Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam

01/08/2013

TS. LÊ THỊ THU HÀ

Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương

CN. ĐÀO KIM ANH

Đại học Ngoại thương

Trong xu hướng toàn cầu hóa, các công cụ Internet, trong đó đặc biệt là tên miền và trang web ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ là một địa chỉ định danh trên Internet, tên miền đã trở thành một “tài sản” giá trị, giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Bên cạnh việc khai thác lợi thế của tên miền để quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp không thể tránh khỏi nguy cơ phát sinh tranh chấp tên miền với các chủ thể khác, trong đó đặc biệt phức tạp là các tranh chấp tên miền quốc tế. Với các doanh nghiệp ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà các quy định pháp luật về tên miền còn chưa hoàn thiện, việc tiếp cận các cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế luôn là một thách thức lớn. 
Hiện nay, Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP) do Tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) là cơ chế đặc thù và phổ biến điều chỉnh các tranh chấp tên miền quốc tế. Đến nay, chỉ tính riêng các tranh chấp tên miền quốc tế giải quyết qua UDRP tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì đã có 61 vụ doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn và 1 vụ doanh nghiệp Việt Nam là nguyên đơn[1]. Trước tình trạng đó, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam cần có hiểu biết gì về cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế UDRP? Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần có những biện pháp gì để bảo vệ lợi ích của mình trong các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai? Bài viết giúp trả lời những câu hỏi này thông qua việc nghiên cứu UDRP và những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Untitled_450.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái quát về UDRP
Khi Internet ngày càng phát triển, tình trạng “chiếm dụng và đầu cơ” tên miền trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Lợi dụng chính sách đăng ký tên miền dễ dàng và nguyên tắc đăng ký tên miền là “duy nhất”, “nộp đơn trước, đăng ký trước”, nhiều chủ thể đã đăng ký tên miền trùng hoặc tương tự với các chỉ dẫn thương mại của chủ thể khác, đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng, để sau đó bán lại với giá cao. Tình trạng này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng tới quyền sở hữu trí tuệ mà còn cản trở sự phát triển của thương mại thế giới nói chung và sự phát triển của hoạt động thương mại trên Internet nói riêng. Do đó, nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải có một cơ chế đồng bộ và hoàn thiện để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng tên miền.
Căn cứ những đề xuất của WIPO, ICANN đã tiến hành soạn thảo và cho ra đời một cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ các chủ sở hữu nhãn hiệu và những người đăng ký tên miền hợp pháp. Ngày 24/10/1999, Hội đồng ICANN đã chính thức thông qua UDRP, đồng thời ban hành “Điều lệ giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất” (Điều lệ UDRP) để hướng dẫn cụ thể UDRP.
Về cơ sở pháp lý, UDRP là một thủ tục hành chính bắt buộc đối với các chủ thể đăng ký tên miền quốc tế. Cơ sở pháp lý của UDRP dựa trên thỏa thuận đăng ký tên miền giữa chủ thể đăng ký và Cơ quan cấp phát tên miền, theo đó, chủ thể đăng ký cam kết tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của UDRP.
Về phạm vi áp dụng, UDRP chỉ áp dụng với các tranh chấp tên miền quốc tế (các tên miền có đuôi là các tên miền cấp cao dùng chung bao gồm .com, .net, .org, .aero, .biz, .coop, .info, .museum, .name và .pro). Ngoài ra, ICANN đặt ra hai giới hạn trong phạm vi áp dụng của UDRP: một là, UDRP chỉ áp dụng cho trường hợp đăng ký tên miền gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tức là các tranh chấp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu và chủ thể đăng ký tên miền; hai là thủ tục giải quyết tranh chấp này chỉ áp dụng với những trường hợp cố ý chiếm dụng tên miền, các trường hợp tranh chấp khác thuộc thẩm quyền của tòa án. Để chứng minh hành vi “chiếm dụng tên miền”, UDRP yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh được ba yêu cầu sau (phép thử “ba bước”): sự trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn của tên miền với nhãn hiệu; chủ thể đăng ký tên miền không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với tên miền và chủ thể này đăng ký tên miền với ý đồ xấu[2].
Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo UDRP gồm có năm bước chính sau đây:
Thứ nhất, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện
Nguyên đơn được quyền lựa chọn nộp đơn khởi kiện tới một trong các tổ chức giải quyết tranh chấp (TCGQTC) do ICANN ủy nhiệm. Hiện nay, danh sách các tổ chức này bao gồm: Trung tâm hòa giải và trọng tài WIPO, Trung tâm giải quyết tranh chấp tên miền Châu Á (Asian Domain Name Dispute Resolution Center - ADNDRC), Diễn đàn trọng tài quốc gia (National Arbitrational Forum - NAF), Trung tâm trọng tài Cộng hòa Séc về giải quyết tranh chấp Internet (the Czech Arbitration Court Arbitration Center for Internet Dispute - CAC)[3].
Thứ hai, bị đơn nộp tài liệu trả lời
Sau khi kiểm tra đơn khởi kiện và xác nhận đơn hợp lệ, TCGQTC sẽ thông báo chính thức tới bị đơn và yêu cầu bị đơn nộp tài liệu trả lời để đưa ra lập luận của mình. Bị đơn có 20 ngày để gửi tài liệu tới TCGQTC.
Thứ ba, thành lập Hội đồng Hành chính (HĐHC)
Dù có nhận được tài liệu trả lời của bị đơn hay không, TCGQTC vẫn chỉ định một  HĐHC để giải quyết tranh chấp. Hội đồng này sẽ gồm một hoặc ba thành viên là các chuyên gia về tranh chấp tên miền nằm trong danh sách của TCGQTC..
Thứ tư, HĐHC đưa ra quyết định và thông báo tới các bên liên quan
Trong vòng 14 ngày kể từ ngày được bổ nhiệm, HĐHC phải đệ trình lên TCGQTC  quyết định của mình bằng văn bản. HĐHC có thể đưa ra một trong những quyết định sau:
-   Ủng hộ lập luận của nguyên đơn và chuyển giao yêu cầu tên miền bị tranh chấp cho nguyên đơn;
-   Ủng hộ lập luận của nguyên đơn và yêu cầu hủy bỏ tên miền bị tranh chấp;
-   Ủng hộ bị đơn (chủ sở hữu tên miền) và bác bỏ các yêu cầu của nguyên đơn.
Như vậy, theo UDRP, không có chế tài bồi thường thiệt hại hay phạt tài chính nào được áp dụng (Đoạn 4 (i), UDRP).
Thứ năm, cơ quan cấp phát tên miền thực hiện quyết định của HĐHC
Nếu HĐHC ra quyết định rằng tên miền của chủ thể đăng ký bị huỷ bỏ hoặc chuyển nhượng, cơ quan cấp phát tên miền sẽ đợi trong mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chính thức về quyết định này trước khi thực hiện quyết định. Đây là khoảng thời gian để các bên, nếu muốn phản đối quyết định hành chính, có thể nộp đơn kiện ra tòa án. Hết thời gian này, quyết định của HĐHC sẽ được thực hiện.
Như vậy, sự ra đời của UDRP đánh dấu sự hình thành của cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất đầu tiên trên thế giới. Chính sách này thúc đẩy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp tên miền trên thế giới. Mặc dù phạm vi áp dụng của UDRP chỉ là các tranh chấp liên quan tới tên miền quốc tế, tuy nhiên, nhiều nước đã dựa trên UDRP để ban hành chính sách giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia. Chỉ trong vòng một năm kể từ UDRP có hiệu lực, 83 quốc gia đã áp dụng UDRP cho tên miền quốc gia của mình[4] Điều này càng cho thấy rõ tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của UDRP đối với pháp luật của nhiều quốc gia về tên miền và tranh chấp tên miền[5].
