Tự do cam kết, thỏa thuận và giới hạn đối với tự do cam kết, thỏa thuận - nhìn từ góc độ Hiến pháp

01/07/2013

PGS.TS. ĐỖ VĂN ĐẠI

Trưởng Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND tối cao.

Tự do cam kết, thỏa thuận (CK-TT) - hay tự do hợp đồng theo nghĩa rộng - được ghi nhận rộng rãi trong các hệ thống pháp luật. Nhưng đây không là một sự tự do tuyệt đối. Trong các hệ thống pháp luật ghi nhận tự do CK-TT, đều thấy tồn tại những giới hạn cho tự do CK-TT.
Tự do CK-TT và giới hạn đối với tự do CK-TT được đề cập đến từ rất sớm trong khoa học pháp lý. Khi nghiên cứu về cổ luật Việt Nam, Vũ Văn Mẫu đã cho rằng “trong cổ luật, không có một điều khoản nào minh thị tuyên bố nguyên tắc tự do khế ước; nhưng ta phải coi nguyên tắc ấy là một hệ luận đương nhiên của quan niệm nhân trị. Tin tưởng ở kết quả tốt đẹp của các hành vi người quân tử do “lễ” và “nghĩa” hướng dẫn nhà lập pháp chỉ can thiệp khi nào hoạt động kết lập khế ước vi phạm vào thuần phong mỹ tục hay làm rối loạn trật tự xã hội”[1]. Ngày nay, do nhu cầu về an toàn pháp lý, tự do CK-TT và giới hạn đối với tự do CK-TT đã được ghi nhận chính thức trong nhiều hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật Việt Nam.
Các nghiên cứu về tự do CK-TT cũng như giới hạn đối với tự do này không hiếm. Tuy nhiên, khác với khoa học pháp lý của các nước[2], tự do CK-TT và giới hạn đối với nó nhìn từ góc độ Hiến pháp chưa được nghiên cứu sâu tại Việt Nam. Nhân dịp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề này. 
Untitled_464.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
I. Tự do cam kết, thỏa thuận nhìn từ góc độ Hiến pháp  
1. Khái niệm tự do CK-TT. Trước khi đề cập đến tự do CK-TT từ góc độ Hiến pháp, chúng ta điểm qua khái niệm tự do CK-TT trong pháp luật Việt Nam. Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành có nhắc đến tự do hợp đồng tại khoản 1 Điều 389 theo đó “tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Bên cạnh đó, tại Điều 4 về nguyên tắc tự do, tự nguyện CK-TT, BLDS nhắc đến “tự do CK-TT” mà không giới hạn ở tự do “hợp đồng”. Thực ra, khái niệm “tự do hợp đồng” hẹp hơn khái niệm “tự do CK-TT” vì hợp đồng chỉ là một dạng của “CK-TT”; có những CK-TT không là hợp đồng, như hành vi pháp lý đơn phương hay khế ước lao động tập thể[3].
Tự do CK-TT đầu tiên được thể hiện bằng tự do xác lập quyền và nghĩa vụ. Điều 4 BLDS hiện hành đã ghi nhận rõ khía cạnh này của tự do CK-TT: “tự do CK-TT trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự”. Tự do CK-TT cũng bao gồm tự do lựa chọn đối tác trong một quan hệ nhất định và nội dung này của tự do CK-TT được ghi nhận tại Điều 4 nêu trên của BLDS theo đó “trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”. Ngoài ra, tự do CK-TT bao gồm “tự do về hình thức”. Điều 4 BLDS không ghi nhận minh thị tự do về hình thức của CK-TT nhưng nội hàm này (tự do về hình thức) đã nằm trong “tự do CK-TT trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự” nêu trên. Nội hàm của tự do CK-TT còn được thể hiện ở việc ghi nhận giá trị pháp lý và trách nhiệm tôn trọng các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ CK-TT. Ngay tại Điều 4 về nguyên tắc tự do, tự nguyện CK-TT, BLDS đã khẳng định “CK-TT hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.
Như vậy, nếu “tự do, với ý nghĩa triết học, là được thể hiện ý chí của mình hoặc ít ra là được nói lên quan niệm về thực hiện ý chí ấy’[4] thì tự do CK-TT được hiểu là tự do xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự, tự do lựa chọn đối tác, tự do thể hiện CK-TT theo hình thức mong muốn và, khi đã được xác lập hợp pháp, CK-TT có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng. 
