Cơ chế các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội một số nước tham gia kiểm soát quyền lực và những nội dung Việt Nam có thể tham khảo

01/08/2018

TS. NGUYỄN QUANG ANH

Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ

Tóm tắt: Xây dựng Nhà nước nhỏ, xã hội lớn; xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng xã hội dân sự là xu thế phổ biến trên thế giới ngày nay. Để đáp ứng  yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả. Nghiên cứu sự tham gia của các đảng chính trị, các tổ chức xã hội một số nước trên thế giới vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: đảng phái chính trị; tổ chức xã hội; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài
Abstract: Development of small state, large society; development of a state with rule of law, developing a market economy, expanding the civil society is a popular trend in the world today. For the requirement of a rule-of-law state oriented toward the socialist, Vietnam has to reform its political system, reform the organization and operation of the state apparatus, and establish an effective mechanism for controlling state power. The studies of the participation of political parties and social organizations in foreign countries to control state power may provide some experiences for Vietnam.
Keywords: Political parties; social organization; control mechanism of state power; state control mechanism from outside
 
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Sự tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước của các đảng chính trị ở một số nước
- Ở Cộng hòa Pháp:  
Hiện nay, nước Pháp có khoảng 30 đảng chính trị hợp pháp hoạt động. Các đảng chính trị đều phải tự chủ về tài chính qua việc vận động của đảng mình, nguồn hỗ trợ từ nhà nước là không đáng kể. Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1958 quy định: “Các đảng và các nhóm chính trị giành quyền lực qua kết quả bầu cử. Các đảng và các tổ chức chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ"[1]. Điểm nổi bật ở Pháp là các đảng chính trị, mặc dù tồn tại những bất đồng, nhưng thường tập hợp lại với nhau thành hai phe rất rõ ràng là phe tả và phe hữu (do có mục đích, tính chất gần nhau). Các đảng chính trị tập hợp lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình (đối với phe đa số nắm chính quyền) hoặc để phản đối, cản trở, kiềm chế hoạt động của chính quyền (phe đối lập). Thông qua các đảng chính trị, các cá nhân liên kết với nhau tạo nên sức mạnh cộng đồng tác động mạnh mẽ đến quyền lực nhà nước, buộc quyền lực nhà nước chỉ được vận hành trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, vì lợi ích quốc gia và dân chúng. Việc đấu tranh đó được coi là vận động phổ biến và nó luôn chống lại mọi biểu hiện của sự lạm quyền của đảng cầm quyền một cách ôn hoà nhưng hữu hiệu. Nước Pháp coi các đảng chính trị là "thành quả của loài người trong việc đi tìm những phương thức thực hành dân chủ". Do đó, các đảng chính trị có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong cách thức tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Ở Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ có hàng trăm đảng chính trị cùng hoạt động. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ chỉ có đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà là thay nhau cầm quyền và việc cầm quyền được thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh quyết liệt, còn lại các đảng khác chỉ có thể tham gia vào đời sống chính trị - xã hội ở một mức độ hạn chế. Mặc dù các đảng chính trị luôn cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền kiểm soát bộ máy nhà nước, nhưng họ vẫn cùng nhau chia sẻ những cam kết chung và những giá trị cơ bản của xã hội: đó là chế độ nhà nước cộng hòa, tôn trọng Hiến pháp và các nguyên tắc của nó. Hiến pháp, pháp luật ở Mỹ buộc mọi đảng chính trị, kể cả đảng cầm quyền, nhóm lợi ích phải tuân thủ, thực hiện pháp luật, hoạt động cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ của cử tri phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, của "luật chơi" đã thoả thuận. Mọi vi phạm đều xử lý theo quy định của pháp luật. Pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho các đảng chính trị đấu tranh giành và kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Ở Trung Quốc:
