Tìm hiểu Học thuyết Pháp luật tự nhiên

01/03/2014

TS. ĐỖ ĐỨC MINH

Luật, Ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Pháp luật tự nhiên là một học thuyết pháp lí lâu đời, có ảnh hưởng sâu rộng trong văn minh chính trị - pháp lí nhân loại. Gần đây, học thuyết này đã được giới thiệu, du nhập và từng bước khẳng định vị thế tại Việt Nam. Luật tự nhiên đã được các nhà nghiên cứu đề cập ứng dụng như một học thuyết, một công cụ và phương pháp tiếp cận để từng bước làm sáng tỏ một số đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN và đề xuất việc hoàn thiện pháp luật nước ta phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội đương đại.Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu này cũng mang tính khai mở và còn nhiều vấn đề đặt ra cho công tác nghiên cứu về học thuyết pháp luật tự nhiên. Trong bài viết này chúng tôi mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề xung quanh học thuyết này. Cụ thể là: làm rõ cội nguồn, tiến trình phát triển với các nấc thang tư tưởng, đề xuất quan niệm học thuyết pháp luật tự nhiên
Untitled_402.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hy Lạp - La Mã cổ đại - Chiếc nôi ban đầu của dòng tư tưởng pháp luật tự nhiên
Những tư tưởng về luật tự nhiên (lex natural law, jus naturale)ra đời tương đối sớm ở Hy Lạp, La Mã cổ đại. Qua thần thoại, người Hy Lạp cổ hiểu rằng có một thứ luật có nguồn gốc từ thần linh và được thần linh bảo trợ, bất thành văn nhưng thiêng liêng và cao hơn so với luật do con người lập ra. Luật ấy tồn tại vĩnh hằng, độc lập và khách quan, nó chi phối và hướng dẫn hành vi của con người đi đến sự công bằng và đúng đắn. Thậm chí, con người có thể không cần tuân theo luật lệ của nhà cầm quyền, của trật tự chính trị đương thời nếu nó đi ngược lại với luật của thần linh.
Sau thần thoại, đến lượt các triết gia suy tư, luận bàn về pháp luật. Các tư tưởng triết học đã nhấn mạnh sự tương phản giữa những quy luật bất biến, vĩnh cửu, tồn tại khách quan và độc lập với các luật lệ, quy ước, tập quán được đặt ra bởi một trật tự chính trị hay một quốc gia. Là người bày tỏ và phác họa những ý tưởng sơ khởi về luật tự nhiên,Platon[1] cho rằng, luật đến từ thần linh hoặc đến từ sự thông minh xuất chúng của một người làm luật. Tuy công nhận có luật thần linh được áp dụng cho con người, nhưng Platon lại đề ra “kẻ trung gian” ở giữa thần Dớt và con người và chỉ người này mới khám phá được luật của thần linh đó là các nhà triết học. Do đó, luật của con người trở thành kết tinh của lí trí, sự thông minh, đại diện cho những gì tốt đẹp nhất nơi con người trên cơ sở luật của thần linh. Luật tự nhiên theo quan niệm của Platon đồng nhất với lí tính và tri thức.
