Nhà giáo và nghề dạy học dưới góc nhìn pháp lý

01/06/2012

ThS. ĐẶNG THỊ THU HUYỀN

Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo quan niệm thông thường: trong cuộc sống, nhiều người dùng cụm từ “nhà giáo”, “thầy giáo”, “thầy”… với cùng một nghĩa để chỉ những người dạy văn hoá, truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho một người khác. Câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” có từ xa xưa và vẫn truyền đến ngày nay là theo nghĩa này. Cách nói này thể hiện sự tôn trọng với những người đem lại kiến thức, kỹ năng mới cho người khác (dù ít, dù nhiều) vì vậy có người có chút kiến thức, thỉnh thoảng giảng dạy chút ít cũng gọi là thầy. Người đi báo cáo một chuyên đề chuyên môn cho một lớp học sau vài năm gặp lại học viên vẫn được học viên gọi là thầy.
Theo từ điển Tiếng Việt (Nxb Đà Nẵng, 1997) thì “Nhà giáo là người làm nghề dạy học”. Trong từ “Nhà giáo” thì từ “giáo” có nghĩa là dạy, chỉ bảo; từ “nhà” được hiểu là người chuyên làm một nghề, một lĩnh vực hoạt động nào đó đạt được trình độ nhất định. Như vậy, người dạy học mà không chuyên, không thành nghề thì không phải là nhà giáo. Người dạy học liên tục mà không đạt đến một trình độ nào đó thì cũng không là nhà giáo.
Theo Luật Giáo dục thì “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề gọi là giảng viên” (Điều 70). Như vậy, nội hàm của khái niệm nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục gồm hai yếu tố cơ bản phản ánh công việc và địa chỉ làm việc. Có thể hiểu người dạy ít, dạy nhiều đều được gọi là nhà giáo nếu người đó làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Người có trình độ cao, chuyên đi dạy nhưng không gắn với cơ sở giáo dục thì về pháp lý không phải là nhà giáo.
Xã hội càng phát triển thì sự phân công lao động càng sâu sắc theo hướng chuyên môn hoá ngày càng cao. Dạy học là một nghề, điều tưởng như hiển nhiên đó đáng tiếc lại chưa được nhận thức và quy định rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay cần nhận thức và phản ảnh rõ nét đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Nghề là công việc chuyên làm theo sự phân công của xã hội”. Như vậy, nói đến nghề là nói đến công việc chuyên môn và làm theo sự phân công của xã hội trong đó người làm nghề cần có các yêu cầu nhất định về phẩm chất, năng lực và được xã hội đáp ứng các điều kiện để hành nghề. Cũng như các dạng lao động khác, nói nghề dạy học là nói đến mục đích, chủ thể (người dạy), đối tượng (người học) và cách thức tác động. Người dạy học cũng cần “chuyên” như người làm nghề khác đồng thời có những đặc điểm, yêu cầu riêng. “Chuyên” có nghĩa là giành thời gian, công sức chính cho việc dạy. “Chuyên” cũng là phải có một khả năng, trình độ vượt trội so với người học. “Chuyên” thì đòi hỏi những điều kiện mà xã hội phải đáp ứng để có thể hành nghề. Trong khuyến nghị của UNESCO về vị thế của giáo viên và giảng viên đại học đã nêu rõ “Dạy học phải được tôn trọng như là một nghề nghiệp” và “Giảng dạy ở các tổ chức giáo dục đại học là một nghề nghiệp, một loại hình dịch vụ công đòi hỏi người giảng viên những kỹ năng chuyên biệt và kiến thức uyên thâm mà họ trau dồi trong quá trình học tập và nghiên cứu một cách nghiêm túc và bền bỉ” [1]. Luật Giáo viên và Giảng viên của Inđônêxia thì có mục giải thích về nghề khá thú vị đó là: “Nghề là liên quan đến một hoạt động do một ai đó đảm nhiệm như là một nguồn đem lại thu nhập và đòi hỏi đến chuyên môn, sự thành thạo hay kỹ năng đáp ứng được những chuẩn mực chất lượng nhất định yêu cầu thông qua giáo dục chuyên nghiệp” [2].
Nghề dạy học là một nghề có vị trí quan trọng trong xã hội với nhiều đặc thù. Dạy học cho mỗi đối tượng lại có những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, dù dạy học ở cấp nào, trình độ nào thì nghề dạy học cũng có những đặc điểm chung. Một số nhà khoa học ở nước ta đã đề cập đến đặc trưng của nghề dạy học với nhiều yếu tố đặc biệt thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản như sau:
