Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng phẩm chất cán bộ ngành tư pháp

01/03/2012

ThS. NGUYỄN THẾ PHÚC

Trường Đại học Khoa học Huế.

ThS. NGUYỄN VĂN KIỆM

Trường Đại học Khoa học Huế

1.Cán bộ tư pháp phải đề cao lòng yêu nước, thương dân
 Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người chỉ rõ giá trị pháp lý cho một nền lập pháp mới sẽ được hình thành: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[1]. Từ cơ sở đó, chế độ dân chủ mới ra đời là hợp với lẽ tự nhiên, cho nên: “Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn thể dân tộc Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam”[2]. Như vậy, chế độ mới ra đời đã thủ tiêu những chính sách cai trị cùng với các đạo luật hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay sai để dựng nên một thể chế chính trị mới vì nhân dân. Để cho nền lập pháp, hành pháp và tư pháp của thể chế chính trị mới trở thành ba trụ cột có giá trị vững chắc trong nền dân chủ, pháp quyền, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của pháp luật xã hội chủ nghĩa, thì phẩm chất hàng đầu của cán bộ tư pháp phải thấm nhuần, đó là lòng yêu nước, thương dân.
Pháp luật là hình thái ý thức xã hội, là ý chí của giai cấp thống trị, giai cấp thống trị nâng ý chí cai trị lên thành luật, vì vậy, bên trong các đạo luật là lợi ích kinh tế và chính trị. Dưới góc độ triết học, những quy định, điều chỉnh các quan hệ xã hội là hiện tượng bên ngoài của pháp luật còn lợi ích kinh tế chính là bản chất giai cấp của pháp luật. Từ mối quan hệ này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình, luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân ta”[3]; pháp luật phong kiến là bất bình đẳng, đó là pháp luật thống trị; phong kiến đặt ra luật để trị nông dân. Người dẫn chứng “Trong luật Gia Long cũ của nước ta, có một điều quy định rằng kẻ nào chạy qua đường khi vua đi qua là phạm tội. Tội ấy là tội phạm tất (phạm vào đầu gối của vua) và người phạm tội phải bị chém. Phạm vào người vú nuôi của vua thì không bị chém nhưng cũng bị tù. Các sĩ tử đi thi mà phạm húy, nghĩa là không biết kiêng tên họ hàng nhà vua, là bị trượt…”[4]; pháp luật tư sản là pháp luật áp bức, bóc lột, tư bản đặt ra luật để trị công nhân và nhân dân lao động: “Giai cấp tư sản gian ngoan hơn giai cấp phong kiến, lừa bịp quần chúng tinh vi hơn. Giai cấp tư sản tuyên truyền rằng… pháp luật của nhà nước tư sản là ý chí của toàn dân, cho nên mọi người phải phục tùng pháp luật”[5]. Pháp luật của thực dân và phong kiến đã cho thấy, bản chất của thực dân và phong kiến là áp bức và bóc lột, vì vậy mà tính tàn bạo dã man của nó được bộc lộ qua người thực thi pháp luật. Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Tên hạ sĩ quan đã đánh anh Na-hông cũng như tên sĩ quan đã giết chết anh, không bị trừng phạt gì cả”[6] và “Cùng một hành động, nếu là của lũ “bốt-sơ” thì là tội ác, nhưng nếu là của người Pháp thì là văn minh!”[7]. Những dẫn chứng trên cho thấy, những tên thực dân xâm lược không coi người dân các dân tộc thuộc địa là người. Cho nên, không có công lý đối với người bản địa “Pháp luật, công lý đối với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba-toong, súng ngắn, súng dài”[8]. Để vạch trần tội ác đó, Hồ Chí Minh dẫn lời của một cựu nghị sĩ sau khi đi thăm thuộc địa về đã phải thốt lên “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!”[9]. Dưới chế độ thuộc địa “chẳng còn luật lệ nào khác ngoài sự tùy tiện của bọn nhà đoan. Bởi vậy, người Việt Nam rất sợ bọn nhà đoan, cứ thoáng thấy chúng là họ vứt ngay giữa đường những thúng muối, thúng cau hoặc thuốc lào của họ; thà vứt đi còn hơn là phải đóng thuế hết khoản này đến khoản khác mãi mãi không thôi”[10]. Những điều này đã phản ánh tính man rợ của pháp luật thực dân và phong kiến.
