiko, Tạp chí Zeidai, Số 8 (2008) trang 57 (会社の利益処分と所得税、税大シャーなるNo 82008)(Bản tiếng Nhật. 
[10] Tham khảo bài: Nghiên cứu đánh thuế lợi tức ở Nhật bản, so sánh đánh thuế ở các nước Âu, Mỹ và Châu Á, Yamauchi Susumu,Tạp chí Ronsou Shogaku No 171/2003, trang 9,13「わが国税法における配当金課税に関する一考察 -アジア並びに欧米諸国の税法の比較検討」山内進、商学論叢481,1712003.
[11] Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Thông tư 228/2012/TT-BTC ngày 27/12/2012 của Bộ Tài chính là cơ sở pháp lý cho thành lập và quản lý quỹ đầu tư bất động sản, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2013
[12] Vị trí của quỹ này được ghi nhận cụ thể trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2010 (Khoản 27a Điều 6), sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 228/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và quản lý quỹ đầu tư bất động sản và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
[13] Thông tư 228/2012/TT-BTC qui định quỹ phải đầu tư tối thiểu 65% giá trị tài sản ròng của quỹ vào các BĐS, quỹ phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư (Điều 11).
[14] Tham khảo bài “Thuế chứng khoán: Cần trực diện gỡ khó từ thực tế” Tường Vi, Đầu tư chứng khoán ngày 6/9/2013 tr. 8.
[15]Nguồn: “Bảng thuế chuyển nhượng cổ phần ở một số nước phát triển”, Bộ Tài chính Nhật bản, tháng 1/2010, tải từ http://ww.mof.go.jp (主要国の株式譲渡益課税の概要20131月、日本財務省).   
[16] Tham khảo bài “Không ưu đãi thuế, quỹ mở phải...khép”, Hữu Đạo, Đầu tư Chứng khoán ngày 20/5/2013, trang 14. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(260), tháng 2/2014)


Thống kê truy cập

33954951

Tổng truy cập