Đánh giá các quy định về thanh tra lao động của việt nam với công ước số 81 và một số kiến nghị

01/07/2013

TS. GVC. LÊ THỊ HOÀI THU

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. Quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế và Việt Nam về thanh tra lao động
Về thanh tra lao động (TTLĐ),Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có Công ước số 81 (năm 1947) về TTLĐ trong công nghiệp và thương mại; Công ước số 129 (năm 1969) về TTLĐ trong nông nghiệp; Công ước số 178 (năm 1996) về thanh tra các điều kiện làm việc và sinh hoạt của thuyền viên. Trong số các công ước này, Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên của Công ước số 81. Trong bài viết, chúng tôi chỉ sử dụng Công ước số 81 để đối chiếu, so sánh với pháp luật Việt Nam về TTLĐ, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết.
Công ước số 81 có quy định cụ thể về hệ thống thanh tra trong công nghiệp và thương mại, thanh tra viên (TTV) lao động, các biện pháp mà một quốc gia cần xúc tiến để bảo đảm hiệu quả hoạt động TTLĐ…
Về chức năng của hệ thống TTLĐ
Theo Điều 3 của Công ước, hệ thống TTLĐ có chức năng: (i) bảo đảm việc thi hành các quy định pháp luật về điều kiện lao động và  người lao động (NLĐ) trong khi làm việc, như các quy định về thời giờ làm việc, tiền lương, an toàn, y tế và phúc lợi, việc sử dụng trẻ em, thiếu niên và các mặt khác có liên quan, trong giới hạn trách nhiệm mà các TTV lao động được giao về việc áp dụng những quy định đó; (ii) cung cấp thông tin và góp ý kiến về kỹ thuật cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ về cách thức hữu hiệu nhất để tuân thủ các quy định pháp luật; (iii) lưu ý cơ quan có thẩm quyền về những khiếm khuyết hay những sự lạm dụng mà các quy định pháp luật hiện hành chưa đề cập cụ thể.
Mọi nhiệm vụ khác có thể được giao cho các TTV lao động không được làm cản trở việc thực thi các nhiệm vụ chính của họ hoặc phương hại một cách nào đó đến uy tín hay sự vô tư mà họ cần phải có trong quan hệ với NSDLĐ và NLĐ.
Theo các Điều 185, 186 Bộ luật Lao động (BLLĐ) Việt Nam hiện nay, Thanh tra nhà nước về lao động có chức năng thanh tra chính sách lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Thanh tra nhà nước về lao động có các nhiệm vụ chủ yếu sau: (i) thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động; (ii) điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh lao động; (iii) tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; (iv) giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật; (v) xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật lao động.
Trên cơ sở quy định chung của BLLĐ, Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động TTLĐ - Thương binh và Xã hội đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TTLĐ Bộ, TTLĐ các Sở, Thanh tra Tổng cục dạy nghề[1]. Luật Thanh tra năm 2010 có bổ sung cơ quan thanh tra quận, huyện và tương đương, trên cơ sở này, cấp có thẩm quyền sẽ phân công TTV thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lao động trên địa bàn quận, huyện đó khi cần thiết. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của thanh tra, trong đó có TTLĐ còn được quy định tại cụ thể tại Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra[2], Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành[3].
Theo các văn bản pháp luật trên đây, nhìn chung, quy định về chức năng và nhiệm vụ của hệ thống TTLĐ của nước ta hiện nay là khá cụ thể và phù hợp với Công ước số 81 của ILO. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế nhất định, như:
Thứ nhất, mức độ hỗ trợ cho NSDLĐ và NLĐ của TTLĐ Việt Nam chưa thực sự triệt để. ILO quy định TTLĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin và góp ý kiến về kỹ thuật cho NSDLĐ và NLĐ về cách thức hữu hiệu nhất để tuân thủ các quy định pháp luật. Đây là sự hỗ trợ cần thiết và quan trọng không những để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mà còn giúp hai bên có thể tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật lao động.
Thứ hai, việc phản hồi trở lại đối với Nhà nước về những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật lao động chưa được quy định là một chức năng hay nhiệm vụ cụ thể của TTLĐ Việt Nam như trong Công ước số 81 đã đề cập. Đây cũng là một trong những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu trong pháp luật lao động ở nước ta.
