Thực hiện pháp luật về bảo hộ giống cây trồng

01/06/2013

ThS. TRẦN VĂN DUY

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cũng như các sản phẩm trí tuệ khác của con người, như: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp... việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các nhà tạo giống cây trồng (GCT) là rất cần thiết. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn đối với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam. 
Untitled_480.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái quát chung
Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về SHTT có quy định về bảo hộ giống cây trồng (BHGCT). Tiêu biểu nhất trong các ĐƯQT đó là Công ước quốc tế về BHGCT mới (Công ước UPOV) và Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - Hiệp định TRIPs). Tuy nhiên, những quy định về BHGCT chỉ được quy định rõ ràng và cụ thể nhất trong Công ước UPOV.
Công ước UPOV tại văn kiện năm 1991 đã định nghĩa về GCT tại Điều 1(vi) như sau: “Giống cây” dùng để chỉ một nhóm cây thuộc duy nhất một cấp phân loại thực vật thấp nhất, bất kể có đáp ứng đầy đủ hay không các điều kiện để công nhận quyền của nhà tạo giống, nhóm cây có thể: (i) được xác định bằng sự thể hiện các tính trạng thu được từ các kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen đã biết; (ii) được phân biệt với các nhóm cây bất kỳ khác bằng sự thể hiện của ít nhất một trong các tính trạng nói trên; (iii) được coi là một đơn vị khi xét đến sự phù hợp về khả năng không thay đổi sau khi nhân giống.
Ở Việt Nam, giống cây trồng (GCT) được định nghĩa tại khoản 24 Điều 4 Luật SHTT năm 2005. Theo đó, GCT là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Khi nghiên cứu khái niệm về GCT, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa khái niệm về “giống” và “GCT được bảo hộ”. Cụ thể Điều 1(vi) của Công ước UPOV và khoản 24 Điều 4 Luật SHTT đã giải thích khái niệm GCT thuần túy theo góc độ sinh học, còn GCT khi được bảo hộ thì phải đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định (như có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định…). Điều này có nghĩa là khái niệm về “giống” rộng hơn khái niệm “GCT được bảo hộ”, nó bao gồm cả giống có thể được bảo hộ và giống không được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 quy định: Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với GCT. Như vậy, BHGCT là một bộ phận của bảo hộ quyền SHTT nói chung. Khoản 5 Điều 4 Luật SHTT cũng quy định rõ: Quyền đối với GCT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với GCT mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Cũng như các quyền SHTT khác, việc quy định quyền SHTT đối với GCT trong các văn bản pháp quy luôn luôn gắn với các nội dung như xác lập quyền cho chủ sở hữu, cấp phép, quyền và nghĩa vụ, cùng chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm. Như vậy, bảo hộ quyền SHTT đối với GCT chính là sự xác lập quyền của tổ chức, cá nhân đối với GCT với tư cách là một sản phẩm trí tuệ và bảo hộ quyền đó chống lại sự xâm phạm từ chủ thể thứ ba.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, GCT là một đối tượng mới trong hệ thống các đối tượng sở hữu được bảo hộ. Theo đó, việc bảo hộ đối tượng này được pháp luật của các quốc gia quy định khác nhau. Trong các ĐƯQT về bảo hộ quyền SHTT, việc bảo hộ đối với GCT thường được quy định cùng với bảo hộ sáng chế. Ví dụ, theo Hiệp định TRIPs đã quy định việc BHGCT tại Mục 5 - quy định về việc bảo hộ đối với sáng chế. Mặc dù vậy, việc BHGCT so với việc bảo hộ sáng chế có rất nhiều điểm khác nhau về đối tượng, các tiêu chuẩn bảo hộ và quy trình tra cứu và xét nghiệm...
BHGCT có nét đặc thù riêng so với việc bảo hộ các đối tượng khác của quyền SHTT. Nếu các dạng sản phẩm trí tuệ khác của con người là những dạng cố định như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại... thì GCT là một đối tượng đặc biệt khi bản thân nó là một cơ thể sống, có sự biến đổi trong quá trình tồn tại và trong các hoàn cảnh khác nhau. Chính vì vậy, để được bảo hộ, GCT phải thỏa mãn các điều kiện rất đặc thù như tính đồng nhất, tính ổn định và trước khi cấp văn bằng bảo hộ phải trải qua một quy trình khảo nghiệm kỹ thuật rất phức tạp.