2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tên miền thông qua UDRP
Với mục tiêu ban đầu của ICANN là tạo ra một cơ chế thống nhất trên toàn thế giới nhằm giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế và ngăn chặn tình trạng “chiếm dụng tên miền”, tới nay, có thể nói UDRP đã hoạt động tương đối có hiệu quả. Trong vòng hơn 12 năm kể từ khi Chính sách này chính thức có hiệu lực (từ tháng 12/1999 đến tháng 12/2011), đã có 36.443 vụ tranh chấp được khởi kiện theo cơ chế này, trong đó có 28.270 vụ, HĐHC đã đưa ra được phán quyết cuối cùng. Ngoài ra, 21% số vụ tranh chấp đã được các bên thỏa thuận trước khi Hội đồng phán quyết đưa ra quyết định. Đối với các tranh chấp đã đưa ra phán quyết thì chủ yếu phán quyết ủng hộ nguyên đơn (tỷ lệ số phán quyết ủng hộ nguyên đơn là khoảng 67 %). (Xem Biểu đồ 1).
Untitled_489.png
Biểu đồ 1. Tình hình giải quyết tranh chấp thông qua UDRP
Nguồn: Tổng hợp dựa trên WIPO 2011, tr. 3-5
 
UDRP trở nên ngày càng phổ biến trong việc giải quyết tranh chấp tên miền, vì vậy, trong quá trình áp dụng, UDRP đã bộc lộ những ưu điểm và bất cập nhất định.
2.1. Ưu điểm
Tính ràng buộc cao
Như đã phân tích ở trên, đây là thủ tục hành chính bắt buộc mà chủ sở hữu tên miền đã cam kết trong thỏa thuận đăng ký tên miền. Bên cạnh đó, khi một chủ thể đăng ký tên miền với dụng ý xấu, chủ thể này thường tìm cách trì hoãn, gây khó khăn cho bên bị xâm phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, UDRP đã đưa ra những quy định nhằm đảm bảo quy trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành, dù có sự hợp tác của bị đơn hay không. Ví dụ, theo quy định tại Đoạn 5 (e), Điều lệ UDRP, sau khi đơn kiện được thông báo tới bị đơn, dù bị đơn có nộp tài liệu trả lời và có tham gia giải quyết tranh chấp hay không, HĐHC vẫn được thành lập và đưa ra phán quyết. Thực tế cho thấy UDRP đã hoạt động tương đối hiệu quả, với tỷ lệ phán quyết đưa ra lên tới 78% trong tổng số tranh chấp[6].
Thời gian giải quyết tranh chấp tương đối nhanh
Năm 2011, theo một khảo sát của Tổ chức hỗ trợ các tên dùng chung (GNSO[7]) nhằm thăm dò ý kiến của cộng đồng sử dụng Internet, quy trình thủ tục theo UDRP được đánh giá là nhanh hơn nhiều so với các thủ tục giải quyết tranh chấp thông thường, đặc biệt là so với tòa án. Ngay cả đối với hệ thống tòa án Mỹ - hệ thống tòa án phát triển và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp tên miền - thì thời gian giải quyết một tranh chấp trung bình cũng gấp từ 5-6 lần so với cơ chế UDRP[8]. Theo nghiên cứu này, trung bình thời gian giải quyết một vụ tranh chấp theo UDRP không quá 50 ngày kể từ khi nhận được đơn kiện, trong khi những tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết tại tòa án thường kéo dài tới hàng năm.
Chi phí giải quyết tranh chấp tương đối thấp
Trước khi UDRP ra đời, một trở ngại lớn đối với các chủ thể khi tham gia giải quyết tranh chấp tên miền là họ phải bỏ ra chi phí quá lớn để theo đuổi một vụ kiện. Trong khi chi phí đăng ký tên miền quốc tế là khoảng vài trăm USD, các chi phí (bao gồm án phí, phí thuê luật sư, chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng,…) để theo đuổi một vụ tranh chấp tên miền tại tòa án lên tới hàng chục ngàn USD. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để khởi kiện và chấp nhận mất tên miền. Để giảm gánh nặng chi phí cho các chủ thể, theo quy định của UDRP, quá trình giải quyết tranh chấp sẽ không yêu cầu các bên phải gặp mặt trực tiếp để tranh luận, mọi lập luận của các bên được gửi bằng văn bản tới Hội đồng[9]. Ngoài ra, ICANN cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp. Theo quy định của UDRP, các TCGQTC được quyền đưa ra mức phí mà nguyên đơn phải nộp khi khởi kiện[10]. Dưới khía cạnh là nhà cung cấp dịch vụ, các Tổ chức này sẽ đưa ra mức giá cạnh tranh để hấp dẫn người sử dụng. Hiện nay, mức phí mà các TCGQTC công bố dao động từ 1.500 USD tới khoảng 5.000 USD, tùy theo số lượng thành viên HĐHC và số lượng tên miền trong một vụ tranh chấp (xem Bảng 1).