2. Tự do CK-TT là một quyền con người.
Con người sinh ra phải có một số quyền và thực tế này không ai bàn cãi; nhiều điều ước quốc tế như Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng như Hiến pháp năm 1992 và BLDS hiện hành của chúng ta đã cho thấy điều vừa nêu. Vấn đề đặt ra là tự do CK-TT có là một quyền cơ bản của con người hay không?
Tự do CK-TT ngày nay đã được ghi nhận là một quyền cơ bản của con người. Sự ghi nhận này đã trở thành phổ thông tới mức khi tra cứu Internet và tìm kiếm về mối liên hệ giữa tự do CK-TT và quyền con người, chúng ta thấy nhiều trang Web khẳng định tự do CK-TT hay tự do hợp đồng theo nghĩa rộng là một quyền con người. Chẳng hạn, trong một trang Web, chúng ta thấy nêu “La liberté contractuelle constitue un droit fondamental dont chaque individu jouit”[5] được hiểu “tự do hợp đồng là một quyền cơ bản mà mỗi cá nhân được hưởng”. Khi nghiên cứu về hợp đồng, một người có nhiều kinh nghiệm về mối quan hệ giữa pháp luật tư và Hiến pháp cũng như quyền con người đã nêu rằng “cơ quan tư pháp có thể giám sát hợp đồng trên cơ sở Công ước châu Âu về quyền con người” và “Nhà nước có thể phải chịu trách nhiệm khi pháp luật của các nước này trong lĩnh vực hợp đồng xâm phạm đến các quyền cơ bản được bảo vệ trong Công ước”[6]. Đi vào nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta thấy thực tiễn cũng ghi nhận tự do CK-TT như quyền cơ bản của con người. Chẳng hạn, Điều 4 Tuyên ngôn về quyền Con người và công dân (Tuyên ngôn VQCNVCD) năm 1789 của Pháp quy định “tự do là được làm tất cả những gì không xâm hại đến người khác: do đó, thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi người chỉ có những giới hạn là bảo đảm cho các thành viên khác của xã hội được hưởng những quyền này. Những giới hạn này chỉ có thể được đưa ra bởi Luật”. Điều luật vừa nêu đã ghi nhận tự do với tư cách là quyền cơ bản của con người nhưng không cho biết tự do CK-TT hay tự do hợp đồng theo nghĩa rộng có thuộc quy phạm này hay không. Tuy nhiên, trong nhiều phán quyết của mình từ những năm đầu của thế kỷ thứ 21, Hội đồng Hiến pháp (HĐHP) của Pháp đã xác định “tự do hợp đồng có nguồn gốc trong Điều 4 Tuyên ngôn VQCNVCD” nêu trên[7].
Như vậy, tự do CK-TT hay tự do hợp đồng theo nghĩa rộng ngày nay đã được ghi nhận là thuộc nhóm quyền cơ bản của con người. Việc ghi nhận tự do CK-TT là một quyền cơ bản của con người là hoàn toàn thuyết phục và có thể được giải thích như sau: thứ nhất, con người sinh ra bình đẳng. Do đó, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ do luật định, cá nhân chỉ có thể bị ràng buộc với người khác thông qua CK-TT của mình. Điều này cho thấy CK-TT gắn liền với cá nhân. Thứ hai, con người sinh ra với những nhu cầu như ăn, mặc, ở, giải trí… nhưng tự cá nhân không thể đáp ứng được những nhu cầu này. Để có thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu cho mình, cá nhân cần được chủ thể khác cung cấp và, để đạt được điều này, con người cần phải CK-TT với người khác. Con người càng có tự do trong CK-TT thì nhu cầu của họ càng được đáp ứng. Vì vậy, CK-TT gắn liền với từng cá nhân và tự do CK-TT là một quyền không thể thiếu đối với con người.
