Hoàn thiện quy định pháp luật trong phân công quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

01/06/2013

ThS. NGUYỄN THỊ TỐ UYÊN

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị, Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về BVMT vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết trao đổi một số vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu hụt của các quy định pháp luật hiện hành trong phân công trách nhiệm QLNN về BVMT của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), các bộ, ngành khác có liên quan và chính quyền địa phương. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phân công cụ thể, khoa học hơn về trách nhiệm QLNN trong BVMT làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật BVMT 2005 tới đây.
Untitled_474.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bất cập trong quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Rà soát các quy định của Luật BVMT liên quan đến QLNN về BVMT của Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các bộ, ngành khác; đồng thời đối chiếu với từng điều khoản cụ thể của Luật BVMT với các quy định của luật khác đối với từng mảng quản lý của các bộ, ngành cho thấy, các quy định phân công trách nhiệm QLNN về BVMT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện QLNN về BVMT (Điều 121 Luật BVMT) nhưng thực tế các quy định này không làm rõ vai trò của Bộ TN&MT trong việc giúp Chính phủ chủ trì, thống nhất các hoạt động QLNN; không quy định trách nhiệm các bộ, ngành cần phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện nhiệm vụ BVMT trong ngành, lĩnh vực mình quản lý. Chức năng và nhiệm vụ của Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác như: Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng… còn chồng chéo và trùng lặp, thậm chí có lĩnh vực còn bị bỏ ngỏ chưa phân công cụ thể trách nhiệm QLNN về BVMT cho đơn vị nào.
- Mối quan hệ giữa Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT
Pháp luật hiện hành giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT có liên quan đối với sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất thải trong nông nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT nhằm điều chuyển nhiệm vụ quản lý lưu vực sông từ Bộ NN&PTNT sang Bộ TN&MT, thống nhất xác định quản lý lưu vực sông là một trong những nội dung quản lý tài nguyên nước đã được tiến hành từ nhiều năm, nhưng trong lần sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các Bộ này tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Những xung đột về thẩm quyền lại tiếp tục được bàn luận trong quá trình điều chỉnh nhiệm vụ giữa các bộ cũng như trong quá trình sửa đổi Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 4/3/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 01/3/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT.
Liên quan đến BVMT, trong khi quy định Bộ TN&MT có nhiệm vụ chính trong QLNN về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (TNTN) nhưng Bộ NN&PTNT cũng có những nhiệm vụ BVMT như đã nêu ở trên và quy định chi tiết trong Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ này. Vấn đề là ở chỗ, việc phân công này có hướng tới việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ TNTN vì mục tiêu môi trường với khai thác, sử dụng vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nhu cầu khai thác các giá trị của TNTN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội luôn có xu thế áp đảo? Cân bằng mối quan hệ này cũng là yếu tố cần tính đến trong phân công trách nhiệm QLNN về BVMT, đặc biệt là trong công tác bảo vệ TNTN, đa dạng sinh học (ĐDSH). Việc phân công trách nhiệm QLNN về TNTN có cân nhắc đến các mức độ, cấp độ của việc bảo tồn? Với đặc tính đa dạng của sinh học thì mức độ bảo tồn không nhất thiết phải giống nhau giữa các thành tố của ĐDSH. Một số thành tố của ĐDSH cần phải bảo tồn nghiêm ngặt, trong khi số khác lại được tạo điều kiện để khai thác, sử dụng, phát triển bền vững… Thực tế các quy định pháp luật hiện hành cho thấy mối quan hệ trên chưa giải quyết được triệt để, dẫn đến những xung đột, bất cập trong chính các quy định QLNN về BVMT. Chẳng hạn Điều 30 Luật BVMT giao “Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện bảo vệ ĐDSH theo quy định của pháp luật về ĐDSH”. Trong khi khoản 16 Điều 3 Luật BVMT giải thích “ĐDSH là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái”. Tuy nhiên, với cách tiếp cận quản lý ĐDSH bằng cách chia hệ sinh thái, loài sinh vật (rừng, biển, đất ngập nước, trên cạn, dưới nước) để quản lý theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) 2004, Luật Thuỷ sản 2003, đã gây ra sự phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn trong nhiều hoạt động. Thực tế các thành phần của ĐDSH đang chịu sự quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ này chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác đối với lĩnh vực quản lý của mình.
