Mấy vấn đề về tư tưởng lấy dân làm gốc, về bầu cử và sách lược ứng phó Hồ Chí Minh

01/01/2010

VŨ VĂN NHIỆM

Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

1. Tư tưởng “dân vi bản” (lấy dân làm gốc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng lấy dân làm gốc nước không phải là vấn đề mới, mà đã được người xưa nêu ra từ lâu. Khó có thể liệt kê đầy đủ các nhà tư tưởng, các triết gia, hay những học thuyết đông tây kim cổ đã coi dân là gốc của nước, đề cập về vai trò dời non lấp biển của nhân dân. Từ thời cổ đại, người Hy Lạp đã cho rằng dân chủ có nghĩa là chính quyền thuộc về nhân dân (dân chủ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp demos có nghĩa là nhân dân và kratos có nghĩa là quyền lực[1]) và hoạt động của nền dân chủ Athens thời cổ đại (cuối thế kỷ thứ V, đầu thế kỷ thứ IV tr.CN) là một minh chứng sống động về vai trò to lớn của nhân dân. Herodote (480-425 tr.CN) cũng đã khẳng định quyền lực trong xã hội là thuộc về dân[2]. Ở phương Đông, tư tưởng “Dân duy bang bản” (Dân là gốc nước), “Dân vi quý” (Dân là quý), “Quân dĩ dân vi thiên” (Vua lấy dân làm trời) đã được nhắc đến nhiều trong Nho giáo[3]
Ở Việt Nam, từ thời phong kiến, các bậc hiền tài đã thấy vai trò to lớn của dân như Trần Quốc Tuấn với tư tưởng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”; Nguyễn Trãi với “Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”… Tuy nhiên, người xưa mới nhìn dân, yêu dân như những đối tượng bị cai trị. Có lẽ vì thế, mới cần đến những “đấng minh quân”, những “ông vua sáng” cho những “bầy tôi hiền” mà thôi.
Kế thừa tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân dân là cội rễ của quyền lực “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[4]. Không chỉ dừng lại ở tư tưởng “thân dân”, Hồ Chí Minh còn cho rằng nhân dân là chủ nhân của đất nước “Trong bầu trời, không gì quí bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của dân”[5], “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong tác phẩm Dân vận, Người viết: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân[6]. Đó chính là sự phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân dân [7].
Theo Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dân. Từ thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh đã thấy rằng “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém… Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do hạng hăng hái đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên. Phải học hỏi dân chúng, nhưng “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”; phải “tìm ra mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau, xem cái nào đúng, cái nào sai” để vận dụng. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[8]. Thiết thực nhất của việc bồi dưỡng “cái gốc” là phải thường xuyên chăm lo đời sống cho dân, chăm lo lợi ích chính đáng của dân. Người thường nhắc tới những câu của người xưa “có thực với vực được đạo”, “dân dĩ thực vi thiên”. Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống của dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Theo Người, nếu giành được độc lập dân tộc mà dân không được hưởng tự do thì độc lập dân tộc cũng chẳng có ý nghĩa gì.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng tuyển cử
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 30/8/1945 Vua Bảo Ðại thoái vị. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Tưởng như không còn lý do gì để không tin rằng chính quyền cách mạng đã được thừa nhận[9], nhưng thực tiễn lại chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận[10].
Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, tổng tuyển cử đảm bảo tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước. Theo Người: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”[11]. Vì thế, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được”[12], “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp, mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân”.[13]
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, một số người tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ “không có kết quả”, vì e rằng do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân và khẳng định: nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Người tin rằng Tổng tuyển cử nhất định thành công[14]. Theo Người: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”[15]. “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”[16].
Trong một nhà nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân thì nhân dân phải là chủ thể thiết chế bộ máy nhà nước và trên hết, phải là chủ thể quản lý xã hội. Phương thức cơ bản thiết lập bộ máy nhà nước, theo Hồ Chí Minh, phải là con đường bầu cử. Người viết: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra[17], “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình[18].
3. Sách lược ứng phó Hồ Chí Minh
