Công tác giáo dục pháp luật chính trị tư tưởng và đạo đức cho cán bộ xã ở ĐĂKLĂK hiện nay

01/01/2010

ThS. ĐỖ VĂN DƯƠNG

Trường Chính trị Đăk Lăk

Tỉnh Đăk Lăk hiện có 184 xã, phường, thị trấn. Cán bộ cấp xã quản lý hơn 1,75 triệu dân, với 44 thành phần dân tộc. Kinh tế có phát triển nhưng tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; dân trí còn thấp, an ninh chính trị, trật tự xã hội có những diễn biến phức tạp… Vận hành, quản lý nền kinh tế thị trường đang đòi hỏi những nhận thức mới, cách làm mới, song cán bộ địa phương chưa chuyển biến kịp, nên gặp nhiều lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu kiên định về lập trường, suy thoái về phẩm chất đạo đức, vi phạm luật pháp. Trong khi đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo, chia rẽ làm mất ổn định chính trị, mưu toan bạo loạn lật đổ v.v.. Trước tình hình đó, cần phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục pháp luật, chính trị - tư tưởng và đạo đức cho cán bộ công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã.
Untitled_936.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1.Tầm quan trọng của việc giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị - tư tưởng và đạo đức cho cán bộ
Giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, là một yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, đáp ứng nhiệm vụ cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay. Để pháp luật trở thành công cụ sắc bén bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, trở thành ý chí của các tầng lớp nhân dân và mọi người tự giác chấp hành thì phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật. Nghị quyết Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng ta viết “Tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất và công bằng”. Với tinh thần đó, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ nói chung, nhất là cán bộ chính quyền cấp xã.
Giáo dục chính trị - tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu đối với cán bộ ta hiện nay. Nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng bao gồm chủ nghĩa Mác - Lê - nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối, chính sách, cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết… của Đảng và Nhà nước. Nâng cao trình độ chính trị, kiến thức về lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận; đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, các khuynh hướng tư tưởng sai trái; ngăn chặn tệ độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng, bè cánh v.v..
Tư tưởng chính trị XHCN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua Nhà nước, nó tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó hệ tư tưởng chính trị luôn luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân, dẫn dắt nhân dân tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng cuộc sống mới. Lê nin viết "Lịch sử tư tưởng chính trị là lịch sử của quá trình thay thế tư tưởng, đó là lịch sử đấu tranh tư tưởng"(6).
Giáo dục chính trị - tư tưởng nhằm nâng cao lập trường, quan điểm, phương pháp cách mạng và khoa học, nắm vững quy luật phát triển xã hội để vận dụng vào hoàn cảnh nước ta, vận dụng vào nhiệm vụ của địa phương cho phù hợp. Không có lý luận chính trị vững chắc làm cơ sở thì tư tưởng dễ dao động khi gặp tình huống phức tạp, không đủ tài trí để đấu tranh chống lại các tư tưởng sai trái.
Giáo dục chính trị – tư tưởng và giáo dục pháp luật phải gắn với giáo dục đạo đức cách mạng. Đạo đức gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng. Các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản có tính pháp quy, song được mọi người thực hiện do sự thôi thúc của lương tâm và lời khen chê, bình phẩm của dư luận xã hội. Phẩm chất đạo đức là nét cơ bản của tính người, biểu hiện bản chất xã hội của con người. Trong đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam truyền thống chỉ có đức trị mà không có pháp trị, đức trị như pháp trị. Nhiều phong tục tập quán mạnh hơn phép vua, hương ước có sức chi phối đời sống dân làng như luật pháp Nhà nước …
Xã hội ngày càng phát triển, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã hình thành tư tưởng đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Những giá trị đạo đức cách mạng từng bước phát triển, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là tấm gương về đạo đức cách mạng. Người quan niệm, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê nin, luôn luôn tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình, cùng đồng chí mình tiến bộ. Do vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn của cán bộ, công chức.
Như vậy, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức không tách rời với việc giáo dục chính trị - tư tưởng và đạo đức cách mạng. Hiểu biết luật pháp chưa đủ để làm một cán bộ tốt nếu thiếu bản lĩnh, lập trường giai cấp, hư hóa trong lối sống, thiếu nhân cách…
2. Công tác giáo dục pháp luật, chính trị - tư tưởng, đạo đức cho cán bộ cấp xã ở ĐăkLăk những năm qua
Việc kết hợp giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục pháp luật và đạo đức cho cán bộ cấp xã ở tỉnh DăkLăk hiện nay mang ý nghĩa thực tiễn cấp bách, xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trước tình hình nhiệm vụ mới.
Từ năm 2005 đến nay, là thời gian mà toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội X, diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng và phức tạp, đan xen những thời cơ và nguy cơ, thách thức lớn. Công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, giáo dục pháp luật và đạo đức cho cán bộ và nhân dân Đắk Lắk đã góp phần phát huy thành tựu, khắc phục những mặt hạn chế và yếu kém mà Đại hội X đã chỉ ra, đưa các quan điểm của Đại hội vào cuộc sống.