Là người đầu tiên đề cập cụ thể và được xem là cha đẻ của học thuyết pháp luật tự nhiên, Aristotle[2] quan niệm pháp luật là những quy tắc khách quan, có tính chính trực, vô tư, xuất phát từ quyền lực và phù hợp với mục đích quốc gia. Ông phân biệt pháp luật thành 2 loại là Luật chung (luật tự nhiên) và Luật riêng, được xác định độc lập trong mỗi dân tộc. Theo ông, trong tự nhiên đã có sẵn những quy luật, luật lệ và công lí; các sự vật cũng chứa sẵn tính luật. Luật tự nhiên là luật nằm sẵn trong tự nhiên, ở bản tính tự nhiên của sự vật và do thần linh ấn định (ông gọi đó là lí tính hay thần tính), nó tự sinh, tồn tại khách quan và độc lập với ý chí con người, có hiệu lực ở mọi nơi mọi lúc. Và con người chỉ có thể dùng lí trí để khám phá (tìm ra) luật pháp chứ không tạo ra luật pháp, cũng không thể thay đổi nó. Vì vậy, phải soạn thảo luật pháp tuân theo những quy chuẩn của tự nhiên hay pháp luật phải là “sự suy diễn từ sự hài hòa của trật tự tự nhiên”. Đồng nghĩa luật với khái niệm công bằng hay công lí (justice) và gắn luật tự nhiên với công lí tự nhiên, Aristotle đã đưa tư tưởng công lí tự nhiên từ giã Thiên Đàng về với trần gian và ở trong ngôi nhà triết học. Aristotle đã xác lập nền tảng ban đầu, cơ bản của luật tự nhiên và từ đó “công lí” luôn chiếm vị trí trọng yếu của luật tự nhiên.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của trường phái Khắc kỉ và triết học Hy Lạp cổ,Cicéron[3] tiếp tục phát triển học thuyết pháp luật tự nhiên trên nền móng của người đi trước. Ông quan niệm: "cao hơn pháp luật do con người sáng tạo ra là luật bất biến và vĩnh cửu của tự nhiên. Chính những luật này đã chi phối luật pháp của con người" [4]. Cũng không chỉ tiếp nhận những quan niệm của những người đi trước đó, Cicéron còn bổ sung một số đặc tính và luật tự nhiên được ông tuyên bố khá đầy đủ như cách hiểu ngày nay. Luật, trong định nghĩa của Cicéron phải là hiện thân và đồng nhất với công lí, là để phân biệt giữa công bằng và bất công, là cách để xóa bỏ sự đồi bại và khuyến khích đạo đức. Luật tự nhiên là những chuẩn mực, thước đo để phân biệt với luật thực định, là phương tiện để đánh giá các đạo luật do nhà nước ban hành có công bằng, đúng đắn hay không.
2. Thời kì Trung cổ - Sự chuyển mình của học thuyết pháp luật tự nhiên trong bối cảnh Ki tô giáo (luật tự nhiên tôn giáo - religious natural law)
 Lịch sử phương Tây thời kì Trung cổ (thế kỉ IV - XVI) là “đêm trường” tăm tối và khắc nghiệt, chứa đầy bạo lực và giáo điều cuồng tín. Các tư tưởng thời kì này chủ yếu bảo vệ, chứng minh cho quyền lực tối cao của Thượng đế nhằm hợp lí hóa sự thao túng quyền lực của giáo hội. Do yêu cầu lịch sử, luật tự nhiên được điều chỉnh phù hợp với luân lí Cơ đốc, có nguồn gốc từ Thượng đếđể phục vụ thần học. Các giáo phụ Kitô giáo đã lấy tư tưởng luật tự nhiên của các triết gia Hy Lạp - La Mã nhưng lồng trong khung cảnh mới của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Đồng hành với quá trình đó là sự chuyển biến từ luật tự nhiên khám phá bởi lí trí sang luật tự nhiên bởi lòng tin và sự tuân phục mệnh lệnh của Thượng đế. Việc nhận thức luật tự nhiên được đồng hóa với lương tâmđức tin. St.Augustine[5] và các phái thần học chịu ảnh hưởng của ông cho rằng: Toàn bộ thế giới này do ý chí Thượng đế sáng tạo nên, kể cả bản tính của sự vật và đó là cơ sở của luật tự nhiên. Con người cũng từng có bản tính nhưng do tội tổ tông (tội do Adam và Eva phạm phải) nên khi sinh ra đã mang tội lỗi, xa rời bản tính và luật tự nhiên. Vì vậy, họ không thể vươn đến bản tính bằng lí trí mà phải trông cậy vào ân huệ và sự mặc khải của Chúa bằng lòng tin của mình. Luật tự nhiên là sự mặc khải tự nhiên (của Thượng đế) cho con người, khi con người dùng lí trí để tìm lại bản tính của mình và để khám phá trí tuệ của Thiên Chúa.
