Quyền được thông tin Trong hoạt động báo chí

01/08/2013

ThS. THÁI THỊ TUYẾT DUNG

Giảng viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Khái niệm, nội dung quyền được thông tin
  Quyền được thông tin (QĐTT) được quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992, nhưng đến nay chúng ta chưa có một định nghĩa chính thức nào về quyền này trong các văn bản pháp luật, mặc dù đã có nhiều văn bản đề cập đến quyền này một cách trực tiếp như Luật Phòng chống tham nhũng, hoặc gián tiếp như Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.
QĐTT là khái niệm được sử dụng để nói đến khả năng của cá nhân được tìm kiếm thông tin (TKTT), tiếp nhận thông tin (TNTT) do Nhà nước đang quản lý, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận[1]; đồng thời quy định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin mà trước tiên là thông tin do chính các cơ quan nhà nước (CQNN) đang nắm giữ hoặc quản lý.
Hiện nay, đang có hai quan điểm khác nhau về nội dung của QĐTT:
(i) QĐTT gồm ba quyền: quyền TNTT, quyền TKTT và quyền phổ biến thông tin (PBTT)[2].Theo đó, truyền bá hay PBTT có nghĩa là cá nhân, công dân có thông tin được quyền truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin mà mình đang nắm giữ cho mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về ranh giới hay các hình thức đưa tin[3]. Tuy nhiên, việc truyền bá hay PBTT là một nội dung gắn với quyền tự do thông tin, một khái niệm có phạm vi khác so với khái niệm tiếp cận thông tin (TCTT).
(ii) Nội hàm QĐTT chỉ bao gồm quyền TNTT và quyền TKTT[4], còn hoạt động PBTT nằm trong một khái niệm rộng hơn, đó là quyền tự do thông tin. Quyền TKTT, TNTT và PBTT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể hỗ trợ nhau. Trong xã hội công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay, hoạt động PBTT rộng rãi cũng góp phần bảo đảm quyền TNTT của công dân. Ngược lại, nhờ bảo đảm quyền TKTT và TNTT mà cá nhân, công dân có được thông tin và truyền đạt, phổ biến lại cho những người khác. Tuy nhiên, quyền PBTT lại liên quan chặt chẽ và là một phần của quyền tự do ngôn luận.
Chúng tôi nghiên cứu QĐTT với nội hàm gồm: quyền TKTT và TNTT. Có thể khái quát các quyền trên theo mô hình sau:       
Vòng tròn ngoài là quyền tự do thông tin, vòng tròn trong là QĐTT, trong QĐTT được chia thành hai quyền cấu thành là quyền TKTT và quyền TNTT.
Trong các hình thức thực hiện QĐTT thì QĐTT trong hoạt động báo chí (HĐBC) thể hiện rõ nhất, vì thông qua báo chí, người dân có quyền TNTT cũng như có quyền TKTT thông qua hoạt động TKTT của các nhà báo. Vì vậy, khảo sát việc thực hiện QĐTT trong HĐBC sẽ đưa ra những kết luận về thực trạng thực hiện quyền này và đề xuất biện pháp hoàn thiện.
2. Thực tiễn tổ chức thực hiện quyền được thông tin trong hoạt động báo chí
2.1. Thực tiễn tổ chức thực hiện quyền TKTT trong HĐBC
Để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền TKTT, pháp luật quy định cụ thể như sau: (1) Nhà báo được đến các CQNN, tổ chức, thư viện, bảo tàng… để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu nếu không thuộc bí mật nhà nước và bí mật đời tư của công dân; (2) Nhà báo được thực hiện nghiệp vụ tại các đại hội, hội nghị và các buổi lễ, hoạt động lễ tân; được lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được phỏng vấn những người liên quan; (3) Khi liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Nơi đó không được đòi hỏi thêm giấy tờ nào khác. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền TKTT trong lĩnh vực báo chí, truyền thông có một số khó khăn, hạn chế sau:
Thứ nhất, nhiều CQNN dựa vào cơ chế người phát ngôn để trì hoãn, né tránh việc cung cấp thông tin. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành[5] đính kèm Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mong muốn giúp báo chí có một nguồn tiếp cận chính thức, minh bạch, tránh những thông tin ngoài lề, đồn thổi, gây dư luận không tốt. Nếu thực hiện đúng tinh thần này, QĐTT của người dân thông qua báo chí sẽ thêm thuận lợi nhờ sự chính xác, chính thống, cũng như mức độ phong phú của thông tin. Tuy nhiên, một số cơ quan chưa cử người phát ngôn[6] hoặc có cử nhưng trong nhiều trường hợp người phát ngôn không kịp thời cập nhật thông tin[7] hoặc không nắm rõ thông tin để cung cấp một cách cụ thể, chuẩn xác. Một số cơ quan hành chính nhà nước không muốn cung cấp thông tin cho phóng viên, khi phóng viên liên hệ thì “phải gặp, phải xin phép người phát ngôn”[8]. Nhiều cơ quan cử người phát ngôn là lãnh đạo cao nhất của cơ quan, mà người này “thường xuyên đi họp” nên muốn gặp họ nhiều lúc phải đăng ký trước cả tuần[9]. Vì những lý do này, khi nhà báo bị hạn chế nguồn thông tin, bị từ chối cung cấp thông tin từ nguồn chính thức thì buộc lòng họ phải tiếp cận và lấy thông tin từ các nguồn khác, nên nội dung nhiều bài báo chưa được chính xác, đa chiều. Lúc này không chỉ nhà báo bị ảnh hưởng mà chính những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, một trong những việc cần điều chỉnh là bảo đảm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng báo chí thiếu nguồn thông tin chính xác[10].