Đội ngũ cán bộ cấp xã ở DăkLăk những năm qua thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận chính trị, quan điểm đường lối, chính sách, luật pháp. Nhờ vậy nhận thức đúng đắn hơn những vấn đề về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về kinh tế thị trường, về tình hình và nhiệm vụ mới... Đa số cán bộ kiên định mục tiêu, lý tưởng, có ý thức phấn đấu. Nhiều cán bộ được trưởng thành, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tổ chức quần chúng thực hiện tốt đường lối, pháp luật. Tuy vậy, một bộ phận cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, suy giảm về nhận thức chính trị, vi phạm luật pháp, biểu hiện ở tình trạng mất dân chủ, quan liêu tham nhũng, lãng phí, bè phái, thực dụng... đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Tình hình trên phản ánh kết quả của việc nhận thức chính trị, rèn luyện phẩm chất của cán bộ những năm qua.
Về giáo dục chính trị - tư tưởng
Học tập lý luận chính trị là một yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ chủ chốt cấp xã. Những năm gần đây, số cán bộ cấp xã học tập ở trường chính trị tỉnh ngày càng nhiều, mở rộng đối tượng đến cán bộ thôn, buôn, dưới nhiều hình thức như tập trung và tại chức, ngắn hạn và dài hạn, tập huấn và bồi dưỡng… với nhiều loại chương trình như lý luận chính trị, Nhà nước – pháp luật, dân vận v.v...
Ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở nhiều lớp sơ cấp chính trị, bồi dưỡng đảng viên mới, đối tượng đảng, tập huấn nghiệp vụ công tác, học tập các nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước... thu hút nhiều đối tượng tham gia. Năm 2008, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã mở 272 lớp đào tạo – bồi dưỡng chính trị cho 16.784 cán bộ cấp xã và thôn, buôn. Trong đó 32 lớp đối tượng đảng với 2.061 học viên, 25 lớp đảng viên mới với 1.500 học viên, 28 lớp bồi dưỡng công tác cho bí thư và cấp uỷ cơ sở với 1708 học viên, 49 lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã với 3.227 học viên, 15 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng với 987 học viên, 6 lớp bồi dưỡng công tác báo cáo viên cơ sở với 312 học viên, 24 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, 23 lớp bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, 62 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đoàn thể, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phát động quần chúng v.v..
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, buôn được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ cấp xã được học tập nghiên cứu kịp thời các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã có đánh giá: các lớp học Nghị quyết từ tỉnh đến xã đều được các cấp uỷ chuẩn bị chu đáo, có chương trình hành động. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm trong việc học tập, tiếp thu nghị quyết. Người học đã nhất trí với quan điểm của trung ương, nhận thức đúng hơn về chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề về mục tiêu, quan điểm có tính nguyên tắc trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp có bước chuyển biến mới trong việc tổ chức và triển khai thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả.
Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị – tư tưởng, xây dựng lối sống mới tiến bộ, giúp cho cán bộ có ý thức trách nhiệm đối với xã hội, với nhân dân. Đặc biệt là nâng cao sự thống nhất trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, củng cố hệ thống chính trị ở cấp xã, tinh thần cảnh giác cách mạng, thấy được âm mưu thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của địch, góp phần giữ gìn trật tự ở các địa bàn.
Về giáo dục pháp luật
Dưới nhiều hình thức, đội ngũ cán bộ cấp xã ở tỉnh Đăk Lăk đã được học tập, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật. Hàng năm, ngành tư pháp, trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện được Tỉnh uỷ và UBND tỉnh giao trách nhiệm tổ chức, mở lớp để bồi dưỡng, tập huấn các văn bản pháp luật do trung ương và địa phương ban hành, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các Luật khiếu nại, tố cáo, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giao thông đường bộ, phòng cháy chữa cháy, xử lý vi phạm hành chính, an ninh quốc gia, chủ quyền và an ninh biên giới, tín ngưỡng – tôn giáo, thực hiện dân chủ cơ sở, pháp luật về tổ chức chính quyền các cấp, chế độ trách nhiệm công vụ, quản lý sử dụng đất, bảo vệ môi trường v.v...
Giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời là một yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Về giáo dục đạo đức
Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ cấp xã thường lồng ghép vào các đợt học tập đường lối, chính sách, học tập nghị quyết, nhất là các cuộc sinh hoạt đảng, đoàn thể, đánh giá nhận xét hàng năm. Qua một số báo cáo của các cấp uỷ đảng thì đại bộ phận cán bộ cấp xã là tận tâm với công việc, có trách nhiệm thực thi công việc; kính trọng, lễ phép với nhân dân, gần dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân; gương mẫu trong việc chấp hành đường lối chính sách, pháp luật, tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách người cán bộ …