Trung Quốc là nước XHCN, nhưng pháp luật cho phép nhiều đảng chính trị được hoạt động. Tuy nhiên, các đảng đó phải chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều 4 Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1982 quy định: "Chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tồn tại và phát triển lâu dài"[2].Thay vì tranh giành ảnh hưởng, hợp tác nhiều đảng được coi là đặc điểm đặc thù của hệ thống chính trị - xã hội Trung Quốc. Ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, 8 đảng khác hoạt động với mục đích tồn tại cùng nhau, giám sát lẫn nhau và "giám sát dân chủ" đối với các cơ quan nhà nước, vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của các đảng chính trị ở Trung Quốc mờ nhạt, không có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống chính trị - xã hội. Vì vậy, vấn đề các đảng phái chính trị kiểm soát quyền lực nhà nước ở Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn.
- Ở Liên bang Nga:
Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 "thừa nhận đa nguyên, đa đảng"[3]. Nguyên tắc này tạo cơ sở pháp lý cho các đảng chính trị, với các đường lối khác nhau, có thể cạnh tranh quyền lãnh đạo đất nước thông qua con đường bầu cử hợp pháp. Điều này cũng buộc đảng cầm quyền luôn phải thượng tôn pháp luật, trong sạch, liêm chính, có đường lối, chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân chúng và giành được sự ủng hộ của dân chúng thì mới có thể duy trì vị trí lãnh đạo trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
- Nghiên cứu, tìm hiểu sự tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước của đảng chính trị ở một số nước cho thấy:
Một là, Hiến pháp, pháp luật các nước dân chủ tư sản phát triển trên thế giới về cơ bản đều thừa nhận, cho phép, bảo vệ việc thành lập, hoạt động của các đảng chính trị nói chung, đối lập nói riêng.
Hai là, bầu cử và tranh cử nắm giữ quyền lực nhà nước vừa là phương tiện vừa là cách thức để các đảng chính trị đấu tranh giành và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Ba là, đảng cầm quyền (hoặc liên danh các đảng) luôn bị các đảng phái chính trị đối lập đấu tranh hạ thấp uy tín bằng việc chỉ ra những hạn chế, khuyết tật trong đường lối, chính sách, năng lực quản trị đất nước, phẩm chất đạo đức cá nhân lãnh đạo... để nhằm giành lấy sự kiểm soát quyền lực nhà nước.
Bốn là, các đảng chính trị hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không có sự bao cấp từ ngân sách quốc gia.
2. Sự tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức xã hội ở một số nước
Nhìn chung, ở các nước trên thế giới, các tổ chức xã hội được hình thành trên cơ sở cân bằng giữa bộ phận quyền lực nhà nước do nhân dân trao hoặc uỷ quyền với bộ phận quyền lực còn lại do nhân dân tự mình trực tiếp thực hiện. Đặc điểm chung của các tổ chức này là: tự nguyện, tự tổ chức, tự chủ, đa dạng, phi thương mại, phi lợi nhuận, hành động mang tính tập thể, có trách nhiệm giải trình, cam kết minh bạch, tính dân sự và tính dân sự hoá. Các tổ chức xã hội tập hợp, liên kết mọi người nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung và lợi ích chung, luôn đại diện cho lợi ích, giá trị của mình (thành viên, tổ chức) và của người khác theo pháp luật dựa trên cơ sở đạo đức, văn hoá, tôn giáo hoặc từ thiện... Tính đa dạng của các tổ chức xã hội được thể hiện thông qua các loại hình hoạt động như: tổ chức phi chính phủ (NGO), hiệp hội nghề nghiệp, các quỹ, các viện nghiên cứu độc lập, tổ chức cộng đồng (CBOs), tổ chức tín ngưỡng, tổ chức quần chúng nhân dân, phong trào xã hội và công đoàn...
 Ở Mỹ, các tổ chức xã hội (hội, hiệp hội) có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách của Chính phủ, có vai trò nhất định trong sự tham gia và giám sát hoạt động của quyền lực nhà nước, là công cụ đắc lực giúp người dân tham gia quản lý xã hội. Các tổ chức xã hội (được biết đến như các nhóm lợi ích) vô cùng phong phú, đa dạng có vai trò tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách của Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, các tổ chức xã hội còn tham gia vào vận động bầu cử; ủng hộ các đảng phái, các ứng cử viên tự do bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm gây ảnh hưởng đến quá trình chính trị. Học giả người Mỹ Aleis de Tocqueville cho rằng, "thực tế các đảng chính trị ở Mỹ đã không được tổ chức một cách chặt chẽ để phục vụ cho việc thể hiện những lợi ích hoặc những quan điểm cụ thể. Chính các nhóm lợi ích đã phần nào lấp đầy khoảng trống này"[4]. Ở đây, nhóm lợi ích được hiểu chính là các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tự do cá nhân, quyền dân chủ trước sự can thiệp của quyền lực nhà nước. "Tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, hoạt động bảo vệ quyền lợi của các nhân chứng dám đứng ra bảo vệ công chúng, tiến hành các cuộc điều tra để giúp những người chống tiêu cực, lật tẩy các hành vi trả thù, trù dập, đòi hỏi giới quan chức luôn có trách nhiệm và sửa chữa các vấn đề được nêu lên"[5].