Mối quan hệ giữa Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT còn có sự đan xen trong lĩnh vực quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Bộ TN&MT chủ trì thực hiện lập và thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước (xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước; xây dựng quy hoạch và hướng dẫn thiết lập hành lang ĐDSH; chủ trì thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH) còn Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quy hoạch BV&PTR, quy hoạch khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, quy hoạch các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển. Theo Luật BV&PTR 2004 và Luật Thủy sản 2003, Bộ NN&PTNT đang được giao quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng (thực chất là khu bảo tồn thuộc hệ sinh thái rừng), khu bảo tồn vùng nước nội địa (thực chất là một phần của khu đất ngập nước), khu bảo tồn biển.
Cũng trong lĩnh vực bảo vệ ĐDSH, Luật BVMT 2005 giao trách nhiệm chủ trì cho Bộ TN&MT thực hiện bảo vệ ĐDSH theo quy định của pháp luật về ĐDSH và Luật ĐDSH đã giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để trình Chính phủ ban hành, nhưng đến nay, việc xây dựng Danh mục đó cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, một số tranh luận cho rằng, đã có Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệtheo quy định của Luật BV&PTR và Danh mục các loài thuỷ sản đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và các loài thuỷ sản khác bị cấm khai thác theo Luật Thủy sản, trong khi các Luật này vẫn còn hiệu lực thì không nhất thiết phải lập một Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để thay thế các Danh mục kia. Vì trong trường hợp còn loài nào chưa nằm trong các Danh mục theo Luật BV&PTR hay theo Luật Thủy sản thì có thể ban hành một danh mục bổ sung các loài đó theo Luật ĐDSH. Như vậy, không nhất thiết phải lập mới một danh mục mới để thay thế toàn bộ Danh mục đang còn hiệu lực, có thể gây ra tốn kém và phức tạp thêm, trong khi hiệu lực giữa các luật và phạm vi điều chỉnh còn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, đối với quy định về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về hàng nông sản xuất nhập khẩu; công bố Danh mục các loại thuỷ sản cấm hoặc xuất nhập khẩu có điều kiện trong khi đó chức năng quản lý sinh vật ngoại lai, xâm hại lại được giao cho Bộ TN&MT.
Như vậy, trong mối tương quan này, cần xác định rõ trách nhiệm chính khi giải quyết mối quan hệ giữa các nhu cầu BVMT, bảo tồn TNTN, ĐDSH với nhu cầu khai thác các nguồn lực TNTN, ĐDSH để phát triển kinh tế, xã hội thì mới có sự phân công phù hợp, bớt trùng lặp, đan xen như nêu trên.
- Mối quan hệ giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành khác
Thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Bộ TN&MT và những thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành đã có những tác động làm thay đổi tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TN&MT; đồng thời, cũng phát sinh một số điểm chồng chéo, chưa thống nhất trong phân công nhiệm vụ của Bộ này với một số bộ, ngành khác trong các lĩnh vực QLNN về BVMT.
Lĩnh vực QLNN về BVMT đang có sự cắt khúc, giao cho nhiều bộ chịu trách nhiệm. Ngoài Bộ TN&MT được giao giúp Chính phủ thống nhất QLNN về BVMT thì có một số bộ liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Giao thông vận tải... cũng có chức năng này. Trách nhiệm của Bộ TN&MT được quy định chung theo Điều 121 Luật BVMT 2005 chủ yếu là phối hợp với các bộ, ngành khác, nhưng giới hạn đến đâu, ở góc độ nào trong mối tương quan với trách nhiệm đã được giao cụ thể cho các bộ, ngành khác lại chưa được xác định rõ ràng. Điều này dẫn đến thực trạng, có bất kỳ vấn đề môi trường phát sinh thì người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm chính của Bộ TN&MT, nhưng theo quy định khác của Luật BVMT và luật chuyên ngành thì trách nhiệm đó lại được giao cho bộ chuyên ngành chủ trì, trong khi cơ chế phối hợp chưa rõ ràng.