Một là, đặc biệt ở vị trí và tính chất hoạt động của nhà giáo. Người xưa thường nói phi sư bất thành (không thầy đố mày làm nên). Khi xã hội phát triển có sự phân công lao động, dạy học là một nghề để để lấy thu nhập cho bản thân, gia đình và phục vụ xã hội như bất cứ nghề nào khác nhưng nếu không yêu nghề, không thấy tính trách nhiệm thiêng liêng của việc dạy người, trồng người thì không nên chọn nghề giáo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng là một nghề khó. Khó ở chỗ nhà giáo phải chịu sức ép của truyền thống coi trọng giáo dục, coi trọng người thầy của dân tộc, khó ở chỗ nhà giáo phải là người mô phạm, chuẩn mực, phải giữ gìn đạo đức, phải làm gương cho học trò.
Hai là, đối tượng lao động của nhà giáo là con người với sự đa dạng và phức tạp vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội. Theo Luật Giáo dục của nước ta thì người học có thể là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến không giới hạn độ tuổi (học tập suốt đời). Cùng một lứa tuổi, người học cũng có nhiều sự khác biệt cả về điều kiện sống, cả về khả năng nhận thức, cả về tình cảm… Có lúc ở vùng thuận lợi thì nhu cầu học thêm rất lớn trong khi ở vùng khó khăn thì cô giáo phải đến tận nhà vận động học sinh đến lớp học hoặc phải có gói kẹo trong cặp để dỗ học sinh ở trường. Người học một mặt chịu tác động của nhà giáo nhưng cũng lại có tác động ngược trở lại đối với nhà giáo.    
Ba là, nội dung, cách thức dạy học rất đa dạng xuất phát từ yêu cầu của xã hội. Giáo dục cần theo hướng dạy theo nhu cầu xã hội hoặc dạy những gì và xã hội và người học cần chứ không chỉ dạy những gì mà nhà trường và người thầy có sẵn. Cách dạy có thể là trò ngồi đất thầy ngồi chõng tre như ngày xưa, có thể ở phòng lớn hàng trăm người, có thể một thầy một trò nhưng cũng có thể thầy và trò cách nhau hàng nghìn km qua mạng (như phương thức đào tạo từ xa).
Bốn là, hoạt động dạy học vừa mang tính tập thể vừa mang dấu ấn cá nhân của người dạy. Tính tập thể vì nhân cách của người học do nhiều kênh tác động đồng thời. Dấu ấn cá nhân vì hoạt động của người dạy mang tính độc lập rất cao. Từ việc soạn bài, lên lớp, chấm bài, đánh giá người học… đều là hoạt động độc lập. Không những thế, hoạt động này vừa tác động vào nhận thức, vừa tác động vào tình cảm, tâm hồn của người học để giúp người học thành những công dân tốt, những người lao động tốt.
Năm là, kết quả dạy học thường đến muộn, khó đo, đếm được ngay như kết quả một số hoạt động khác. Kết quả của dạy học không phải chỉ ở bảng điểm đẹp mà phải được đánh giá từ mục đích của giáo dục. Đó là nhằm hình thành, phát triển ở người học kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu cuả cuộc sống và lao động. Các kiến thức, kỹ năng, thái độ này được hình thành dần dần. Kể cả khi kết thúc việc học rồi thì việc “chuyển hoá” vào cuộc sống cũng có một độ “trễ” nhất định. Vì lợi ích trăm năm trồng người là như vậy.
Từ những đặc trưng cơ bản như trên của nghề dạy học dẫn đến yêu cầu đối với nhà giáo là rất cao. Trong khuyến nghị của UNESCO về vị thế của nhà giáo có đoạn viết “Dạy học phải được tôn trọng như là một nghề nghiệp. Đây là một dạng dịch vụ công đòi hỏi người thầy phải chuyên về một kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đạt được và tính luỹ qua nghiên cứu không ngừng và nghiêm túc; nó cũng đòi hỏi một năng khiếu cá nhân và trách nhiệm tập thể đối với giáo dục và bổn phận của học sinh[3].
Có thể nói đến nhiều khía cạnh khác nữa của nghề dạy học. Đó là những đặc trưng cần được quan tâm, phân tích kỹ để lựa chọn, quy định về địa vị pháp lý, về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, quản lý nhà giáo trong quá trình hoàn thiện pháp luật về nhà giáo với tư cách là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý của xã hội. Việc thống nhất quản lý của nhà nước đối với nhà giáo là rất cần thiết nhằm xây dựng được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền… có chất lượng cao một cách ổn định. Nếu nhà nước không thống nhất quản lý thì dễ dẫn đến mất cân đối về cơ cấu và đặc biệt là chất lượng đội ngũ khó đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục. Nói như vậy không có nghĩa mọi quan hệ về nhà giáo đều cần và có thể quản lý bằng pháp luật. Việc tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo là cần song cũng rất khó vì đội ngũ nhà giáo rất đa dạng về trình độ, điều kiện làm việc, địa bàn làm việc, đối tượng tác động… Nhà nước cần xác định rõ vấn đề nào pháp luật tác động thì tốt. Vấn đề nào pháp luật tác động thì tốt nhưng chưa có điều kiện vật chất để thực hiện hoặc khó thể hiện về kỹ thuật. Cũng cần quan tâm vấn đề nhà giáo tồn tại với nhiều vai trò khác nhau trong xã hội vì vậy chịu tác động giao thoa của nhiều văn bản luật khác nhau.
