Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

01/07/2013

ThS. HÀ THỊ NGUYỆT THU

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam khiến cho thị trường hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú. Đi kèm với sự phát triển của thị trường là môi trường cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh ngày càng trở nên sôi động. Bên cạnh những hoạt động kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật thì cũng xuất hiện nhiều sai phạm trong cạnh tranh. Nhiều chủ thể kinh doanh với mục đích thu lợi nhanh chóng đã tìm mọi cách để hưởng lợi không đúng luật từ thành quả đầu tư của người khác. Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong các lĩnh vực xuất hiện nhiều vi phạm. Thực tế cho thấy, hầu như mọi chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có thể chứa yếu tố vi phạm về SHTT. Trong các đối tượng SHTT thì nhãn hiệu là đối tượng dễ bị xâm phạm quyền nhất.
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với nhãn hiệu là việc Nhà nước bằng công cụ pháp luật của mình ghi nhận quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu đồng thời quy định cơ chế xác lập quyền, nội dung quyền và cơ chế thực thi quyền.
Ở tầm quốc tế, bảo hộ nhãn hiệu đã được đưa vào trong điều ước quốc tế đa phương là Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN ngay từ khi ra đời của Công ước năm 1883. Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại, danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu ngày càng tăng cao thì nguy cơ bị xâm phạm quyền ngày càng nhiều, từ đó đặt ra vấn đề phải có cơ chế riêng để bảo vệ những nhãn hiệu đã đạt được danh tiếng nhất định. Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) đã được thảo luận ở tầm quốc tế bởi các nước thành viên của Công ước Paris từ những năm 1920, và Điều 6bis về NHNT lần đầu tiên được ghi nhận vào Công ước Paris từ năm 1925. Nội dung chính của Điều 6bis có thể tóm tắt như sau: (i) không đòi hỏi phải thực hiện thủ tục đăng ký mới được bảo hộ đối với NHNT ở nước mà chủ nhãn hiệu mong muốn nhận được sự bảo hộ theo Điều 6bis; (ii) để được bảo hộ là NHNT theo Điều 6bis, một nhãn hiệu phải được công nhận là nổi tiếng ở nước thành viên đó; (iii) bất kỳ nhãn hiệu nào trùng hoặc tương tự với một NHNT và có khả năng gây nhầm lẫn rằng nó là biến thể, bản sao hoặc bản dịch của NHNT thì sẽ bị từ chối bảo hộ, bị huỷ bỏ hiệu lực hoặc nếu đang được sử dụng thì sẽ bị yêu cầu chấm dứt việc sử dụng; (iv) phạm vi bảo hộ của NHNT giới hạn ở việc sử dụng hoặc đăng ký nhãn hiệu đó của người thứ ba cho sản phẩm trùng hoặc tương tự, hay nói cách khác, phạm vi hàng hoá mà nhãn hiệu đang xem xét phải trùng hoặc tương tự với NHNT; (v) Điều 6bis không đề cập tới nhãn hiệu dịch vụ; (vi) Điều 6bis cũng áp dụng cho trường hợp nhãn hiệu tương tự với NHNT; (vii) các nước thành viên có ít nhất 5 năm kể từ ngày đăng ký đơn của người thứ 3 để tiến hành thủ tục huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu thì không có giới hạn thời gian cho việc yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã được cấp. Như vậy, có thể thấy, Điều 6bis quy định một cách giới hạn phạm vi bảo hộ dành cho NHNT đó là không gồm nhãn hiệu dịch vụ và chỉ giới hạn ở việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho sản phẩm trùng hoặc tương tự. Những hạn chế của Điều 6bis Công ước Paris đã được Điều 16 khoản 2, 3 Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS)[1] hoàn thiện, theo đó: (i) mở rộng phạm vi bảo hộ NHNT tới cả nhãn hiệu sử dụng cho dịch vụ; (ii) quy định tiêu chuẩn công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng một cách mềm dẻo hơn hay nói cách khác là thừa nhận việc một nhãn hiệu có thể được coi là nổi tiếng nếu được biết đến rộng rãi trong một bộ phận công chúng có liên quan tương ứng - quy định này khiến cho các tiêu chuẩn công nhận một NHNT phù hợp hơn với thực tiễn của thị trường và phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống; (iii) mở rộng phạm vi bảo hộ NHNT quy định trong Điều 6bis tới cả trường hợp hàng hoá, dịch vụ không tương tự với điều kiện việc sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ đó sẽ khiến người khác nghĩ rằng có mối liên hệ giữa hàng hoá, dịch vụ của chủ NHNT và quyền lợi của chủ NHNT vì thế có khả năng bị thiệt hại.
