Bảo hiểm tiền gửi: cơ hội và triển vọng

01/11/2009

TS. NGUYỄN THỊ KIM OANH

Giám đốc Chi nhánh BHTGVN khu vực Hà Nội

Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã được triển khai ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, với mục đích bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo ổn định hoạt động ngân hàng, thúc đẩy huy động vốn cho đầu tư phát triển bền vững. Tính ưu việt của chính sách BHTG được thừa nhận và có tác dụng to lớn ở một số nền kinh tế, song cũng có nhiều ý kiến khác nhau về định hướng phát triển của nó. Nhằm thúc đẩy phổ cập thông tin về hoạt động BHTG, bài viết này xin giới thiệu cơ hội nghiên cứu, đào tạo và nghề nghiệp bảo hiểm tiền gửi
1_125.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1.Tình hình hoạt động và nghiên cứu bảo hiểm tiền gửi trên thế giới
1.1. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi trên thế giới
Hoạt động đảm bảo tiền gửi được triển khai đầu tiên ở New York, Mỹ năm 1829 với danh hiệu “Chương trình bảo hiểm trách nhiệm ngân hàng”, hàm ý bảo hiểm trách nhiệm đối với tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ huy động tiền gửi. Từ năm 1831 đến năm 1858, năm bang tiếp theo ở Mỹ đã thành lập tổ chức BHTG. Mặc dầu hầu hết các tổ chức BHTG có lúc hoạt động thành đạt, một số chính sách về ngân hàng có liên quan được ban hành trong những năm sau đó (1886) đã góp phần làm cho các tổ chức này đóng cửa. Thời kỳ thử nghiệm tiếp theo của hoạt động BHTG cũng diễn ra ở Mỹ vào những năm 1908-1930. Từ 1908 đến 1917 ở Mỹ đã có tám bang thành lập hệ thống BHTG. Tính đến 1930 cả tám hệ thống này đã đóng cửa do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế bất lợi làm cho nhiều ngân hàng ở tám bang này đóng cửa và dẫn đến các tổ chức BHTG ở đó bị mất khả năng thanh toán.
Hoạt động ngân hàng ở Mỹ đầu những năm 30 tiếp tục gặp khó khăn. Trong giai đoạn 1930 - 1933 mỗi năm có hơn 1.000 ngân hàng ngừng hoạt động, đỉnh cao là năm 1933 có 4.000 ngân hàng thương mại phải ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, ngày 1/1/1934 Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã được thành lập, đây là mô hình được xem là hình mẫu đầu tiên về BHTG (FDIC, 1998).                
Tiếp theo FDIC, trong những năm 1960, trên thế giới có sáu quốc gia thành lập tổ chức BHTG, những năm 1970 có thêm bốn quốc gia. Hầu hết các quốc gia triển khai hoạt động BHTG công khai vào những năm cuối 1990. Đến nay, trên thế giới có 98 quốc gia có tổ chức hoạt động BHTG công khai. Đặc biệt, ngày 6/5/2002, Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) được thành lập có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ. Đến nay IADI đã có 52 tổ chức BHTG các nước là thành viên, 6 hiệp hội, 5 quan sát viên và 12 đối tác (số liệu tính đến năm 2008, IADI). Điều đó đánh dấu sự quan tâm chung của nhiều nước về hoạt động BHTG và hứa hẹn một động lực mới thúc đẩy phát triển hoạt động này trên toàn thế giới.
1.2. Tình hình nghiên cứu bảo hiểm tiền gửi trên thế giới
Cho tới nay, nhiều cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế đã dành nhiều quan tâm, đầu tư nghiên cứu để thúc đẩy triển khai phổ biến hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn. Khởi đầu các nghiên cứu đã đề cập tới lý thuyết về BHTG, mối liên hệ giữa đổ vỡ ngân hàng dây chuyền (hàng loạt) với hoạt động BHTG, cơ chế hoạt động, ảnh hưởng của hoạt động BHTG đối với hoạt động tài chính vi mô và độ sâu tài chính của quốc gia, khả năng bảo vệ người gửi tiền của chính sách BHTG, phí bảo hiểm tiền gửi, hạn mức chi trả v.v. . Các nghiên cứu trong giai đoạn trước năm 1980 về BHTG ít về số lượng và hạn chế về độ sâu, chủ yếu được công bố trong các tạp chí khoa học, tạp chí tiền tệ và kinh tế, chưa đủ tư liệu được công bố như một tài liệu nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về lĩnh vực BHTG được một nhà xuất bản ấn hành.