Bảng 1. Biểu phí dịch vụ của các TCGQTC
Đơn vị: USD
 
Số tên miền liên quan trong tranh chấp
WIPO
NAF
CAC
ADNDRC
Hội đồng một thành viên
Hội đồng ba thành viên
Hội đồng một thành viên
Hội đồng ba thành viên
Hội đồng một thành viên
Hội đồng ba thành viên
Hội đồng một thành viên
Hội đồng ba thành viên
Từ 1-2 tên miền
1500
4000
1300
2600
1300
3100
1300
2800
Từ 3-5 tên miền
1500
4000
1450
2900
1300
3100
1600
3300
Từ 6-10 tên miền
2000
5000
1800
3600
1600
4000
1900
3800
Hơn 10 tên miền
Liên hệ trực tiếp
2250
4500
1900
4700
Liên hệ trực tiếp
         Nguồn: Tổng hợp dựa trên Quy tắc bổ sung của các Tổ chức.
2.2. Những bất cập
Một số quy định của UDRP tạo lợi thế cho nguyên đơn và dẫn tới sự thiếu công bằng giữa các bên
Một là, theo UDRP, nguyên đơn có toàn quyền lựa chọn TCGQTC và bị đơn không thể phản đối lựa chọn này. Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp thông thường ở đó hai bên có quyền như nhau trong việc lựa chọn cơ quan xét xử, UDRP trao phần lớn quyền này cho nguyên đơn. Nguyên đơn có quyền lựa chọn đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong các TCGQTC mà ICANN chỉ định. Do đó, những tổ chức có xu hướng “ủng hộ” nguyên đơn sẽ thường được lựa chọn và bị đơn không có bất cứ quyền gì để can thiệp vào lựa chọn này của nguyên đơn. Ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa AFMA, Inc. và Globemedia[11], bị đơn cho rằng Tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo tính trung lập vì nguyên đơn là một trong những nhà tài trợ của tổ chức này và hai bên đã có một mối quan hệ lâu dài. Tổ chức cung cấp dịch vụ đã bác bỏ lập luận của bị đơn. Mặc dù sau đó, bị đơn có nêu lên vấn đề này trước HĐHC, Hội đồng cho rằng “dù thực sự lời cáo buộc của bị đơn có căn cứ thực tế thì theo quy định của UDRP, Hội đồng không có quyền xem xét về thẩm quyền của TCGQTC”. Quyết định của Hội đồng xét xử trong vụ việc trên hoàn toàn phù hợp với quy định của UDRP, tuy nhiên, vụ việc này nêu lên mối quan ngại về việc TCGQTC có khả năng “thiên vị” nguyên đơn hoặc thậm chí là có hành động “đối xử thiếu công bằng” giữa nguyên đơn và bị đơn.
Hai là, thời gian để bị đơn chuẩn bị các lập luận cho vụ tranh chấp là quá ngắn. Sau khi xác nhận đơn kiện hợp lệ, TCGQTC sẽ chính thức bắt đầu thủ tục hành chính và lúc này mới thông báo tới bị đơn. Bị đơn chỉ có 20 ngày tính từ ngày thủ tục hành chính được chính thức bắt đầu, để gửi văn bản trả lời[12]. Bị đơn cần một khoảng thời gian dài hơn để nắm được nội dung tranh chấp và chuẩn bị các tài liệu trả lời vì thông thường, bị đơn chỉ có thể nộp bản trả lời một lần. Mặt khác, bị đơn thực tế không có đủ 20 ngày để chuẩn bị vì từ khi thông báo được gửi đi tới khi bị đơn thực sự nhận được thông báo phải mất một khoảng thời gian. Đặc biệt, ở các quốc gia đang và kém phát triển, việc gửi thông báo thường tốn thời gian và nguy cơ thất lạc cao. Ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa E.I du Pont de Nemours và Công ty ITC[13], bị đơn có địa chỉ tại châu Phi. Ngày mà bị đơn nhận được đơn khiếu nại cũng là ngày hết hạn để gửi đi các văn bản đệ trình. Do đó, bị đơn không thể nộp các tài liệu trả lời tới HĐHC[14].
