Lựa chọn mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam: cần nâng cao vị thế của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

01/03/2011

ThS. VIÊN THẾ GIANG

GV Học viện Ngân hàng, Phân viện Phú Yên

Trong quá trình quản lý thị trường tài chính (TTTC), chúng ta vừa phải đối mặt với các hành vi vi phạm của các chủ thể tham gia TTTC, vừa phải tìm cách ngăn ngừa và cảnh báo sớm các rủi ro của hệ thống tài chính, làm tiền đề cho việc đề xuất các biện pháp xử lý khi xảy ra rủi ro, nhất là ứng phó với khủng hoảng tài chính, tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền. Để làm được điều này, các quốc gia cần tìm kiếm, xây dựng thiết chế giám sát tài chính (GSTC) đủ mạnh để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý diễn biến trên TTTC. Một trong những nội dung cần quan tâm khi xây dựng thiết chế GSTC là tìm kiếm mô hình giám sát phù hợp với điều kiện thực tiễn của TTTC mỗi quốc gia. Trong bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến những vấn đề tồn tại trong quy định về vị trí pháp lý hiện hành của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) làm cơ sở cho đề xuất hướng lựa chọn, xây dựng mô hình GSTC của Việt Nam trong thời gian tới.
Untitled_741.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bất cập trong các quy định về vị trí pháp lý của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia  
Vị trí pháp lý của UBGSTCQG được thể hiện trong Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 03/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập UBGSTCQG và Quyết định số 79/2009/NĐ-CP ngày 18/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của UBGSTCQG. Từ các quy định trên, cho thấy:
Thứ nhất, UBGSTCQG thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong điều phối hoạt động giám sát TTTC quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Thực hiện chức năng “tham mưu”, “tư vấn”, UBGSTCQG có trách nhiệm thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý, cung cấp thông tin về TTTC quốc gia; phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính, nguy cơ rủi ro đối với TTTC quốc gia và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hoặc đột xuất; đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan, các cơ quan thanh tra - giám sát chuyên ngành và cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, không tuân thủ hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định, các điều kiện trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quy định về cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất phục vụ hoạt động giám sát TTTC quốc gia; chủ trì tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để trao đổi, thảo luận các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; được tổ chức họp báo và công bố thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, UBGSTCQG giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung TTTC quốc gia. Chức năng giám sát của UBGSTCQG được thể hiện trong việc thực hiện giám sát chung và điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành. Theo đó, UBGSTCQG giám sát chung TTTC quốc gia; giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính; giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; giám sát việc áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra - giám sát chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thông qua hoạt động giám sát từ xa, được thực hiện một cách độc lập, bảo đảm nguyên tắc không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Về hoạt động điều phối giám sát chuyên ngành, UBGSTCQG kiến nghị và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về điều phối hoạt động giám sát TTTC quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành; kiến nghị các cơ quan thực hiện đúng quy trình và cơ chế giám sát, việc áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về giám sát TTTC; có trách nhiệm tham gia ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khác trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các chiến lược, định hướng phát triển ngành ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Tuy nhiên, vị trí pháp lý của UBGSTCQG chưa tương xứng với kỳ vọng của Nhà nước khi xây dựng cơ quan GSTC quốc gia trong Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2020. Điều này được thể hiện trên những khía cạnh cơ bản sau đây:
- UBGSTCQG không có vị trí pháp lý rõ ràng. Theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 03/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập UBGSTCQG, UBGSTCQG là cơ quan có tư cách pháp nhân, có trụ sở và con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; được bố trí biên chế hành chính chuyên trách; kinh phí hoạt động của Ủy ban do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng Chính phủ. Do không rõ ràng về tư cách pháp lý, UBGSTCQG thiếu hẳn các công cụ thực hiện GSTC.
Hai là, UBGSTCQG không có thực quyền trong việc GSTC. Việc thành lập UBGSTCQG lấy trọng tâm là tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong điều phối hoạt động giám sát TTTC quốc gia; giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung TTTC quốc gia, nên nội dung các hoạt động của UBGSTCQG chủ yếu là các đề xuất, kiến nghị, khuyến cáo; phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng và nguy cơ rủi do đối với TTTC quốc gia; thiết lập cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý và cung cấp các thông tin về TTTC quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị với các cơ quan thanh tra - giám sát chuyên ngành và cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc không thực hiện đầy đủ các điều kiện trong hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn bó hẹp như hiện tại sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu từng bước tạo tiền đề để đến sau năm 2010 xây dựng được Cơ quan GSTC tổng hợp, có vị thế và vai trò cao hơn trong việc thực hiện chức năng giám sát an toàn toàn bộ hoạt động tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm như Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/05/2006 Về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 khẳng định. Điều này có nghĩa là, việc thành lập UBGSTCQG mới chỉ làm cho “có” mà chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả hoạt động của Ủy ban này.
Ba là, các quy định về tổ chức và hoạt động UBGSTCQG thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giám sát giữa UBGSTCQG với các cơ quan giám sát chuyên ngành. Đây là hạn chế lớn nhất trong GSTC nước ta hiện nay.
2. Nâng cao vị thế của UBGSTCQG - bước đi cần thiết cho việc lựa chọn mô hình GSTC ở Việt Nam hiện nay
 2.1. Lý do nâng cao vị thế của UBGSTCQG
Theo các quy định hiện hành, Nhà nước dường như vẫn đi theo hướng củng cố, tăng cường vị thế, vai trò của các cơ quan GSTC chuyên ngành. Cụ thể:
- Đối với lĩnh vực ngân hàng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 dành Chương V từ Điều 49 đến Điều 61 quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo đó, giám sát ngân hàng là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan[1]. Hoạt động giám sát ngân hàng được giao cho Ngân hàng Nhà nước thông qua cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền[2]. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước[3]; tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
- Đối với lĩnh vực chứng khoán, việc giám sát TTCK được giao cho Vụ Giám sát thị trường chứng khoántheo Quyết định số 389/QĐ-BTC ngày 23/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Với việc thiết lập cơ chế giám sát TTCK chuyên sâu, chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế, công tác thanh tra, giám sát của Ủy ban chứng khoán nhà nước tập trung vào: giám sát tuân thủ các tổ chức trung gian thị trường; giám sát tuân thủ các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết; giám sát tuân thủ của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán; bên cạnh đó, giám sát giao dịch trên TTCK nhằm phát hiện các hành vi lạm dụng thị trường; thanh tra thực hiện chức năng cưỡng chế thực thi[4], góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính công khai, minh bạch trên TTCK.
- Đối với lĩnh vực bảo hiểm, hoạt động giám sát lĩnh vực này được giao cho Cục quản lý, giám sát bảo hiểm[5]. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn này dẫn đến hệ quả, các cơ quan giám sát chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ giám sát theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu hẳn một cơ chế chia sẻ, phối hợp trong việc thực thi nhiệm vụ GSTC. Như đã phân tích ở trên, hoạt động điều phối giám sát chuyên ngành của UBGSTCQG cũng chỉ dừng lại là “góp ý kiến”, còn việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính có tiếp thu hay không thì lại không được đề cập một cách cụ thể, thì việc nâng cao vị thế của UBGSTCQG là việc làm cần thiết, là “bước đệm” cho việc lựa chọn mô hình GSTC hiệu quả, bởi lẽ, hiện nay, hoạt động giám sát chuyên ngành của nước ta mới chỉ tập trung vào hoạt động giám sát vi mô, mang tính đặc thù của từng ngành. Việc nhận thức về sự ổn định và an