Tuy vậy, hiện tượng tham ô, lãng phí, quan liêu mang tính phổ biến, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài chính. Nhiều cán bộ nghe ý kiến góp ý mà không chịu khó phân tích để tiếp thu cái đúng. Cán bộ cấp xã sống trong lòng dân mà chưa hiểu hết yêu cầu nguyện vọng của dân, chưa nắm chắc tình hình của dân chúng. Điều đó càng rõ nét qua các kỳ bầu cử, nhất là ở những điểm nóng chính trị – xã hội vừa qua.
Một số cán bộ thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thiếu nghiêm túc đã dẫn đến việc chi sai chế độ như tiếp khách, quà cáp, chi thường xuyên quá lớn. Tình trạng nói nhiều làm ít, không đánh giá đúng thành tích và thiếu sót, hiệu quả quản lý, điều hành thấp. Một số nơi thì nội bộ mất đòan kết, kéo bè kéo cánh, khích bác lẫn nhau, thiếu tin tưởng nhau đã làm giảm sự thống nhất ý chí và hành động, làm giảm lòng tin của nhân dân, suy giảm uy tín. Vì vậy, nhiều cán bộ đã phải chịu xử lý kỷ luật về phẩm chất đạo đức.
Nguyên nhân chính là cán bộ, công chức thiếu tự giác học tập và rèn luyện, sinh họat tập thể chưa chân thành phê và tự phê bình, góp ý chung chung, thiếu ý thức giúp đỡ nhau cùng tiến bộ v.v...          
3. Những biện pháp kết hợp nhằm nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho cán bộ cấp xã ở Đăk Lăk
3.1. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, giáo dục ý thức trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ công chức
-  Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Lãnh đạo xã phải có kế hoạch cử cán bộ đi học các trường của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Ai chưa qua đào tạo thì không cơ cấu vào vị trí người đứng đầu. Cán bộ chuyên môn phải qua đào tạo nghiệp vụ.
-  Định kỳ đánh giá cán bộ, dựa vào quy định của điều lệ, quy chế, pháp luật để tự phê bình và phê bình. Góp ý, nhận xét phải khách quan, khắc phục thái độ nể nang, chung chung hoặc chỉ trích nhau. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn.
-  Tăng cường trách nhiệm của công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không chỉ đối với mình mà còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
-  Tăng cường sự lãnh đạo của đảng bộ, của cấp ủy đảng trong việc xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã, vai trò của hệ thống chính trị trong việc phổ biến giáo dục đường lối, chính sách, pháp luật. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, chế độ kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện pháp luật của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Thực hiện chế độ thi đua khen thưởng kịp thời.
3.2. Nâng cao dân trí, thực hiện dân chủ, coi trọng dư luận, tạo môi trường xã hội lành mạnh để kiểm tra, giám sát và rèn luyện cán bộ
-   Gắn giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức vào các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, buôn văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
-   Lồng ghép việc giáo dục, nâng cao dân trí vào các họat động văn hóa, văn nghệ, sinh họat cộng đồng, sinh họat lễ hội; thông qua sinh họat câu lạc bộ, tổ hòa giải; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh truyền hình, bản tin...
-   Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Lựa chọn những người có uy tín, có trình độ trong nhân dân như cán bộ về hưu, cán bộ tư pháp, các già làng trưởng thôn, sinh viên đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm... Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, quan điểm về đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ địa phương cho họ để họ đủ điều kiện tham gia vào công tác giáo dục, tuyên truyền đường lối chính sách và pháp luật trong nhân dân.
-   Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, luật pháp cho đội ngũ cán bộ xã, thôn để họ thực hiện và vận động nhân dân thực hiện.
-   Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ, về luật pháp với nội dung và hình thức đa dạng.
-   Đẩy mạnh xây dựng nhà sinh họat cộng đồng, trung tâm văn hóa, thư viện, tủ sách pháp luật... và tổ chức họat động có nề nếp, thiết thực.
-   Điều tra, nghiên cứu dư luận, qua ý kiến quần chúng để giúp cán bộ điều chỉnh hành vi đạo đức, tăng mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ công chức với quần chúng nhân dân.
-   Đổi mới phương thức họat động của các tổ chức quần chúng gắn bó với phong trào quần chúng, am hiểu phong tục, tập quán, truyền thống đồng bào địa phương, nắm được tâm tư, nguyện vọng và đời sống của quần chúng.
-   Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trên cơ sở quan điểm chung: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và văn hóa phải trở thành nền tảng của đời sống tinh thần xã hội.
3.3. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực trong cơ quan chính quyền cấp xã
Tệ quan liêu, nạn tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực đã được bàn luận nhiều. Hiện nay tính chất và mức độ diễn ra có tính chất phổ biến. Đó là một nguy cơ. Ở cấp xã, tệ nạn quan liêu, tham nhũng tuy chưa nghiêm trọng nhưng dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện, biểu tình cục bộ. Biểu hiện ở cán bộ có chức, có quyền ở các lĩnh vực liên quan đến cơ sở vật chất, tiền bạc, đất đai v.v... Vì vậy, phải có quan điểm, thái độ đúng đắn trong việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Cán bộ, công chức phải thấy tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nắm vững luật pháp hơn nữa mới có thể vững vàng bảo vệ cái đúng, cái tích cực, góp phần làm trong sạch bộ máy, bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ./.
 
 

 


(6). V.I Lê nin. Toàn tập. T25. Nxb Tiến bộ. 1980. tr 131
(7). Hồ Chí Minh. Toàn tập. T4. Nxb CTQG. H.1996. tr 37

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2(163), tháng 1/2010)