Mặc dù chịu ảnh hưởng chủ nghĩa duy tâm kinh viện nhưng Thomas D’aquin [6] - người đã kiến tạo nên thành quách tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử thần học và triết học Kitô giáo lại khá tiến bộ khi bàn đến các luật tự nhiên. Theo truyền thống của các giáo phụ, D’aquin tiếp tục khẳng định quan niệm luật tự nhiên có nguồn gốc từ tôn giáo và là sự biểu thị của đường lối Thiên Chúa đối với con người. Ông chia luật pháp thành bốn loại: 1) Luật vĩnh cửu của Chúa có giá trị cao nhất, quyết định sự tồn tại của vạn vật. 2) Thần luật là luật của Kinh Thánh. 3) Luật tự nhiên là sự phản chiếu luật vĩnh cửu bằng lí trí con người, là phương tiện cho loài người có lí tính kết nối luật vĩnh cửu với luật thực định. Nhà thần học còn nhấn mạnh: Luật tự nhiên là sự tham gia của con người vào luật vĩnh cửu, cũng là khuynh hướng thiên nhiên mà Thượng đế khi sáng tạo con người đã khắc vào tâm khảm mỗi cá nhân để họ thực hiện mục đích của mình với lí trí mà Chúa ban ân huệ. Nguyên tắc hiển nhiên và đầu tiên của luật tự nhiên là duy trì và bảo vệ cái tốt, loại trừ cái xấu dưới ánh sáng của lí trí và lẽ phải. Không quan niệm đó là một bộ luật đã được Chúa ban cho nhân loại vào thời sơ khai trước khi phạm tội, D’aquin hiểu luật tự nhiên như là luật dựa trên bản tính con người do Thiên Chúa tạo dựng và nhờ lí trí con người có thể khám phá ra bản tính ấy, biết được điều gì hợp với bản tính và điều gì trái với nó. Theo D’aquin, luật tự nhiên chưa phải là những mệnh lệnh chi tiết rõ ràng, bất biến mà bao gồm các giá trị phổ quát và sau đó, lí trí con người sẽ tìm cách ứng dụng vào những hoàn cảnh khác nhau. 4) Nhân luật (luật của con người, là pháp luật phong kiến hiện hành) là sự phản chiếu luật tự nhiên của nhà nước vào xã hội để phục vụ lợi ích chung và được hỗ trợ bằng lí trí. Lí trí và lẽ phải giúp con người chuyển hóa luật tự nhiên thành luật thực định. Điều này cũng có nghĩa là luật thực định phải được điều chỉnh phù hợp với luật tự nhiên, nếu không những quy tắc do con người ban hành sẽ không phải là luật thực sự mà chỉ là sự bóp méo pháp luật. Pháp luật không phải là gì khác hơn là mệnh lệnh của lí trí vì mục tiêu tốt đẹp của cộng đồng và phải bao hàm được trong nó yếu tố hợp lí. Không những phải phù hợp, bắt nguồn từ luật tự nhiên và không được bất công, luật phải luôn luôn vươn đến luật tự nhiên với sự đúng đắn, công bằng nhất. Chính quyền nào ban hành đạo luật trái với luật tự nhiên (bất công, vô lí, chống lại lợi ích chung) sẽ mất đi sự phục tùng vì đã đánh mất quyền lực đạo đức.
Trải qua hành trình dài thời Trung cổ, học thuyết pháp luật tự nhiên được tích hợp vào giáo lí Cơ đốc và dần được hồi phục, phát triển theo xu hướng mới. Bước sang thời kì Phục hưng - thời kì phục sinh những giá trị của nền văn hóa cổ đại Hy Lạp bị chìm lãng trong nền chuyên chế phong kiến hàng nghìn năm ở châu Âu, đã xuất hiện nhiều nhà tư tưởng tiêu biểu với những tư tưởng tái khám phá giá trị và tri thức, tạo ra luồng sinh khí mới vén bức màn huyền bí, ảm đạm, tiêu cực trong đời sống xã hội. Trong thời kì này, giai cấp tư sản đấu tranh chống chủ nghĩa chuyên chế giành giật địa vị chính trị với giai cấp phong kiến đang suy tàn. Các tư tưởng chính trị - pháp lí gắn liền với chủ nghĩa tự do, đề cao tự do của con người và tư tưởng pháp quyền tự nhiên được sử dụng như công cụ sắc bén của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt và dai dẳng cho mục tiêu vì con người và tự do cá nhân, học thuyết pháp luật tự nhiên trở thành thứ vũ khí lợi hại trong tay các nhà tư sản để mở ra quá trình thế tục hóa. Đó cũng là quá trình cách mạng thay đổi quan niệm về luật tự nhiên: Từ chỗ là bản tính của sự vật sang bản tính của con người, từ nguồn gốc thần thánh sang nguồn gốc tự nhiên rồi nguồn gốc lí tính. Con người và bản tính con người được vinh danh, được đặt ở trung tâm đời sống tư tưởng và hiện thế nơi trần gian.