Về TTV lao động
Công ước 81 dành nhiều điều khoản để quy định về TTV - những người trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống TTLĐ. Nội dung các quy định này bao gồm: (i) nguồn và cơ cấu TTV; (ii) sự cộng tác giữa TTV và các lực lượng khác trong công việc; (iii) phương pháp xác định số lượng TTV; (iv) quyền hạn của TTV trong khi thi hành nhiệm vụ.
Đối với nguồn và cơ cấu TTV, Công ước số 81 của ILO quy định: TTV phải gồm những viên chức nhà nước, có quy chế và điều kiện công tác bảo đảm cho họ được ổn định việc làm, khiến họ không phải phụ thuộc bất cứ sự thay đổi nào trong chính phủ và mọi ảnh hưởng không đúng đắn từ bên ngoài (Điều 6). Nữ giới cũng như nam giới đều có thể được tuyển vào thành viên của bộ máy thanh tra; nếu cần, những nhiệm vụ đặc biệt có thể được phân công riêng cho nam TTV hoặc nữ TTV (Điều 8).
Về sự cộng tác giữa TTV và các lực lượng khác trong công việc, ILO yêu cầu các nước thành viên phê chuẩn công ước phải có những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho hoạt động thanh tra có sự cộng tác của các chuyên gia và kỹ thuật viên lành nghề, bao gồm các kỹ thuật viên về y học, cơ học, điện học và hoá học, cho hoạt động thanh tra, theo các biện pháp được coi là thích hợp nhất với điều kiện quốc gia, nhằm bảo đảm việc áp dụng quy định pháp luật về vệ sinh và an toàn cho NLĐ trong khi làm việc, và nhằm nghiên cứu hiệu quả của các cách thức đã dùng, các chất đã sử dụng và các phương pháp làm việc đối với vấn đề vệ sinh an toàn của NLĐ (Điều 9).
Theo quan điểm của ILO, số lượng TTV lao động phải đủ để cho phép bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của cơ quan thanh tra, và được ấn định theo: (i) tầm quan trọng của các nhiệm vụ mà các TTV phải thực hiện, nhất là số lượng, loại, tầm quan trọng và tình hình của các cơ sở đặt dưới sự kiểm soát của thanh tra, số lượng và các loại lao động làm việc trong các cơ sở đó, số lượng và mức phức tạp của các quy định pháp luật phải thi hành; (ii) những phương tiện vật chất đặt dưới quyền sử dụng của TTV; (iii) những điều kiện thực tế để tiến hành các cuộc thanh tra nhằm đạt được kết quả (Điều 10).
Các TTV lao động có quyền: (i) tự do vào không phải báo trước, bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm, bất cứ cơ sở nào dưới quyền kiểm soát của thanh tra; (ii) vào ban ngày tất cả các phòng ban mà họ có thể có lý do hợp lệ để cho rằng các phòng ban đó thuộc quyền kiểm soát của thanh tra; (iii) tiến hành mọi cuộc xét nghiệm, kiểm tra hoặc điều tra xét thấy cần thiết để bảo đảm rằng các quy định pháp luật được thi hành chặt chẽ (hỏi riêng rẽ hoặc trước mặt các nhân chứng, NSDLĐ hoặc các nhân viên của cơ sở về tất cả các vấn đề có liên quan đến việc thi hành những quy định của pháp luật; yêu cầu cho xem mọi sổ sách, tài liệu mà trong pháp luật hoặc pháp quy về điều kiện làm việc có quy định phải lập, để kiểm tra xem có phù hợp với những quy định pháp luật không, để sao chép, làm trích lục các sổ sách, tài liệu đó; đòi niêm yết thông báo mà pháp luật đã quy định phải niêm yết; lấy và mang đi để phân tích các mẫu của các vật liệu và các chất đã sử dụng hoặc thao tác, miễn là NSDLĐ hoặc đại diện của người đó được báo cho biết rằng các vật liệu, các chất đã được lấy mang đi vì mục đích đó).
