Thành công và bất cập Trong chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên

01/04/2012

ThS. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

Viện Xã hội học

Dựa vào nguồn tài liệu (chủ yếu là các nghị định, thông tư của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội (TGXH), kết quả nghiên cứu và báo chí từ năm 2000 đến nay, bài viết chỉ ra một số thành công và bất cập của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên (TGXHTX) ở nước ta, đồng thời gợi mở một số giải pháp nhằm hoàn thiện hơn chính sách TGXHTX, góp phần cải thiện công bằng xã hội, ổn định phát triển bền vững đất nước.
 
Untitled_593.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thành công và bất cập trong hoạt động trợ giúp xã hộithường xuyên
TGXHTX là sự trợ giúp của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng về vật chất và tinh thần cho những đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn (gọi là đối tượng bảo trợ xã hội) không tự lo được cuộc sống (một hoặc nhiều năm) để họ ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng xã hội và phát triển[1]. TGXHTX được xem là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên hệ thống chính sách TGXH ở nước ta. Tổng quan nghị định và thông tư liên tịch ban hành 10 năm qua cho thấy, Nhà nước đã có những quy định rõ về các khía cạnh liên quan đến TGXHTX như: đối tượng trợ giúp; mức trợ giúp và nguồn kinh phí; cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc, quản lí; sự tham gia của các đối tác xã hội.
Đối tượng trợ giúp: Một thập kỷ qua, nhiều văn bản pháp luật ra đời đã không ngừng mở rộng diện bao phủ đến các nhóm xã hội yếu thế cần trợ giúp; tiêu biểu là Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội, Nghị định số 168/NĐ-CP ngày 20/9/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP. Nhìn chung, các nghị định này tập trung vào cá nhân, nhóm yếu thế trong xã hội đang gặp khó khăn về sức khỏe, bệnh tật, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa. Tuy nhiên, đối tượng đang gặp khó khăn về lao động, việc làm và khó khăn khác chưa được đề cập đến.
Điểm nổi bật là các nghị định đã từng bước mở rộng, cập nhật đối tượng thụ hưởng nảy sinh do các biến cố kinh tế - xã hội. Nếu Nghị định 07/2000 chỉ có 4 nhóm đối tượng thụ hưởng là trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật nặng, người tâm thần mãn tính thì Nghị định 67/2007 đã tăng lên đến 9 nhóm đối tượng, trong đó nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung như: người cao tuổi (85 tuổi trở lên); người nhiễm HIV/AIDS; hộ gia đình có từ 02 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ; gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi...). Điều đáng lưu ý là hai Nghị định này sau khi ban hành 3-4 năm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tiếp tục điểu chỉnh tiêu chí xét đối tượng hưởng lợi.Chẳng hạn, Nghị định 168/2004 bổ sung nhóm trẻ em nhiễm HIV dương tính,Nghị định 13/2010 mở rộng tới các đối tượng tàn tật nặng không có khả năng lao động không chỉ ở các hộ nghèo...
Sự điều chỉnh này dẫn đến đối tượng hưởng lợi TGXHTX tăng gấp đôi kể từ năm 2001 đến 2005, với hai nhóm hưởng lợi mới là người cao tuổi (trên 90 tuổi) và người nhiễm HIV/AIDS. Các chương trình đã có từ trước cũng tăng đáng kể như: chương trình cho trẻ mồ côi và người khuyết tật cũng tăng gần gấp đôi và chương trình cho người già cô đơn và người tàn tật nghèo tăng hai phần ba[2].
Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đối tượng được TGXHTX từng bước được mở rộng và tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2005 có khoảng 416.000 đối tượng, đến năm 2008 đã tăng lên trên một triệu đối tượng. Trong đó, nhóm người già (từ 85 tuổi trở lên) không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội chiếm 43,1%. Đây là nhóm tăng nhiều nhất do đã giảm độ tuổi được thụ hưởng từ 90 tuổi xuống 85 tuổi. Nhóm người khuyết tật chiếm 24,5%, người già cô đơn chiếm 9,6%, người tâm thần chiếm khoảng 8,6%, người đơn thân nuôi con nhỏ chiếm khoảng 7,6%, trẻ em mồ côi chiếm 5%, còn lại là các đối tượng khác. Năm 2010, đối tượng hưởng TGXHTX theo Nghị định 13/2010 lên đến khoảng 1,6 triệu người.