3. Tự do CK-TT có giá trị Hiến pháp. Tự do CK-TT là một quyền con người và câu hỏi đặt ra là tự do này có giá trị hiến định hay không? Việc trả lời câu hỏi này là rất quan trọng không chỉ về lý luận mà còn về cả vận dụng pháp luật. Bởi lẽ, Hiến pháp là “văn bản có hiệu lực cao nhất” trong một hệ thống nên khi tự do CK-TT có giá trị hiến định thì tất cả những văn bản khác đều phải tuân thủ[8]. Lúc này, cả cơ quan lập pháp (Quốc hội, Nghị viện) cũng phải tuân thủ. Chẳng hạn, cơ quan này phải tôn trọng những CK-TT đã được xác lập hợp pháp (một trong những nội dung của tự do CK-TT đã được nêu ở trên) nên không thể tùy tiện ban hành một đạo luật xâm phạm tới những CK-TT này. Nói cách khác, nếu tự do CK-TT được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp thì nó có giá trị tối thượng trong một hệ thống pháp luật.
Trước nhu cầu về an toàn pháp lý nói chung và trước nhu cầu bảo vệ tự do CK-TT của các chủ thể nói riêng, xu hướng hiện nay là ghi nhận các quyền cơ bản của con người trong Hiến pháp, trong đó có tự do CK-TT (nên các quyền này có giá trị hiến pháp với những hệ quả riêng của nó: các văn bản dưới Hiến pháp phải tuân thủ)[9]. Kinh nghiệm của Pháp là một ví dụ của xu hướng này, dù để có được các kinh nghiệm đó, buộc phải có tiến trình. Giai đoạn thứ nhất là Pháp phủ nhận giá trị hiến pháp của tự do CK-TT. Chẳng hạn, một luật mới ban hành không cho phép lập các thể chế mới về hưu dưỡng và đã bị khiếu nại với lý do luật này trái với tự do hợp đồng (theo nghĩa rộng) nên trái với Hiến pháp. Tuy nhiên, trong một quyết định ngày 03/08/1994, HĐHP của Pháp đã cho rằng “không có quy định nào có giá trị hiến pháp bảo hộ nguyên tắc tự do hợp đồng”. Quyết định này bị giới luật gia phản đối mạnh. Giai đoạn thứ hai là Pháp không phủ nhận một cách máy móc tự do CK-TT như trên và đã ghi nhận tự do này “tiềm ẩn” trong các giá trị hiến định khác. Giai đoạn này được khởi đầu với một đạo luật do Nghị viện thông qua với nội dung cho phép người sử dụng lao động được quyết định gây dựng một quỹ tiết kiệm và không cho phép nhân viên của mình tham gia vào quỹ tiết kiệm khác. Một số dân biểu cho rằng, quy định trong Luật như vậy là trái với tự do hợp đồng nên trái với Hiến pháp và cần được bãi bỏ. Theo HĐHP của Pháp, “bản thân nguyên tắc tự do hợp đồng không có giá trị hiến định” và “việc vi phạm nguyên tắc này chỉ có thể được viện dẫn trước HĐHP trong trường hợp việc vi phạm này dẫn tới việc xâm phạm tới các quyền và tự do được Hiến pháp bảo hộ” (Quyết định ngày 20/03/1997). Như vậy, bản thân tự do hợp đồng không có giá trị hiến pháp nhưng nó được bảo hộ thông qua các quyền và tự do mà Hiến pháp bảo vệ. Hướng giải quyết này chưa toàn diện vì chưa ghi nhận tự do hợp đồng (theo nghĩa rộng) có giá trị hiến định và vẫn tiếp tục bị phê phán. Đến năm 2000, một giai đoạn mới được đặt ra cho tự do CK-TT. Trong quyết định ngày 19/12/2000, HĐHP của Pháp đã chính thức ghi nhận tự do hợp đồng có giá trị hiến pháp. Việc khẳng định giá trị hiến định của tự do CK-TT tiếp tục được duy trì cho đến nay và vì tự do CK-TT có giá trị hiến định (tức được bảo vệ bởi Hiến pháp) nên cơ quan lập pháp cũng phải tôn trọng và trong trường hợp một đạo luật xâm phạm thái quá tới tự do này thì sẽ bị tuyên bố trái Hiến pháp, nên không có giá trị pháp lý. Ví dụ, một đạo luật năm 2000 về liên đới và đổi mới đô thị có quy định theo hướng duy trì một số giao dịch hết thời hạn (tức buộc các bên phải tiếp tục các thỏa thuận đã chấm dứt) và một số dân biểu khiếu nại tới HĐHP rằng quy định trên đã ép buộc một số chủ thể phải chấp nhận hợp đồng không còn giá trị, nên vi phạm tự do CK-TT có giá trị hiến pháp. Trong quyết định ngày 7/12/2000, HĐHP đã tuyên bố quy định trên là trái Hiến pháp vì đã xâm phạm đến “các hợp đồng được giao kết hợp pháp tới mức vi phạm rõ ràng tự do trong Điều 4 Tuyên bố VQCNVCD”.