Khi đến thanh tra, các TTV phải thông báo cho NSDLĐ hoặc đại diện của người đó biết sự có mặt của mình, trừ khi TTV cho là việc báo như vậy có thể phương hại đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Các TTV lao động được quyền đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục những hư hỏng phát hiện thấy trong một thiết bị, một nhà xưởng hoặc những phương pháp làm việc mà TTV có thể có lý do hợp lệ để coi là một mối đe doạ cho sức khoẻ hoặc an toàn của NLĐ. Để có thể dẫn đến việc thực hiện các biện pháp đó, các TTV có quyền, trừ phi có sự kháng cáo về tư pháp hay hành chính mà pháp luật quốc gia có thể cho phép, ra lệnh hay đề nghị ra lệnh: phải thực hiện trong một thời gian quy định, những sửa đổi cần thiết để bảo đảm việc tuân thủ những quy định pháp luật về vệ sinh và an toàn lao động; phải có các biện pháp có hiệu lực tức thời trong các trường hợp có nguy cơ khẩn cấp đối với sức khoẻ hoặc an toàn của NLĐ (Điều 13).
Nhìn chung, ILO cũng quy định các TTV lao động không được phép có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp nào trong các cơ sở đặt dưới sự kiểm soát của mình; không được tiết lộ, dù đã thôi việc, những bí mật về chế tạo hay thương mại hoặc về cách thức khai thác mà mình được biết trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài hoặc thi hành kỷ luật thích đáng; phải tuyệt đối giữ kín nguồn gốc của mọi khiếu nại báo cho biết một khuyết điểm của thiết bị hay một sự vi phạm những quy định pháp luật, và phải tránh không cho NSDLĐ hoặc đại diện của người đó được biết là mình đến thanh tra do có khiếu nại (Điều 15).
TTV lao động theo quy định của pháp luật nước ta cũng là các công chức nhà nước, không có lợi ích cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với đối tượng thuộc phạm vi thanh tra. TTV lao động, kể cả khi đã thôi việc, không được tiết lộ những bí mật biết được trong khi thi hành công vụ và phải tuyệt đối giữ kín mọi nguồn tố cáo (Điều 188 BLLĐ, Điều 15 Nghị định số 31/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động TTLĐ - Thương binh và Xã hội). Hiện nay, TTV nói chung và TTV lao động nói riêng được quy định chi tiết tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về TTV và cộng tác viên thanh tra. Theo Điều 5 của Nghị định này, TTV là công chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; TTV là công chức phải có các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và các tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể tại các điều 6, 7 và 8 của Nghị định số 97/2011/NĐ-CP; TTV là sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân phải có các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và Điều 9 của Nghị định 97/2011/NĐ-CP; TTV có các ngạch: TTV, TTV chính, TTV cao cấp. Mỗi ngạch TTV có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chức trách của TTV, thẩm quyền và thủ tục bổ nhiệm tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP[4].
Khi tiến hành thanh tra, TTV lao động phải cộng tác chặt chẽ với Ban chấp hành công đoàn. Nếu vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, TTV lao động có thể mời các chuyên gia, các kỹ thuật viên lành nghề về lĩnh vực hữu quan làm tư vấn; khi khám xét máy, thiết bị, kho tàng, phải có mặt NSDLĐ và người trực tiếp phụ trách máy, thiết bị, kho tàng (Điều 189 BLLĐ). Bên cạnh đó, một mạng lưới cộng tác viên cũng được thiết lập theo quy định của Nhà nước. Cộng tác viên là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra về lao động, thương binh và xã hội; có kiến thức pháp luật và kiến thức về lao động, thương binh và xã hội theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cộng tác viên là người được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Chánh Thanh tra Tổng cục Dạy nghề; Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra sở để thực hiện nhiệm vụ thanh tra về lao động, thương binh và xã hội (Điều 16 Nghị định số 31/2006/NĐ-CP).
Khi tiến hành thanh tra, TTV lao động có quyền: thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước; yêu cầu NSDLĐ và những người có liên quan khác cung cấp tình hình và các tài liệu liên quan đến việc thanh tra, điều tra; tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật lao động theo quy định của pháp luật; quyết định tạm đình chỉ việc sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 188 BLLĐ).