Chẳng hạn như đối với lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, Bộ TN&MT vẫn chịu trách nhiệm chính đối với công tác QLNN nhưng docách tiếp cận phân công QLNN theo vòng đời của sản phẩm, đối chiếu các quy định khung của Luật BVMT với các quy định luật chuyên ngành cụ thể (Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Hóa chất) đã cho thấy một số khoảng trống, chồng chéo giữa Bộ TN&MT với các bộ quản lý các ngành kinh tế như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng về trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm, cải thiện môi trường trong khâu sản xuất kinh doanh. Các Bộ, ngành nêu trên đều được quy định chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan nhà nước có liên quan khác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BVMT trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ đối với hóa chất độc hại, khi là sản phẩm thì thuộc trách nhiệm BVMT của Bộ Công thương, khi là chất thải nguy hại thì thuộc trách nhiệm BVMT của Bộ TN&MT. Như vậy, trong khâu sản xuất sản phẩm, lưu thông sản phẩm, trách nhiệm của Bộ TN&MT chưa rõ đến đâu trong việc BVMT so với trách nhiệm của bộ quản lý ngành.
Hoặc đối với các quy định về trách nhiệm QLNN của các bộ, ngành đối với công cụ và nguồn lực cho BVMT[1] cũng có sự bất cập trong mối quan hệ giữa Bộ TN&MT với các bộ,  ngành khác. Luật BVMT không đề cập đến trách nhiệm của Bộ KH&CN đối với tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 59 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất QLNN về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.
Trong mối quan hệ giữa Bộ TN&MT với Bộ Tài chính, “độ vênh” trong các quy định về QLNN thể hiện ở chính các quy định về ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho sự nghiệp môi trường trong Luật BVMT 2005 và Luật NSNN. Khoản 2 Điều 110 Luật BVMT 2005 quy định: “NSNN có mục chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường phù hợp với yêu cầu BVMT của từng thời kỳ; hàng năm bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường cao hơn tỷ lệ tăng chi NSNN”. Đối chiếu với Luật NSNN, thì việc “hàng năm bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường cao hơn tỷ lệ tăng chi NSNN” lại không có quy định cụ thể. Điều 37 Luật NSNN chỉ quy định: “Dự toán NSNN hàng năm được lập căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh... Các khoản chi trong dự toán ngân sách phải được xác định trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Đối với chi thường xuyên, việc lập dự toán phải căn cứ vào nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và tuân theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định...”.
Khoản 3 Điều 111 Luật BVMT quy định: “Hàng năm, Bộ TN&MT có trách nhiệm tổng hợp kinh phí cho sự nghiệp môi trường quy định tại khoản 2 Điều này của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 24 Luật NSNN chỉ quy định trách nhiệm đối với Bộ là: “Phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình lập dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán; kiểm tra, theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện và kết quả sử dụng ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách”. Sự khác biệt ở đây chính là “kinh phí cho sự nghiệp môi trường” khá rộng và “ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách”thì lại hẹp hơn. Theo Điều 121 Luật BVMT, thì “ngân sách thuộc ngành lĩnh vực” Bộ TN&MT phụ trách có thể được hiểu hạn hẹp với những lĩnh vực được liệt kê ở khoản 2 Điều 121 Luật BVMT (11 lĩnh vực). Cho đến nay, Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối tổng hợp và phân bổ nguồn chi sự nghiệp môi trường cho các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở đề nghị của Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua. Thời gian qua thực hiện chi cho sự nghiệp môi trường, vai trò điều phối, tổng hợp, phân bổ, quản lý nguồn vốn sự nghiệp môi trường của Bộ TN&MT ở trung ương và nhất là ở địa phương còn rất mờ nhạt dẫn tới việc sử dụng ngân sách của Nhà nước chưa có hiệu quả cao, chưa tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn và cấp bách của bộ, ngành và địa phương. Trong khi đó, cơ quan quản lý ngành (môi trường) vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về hiệu quả của việc sử dụng nguồn chi cho sự nghiệp môi trường. Do vậy, cần phải tăng cường vai trò của Bộ TN&MT và Sở TN&MT trong công tác này với chức năng là cơ quan điều phối chỉ đạo công tác QLNN về môi trường quốc gia/địa phương.