toàn vĩ mô của toàn hệ thống cần được nhấn mạnh trong từng hoạt động giám sát chuyên ngành. Để làm được điều này, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện giám sát chuyên ngành dưới sự điều phối của UBGSTCQG. Theo kinh nghiệm của các nước, một cơ quan GSTC hiệu quả cần phải đáp ứng được các tiêu chí: i) Cơ quan giám sát phải có đủ quyền lực pháp lý để có thể can thiệp về quy mô và kiểm soát được hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính thuộc phạm vi quản lý; ii) Cơ quan giám sát phải được độc lập về mặt hoạt động để có thể thực hiện quyền hạn của mình mà không bị can thiệp về mặt chính trị; iii) Cơ quan giám sát phải đảm bảo sự minh bạch trong việc hoạch định và thực thi các chính sách giám sát cũng như giải trình đầy đủ về kết quả; iv) Cơ quan giám sát phải có đội ngũ nhân viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng (nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm)[6]. Do vậy, việc nâng cao vị thế pháp lý cho UBGSTCQG là bảo đảm cho Ủy ban này có thực quyền và đón đầu cho việc lựa chọn mô hình GSTC hợp nhất trong tương lai.
 2.2. Giải pháp nâng cao vị thế của UBGSTCQG Việt Nam trong mối tương quan lựa chọn mô hình GSTC
Một là, trước mắt giữ nguyên hệ thống cơ quan GSTC như hiện nay, từng bước xây dựng cơ chế phối hợp giữa UBGSTCQG với các thiết chế GSTC chuyên ngành và từng bước áp dụng chuẩn quốc tế về GSTC vào thực tiễn giám sát. Sức ép của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa dịch vụ tài chính đã buộc Nhà nước phải “nhập khẩu” các chuẩn GSTC quốc tế vào giám sát TTTC nước ta. Các chuẩn quốc tế về GSTC được quy định bởi: i) Ủy ban Basel gồm Hiệp định Basel I và Basel II; ii) Tổ chức quốc tế của Ủy ban chứng khoán (IOSCO) và iii) Hiệp hội quốc tế về giám sát bảo hiểm (IAIS). Việt Nam hiện là thành viên của Ủy ban Basel, Tổ chức quốc tế của Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi các chuẩn quốc tế về giám sát TTTC cho thấy mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong GSTC nước ta còn khá khiêm tốn.
Để thực hiện tốt giải pháp này, chúng ta cần tập trung vào các biện pháp cụ thể sau:
- Khắc phục những hạn chế của hệ thống GSTC chuyên ngành hiện hành[7], nhất là sự liên thông trong việc giám sát chung TTTC, thực hiện giám sát trên cơ sở rủi ro, chú trọng giám sát an toàn vĩ mô…;
- Chia sẻ thông tin trong thực tiễn giám sát, tăng cường hợp tác GSTC giữa Việt Nam và các nước khác để đúc rút kinh nghiệm và tìm giải pháp phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn Việt Nam;
- Phối hợp trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong thực tiễn.
 Hai là, về lâu dài, cần xác lập vị trí pháp lý và thẩm quyền xứng đáng cho UBGSTCQG. Giải pháp này cần được tiến hành một cách đồng bộ trong việc cải cách bộ máy nhà nước, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ GSTC. Thực tiễn đã chứng minh không có một mô hình GSTC chung cho các quốc gia, do vậy, khi xác lập vị trí pháp lý cho UBGSTCQG, cần cân nhắc đến những nhân tố có tác động trực tiếp đến việc xây dựng, vận hành TTTC nước ta. Các nhân tố đó là:
- Thực trạng hoạt động của TTTC nước ta, trong đó nhấn mạnh đến những nét phát triển đặc thù như chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường chưa có nhiều kinh nghiệm, chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ cách thức quản lý của cơ chế cũ nặng về hành chính lại phải du nhập đồng thời nhiều chuẩn quốc tế về GSTC, chắc chắn sẽ vấp phải những rào cản hành chính; nghiên cứu và cụ thể hóa “tính định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là gì, sự khác biệt đó được thể hiện trong việc xây dựng, vận hành, GSTC nước ta như thế nào?...
- Quan tâm thích đáng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ GSTC. Thực tế cho thấy, hoạt động của TTTC trên các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì yêu cầu biết được tính liên thông, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận của TTTC là cần thiết giúp tạo lập cơ chế phối hợp giữa các bộ phận trong việc thực hiện nhiệm vụ GSTC;
- Tác động của quá trình tự do hóa tài chính kết hợp với sức ép của hội nhập quốc tế và việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào TTTC đến sự phát triển của TTTC Việt Nam;
- Chiến lược phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2020;