Thứ hai, một số CQNN cung cấp thông tin chậm, hoặc chủ động không cung cấp thông tin cho phóng viên[11] nên các cơ quan truyền thông không đưa tin kịp thời như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Trong vụ Tiên Lãng, báo chí hầu như không thể tiếp cận các cơ quan có thẩm quyền để có thông tin chính thức, hoặc bị từ chối, bị ngăn cản, hoặc trả lời nhiều thông tin mâu thuẫn nhau[12]. Còn trong vụ cháy chợ ở Quảng Ngãi, chính quyền đã chủ động công khai tất cả thông tin, mời họp báo, mời những người có liên quan đến họp và đối thoại, nên không có chuyện khiếu nại, hoặc các thông tin đưa không chính xác[13]. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước đối với QĐTT.
Tình trạng này xảy ra phổ biến, nhất là đối với những vấn đề xã hội nóng bỏng và nhạy cảm. Theo kết quả điều tra trực tiếp ngẫu nhiên đối với 384 người làm báo trong thời gian từ ngày 01/7/2011 - 15/8/2011 trên khắp cả nước, thì có đến 87,9% phóng viên báo chí cho rằng mình bị cản trở tác nghiệp, trong khoảng 12 nhóm hành vi như: né tránh cung cấp thông tin (52,6%); gây khó dễ (47,66%); có ý ngăn chặn gián tiếp hoạt động tác nghiệp (33,85%); mua chuộc để không đăng tin… (24,48%); thu giữ phương tiện (20,57%); đe dọa (18,49%)… Riêng tại Đà Nẵng, trong kết quả khảo sát ngẫu nhiên đối với 22 nhà báo, có đến 21 người xác nhận từng bị cản trở bởi nhiều hình thức. Trong đó, né tránh cung cấp thông tin chiếm tỉ lệ cao nhất[14].  
Thứ ba, việc lạm dụng quy định “tài liệu đóng dấu mật” được một số cơ quan sử dụng[15] gây cản trở việc TKTT và định hướng dư luận xã hội của nhà báo. Về vấn đề này, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng đã phải thừa nhận, “còn có những cơ quan đóng dấu mật sai quy định, ngay như công việc của thanh tra, luật quy định phải công khai kết luận thanh tra nhưng trong văn bản đó thường hay đóng dấu mật. Việc này phải uốn nắn trong quá trình điều hành, nhưng nhìn chung, quy định diện mật của chúng ta hiện còn rộng, và “chỉ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia mới gọi là mật, còn lại từ chủ trương, chính sách pháp luật hay những quy định thủ tục hành chính sẽ công khai minh bạch”. Ông khẳng định: “Báo chí có quyền phê bình sự thiếu thiện chí của một số cơ quan và phải làm sao để họ biết không muốn cũng phải làm bởi đây là trách nhiệm”[16].
Chính tâm lý ngại công khai những tin tức mà lẽ ra người dân phải được biết đã dẫn đến việc “dấu mật” được sử dụng hầu hết trong các văn bản của CQNN. Thói quen coi mọi tài liệu của Nhà nước đều là “tài liệu mật” đã cản trở quyền TCTT của người dân, phong tỏa dư luận, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã bị các cơ quan công quyền lạm dụng để bao che, “bưng bít thông tin” để tránh sự giám sát của công chúng. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những khuất tất, tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền ngày càng gia tăng.