2. Hoàn thiện các quy định phân công quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường  
Qua việc nghiên cứu pháp luật và thực tiễn phân công QLNN về BVMT ở Việt Nam, trên cơ sở so sánh kinh nghiệm một số nước trong QLNN nói chung và QLNN về BVMT nói riêng, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định đối với QLNN về BVMT ở Việt Nam như sau:
Một là, sửa đổi Luật BVMT theo hướng xác định rõ trách nhiệm chính của Bộ TN&MT trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm BVMT
  Luật BVMT có nguyên tắc QLNN thống nhất về môi trường nhưng các điều khoản lại không thể hiện rõ sự QLNN thống nhất. Trên thực tế, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến môi trường trước Nhà nước và nhân dân nhưng trách nhiệm lại hạn chế. Do vậy, việc xác định và làm rõ trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động về BVMT của Bộ TN&MT với các bộ, ngành và chính quyền địa phương là rất cần thiết.
Về lâu dài, cần mở rộng Luật BVMT theo hướng chuẩn bị tiền đề cần thiết để xây dựng Bộ luật Môi trường và hình thành Bộ chuyên ngành quản lý về môi trường trong tương lai.
Trước mắt, để tránh cắt khúc trong QLNN về môi trường của các cơ quan trung ương, nên trao cho Bộ TN&MT vai trò là đầu mối xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và ban hành các quy hoạch, chương trình quốc gia, chiến lược quốc gia, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT nói chung.
Với vai trò điều phối, Bộ TN&MT cũng phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc quản lý về môi trường của các bộ khác. Ví dụ: đối với việc quản lý các khu bảo tồn ĐDSH, Bộ TN&MT ban hành quy hoạch tổng thể, kiểm tra có thực hiện đúng quy hoạch hay không, còn trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT là kiểm tra việc thực hiện bảo tồn đối với từng khu bảo tồn có đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hay không.
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch BVMT, thay vì nhiều chủ thể lập quy hoạch thì cũng nên thống nhất một đầu mối là Bộ TN&MT. Bộ này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức lập quy hoạch BVMT, quy hoạch BVMT điều chỉnh cho các vùng kinh tế, xã hội; tổ chức thẩm định các quy hoạch BVMT, quy hoạch BVMT điều chỉnh cấp vùng; tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch BVMT, báo cáo quy hoạch BVMT điều chỉnh cấp tỉnh; tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các quy hoạch BVMT cấp vùng và cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
Hai là, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật nhằm phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng lĩnh vực quản lý về BVMT cụ thể
Hiện nay có rất nhiều lĩnh vực quản lý về BVMT đang thuộc nhiều bộ, ngành quản lý. Việc quản lý chất thải rắn y tế, quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn y tế nguy hại hiện đang thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều đầu mối là: Bộ TN&MT (quản lý chất thải nguy hại), Bộ Xây dựng (quản lý chất thải rắn), Bộ Y tế (quản lý chất thải y tế trong đó có chất thải nguy hại). Trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia về quản lý chất thải rắn hiện đang thuộc chức năng của cả Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng. Việc kiểm sát ô nhiễm khí thải đô thị, khu đông dân cư do hoạt động giao thông vận tải đang thuộc chức năng, nhiệm vụ của cả ba đơn vị là: Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định Danh mục các hàng hoá cấm hoặc hạn chế xuất khẩu (gỗ tròn, gỗ xẻ từ gỗ rừng tự nhiên trong nước, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước, động vật hoang dã và động thực vật quý hiếm tự nhiên,...), cấm hoặc hạn chế nhập khẩu (hoá chất độc hại, sinh vật xâm hại, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật...) đang giao cho nhiều đơn vị chịu trách nhiệm QLNN: Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về hàng nông sản xuất nhập khẩu; công bố Danh mục các loại thuỷ sản cấm hoặc xuất nhập khẩu có điều kiện (trong khi chức năng quản lý sinh vật ngoại lai, xâm hại lại được giao cho BộTN&MT); Bộ Y tế xây dựng Danh mục các loại thuốc chữa bệnh; Bộ Công thương xây dựng Danh mục các loại hoá chất độc hại. Trong  lĩnh vực QLNN về BVMT lưu vực sông (bao gồm kiểm soát ô nhiễm, đánh giá tải lượng ô nhiễm, quản lý hạn mức xả thải, quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh xả nước thải ra lưu vực sông) đang thuộc trách nhiệm của hai Bộ là: Bộ NN&PTNT (quản lý các công trình thuỷ lợi; quản lý hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản) và Bộ TN&MT (quản lý các vấn đề về BVMT nước sông; quản lý tài nguyên nước; BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản)...