Để xây dựng chế độ dân chủ mới, thể hiện tính chất ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ, theo Hồ Chí Minh, một mặt phải lên án, tố cáo tính chất tàn bạo của pháp luật cũ, đồng thời đặc biệt coi trọng đến xây dựng pháp luật mới, trong đó lấy xây dựng là chủ chốt. Pháp luật mới phải chuyển tải được tính nhân văn, dân chủ, bình đẳng, văn minh và tiến bộ. Đặc biệt, pháp luật phải đặt lợi ích của nhân dân lao động lên trên hết, vì nhân dân lao động, bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động; pháp luật vì con người và vì sự tiến bộ chung của nhân loại.Vì vậy, cán bộ ngành tư pháp“Trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Phải có quyết tâm kháng chiến để đi đến thắng lợi hoàn toàn, không sợ hy sinh, gian khổ”[11]. Từ đó, Hồ Chí Minh đã khẳng định một triết lý mang tính nhân văn sâu sắc mà Người yêu cầu cán bộ tư pháp phải khắc sâu vào trong tâm khảm của mình: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân”[12]. Những tư tưởng này của Người vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân hiện nay.
2. Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ nhân dân, liêm khiết và gương mẫu, chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật, chí công vô tư, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân
Trong Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ “Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới. Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”[13]. Như vậy, Hiến pháp năm 1946 đã chuyển tải được yêu cầu về thể chế chính trị (dân chủ cộng hòa). Chế độ dân chủ đối lập với chế độ chuyên chế, độc tài của thực dân và phong kiến. Trong chế độ dân chủ, địa vị của người dân là cao nhất, dân là chủ, là chủ thì “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[14]. Vì vậy, một yêu cầu có tính nguyên tắc mà Hồ Chí Minh đặt ra là pháp luật phải đảm bảo các quyền tự do dân chủ, cán bộ ngành tư pháp phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của nhân dân, cho dù ở bất kỳ tình huống nào cũng phải đặt lợi ích của dân lên trên hết và trước hết. Người viết: “Các bạn là viên chức của Chính phủ dân chủ cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ”[15]. Sự trung thành với chính quyền của cán bộ tư pháp được thể hiện trong công việc hàng ngày, phải làm đúng pháp luật, mục đích là làm cho pháp luật phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Ngoài ra, cán bộ tư pháp còn phải bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động; luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, không làm những việc hại dân, hại nước; không làm những việc không có lợi cho chính quyền, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, như tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền…
Đối với Hồ Chí Minh, trung thành với chính quyền còn được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm trước nhân dân trong từng việc làm cụ thể hàng ngày, phải biết vượt khó trong công tác. Tại Hội nghị tư pháp toàn quốc ngày 22/3/1957, Người căn dặn, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ tư pháp phải cố gắng để thực hiện nhiệm vụ chung của dân tộc là đấu tranh thống nhất nước nhà. Người yêu cầu cán bộ tư pháp phải nhận thức đúng vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ chế độ. Vì vậy, cần phải xây dựng pháp luật để góp phần giáo dục lòng trung thành của nhân dân vào chế độ; đồng thời ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân. Đối với những hành động phản quốc, Người có một thái độ rất nghiêm khắc, chính Người đã chỉ đạo Ban dự thảo Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng (1967), trong đó chỉ rõ “Kẻ nào là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa câu kết với nước ngoài để gây nguy hại cho độc lập và chủ quyền dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nguy hại cho chế độ xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc bị xử tử hình”[16].
Trung thành với chính quyền còn được thể hiện trong thực thi pháp luật phải liêm khiết và gương mẫu, chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật, chí công vô tư, gần dân, hiểu dân, học dân để giúp dân. Vì vậy, khi nói về trách nhiệm của cán bộ tư pháp, trong Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc, năm 1948, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Các bạn là bậc tri thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, làm gương cho nhân dân trọng mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân”. Bên cạnh nhắc nhở cán bộ tư pháp phải làm gương cho nhân dân, Người còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi pháp luật một cách vô tư, khách quan, phải đặt tinh thần liêm khiết lên hàng đầu. Người viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”[17] cho nhân dân noi theo. Và “trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”[18]. Trong thực tế, vẫn có một số cán bộ phạm phải sai lầm, khuyết điểm do quan liêu, mệnh lệnh; xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân. Song, cũng có nhiều trường hợp do cán bộ chưa thông suốt pháp luật, chưa rành cách làm việc mà phạm khuyết điểm. Để sửa chữa những khuyết điểm đó, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ và lời căn dặn đó như một cẩm năng để sửa chữa khuyết điểm. Người nói, sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước nồng nàn và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.
3.Cán bộ tư pháp phải giỏi về chuyên môn, thạo về nghiệp vụ, đồng thời phải am hiểu pháp luật quốc tế
Công tác tư pháp là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sự công bằng của từng con người và xã hội, đến những số phận con người cụ thể, pháp luật góp phần trực tiếp tạo ra giá trị để làm mực thước cho xã hội, điều chỉnh hành vi con người, hướng tới tự do dân chủ, bình đẳng, bác ái. Trong sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng một xã hội mới, pháp luật là vũ khí cơ bản quyết định đến sự thắng lợi đó. Đồng thời, pháp luật là phương tiện để đưa con người tiệm cận đến chân lý, đạt đến trạng thái tự do cao nhất của mỗi người. Một xã hội tự do và dân chủ là một xã hội dựa trên nền tảng pháp luật, phải xem pháp luật là “bà đỡ” của tự do và dân chủ. Cá nhân muốn đạt đến tự do, chiếm lĩnh tự do, trước hết, yêu cầu phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; vượt ra khỏi ranh giới pháp luật là vi phạm đến tự do của người khác, vi phạm đến tự do của người khác đồng nghĩa với việc tự đánh mất tự do của cá nhân mình. Tất nhiên, tự do không phải thích làm gì thì làm, mà tự do là nhận thức được tính tất yếu, hành động đúng pháp luật, tuân theo pháp luật, vì vậy người nào nắm vững luật, hành động đúng luật đó là người tự do. Tự do là quyền tự nhiên tất yếu, có sẵn của con người. Nhưng không phải quyền tự nhiên tất yếu đều có sẵn, đều hiện hữu, nó chỉ hiện hữu khi con người nhận thức được và nhận thức đúng về pháp luật.
Đối với cán bộ tư pháp, đòi hỏi cơ bản trước hết và tất yếu là phải giỏi về chuyên môn, am hiểu tường tận luật pháp. Sau Cách mạng Tháng Tám, hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ thực trạng của xã hội Việt Nam vừa thoát thai từ một chế độ phong kiến, thực dân đi vào con đường dân chủ nhân dân, mà Người thường gọi là thoát thai từ hố bùn, lại bị thực dân đầu độc, chúng thực hiện chính sách ngu dân, cho nên chưa ai quen với ý thức pháp luật, còn xa lạ với ý thức chấp hành pháp luật, sự tùy tiện trong quản lý xã hội của quan lại, thực dân cùng với những ứng xử cảm tính, theo những thói quen, truyền thống xấu. Đó là mặt hạn chế và cũng là khó khăn lớn nhất của nền lập pháp. Thêm vào đó là luật pháp còn chưa đủ. Khắc phục khó khăn này, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ tư pháp phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước dân tộc “Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn”[19]. Bởi vì, “Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy”[20]. Cán bộ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện thiếu thốn, công việc thì ngày càng mới, yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, cán bộ ngành tư pháp phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, chuyên môn và nghiệp vụ; phải nghiên cứu pháp luật quốc tế để tiếp thu những cái hay, cái tinh túy góp phần xây dựng pháp luật Việt Nam hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thời đại là hòa bình, dân chủ và tiến bộ.  
Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, điều đó đòi hỏi cán bộ tư pháp càng phải am hiểu luật pháp quốc tế hơn để tư vấn cho các đối tượng khi tham gia hội nhập, tránh tình trạng phạm luật các nước sở tại; đặc biệt khi có sự cố tranh chấp về kinh tế mà lẽ phải thuộc về chúng ta như “việc Mỹ áp thuế bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam” thì đội ngũ cán bộ tư pháp tự tin và sẵn sàng trong các phiên tòa quốc tế để đòi lại chính nghĩa.