Quyền SHTT đối với GCT mang đặc điểm chung của quyền SHTT là có tính chất lãnh thổ, theo đó quyền SHTT đối với GCT phát sinh trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề được quốc tế rất quan tâm, hơn nữa tác giả và chủ sở hữu lại luôn luôn có nhu cầu được bảo hộ quyền của mình trên nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, vấn đề bảo hộ đối với GCT đã được quy định khá cụ thể trong cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế (Công ước UPOV; Hiệp định TRIPs...). Ngoài ra, vấn đề BHGCT còn được quy định trong các ĐƯQT song phương (như Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ). Thông qua các ĐƯQT song phương này, các quốc gia thường dành cho nhau chế độ đối xử quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT nói chung và BHGCT nói riêng. Ở phương diện quốc gia, quyền SHTT được bảo hộ chủ yếu dựa trên pháp luật quốc gia, có nghĩa là trong phạm vi một quốc gia, các sản phẩm trí tuệ được bảo vệ theo quy định đặc thù của pháp luật quốc gia đó.
2. Đánh giá chung về bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam
2.1. Kết quả đạt được trong bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam
Thứ nhất, trong lĩnh vực lập pháp. Thực hiện chương trình hành động về SHTT được khởi xướng vào đầu năm 2000 với mục tiêu nhằm làm cho hệ thống SHTT của Việt Nam phù hợp hoàn toàn với Hiệp định TRIPs, ngày 20/4/2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13/20001/NĐ-CP về BHGCT mới (NĐ 13) được xây dựng trên cơ sở nội dung của Công ước UPOV bao gồm 7 chương và 23 điều, trong đó quy định đầy đủ các vấn đề về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp văn bằng bảo hộ; quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ và của tác giả GCT; các quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ...
Việc ban hành Nghị định 13 thực chất chỉ mang tính nhất thời nhằm đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia thành viên WTO trong thời gian xây dựng một văn bản pháp luật mới phù hợp với quy định của các ĐƯQT hiện hành. Sau đó, ngày 24/3/2004, Việt Nam ban hành Pháp lệnh số 15/2004/PL-UBTVQH11 về GCT. Đến ngày 29/11/2005 khi Luật SHTT được thông qua, các nội dung về BHGCT được quy định tại Phần thứ tư, từ Điều 157 đến Điều 197. So với các văn bản trước thì các quy định về BHGCT tại Luật SHTT năm 2005 chi tiết, cụ thể hơn. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999... cũng có nhiều nội dung quy định về quyền SHTT nói chung, BHGCT nói riêng.
Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển hệ thống BHGCT quốc gia, tới nay Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp lý tương thích với Công ước UPOV, đặc biệt là sự ra đời của Luật SHTT năm 2005. Hệ thống văn bản pháp luật nói trên đã tạo thành một hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc BHGCT tại Việt Nam.
Để BHGCT có hiệu quả đồng thời hướng tới sự hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực BHGCT, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội quốc tế về BHGCT mới (Hiệp hội UPOV). Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 63 của Hiệp hội vào ngày 24/12/2006. Trong số 11 quốc gia ASEAN hiện chỉ có Singapore và Việt Nam tham gia Hiệp hội này. Việc tham gia Hiệp hội UPOV tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện BHGCT có hiệu quả bằng sự hợp tác với các quốc gia thành viên có kinh nghiệm về BHGCT. Sau khi trở thành thành viên của Công ước UPOV và Hiệp hội UPOV, công tác BHGCT tại Việt Nam đã có những bước khởi đầu và phát triển đáng kể.