Ở Việt Nam, thuật ngữ NHNT lần đầu tiên được ghi nhận trong hệ thống pháp luật tại Nghị định sửa đổi Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN. Trước thời điểm này, thuật ngữ NHNT chưa từng được đề cập trong luật. Theo Nghị định 63/CP, quyền SHCN đối với NHNT phát sinh trên cơ sở quyết định công nhận của Cục SHTT. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do thiếu các quy định hướng dẫn các tiêu chí đánh giá NHNT nên không có một nhãn hiệu nào được Cục SHTT công nhận theo cách này. Năm 2005, Luật SHTT đã có quy định về NHNT. Theo Điều 4.20 Luật SHTT, “NHNT là nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Theo quy định này có thể hiểu, để được công nhận là NHNT, nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến. Rất khó cho chủ nhãn hiệu có thể chứng minh được điều này khi muốn nhãn hiệu của mình được công nhận là nổi tiếng. Quy định này dường như đã đi xa hơn những yêu cầu quy định bởi Điều 16.2 Hiệp định TRIPS vì TRIPS chỉ đòi hỏi “khi đánh giá liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, các nước thành viên sẽ xem xét đến sự biết đến rộng rãi nhãn hiệu của nhóm công chúng tương ứng”. Vậy liệu một NHNT là phải được biết đến bởi tất cả mọi người hay chỉ cần được biết đến trong số nhóm người tiêu dùng mà hàng hoá, dịch vụ đó có liên quan tới? Có lẽ diễn giải hợp lý nội dung Điều 16.2 của Hiệp định TRIPS là để được coi là nổi tiếng nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó cần được biết đến bởi nhóm công chúng có liên quan hay nói cách khác là những nhóm công chúng nhất định mà hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm hướng tới. Tức là cần phải tập trung vào loại hàng hóa hoặc bản chất của dịch vụ có liên quan khi đánh giá NHNT. Chẳng hạn khách hàng của những thiết bị công nghệ cao như chi tiết máy bay sẽ là số lượng rất nhỏ những nhà sản xuất, cung cấp linh kiện máy bay và đương nhiên không thể so sánh với số lượng khách hàng của những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như bột giặt. Thực tế cho thấy, nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng INTERNET, sự bùng nổ của các kênh truyền thông mà người ta biết đến nhiều nhãn hiệu trong khi thậm chí sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó chưa từng bao giờ có mặt ở thị trường của họ. Có thể nói, danh tiếng của một nhãn hiệu trong nhiều trường hợp đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia nơi sản phẩm, dịch vụ mang nó tồn tại, và được biết đến ở nhiều thị trường nó chưa có mặt. Điều này đặt ra vấn đề, có bảo hộ hay không một NHNT ở tầm thế giới nhưng chưa có mặt ở thị trường mong muốn nhận được sự bảo hộ? Việc một người đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT ở nước ngoài thì có bị coi là đang xâm phạm tới quyền của một NHNT hay không? Trên thực tế, đã hơn một lần NHNT của nước ngoài dù chưa được sử dụng hoặc đăng ký tại Việt Nam đã được bảo hộ dù cho nguyên tắc này không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Năm 1992, Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu “McDolnald’s” cho một công ty của Úc. Vào thời điểm đó, Cục SHTT có đủ thông tin để khẳng định “McDolnald’s” là NHNT trên thế giới cho các sản phẩm đồ ăn nhanh và dịch vụ cung cấp đồ ăn nhanh dưới tên của McDolnald’s Corporation (Mỹ), cho dù công ty này chưa hề đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu McDolnald’s tại Việt Nam và hành động của công ty Úc trong tình huống này bị coi là đã lợi dụng danh tiếng của McDolnald. Tiếc rằng thực tiễn pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế này lại chưa được đưa vào Luật SHTT khi vẫn quy định tại Điều 4.20 rằng, NHNT phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến.