Theo đánh giá chung của các chuyên gia lao động quốc tế và các chuyên gia trong nước, hệ thống pháp luật thực định của Việt Nam đã thể hiện khá đầy đủ và đúng các quy định của ILO về TTV lao động trong Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Tuy nhiên, số lượng TTV của nước ta hiện nay còn rất mỏng[5], mới chỉ tập trung ở cấp trung ương và cấp tỉnh, trong khi cấp huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được bố trí tăng cường; năng lực TTV lao động còn chưa đồng đều giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương. Từ đó, dẫn đến tần xuất thanh tra và chất lượng công tác TTLĐ rất thấp.
Xử lý vi phạm và công tác báo cáo
Cùng với các quy định về chức năng, nhiệm vụ của hệ thống TTLĐ và TTV, Công ước số 81 còn quy định khá cụ thể về việc xử lý vi phạm và công tác báo cáo trong TTLĐ.
Các biện pháp chế tài (xử lý vi phạm pháp luật, cản trở TTV lao động làm nhiệm vụ) do pháp luật quốc gia quy định và phải được bảo đảm thực thi trên thực tế (Điều 18).
Nhìn chung, nếu phát hiện vi phạm thì TTV lao động có quyền truy cứu ngay, không cần báo trước. Tuy nhiên, ILO cũng lưu ý pháp luật hoặc quy định của các quốc gia thành viên có thể chấp nhận những ngoại lệ, ví dụ: chấp nhận biện pháp phòng ngừa, biện pháp khắc phục hậu quả hay báo trước cho người vi phạm trước khi áp dụng biện pháp chế tài (Điều 17).
Việc báo cáo của thanh tra cấp dưới cho thanh tra cấp trên trong hệ thống thanh tra phải được duy trì theo định kỳ. Cách thức lập báo cáo do cơ quan thanh tra trung ương quy định thống nhất (Điều 19, 20).
Báo cáo TTLĐ được công bố công khai hàng năm bao gồm các nội dung: (i) các đạo luật và các quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan TTLĐ; (ii) nhân viên của cơ quan TTLĐ; (iii) bảng thống kê các cơ sở thuộc thẩm quyền kiểm soát của thanh tra và số lượng NLĐ làm tại các cơ sở đó; (iii) bảng thống kê các cuộc thanh tra; (iv) bảng thống kê về các vụ vi phạm và các chế tài đã thi hành; (v) bảng thống kê về tai nạn lao động; (vi) bảng thống kê về bệnh nghề nghiệp (Điều 21).
Bản sao Báo cáo TTLĐ phải được gửi cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế trong một thời hạn hợp lệ sau khi được công bố, thời hạn đó không được quá 3 tháng (Điều 20).
Ở nước ta, Nhà nước quy định các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động và hành vi cản trở TTV thi hành công chủ yếu là chế tài hành chính (bằng các hình thức xử phạt chính và các hình thức xử lý bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả). Bên cạnh Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (nay là Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2013), Chính phủ ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, trong đó quy định rõ nguyên tắc, các hình thức và mức xử lý, cơ quan có thẩm quyền, trình tự thủ thực hiện… Trường hợp hành vi vi phạm của các chủ thể có liên quan có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để truy tố trước pháp luật.
Tương tự như Công ước số 81, BLLĐ nước ta cũng quy định trách nhiệm báo cáo định kỳ về công tác TTLĐ. Tại Mục 2 Chương 6 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP có quy định cụ thể chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra nói chung, trong đó có công tác TTLĐ. Các quy định về chế độ báo cáo trong công tác TTLĐ bao gồm: (i) trách nhiệm, nội dung thông tin, báo cáo của Bộ, Sở (Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội); (ii) hình thức, thời điểm báo cáo; (iii) trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đối với công tác thông tin, báo cáo; (iv) chế độ, thông tin báo cáo tại Bộ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
2. Thực trạng công tác TTLĐ ở Việt Nam và một số kiến nghị
2.1. Thực trạng công tác TTLĐ ở Việt Nam
Đánh giá 15 năm thi hành BLLĐ ở nước ta, những mặt được và chưa được của công tác TTLĐ được chỉ ra như sau:
Kết quả đạt được:
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật lao động đã được củng cố, tăng cường một bước. Đã hình thành hệ thống thanh tra nhà nước chuyên ngành về lao động với hơn 430 TTV lao động từ trung ương đến địa phương; một số địa phương đã tăng cường lực lượng TTV lao động (thành phố Hồ Chí Minh từ 18 lên 30, Đồng Nai từ 09 lên 17, Bình Dương từ 6 lên 10), tăng cường TTLĐ tới cấp huyện.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương: kết quả xử phạt vi phạm pháp luật lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động là 2.394.000 trường hợp với tổng số tiền 18.000 tỷ đồng; kết quả xử phạt vi phạm pháp luật lao động theo quy định tại Nghị định số 135/2007/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội là 700 triệu đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của NSDLĐ và NLĐ ở nơi đến thanh tra, phát hiện những vi phạm nghiêm trọng, lập lại kỷ cương trong lao động, sử dụng và quản lý lao động.
