Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về bình đẳng giới

01/01/2011

ThS. TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 12

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bình đẳng giới
Ngay từ thế kỷ XIX, C. Mác và Ph. Ăngghen - các lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới - đã chỉ rõ: “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới nữ. Ngay cả ở trong nhà, người đàn ông cũng nắm lấy quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị hạ cấp, bị nô dịch, bị biến thành nô lệ cho sự dâm đãng của đàn ông, thành một công cụ sinh đẻ đơn thuần”; “người vợ trở thành người đầy tớ chính và không được tham gia vào nền sản xuất xã hội”[1]. “Tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những quan hệ xã hội trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của việc áp bức đàn bà về mặt kinh tế”[2]. Hai ông khẳng định: “Một sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới và khi công việc nội trợ riêng trong gia đình đã trở thành một nền công nghiệp xã hội”[3].
V.I. Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế kỷ XIX - XX kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, chỉ ra tình cảnh khốn khổ của nữ công nhân lao động trong các nhà máy, công xưởng: “Hàng triệu và hàng triệu phụ nữ trong những gia đình như vậy đang sống (hoặc nói đúng hơn đang bị đọa đầy) trong kiếp “gia nô”, ra sức lo ăn, lo mặc cho gia đình bằng từng xu nhỏ mà họ phải trả bằng những cố gắng phi thường hàng ngày và bằng “sự tiết kiệm” tất cả mọi thứ, chỉ trừ có “tiết kiệm” lao động của bản thân”[4]. Ông chỉ rõ“Trong nông nghiệp, người lao động phụ nữ, vô sản cũng như nông dân, đều phải cố đem hết sức mình ra, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm đến kiệt sức, hại đến sức khỏe của mình và của con cái để cố đuổi cho kịp người lao động nam giới trong nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa”[5]; “họ cùng làm ở công xưởng 10 giờ một ngày, nhưng chỉ được tất cả có 1,10 - 1,50 mác (nam giới thì được 2,50 - 2,70 mác) và nếu trả công theo sản phẩm thì họ được 1,7 - 2,0 mác”[6]. Phụ nữ “không có quyền gì cả vì pháp luật không cho họ có quyền bình đẳng với nam giới”, còn trong gia đình họ là “nô lệ gia đình”, bị nghẹt dưới cái gánh những công việc bếp núc nhỏ nhặt nhất, lam lũ nhất khổ cực nhất, làm cho mụ người nhất[7]. Ông khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, công xưởng tư bản chủ nghĩa đã đẩy các loại người lao động đó vào tình cảnh đặc biệt khó khăn... Thế nhưng, xu hướng đòi hoàn toàn cấm chỉ phụ nữ và thiếu niên không được lao động trong công nghiệp, hoặc xu hướng duy trì chế độ gia trưởng về sinh hoạt là chế độ loại bỏ lao động đó, xu hướng đó thật là phản động, không tưởng”[8].
V.I. Lênin chủ trương “Phụ nữ được bình quyền với nam giới về mọi mặt”[9], “Thủ tiêu chế độ đẳng cấp; quyền bình đẳng hoàn toàn của mọi công dân, không phân biệt trai gái, tôn giáo, chủng tộc”[10]; “...bổ nhiệm nữ thanh tra trong các ngành mà lao động nữ chiếm đa số”[11]; “thành lập chế độ cộng hòa..., thực hiện chế độ nhân dân bầu cử quan chức, nam nữ bình đẳng”[12]; “hủy bỏ tất cả mọi sự hạn chế, không trừ sự hạn chế nào, đối với các quyền chính trị của phụ nữ so với các quyền của nam giới”[13]. Người khẳng định: “Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ”[14].
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới
 Tiếp thu quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã thấu hiểu nỗi khổ nhục, bất công của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến. Người khẳng định: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn... Ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”[15]. Người nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người chỉ rõ: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào”. Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”; “…Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”; “Vậy nên, muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”. Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào”[16].
Hơn một tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (02/9/1945), trong Lời kêu gọi chống thất học (tháng 10/1945), Người chỉ ra: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà... Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu và ứng cử”[17].
Khi Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”[18].
Năm 1959, khi Luật Hôn nhân và gia đình lần đầu tiên được Quốc hội thông qua, Người nói: “Luật Hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình đẳng, gia đình thật sự hạnh phúc”[19].
Người nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân. Cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Người cũng phê bình những thành kiến, hẹp hòi của một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”[20].
Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ ta đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[21].  
3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới
Ngay từ năm 1930, Chánh cương vắn tắt của Đảng ta đã nêu rõ: về phương diện xã hội thì thực hiện “nam, nữ bình quyền”. Luận cương chính trị của Đảng cũng ghi: một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là “nam, nữ bình quyền”.
Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị (tháng 10/1930) khi nói về phụ nữ vận động, Đảng ta nhận rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được... Đảng đặt ra yêu cầu đòi “bình quyền” cho phụ nữ: “Đàn bà, đàn ông, thanh niên việc làm ngang nhau thì tiền công cũng phải ngang nhau. Công nhân đàn bà trước và sau khi sanh đẻ phải nghỉ tám tuần lễ có lương”; “không được bắt đàn bà và trẻ con làm những việc nặng nề và nguy hiểm”. Đảng đề ra các yêu cầu cho phụ nữ đấu tranh đòi quyền lợi của mình: “Đảng Cộng sản thảo ra cho các chị em công nhân và nông dân những điều yêu cầu bình đẳng với đàn ông... phụ thêm cho chị em những điều yêu cầu sau này: Bỏ hết các pháp luật và tục lệ hủ bại làm cho đàn bà không được bình đẳng với đàn ông. Bỏ cái chế độ áp bức của cha mẹ đối với con gái, của chồng đối với vợ (ép duyên, thóa mạ đàn bà con gái). Cấm tục năm thê bảy thiếp, vợ hầu vợ lẽ. Quyền đàn bà được giữ con mình lúc ly dị”.
Suốt 80 năm qua, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hay trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ bao cấp, Đảng ta luôn quan tâm ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, đề ra đường lối, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động phụ nữ (phụ vận), chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, cất nhắc, đề bạt nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo nữ. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng, phối hợp cùng với lực lượng nam giới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết lãnh đạo công tác phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nghị quyết số 04-NQ/TWngày 12/7/1993 của Bộ Chính trịvề đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới nhấn mạnh: “Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ... Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật”...
Chỉ thị số 37-CT/TWngày 16/5/1994 của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới khẳng định: “Cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng… Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước... cán bộ nữ dân tộc ít người, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể khi chiêu sinh cần có quy định tỷ lệ nữ một cách thoả đáng, đưa vào chương trình đào tạo nhữngkiến thức về giới...”
Văn kiệnĐại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện... ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”; “Đối với phụ nữ, xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000. Đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề nghiệp, giúp đỡ chị em có việc làm, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em. Quan tâm phát triển Đảng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ; tăng tỉ lệ cán bộ nữ trong cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành... Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người... Thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình”.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ghi: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra các quan điểm, mục tiêu và năm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là: Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, cò lòng nhân hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng, củng cố Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ.
Đảng ta khẳng định: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.
 Có thể nói, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hơn 80 năm qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hoà bình, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Trong suốt 65 năm qua, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng đông đảo, trưởng thành ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực; đặc biệt, những thành tích về chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) là 0,725, xếp ở vị trí 116/182 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số phát triển giới (GDI) xếp vị trí 94/155 nước (theo Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2009) là những minh chứng sinh động về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam./. 
                                                                           
 
 

[1] C. Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.93 và tr.115
[2] Sđd, t.21, tr.115. 
[3] Sđd, t.36, tr.341
[4] V.I. Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.173
[5] Sđd, t.23, tr.355-357.
[6] Sđd, t.5, tr.198.
[7]Sđd, t.42, tr.163- 164.  
[8] Sđd, t.3, tr.690. 
[9] Sđd, t.4, tr.283
[10] Sđd, t.6, tr.263
[11] Sđd, t.6, tr.264.
[12] Sđd, t.27, tr.78. 
[13] Sđd, t.30, tr. 257
[14]Sđd,t.40, tr.183
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr.?
[16] Sđd, t.2, tr.288.
[17] Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ,H, tr.21.
[18] Võ Nguyên Giáp: Những con đường lịch sử, Nxb Văn học, H.1977, tr. 573.
[19] Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ. Sđd, tr.3.
[20] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H....tr
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr....

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1(186), tháng 1/2011)


Thống kê truy cập

33008808

Tổng truy cập