Như vậy, tự do CK-TT có giá trị hiến pháp trong pháp luật Pháp và vì Hiến pháp có giá trị cao nhất trong hệ thống luật nên tất cả các thể chế - trong đó có Nghị viện - không được xâm phạm thái quá. Ở Việt Nam, tự do CK-TT được ghi nhận tại Điều 4 BLDS nhưng chưa được ghi nhận một cách minh thị trong Hiến pháp hiện hành. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền và tự do của cá nhân, trong đó có tự do CK-TT. Vì tự do CK-TT rất quan trọng trong đời sống nên cần được ghi nhận như quyền cơ bản trong Hiến pháp và một khi được ghi nhận trong Hiến pháp, nó sẽ được tất cả các thể chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam tôn trọng.
4. Ghi nhận minh thị tự do CK-TT trong Hiến pháp.
Tự do CK-TT có giá trị hiến pháp nhưng có nhất thiết phải nêu một cách minh thị trong Hiến pháp không?
Để thấy được ý nghĩa của việc ghi nhận minh thị tự do CK-TT trong Hiến pháp, chúng ta nên nghiên cứu kinh nghiệm của nước mà Hiến pháp không ghi nhận minh thị tự do này. Đó là trường hợp của Pháp. Trong phần trên, chúng ta thấy pháp luật của Pháp đã ghi nhận tự do hợp đồng theo nghĩa rộng có giá trị hiến pháp. Ngày nay khi đề cập đến tự do CK-TT trong mối quan hệ với Hiến pháp, không ai ở Pháp có thể phủ nhận giá trị hiến định của tự do CK-TT. Thực ra, Hiến pháp năm 1958 (vẫn đang hiện hành) hoàn toàn không có quy định nào ghi nhận một cách minh thị tự do CK-TT. Kết quả đạt được như ngày hôm nay là sản phẩm của một quá trình cố gắng của các luật gia và chính trị gia. Cụ thể như sau: Hiến pháp năm 1958 của Pháp cũng như nhiều Hiến pháp trên thế giới chủ yếu quan tâm tới thể chế chính trị mà ít quan tâm tới các quyền cơ bản của con người trong đó có tự do CK-TT. Tuy nhiên, trước nhu cầu bảo vệ các quyền cơ bản của con người, HĐHP của Pháp đã phải “mở rộng” Hiến pháp bằng cách khẳng định Tuyên ngôn VQCNVCD năm 1789 của Pháp là một “bộ phận của pháp luật Hiến pháp”. Do đó, những gì được ghi nhận trong Tuyên ngôn này được bảo vệ như những giá trị được ghi nhận đích thực trong Hiến pháp và tất cả các thể chế đều phải tôn trọng. Sau khi “mở rộng” Hiến pháp như nêu trên, bước tiếp theo là HĐHP của Pháp ghi nhận tự do hợp đồng theo nghĩa rộng thuộc Tuyên ngôn VQCNVCD như chúng ta đã thấy trong phần trên. Như vậy, do tự do CK-TT không được ghi nhận minh thị trong Hiến pháp nên Pháp đã phải đi đường vòng bằng cách ghi nhận giá trị hiến pháp của Tuyên ngôn VQCNVCD, sau đó ghi nhận tự do CK-TT thuộc Tuyên ngôn này.