Để được công nhận là NHNT, lần đầu tiên các tiêu chí đánh giá NHNT được quy định rõ ràng trong Điều 75 của Luật SHTT, theo đó, các tiêu chí có thể được xem xét (nhưng không giới hạn) khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng: (i) số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu thông qua quảng cáo; (ii) phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành; (iii) doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp; (iv) thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; (v) uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; (vi) số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; (vii) số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; (viii) giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu. Ngoài ra, các tài liệu khác cũng có thể được xem xét khi đánh giá NHNT như tài liệu chứng minh việc đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị cho nhãn hiệu; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng, quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định... Việc ghi nhận NHNT được quy định rõ trong Điểm 42.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, theo đó, khi NHNT được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định của Cục SHTT thì NHNT đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục NHNT được lưu giữ tại Cục SHTT.
Xuất phát từ những tính chất đặc thù, riêng có của các đối tượng SHCN, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều ghi nhận hai nguyên tắc xác lập quyền cơ bản, đó là (i) xác lập quyền theo nguyên tắc đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền và (ii) xác lập quyền theo nguyên tắc tự động khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Đối với nhãn hiệu thì cả hai nguyên tắc này đều được áp dụng. Với nhãn hiệu không phải là NHNT, quyền SHCN được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với NHNT, quyền SHCN được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi, không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Chủ NHNT có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc kiện ra tòa khi phát hiện nhãn hiệu của mình bị xâm phạm, đồng thời, NHNT cũng có thể làm căn cứ để từ chối bảo hộ cho nhãn hiệu yêu cầu đăng ký mà có khả năng xâm phạm quyền của NHNT.
Như vậy, có thể nói, các quy định liên quan đến bảo vệ NHNT của Việt Nam là khá đầy đủ và phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế có liên quan.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật SHTT đặc biệt là với nhãn hiệu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hầu như mọi sản phẩm hàng hóa đều có hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Có thể sơ qua vài nét về hình hình xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu qua con số của Cơ quan Quản lý thị trường (một trong số nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT): năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu và đã xử lý được 2.105 vụ; năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế… đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, tại TP.Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng, tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng, tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng...; năm 2012, Cơ quan Quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9.556 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 8.999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với Đại điện của nhãn hiệu Louis Vuitton phát hiện ra nhiều vụ vi phạm nhãn hiệu LV, Louis Vuitton và đã tiêu huỷ nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu vi phạm. Việc phát hiện và xử lý xâm phạm nhãn hiệu đã khó, nhưng điều này còn khó hơn đối với NHNT.
Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hiểu theo nghĩa chung nhất là việc vi phạm quyền độc quyền được xác lập cho nhãn hiệu đó mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc bất kỳ bên nhận chuyển giao quyền nào (với điều kiện quyền đó nằm trong phạm vi của hợp đồng chuyển giao). Hậu quả của hành vi xâm phạm quyền dẫn đến việc người tiêu dùng bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối về nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ, hoặc về việc có mối liên hệ như tài trợ, cho phép sử dụng… giữa bên sở hữu nhãn hiệu và bên bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu. Để xử lý hành vi xâm phạm, điều quan trọng nhất là cần phải xác định được đối tượng SHTT đang bị xâm hại. Với những đối tượng SHTT mà quyền được xác lập thông qua thủ tục đăng ký thì việc xác định đối tượng đang được bảo vệ và phạm vi quyền của đối tượng đó chỉ cần căn cứ vào văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, với NHNT - đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền được xác lập trên cơ sở sử dụng rộng rãi, không cần thông qua thủ tục đăng ký - thì xác định đối tượng đang được bảo vệ và phạm vi quyền của đối tượng đó là vấn đề hết sức khó khăn. Tuy luật đã quy định có hai con đường để nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng đó là theo thủ tục dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục SHTT nhưng cho đến nay, chưa có văn bản nào như thế được ban hành. Điều đó có thể hiểu, chưa có nhãn hiệu nào được công nhận là nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Trong thực tiễn xác lập quyền, rất nhiều lần Cục SHTT đã từ chối xác lập quyền cho một dấu hiệu với lý do dấu hiệu đó xâm phạm quyền của NHNT (thuộc vào Điều 74.2i Luật SHTT). Các quyết định như vậy được Cục SHTT ban hành dựa vào những tình huống cụ thể, căn cứ vào các tài liệu cụ thể của từng tình huống. Có thể coi các quyết định này là quyết định gián tiếp công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng. Tuy nhiên, cho đến nay, Danh mục các NHNT vẫn chưa tồn tại, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi cũng như chủ nhãn hiệu trong việc xử lý các vụ việc liên quan. Chủ nhãn hiệu thì không có căn cứ để chứng minh quyền, các cơ quan thực thi thì không biết bám vào đâu để xác định liệu đối tượng đang xem xét có được coi là nổi tiếng hay không để từ đó có căn cứ đánh giá đối tượng xâm phạm quyền, hành vi phạm quyền. Một khi không thể xác định được đối tượng đang được pháp luật bảo vệ thì rõ ràng không thể bảo vệ được đối tượng đó một cách hiệu quả. Với các quy định pháp luật liên quan đến NHNT thì có thể hiểu, ở bất kỳ thời điểm nào, nếu chủ nhãn hiệu cung cấp được các tài liệu chứng minh nhãn hiệu của mình nổi tiếng thì đồng nghĩa họ đã chứng minh được quyền của mình đối với nhãn hiệu đó và họ có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền của mình, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, do các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, do năng lực của các cơ quan thực thi... nên việc công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng trong quá trình thực thi là rất khó khăn.
Để bảo vệ hiệu quả quyền SHCN đối với NHNT, tạo điều kiện cho việc ngăn chặn và xử lý xâm phạm quyền đối với NHNT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo vệ NHNT, cụ thể là:
Thứ nhất, sửa đổi Điều 4.20 Luật SHTT về định nghĩa NHNT để phù hợp với Điều 16.3 Hiệp định TRIPS, theo đó, NHNT là nhãn hiệu được nhiều người biết đến, thoả mãn các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Việc điều chỉnh như vậy vừa phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo tính thống nhất của luật, đồng thời phù hợp với thực tiễn pháp lý và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, xây dựng Danh mục NHNT trên cơ sở tập hợp các trường hợp đã xử lý liên quan đến NHNT trong giai đoạn xác lập quyền, thực thi quyền (các quyết định gián tiếp công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng). Hoạt động này đảm bảo thực hiện quy định tại Điểm 42.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 được sửa đổi lần cuối bằng thông tư  05/2013/TT-BKHCN ngày 20/2/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Danh mục NHNT sẽ hỗ trợ hiệu quả chủ nhãn hiệu chứng minh quyền đối với NHNT, cơ quan xác lập quyền có căn cứ ngăn chặn việc đăng ký xác lập quyền đối với các dấu hiệu xâm phạm quyền của NHNT, các cơ quan thực thi có căn cứ để xử lý xâm phạm quyền đối với NHNT...
Thứ ba, quy định chi tiết về cách thức công nhận NHNT thông qua con đường hành chính và tư pháp làm cơ sở cho việc xây dựng Danh mục NHNT.  
Thứ tư, nâng cao nhận thức của công chúng trong việc tự bảo vệ quyền SHCN đối với NHNT cũng như tôn trọng quyền SHCN của người khác và loại bỏ dần thói quen sử dụng hàng hóa xâm phạm quyền SHTT./.

 


[1] Việc xây dựng được một hệ thống ở hữu trí tuệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định trong Hiệp định TRIPS) là một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập WTO.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(246), tháng 7/2013)


Thống kê truy cập

33951995

Tổng truy cập