Ở Nhật Bản, các tổ chức xã hội rất phát triển, đó là những hội, hiệp hội và tổ chức khác nhau hoặc liên kết hoặc độc lập luôn tác động, giám sát quyền lực nhà nước. Nhà nước trên cơ sở pháp luật luôn mở rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội phát triển. Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng, lắng nghe, tiếp thu những tham gia, đòi hỏi, yêu cầu hợp lý của các tổ chức xã hội để hoàn thiện các chính sách của mình. Trong khi đó, ở Malaixia, các tổ chức xã hội (bao gồm cả các nhóm lợi ích) lại thường đối lập với chính sách của Chính phủ và Chính phủ luôn coi đó là mối bất lợi dù tính chất hoạt động của nó không có mục đích lật đổ. Tuy nhiên, điểm chung của các tổ chức xã hội ở Malaixia và Nhật Bản là: góp phần làm cho đảng cầm quyền, Chính phủ phải có ý thức về trách nhiệm trong sử dụng quyền lực nhà nước thông qua việc ban hành và thực hiện chính sách của mình.
Các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Aixơlen, Phần Lan đều là những nước phát triển. Ngoài tự do, dân chủ, các quốc gia trên đều đề cao tính công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước và coi trọng phát triển các tổ chức xã hội. Đặc biệt, Thuỵ Điển, được coi là mô hình mẫu về nhà nước phúc lợi xã hội. Hệ thống chính trị của Thuỵ Điển tạo điều kiện để các lực lượng xã hội tích cực tham gia các hội, hiệp hội, thông qua đó sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chính trị của quốc gia. Các tổ chức xã hội như: phong trào quần chúng, các tổ chức lợi ích và hiệp hội có vai trò bổ sung và đóng góp quan trọng vào quan điểm của Chính phủ, được coi như trường học cho dân chủ và quyền công dân và là công cụ để huy động chính trị, chia sẻ trách nhiệm xã hội với Nhà nước. Gần đây, Nhà nước Thuỵ Điển đã gia tăng công nhận vai trò chính trị và xã hội của các tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò vận động xã hội (thúc đẩy lợi ích thành viên, vận động hành lang, tuyên truyền, tuần hành và tạo dựng hệ tư tưởng, đóng góp vào cung cấp dịch vụ phúc lợi...).       
Đối với các nước Trung và Đông Âu, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của mô hình Xô viết nên kiểm soát quyền lực nhà nước qua các hoạt động của các tổ chức xã hội còn khá mờ nhạt. Ở những nước này, đa số các tổ chức xã hội do Nhà nước lập, hoạt động dưới sự tác động của Nhà nước. Sau khi khối XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo xu hướng chung. Các tổ chức xã hội dần dần trở thành kênh chính để công dân tiếp cận thông tin và thực hành dân chủ. Vai trò của các tổ chức xã hội được chú trọng trong việc vận động xã hội, xây dựng, tuân thủ luật pháp, giám sát hoạt động của Nhà nước.  
Mặt tích cực của việc phát triển các tổ chức xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu là góp phần "thực hiện mạnh mẽ tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch; đấu tranh chống lại những bất công, độc đoán, chuyên quyền; đưa ra những ý kiến phản biện xã hội; nhằm mục tiêu bảo vệ những người có địa vị xã hội yếu kém; chống lại những hành động bạo lực; thực hiện quyền cơ bản của con người..."[6]. Với sự đóng góp đó, các tổ chức xã hội ở các nước Trung và Đông Âu ngày càng có vai trò quan trọng trong kiến tạo, phát triển dân chủ và được coi là một bộ phận thiết yếu của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Tựu chung, ở các nước, các tổ chức xã hội dù được thành lập và hoạt động theo những chuẩn mực khác nhau, nhưng có điểm chung là đều chịu sự quản lý của Nhà nước thông qua quy định khá chặt chẽ và cụ thể của pháp luật như: điều kiện thành lập hội, tổ chức phi chính phủ; yêu cầu tối thiểu về điều lệ; các quy định về nghiêm cấm tư lợi trực tiếp hoặc gián tiếp; điều kiện nhận tài trợ hoặc được miễn, giảm thuế; các quy định về gây quỹ, quảng cáo v.v.. Các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, mặc dù không can thiệp trực tiếp, cụ thể vào việc xây dựng điều lệ hội, tổ chức phi chính phủ, nhưng tác động gián tiếp thông qua quyền ban hành văn bản đặt ra những nguyên tắc, yêu cầu  chung cho nội dung điều lệ của các tổ chức xã hội. Ngoài sự điều hỉnh của các văn bản mang tính chất quản lý hành chính nhà nước, hoạt động của các tổ chức xã hội còn chịu sự điều chỉnh của luật dân sự, luật thuế, luật hoạt động công ích, luật sở hữu trí tuệ, luật đăng ký kinh doanh v.v.. 
