Chức năng đại diện, chức năng giám sát của nghị viện Ba Lan, Nhật Bản, Xinh-ga-po và những gợi mở cho Quốc hội Việt Nam

01/10/2018

ThS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tóm tắt: Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, chức năng giám sát. Việc nghiên cứu tìm hiểu thành công của 3 quốc gia này rất hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện và chức năng giám sát.
Từ khóa: Chức năng đại diện, Chức năng giám sát, Quốc hội Việt Nam, Cơ chế giúp việc, Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po:
Abstract: It is known as the parliaments of Poland, Japan and Singapore undertake effectively their representative function and supervision one. The reviews and studies of these three countries' successfull acheivements are useful for the National Assembly of Vietnam in improving the quality and effectiveness of the representative and supervision functions.
Keywords: representative function; supervision function; the National Assembly of Vietnam; assistant mechanism, Parliaments of Poland, Japan and Singapore
Untitled_155.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Chức năng đại diện, chức năng giám sát của nghị viện Ba Lan, Nhật Bản, Xinh-ga-po[1]
1.1 Chức năng đại diện của Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po
Ở Ba Lan, nghị sỹ Quốc hội, nếu không có chương trình nghị sự tại Quốc hội, sẽ thực hiện các công việc tại Văn phòng ở khu vực bầu cử. Trong thời gian nghị sỹ vắng mặt, nhân viên của nghị sỹ hoặc các tình nguyện viên sẽ tiếp người dân, ghi chép lại các nội dung phản ánh và truyền đạt lại tới Nghị sỹ. Văn phòng nghị sỹ thông thường sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân trong thời gian 8 tiếng mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu[2].
Ở Nhật Bản, cơ chế trình thư thỉnh nguyện, thỉnh cầu và kiến nghị đóng vai trò như là biện pháp để tăng cường mối liên hệ giữa nghị sỹ và người dân. Khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, người dân có thể gửi tới các viện của nghị viện thỉnh nguyện thư với nội dung: yêu cầu được bảo vệ, hoặc khiếu nại, hoặc yêu cầu bãi miễn thẩm phán. Tuy nhiên, người dân phải trình thư thỉnh nguyện thông qua giới thiệu của nghị sỹ. Theo đó, quy trình thỉnh nguyện tuy có một số mặt phiền hà vì bắt buộc phải trải qua các bước thủ tục; song có thể coi đây là hình thức giúp tăng cường mối liên hệ giữa nghị sỹ và người dân.
Ở Xinh-ga-po, “Meet the People Session” (tiếp xúc cử tri tại khu phố) là hình thức giao lưu rất đáng quan tâm giữa nghị sỹ Quốc hội với cử tri. Nghị sỹ Quốc hội tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri định kỳ hàng tuần để nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, Chính phủ. Các buổi tiếp xúc cử tri được thông báo rộng rãi dưới hình thức tờ rơi hoặc công bố trên trang web về địa điểm, ngày giờ tổ chức.
Bên cạnh đó, Xinh-ga-po còn sử dụng trang web “REACH” để thu thập, phản ánh ý kiến của cử tri, các tổ chức dân sự về các chính sách của Nhà nước. Mục tiêu của trang web này là: i) Hiểu được tâm tư của người dân, qua đó xác định những mối quan tâm chính của người dân đối với Chính phủ Xinh-ga-po; ii) Tạo điều kiện để thật nhiều người dân Xinh-ga-po có thể tham gia sâu vào những vấn đề được quan tâm rộng rãi thông qua các công cụ như: đường dây nóng miễn phí (điện thoại), SMS (tin nhắn), e-mail (thư điện tử), REACH Discussion Forum (Diễn đàn thảo luận REACH), trang Facebook và Twitter của REACH hoặc bằng hình thức giao lưu trực tiếp qua các diễn đàn công cộng và các buổi hội họp; iii) Thúc đẩy sự tham gia và can dự tích cực của người dân vào quá trình hoạch định chính sách công. Các tổ chức dân sự đang ngày một gia tăng ở Xinh-ga-po cũng có ý định sử dụng REACH để đối thoại với Chính phủ[3].
1.2 Chức năng giám sát của Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po
Chức năng giám sát của Nghị việnBa Lan
Quốc hội Ba Lan giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp thông qua hai phương thức: thông qua Văn phòng Kiểm toán tối cao và thông qua chức năng điều tra của Hạ viện.