Sự thành công cũng như các khó khăn trong hoạt động BHTG ở Mỹ được nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức quan tâm, dành nhiều nguồn lực nghiên cứu về hoạt động này. Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã có nhiều nghiên cứu về hoạt động BHTG, tập trung vào các vấn đề: chi phí và lợi ích của hoạt động BHTG, lợi ích của hoạt động BHTG nhìn từ góc độ người đóng thuế, BHTG và quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, phí đồng hạng và phí theo rủi ro, xác định hạn mức chi trả BHTG, rủi ro trong hoạt động BHTG, vấn đề tài chính, các hoạt động hỗ trợ khách hàng, giai đoạn nào đối với từng loại hình kinh tế phù hợp cho triển khai hoạt động BHTG v.v.. Đặc biệt, công trình nghiên cứu của Carisano (1992) về BHTG được Công ty xuất bản Dartmouth ở Mỹ ấn hành. Đây là công trình nghiên cứu có hệ thống về hoạt động BHTG, tập trung vào mối quan hệ giữa hoạt động ngân hàng với hoạt động BHTG, cơ sở lý luận của hoạt động BHTG, giải pháp hạn chế các ảnh hưởng bất lợi trong triển khai hoạt động BHTG, so sánh hoạt động BHTG ở các nước tiêu biểu v.v.. Các chuyên gia kinh tế trên thế giới cũng đầu tư nghiên cứu nhiều về lĩnh vực này, có thể kể đến các chuyên gia như Friedman B., Friedman M., Chan Y.S., Diamond D.W., Hall, Garcia, Laeven, Kunt.v.v.. Các cơ sở đào tạo khu vực của IMF cũng bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực BHTG. Năm 2004, trung tâm đào tạo của IMF tại Singapore lần đầu tiên đưa nội dung BHTG vào chủ đề đào tạo về ngân hàng và ổn định tài chính cho các học viên trong khu vực.
Tới nay, mặc dầu nhiều cá nhân và tổ chức đã có nỗ lực rất lớn trong công tác nghiên cứu và đào tạo về BHTG, song nếu so sánh với mức độ đầu tư nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực khác như hoạt động ngân hàng, kiểm toán, chứng khoán, kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ v.v., trên cơ sở các tài liệu về BHTG được công bố, thì có thể thấy đầu tư nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực BHTG trên phương diện toàn cầu, vẫn còn khiêm tốn và còn khoảng trống lớn. Đây là cơ hội cho những ai có quan tâm tới lĩnh vực thú vị này.
2. Thực tiễn triển khai, nghiên cứu và đào tạo về bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam 
2.1.Triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam
Hoạt động BHTG được triển khai theo “Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn” được tổ chức Bảo Việt khởi xướng triển khai năm 1994. Trong giai đoạn này, hoạt động BHTG được triển khai chậm và bộc lộ nhiều hạn chế. Tính đến năm 1995 chỉ có 162 QTDND tham gia BHTG, tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm chiếm 33,22% tổng số dư tiền gửi tại các QTDND và chỉ chiếm 0,2% tổng số dư tiền gửi trong cả nước. Đến cuối năm 1996 có 300 QTDND tham gia BHTG, cuối quí I/1997 đó có 370 QTDND tham gia với số tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm là 322 tỷ VND. Có thể nói, hoạt động BHTG do Bảo Việt thực hiện mới chỉ triển khai được với một số lượng nhỏ khách hàng là đơn vị có huy động tiền gửi (chỉ có một số QTDND tham gia, còn các loại hình huy động tiền gửi khác không tham gia BHTG).