4. Cán bộ tư pháp phải có tinh thần dân chủ và đoàn kết, thấm nhuần đạo đức cách mạng
Dân chủ và đoàn kết là một trong những phẩm chất quan trọng để cán bộ tư pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc, vì vậy trong Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc (2/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”[21]. Người đã chỉ rõ nhiệm vụ chung của dân tộc, để từ đó ngành tư pháp thấy được nhiệm vụ cao cả của mình “Bây giờ cả nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân”[22]. Từ đó, Người đã chỉ ra cẩm nang mấu chốt để khắc phục những khó khăn trên, góp phần đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Người viết “Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình và tự phê bình”[23]. Cùng với đoàn kết tốt, trong công việc phải thực hành dân chủ. Dân chủ là cơ sở khoa học để xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững chắc. Bởi vì, muốn đoàn kết thì tư tưởng phải thống nhất; muốn thống nhất phải dân chủ. Hồ Chí Minh viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”[24]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh dân chủ và đoàn kết luôn gắn bó thống nhất với nhau, đó là một mối quan hệ biện chứng trong nhận thức và hành động mà Người yêu cầu cán bộ tư pháp phải thực hành triệt để.
Bên cạnh đó, Người cũng yêu cầu cán bộ tư pháp phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, xem phục vụ nhân dân là một việc làm cao thượng. Người yêu cầu cán bộ tư pháp phải hiểu rõ pháp luật, không có pháp luật chung chung, mà chỉ có một bên là pháp luật cách mạng, tiến bộ và một bên là pháp luật phản động, thoái hóa.
Hồ Chí Minh đã thấy được chiều sâu của việc giáo dục nhân dân tự giác, nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, tuân theo pháp luật. Muốn cho nhân dân và xã hội tôn trọng pháp luật, thì yêu cầu trước hết có tính nguyên tắc mà Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ tư pháp là phải trau dồi đạo đức cách mạng. Rèn luyện đạo đức cách mạng là rèn luyện theo các chuẩn mực cụ thể như: trung với nước, hiếu với dân; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đối với cán bộ tư pháp, đạo đức cách mạng còn được thể hiện ở việc nêu cao tấm gương phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ tư pháp gương mẫu tuân thủ pháp luật là một yếu tố không thể thiếu được của con người xã hội chủ nghĩa./.
 
 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t. 4, tr. 3
[2] Sđd, t. 4, tr. 3
[3] Hồ Chí Minh, Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Pháp lý, H., 1985, tr. 185
[4] Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 186
[5] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 186
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 90
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 90
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 90
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 69
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 75 - 76
[11] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 187
[12] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 187 - 188
[13] Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr. 7
[14] Hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr. 8
[15] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 86
[16] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 214
[17] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 86
[18] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 91
[19] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 187
[20] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Hội luật gia Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh. 1985, tr. 85
[21] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 86
[22] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 93
[23] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 93
[24] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Sđd, tr. 239

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(213), tháng 3/2012)


Thống kê truy cập

32792845

Tổng truy cập