2.2. Thực tiễn thực hiện quyền TNTT thông qua HĐBC
Trong tất cả các phương thức thực hiện quyền TNTT thì các phương tiện truyền thông là phương thức thực hiện hiệu quả nhất, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thực hiện quyền này. Chỉ có phương tiện truyền thông mới có thể thực hiện tốt vai trò này vì tầm lan tỏa rộng khắp của nó, nhất là với sự ra đời của báo điện tử. Chính vì thế, đa số luật về QĐTT của các nước đều quy định các CQNN có nghĩa vụ phải cung cấp một số loại thông tin nhất định một cách chủ động mà không chờ yêu cầu từ phía công dân, đồng thời phải có nghĩa vụ công bố các thông tin trên báo chí. Báo chí là nhịp cầu nối liền người dân và giúp tạo ra “một thứ keo” để gắn kết xã hội dân sự lại với nhau[17]. Điều 4 Luật Báo chí của nước ta cũng quy định: “Công dân có QĐTT qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới” nên việc thực hiện quyền TNTT và theo dõi việc thực hiện quyền có hiệu quả hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc các cơ quan báo chí, truyền thông có tích cực đăng tải và phổ biến các loại thông tin chủ yếu ngay cả khi không có yêu cầu hay không.
Thực tế thực hiện QĐTT đã cho thấy, các CQNN chủ động công khai thông tin do mình đang nắm giữ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc cung cấp thông tin thụ động nhằm đáp ứng người yêu cầu[18]. Quyền TNTT thông qua báo chí, truyền thông là một trong những cách tốt nhất để công chúng biết và hình thành nên quan điểm và thái độ đối với hoạt động của các CQNN, cán bộ lãnh đạo.
Việc bảo đảm quyền TNTT của người dân thông qua báo chí, truyền thông được thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, báo chí, phương tiện truyền thông là phương thức hữu hiệu nhất phổ biến các thông tin về chủ trương, chính sách, các quy định về pháp luật trên mọi mặt đời sống đến người dân. Qua khảo sát cho thấy, trên 90% các quy định mới của pháp luật đến với công chúng thông qua báo chí[19], cụ thể rất ít người có thể đọc trọn vẹn Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách về kìm chế và giảm tai nạn giao thông, nhưng quy định về việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đăng trên báo khi tham gia giao thông thì lập tức cả chục triệu người đều hiểu và lập tức thực hiện, hoặc gần đây, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi một số điều khoản của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có hiệu lực nhưng nhiều người không biết, kể cả một số CQNN, đến khi thông tin được đưa trên các phương tiện truyền thông thì mọi người mới biết và phản biện lại rất nhiều về tính hợp lý của quy định này. Đó là sức mạnh thông tin của báo chí.
Thứ hai, báo chí, phương tiện truyền thông là nhân tố quan trọng đảm bảo quyền TNTT về tình hình đất nước, là công cụ giám sát quyền lực nhà nước. Chính báo chí thông tin cho người dân về những vụ việc tiêu cực, phanh phui những sai trái của các cá nhân vi phạm trong và ngoài bộ máy công quyền. Đây là một công việc khó khăn dù ở bất kỳ quốc gia nào, song ở Việt Nam nỗ lực của đội ngũ báo chí là đáng ghi nhận. Vụ việc ông Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một ví dụ rõ nhất. Với cách thông tin khách quan, kiên trì và đầy trách nhiệm, báo chí đã giúp công chúng và các CQNN tiếp nhận vấn đề một cách khách quan, đa chiều và đầy đủ hơn, nên đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để các chuyên gia, các vị lãnh đạo lên tiếng phân tích về các góc độ khác nhau của vụ việc và Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kết luận những sai trái của chính quyền cơ sở ở Tiên Lãng và Hải Phòng, nguyên nhân trực tiếp đẩy ông Đoàn Văn Vươn và người thân đến chỗ phạm tội.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền TNTT trong lĩnh vực báo chí, truyền thông có một số khó khăn, hạn chế sau:
Một là, các thông tin truyền tải của báo chí và các phương tiện truyền thông còn chậm trễ, biểu hiện chưa khách quan, nhất là các thông tin nhạy cảm, cụ thể:
(i) Thông tin trên báo chí thường chậm hơn thông tin từ dư luận, lại đính chính nhiều lần trong một thời gian ngắn, gây hoang mang, nhưng cuối cùng thì thông tin ban đầu vẫn đúng, như thông tin về khởi tố Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB trong tháng 8 và tháng 9/2012 gây khó hiểu cho người dân, nhưng cùng lúc đó, những thông tin này đã được các trang thông tin điện tử của một số cá nhân đưa tin trước và những gì xảy ra thì chính xác như vậy. Chính việc định hướng báo chí như hiện nay đã tạo nên những “phản ứng ngược” trong quyền TNTT của người dân và một trong những lý do tại sao người dân truy cập vào các trang thông tin không chính thức là vì họ không biết nơi nào khác để có thể nhận được thông tin sự thật về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế - xã hội hiện nay.