 Thông qua cơ chế tham vấn, đối thoại có tổ chức, vận động, huy động các lực lượng, thành phần xã hội tham gia, các tổ chức xã hội một mặt hỗ trợ nhà nước cùng làm, cùng giải quyết nhiều vấn đề xã hội một cách chủ động, tự nguyện, mặt khác đó là cơ chế dân chủ để công dân thông qua các tổ chức của mình kiểm soát, giám sát hoạt động của Nhà nước, góp phần bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, các tổ chức xã hội được coi là hình thức mở rộng dân chủ trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, mức độ tham gia và ảnh hưởng của các tổ chức xã hội đến đâu trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thể chế chính trị, pháp lý của đất nước; năng lực tham gia của các tổ chức xã hội và nguồn lực cũng như sự ủng hộ của dân chúng đối với hoạt động của các tổ chức đó...
3. Những nội dung Việt Nam có thể tham khảo
Xây dựng Nhà nước nhỏ, xã hội lớn; xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng xã hội dân sự là xu thế phổ biến trên thế giới ngày nay. Để đáp ứng  yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả. Qua nghiên cứu sự tham gia của các đảng chính trị, các tổ chức xã hội một số nước trên thế giới vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, có thể rút ra một số nội dung Việt Nam có thể tham khảo sau đây:
Thứ nhất, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam không thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng. Theo đó, cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng, luật giám sát xã hội, luật phản biện xã hội và luật về hội... để phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng, quyền lực nhà nước, góp phần khắc phục những hạn chế của cơ chế một đảng cầm quyền như hiện nay.
Thứ hai, việc bầu cử lựa chọn nhân sự lãnh đạo của tổ chức đảng, của các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) và trong các tổ chức chính trị - xã hội cần được đổi mới theo hướng có cạnh tranh, tranh cử một cách thực chất, bảo đảm loại trừ dân chủ hình thức, tiêu cực, lợi ích nhóm dẫn đến suy giảm uy tín, vai trò của Đảng đối với quần chúng nhân dân, làm tổn hại đến bản chất dân chủ của chế độ và làm cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước qua bầu cử trở nên hình thức.
Thứ ba, để quyền lực nhà nước vận hành trong khuôn khổ, giới hạn hiến pháp, pháp luật quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì Đảng phải có cơ chế, phương thức lãnh đạo hữu hiệu hơn, trong đó thực hiện dân chủ trong đảng một cách thực chất là một giải pháp cụ thể. Theo đó, dân chủ trong Đảng là phải có sự đấu tranh thực chất trong nội bộ để khắc phục những yếu kém, hạn chế, khuyết tật về tổ chức bộ máy, trong đường lối, chính sách và năng lực cầm quyền nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Nội dung của dân chủ là đề cao tính công khai minh bạch về phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ và những quyết định về phát triển kinh tế, xã hội, khuyến khích đấu tranh, phản biện trong tổ chức ở mỗi cấp và các cấp với nhau; đề cao, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; nghiêm trị mọi vi phạm và người bao che vi phạm; khen thưởng, sử dụng, đãi ngộ cá nhân có năng lực, dám nói dám làm, dũng cảm đấu tranh với mọi vi phạm.
Thứ tư, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… Bên cạnh đó, cần giảm dần sự bao cấp của Nhà nước[7], xây dựng cơ chế bảo đảm cho các tổ chức này chuyển dần sang hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ chế thị trường và quy luật của xã hội để các tổ chức bảo đảm tính độc lập, bên ngoài quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước một cách thực chất, hiệu quả./.

 


[1] Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (2013), Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 386.
[2] Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.242.
[3]Sđd, tr.58.
[4] GS.,TS Nguyễn Văn Huyên, Chủ biên (2007), Hệ thống chính trị Anh, Mỹ, Pháp (Mô hình tổ chức và hoạt động), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 267,268.
[5] Nguyễn Huy Phượng (2012), Giám sát xã hội đối với các cơ quan tư pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, Luận án TS., Hà Nội, tr.113.
[6] Đinh Công Tuấn (2010), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xã hội dân sự ở Liên minh châu Âu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.216.
[7] Năm 2016, ngân sách nhà nước chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này; nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức nhà cửa, đất đai, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội, đoàn này dao động từ 45.600 - 68.100 tỉ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn Online ngày 17/5/2016, truy cập ngày 28/02/2017.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (367), tháng 8/2018)


Ý kiến bạn đọc