Ba là, quy định về thủ tục phản đối quyết định hành chính gây bất lợi cho bị đơn.
Theo quy định của UDRP, khi HĐHC quyết định hủy bỏ tên miền, hoặc yêu cầu chuyển giao tên miền, chủ sở hữu tên miền có 10 ngày để khiếu nại quyết định này lên tòa án[15]. Theo số liệu của WIPO, trong tổng số hơn 36.000 tranh chấp được giải quyết theo UDRP, chỉ có gần 80 tranh chấp trong đó bị đơn phản đối quyết định của HĐHC tại tòa án - chiếm một tỷ lệ rất nhỏ[16]. Sở dĩ như vậy vì thời gian 10 ngày là quá ngắn để bị đơn có thể chuẩn bị hồ sơ khiếu nại ra tòa án, đặc biệt là khi quy trình giải quyết tranh chấp bằng tòa án nhìn chung khá phức tạp và tuân theo những trình tự bắt buộc[17]. Ngoài ra, quy định này cũng thể hiện sự “bất công” giữa quyền lợi của nguyên đơn và bị đơn. Nếu chủ nhãn hiệu (nguyên đơn) thua kiện theo cơ chế UDRP, họ hoàn toàn có thể kiện ra tòa và không chịu bất cứ ràng buộc nào về mặt thời gian. Ngược lại, nếu chủ sở hữu tên miền (bị đơn) thua kiện, họ chỉ có 10 ngày để khởi kiện ra tòa án trước khi tên miền bị hủy bỏ, hoặc chuyển giao cho nguyên đơn.
UDRP có phạm vi áp dụng tương đối hẹp
Theo quy định của UDRP thì Chính sách này chỉ áp dụng với các tranh chấp có sự xung đột về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và quyền sở hữu đối với tên miền trong khi tên miền không chỉ xung đột với nhãn hiệu mà còn gây nhầm lẫn với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác, đặc biệt là tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, hầu hết các Hội đồng chỉ áp dụng UDRP trong phạm vi hẹp, là các tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu[18].Ví dụ như vụ tranh chấp giữa John Rush với Oregon CityLink[19] liên quan tới tên miền Goldbeach.com. Nguyên đơn là đại diện cho thành phố Gold Beach, Oregon, Hoa Kỳ cho rằng bị đơn đã đăng ký tên miền goldbeach.com với dụng ý xấu và yêu cầu chuyển quyền sở hữu tên miền này cho nguyên đơn. HĐHC cho rằng, không có “quyền nhãn hiệu” liên quan tới cái tên Gold Beach vì vậy nguyên đơn không đủ căn cứ để khởi kiện. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp, Hội đồng đã áp dụng UDRP với phạm vi rộng cho cả tên của người nổi tiếng. Ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa Julia Fiona Roberts và Russell Boyd[20] liên quan tới tên miền juliaroberts.com. Nguyên đơn, là một diễn viên nổi tiếng, lập luận rằng tồn tại quyền nhãn hiệu theo hệ thống luật common law[21] trong tên riêng của mình. HĐHC ủng hộ lập luận của nguyên đơn, cho rằng về mặt lý thuyết, “tên của người nổi tiếng được coi là nhãn hiệu hình thành qua quá trình sử dụng mà không cần đăng ký, hoặc là một dạng dấu hiệu nhận biết”. Việc bị đơn đăng ký tên miền juliaroberts.com là nhằm lợi dụng uy tín và sự nổi tiếng của nguyên đơn. Như vậy, thực tiễn cho thấy đã phát sinh những tranh chấp tên miền liên quan tới các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra giải quyết theo UDRP. Sự giải thích khác nhau của HĐHC cho thấy những quan điểm khác nhau về phạm vi áp dụng của UDRP và đòi hỏi có sự bổ sung, sửa đổi kịp thời để phù hợp với thực tiễn.
