Những vấn đề mang tính nguyên tắc Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế Trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế và hội nhập

01/06/2012

TS. NGUYỄN TẤN PHÁT

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh

Khi các luật thuế đi vào đời sống và trở thành nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì thuế trở thành nguồn lực công và được xem như tài sản công cần phải được thực thi và quản lý nghiêm túc. Quản lý thu thuế có ý nghĩa quan trọng không chỉ mang tính thực thi pháp luật mà còn góp phần bảo đảm nguồn lực công không bị thất thoát và tiếp tục nâng cao giá trị nguồn thu trong dài hạn.
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập ở Việt Nam trong thời gian qua đã làm thay đổi nhanh chóng các quan hệ kinh tế và lợi ích cộng đồng của các bên liên quan như người dân, doanh nghiệp thuộc các khu vực dân doanh, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự chuyển động càng nhanh chóng các quan hệ kinh tế, lợi ích của cộng đồng đã tạo áp lực làm cho các điều khoản, nội dung của các luật thuế dễ bị lạc hậu hoặc không phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây cũng là một thách thức đối với các nhà làm luật cũng như các cơ quan quản lý thuế.
Bài viết đề cập một số khía cạnh mang tính nguyên tắc như sau trong thiết kế các nội dung về quản lý thuế.
Untitled_572.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Nội dung của các sắc thuế phải thích ứng với tình trạng biến đổi thông tin, nhằm đảm bảo tính ổn định của pháp luật về thuế
Trong những nội dung về thu thuế thường có nhiều kịch bản để lựa chọn giải pháp tối ưu, nên ưu tiên những giải pháp có khả năng thích ứng và chịu đựng được tình trạng thay đổi thông tin nhanh chóng về mức lương tối thiểu, lạm phát, mức sống, thu nhập… Trong trường hợp này, các con số cụ thể để ấn định mức thu thường dễ bị lạc hậu trong khoảng thời gian từ 1 - 3 năm, thậm chí lạc hậu nhanh chóng hơn nếu nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi có độ mở và hội nhập cao. Điều này lý giải tại sao các mức thu trong Luật thuế Thu nhập cá nhân như mức 4 triệu, giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu cho mỗi trường hợp tỏ ra lạc hậu nhanh chóng, thậm chí các đề xuất dự thảo 6 triệu, giảm trừ gia cảnh 2,4 triệu cho năm 2014 vẫn gặp các phản ứng của cộng đồng. Bởi vì lúc xem xét cho các mức này, mức lương tối thiểu là 830.000 đồng, nhưng từ ngày 1/5/2012 mức lương tối thiểu đã tăng lên là 1.050.000 đồng, tình trạng lạm phát cao của nền kinh tế, sự thay đổi mức sống và các chuẩn giá trị con người… Có những kịch bản khả thi và tối ưu hơn, đó là căn cứ vào mức lương tối thiểu hiện hữu và nhân với tỷ lệ lạm phát trung bình trong chuỗi thời gian và hệ số X nào đó. Trong trường hợp này, sự thích ứng với tình trạng biến đổi thông tin của các mức thu của Luật thuế sẽ cao hơn đảm bảo tính ổn định của luật pháp. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng riêng cho các Luật thuế mà còn xem xét các chính sách hỗ trợ mang tính an sinh xã hội như tiêu chuẩn xem xét đối tượng hộ nghèo, cho sinh viên vay tiền học tập và sinh hoạt…
2. Các luật về thuế không chỉ mang tính chất là nguồn thu mà còn xem xét ở khía cạnh điều tiết và nuôi dưỡng nguồn thu
Nếu chỉ chú trọng các sắc thuế ở khía cạnh là nguồn thu để rồi cố thu cho nhiều dễ dẫn đến triệt tiêu đối tượng thu thuế và hệ quả cấp hai không mong muốn đó là cản trở sự phát triển và xung đột lợi ích giữa Nhà nước và cộng đồng. Thuế Thu nhập doanh nghiệp là một điển hình, mặc dù Nhà nước đã điều chỉnh giảm từ 25% xuống thấp hơn, ở ngưỡng trên dưới 20% trong thời kỳ suy thoái nhưng xem ra hãy còn khá cao cho doanh nghiệp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế, chuyển giá khá phổ biến hiện nay, nhất là các doanh nghiệp FDI và cũng là mảnh đất có thể phát sinh tình trạng thỏa hiệp giữa cán bộ thu thuế với doanh nghiệp, nếu không muốn nói đến từ nặng hơn đó là tham nhũng thuế. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore được các doanh nghiệp FDI đánh giá là thông thoáng và khá nhẹ nhàng về thuế thu nhập doanh nghiệp. Thật ra, Singapore có thể thu từ các nguồn khác như sự tiêu dùng của các doanh nghiệp cho vận tải, dịch vụ hàng hải, tài chính, hải quan, sinh hoạt… tổng gộp lại số thu nhiều hơn, lâu bền hơn và hơn thế nữa, đó sẽ là phương thức marketing cho đất nước Singapore một cách hiệu quả nhất.