(ii) Nhiều trường hợp người dân có được thông tin thông qua các kênh “không chính thức” nhưng mức độ tin cậy của các thông tin lại không thể được kiểm chứng[20]. Chuyện “tiền polymer” với sự kiện báo chí đưa tin ngược chiều nhau để lại một dấu hỏi lớn đối với niềm tin của người dân vì thông tin khá nhạy cảm, có liên quan đến sự ổn định của quốc gia và liên quan đến người đứng đầu ngành ngân hàng[21], chuyện người tiêu dùng không biết thực phẩm mình đang sử dụng có gây hại cho sức khỏe hay không[22], chuyện báo chí đưa tin một Vụ phó Vụ Kế hoạch của một Bộ không thể biết thông tin xuất nhập khẩu về những ngành hàng mà Bộ mình quản lý để có những định hướng kịp thời trong tổ chức sản xuất… là các ví dụ riêng lẻ cho một hiện tượng phổ biến trong xã hội[23]. Hơn nữa, tình trạng những nguồn thông tin không chính thức này như thông tin chính trị, những chuyện thuộc bí mật cá nhân của các quan chức, quy hoạch cán bộ,.. đang được truyền đi rất nhanh, phương hại đến uy tín nhiều lãnh đạo nước nhà. Những tin đồn về sóng thần ở Quảng Ngãi, động đất ở Quảng Nam, làm hoảng loạn hàng chục vạn người dân. Nhiều nguồn tin không chính thức gây thiệt hại về kinh tế như hóa chất trong một số loại thực phẩm. Các nguồn tin không chính thức này xuất hiện nhằm lý giải một vấn đề gì đó một khi thiếu vắng thông tin. Nếu như được thỏa mãn về thông tin đích thực thì chẳng khi nào có thông tin không chính thức, vì nó sẽ không được tin khi nó rơi vào một môi trường công khai, minh bạch. Từ những vấn đề này, có thể dẫn đến việc người dân có thể không tin tưởng vào báo chí, và sẽ có những yêu cầu về QĐTT vượt quá quyền của họ như trường hợpnhiều người cùng ký vào một văn bản đề nghị được cung cấp thông tin về cuộc làm việc tại Bắc Kinh vào ngày 25/6/2012 giữa Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và người tương nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân, cũng như Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc sau khi đọc các thông tin không chính thức từ các tờ báo nước ngoài[24].
Hai là, nhu cầu TCTT của người dân ở khu vực nông thôn qua các phương tiện truyền thông như báo điện tử, báo in, đài phát thanh, truyền hình vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do đa số người dân ở các xã thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa sống bằng nghề nông, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa thể TCTT qua các công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Hệ thống đài phát thanh tuy đã được lắp đặt tại các xã, nhưng nhiều nơi vị trí lắp đặt chưa hợp lý. Báo chí nhiều nhưng khi đến tay người dân thì thông tin đã không còn tính thời sự nữa, vì vậy người dân không nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như các thông tin khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ[25].