Chế tài của cơ chế UDRP chưa đủ mạnh
Theo UDRP, HĐHC chỉ có thể ra quyết định ủng hộ nguyên đơn (yêu cầu hủy bỏ hoặc chuyển giao tên miền cho nguyên đơn), hoặc ủng hộ bị đơn (bác đề nghị của nguyên đơn). Trong UDRP, không có chế tài phạt hay yêu cầu bồi thường tài chính nào có thể được áp dụng. Do đó, nếu bị đơn đăng ký tên miền với dụng ý xấu thì khi nguyên đơn khởi kiện, bị đơn có thể không tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Khi đó, dù phán quyết được đưa ra ủng hộ nguyên đơn thì bị đơn cũng không phải bỏ ra chi phí gì, trừ một khoản phí đăng ký tên miền không đáng kể so với phí dịch vụ giải quyết tranh chấp mà nguyên đơn phải bỏ ra. Chính vì thế, UDRP có hiệu quả trong việc giúp các chủ nhãn hiệu giành lại tên miền nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng chiếm dụng và đầu cơ tên miền.
3. Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam và một số đề xuất
3.1. Những vấn đề đặt ra
Tính tới thời điểm này, các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã là bị đơn trong 65 vụ tranh chấp tên miền quốc tế. Với tư cách nguyên đơn, tính tới nay, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp tên miền quốc tế[22]. Số liệu cũng cho thấy, số vụ tranh chấp tên miền quốc tế liên quan tới cá nhân, tổ chức Việt Nam đang tăng dần trong những năm gần đây.
Untitled_490.png
Biểu đồ 2 : Số vụ tranh chấp tên miền quốc tế liên quan tới cá nhân,
tổ chức Việt Nam[23]
 
Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với các tranh chấp tên miền quốc tế, nhìn chung, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của tên miền quốc tế và phương thức giải quyết tranh chấp tên miền còn nhiều hạn chế.
Dưới góc độ là bên vi phạm, hành động “chiếm dụng tên miền” của một số tổ chức, cá nhân là khá rõ ràng. Các chủ thể này thường đăng ký tên miền có thành phần là tên nhãn hiệu của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, sau đó có bổ sung thêm các tiền tố hoặc hậu tố chỉ địa danh ở Việt Nam. Ví dụ như tranh chấp giữa các nguyên đơn Lancôme Parfums Et Beauté Et Compagnie, Laboratoire Garnier Et Compagnie, L'Oréal S.A (Pháp) và Công ty Cổ phần Phununet (Việt Nam) liên quan tới các tên miền garniervietnam.com, lancomevietnam.com, maybellinevietnam.com gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Garnier, lancome, maybeline đã được nguyên đơn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam[24]. Ngoài ra, khi bị khởi kiện theo cơ chế UDRP, các doanh nghiệp Việt Nam còn tỏ ra lúng túng, bị động, hoặc không có thái độ hợp tác, ví dụ như không trả lời thông báo của TCGQTC, không tham gia quá trình xét xử[25]
Dưới góc độ bên bị vi phạm, phần lớn doanh nghiệp còn “xa lạ” với các cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế, đặc biệt là với cơ chế đặc thù như UDRP. Tới thời điểm này, mới chỉ có duy nhất một vụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia với tư cách nguyên đơn. Trong khi đó, số vụ việc mà doanh nghiệp Việt Nam bị “mất” tên miền không hề ít, trong đó có thể kể tới những những doanh nghiệp lớn đang sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT[26]. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khi phát hiện quyền lợi bị xâm phạm đã chấp nhận bỏ ra những khoản tiền lớn để mua lại tên miền thay vì khởi kiện[27].