Để thực hiện các nguyên tắc này, các sắc thuế trước khi ban hành phải chú trọng đến tính phản biện xã hội của các chuyên gia độc lập ở các lĩnh vực luật pháp, kinh tế, xã hội học, dự báo và người dân.
3. Hiện đại hóa hệ thống công nghệ quản lý thuế và thu thuế
Hệ thống thông tin, điện toán vận hành phải hiện đại và đồng bộ để các số liệu hiển thị minh bạch sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện cho cả đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế. Khuyến khích và mở rộng các hình thức khai và nộp thuế qua mạng cũng như xử lý công việc qua thư điện tử. Trong thời đại công nghệ và thông tin phát triển như ngày nay, phương thức này có tính khả thi và hiệu quả. Vấn đề then chốt là công nghệ quản lý thuế phải bảo đảm hoạt động hiệu quả, thủ tục thuế phải đơn giản, các dữ liệu phải chính xác và có thể xử lý những sai sót dễ dàng. Bên cạnh lợi ích về tiết kiệm thời gian và nguồn lực, việc quản lý thuế bằng công nghệ hiện đại cho phép kết nối thông tin có liên quan mọi lúc, mọi nơi, nhờ đó sự kiểm tra giám sát sẽ hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, các giao dịch thông qua hệ thống thông tin sẽ tránh trường hợp phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp giữa đối tượng nộp thuế và cán bộ thuế có thể sẽ dẫn đến sự thương lượng, thỏa hiệp mang tính tiêu cực.
4. Trình độ và đạo đức công vụ của cán bộ thực hiện công tác thuế
Trong khu vực tư nhân, động cơ lợi nhuận và phát triển cá nhân là sự khích lệ việc tìm kiếm những quyết định khôn ngoan và thích nghi, điều này dẫn đến các hành vi thương lượng, hối lộ cho các viên chức thuế. Nhưng trong khu vực nhà nước, động cơ cá nhân không thể là tác nhân chính. Hoặc nếu có cũng không thể là trực tiếp. Cái có thể thúc đẩy viên chức động não tìm tòi hướng cải thiện hiệu quả là lương tâm, tinh thần trách nhiệm, ý thức về sự phát triển cộng đồng, vì cuộc sống người nghèo… Tuy nhiên, trong thực tế, con người có thể dễ bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất của đời thường, viên chức nhà nước cũng không ngoại lê. Vậy làm thế nào để tránh tình trạng tiêu cực trong công tác hành thu thuế là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Nhằm giảm thiểu những trường hợp tiêu cực không mong muốn, các vấn đề cần lưu ý: (1) nội dung của các sắc thuế rõ ràng, không kẽ hở để các bên có thể lợi dụng để thương lượng; (2) yêu cầu về trình độ của viên chức hành thu đủ tầm với công việc, nhất là vấn đề chuyển giá của khu vực FDI đòi hỏi trình độ của cán bộ thu thuế phải ngang tầm kế toán trưởng hoặc giám đốc tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài; (3) việc giám sát chéo, thanh tra trước, trong và hậu công tác hành thu cần phải chặt chẽ; (4) mức lương phải đảm bảo cuộc sống cho viên chức và (5) hình thức kỷ luật sa thải phải thường được thực thi cho các trường hợp tiêu cực để mang tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
5. Xem xét các điều khoản ân hạn hoặc khuyến khích đúng đối tượng và chặt chẽ nhằm tránh các trường hợp đối tượng nộp thuế lợi dụng để trục lợi gây thất thoát thuế