Đã từng bước đổi mới hình thức thanh tra như: cử TTV phụ trách vùng, thực hiện cơ chế doanh nghiệp tự kiểm tra.
Hạn chế:
Số lượng TTV lao động thấp, mới chỉ đạt khoảng 40% yêu cầu so với số doanh nghiệp (theo tiêu chí của ILO, cả nước cần phải có số lượng khoảng 800-1.000 TTV lao động); với số lượng TTV hiện có thì mỗi năm chỉ thanh tra được 3,4% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
TTV lao động hiện nay mới chỉ tập trung ở cấp trung ương và cấp tỉnh, trong khi cấp huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được bố trí tăng cường.
Năng lực TTV lao động còn chưa đồng đều giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương[6].
Như vậy, vấn đề vướng mắc chính trong công tác TTLĐ ở nước ta hiện nay không phải là sự thiếu hụt hay bất hợp lý trong các quy định của pháp luật về vấn đề này, mà vấn đề chính lại nằm ở số lượng và chất lượng của đội ngũ TTV chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây là một trong những điểm quan trọng cần lưu ý khi đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác TTLĐ ở nước ta trong thời gian tới.
2.2. Một số kiến nghị
Với những phân tích, so sánh trên đây, những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt hơn cam kết quốc tế của Việt Nam về TTLĐ, các giải pháp chúng tôi đề cập bao gồm: (i) hoàn thiện các quy định pháp luật về TTLĐ trong BLLĐ; (ii) tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ TTV cũng như cộng tác viên TTLĐ; (iii) chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia (phê chuẩn) đầy đủ các công ước của ILO về quản lý lao động và TTLĐ; (iv) tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động nói chung và pháp luật TTLĐ nói riêng ở nước ta.
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về TTLĐ trong BLLĐ.
Như trên đã phân tích, các quy định của Việt Nam về TTLĐ hiện nay đã tiếp cận rất gần với Công ước số 81 của ILO về TTLĐ trong công nghiệp và thương mại - Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Trong đợt đánh giá 15 năm thi hành BLLĐ để làm cơ sở cho việc xây dựng BLLĐ năm 2012 (đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba, ngày 18/6/2012), pháp luật về TTLĐ nhìn chung không có vướng mắc nhiều, đây không phải là nội dung cơ bản cần thay đổi trong BLLĐ năm 2012. Vấn đề còn lại chỉ là ở chỗ BLLĐ Việt Nam cần phải nội luật hóa đầy đủ hơn Công ước số 81 của ILO. Trong đó đáng chú ý là việc nội luật hóa đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của TTLĐ. Cụ thể:
- BLLĐ nước ta cần quy định về sự hỗ trợ của TTLĐ cho NSDLĐ và NLĐ. Như đã đề cập, ILO quy định TTLĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin và góp ý kiến về kỹ thuật cho NSDLĐ và NLĐ về cách thức hữu hiệu nhất để tuân thủ các quy định pháp luật. Đây là sự hỗ trợ cần thiết và quan trọng không những để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mà còn giúp hai bên có thể tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật lao động. Vì vậy, BLLĐ nước ta nên quy định chức năng, nhiệm vụ này cho TTLĐ.