Ở Việt Nam, tự do CK-TT không được ghi nhận một cách rõ ràng trong quá khứ nhưng đến BLDS thì tự do này đã được ghi nhận một cách minh thị. Tuy nhiên, tự do CK-TT vẫn chưa được ghi nhận một cách minh thị trong Hiến pháp. Xu hướng chung hiện nay là ghi nhận rõ ràng các quyền cơ bản của con người trong Hiến pháp, trong khi đó tự do CK-TT là một trong những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta nên ghi nhận một cách minh thị tự do CK-TT trong Hiến pháp. Việc ghi nhận minh thị này có ưu điểm sau: Thứ nhất, chúng ta sẽ không phải đi lòng vòng như thực tiễn của Pháp để bảo vệ tự do CK-TT. Thứ hai, trong trường hợp ghi nhận minh thị tự do này trong Hiến pháp, chúng ta sẽ hướng các nhà làm luật quan tâm hơn tới tự do CK-TT mỗi khi muốn ban hành một văn bản pháp luật liên quan đến tự do CK-TT. Thứ ba, khi ghi nhận minh thị tự do này trong Hiến pháp, những chủ thể liên quan có thể viện dẫn Hiến pháp để khiếu nại đối với các văn bản xâm phạm tới tự do CK-TT. 
II. Giới hạn đối với tự do cam kết, thỏa thuận nhìn từ góc độ Hiến pháp 
5. Tự do CK-TT cần có giới hạn.
Con người cần có tự do nhưng mọi sự cần có giới hạn. Montesquieu đã khẳng định rằng “trong một nước có pháp luật, tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm”[10]. Điều này đã phần nào cho thấy, tự do CK-TT cần có những giới hạn nhất định.
Tự do CK-TT là một giá trị cần được ghi nhận trong những văn bản quan trọng ở các xã hội văn minh và phát triển. Tuy nhiên, tự do này chỉ là tương đối; không một hệ thống nào ghi nhận tự do CK-TT một cách tuyệt đối. Tự do CK-TT nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho con người, cho xã hội phát triển nhưng trong nhiều trường hợp, vì lợi ích cao hơn mà tự do CK-TT cần được giới hạn. Tự do CK-TT được ghi nhận để tạo điều kiện cho các chủ thể trong giao lưu dân sự nhưng những chủ thể này tồn tại trong một xã hội nên cần phải cân đối với quyền lợi của người khác, của xã hội.
Ngày nay, BLDS cũng đưa ra giới hạn là tự do CK-TT nhưng “không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội” (Điều 4) và Điều 389 BLDS bổ sung rằng “tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật”. 
6. Giới hạn đối với tự do CK-TT cần được hạn chế.
Nếu giới hạn cho tự do CK-TT được đưa ra quá tùy tiện, bị lạm dụng thì tự do CK-TT không còn nhiều ý nghĩa. “Mục đích của luật pháp không phải là loại bỏ và hạn chế tự do, mà là bảo vệ và phát triển tự do”[11] nên, đến lượt giới hạn đối với tự do CK-TT cũng cần bị giới hạn, cần được hạn chế; chính giới hạn này sẽ giúp tự do CK-TT (một quyền cơ bản của con người) còn ý nghĩa trong thực tế.
BLDS của chúng ta ghi nhận tự do CK-TT và đưa ra giới hạn cho tự do CK-TT nhưng những giới hạn này rất chung chung là “không vi phạm điều cấm của pháp luật”, “không được đạo đức xã hội”, “không trái pháp luật”. Chính vì sự chung chung này mà trong thực tế, rất nhiều CK-TT bị vô hiệu hóa. Nói cách khác, chúng ta chưa đưa ra hạn chế cho giới hạn đối với tự do CK-TT và chính vì chúng ta chưa đưa ra “chuẩn mực” cho những giới hạn này nên trong nhiều trường hợp, tự do CK-TT bị xâm phạm nghiêm trọng và hiện nay Tòa án khá tùy tiện tuyên bố vô hiệu CK-TT với lý do vi phạm “điều cấm của pháp luật”, “trái pháp luật”. Để hạn chế những tùy tiện này, để tự do cam kết và thỏa thuận thực sự có ý nghĩa trong đời sống, chúng ta cần có “chuẩn mực” cho những giới hạn đối với tự do CK-TT. Chúng ta không thể hài lòng với bất kỳ quy định nào hạn chế tự do CK-TT mà cần đưa ra những giới hạn hay chuẩn mực cho những quy định muốn hạn chế tự do cam kết, tự do thỏa thuận.
Khi chúng ta có chuẩn mực đối với những quy định hạn chế tự do CK-TT, các CK-TT chỉ bị vô hiệu hóa bởi các quy định hạn chế tự do CK-TT sau khi khẳng định được rằng những quy định này phù hợp với “chuẩn mực” đối với giới hạn tự do CK-TT. 