Trong các luật thuế luôn chứa đựng yếu tố ân hạn hoặc khuyến khích, đây cũng là nét đặc thù của các luật về thuế. Tuy nhiên, các đối tượng nộp thuế thường lợi dụng để trục lợi và hậu quả là thất thoát số lượng tiền thuế của Nhà nước. Trường hợp gia hạn thời gian nộp thuế nhập khẩu ở Việt Nam là một thí dụ. Hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế không thu được sau khi doanh nghiệp nhập hàng với khối lượng lớn và sau đó biến mất. Nếu bỏ điều khoản này thì thiệt thòi cho các doanh nghiệp làm ăn tử tế nhưng nếu tiếp tục thực hiện thì lại tiếp tục chứng kiến tình trạng trên. Một phương án được các cơ quan đề xuất là buộc các doanh nghiệp ký quỹ với ngân hàng, nhưng điều này vô tình lại làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Trong lúc tìm phương án tối ưu giải quyết thì vấn đề được lật lại: đó là quá trình xác minh việc thành lập doanh nghiệp, các yêu cầu về năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Việc cho phép thành lập doanh nghiệp dễ dàng là đúng, nhưng cần phải chặt chẽ và trách nhiệm hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau để kịp thời phát hiện các đối tượng gian lận thuế.
6. Xây dựng các công cụ định lượng để kiểm soát các luật thế
Ngày nay, công cụ định lượng được sử dụng phổ biến trong việc tìm kiếm giải pháp, thực hiện và quản trị chính sách công, trong đó các luật về thuế và quản lý thuế cũng không ngoại lệ. Xuyên suốt quá trình khảo sát, phân tích hiện tượng xã hội và đưa ra các giải pháp thay thế cần sử dụng nhiều công cụ định lượng. Các khâu thường sử dụng công cụ định lượng: (1) thu thập thông tin và dữ liệu về vấn đề xã hội cần chính sách thuế; (2) xác định và đánh giá các giải pháp thay thế nhau khi lựa chọn từng mức thuế; (3) phân loại và xếp hạng giải pháp về thuế. Khi thực hiện công cụ định lượng, coi trọng đến các vấn đề chi phí - lợi ích, kể cả những chi phí - lợi ích không thể định lượng như văn hóa, tinh thần, niềm tin và các giá trị khác. Hệ thống các công cụ định lượng giúp cho nhà quản lý trong quá trình ra quyết định chính sách trở nên khoa học, khách quan và lý trí. Tuy nhiên, công cụ định lượng chỉ mang tính hỗ trợ, thúc đẩy tính hiệu quả trong quản lý chứ không thể thay thế cho nhà quản lý. Các công cụ định lượng tốt còn giúp quá trình thống kê, theo dõi những biến động trong các điều khoản của Luật thuế từ đâu, tần số lặp lại ở cấp độ nào, khu vực trong các sắc thuế dễ xảy ra xung đột…
Thuế là nguồn thu mang tính bắt buộc và là nguồn lực không thể thiếu cho mỗi Nhà nước trong quá trình thực hiện các chức năng quản lý của mình đối với xã hội. Khía cạnh thứ nhất của Luật Quản lý thuế là đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế để bảo đảm nguồn lực công. Khía cạnh thứ hai của Luật Quản lý thuế là đảm bảo các loại thuế khi thực thi phải mang tính ổn định, tránh sự xung đột thái quá đến lợi ích của cộng đồng, nhất là những nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế và hội nhập như Việt Nam. Do đó, những vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế cần phải chú trọng trước và trong khi xây dựng luật về quản lý thuế./.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 11(219), tháng 6/2012)