Hạ viện có thể thành lập Ủy ban Điều tra để điều tra các vấn đề cụ thể. Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng được quy định phải trả lời các chất vấn và câu hỏi của hạ nghị sỹ trong vòng 21 ngày; do đó, Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng có nghĩa vụ phải trả lời về các vấn đề được nêu ra tại từng phiên họp toàn thể của Hạ viện. Sau khi thẩm tra các thông tin, Hạ viện sẽ đưa ra đánh giá, góp ý, yêu cầu hoặc đề xuất, nhưng các nội dung này không có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, căn cứ trên kết quả điều tra của các Ủy ban Điều tra, Hạ viện sẽ tiến hành bãi miễn đối với các chức danh của những người có liên quan (biểu quyết bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng).
Nghị sỹ Quốc hội ở Ba Lan không được phép kiêm nhiệm những vị trí khác trong bộ máy nhà nước (Tổng thống, Nghị sỹ nghị viện châu Âu, Thống đốc Ngân hàng trung ương, Viện kiểm sát tối cao, công chức, thẩm phán, công tố viên, quân nhân, cảnh sát đang tại ngũ, đại sứ, nghị sỹ địa phương...) và không được tham gia các hành vi thương mại. Không được giữ vị trí lãnh đạo, giám sát, kiểm soát tại doanh nghiệp có vốn nhà nước[4].
Chức năng giám sát của Nghị viện Nhật Bản
Ở Nhật Bản, việc lựa chọn một số vị trí nhân sự của Chính phủ đòi hỏi phải được sự đồng ý của Quốc hội. Ủy ban thủ tục của nghị viện sẽ tổ chức một phiên họp để ứng cử viên trình bày phương hướng hành động nếu được bổ nhiệm. Các thành viên của Ủy ban đặt câu hỏi chất vấn đối với ứng cử viên, sau đó Ủy ban tiến hành biểu quyết tại phiên họp toàn thể.
Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, nghị sỹ Quốc hội có quyền đặt câu hỏi cho thành viên của Nội các dưới dạng văn bản. Ngoài ra, nghị sỹ còn có thể tiến hành chất vấn bằng lời đối với các Bộ trưởng hoặc Phó Chánh Văn phòng Nội các, Thứ trưởng thường trực hoặc Thứ trưởng chuyên trách... tại phiên họp toàn thể hoặc các phiên họp Ủy ban.
1.3 Cơ chế giúp việc liên quan đến chức năng đại diện và chức năng giám sát của Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po
Ở Ba Lan, Luật Thỉnh nguyện năm 2015[5] cho phép người dân có thể đưa thỉnh nguyện. Do đó, một “bộ phận thỉnh nguyện” được thành lập bên trong Vụ Thông tin công chúng của Văn phòng Quốc hội để duyệt qua nội dung của tất cả các thư từ và e-mail nhận được và xác định xem chúng có phải là thỉnh nguyện hay không. Nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân, nghị sỹ Quốc hội có thể thành lập Văn phòng của riêng mình hoặc kết hợp với nghị sỹ khác để tiến hành các hoạt động hướng tới cử tri tại địa phương. Kinh phí cần thiết để thiết lập Văn phòng, tuyển dụng nhân viên, triển khai các hoạt động sẽ do Văn phòng Quốc hội (Thượng viện, Hạ viện) chi trả và được tính vào chi phí hoạt động thường xuyên căn cứ trên sự thỏa thuận giữa Chủ tịch hai Viện. Nghị sỹ Quốc hội có trang web riêng để báo cáo các chính sách, quan điểm chính trị, những hoạt động mới nhất và có thể nhận được các bình luận từ người dân. Để tạo ra sự tương tác với cử tri, ngoài trang web riêng, nhiều nghị sỹ còn sử dụng cả các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter.
Nghị viện Ba Lan đề cao công tác thu thập thông tin, coi đây là một cơ chế hỗ trợ hoạt động giám sát. Nghị sỹ Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội, Chủ tịch Thượng và Hạ viện có thể yêu cầu Văn phòng Quốc hội hoặc Thư viện Quốc hội cung cấp các dữ liệu và thông tin cần thiết, các ý kiến của chuyên gia bên ngoài. Vụ Nghiên cứu Văn phòng Hạ viện cũng tổ chức các chương trình bồi dưỡng Nghị sỹ mới vào đầu mỗi kỳ họp.
Nhật Bản, Cơ quan giúp việc cho Nghị viện Nhật Bản cấp kinh phí đi lại giữa khu vực bầu cử và Tokyo. Nghị sỹ Quốc hội được cung cấp Văn phòng tại Tòa nhà dành cho nghị sỹ; riêng nghị sỹ Quốc hội do địa phương bầu thì được bố trí nhà công vụ. Theo đó, nghị sỹ Quốc hội do địa phương bầu thường trở về địa phương vào đêm thứ sáu và quay lại Tokyo vào sáng thứ hai. Như vậy, hầu hết các nghị sỹ đều có Văn phòng riêng tại khu vực bầu cử theo một hình thức nào đó để có thể giao lưu tiếp xúc với cử tri.