Thời kỳ đầu khi mới giành được độc lập, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất khó khăn. Ở miền Bắc, nhiều đảng phái chính trị như Việt Quốc, Việt Cách dựa vào quân Tưởng ra sức chống phá chính quyền cách mạng, chúng chiếm giữ một số nơi, chúng quấy nhiễu, phá phách, cướp của, tống tiền, gây rối loạn trật tự trị an; chúng rải truyền đơn, ra báo công khai xuyên tạc chính sách của Đảng, của Việt Minh, đòi loại các Bộ trưởng là đảng viên Cộng sản ra khỏi Chính phủ. Một số lực lượng phản động khác cũng nổi dậy ở một số nơi. Ở miền Nam, quân Pháp được quân Anh yểm trợ quay trở lại đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ… Chưa bao giờ trên đất nước ta có nhiều kẻ thù đến thế![19]Trước tình hình đó, Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương Tổng tuyển cử và áp dụng một số biện pháp mềm dẻo như nhượng bộ để dành thêm 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách. Người nói “Trong lúc toàn thể đồng bào đang tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của dân ta. Vì thế, muốn tỏ sự đoàn kết của toàn dân, Chính phủ đã đề nghị với đại hội mở rộng số đại biểu ta thêm 70 người nữa. 70 người ấy là các đồng chí của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở hải ngoại mới về nước, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”[20].
Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội mới, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế[21].
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 mang lại nhiều ý nghĩa: không những nó hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực nhà nước, mà nó còn là giải pháp mang tính căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, những xung đột giai cấp, đảng phái…trong điều kiện hòa bình. Nếu không có cuộc Tổng tuyển cử vĩ đại đầy ý nghĩa ấy cùng với sách lược ứng phó khôn khéo: giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật, thử hỏi: cơ chế nào, biện pháp nào tốt hơn trong điều kiện “chưa bao giờ trên đất nước ta có nhiều kẻ thù đến thế” để “thu phục thù trong giặc ngoài” mà không cần sử dụng bạo lực? Các lực lượng đối lập tìm mọi cách chống phá để cuộc bầu cử không thể thực hiện được, vì chúng cũng thừa hiểu tính hợp pháp của chính quyền thông qua bầu cử. Nhưng với khả năng tập hợp, khả năng vận động, khả năng lôi kéo nhân dân của chính quyền cách mạng; và quan trọng hơn, bầu cử tự do là khát vọng ngàn đời của người dân Việt Nam - “bỏ được lá phiếu có chết cũng hả dạ”, cuộc bầu cử vẫn được tổ chức. Khi cuộc bầu cử đã được tổ chức trong dân chủ, tự do, chúng lại tìm cách để trì hoãn và không công nhận. Với sách lược khôn khéo của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã nói ở trên, mặc dù không hề mong muốn, các lực lượng đối lập không thể không công nhận kết quả bầu cử. Nhưng vì sao bầu cử lại có vai trò to lớn như thế? Câu trả lời rất đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục là: vì bầu cử thể hiện ý chí nhân dân; Nghị viện nhân dân trong cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của lòng dân, của ý chí dân tộc Việt Nam.
4. Ý nghĩa và bài học trong giai đoạn hiện nay
Tư tưởng lấy dân làm gốc, tư tưởng về Tổng tuyển cử và sách lược ứng phó Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện xây dựng và phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và trong xu thế hội nhập hiện nay, những tư tưởng đó càng có ý nghĩa quan trọng. Những bài học chủ yếu được rút ra và quán triệt trong giai đoạn hiện nay:
Một là, cần quán triệt tư tưởng trọng dân, tin dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu, mà phải được thể hiện qua từng hoạt động cụ thể. Nhân dân đã, đang và mãi mãi sẽ là người làm nên lịch sử. Lòng dân là thước đo uy tín, hiệu lực và độ bền vững của Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Nếu Nhà nước và hệ thống chính trị được dân yêu, dân tin thì không có thế lực nào (kể cả bên trong và bên ngoài) có thể phá vỡ và lật đổ được; ngược lại, hệ thống chính trị và Nhà nước chỉ đứng vững và phát huy sức mạnh khi thực sự dựa trên nền tảng ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Ở nước ta, tư tưởng trọng dân, tin dân được hình thành từ xa xưa và nó được hun đúc, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Ngày nay, tư tưởng nhân nghĩa đó không những được tiếp tục khẳng định mà cần phát triển lên một tầm cao mới. Không chỉ nói lên là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, “dân vi bản” còn là phương thức và trên hết là mục đích của Nhà nước và cả hệ thống chính trị: dựa vào dân để giải phóng dân tộc và giải phóng dân tộc chính là nhằm mục đích thực hiện tự do cho dân. Khi dân là chủ và dân làm chủ, địa vị cao nhất trong Nhà nước là dân thì đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không còn là “phụ mẫu chi dân” (cha mẹ của dân) như trong các xã hội cũ mà phải là công bộc của dân[22]. Không sáo rỗng, văn hoa, cầu kỳ, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[23]. Trong giai đoạn hiện nay, khi còn không ít dị nghị về nền hành chính “hành dân là chính”, thì những lời nói giản dị đó như những lời nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức cần có thái độ tận tâm trong việc phục vụ nhân dân.
Hai là, đảm bảo bầu cử tự do là một trong những phương thức quan trọng thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc, vì kết quả bầu cử thể hiện ý chí của nhân dân. Vượt qua bao khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công, là một cuộc bầu cử thực sự tự do, dân chủ. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công trong Tổng tuyển cử là việc Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin vào nhân dân. Đây là bài học vô cùng bổ ích đối với chúng ta và cho hậu thế, bởi trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặt niềm tin không bờ bến vào nhân dân, vì Người tin rằng nhân dân Việt Nam có niềm tin mãnh liệt và họ giao trọn niềm tin cho Đảng, cho chính quyền cách mạng. Đó thực sự là hình thức thể hiện của mối quan hệ biện chứng về niềm tin giữa nhân dân với các thiết chế quyền lực trong một xã hội dân chủ. Hãy liên tưởng để nghe âm hưởng không khí sục sôi của ngày Tổng tuyển cử thuở nào: Tiếng trống, chuông, chiêng... cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Tại miền Nam, người dân cũng nô nức tham gia ngày bầu cử theo lời ca giục giã vang khắp mọi nơi: “Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, Nghị viện của mình...”, “Bây giờ có chết cũng hả dạ, vì đã bỏ được lá phiếu góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho con cháu mình”[24]. Như thế, niềm tin, hy vọng của người dân theo từng tiếng trống, hòa cùng lời ca, gửi gắm trong từng lá phiếu; thể hiện niềm tin, hy vọng của người dân vào tương lai của dân tộc, vào tiền đồ của chính quyền cách mạng. PGS. Lê Mậu Hãn nhận định rằng “Việc nhiều người thuộc các thành phần giai cấp và đảng phái khác nhau tham gia ứng cử và công khai phát biểu quan điểm chính trị và chương trình hành động của mình trước quốc dân đồng bào và trên báo chí đã thể hiện một không khí thực sự dân chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể các ứng cử viên có những quan điểm chính trị và chương trình hành động khác nhau nhưng tất cả đều đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với đất nước và cùng vì mục tiêu chung của dân tộc lúc bây giờ: Kháng chiến kiến quốc. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tuyển cử 1946”[25].
Trong thời kỳ đất nước khó khăn như thế, cuộc Tổng tuyển cử vẫn được tiến hành và thực tiễn đã chứng minh rằng: đó là một cuộc bầu cử “thực sự tự do, thực sự dân chủ”, là cuộc Tổng tuyển cử của lòng dân. Trong điều kiện hòa bình, hệ thống chính trị vững mạnh như hôm nay, không có lý do gì làm chúng ta không kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Đây là bài học rất có ý nghĩa khi đổi mới chế độ bầu cử ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, mục đích của Đảng và cả hệ thống chính trị là xây dựng Việt Nam thành một quốc gia độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu đó là bất di bất dịch, nhưng mỗi thời kỳ, mỗi bước đi cần có các biện pháp thích ứng linh hoạt và phù hợp. Những biến động của thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã cho thấy: Thế giới đã, đang và sẽ biến đổi lớn lao với tốc độ chóng mặt và ngày càng “phẳng” hơn. Sự tương tác và ràng buộc chặt chẽ lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới là một xu hướng tất yếu. Không có quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên hành tinh này có thể cưỡng lại quá trình đó. Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa đến mỗi quốc gia, dân tộc theo chiều hướng nào, phụ thuộc rất lớn vào khả năng ứng phó của quốc gia và dân tộc đó. Lý luận chỉ rõ và thực tiễn đã kiểm nghiệm rằng, quốc gia nào biết cách ứng phó mau lẹ và phù hợp, quốc gia đó sẽ chiến thắng.
Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trên cơ sở thực tiễn của đất nước, xu thế phát triển của thời đại, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả dân tộc Việt Nam cần chủ động đề ra các quyết sách khôn khéo, phù hợp; biết tận dụng lợi thế so sánh “biến yếu thành mạnh”, chủ động nắm bắt tình hình để “biến thách thức cơ hội”, kết hợp sức mạnh của từng bộ phận thành sức mạnh của toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại …
Như thế, phương châm ứng phó “dĩ bất biến, ứng vạn biến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và vận dụng trong những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 


[1] Defining Democracy, http://127.0.0.1:800/Default/www.aceproject.org/main/english/ve/vez_001.htm
[2] Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2008, tr.12, 13.
[3] Đào Trí Úc, Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.138, 139.
[4] Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Sự thật, Hà Nội 1989, tr.7.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 276.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 698.
[7] Đào Trí Úc, Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.138, 139.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 30.
[9] Xem: Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Phần II, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1997, tr.102.
[10] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr.27.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr.351.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 133.
[13] Báo Cứu quốc, Số ra ngày 24/11/1945.
[14] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của VNDCCH trong Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, tr.8.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 351.
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 363.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 698.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 219, 220.
[19] Xem: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr.28; Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.189.
[20] Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.189.
[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội 1987, tr.103.
[22] Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2008, tr.95.
[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 30.
[24] Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.180.
[25] Phùng Nguyên, Những chuyn ít biết v Tng tuyn c năm 1946,
http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=84349&ChannelID=13, Thứ Tư, 16/05/2007.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1(162), tháng 1/2010)