Được xem là đại diện tiêu biểu của trường phái luật tự nhiên thế tục, Hugo Grotius[7]cho rằng: Nhà nước và pháp luật bắt nguồn từ trần gian chứ không phải từ Thượng đế, cũng như phương tiện để giúp con người hoàn thiện bản tính xã hội không gì hơn là lí trí. Phê phán pháp luật phong kiến hiện hành trái với bản chất và lí trí của con người, ông nêu cao đòi hỏi phải có pháp luật mới phù hợp với luật tự nhiên. Ông cho rằng trong trạng thái tự nhiên (chưa có nhà nước và pháp luật thực định), pháp luật tự nhiên sẽ điều chỉnh các mối quan hệ của con người. Luật tự nhiên là những nguyên tắc được hình thành từ tự nhiên, được xây dựng căn bản trên lí trí và chỉ lí trí (kết tinh trí tuệ của con người), vĩnh cửu trong tự nhiên. Luật tự nhiên có vai trò bảo vệ cá nhân vì nó là nguyên tắc có sẵn ở tình trạng tự nhiên mà con người từ thủa ban sơ đã không thể làm gì để tự phá hủy cuộc sống của mình. Trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về pháp luật của chiến tranh và hòa bình” (On the Laws of War and Peace), ông cho rằng: Luật vốn là khả năng hoặc có khả năng làm một việc gì xuất phát từ tự do của con người, cho nên luật tự nhiên có tính hợp lí và vẫn tồn tại dù Chúa có tồn tại hay không (trái với D’aquin). Vì vậy, pháp luật nhà nước ban hành được xác lập theo ý chí con người phải hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật tự nhiên. Chỉ định của pháp luật tự nhiên là những yêu cầu phải giữ mình trước tài sản của người khác, trách nhiệm thực hiện lời hứa, bồi thường thiệt hại do mình gây ra, trừng trị thích đáng kẻ phạm tội....Do có trước pháp luật thực định và với tính hợp lí của mình, luật tự nhiên có vai trò hình thành nên hệ thống pháp luật giữa các quốc gia để bảo vệ cá nhân và được mọi người ủng hộ.
Sau Hugo Grotius, khoa học pháp lí phương Tây dấy lên phong trào thế tục hóa luật tự nhiên mà đóng góp nhiều và quan trọng nhất là những người theo lí thuyết Khế ước xã hội. Trong đó, Thomas Hobbes[8]cha đẻ của triết lí chính trị phương Tây hiện đại,đã đưa ra quan niệm khác biệt về luật tự nhiên so với diễn giải của các nhà tư tưởng cổ điển. Luận giải sự hình thành nhà nước, Hobbes nhấn mạnh:Mỗi dân tộc trong sự phát triển của mình đều trải qua các giai đoạn tự nhiên và xã hội công dân (giai đoạn nhà nước). Trong giai đoạn tự nhiên, con người sơ khai sống thành bầy đàn để cùng chống lại kẻ thù nhưng không có gì ràng buộc giữa họ. Leviathan đã mô tả tình trạng hỗn độn vô chính phủ của xã hội chưa có sự công nhận rạch ròi về sở hữu, nên mọi người có thể sẵn sàng gây chiến với người khác để giành lấy cái mình muốn. Cuộc sống của con người ở tình trạng tự nhiên trước khi có nhà nước là đơn độc, nghèo nàn, đồi bại, tàn bạo và ngắn ngủi. Tất cả sống trong sự sợ hãi, lo lắng đề phòng, tự vệ không dứt và đó là một cơn ác mộng mà con người không thể chấp nhận được. Để tránh sống trong nỗi lo sợ phải bảo vệ tính mạng và những gì mình có, chấm dứt tình trạng ban sơ đáng sợ và chung sống hòa bình; mọi người phải thống nhất với nhau những nguyên tắc cộng đồng. Mỗi người buộc phải hi sinh một phần tự do - tức là từ bỏ một số quyền tự nhiên (natural right) của mình để thiết lập luật pháp và chính quyền. Và sự ra đời của nhà nước mà linh hồn là chính phủ là sự sáng tạo cao nhất mà con người có thể làm được, tựa như “một con người nhân tạo” để điều hành sự phát triển của xã hội. Nhiệm vụ của nhà nước là xử phạt công minh những kẻ vi phạm lợi ích chung của mọi người và mỗi cá nhân có nghĩa vụ phải tuân theo. Hobbes đã phát hiện được mối quan hệ khăng khít giữa luật và quyền tự nhiên của con người khi ông cho rằng, luật tự nhiên là những nguyên tắc phát sinh từ quyền tự nhiên của con người. Những quyền này là sự tự do cá nhân mà qua đó con người sử dụng sức mạnh bản thân để bảo vệ cuộc sống của mình dựa trên suy xét của lí trí. Vì vậy, con người phải tuân theo luật tự nhiên để bảo vệ, duy trì cuộc sống; nếu không họ sẽ tự hủy hoại khế ước xã hội và trật tự khế ước, trở về cơn ác mộng của tình trạng ban sơ. Cũng bởi vì con người không thể làm gì phá hủy cuộc sống của họ, cho nên luật tự nhiên phải được áp dụng để bảo vệ cho cuộc sống con người. Luật pháp chỉ ra đời sau khi thiết lập khế ước xã hội và nhằm mục đích phục vụ cho cá nhân.