Trên cơ sở những “nét đặc thù” của TTTC Việt Nam và xu hướng lựa chọn mô hình GSTC hợp nhất, khi xác lập vị trí pháp lý cho UBGSTCQG cần trả lời câu hỏi UBGSTCQG trực thuộc cơ quan nào, Quốc hội hay Chính phủ, thẩm quyền, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của nó như thế nào?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng tôi cho rằng, nên để UBGSTCQG trực thuộc Chính phủ, song Chủ tịch UBGSTCQG phải do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; UBGSTCQG chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc thực thi nhiệm vụ, định kỳ báo cáo hoạt động trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch UBGSTCQG được tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cơ sở của kiến nghị này là việc GSTC liên quan đến mọi mặt của đời sống nhân dân nên cử tri cả nước cần phải biết về hoạt động của Ủy ban này. Do Quốc hội hoạt động theo định kỳ, nên để cho Chính phủ quản lý sẽ bảo đảm tính liên tục trong hoạt động GSTC, song cần giảm sự chi phối của Chính phủ, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi lẽ, GSTC sẽ có tác động trực tiếp đến việc ban hành chính sách của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Với kiến nghị này, chúng ta sẽ bảo đảm UBGSTCQG có thực quyền, độc lập, khách quan trong việc thực hiện GSTC, không chịu sự chi phối của cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, khi xảy ra hiện tượng như kiểu Vinashin hiện nay, UBGSTCQG sẽ vào cuộc thực hiện việc điều tra đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình trạng nợ của Vinashin đối với TTTC để kiến nghị các giải pháp khắc phục phù hợp, tránh những tác động tiêu cực đối với TTTC.
Trả lời câu hỏi thứ hai, phạm vi thẩm quyền, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của UBGSTCQG nên quy định như thế nào? Theo chúng tôi, UBGSTCQG sẽ thực hiện đồng thời nhiệm vụ giám sát vi mô và giám sát vĩ mô toàn bộ TTTC. Ngoài các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định hiện hành, cần bổ sung quy định UBGSTCQG có quyền yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong phạm vi nhiệm vụ quản lý định kỳ báo cáo tình hình quản lý nhà nước về ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm; UBGSTCQG được quyền yêu cầu hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý có ảnh hưởng đến việc thực hiện GSTC; quyền nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...
Như vậy, lựa chọn và xây dựng mô hình GSTC phù hợp sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm sự vận hành TTTC lành mạnh, an toàn, tránh được nguy cơ khủng hoảng hoặc ít nhất cũng tạo được một thiết chế ứng phó có hiệu quả khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Mô hình và hoạt động GSTC phải phù hợp với sự phát triển của hệ thống tài chính để tránh những “khoảng cách” trong công tác giám sát. Khoảng cách đó càng lớn thì quá trình giám sát càng kéo dài hơn; và như vậy sẽ không thể quản lý hệ thống tài chính một cách đầy đủ và hiệu quả. Hậu quả tất yếu là, các tổ chức tài chính sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Để ngăn chặn được tình trạng trên, việc thiết lập mô hình pháp lý cho UBGSTCQG với những quy định pháp luật cụ thể rõ ràng, minh bạch là bảo đảm vững chắc nhất cho một mô hình GSTC hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

 


[1] Khoản 12 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
[2] Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
[3] Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giám sát ngân hàng đối với mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát hoặc phối hợp giám sát công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.
[4] Xem thêm, Nguyễn Sơn, 10 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và định hướng chiến lược giai đoạn 2010 – 2020, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - chuyên san Tổng quan kinh tế xã hội Việt Nam, số 2 tháng 06/2010
[5] Cục quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm trước đây gọi là Vụ Bảo hiểm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BTC, ngày 20/08/2003 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ bảo hiểm
[6]Vai trò của Ngân hàng Trung ương trong việc duy trì ổn định tài chính, Tham khảo của TS Tarisa Watanagase (hiện là Thống đốc NHTW Thái Lan), tại Hội thảo “Xây dựng mô hình Ngân hàng trung ương hiệu quả” do Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đồng tổ chức tại Băng-cốc, Thái Lan ngày 20/10/2005, thể truy cập từ địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn
 
[7] Xem thêm: Nhóm nghiên cứu VDF, Giám sát thị trường tài chính Việt Nam - thực trạng và những bất cập, Hà Nội tháng 01/2010

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(190), tháng 3/2011)


Thống kê truy cập

33005337

Tổng truy cập