Đăk Nông thực hiện chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển xã hội bền vững

01/02/2011

ThS. BÙI THỊ HÒA

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông.

Đăk Nông nằm trong nhóm tỉnh nghèo của quốc gia (thu ngân sách từ 500 tỷ đến 1000 tỷ đồng); lại là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc, mới được chia tách, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực và nhiều vấn đề an sinh xã hội còn bất cập; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp... Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững với các giải pháp về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng an ninh... Trong đó, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng.
         Untitled_757.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1.Thực thi chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển xã hội bền vững ở Đăk Nông
 1.1. Những kết quả đạt được
Xóa đói giảm nghèo là lĩnh vực được lãnh đạo tỉnh Đăk Nông đặc biệt quan tâm với quan điểm: phát triển bền vững phải đảm bảo sự tiến bộ, công bằng xã hội trong các tầng lớp dân cư, chú trọng đối tượng hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hơn 33,73%, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm trên 64%; đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 10%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 35%[1]. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tỉnh đã dành một phần đáng kể các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Các hộ nghèo được quan tâm giúp đỡ, tài trợ về vật chất và tinh thần từ các nguồn lực trong xã hội; chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, dạy nghề cho người nghèo, chương trình xuất khẩu lao động... đã tác dụng cộng hưởng làm cho công tác xóa đói, giảm nghèo ngày càng có hiệu quả to lớn. Trong vòng 5 năm, tỉnh Đăk Nông đã đào tạo nghề cho 25 ngàn lao động nông thôn, đạt 80% chỉ tiêu đề ra.
Người có công, các đối tượng chính sách, người khuyết tật, những người có hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh... cũng được chăm lo chu đáo. Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh được thành lập có nhiều chương trình thiết thực với những đối tượng này.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh. Là địa phương có tỷ lệ người dân là đối tượng thụ hưởng Chương trình 139 khá cao, ngành y tế đã tạo điều kiện thuân lợi để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách được khám chữa bệnh miễn phí. Các dịch vụ y tế kỹ thuật cao cùng với việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế từ tỉnh, huyện, đến xã một cách toàn diện, mở rộng xã hội hóa y tế đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hàng năm bình quân số lượt khám/đầu người đạt trên 1,2 lần, đạt 15 gường bệnh/vạn dân (không kể tuyến xã), 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, hơn 76% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa tỉnh. Các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng 7 loại vắcxin đạt trên 94%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 27,8%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,7%...
Cơ quan Bảo hiểm xã hội được thành lập và hoàn thiện, hệ thống chính sách bảo hiểm được thực hiện nghiêm túc. Chế độ lương hưu, thanh toán thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp cho người lao động thất nghiệp, thanh toán bảo hiểm y tế... được thực hiện kịp thời, chi trả tận tay đối tượng.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo của tỉnh có bước phát triển khá, hệ thống trường lớp ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có 319 trường từ ngành học mầm non đến trung học phổ thông, với trên 137 ngàn học sinh, trong đó có trên 46 ngàn học sinh dân tộc thiểu số, so với năm học 2005-2006 tăng 145 trường và 5.474 học sinh. Hệ thống các trường dạy nghề được hình thành và phát triển với 7 đơn vị công lập và 5 đơn vị ngoài công lập. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 76,09% (năm 2009). Đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng, đến nay hầu hết giáo viên các cấp học đều chuẩn hóa và trên chuẩn, có 97% trường trung học cơ sở sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy và 100% trường trung học phổ thông giảng dạy môn tin học.
Lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao và thông tin - truyền thông có chuyển biến tích cực và phát triển đa dạng cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, cả hình thức lẫn nội dung. Nhiều phong trào được phát triển ở nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Văn hóa dân gian và các giá trị truyền thống được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Năm 2009, toàn tỉnh có 80% gia đình, 17% xã/phường, thị trấn, 60% thôn, buôn, tổ dân phố, 90% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng lưới bưu chính viễn thông, báo chí mở rộng phục vụ nhu cầu thông tin, truyền thông của đồng bào trong tỉnh.  
 1.2. Một số bất cập trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đăk Nông còn bộc lộ nhiều bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa đồng đều giữa các vùng và không bền vững; trong vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và khả năng tái nghèo còn rất cao, trình độ sản xuất của đồng bào vẫn trong tình trạng thấp kém. Các mô hình giảm nghèo, làm giàu chưa được tổng kết và nhân rộng kịp thời, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới; phương pháp tiếp cận và xác định tiêu chí hộ nghèo chưa phù hợp, chưa sát với đặc điểm từng vùng và từng dân tộc.
Tình trạng nợ đọng bảo hiểm trong một số doanh nghiệp, tình trạng lách luật để trốn tránh nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm cho người lao động vẫn còn diễn ra, nhưng cơ quan quản lý lao động chưa kịp thời thanh tra, phát hiện.
Hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tuy có bước tiến bộ, nhưng một số chỉ tiêu như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao so với mức bình quân chung cả nước; số bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đều thấp, không đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội IX đề ra. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; cơ sở vật chất và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ y tế còn lạc hậu so với mặt bằng chung của cả nước.
Chất lượng giáo dục đào tạo còn nhiều hạn chế, giáo dục đạo đức công dân trong trường học chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, nhất là lao động trong nông nghiệp. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, một số nơi còn hình thức, phong trào văn hóa thể thao ở thôn, buôn, bon... chưa được quan tâm. Chương trình phát thanh, truyền hình chưa phong phú, thời lượng ít, phủ sóng chưa đều khắp các vùng.
2. Giải pháp và một số khuyến nghị
 2.1. Giải pháp
Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, tỉnh vẫn kiên trì xác định mục tiêu tạo tiền đề cơ bản để phát triển nhanh và bền vững, "phát triển bền vững là mục tiêu phấn đấu... Xử lý hài hòa giữa yêu cầu các lợi ích kinh tế với yêu cầu quốc phòng - an ninh, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường cho cả trước mắt và lâu dài. Không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà xem nhẹ các lợi ích cơ bản lâu dài; kết hợp lồng ghép hài hòa các chương trình, mục tiêu, chú trọng phát triển bền vững"[2].
Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa, môi trường, tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp về xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, trước hết là cho nông dân và thanh niên. Phấn đấu trong nhiệm kỳ đào tạo nghề cho 24.000 người và giải quyết việc làm cho 88.500 lao động, tăng bình quân 17,7%/ năm. Đảm bảo không phân biệt đối xử về giới trong sử dụng lao động. Xây dựng cơ chế, chính sách nhà ở và phúc lợi xã hội để cải thiện đời sống người lao động trong các khu công nghiệp. Mở rộng hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa xuất khẩu lao động thành một chương trình đồng bộ theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế để tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tăng cường mạng lưới an sinh xã hội thông qua phát triển và củng cố các quỹ xã hội và đoàn thể. Trợ giúp nhân đạo thường xuyên đối với người nghèo, người không có sức lao động, không nơi nương tựa, tổ chức triển khai các hoạt động của quỹ này ngay tại làng, xã. Mở rộng sự tham gia và nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội phát triển mạng lưới an sinh xã hội. Tạo cơ hội để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách trợ giúp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, dạy nghề, khuyến nông... đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho người nghèo, nhất là phụ nữ về kiến thức và sản xuất kinh doanh. Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất đai, hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp chênh lệch trong việc sử dụng dịch vụ công và phúc lợi xã hội giữa các bộ phận dân cư. Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện các chính sách xã hội, thông qua các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" nhằm huy động thêm các nguồn lực để nâng cao điều kiện sống cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa...
Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2011- 2015, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ thành quả của quá trình phát triển, phấn đấu về cơ bản các xã có đủ các công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển các trung tâm cụm xã, quy hoạch bố trí dân cư, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh. Xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, từng bước hiện đại, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, phấn đấu đến năm 2015 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước mắt xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo tại một số xã để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Phấn đấu giảm số hộ nghèo hàng năm là 3% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Đối với vùng dân tộc, chú trọng việc giao rừng, khoán rừng; hỗ trợ đất canh tác, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, gắn với điều tra, khảo sát quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các bon, làng dân tộc thiểu số. Tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ và cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ nâng cao tư duy sản xuất hàng hóa, trình độ sản xuất kinh doanh, tập quán làm ăn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào thực sự hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao; khuyến khích và tạo mọi điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng các cơ sở y tế nhằm tăng cường xã hội hóa các hoạt động y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho các tầng lớp nhân dân. Xây dựng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2014. Tích cực và chủ động kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện tốt chương trình nước sạch tập trung, phấn đấu đến năm 2015 có 90% số hộ được sử dụng nước sạch, 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, không để dịch bệnh lớn xảy ra; tăng cường chất lượng và hiệu quả các chương trình dự án y tế nhằm tạo ra môi trường sức khỏe cộng đồng an toàn, cải thiện sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Tập trung phát triển các nguồn lực y tế, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật y tế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế, nhất là cán bộ chuyên khoa cho tuyến tỉnh, huyện và bác sỹ cho tuyến xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đạt 6,2 bác sỹ/vạn dân.
 2.2. Một số khuyến nghị
- Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nền tảng để triển khai và thúc đẩy thực thi các chính sách xã hội. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như các yếu tố về dân tộc, văn hóa, phương thức sản xuất của đồng bào, của địa phương. Nên chăng, phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, cần tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bằng cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết, tập quán sản xuất của đồng bào gắn với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước về giống, vốn, khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tạo ra những sản phẩm hàng hóa thúc đẩy sản xuất vùng dân tộc thiểu số.
- Chương trình xóa đói, giảm nghèo cần gắn với các dự án phù hợp, thiết thực. Ngoài các hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, đầu tư máy móc, dụng cụ sản xuất, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, dạy nghề... nên tập trung tổ chức lại sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước thay đổi hiện trạng sản xuất của đồng bào với năng xuất, chất lượng, hiệu quả rất thấp như hiện nay. Tổ chức lại sản xuất cho đồng bào cần giải quyết ngay những bất cập trong quản lý đất đai và các chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng buôn làng dân tộc thiểu số.
- Cùng với các chính sách y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, rất cần một chính sách bảo hiểm cho nông dân, cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách bảo hiểm cho những đối tượng này sẽ là lưới an sinh giúp cho họ khỏi rơi xuống cái bẫy của đói nghèo trong điều kiện thiên tai và nhiều nguy cơ tái nghèo như hiện nay.
- Nâng cao dân trí, tập trung đầu tư cho giáo dục thông qua việc xây dựng và tổ chức đầy đủ, có chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cùng các chính sách hỗ trợ cho học sinh là người dân tộc thiểu số từ bậc học mầm non trở lên.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, đạo đức, am hiểu về vùng dân tộc thiểu số là nhân tố quyết định sự thành công.
- Bố trí các nguồn lực đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Do nguồn thu của địa phương rất thấp, phụ thuộc chủ yếu vào phân bổ từ ngân sách trung ương, để thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và chương trình an sinh xã hội cần phải đảm bảo nguồn kinh phí tập trung, đồng bộ, không dàn trải, phân tán, lãng phí, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, đi đôi với kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và người dân./.
 
 

[1] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đăk Nông (2010), Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ (2010-2015), tr. 45.
[2] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đăk Nông (2010), Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ (2010-2015), tr. 25.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(189), tháng 2/2011)


Thống kê truy cập

33007899

Tổng truy cập