Hạn chế của hoạt động BHTG do Bảo Việt thực hiện chủ yếu là không đảm bảo các yếu tố quyết định thành công đối với hoạt động này trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ví dụ, qui định tham gia BHTG là tự nguyện, hoạt động BHTG là vì mục đích lợi nhuận, lợi ích duy nhất mà tổ chức tham gia BHTG có được là được chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức đó phá sản và không có khả năng thanh toán, không có các hoạt động hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG từ tổ chức BHTG  v.v..
Quá trình đổi mới bắt đầu từ năm 1988, khi hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đạt được trình độ phát triển nhất định. Số lượng các đơn vị tham gia kinh doanh ngân hàng cũng tăng lên nhiều. Hoạt động ngân hàng dần thể hiện tính thị trường. Tính cạnh tranh trong huy động tiền gửi và cho vay là vấn đề bức bách đối với các đối tác tham gia kinh doanh tiền tệ và tín dụng. Bên cạnh đó, yếu tố rủi ro trong kinh doanh ngân hàng ngày càng trở nên phức tạp và cần có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực từ đầu năm 1997 phần nào có ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng ở Việt Nam, đặc biệt đối với các ngân hàng đầu tư vào các dự án liên doanh hoặc xuất nhập khẩu. Hơn nữa, xu thế hội nhập trong khu vực và trên thế giới mang lại cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam đồng thời cũng phát sinh nhiều thách thức và rủi ro ở mức cao hơn. Cùng với tốc độ mở cửa ngày càng tăng, sự tác động đối với thị trường huy động vốn và tiêu thụ vốn trong nước cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của những thay đổi, biến động của thị trường tài chính và tiền tệ tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Khoản 1, Điều 17, Luật Các tổ chức tín dụng ban hành năm 1997 qui định "Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi" để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Điều đó đặt ra nhu cầu cần thành lập tổ chức bảo toàn tiền gửi hoặc BHTG theo đúng nghĩa của nó vào thời điểm này ở Việt Nam. Trước bối cảnh đó của Việt Nam cũng như xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000. Đây là tổ chức duy nhất triển khai hoạt động BHTG ở Việt Nam trong 9 năm qua. Hoạt động BHTG ở Việt Nam từ đây được công nhận là một trong các giải pháp chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
BHTGVN bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua hai loại hoạt động chính: (1) kiểm tra, giám sát để kiểm soát và phòng ngừa rủi ro xảy ra trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, (2) hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia BHTG có khó khăn về thanh khoản, chi trả tiền bảo hiểm và theo dõi sau chi trả để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trên mức chi trả theo quy định của Luật Phá sản. Tính đến tháng 3/2009, BHTGVN đã chi trả cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại 37tổ chức có huy động tiền gửi bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Hoạt động BHTG ở Việt Nam trong những năm qua đã góp phần tích cực thúc đẩy ổn định hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho huy động vốn nhàn rỗi qua hệ thống ngân hàng, thúc đẩy phát triển tài chính vi mô ở Việt Nam.
2.2. Nghiên cứu và đào tạo về bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam
Công tác nghiên cứu BHTG được bắt đầu từ khi có chủ trương cần triển khai hoạt động bảo đảm tiền gửi công khai. Năm 1997 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban trù bị triển khai hoạt động BHTG, tập trung nguồn lực nghiên cứu để có thể sớm triển khai hoạt động này. Việc nghiên cứu được diễn ra theo hình thức tổ chức đi khảo sát các nước có hoạt động BHTG, tìm hiểu về tình hình triển khai hoạt động này trên thế giới, ứng dụng các kinh nghiệm của thế giới một cách có chọn lọc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nghiên cứu bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, quyết định thành công trong hoạt động của BHTGVN thời gian qua. Cùng với các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách BHTG, nhiều cá nhân và tổ chức cũng quan tâm, nghiên cứu hoạt động này. Các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá vai trò, tầm quan trọng, chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG, loại tiền gửi cần được bảo hiểm, rủi ro trong hoạt động BHTG, giải pháp phát triển .v.v… Các nghiên cứu này đã làm nổi bật sự cần thiết khách quan triển khai hoạt động BHTG ở nước ta, tính đúng đắn và hợp lý của các yếu tố trong chính sách BHTG được triển khai trong giai đoạn vừa qua, như mô hình tổ chức, phí đồng hạng trong giai đoạn đầu, cách tính phí hợp lý, đối tượng tham gia BHTG là bắt buộc, các hỗ trợ có chọn lọc của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG, hạn mức chi trả BHTG đủ thấp để kiểm soát rủi ro trong hoạt động BHTG và đủ cao để kích thích huy động vốn v.v.. Hầu hết các nghiên cứu này được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng như tạp chí khoa học, báo, đài. Cũng có một số cá nhân và tổ chức chọn lĩnh vực BHTG làm đề tài nghiên cứu ở học vị sau đại học hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, nhằm cố gắng đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách BHTG và thúc đẩy hoạt động này phát triển.