Là người đặt nền móng cho thời kì Khai sáng và sáng lập chủ nghĩa phê phán Kinh thánh hiện đại với những quan điểm về nhà nước-pháp luật biểu hiện sâu sắc tính chất pháp quyền tự nhiên, Benedic Barud Spinoza[9] cho rằng: Nhà nước hoàn hảo là nhà nước dân chủ mà pháp luật bảo đảm quyền lợi và tự do thực sự của con người. Con người không những được quyền sống, quyền tồn tại mà còn được hưởng những quyền tất yếu thỏa mãn lợi ích của họ. Hơn thế, pháp luật phải đảm bảo ngăn ngừa sự xâm phạm của nhà cầm quyền đến sở hữu, an toàn và tự do của người dân. Từ tiền đề pháp luật tự nhiên, Spinoza đã chỉ ra những quyền cơ bản, tự nhiên của con người cũng như mối liên hệ phụ thuộc của pháp luật thực định với các quyền ấy.
3. Thời kì cận - hiện đại - Học thuyết pháp luật tự nhiên hồi phục, phát triển theo xu hướng thế tục (luật tự nhiên thế tục: secular natural law)
Sang thời kì Cận đại (thế kỉ XVII - nửa đầu thế kỉ XIX), trong quá trình xác lập, củng cố và phát triển chủ nghĩa tư bản, học thuyết pháp luật tự nhiên lại chiếm vị trí nổi bật với những tên tuổi lớn trong quá trình phát triển của luật tự nhiên. John Locke[10] cha đẻ của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) cho rằng, sự kết hợp giữa con người với tự nhiên có trước sự kết hợp giữa con người với con người. Trong quan hệ tự nhiên đó, luật tự nhiên chi phối hay pháp quyền tự nhiên thống trị. Trạng thái tự nhiên (chưa có nhà nước) là thiên đường vì ở đó mọi người được tự do nhưng không lộn xộn (trái với Hobbes). Nhờ lí trí (luật tự nhiên) con người nhận thức được các quyền sống, quyền tự dotư hữu (có tài sản) của mình. Đó là những quyền tự nhiên có sẵn của con người, thiêng liêng, tối cao và bất khả xâm phạm.Nhưng sự phát triển xã hội đã đưađến tình trạng tranh giành khiến cho tài sản của cá nhân không được bảo vệ thỏa đáng. Để bảo đảm an ninh, hạnh phúc và các quyền tự nhiên (nhất là quyền tư hữu), họ chấp nhận từ bỏ tình trạng ban sơ tốt đẹp và hòa bình để thiết lập nhà nước bằng thỏa thuận (khế ước). Locke cho rằng, để giảm thiểu đến mức thấp nhất quyền cai trị và tăng đến mức cao nhất quyền tự do cá nhân thì quyền lực nhà nước phải bị hạn chế thông qua kiềm chế, đối trọng giữa các nhánh quyền lực và đại diện thật sự của cơ quan lập pháp. Không phải là để xóa bỏ hoặc hạn chế tự do cá nhân, mà mục đích tối hậu của pháp luật là tạo lập, bảo vệ và mở rộng tự do con người. Sẽ không có tự do nếu không có sự hiện diện của pháp luậtluật của tự nhiên là bắt buộc vì nó là tự do. Pháp luật là đường phân ranh giới tự do mà nếu vượt qua nó thì tự do của người này sẽ xâm phạm tới tự do của người khác. Đó cũng là các giới hạn đối với cá nhân thông minh và tự do theo đuổi lợi ích hợp lí của mình trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, trong trường hợp người cai trị đi ngược lại hoặc không bảo vệ các quyền tự nhiên thì người dân có quyền lật đổ. Locke đã phát triển học thuyết pháp luật tự nhiên với quyền tư hữu và quyền cách mạng khi cần thiết. Đối lập với chuyên chế, tự do từ Locke đã trở thành giá trị chủ đạo của chính trị và pháp quyền tự nhiên, là căn cứ để luận giải, thiết kế những thể chế chính trị hợp lí.