Ngày 19/5/2011, Cơ quan BHGCT Liên minh châu Âu (CPVO) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường năng lực BHGCT tại Việt Nam. Thỏa thuận này đã tạo điều kiện hợp tác giữa hai bên thông qua trao đổi kết quả thẩm định kỹ thuật và vật liệu cây trồng nhằm giúp tránh lặp lại việc thẩm định và giám sát việc sử dụng các báo cáo về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của GCT. Biên bản ghi nhớ này tạo nên cơ sở pháp lý để hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác hơn nữa không chỉ về việc tiếp nhận những báo cáo thẩm định mà còn trong việc đào tạo và hình thành đội ngũ chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Thứ hai, thực tiễn bảo hộ. Hiện nay, các đơn yêu cầu BHGCT ở trong nước và từ nước ngoài nộp vào Việt Nam ngày một tăng. Đơn từ nước ngoài tăng lên cho thấy các nhà tạo giống nước ngoài đã tin tưởng hơn vào BHGCT ở Việt Nam khi đã trở thành thành viên của UPOV. Số đơn tăng lên cho thấy người nông dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận các GCT mới, chất lượng tốt và đây là một lợi ích rất lớn đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam. Điều này càng quan trọng hơn khi Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tính đến ngày 01/4/2008, Bộ NN&PTNT đã cấp văn bằng BHGCT cho 16 GCT bao gồm 9 giống lúa (4 giống lúa lai, 5 giống thuần) và 7 giống ngô[1]. Đến đầu năm 2011, ở Việt Nam có 8 loài cây trồng với 52 GCT được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có lúa: 26; ngô:17; cỏ: 1; dưa hấu: 2; lạc: 1; mướp đắng: 3; rau đắng: 1; đậu tương: 1[2]. Ngày 17/01/2012, Bộ NN&PTNT đã ra quyết định số 127/QĐ-BNN-TT về việc cấp văn bằng BHGCT mới và đính chính quyết định số 2488/QĐ-BNN ngày 21/10/2011 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, theo đó, Bộ đã cấp văn bằng BHGCT cho 9 GCT mới bao gồm 2 giống địa lan, 2 giống cúc và 5 giống lúa mới.
Nhiều GCT mới được bảo hộ tại Việt Nam là tiền đề rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp nước ta. Qua đó, người nông dân được tiếp cận và đưa những GCT mới vào sản xuất, cho năng suất cao và chất lượng tốt, thúc đẩy ngành nông nghiệp trồng trọt và ngành thương mại GCT ở Việt Nam ngày càng phát triển.
2.2. Một số hạn chế trong bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam
Một là, các tiêu chuẩn BHGCT. Trong việc xây dựng những quy định pháp lý về tiêu chuẩn BHGCT, các nhà lập pháp Việt Nam đã tiếp thu những tinh thần căn bản nhất của hệ thống các tiêu chuẩn bảo hộ theo Công ước UPOV. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những hạn chế có tính chất đặc thù của Công ước UPOV trong việc giải quyết mâu thuẫn về xác định vật liệu đối chứng để thẩm định tính khác biệt của GCT đăng ký bảo hộ, gây ra những khó khăn không đáng có trong việc khảo nghiệm đối tượng đăng ký BHGCT mới sau này.
Hai là, vấn đề giữ giống nông hộ. Sau 4 năm thực hiện BHGCT, nhiều tác giả tỏ ra chưa tin tưởng vào hệ thống bảo hộ của Việt Nam do quy định tại điểm d khoản 1 Điều 190 Luật SHTT về hạn chế quyền của chủ bằng BHGCT khi cho phép “hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ GCT được bảo hộ để tự nhân giống cho vụ sau trên diện tích đất của mình”. Nhiều tác giả cho rằng quy định như vậy là quá rộng và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tác giả. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đang có hướng khuyến khích cơ chế tích tụ ruộng đất để có điều kiện sản xuất hàng hóa thì càng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả. Chính vì vậy, thời gian qua, số đơn thuộc các loài lúa, ngô chiếm đại đa số, đơn thuộc các loài hoa là loài cây cho giá trị cao trên đơn vị diện tích chiếm tỷ lệ rất thấp. Các nhà khoa học trong nước không mấy mặn mà với việc xin cấp văn bằng bảo hộ cho GCT, bởi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước với mục đích phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân là chính. Hơn nữa, những giống này khi đến tay nông dân, họ hoàn toàn có thể tự nhân giống, sản xuất theo nhu cầu của mình, trong khi đó Luật SHTT hiện hành lại không cấm hành vi này. Do vậy, việc độc quyền khai thác thương mại hầu như không được tính đến.
Ba là, đơn đăng ký bảo hộ. Khoản 2 Điều 174 Luật SHTT quy định đơn đăng ký bảo hộ phải được viết bằng tiếng Việt đã gây khó khăn nhất định về mặt ngôn ngữ cho các đối tượng nộp đơn là người nước ngoài khi muốn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Bốn là, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ. Một GCT được bảo hộ phải bao gồm các bước như đăng ký khảo nghiệm, thực hiện khảo nghiệm VCU (tức đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây đó như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận và khả năng sản xuất hạt giống theo quy phạm khảo nghiệm VCU đối với từng loài cây trồng) và khảo nghiệm DUS (tức đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của GCT theo quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng), công nhận cho sản xuất thử và công nhận chính thức. Hội đồng khoa học do Bộ NN&PTNT thành lập sẽ tiến hành thẩm định kết quả khảo nghiệm và đề nghị Bộ công nhận sản xuất thử hay chính thức công nhận giống mới. Quá trình khảo nghiệm và công nhận giống như hiện nay còn phức tạp và kéo dài, cần sửa đổi, điều chỉnh các quy định về vấn đề này nhằm tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cho việc phóng thích những giống mới có tiềm năng ra sản xuất.