Ba là, việc định hướng đưa tin của các cơ quan quản lý báo chí cần rõ ràng và khách quan. Việc quản lý này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo QĐTT các vấn đề của đất nước chính xác, khách quan chứ không phải những thông tin có lợi cho các nhóm lợi ích, hoặc một cơ quan hành chính nào đó. Chính các cơ quan truyền thông luôn có cơ hội để chi phối dư luận với những thông tin có lợi cho nhóm lợi ích nào đó[26] hoặc bảo vệ lợi ích cục bộ địa phương mà có thể gây bất lợi cho người dân. Cụ thể, vụ hai nhà báo bị đánh khi đang tác nghiệp đang làm xôn xao dư luận nhưng nhiều ngày sau vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Khi đoạn video được quay bằng điện thoại của người dân thành chứng cứ buộc chính quyền tỉnh Hưng Yên phải đối mặt với sự thật thì lúc đó, hàng triệu người dân mới biết về những gì đang xảy ra ở đó vì mỗi khi nhà báo bị đánh là ẩn chứa một mưu đồ bưng bít thông tin. Không được biết, không được bàn thì khó giám sát, quyền lực thật sự của nhân dân sẽ bị cản trở ngay từ quyền được TCTT[27].
3. Một số kiến nghị
Qua thực tiễn thực hiện QĐTT trong HĐBC nói trên, để đảm bảo QĐTT nói chung và trong HĐBC nói riêng được thực hiện trên thực tế, cần hoàn thiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, cần ban hành Luật Bảo đảm QĐTT, trong đó xác định:
(i) Các thông tin không được tiếp cận do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định. Thực tiễn đã chứng minh những thông tin nào người dân có quyền được biết và không được biết được xem là vấn đề mấu chốt trong việc bảo đảm thực hiện QĐTT của công dân, do vậy, cần phải có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết được mối quan hệ giữa hai vấn đề này.
(ii) Phân loại các thông tin không được tiếp cận khi thỏa mãn 3 điều kiện sau: (1) Thuộc một trong các nội dung không được biết (miễn trừ) và phải có cơ sở pháp lý cụ thể; (2) Nếu việc công bố những thông tin này thực tế có thể gây ra những thiệt hại cho an ninh quốc gia; (3) Cơ quan phân loại có đủ khả năng xác định và miêu tả những thiệt hại cụ thể và phải ước lượng kỹ rằng, khi họ cản trở QĐTT, thì thiệt hại do thông tin bị tiết lộ ra phải lớn hơn nhiều so với lợi ích mà công chúng được hưởng khi họ có được thông tin. Phân loại thông tin cũng phải đảm bảo yếu tố thời gian và mức độ. Khi đến thời hạn nhất định hay có sự thay đổi về tính chất thông tin, việc phân loại lại hay hủy bỏ phân loại phải được tiến hành.
(iii) Ghi nhận nguyên tắc đối thoại giữa các bên có liên quan[28] bao gồm chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin, chủ thể đang nắm giữ thông tin và bên thứ ba có liên quan đến thông tin để tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước và lợi ích của các nhân.
(iv) Quy định cụ thể các trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Nên có quy định phân loại, tách thông tin trong một tài liệu, nếu một tài liệu có cả thông tin không thể cung cấp và thông tin phải cung cấp, thì phần thông tin phải cung cấp cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu. Việc từ chối yêu cầu cần quy định rõ trong văn bản từ chối là người yêu cầu có quyền khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ cơ quan giải quyết; lý do từ chối cần viện dẫn quy định của pháp luật cụ thể; trong trường hợp cơ quan không có thông tin theo yêu cầu hoặc thông tin nhận được nhưng không có trách nhiệm phải cung cấp thông tin thì cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận yêu cầu phải hướng dẫn người yêu cầu đến nơi mà có thể có thông tin hoặc chuyển yêu cầu đến cơ quan đó nếu có thể thực hiện được.
(v) Quy định chi tiết về khiếu nại, khiếu kiện khi công dân, tổ chức không được cung cấp thông tin, bổ sung quyền khiếu nại đối với trường hợp CQNN không tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin. Nên mở rộng quy định người yêu cầu có quyền yêu cầu bồi thường nếu thông tin cung cấp không theo đúng quy định của pháp luật (có tính chất cố ý), hay yêu cầu của họ không được đáp ứng trái pháp luật, gây thiệt hại cho chọ. Đồng thời cũng mở rộng quy định người thứ ba có liên quan có quyền khiếu nại, khiếu kiện ra Toà án.
Thứ hai, cần bổ sung vào Luật Báo chí nội dung: “Nhà báo có QĐTT và chịu trách nhiệm trước pháp luật, mọi can thiệp đều trái pháp luật kể cả từ cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông; và người nào cho rằng thông tin trên các phương tiện truyền thông sai lệch thì kiện ra Tòa án và chỉ có Tòa án mới có quyền phán xét”. Đồng thời, cần tìm biện pháp hợp lý để giới hạn quyền lực của CQNN trong quản lý báo chí, không cho họ tự tuyên bố những vấn đề nhạy cảm cấm đưa tin dựa theo quan niệm của một số quan chức có quyền, đồng thời những vấn đề này cơ quan báo chí cũng phải có quyền phản biện, phải được tranh luận vì sao một chủ đề nhất định lại được xem là nhạy cảm, và vì sao họ không được phép đưa tin.