Việc thống nhất quản lý của nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo cần thể hiện tập trung ở một số nội dung:
Một là, thống nhất quản lý về tiêu chuẩn, chức danh của nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.
Hai là, thống nhất quản lý về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Ba là, thống nhất quản lý về quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bốn là, thống nhất quản lý về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt đối với nhà giáo đầu ngành như các giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo ở các ngành nghề đặc biệt, các vùng khó khăn…
Trong nhà nước pháp quyền thì quản lý nhà nước bằng pháp luật là giải pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Để thực hiện việc thống nhất quản lý này, nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo phản ánh đúng tình hình thực tế đồng thời xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhà nước cũng cần tổ chức hệ thống cơ quan, cán bộ, công chức chuyên trách về công tác nhà giáo để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Cần thống nhất cơ quan quản lý về nhà giáo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo.
Nhà giáo là một nhóm xã hội đặc biệt bởi sự đông đảo và vai trò quan trọng đối với xã hội vì vậy pháp luật về nhà giáo phải thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Trách nhiệm của nhà nước pháp quyền XHCN là tạo điều kiện tốt nhất để hình thành đội ngũ và bảo đảm cho sự hành nghề của đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, pháp luật về nhà giáo phải thể hiện rõ các khía cạnh: nâng cao chất lượng hoạt động của nhà nước trong việc quản lý đội ngũ nhà giáo; dân chủ hoá hoạt động quản lý đội ngũ nhà giáo; đặc biệt trách nhiệm của nhà nước thể hiện ở các chính sách cơ bản sau:
- Nhà nước quản lý toàn bộ các quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo trong đó tập trung vào việc quản lý chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục.
- Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cho tất cả các loại hình nhà trường. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với tỷ lệ hợp lý theo từng cấp học và trình độ đào tạo.
- Khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường sư phạm, khoa sư phạm có chất lượng cao, đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Đổi mới cơ bản chương trình, nội dung, phương thức đào tạo nhà giáo. Thực hiện các hình thức bồi dưỡng đa dạng và thiết thực.
- Đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn, sử dụng nhà giáo. Thực hiện chế độ hợp đồng đối với nhà giáo. Coi trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy, giáo dục của nhà giáo.
- Thực hiện ưu tiên về chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành nghề, các phụ cấp và trợ cấp khác đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo thực sự khuyến khích để nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp. Có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà giáo làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với nhà giáo tài năng.
- Tôn vinh nhà giáo, nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo và nghề dạy học như một nghề cao quý nhất trong xã hội.
- Thực hiện xã hội hoá, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục; tăng cường giám sát xã hội đối với nhà giáo.
Các chính sách trên đây cần được “dịch” thành các quy phạm cụ thể trong các văn bản pháp luật bảo đảm tính hệ thống, đáp ứng yêu cầu quản lý. Các chính sách này cũng cần quan tâm thực hiện trên thực tế với các nguồn lực tương xứng trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cũng cần nhấn mạnh rằng trách nhiệm của nhà nước đối với nhà giáo cần xuất phát từ trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục với tư cách là “quốc sách hàng đầu”.
 
 

[1] Recommandation concernant la condition du personnel enseignant de l’ enseignement supérieur http:unesdoc.unesco.org/images/0011/001140/114048f.pdf
[2] Law teachers and lecturers (the republic of Indonesia)
[3] Déclaration sur l’éthique professionnelle
http:unesdoc.unesco.org/images/0011/001140/114048f.pdf
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 12(220), tháng 6/2012)