Ngoài rất nhiều lĩnh vực còn đang chồng chéo như trên thì trong phân công QLNN về môi trường vẫn còn rất nhiều khoảng trống, lĩnh vực bị bỏ ngỏ chưa có bộ, ngành nào làm đầu mối hoặc phân công chung chung dẫn đến tình trạng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong quản lý. Chẳng hạn như các lĩnh vực xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy hoạch môi trường lưu vực sông, phân vùng xả thải, cấp phép xả nước thải vào các lưu vực sông; ban hành, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu BVMT lưu vực sông gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; thẩm định, đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường. Hiện nay chức năng thẩm định công nghệ nói chung được giao cho Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT đều có trách nhiệm thẩm định, đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường; tuy nhiên trách nhiệm, quyền hạn chưa được phân rõ nên trong thực tế lĩnh vực quản lý này còn bị bỏ trống. Tuy nhiên, các Bộ được giao quản lý về môi trường kể trên khó có thể có chuyên môn sâu về môi trường và quản lý môi trường có tính chất chuyên môn cao, thậm chí có tính kỹ thuật, như xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường, ... đặc biệt trong điều kiện thay đổi hàng ngày, hàng giờ của thiên nhiên (sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường...) và trong điều kiện nền KH&CN phát triển thì cần có sự quản lý tập trung, ứng phó kịp thời, có tổ chức đủ mạnh thay vì phân tán các cơ quan đều nghiên cứu và đề ra giải pháp.
Điều 121 và các điều có liên quan của Luật BVMT quy định trách nhiệm QLNN về BVMT của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, việc phân công theo hướng BVMT thuộc lĩnh vực nào thì cơ quan chuyên ngành đó chịu trách nhiệm chủ trì gây rất nhiều bất cập trong quá trình thực hiện công tác BVMT cho từng khu vực nói riêng và cho toàn quốc nói chung. Bởi theo sự phân công này sẽ không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực môi trường. Vì vậy, Luật BVMT cần sửa đổi theo hướng: phân công các cơ quan có trách nhiệm thực hiện, còn trách nhiệm về quản lý là của chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn về BVMT. Việc sửa đổi này phải tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công, phân cấp hợp lý và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan QLNN về BVMT và các cơ quan có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về BVMT. Cần tận dụng cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992 và quá trình sửa đổi, xây dựng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi để quy định rõ vấn đề phân công, phân cấp QLNN nói chung và QLNN về BVMT nói riêng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương./.

 


[1] Các công cụ và nguồn lực được xem xét chính ở đây giới hạn ở quy chuẩn - tiêu chuẩn môi trường và ngân sách cho hoạt động BVMT trong mối tương quan với các quy định pháp luật có liên quan. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số12(244), tháng 6/2013)


Thống kê truy cập

33952029

Tổng truy cập