Đến nay có thể nói, mặc dầu có nỗ lực rất lớn, song công tác nghiên cứu và đào tạo về hoạt động BHTG ở Việt Nam còn hạn chế, mới đáp ứng phần nào nhu cầu triển khai hoạt động trong những năm đầu. Kiến thức về BHTG chưa được triển khai đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu ở các trường đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo cán bộ cho hoạt động BHTG đang được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai theo hình thức tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ theo từng chuyên đề đáp ứng đòi hỏi của công việc đang triển khai. Vì vậy, tính hệ thống, chuyên nghiệp chưa cao và đối tượng được đào tạo cũng hạn chế. Để triển khai có hiệu quả và khẳng định vai trò của hoạt động BHTG trong nền kinh tế đang đà phát triển, cần có định hướng và chiến lược nghiên cứu ở mức cao hơn, công tác đào tạo cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
3. Nội dung cần được ưu tiên nghiên cứu và đào tạo về BHTG ở Việt Nam trong thời gian tới
3.1. Bốn vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu
Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG
Tổ chức BHTG bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền qua hình thức trực tiếp là chi trả tiền bảo hiểm và qua hình thức gián tiếp là kiểm soát rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Thông thường, người gửi tiền ít quan tâm tới hình thức bảo vệ gián tiếp của tổ chức BHTG mà chủ yếu quan tâm tới hạn mức chi trả. Khái niệm “hạn mức chi trả đủ thấp để kiểm soát rủi ro đạo đức và đủ cao để khuyến khích người gửi tiền yên tâm gửi tiền vào ngân hàng” là khái niệm trừu tượng và khó hiểu không chỉ riêng đối với người gửi tiền mà ngay cả đối với một số cá nhân có liên quan tới việc xác định hạn mức chi trả BHTG. Hiện nay một số nhà khoa học trên thế giới đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới hạn mức chi trả BHTG và đã lượng hoá được các ảnh hưởng đó bằng hàm số toán học. Mặc dầu vậy, việc áp dụng trực tiếp các hàm số đó đối với Việt Nam còn chưa khả thi do cơ sở dữ liệu của ta chưa đủ để có thể vận dụng xác định hạn mức chi trả có độ tin cậy.
Các yếu tố tác động tới hạn mức chi trả và mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đối với hạn mức chi trả đặt trong hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế Việt Nam trong từng giai đoạn cần được nghiên cứu để có thể lượng hoá cụ thể mức độ ảnh hưởng, giúp cho việc hiểu về cơ chế điều chỉnh hạn mức chi trả được dễ dàng, xử lý nhanh, kịp thời. Kể từ khi triển khai chính sách BHTG công khai ở Việt Nam đến nay, yếu tố lạm phát đã tăng đáng kể, yếu tố thúc đẩy huy động vốn (ảnh hưởng của hạn mức chi trả BHTG) cho đầu tư phát triển bền vững cần được quan tâm nhiều hơn v.v.. Vì vậy, cần có cơ chế điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh hạn mức chi trả được kịp thời.