7. Kinh nghiệm nước ngoài.
Không ai phủ nhận được sự cần thiết của giới hạn tự do CK-TT nhưng trước những lạm dụng trong việc ban hành hay ấn định các giới hạn đối với tự do CK-TT, một số hệ thống pháp luật đã đưa ra chuẩn mực để hạn chế những quy định giới hạn tự do CK-TT. Xin dẫn thực tế của Pháp về chủ đề này để minh họa.
BLDS Pháp đưa ra giới hạn cho các giao dịch tại Điều 6, theo đó các giao dịch không được “trái với luật liên quan đến trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục”. Quy định này giới hạn tự do CK-TT (CK-TT không được trái với quy định về trật tự công) nhưng BLDS không đưa ra bất kỳ chuẩn mực nào về loại quy định này. Trước những lạm dụng, tùy tiện trong việc ban hành quy định cũng như hướng giải quyết xâm phạm tới tự do CK-TT và trước việc Hiến pháp không đưa ra một cách minh thị “chuẩn mực” cho những hạn chế cho tự do CK-TT, HĐHP của Pháp đã phải thiết lập một “án lệ”, theo đó các giới hạn đối với tự do CK-TT chỉ được chấp nhận nếu “vì một lý do lợi ích chung thích đáng”.
Trên cơ sở chuẩn mực trên, HĐHP của Pháp đã vô hiệu hóa một số quy định xâm hại một cách thái quá tới tự do CK-TT. Ví dụ: một số cam kết đã được xác lập hợp pháp trên cơ sở một đạo luật năm 1998, nhưng sau đó Nghị viện Pháp ban hành một đạo luật mới trong đó có Điều 28 với hệ quả thay đổi một số nội dung của cam kết trên. Trong quyết định ngày 13/01/2000, HĐHP của Pháp đã nhận định rằng “các cam kết này chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi một lý do lợi ích chung thích đáng” và “khi vô hiệu hóa các thỏa thuận đã được ký kết một năm trước đó, Điều 28 đã mang đến cho tự do hợp đồng một giới hạn không tương thích với Điều 4 Tuyên ngôn VQCNVCD”. Từ đó, HĐHP của Pháp đã tuyên bố Điều 28 trên là trái Hiến pháp. Trong một quyết định ngày 07/8/2008, HĐHP của Pháp cũng theo hướng này. Cụ thể như sau: Một đạo luật có quy định bãi bỏ một số điều khoản của thỏa ước lao động tập thể được xác lập trước khi đạo luật này được ban hành. Khi được yêu cầu, HĐHP của Pháp đã xét rằng “việc xâm hại tới các thỏa thuận đang tồn tại không được lý giải bởi một lý do lợi ích chung thích đáng. Thứ nhất, việc xâm phạm này liên quan đến hàng triệu người lao động. Thứ hai, việc xâm phạm này liên quan đến thỏa thuận mà luật mới không thể phủ nhận. Thứ ba, các bên trong thỏa thuận mong muốn thỏa ước lại ngay sau khi luật mới được công bố. Cuối cùng, việc loại bỏ các điều khoản này làm thay đổi sự cân bằng của các thỏa thuận đã được xác lập”[12]
8. Hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp hiện hành của chúng ta ghi nhận nhiều quyền cơ bản và trong nhiều trường hợp cũng đưa ra giới hạn cho các quyền này, đồng thời cũng đưa ra những giới hạn cho các quy định hạn chế các quyền cơ bản này.
Chẳng hạn, quyền sở hữu được bảo hộ nhưng chính Hiến pháp cũng có quy định theo đó “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường” (Điều 23). Với quy định này, việc hạn chế quyền sở hữu là được phép nhưng giới hạn đối với quyền tư hữu không được tùy tiện mà cần tuân theo một chuẩn mực nhất định: “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.
Kế thừa tinh thần trên, chúng ta cũng nên đưa ra “chuẩn mực” cho những quy định có hệ quả giới hạn tự do CK-TT. Các quy định giới hạn tự do CK-TT chỉ được đưa ra “trong trường hợp thật cần thiết” và “vì lợi ích chung”. Khi hai chuẩn mực khung này được đưa vào Hiến pháp, tự do CK-TT (một trong những quyền cơ bản của con người) mới đích thực được bảo đảm trong thực tế. 