Thứ ba, cần sửa đổi Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng: phân biệt chi tiết các loại thông tin thuộc mật, tuyệt mật, tối mật; cần quy định rõ những nội dung thuộc bí mật của các cơ quan, các bộ ngành; quy định những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng con dấu mật của các CQNN; quy định các thông tin không được phép tiếp cận phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và Hiến pháp và không quá mức hạn chế QĐTT[29]; đồng thời phải do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định, nhằm tránh sự tùy tiện trong việc đóng dấu mật trên các văn bản; đồng thời xác định thời hạn giải mật các thông tin phù hợp với Luật Lưu trữ.
Thứ tư, cần ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư để các cơ quan đang lưu giữ các thông tin của các cá nhân không được công khai những thông tin này. Hiện nay có rất nhiều thông tin của cá nhân đang được các CQNN, các tổ chức dịch vụ công như Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại được giữ một cách rất hợp pháp và được lưu trong cơ sở dữ kiện do chính quyền kiểm soát. Vì vậy, nếu không có các quy định về quyền riêng tư thì các CQNN sẽ không biết nên có thể công khai các thông tin này, vì cứ nghĩ rằng mình đang công khai tất cả thông tin như trường hợp các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo được đăng trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, nếu muốn cho sự bảo vệ quyền riêng tư có ý nghĩa, chúng ta phải thừa nhận rằng ngày nay không thể nào có sự bảo mật tuyệt đối, hầu như không có một người nào trong xã hội đương thời lại có thể hoàn toàn giữ kín nhiều sự kiện riêng về mình. Vì vậy, các quy định pháp luật phải bảo đảm rằng việc tiết lộ các chi tiết riêng tư là hết sức chọn lọc.
Thứ năm, cần ban hành một Nghị định quy định về việc xử phạt và xử lý vi phạm cơ quan không công khai thông tin, và cơ quan giám sát thông tin có quyền kiến nghị áp dụng chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức nếu xét thấy sai phạm vì việc xử lý vi phạm hiện nay còn quá chung chung nên không thể áp dụng. Đồng thời cần có quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo - người gửi thông tin vi phạm pháp luật của các cán bộ nhà nước đến các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ sáu, cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác bảo đảm quyền TCTT nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên đây là cơ quan thuộc bộ máy hành pháp, vì vậy cơ quan này không giải quyết khiếu nại. Vì một trong những cơ chế giám sát có tính chất truyền thống là cơ chế giám sát trong nội bộ hệ thống hành chính thông qua việc giải quyết khiếu nại hành chính. Quy trình này được cho là ít tốn kém và nhanh chóng, nhưng thực tiễn ở phần lớn các quốc gia cho thấy, đây là một quy trình kém hiệu quả, vì các cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính thường có xu hướng ủng hộ các quyết định từ chối cung cấp thông tin của cơ quan cấp dưới. Xu hướng chung của các quốc gia thời gian gần đây là thành lập một Ủy ban thông tin độc lập để chuyên trách thực hiện chức năng giám sát việc thực thi quyền TCTT. Quyết định của Ủy ban này có tính chất cưỡng chế và các cơ quan hành chính phải tuân theo

 


[1] Kỷ yếu Đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về TCTT phục vụ xây dựng Luật TCTT”, Đề tài khoa học cấp Bộ do Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện năm 2010, tr 34.
[2] Chu Thị Thái Hà (2009), “Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền TCTT”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (17), tr. 31- 37.
[3] TS.Tường Duy Kiên, (2008), Quyền TCTT: quy định quốc tế và đặc điểm chung của luật một số nước, Hiến kế Lập pháp, số 01 (112+114) .
[4] Lê Thị Hồng Nhung (2011), “Tiếp cận quyền TCTT dưới góc độ quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (5), tr. 22-27.
[5]Quyết định này vừa được thay bởi Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên một số nội dung liên quan đến QĐTT hầu như không thay đổi.