Thứ hai, nghiên cứu áp dụng phí BHTG không đồng hạng
Mức phí BHTG đồng hạng áp dụng trong giai đoạn đầu đáp ứng việc triển khai kịp thời hoạt động này, song bộc lộ nhiều bất cập. Áp dụng phí BHTG không đồng hạng là xu thế cải tiến tất yếu của các hệ thống BHTG trên thế giới. Thu phí theo các tỷ lệ phí BHTG không đồng hạng, có phân biệt theo mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, đưa ra cơ chế đối xử bình đẳng giữa các tổ chức tham gia BHTG và thể hiện xu thế thị trường trong hoạt động BHTG là hết sức cần thiết. Điều đó có tác dụng khuyến khích các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh để được đóng phí với tỷ lệ thấp và qua đó cũng tăng uy tín của ngân hàng mình. Hơn nữa, hình thức này còn có tác dụng góp phần hạn chế rủi ro đạo đức phát sinh trong trường hợp nếu áp dụng một loại phí BHTG chung cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG, bởi vì tỷ lệ phí BHTG sẽ được áp dụng cao hơn đối với các khách hàng có hoạt động với rủi ro cao.
Triển khai phí theo mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG là yêu cầu cải tiến tất yếu, song đây là công việc khó, ngay đối với những nước phát triển cũng cần đầu tư thời gian và kinh phí cho nghiên cứu. Sau 59 năm triển khai hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ mới áp dụng phí BHTG theo mức độ rủi ro (Bradley, 2000). Mặc dầu một số hoạt động của tổ chức BHTG có tính độc lập tương đối, tính khả thi của việc triển khai phí BHTG theo mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của một số lĩnh vực trong nền kinh tế. Đó là các lĩnh vực liên quan tới hệ thống đánh giá độc lập hoạt động của tổ chức có huy động tiền gửi; sự phát triển của thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán; sự phát triển của hoạt động kiểm toán; tính minh bạch trong hoạt động và mức độ công khai thông tin về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG v.v.. Những yếu tố này là điều kiện cần thiết để cho phép phương thức tính phí BHTG theo độ rủi ro của khách hàng có tính khả thi. Tổ chức BHTG khi phát triển đến một trình độ nhất định có thể có khả năng đánh giá hoạt động của tổ chức tham gia BHTG với mức độ chính xác cao. Tuy nhiên, để tổ chức BHTG có thể làm được điều đó một cách độc lập, một số lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu cần được hội tụ và cần có chiến lược nghiên cứu khoa học về vấn đề này.
Thứ ba, nghiên cứu triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát  và hỗ trợ khách hàng
Thực tiễn hoạt động BHTG thành công ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm triển khai hoạt động này trong thời gian qua ở Việt Nam khẳng định tổ chức BHTG cần thiết thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG. Mặc dầu vậy, với đặc thù của Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay (Ngân hàng Nhà nước - NHNN - làm chức năng thanh tra hoạt động ngân hàng, cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền v.v..), vấn đề triển khai công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG cần được nghiên cứu để triển khai có hiệu quả.
Để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, một số tổ chức, trong đó có tổ chức BHTG, được giao nhiệm vụ đã triển khai các nghiệp vụ tiếp cận trực tiếp và/hoặc gián tiếp hoạt động ngân hàng. Ở chừng mực nhất định, vì có cùng mục đích nên trong cách thức tiếp cận của các tổ chức khó tránh khỏi sự trùng lắp, dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực, trong khi nguồn lực cho hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động ngân hàng ở Việt Nam có khó khăn nhất định. Điều đó đặt ra vấn đề cần nghiên cứu tìm giải pháp, có cơ chế phối kết hợp, phân định đối tượng, nội dung, hình thức tiếp cận, trao đổi thông tin v.v.. đáp ứng mục tiêu kiểm soát rủi ro và hỗ trợ ngân hàng hiệu quả nhất. Các giải pháp cũng cần tính đến dự kiến đổi mới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo xu thế trở thành ngân hàng trung ương hiện đại trong tương lai.