Nghị sỹ Quốc hội được được cấp vé tàu xe loại đặc biệt hoặc vé máy bay để đi lại giữa khu vực bầu cử và Tokyo. Theo quy định, mỗi nghị sỹ Quốc hội được bố trí hai thư ký giúp việc và một thư ký chính sách có nhiệm vụ chính là hỗ trợ xây dựng chính sách và hoạt động lập pháp cho nghị sỹ.
Xinh-ga-po, nghị sỹ Quốc hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tuyển trợ lý lập pháp và thư ký. Để tăng cường mối liên hệ với người dân, trên trang thông tin điện tử của Quốc hội có thư mục cung cấp thông tin về nghị sỹ. Tại đây, người dân có thể kiểm tra các thông tin về nghị sỹ được bầu ra từ đơn vị bầu cử nơi mình sinh sống. Ngoài ra, do đơn vị bầu cử thay đổi theo mỗi lần bầu cử, vì vậy, bản đồ đơn vị bầu cử cũng được đăng tải kèm theo.
Những thông tin trên cho thấy, cơ quan giúp việc của Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po rất tích cực trong việc hỗ trợ quá trình thúc đẩy giao lưu giữa Nghị sỹ và người dân, thông qua nhiều cách thức khác nhau như: hỗ trợ tiền lương cho thư ký, hỗ trợ thành lập, điều hành Văn phòng tại đơn vị bầu cử, chu cấp kinh phí đi lại, hỗ trợ chi phí vận hành trang web...
2. Nhữnggợi mở cho Quốc hội Việt Nam nhằm tăng cường chức năng đại diện và chức năng giám sát
Từ việc nghiên cứu chức năng đại diện và chức năng giám sát của Nghị viện Ba Lan, Nhật Bản và Xinh-ga-po; thực trạng chức năng đại diện, chức năng giám sát và cơ chế giúp việc liên quan đến chức năng đại diện, chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam, chúng ta có thể thấy:
Một là, Quốc hội Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu giải pháp về thủ tục trình thư thỉnh nguyên theo sự giới thiệu của ĐBQH; tổ chức tiếp xúc cử tri tại khu phố hàng tháng; lập Văn phòng tại đơn vị bầu cử; tuyển dụng thư ký của ĐBQH và tăng cường các hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế giám sát, trong đó điển hình là việc gia tăng số lượng các báo cáo mà Chính phủ phải trình Quốc hội; tăng thêm số lượng ĐBQH chuyên trách và giảm thiểu ĐBQH kiêm nhiệm các vị trí thuộc hệ thống hành pháp.
Hai là, Quốc hội Việt Nam nên có sự hỗ trợ thành lập, điều hành Văn phòng tại khu vực bầu cử; hỗ trợ chi phí vận hành trang web; áp dụng các cơ chế để lợi ích của quốc gia được ưu tiên hơn lợi ích của địa phương; áp dụng hệ thống bầu cử có tính cạnh tranh hơn; thúc đẩy sự giao lưu, tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri; tăng cường các hoạt động giáo dục, truyền thông; nâng cao nhận thức của các cơ quan Quốc hội và các tổ chức, cá nhân liên quan đến chức năng giám sát về tầm quan trọng của chức năng này; áp dụng các hình thức giám sát hiệu quả; đảm bảo tính độc lập và nâng cao kiến thức, kỹ năng của ĐBQH trong giám sát; củng cố bộ máy phục vụ hoạt động giám sát và các cơ chế để tăng cường hoạt động giám sát...
Ba là, có sự phân công rõ ràng về nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc; làm rõ cơ chế giúp việc cho các Ủy ban của Quốc hội; xây dựng cơ chế giúp việc riêng cho cá nhân ĐBQH; áp dụng cách thức tuyển dụng và đào tạo nhân viên hợp lý; nâng cao hơn nữa hiệu suất làm việc, nâng cao năng lực nghiên cứu, cung cấp thông tin của các cơ quan giúp việc.../.

 


[1] Xem: Công ty cổ phần Trung tâm Phát triển Quốc tế, Thu thập thông tin và nghiên cứu về các chức năng của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Hà Nội, 2016.
[2] Xem: Công ty cổ phần Trung tâm Phát triển Quốc tế, tlđd;
Đại sứ quán Nhật Bản tại Ba Lan, “Tình hình Ba Lan năm 2016”, Chương 3
[3] Xem thêm: Công ty cổ phần Trung tâm Phát triển Quốc tế, tlđd,
[4] Xem Công ty cổ phần Trung tâm Phát triển Quốc tế, tlđd; Đại sứ quán Nhật Bản tại Ba Lan: “Tình hình Ba Lan năm 2016”, Chương 3; Trang web Bộ Ngoại giao:  http://www.mofa.go.jp/mofaj/press/pr/wakaru/topics/vol81/ 
[5] Xem Công ty cổ phần Trung tâm Phát triển Quốc tế, tlđd; Đại sứ quán Nhật Bản tại Ba Lan: “Tình hình Ba Lan năm 2016”, Chương 3
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 19(371)-tháng 10/2018)


Thống kê truy cập

33922680

Tổng truy cập