Các văn bản chính sách về TGXHTX liên tục được bổ sung nhằm tiếp cận đến các nhóm xã hội yếu thế cần được trợ giúp. Song, hệ thống văn bản này mới chỉ tiếp cận đến nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về sức khỏe, bệnh tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa. Theo chúng tôi, thực tế số đối tượng cần TGXHTX vẫn còn rất lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 1,3 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 3,4 - 4 triệu hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhiều đối tượng cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Đồng thời tính đến cuối năm 2008, cả nước có trên 500 cơ sở bảo trợ xã hội và cở sở 05 - 06, thuộc hệ thống của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội cần tư vấn, giúp đỡ, cần trợ giúp và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội[3]. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng mới phát sinh do biến cố kinh tế - xã hội - tự nhiên đang rất cần được trợ giúp, ví dụ như nhóm lao động làm việc ở các khu vực phi chính thức ở nước ta hiện nay, việc làm của họ bấp bênh, mức lương thấp và chưa được hưởng chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ của chủ doanh nghiệp. Theo điều tra lao động việc làm, tỷ lệ việc làm phi chính thức trong năm 2007 là 71,7% và năm 2009 là 70,5%, tăng về số lượng khoảng trên 1 triệu người trong 2 năm (từ 16,717 triệu năm 2007 đến 17,736 triệu năm 2009). Các báo cáo gần đây cũng chỉ ra rằng, người lao động tại các khu vực phi chính thức chưa được hưởng nhiều các chính sách an sinh xã hội, nguồn thu nhập thấp và bấp bênh, TGXH đối với nhóm xã hội này là rất cấp bách[4]. Vậy, chính sách TGXHTX có nên điều chỉnh tiếp cận đến nhóm đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức không? Theo chúng tôi, đây là vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận để xem xét các khả năng hiện có và mức độ cần hỗ trợ, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh chính sách TGXH.
Mức trợ giúp: Điều dễ nhận thấy là mức trợ cấp liên tục được điều chỉnh trong các nghị định gần đây. Chẳng hạn, Nghị định 07/2000 mức trợ cấp tối thiểu bằng 45 ngàn đồng/người/tháng thì Nghị định 67/2007 nâng lên 120 ngàn đồng/người/tháng và gần đây nhất Nghị định 13/2010 tiếp tục nâng mức trợ cấp hàng tháng lên 180 ngàn đồng/người/tháng.
Mức TGXHTX thời gian qua đã phần nào giảm bớt khó khăn và cải thiện cuộc sống cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, quy định về mức độ trợ cấp vẫn còn tồn tại một số bất cập, như ngoài mức trợ cấp còn thấp thì trợ cấp còn mang tính chất “ bình quân”. Ví dụ: người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo và người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu... đều được hưởng trợ cấp tại cộng đồng như nhau với mức 180.000 đồng/người/tháng (năm 2010). Một bất cập nữa là việc điều chỉnh mức trợ cấp chưa kịp thời so với các yếu tố khác như: tiền lương, biến động của giá cả thị trường... Từ năm 2001 đến năm 2010 mức trợ cấp xã hội ở cộng đồng được điều chỉnh tăng 4 lần từ 45 à 65 à 120 và hiện nay 180.000 đồng/tháng, trong khi tiền lương tối thiểu thời gian này đã thay đổi 9 lần (từ 144 à 180 à 210 à 290 à 350 à 450 à 540 à650 à 730 và hiện đang là 830.000 đồng), tăng gần 7 lần[5]. Những bất cập này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhóm thụ hưởng.
Nguồn kinh phí: Qua các nghị định cho thấy, nguồn kinh phí giành cho TGXHTX không ngừng được điều chỉnh 10 năm qua. Nếu Nghị định 07/2000 quy định khoản TGXHTX do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương thì đến Nghị định 67/2007 quy định phân cấp rõ ràng hơn nguồn kinh phí TGXHTX tại cộng đồng; kinh phí nuôi dưỡng, kinh phí hoạt động bộ máy, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó đảm bảo theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật này. Điều 16 Nghị định 67/NĐ-CP năm 2007 cũng ghi rõ: Cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí và hiện vật (nếu có) do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành. Điều đáng lưu ý là các điều khoản liên quan đến nguồn kinh phí được điều chỉnh nhiều trong các nghị định gần đây, mở rộng các khoản chi và tăng cường sự tham gia đóng góp của cá nhân và các tổ chức xã hội cho nguồn kinh phí trợ giúp.