Thứ tư, tổ chức BHTG tham gia giải quyết ngân hàng có vấn đề
Sự liên kết kinh tế càng chặt chẽ thì tác động và phản ứng dây chuyền càng dễ xảy ra. Để đối phó với khủng hoảng, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã sử dụng thành công công cụ chính sách BHTG giải quyết ngân hàng có vấn đề. Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ đã có những đóng góp xuất sắc trong giải quyết các ngân hàng có vấn đề từ năm 1933 tới nay và điển hình là những đóng góp giải quyết khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ. Trong giai đoạn 1980-1994 ở Mỹ có 1.618 ngân hàng đổ vỡ, FDIC đã giải quyết tất cả các đổ vỡ đó mà không làm giảm niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ và không sử dụng tiền của người đóng thuế (FDIC, 2008). Tính từ đầu năm 2008 tới tháng 6/ 2009, 61 ngân hàng đổ vỡ tại Mỹ đã được FDIC giải quyết, làm giảm phần nào sự nghiêm trọng của khủng hoảng ngân hàng đối với nền kinh tế Mỹ, hiện tượng đột biến rút tiền gửi đã được giải tỏa nhanh chóng. Ngoài Mỹ, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi ở Nhật Bản, Đài Loan và một số nơi khác tham gia tích cực giải quyết ngân hàng có vấn đề rất hiệu quả.
Giải quyết ngân hàng có vấn đề một cách có hệ thống như ở Mỹ cần có những qui định cụ thể về: đối tác có trách nhiệm tham gia, nguồn tài chính, cơ sở pháp lý, trình tự và thủ tục giải quyết, cơ chế giải quyết rủi ro v.v.. Đây là những vấn đề lớn và có nhiều thách thức đối với một nền kinh tế đang phát triển, trong quá trình chuyển đối, như Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về vấn đề này rất cần thiết được nghiên cứu và có định hướng chuẩn bị để vận dụng trong tương lai.
3.2. Công tác đào tạo về BHTG cần được quan tâm
Đối với người gửi tiền, hạn mức chi trả BHTG là mục tiêu quan tâm đầu tiên của họ và là biểu thị rõ nét về nội dung bảo vệ đối với họ. Tuy nhiên, đứng về góc độ chuyên môn, nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động BHTG là củng cố niềm tin của người gửi tiền. Có nhiều yếu tố và nghiệp vụ trong chính sách BHTG giúp tổ chức BHTG đạt được nhiệm vụ then chốt đó và hạn mức chi trả BHTG chỉ là một yếu tố. Kinh nghiệm về sự hoảng loạn của người gửi tiền xảy ra ở nhiều nước và ở Việt Nam (tại Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam trước đây) cho thấy mức độ phổ cập thông tin về chính sách BHTG đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và củng cố niềm tin của người gửi tiền. Điều đó đặt ra vấn đề cần có chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức về hoạt động BHTG. Nhân lực làm công tác BHTG, nhân lực có hoạt động liên quan trực tiếp tới BHTG, nhân lực triển khai hoạt động ngân hàng cần được đào tạo kiến thức cơ bản về BHTG. Họ sẽ là nguồn nhân lực truyền tải và phổ cập thông tin về chính sách BHTG tới cộng đồng.
Hơn nữa, hoạt động BHTG nếu được quan tâm và phát triển đáp ứng vai trò và tầm quan trọng trong nền kinh tế sẽ tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng. Đặc biệt trong điều kiện nước ta, để đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro ngân hàng, nhân lực cho hoạt động kiểm soát hoạt động ngân hàng đang đòi hỏi nhiều về số lượng và cần được đào tạo thường xuyên, có tính chuyên nghiệp cao hơn. Kinh nghiệm của FDIC cho thấy, một nhân lực đã được đào tạo về chuyên ngành kiểm tra ngân hàng mới được tuyển dụng cần được tiếp tục đào tạo từ 3 đến 5 năm qua thực tế mới làm được công tác kiểm tra có hiệu quả (José, tr. 30). FDIC đã sử dụng đội ngũ nhân lực lớn để triển khai nhiệm vụ của mình. Khi thành lập 1934, FDIC có 846 nhân sự, số liệu cuối năm 2007 và năm 2008 là 4.532 người và 5.034 người (FDIC, 2008).
Đây là kinh nghiệm có thể gợi mở hướng đào tạo về BHTG tại các trường đại học ở nước ta và cũng là cơ hội để cá nhân lựa chọn chuyên ngành đào tạo chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho tương lai.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(157), tháng 11/2009)


Thống kê truy cập

33000825

Tổng truy cập