[6] Trường hợp này được đề cập trong Hội thảo về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội tổ chức ngày 22/12/2012 có nêu: “ngoài Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố thì hầu hết các cơ quan hành chính của thành phố đều chưa cử được người chính thức làm công tác phát ngôn cho đơn vị mình”. Hoặc được đề cập trong Công văn của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái đã đề cập việc không cử người phát ngôn ở các CQNN trên địa bàn.
[7]Báo cáo trong Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày 01/02/2012.
[9] Ngay sau vụ chìm tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký, ngày 25/5/2011, đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với Sở GTVT tỉnh Bình Dương cùng các ban, ngành liên quan. Trước khi buổi làm việc diễn ra đã có trên 10 phóng viên các báo, đài có mặt tại Sở GTVT tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Sở này cho biết đây là cuộc họp nội bộ nên báo chí không được tham dự, đề nghị phóng viên chờ tại Văn phòng, sau cuộc họp sẽ thông báo một số vấn đề. Nhưng khi cuộc họp kết thúc, ông này lại thông tin: “Giám đốc là người phát ngôn của Sở GTVT tỉnh Bình Dương nhưng ông ấy đã đi công tác ở Hà Nội rồi”. Khi một phóng viên phát hiện Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương vừa mới tham gia buổi họp thì ông Chánh văn phòng bèn “đính chính”: “Giám đốc chuẩn bị đi Hà Nội, 3 giờ chiều mới bay” http://phapluattp.vn/20110619112021111p0c1013/quyen-lay-tin-va-duoc-thong-tin.htm
[10]Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôngphát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5/5/2011. http://phapluattp.vn/20110619112021111p0c1013/quyen-lay-tin-va-duoc-thong-tin.htm
[11] Như trường hợp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 08/3/2012 về việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
[13] http://www.sggp.org.vn/Kinh-hoang-chay-cho-Quang-Ngai/7845592.epi
[14] Kỷ yếu Hội thảo “Tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho nhà báo” ngày 14/02/2012 tại Đà Nẵng, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức.
[15]Xem vụ việc phóng viên Lan Anh (phóng viên Báo Tuổi trẻ) với Bộ Y tế.
[16] “Không thể chống tham nhũng nếu không có báo chí”, Báo Tuổi trẻ ngày 29/11/2008.
[17] Vũ Văn Nhiêm, “QĐTT  từ góc độ bảo đảm quyền con người và liên hệ với dự luật TCTT ở Việt Nam, 2010, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 170.
[18] Nguyên Lâm, “Quyền TCTT và báo chí”, http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=83915 ngày 12.9.2009.
[19] Kết quả khảo sát của tác giả tháng 05/ 2013.
[20]Ví dụ, trong lĩnh vực nhà đất, chứng khoán, thông tin về các dự án bất động sản, về hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng với giới đầu tư và thường được “mua bán” dưới hình thức này hay hình thức khác. Gần đây, nhiều nhà đầu tư chứng khoán thu được những khoản lời kếch sù nhờ những thông tin nội gián, trong khi nhiều nhà đầu tư khác thất bại thảm hại vì tính không xác thực của thông tin.
[21] Thống đốc Lê Đức Thúy chính thức giải trình về tiền polymer.
http://www.laodong.com.vn/home/kinhte/2006/6540.laodong
[22] Lê Thanh Hà, “QĐTT của người tiêu dùng”, báo Tuổi trẻ ngày 24/3/2007.
[23] Thái Thị Tuyết Dung, “QĐTT: Bối cảnh quốc tế và nhu cầu xây dựng Luật về QĐTT ở Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và phát triển, số 2, năm 2007, tr.57.
[25] Báo cáo Hoạt động khảo sát ngày 29/3/2012 về “Nhu cầu TCTT và các điều kiện đảm bảo thực hiện quyền TCTT của công dân, tổ chức tại tỉnh An Giang”, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
[26] http://nld.com.vn/2012052209069229p0c1002/tinh-uy-dong-nai-yeu-cau-bao-chi-ne-ba-do-thi-thu-hang.htm
[28] Peter Carey và Marcus Turle (Chủ biên), “Freedom of information Handbook”, 2006, Nxb Law Society, ISBN 10: 1-85328-968-X.
[29] Có thể tham khảo nội dung giải pháp trong cuốn sách “Global trends on the right to information: a survey of South Asia”, 2001, Nxb Article 19, ISBN: 1 902598 44 X, tr 155.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(248), tháng 8/2013)


Thống kê truy cập

33951002

Tổng truy cập