Các số liệu thực tế cũng phản ánh những thay đổi về mức độ trợ cấp dẫn đến nguồn kinh phí TGXHTX từ ngân sách nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh trong một thập kỷ qua, từ 113 tỉ đồng cho hơn 180.000 người (năm 2001) tăng lên 4.500 tỉ đồng cho hơn 1,6 triệu người (năm 2010)[6].
Như vậy, những thay đổi mức trợ cấp và điều chỉnh về nguồn kinh phí dành cho hoạt động TGXHTX trong một thập kỷ qua đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện cuộc sống của nhóm yếu thế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: mức trợ cấp cho các nhóm đối tượng còn quá thấp, mang tính bình quân, điều chỉnh mức trợ cấp còn chậm so với mức lương và giá cả thị trường. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các nhóm thụ hưởng. Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện trợ cấp thường xuyên hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương tự cân đối; sự đóng góp của cá nhân, cộng đồng, tổ chức xã hội rất ít. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho những địa phương nguồn thu ít; đồng thời cũng dẫn đến sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận chính sách xã hội của người dân ở các địa phương khác nhau.
cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc, quản lý: Trải qua một thời gian dài chiến tranh, cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc tốt giành cho các nhóm xã hội yếu thế ở Việt Nam không được phát triển mà hơn thế còn bị tàn phá nặng nề. Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước nhận thức tầm quan trọng của công tác chăm sóc các đối tượng yếu thế nên đã quan tâm đến hệ thống cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc từ trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, do kinh tế thời bao cấp khó khăn nên sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cùng điều kiện chăm sóc cho các nhóm yếu thế là rất yếu ớt. Thay đổi kinh tế từ đổi mới đến nay đã tạo điểu kiện thuận lợi cho Nhà nước và các tổ chức xã hội ở nước ta quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm sóc, quản lý. Bằng chứng rõ nhất là các quy định tại Nghị định 07/2000 và Nghị định 67/2007 đều rất quan tâm đến vấn đề điều kiện chăm sóc cho các nhóm yếu thế. Nhà nước tăng kinh phí đầu tư cho việc xây dựng và nâng cấp cơ sở chăm sóc và điều trị cho các nhóm yếu thế; ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích các tổ chức xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc. Điều này thúc đẩy nhiều mô hình TGXH được xây dựng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Phong trào xã hội hóa chăm sóc đối tượng được mở rộng đã bổ sung đáng kể cho nguồn lực còn hạn chế từ ngân sách. Số cơ sở bảo trợ xã hội và đội ngũ cán bộ hoạt động tại các cơ sở bảo trợ tăng nhanh qua từng năm.
Cơ sở bảo trợ xã hội: Tính đến tháng 12/2005, cả nước có khoảng 317 cơ sở bảo trợ xã hội với đội ngũ nhân viên là 4.096 người, trong đó có 182 cơ sở do Nhà nước thành lập; 100 cơ sở do các tổ chức xã hội, 18 cơ sở tư nhân và 17 cơ sở do nhà thờ quản lý. Các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng khoảng 25.110 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó 15.857 trẻ em mô côi; gần 5000 người khuyết tật, tâm thần; 4000 người già cô đơn và một tỷ lệ nhỏ là người lang thang[7]. Số cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt là cơ sở ngoài nhà nước tiếp tục tăng mạnh thời gian gần đây. Tính đến tháng 12/2008, cả nước có khoảng 571 cơ sở bảo trợ xã hội. Các cơ sở bảo trợ xã hội trên nuôi dưỡng khoảng 14.613 đối tượng. Hơn 1/3 trong số đó là các cơ sở ngoài Nhà nước. Tính đến năm 2008, nước ta có khoảng 400 cơ sở bảo trợ xã hội với hơn 4 ngàn cán bộ nhân viên, nuôi dưỡng khoảng 30 ngàn đối tượng. Số cơ sở ngoài Nhà nước chiếm khoảng 50%[8] .Gần đây, Nhà nước đã triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội, điều này không chỉ tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, mà còn nhận được sự đồng thuận, trợ giúp từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Nghề công tác xã hội đã bắt đầu đào tạo và đào tạo lại cho khoảng 1.500 cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Bên cạnh đó là việc hướng dẫn triển khai các dịch vụ công tác xã hội tại 500 cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ này.