- Theo ILO, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của TTLĐ là góp phần đắc lực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia từ hoạt động thanh tra của mình. Vì vậy, ILO đã quy định TTLĐ cần có sự phản hồi trở lại đối với Nhà nước về những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật lao động. Đây là nội dung chưa được quy định trong BLLĐ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng BLLĐ nước ta cần bổ sung chức năng này cho TTLĐ.
Thứ hai, cần tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ TTV cũng như cộng tác viên TTLĐ.
Số lượng và chất lượng của TTV lao động được đánh giá là vấn đề nổi cộm nhất trong công tác TTLĐ ở nước ta hiện nay. Lực lượng TTV lao động mỏng cộng với năng lực còn nhiều hạn chế đang được đánh giá là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến hiệu quả TTLĐ trên thực tế ở nước ta thời gian qua chưa cao, thậm chí có thể nói là thấp. Từ đó không những không làm giảm được tình trạng vi phạm pháp luật lao động, giảm tranh chấp lao động, đình công, mà ngược lại, đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình vi phạm pháp luật lao động, tranh chấp lao động và đình công trở lên xấu hơn ở nước ta.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay nước ta chỉ có hơn 430 TTV, cán bộ thanh tra (không tính thanh tra thuộc Tổng cục Dạy nghề), trong đó chỉ có 150 TTV thực chất làm công tác TTLĐ (những TTV còn lại làm công tác thanh tra chính sách người có công, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề xã hội khác). Trong khi đó, theo khuyến cáo của ILO, nước ta cần phải bố trí thêm khoảng 750 TTV để thực hiện nhiệm vụ TTLĐ và khoảng 500 TTV để thực hiện các nhiệm vụ thanh tra về người có công, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề xã hội khác. Như vậy, so với yêu cầu, số TTV lao động còn thiếu cần bổ sung chiếm tỷ lệ rất cao so với tổng nhu cầu (chiếm khoảng 83,33%)[7]. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với ngành lao động - thương binh và xã hội nói chung và TTLĐ nói riêng. Từ đó cho thấy, Nhà nước cần có kế hoạch, trong đó cần xác định lộ trình hợp lý để đào tạo nguồn, thực hiện việc bổ nhiệm TTV lao động để dần tiệm cận gần hơn với nhu cầu thực tế của đời sống xã hội.
Cùng với số lượng ít, cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ biến động, luân chuyển cán bộ trong ngành TTLĐ lớn; đội ngũ cán bộ trẻ, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, rất ít người được đào tạo theo mô hình TTLĐ hợp nhất. Vì vậy, cùng với việc tăng cường về số lượng, điều quan trọng hơn và khó khăn hơn là tăng cường chất lượng của đội ngũ TTV lao động. Để thực hiện được việc này, trước tiên cần tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ công tác TTLĐ một cách bài bản, chuyên nghiệp không chỉ cho các TTV lao động, mà cần đào tạo cho cả đội ngũ là nguồn bổ nhiệm TTV lao động. Tiếp đó là vấn đề bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên những kiến thức nghề nghiệp tiên tiến, hiện đại, những kỹ năng cần thiết cho một TTV lao động. Giáo dục nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp cũng là việc làm quan trọng để có được đội ngũ TTV lao động với chất lượng tốt. Bên cạnh đó, bản thân từng TTV lao động cần không ngừng tự trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trước hết vì chính hình ảnh của cá nhân mình trong nghề nghiệp, góp phần hình thành đội ngũ TTV lao động thực sự chất lượng.
Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia (phê chuẩn) đầy đủ các công ước của ILO về quản lý lao động và TTLĐ.
Trong số các công ước của ILO, có 03 công ước cơ bản về TTLĐ như chúng tôi đã đề cập ở trên, đó là Công ước số 81 (năm 1947) về TTLĐ trong công nghiệp và thương mại, Công ước số 129 (năm 1969) về TTLĐ trong nông nghiệp, Công ước số 178 (năm 1996) về thanh tra các điều kiện làm việc và sinh hoạt của thuyền viên. Hiện còn hai công ước Việt Nam chưa phê chuẩn là Công ước số 129 và Công ước số 178.