9. Kết luận.
Tự do CK-TT là một quyền cơ bản của con người và đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên tự do này hiện nay chỉ được ghi nhận trong văn bản dưới Hiến pháp (cụ thể là trong BLDS). Để quyền cơ bản này được bảo hộ hiệu quả, tự do CK-TT cần được ghi nhận trong Hiến pháp. Xã hội sẽ phát triển, phồn vinh hơn khi tự do CK-TT được bảo hộ ở cấp độ Hiến pháp.
Tự do CK-TT không tuyệt đối và không xã hội nào lại không đưa ra những quy định hạn chế tự do CK-TT. Tuy nhiên, các quy định có hệ quả giới hạn tự do CK-TT cũng cần được được hạn chế nếu không tự do CK-TT không còn nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Những quy định giới hạn tự do CK-TT chỉ nên được chấp nhận khi nó thực sự cần thiết và vì một lý do cao cả hơn.Hy vọng với lần sửa đổi Hiến pháp này, các nội dung trên được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thiết lập một cơ chế để các quyền cơ bản của con người (trong đó có tự do CK-TT) có thể được viện dẫn trước một cơ quan độc lập mỗi khi người liên quan thấy bị vi phạm[13]./.

 


[1]Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển thứ hai, Saigòn 1975, tr. 9.
[2]Về chủ đề này có rất nhiều công trình được công bố tại Pháp: xem Yves BROUSSOLLE, Le paradoxe du principe de la liberté contractuelle, JCP G 1995, II, 22404; Thierry REVET, Droit constitutionnel du contrat, Revue des contrats, 01/12/2003 n° 1, tr. 9 ; Cécile PÉRÈS, La question prioritaire de constitutionnalité et le contrat, Revue des contrats, 01/4/2010 n° 2, tr. 539 ; Pierre-Yves GAHDOUN, Le Conseil constitutionnel et le contrat, Nouveaux cahiers du Conseil constitutionnel 2011, tr. 51.
[3]Theo Điều 50 BLDS về tự do kinh doanh, «cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật ». Từ quy định này, có ý kiến cho rằng tự do hợp đồng là một bộ phận của tự do kinh doanh. Thực ra, khi kinh doanh thì cần có tự do hợp đồng nhưng điều đó không có nghĩa là tự do hợp đồng là bộ phận con của tự do kinh doanh. Tự do kinh doanh và tự do hợp đồng có những điểm giao thoa nhưng không phải cái thứ nhất nằm gọn trong cái thứ hai và ngược lại.
[4] Baron de Montesquieu, Tinh thần pháp luật (De l’esprit des lois) (bản dịch của Hoàng Thanh Đạm), 2010, tr. 122.
[5] http://www.web-libre.org/dossiers/liberte-contractuelle,10206.html
[6] N. Molfessis, Le contrat: Revue Lamy Droit des affaires, số chuyên đề Entreprises et droit constitutionnel, tháng 12/2010, tr.47 và tiếp theo.
[7] Về những phán quyết này, xem N. Molfessis, bđd.
[8]Theo Điều 146 Hiến pháp hiện hành của Việt Nam, “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.
[9]Về xu hướng “Hiến pháp hóa” quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, xem thêm Nguyễn Văn Đông, Quyền con người, quyền công dân: Nhu cầu và mức độ thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam sửa đổi, in Nguyễn Như Phát (chủ biên), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội 2012, tr.227.
[10] Baron de Montesquieu, sđd, tr.101.
[11] John Locke : Trích lại từ Qiu Yongsheng và Zhao Jing, Vấn đề bảo đảm quyền con người cơ bản cho nghi phạm trong giai đoạn điều tra hình sự ở Trung Quốc, Tạp chí Luật học, 4/2010, tr. 65.
[12] N. Molfessis, bđd.
[13]Về cơ chế bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp, xem thêm Đỗ Minh Khôi, Quyền con người và cơ chế bảo đảm trong Hiến pháp, in Nguyễn Như Phát (chủ biên), sđd, tr.34 và tiếp theo.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14(246), tháng 7/2013)