3.2. Đề xuất
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với tên miền quốc tế đang là một thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, dưới đây là một số ý kiến đề xuất:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn để đăng ký và bảo vệ tên miền. Sai lầm mà nhiều doanh nghiệp mắc phải là thiếu một tầm nhìn dài hạn nên đã “chậm chân” trong việc đăng ký tên miền. Chi phí đăng ký, duy trì tên miền tương đối nhỏ so với việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thương lượng mua lại tên miền thuộc chủ sở hữu khác hoặc việc tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan để lấy lại tên miền để bảo vệ thương hiệu. Do đó, khi sản phẩm bắt đầu có thương hiệu, các doanh nghiệp nên mua ngay tên miền quốc tế để ngăn ngừa các chủ thể khác đăng ký tên miền với ý đồ xấu. Khi đăng ký sở hữu tên miền quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét đăng ký luôn các tên miền quốc tế thông dụng như .net, .info, .org, .com… nhằm tránh tranh chấp sau này. Đây là chính sách “bao vây tên miền” được sử dụng bởi hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới nhằm bảo vệ thương hiệu toàn cầu của mình.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tìm hiểu về các quy định pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ nói chung và tên miền nói riêng. Do không hiểu về các quy định pháp luật, một số doanh nghiệp đã cố tình đăng ký tên miền gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu nổi tiếng và bị chủ sở hữu khởi kiện. Mặt khác, khi ở vị trí bên bị vi phạm, các doanh nghiệp Việt Nam lại lúng túng trong việc vận dụng các quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích của mình. Do đó, việc chủ động tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ, tên miền và tranh chấp tên miền là một yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp. Trong khi tranh chấp tên miền là một loại tranh chấp đặc thù và cơ chế giải quyết tranh chấp này có nhiều nét riêng biệt, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu không có những kiến thức nền tảng về vấn đề này.
Cuối cùng, khi đã chuẩn bị những kiến thức pháp luật cần thiết, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực hơn trong việc sử dụng UDRP để giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế. Khi trở thành nạn nhân của tình trạng “chiếm dụng tên miền”, các doanh nghiệp Việt Nam thường có hai lựa chọn để giành lại tên miền: thương lượng mua lại tên miền hoặc khởi kiện. Đối với những trường hợp “đầu cơ tên miền” thì chủ sở hữu tên miền thường đưa ra mức giá rất cao, vì vậy để mua lại tên miền, doanh nghiệp thường phải chi ra những khoản tiền lên tới hàng chục nghìn đô la Mỹ như trường hợp của Công ty Bkav. Trong khi đó, nếu khởi kiện theo cơ chế UDRP, nguyên đơn có rất nhiều lợi thế do các quy định của UDRP nghiêng về bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu. Ngoài ra, thành công của công ty TNHH Trần Hồng Quân trong vụ tranh chấp liên quan tới tên miền honghagas.com cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng UDRP để giành lại quyền hợp pháp đối với tên miền. 
Tóm lại, khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải tiếp tục đối mặt với các tranh chấp tên miền quốc tế. Dù là bên vi phạm hay bên bị vi phạm, các doanh nghiệp đều cho thấy sự lúng túng và thiếu chủ động trong việc tham gia giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế. Khi tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam bị mất tên miền quốc tế diễn ra ngày càng nghiêm trọng, một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả như UDRP sẽ có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp cần đánh giá đúng vai trò của tên miền quốc tế trong hoạt động kinh doanh của mình và tích cực tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan tới tên miền cả ở bình diện quốc gia và quốc tế./.
 

[1] Số liệu thống kê của WIPO tại
[2]Đoạn 4(a) UDRP, UNCTAD, WIPO 2003, Domain Name Dispute Resolution, The Course on Dispute Settlement in International Trade, Investment and Intellectual Property - module 4, Geneva.
[3] Thông tin về các Tổ chức giải quyết tranh chấp và các quy tắc bổ sung của các nhà cung cấp này được ICANN cập nhật tại địa chỉ http://www.icann.org/en/help/dndr/udrp/providers
[4] Vũ Xuân Bách, Xu hướng giải quyết tranh chấp tên miền Internet, Tài liệu Hội thảo phát triển tài nguyên của VNNIC, 2004, tr. 13.
[5]Phan Ngọc Tâm, So sánh chính sách giải quyết tranh chấp tên miền của một số quốc gia ASEAN và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 2/2012, tr.33-34.
 
[6] WIPO 2011, The Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy and WIPO, Geneva, p.3
[7] Đây là một tổ chức hỗ trợ hoạt động của ICANN trong việc phát triển chính sách quản lý hệ thống tên miền.