Bên cạnh sự phát triển cơ sở bảo trợ thì công tác quản lý các hoạt động liên quan đến TGXHTX đang từng bước củng cố như: công tác thống kê phân loại đúng đối tượng, quản lý và theo dõi hồ sơ được thực hiện theo quy trình thống nhất.
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng và điều kiện chăm sóc, quản lý đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Song thực tế cho thấy, vấn đề này còn nhiều bất cập như: cơ sở bảo trợ còn thưa thớt, thiếu thốn nhiều trang thiết bị chức năng phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau. Đội ngũ nhân viên phục vụ chưa đủ và còn thiếu nhiều kiến thức chuyên môn trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng. Công tác đánh giá phân loại các đối tượng còn chưa chính xác, khách quan. Việc quản lý theo dõi hồ sơ chưa thống nhất và chuyên nghiệp. 
Sự tham gia của các đối tác: Tham gia của các đối tác vào hoạt động TGXHTX cũng là một khía cạnh quan trọng được đề cập trong các nghị định. Tổng quan hai Nghị định 07/2000 và Nghị định 67/2007 cho thấy những quy định rất rõ về trách nhiệm của Nhà nước mà cụ thể là trách nhiệm của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến chính quyền địa phương đối với hoạt động TGXHTX cho các nhóm đối tượng. Điều đáng quan tâm là những quy định này cũng được điều chỉnh đáng kể. Nếu trong Nghị định 07/2000, các điều khoản quy định các bộ có liên quan đến lĩnh vực TGXHTX còn khá chung chung thì Nghị định 67/2007, các điều khoản quy định trách nhiệm các bộ, ngành và các địa phương rõ ràng hơn. Một số điều khoản trong Nghị định 07/2000 chưa có thì đã được bổ sung trong Nghị định 67/2007. Ví dụ, Điều 21 Nghị định 67/2007 đã bổ sung thêm quy định: Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên quyên góp giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là nạn nhân do thiên tai gây ra...
Sự tham gia của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả trong công tác TGXHTX; huy động sự tham gia của toàn xã hội từ các cấp chính quyền đến các cá nhân, tổ chức trong và ngoài cộng động đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chính quyền vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm thực thi chính sách trợ giúp dẫn đến bỏ sót một số nhóm đối tượng trong diện được hưởng lợi. Ví dụ, Chùa Bồ Đề, quận Long Biên và Chùa Liên Hà huyện Đông Anh đang nuôi dưỡng nhiều trẻ em mô côi, đủ mọi lứa tuổi nhưng các em chưa được hưởng bất cứ một chính sách TGXH nào từ chính quyền địa phương, cuộc sống và học tập của các em hiện nay dựa vào nhà chùa và lòng hảo tâm đóng góp của người dân[9]. Mặt khác, điều dễ nhận thấy là hệ thống văn bản 10 năm qua vẫn vắng bóng những điều khoản quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân và gia đình. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng một số cá nhân có khả năng vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh cần trợ cấp luôn có tâm thế trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp, không nỗ lực vươn lên thoát khỏi khó khăn.
2. Nhận xét và bàn luận
Trong 10 năm qua, các quy định liên quan đến TGXHTX liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhằm tiếp cận đến các nhóm xã hội yếu thế cần được trợ giúp (đối tượng yếu thế này bao gồm cả những đối tượng đã có và đối tượng mới nảy sinh do những biến cố tự nhiên-kinh tế-xã hội). Mức trợ giúp cho hoạt động TGXHTX được thay đổi nhằm đáp ứng cuộc sống của các nhóm thụ hưởng. Nguồn kinh phí trợ giúp cũng không ngừng được điều chỉnh thêm nhằm huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, địa phương, các tổ chức xã hội trong ngoài cộng đồng và cá nhân tham gia ủng hộ đóng góp vào quỹ trợ giúp. Các văn bản, chính sách liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm sóc và quản lý hoạt động trợ giúp cũng được ra đời nhằm khuyến khích phong trào phát triển cơ sở bảo trợ chăm sóc các nhóm đối tượng yếu thế và đào tạo nhân viên ngành công tác xã hội... Công tác quản lý hoạt động trợ cấp cũng ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Huy động tối đa sự tham gia của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương vào hoạt động trợ cấp với trách nhiệm cao, các cá nhân và tổ chức xã hội ở cộng đồng cũng ngày càng tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động trợ giúp.   