Năm là, nguồn nhân lực. Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở vật chất cũng như chưa đào tạo được đội ngũ nhân lực cần thiết cho việc đăng ký, xét nghiệm và bảo vệ quyền SHTT đối với GCT. Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất cho việc BHGCT theo Luật SHTT hiện nay đó là chi phí để tạo ra được một GCT có năng suất cao, chất lượng tốt rất tốn kém và nhiều tác giả lai tạo giống vẫn chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam
3.1.  Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ giống cây trồng
Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn thời hạn thẩm định nội dung của đơn, lệ phí duy trì hiệu lực... Việc bảo hộ song trùng theo cơ chế bảo hộ sáng chế và cơ chế BHGCT đối với GCT biến đổi gen cần được giải quyết theo hướng chỉ quy định việc bảo hộ cây trồng biến đổi gen trong Phần thứ tư của Luật SHTT năm 2005 để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Bên cạnh đó, cần có những quy định về việc xác định vật liệu đối chứng để thẩm định tính khác biệt của GCT đăng ký bảo hộ. Đồng thời, khoản 2 Điều 174 Luật SHTT nên bỏ quy định đơn đăng ký bảo hộ “phải viết bằng tiếng Việt” để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng nộp đơn là người nước ngoài. Ngoài ra, nên chia GCT thành hai nhóm là nhóm cây lương thực và nhóm cây sinh sản vô tính. Đối với nhóm cây lương thực, có thể cho phép người nông dân giữ giống trong một giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu văn bằng bảo hộ và đảm bảo an ninh lương thực cho người nông dân. Nhiều nước đã quy định giới hạn này gồm giới hạn các loài (chẳng hạn có thể giữ GCT thuộc các loài ngũ cốc, khoai tây, khoai lang... là những loài sử dụng làm lương thực), giới hạn diện tích. Đối với các GCT sinh sản vô tính như các loài hoa, cây cảnh, cây ăn quả thì không cho phép nông dân giữ giống gieo trồng trên diện tích đất của mình cho vụ sau để gây dựng được lòng tin đối với tác giả.
3.2. Giải pháp thực tiễn
Các Hiệp hội về GCT bao gồm Hội GCT Việt Nam và Hiệp hội thương mại GCT Việt Nam cần phát huy vai trò hơn nữa trong các diễn đàn về BHGCT, xây dựng chiến lược hoặc đề xuất chính sách để hỗ trợ cho các tác giả nghiên cứu chọn tạo và phát triển các GCT. Ngoài ra, cần phải cải tiến thủ tục đăng ký bảo hộ nhanh gọn hơn để khắc phục tình trạng rườm rà, kéo dài gây nhiều phiền hà cho người đăng ký. Theo đó, đơn đăng ký bảo hộ có thể được gửi đến Văn phòng BHGCT của Bộ NN&PTNT bằng hình thức thư điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn ở xa. Đội ngũ kỹ thuật viên cũng cần được đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực khảo nghiệm kỹ thuật. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất như máy móc thiết bị, nhà xưởng, đất đai để thực hiện khảo nghiệm cần được chú trọng đầu tư.
Quá trình chọn tạo một GCT đòi hỏi kinh phí rất cao, vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các nhà khoa học, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân nghiên cứu và sản xuất giống.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công tác nhiên cứu chọn tạo, phát triển và đặc biệt quá trình thương mại GCT đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia nên sự hợp tác quốc tế trong BHGCT sẽ đóng góp lớn vào việc thực thi một hệ thống BHGCT có hiệu quả.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và Luật SHTT hiện còn khá xa lạ đối với người dân. Trong khi đó, truyền thống canh tác nông nghiệp lâu nay đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của người nông dân, nên họ ít ý thức được các hành vi vi phạm quyền của nhà tạo giống đối với GCT. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật SHTT về BHGCT là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả BHGCT tại Việt Nam./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số11(243), tháng 6/2013)


Thống kê truy cập

33951958

Tổng truy cập