[8] Froomkin M 2002, “ICANN’s Uniform Dispute Resolution Policy – Causes and (partial) cures , Brooklyn Law Review No.67/2002, p.670.
[9] UNCTAD, WIPO 2003, Domain Name Dispute Resolution, The Course on Dispute Settlement in International Trade, Investment and Intellectual Property – module 4, Geneva, p. 23.
[10] Đoạn 9, Điều lệ UDRP.
[11] Vụ tranh chấp số D2001-0058, phán quyết đưa ra ngày 23/08/2001 bởi Hội đồng hành chính tại WIPO.
[12]Đoạn 4,5 Điều lệ UDRP.
[13] Tranh chấp số FA0012000096219, phán quyết đưa ra bởi NAF ngày 20/2/2001.
[14] Froomkin M 2002 tlđd, p.700-702.
[15] Đoạn 4(h), UDRP.
[16]WIPO 2010, Selection of UDRP – related Court Cases, truy cập ngày 21/11/2010, < http://www.wipo.int/ amc/en/domains/challenged/ >
[17] Froomkin M 2002 tlđd, p.678.
[18] David E.Sorkin 2001, Judicial Review of ICANN domain name dispute decisions, Computer and High technology Law Journal, Vol.18, p.47.
[19] Tranh chấp số FA0007000095318 tại NAF đưa ra ngày 7/12/2000.
[20] Tranh chấp số D2000-0210 đưa ra tại WIPO ngày 29/5/2000.
[21] Thuật ngữ common law trademarks được hiểu là những nhãn hiệu hình thành trong quá trình sử dụng và không cần đăng ký.
[22] Đó là tranh chấp giữa Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân với Công ty TNHH. Thương mại và Dịch vụ Trực tuyến Siêu thị A liên quan tới tên miền honghagas.com (Vụ tranh chấp số D2010-0374 giải quyết tại WIPO, phán quyết đưa ra ngày 27/04/2010).
[23]  WIPO 2012, Filing by Named Complainant, truy cập ngày 19/11/2012 <http://www.wipo.int/amc/en/domains/ statistics/filing_party.jsp?party=C&search=microsoft >
[24] Vụ tranh chấp số D2010-0603 giải quyết tại WIPO, phán quyết đưa ra ngày 11/06/2010.
[25] Ví dụ như tranh chấp giữa Mastercard International Incorporated với Văn phòng đại diện công ty TNHH UBGM (Tranh chấp số D2012-0045, WIPO), tranh chấp giữa Lancôme Parfums Et Beauté Et Compagnie, Laboratoire Garnier Et Compagnie, L'Oréal S.A và Công ty Cổ phần Phununet (Tranh chấp số D2012-0603, WIPO), tranh chấp giữa Aktiebolaget Electrolux và FPT Internet Data Services, Tranh chấp giữa Accor, Soluxury HMC với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Phát triển Thương mại Quốc tế Á Châu (Tranh chấp số D2012-0061, WIPO)... Trong các vụ tranh chấp này, vì bị đơn không trả lời thông báo của TCGQTC, phán quyết được đưa ra căn cứ dựa trên lập luận của nguyên đơn và những thông tin do cơ quan đăng ký tên miền cung cấp. Do bị đơn không đưa ra bất cứ bằng chứng hay lập luận nào chứng minh quyền lợi hợp pháp đối với tên miền, các phán quyết được đưa ra đều ủng hộ lập luận của nguyên đơn.
[26] Tên miền viettel.com thuộc sở hữu của một người Mỹ từ năm 1997; tên miền vnpt.com, vinaphone.com, mobifone.com được một người Úc đăng ký từ năm 2003 (Trần Tuấn 2012, đoạn 2); tên miền fpt.com được một người Mỹ đăng ký từ năm 1995 (TP 2011, đoạn 4).
[27] H.A 2004, Bkav chi 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com từ Mỹ, Báo An ninh thủ đô điện tử, truy cập ngày 14/11/2012<http://www.anninhthudo.vn/Kinh-doanh/Bkav-chi-23-ty-dong-de-mua-lai-ten-mien-Bkavcom-tu My/431615.antd>
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(247), tháng 8/2013)


Thống kê truy cập

33950995

Tổng truy cập