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta 10 năm qua vẫn còn tồn tại những bất cập:
Thứ nhất, về đối tượng thụ hưởng: Các điều khoản TGXHTX nêu trong các nghị định mới quan tâm đến nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về sức khỏe, bệnh tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa. Một số nhóm đối tượng yếu thế vẫn đang tiếp tục bị bỏ quên, trong khi các nhóm đối tượng khác mới nảy sinh do những biến cố kinh tế -xã hội cũng đang cần xem xét để đưa vào danh sách thụ hưởng. Đây là vấn đề cần nghiên cứu, bàn luận để sớm có cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung diện bao phủ của chính sách trợ giúp đến các nhóm đối tượng cần trợ giúp.
Thứ hai, về mức trợ giúp và nguồn kinh phí: Mặc dù các quy định về mức trợ cấp liên tục thay đổi nhưng mức trợ cấp vẫn còn rất thấp, mang tính cào bằng và sự thay đổi chậm hơn so với biến động giá cả thị trường. Quy định về nguồn kinh phí dành cho trợ giúp không ngừng được bổ sung mở rộng, huy động tối đa khả năng tài chính của Nhà nước, địa phương; tuy nhiên cơ chế tự cân đối ngân sách cũng đang tạo lên sự chênh lệch và khác biệt giữa các địa phương về phân bổ ngân sách cho hoạt động trợ cấp. Sự tham gia ủng hộ đóng góp của cá nhân, cộng đồng và các tổ chức xã hội vào ngân sách ngày càng mở rộng song tính tự nguyện tham gia đóng góp ủng hộ chưa cao.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm sóc và quản lý: Trong 10 năm qua, nhiều văn bản liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm sóc cho nhóm yếu thế trong xã hội đã được ban hành nhưng do hạn chế điều kiện kinh tế của trung ương và địa phương, hơn nữa, dân số - nhóm đối tượng cần chăm sóc - quá đông do yếu tố chiến tranh để lại nên sự phát triển cơ sở hạ tầng và các điều kiện chăm sóc gần như chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thiếu thốn nhà cửa, phương tiện và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý cũng đang gặp nhiều bất cập do cơ chế quản lý kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng, điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động TGXHTX. Những vấn đề này đang đăt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác TGXHTX ở nước ta hiện nay.
Thứ tư, sự tham gia của các đối tác: Các quy định của pháp luật về TGXH luôn quan tâm đến sự tham gia của các chủ thể như: Nhà nước, địa phương, cộng đồng, gia đình, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự tham gia chồng chéo của các bộ, ngành nên hiệu quả không cao; một số địa phương chưa chủ động, tích cực tham gia hoạt động trợ giúp; cán bộ chức năng thực thi sai chính sách trợ giúp; một bộ phận nhỏ gia đình và cá nhân thụ hưởng chính sách còn tồn tại tâm thế ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và các tổ chức xã hội mà không chịu vươn lên trong cuộc sống. Những vấn đề này cũng cần được nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới./.
 

 

[1]Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
 
[2] Martin Evans và các tác giả khác, An sinh ở Việt Nam luỹ tiến đến mức nào?, Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và UNDP đồng tổ chức, Hà Nội 11/2006. 
 
[3]Phạm Hồng Trang, Chuyên đề Bảo trợ xã hội, Trường Đại học Lao động- Xã hội.
 
[4]Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu “Nghiên cứu khả năng tiếp cận các chính sách việc làm, dạy nghề và bảo hiểm xã hội ở khu vực không chính thức”. Bài trình bày tại Hội thảo do Viện Khoa học Lao động và xã hội tổ chức.
 
[6] Theo http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/397045/Bao-dam-tot-hon-an-sinh.
[7] Bùi Quang Dũng, Bế Quỳnh Nga, Đặng Thị Việt Phương “Báo cáo xã hội Việt Nam 2007: Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam năm 2007”,Hà Nội 5/2008.
 
[8]Phạm Hồng Trang, tlđd.
[9]Phỏng vấn các nhà sư Chùa Bồ Đề và Liên Hà, tháng 5/2011.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(216), tháng 4/2012)


Thống kê truy cập

32866859

Tổng truy cập