Qua nghiên cứu cho thấy, nội dung của Công ước số 129 nhìn chung là thống nhất với nội dung của Công ước số 81 mà Việt Nam đã phê chuẩn. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia tỷ trọng nông nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang và sẽ còn chiếm một số lượng lớn, nên việc phê chuẩn Công ước số 129 là thực sự cần thiết. Nếu xét về điều kiện phê chuẩn Công ước, có thể thấy, Việt Nam đã đủ điều kiện và được chấp nhận gia nhập Công ước số 81 thì cũng sẽ đủ điều kiện để gia nhập Công ước số 129. Vì vậy, các cơ quan nhà nước hữu quan, mà trước hết là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục cần thiết để phê chuẩn công ước này.
Điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt của các thuyền viên có tính đặc thù, khác biệt rất lớn so với những NLĐ làm việc ở những ngành nghề và môi trường khác. Do vậy, cần có những quy định riêng cho công tác thanh tra điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt đối với các đối tượng này. Hơn nữa, ngoài những yêu chung đối với TTLĐ theo Luật Thanh tra và Nghị định số 97/2011/NĐ-CP, cần có những tiêu chí riêng đối với các TTV hoạt động trong lĩnh vực này. Việc nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới gia nhập Công ước số 178 là việc nên quan tâm và nên làm ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động nói chung và pháp luật TTLĐ nói riêng ở nước ta.
Cho đến nay, ý thức chấp hành pháp luật lao động của NSDLĐ, NLĐ và các chủ thể có liên quan ở nước ta vẫn còn bị đánh giá là thấp. Hiện tượng NSDLĐ, NLĐ vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, xâm phạm lợi ích và trật tự chung của xã hội vẫn còn phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, mà một trong những nguyên nhân lớn là do các chủ thể nói trên không biết hoặc không biết rõ về các quy định của BLLĐ và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành. Một phần lỗi thuộc về công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng ở nước ta chưa tốt. Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền nội dung gì? Tuyên truyền bằng hình thức/cách thức nào? Tuyên truyền vào lúc nào?... vẫn đang là những câu hỏi lớn và khó. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vẫn đang và sẽ còn là vấn đề cấp thiết ở nước ta.
Muốn công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, cần có đội ngũ tuyên truyền viên có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm và có trách nhiệm đối với công tác tuyên truyền. Vì vậy, cần phải có sự đào tạo, huấn luyện đối với đội ngũ này.
Nội dung tuyên truyền nên bao gồm: các quy định pháp luật lao động nói chung (việc làm, học nghề, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động…); các quy định pháp luật về TTLĐ; các công ước quốc tế về lao đông và TTLĐ.
Tùy vào nội dung cần tuyên truyền mà xác định đối tượng tuyên truyền, hình thức và thời điểm tuyên truyền cho phù hợp. Ví dụ: đối với nội dung pháp luật lao động nói chung thì đối tượng tuyên truyền chủ yếu là NSDLĐ và NLĐ. Ngược lại, đối tượng tuyên truyền các công ước quốc tế về lao động lại nên xác định là những người xây dựng chính sách, pháp luật và những người có tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật lao động.

 


[1] Xem: Chương 2 Nghị định số 31/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động TTLĐ - thương binh và xã hội.
[2] Xem: Chương 2 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
[3] Xem: Chương 2 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.
[4] Xem chi tiết Điều 7, 8, 9 Mục 1 và Mục 2 Chương 2 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP.
[5] Theo Báo cáo 15 năm thi hành BLLĐ vào năm 2011, số lượng TTV lao động cả nước chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu (Theo tiêu chuẩn của ILO, số lượng TTV lao động của nước ta phải đạt từ 800- 1.000 người). Với số lượng TTV mỏng như vậy, mỗi năm chỉ có thể tiến hành thanh tra được khoảng 3,4% tổng số doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Xem: Số đặc san tuyên truyền pháp luật số 11/2011 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, tr.37.
[6] Xem: Số đặc san tuyên truyền pháp luật số 11/2011 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, tr.36, 37.
[7] http://phapluattp.vn/2011110411045807p0c1013/thanh-tra-nganh-lao-dong-con-thieu-va-han-che.htm

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(245), tháng 7/2013)


Thống kê truy cập

33952004

Tổng truy cập