Hoàn thiện pháp luật Về vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát bảo vệ môi trường

01/09/2013

ThS. NGUYỄN THỊ TỐ UYÊN

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị, Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) như ban hành Nghị quyết 41/NQ/TƯ về BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2005), Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật Khoáng sản năm 2010... Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là BVMT gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT để phát triển bền vững; BVMT là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người[1]. Nhờ có những chủ trương, chính sách pháp luật đúng đắn, công tác BVMT đã có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức lẫn hành động. Tuy nhiên, theo các báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường, Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với những vấn đề lớn về BVMT. Công tác BVMT vẫn chủ yếu thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà chưa thu hút được đông đảo tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia, việc thực hiện chủ trương "xã hội hóa" công tác BVMT vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả.
Thực trạng đó cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý đảm bảo sự tham gia của các tổ chức xã hội (TCXH), huy động mọi nguồn lực xã hội, cộng đồng dân cư trong BVMT. Bài viết tập trung đánh giá về vai trò giám sát của các TCXH trong BVMT và bước đầu đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm phát huy vai trò giám sát của các TCXH trong BVMT sống ở Việt Nam hiện nay.
Untitled_443.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Vai trò của các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường
TCXH được hiểu là những tổ chức tự nguyện của công dân được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam vì mục tiêu chung phi chính trị, phi lợi nhuận. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các TCXH ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong giám sát, BVMT, là cầu nối giữa đông đảo quần chúng nhân dân với chính quyền trong BVMT sống. Vai trò của các tổ chức này được đánh giá trên một số khía cạnh sau:
Một là, phát hiện và tố giác vi phạm pháp luật về môi trường. Vai trò của các TCXH trong phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật về môi trường được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Với tư cách là những cộng đồng tự quản ở địa phương mà thành viên của họ đều là quần chúng, các TCXH đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác những vi phạm về BVMT mà các tổ chức sản xuất, kinh doanh gây ra. Thời gian qua, các TCXH đã và đang làm tốt vai trò này. Điển hình như vụ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã phát hiện, tố giác 2 công ty Tung Kuang và Vedan có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Hai là, phản biện xã hội về chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường. Luật BVMT đã quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền được đối thoại với chính quyền các cấp về vấn đề BVMT. Trong những năm qua, nhiều dự án liên quan đến xây sân golf, biệt thự cao cấp, nhà cao ốc ở công viên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã phải dừng lại vì sự tham gia phản biện mạnh mẽ của các TCXH và cộng đồng. Các TCXH như Viện Môi trường và Phát triển bền vững, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)... được xem là những TCXH đi đầu trong vai trò phản biện chính sách. 
Ba là, vận động và tư vấn chính sách về môi trường. Vai trò tư vấn, khuyến nghị của các TCXH được xác lập trong các quy định tại Điều 19, 116 của Luật BVMT. Theo đó các tổ chức, cá nhân đều được khuyến khích thúc đẩy phát triển dịch vụ BVMT với chức năng bao gồm tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường[2]. Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của cơ chế dân chủ trong BVMT, các TCXH không chỉ phản ánh đơn thuần về những vi phạm pháp luật BVMT mà còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho việc xử lý và giải quyết các vấn đề đó. Thông qua các TCXH, người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình vào việc đưa ra những chính sách và chương trình, kế hoạch về BVMT ở địa phương và cấp quốc gia. Nghiên cứu hoạt động của các TCXH như CODE, PanNature cho thấy vai trò và hiệu quả của TCXH trong việc vận động và tư vấn chính sách liên quan đến BVMT ở Việt Nam.
Bốn là, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc BVMT. Thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các TCXH hoạt động trong lĩnh vực BVMT. Luật BVMT quy định về trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án, theo đó cần phải niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp BVMT để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát. Như vậy ở đây vai trò của cộng đồng, dân cư trong việc kiểm tra, giám sát là hết sức quan trọng và là yêu cầu bắt buộc ngay từ khâu thẩm định dự án có tác động đến môi trường, chứ không chỉ là trong quá trình thực hiện hay kết thúc dự án. Các TCXH với tư cách là tổ chức tự nguyện của quần chúng phải thu hút sự tham gia mạnh mẽ và sâu rộng của cộng đồng dân cư, các chủ thể có liên quan vào BVMT.
Năm là, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT. Các TCXH có vai trò quan trọng trong việc tham gia giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT. Luật BVMT tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động BVMT nói chung và hoạt động giáo dục, phổ biến và tuyên truyền về BVMT nói riêng. Luật này cũng quy định, Nhà nước cần phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho việc BVMT; đồng thời khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực BVMT. Giáo dục chính thức trong hệ thống công lập do Nhà nước thực hiện là hết sức quan trọng và tất yếu. Tuy nhiên, việc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục lâu dài và phổ thông cho mọi tầng lớp xã hội nói chung và các tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nói riêng không thể thiếu vai trò của các TCXH. Vấn đề này đã được ghi cụ thể trong điều lệ hoạt động của các TCXH như Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên của Việt Nam (EVN)[3]...
2. Giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức xã hội
Dưới góc độ pháp lý, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp sau:
1. Nhìn chung những năm gần đây, rất nhiều TCXH đã được hình thành và hoạt động trên lĩnh vực BVMT ở Việt Nam. Họ đã góp phần đáng kể chung sức cùng Nhà nước trong BVMT. Tuy nhiên, do chưa có một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và một cơ chế thực thi hiệu quả nên sự tham gia của các TCXH và vai trò của họ trong công tác BVMT còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trước hết cần ra soát lại tổng thể các văn bản pháp luật về BVMT nói chung, pháp luật về sự tham gia của các TCXH trong BVMT nói riêng. Việc rà soát phải nhằm mục tiêu đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, chính sách pháp luật trong công tác quản lý và BVMT, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội trong BVMT; từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật.
2. Việc sửa đổi, bàn hành các văn bản pháp luật về sự tham gia của các TCXH trong BVMT phải đảm bảo những yêu cầu nhất định đó là:
- Phải phù hợp với các văn bản pháp luật khác, tránh chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, sở dĩ công tác BVMT gặp khó khăn là do tình trạng “thừa văn bản nhưng thiếu quy định”. Trên thực tế mặc dù có tới hơn 300 văn bản liên quan tới lĩnh vực BVMT song các quy định đều mang tính chung chung dẫn tới thực trạng nhiều vi phạm không biết chiểu theo văn bản nào để xử lý. Hơn nữa, sửa đổi các văn bản pháp luật đảm bảo vai trò của các TCXH trong BVMT có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau (luật hình sự, luật hội, luật tiếp cận thông tin...) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, do đó đảm bảo tính đồng bộ là một yêu cầu hết sức quan trọng.
- Phải đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của TCXH trong BVMT. Quyền của các cá nhân và TCXH trong BVMT là quyền tiếp cận thông tin về môi trường; quyền tiếp cận luật, các văn bản dưới luật, các cơ chế, chính sách do Nhà nước, trung ương và địa phương ban hành; quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ. Các cá nhân và TCXH có trách nhiệm: tự nguyện, tự giác, xung phong, tình nguyện tham gia vào các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, phong trào BVMT.
3. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện một số lĩnh vực pháp luật cụ thể sau để đảm bảo vai trò của các TCXH trong BVMT:
- Vừa qua, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có việc sửa đổi Luật BVMT năm 2005. Để đảm bảo vai trò của các TCXH, Luật BVMT năm 2005 phải được nghiên cứu sửa đổi theo hướng mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh; bổ sung các quy định mới và làm rõ hơn các quy định liên quan tới việc công khai, công bố thông tin về môi trường; quy định về việc huy động sự tham gia của các TCXH và cộng đồng, người dân trong giám sát BVMT; tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan tới môi trường.
- Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT, Bộ luật Dân sự về trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực môi trường; xem xét, sửa đổi bổ sung quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và ban hành nghị định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT và quy hoạch môi trường. Đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn cho một số lĩnh vực sản xuất đặc thù và sản xuất làng nghề. Những văn bản này giúp các TCXH có tiêu chí đánh giá đầy đủ về tác động môi trường trên cơ sở đó phát huy vai trò của mình trong BVMT.
- Ban hành Luật về Hội nhằm hoàn thiện khung pháp luật và chính sách về việc lập hội (thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP) để một mặt, tăng cường sự quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các TCXH, mặt khác trao những quyền và lĩnh vực để từ đó các TCXH phát huy hiệu quả vào hoạt động cung cấp các dịch vụ xã hội từ thiện, phát triển cộng đồng, tăng cường vai trò giám sát cộng đồng đối với các hoạt động thực thi pháp luật và chính sách của các cấp chính quyền cũng như chủ thể kinh tế ở địa phương, nhất là trong việc BVMT.
- Ban hành Luật Tiếp cận thông tin để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về môi trường của các TCXH và cộng đồng. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin của các TCXH và quần chúng trong việc BVMT là rất hạn chế. Kết quả khảo sát của Tổng cục Môi trường tháng 10 năm 2010, trên 90% người dân được hỏi cho rằng họ có quá ít thông tin về môi trường và cho rằng đó là thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương[4]. Vì vậy, việc ban hành luật về quyền tiếp cận thông tin là vấn đề quan trọng, là cơ sở chủ yếu phát huy vai trò của các TCXH trong BVMT.
Tóm lại, các TCXH có vai trò quan trọng trong việc giám sát và BVMT thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức. Sự tham gia của các TCXH vào hoạt động giám sát, BVMT là quyền và nghĩa vụ được quy định bằng luật; Nhà nước có nghĩa vụ đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các TCXH vào giám sát và BVMT. Các TCXH còn là cầu nối cho sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân vào giám sát và BVMT. Vì vậy, cần hết sức đề cao vai trò của các TCXH và cộng đồng trong BVMT ở Việt Nam. Bên cạnh giải pháp về hoàn thiện pháp luật ở trên, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp khác về thực thi pháp luật, về nhận thức, về hỗ trợ tài chính... mới có thể phát huy toàn diện vai trò của các TCXH và mọi công dân trong BVMT sống của mình.

 


[1] Nghị quyết 41/NQ/TƯ ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khoa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
[2]Luật Bảo vệ môi trường (QH52/2005/QH11), http://www.vietlaw.gov.vn/
 
[3]EVN là một trong những TCXH đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu vào lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường được thành lập năm 2000 có vai trò giáo dục và bảo vệ môi trường thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ động vật hoang dã. Xem thêm: http://www.thiennhien.org/index.php?page=introduction. 
[4]Nguồn: Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(249), tháng 9/2013)


Thống kê truy cập

33950104

Tổng truy cập