Đóng góp tiếp tục vào công cuộc thế tục hóa pháp luật tự nhiên, S.L.Montesquieu[11] kiên trì quan điểm cho rằng, luật tự nhiên xuất pháttừ bản tính con người. Ông khẳng định mọi vật đều có luật của nó (với ý nghĩa là những quan hệ tất yếu từ trong bản chất sự vật) và luật tự nhiên tạo ra sự tồn tại của con người. Những luật tự nhiên của con người là tự do, bình đẳng, kiếm sống, hòa bìnhhợp thành xã hội. Sau khi tổ chức thành xã hội, con người dần dần nhận thức được sức mạnh của mình và đến khi xã hội xuất hiện tình trạng mâu thuẫn không thể điều hòa thì nhà nước ra đời. Để duy trì trật tự xã hội, phải có luật quy định quan hệ giữa người cai trị với người được cai trị (luật chính trị) và quan hệ giữa các công dân với nhau (luật dân sự). Luật chính trị là luật tạo ra nền cai trị và Luật dân sự là luật để duy trì nền cai trị ấy. Với mục đích tạo dựng các thể chế chính trị bảo đảm tự do chính trị cho các công dân, Montesquieu cho rằng: Tự do chính trị là quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm và pháp luật trở thành thước đo của tự do. Ông khẳng định: Tự do chỉ có ở những thể chế chính trị mà trong đó pháp luật thống trị, pháp luật được bảo đảm khỏi sự phá vỡ nó bằng cách phân chia quyền lực tối cao thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kinh nghiệm lịch sử bao đời cho thấy, người nắm quyền lực thường có khuynh hướng lạm quyền và cách tốt nhất để chống lạm quyền là phải chống độc quyền, là phân chia sao cho các quyền này kiềm chế lẫn nhau.
Giải thích sự hình thành xã hội và nhà nước trên quan điểm của thuyết Pháp quyền tự nhiên và Khế ước xã hội,Jean Jacques Rousseau[12] chia lịch sử phát triển của nhân loại thành ba trạng thái: 1) Ở “trạng thái tự nhiên” chưa có sự khác nhau rõ rệt giữa mọi người về kinh tế, địa vị xã hội hay đẳng cấp. Đó là trạng thái lí tưởng, một trạng thái trong sạch mà con người đã sống hàng vạn năm. Tự do, bình đẳng là bản tính và là những quyền bất khả xâm phạm của con người. 2) Đặc trưng của “trạng thái công dân” là sự xuất hiện nhà nước, đạo luật xã hội, sự giàu nghèo, các cuộc chiến tranh và tệ nạn xã hội...đã đem lại sinh lực cho kẻ mạnh, tạo ra xiềng xích trói buộc kẻ yếu và hủy diệt tự do tự nhiên của con người. Chế độ tư hữu và tình trạng chiếm đoạt tài sản tạo nên bất bình đẳng xã hội, là nguyên nhân của tình trạng người ta sinh ra tự do nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích. Suy nghĩ giải quyết vấn nạn này, Rousseau cho rằng: Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của các hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy điều đó quy gọn vào hai mục tiêu: tự dobình đẳng. Ông nhận thấy phương pháp duy nhất giúp con người tự bảo vệ mình là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung và hình thức liên kết sức mạnh ấy gọi là “Khế ước xã hội”. 3) Điều đó là cơ sở cho sự ra đời “trạng thái thứ ba” là trạng thái mà xã hội loài người trở về với trạng thái tự nhiên ban đầu nhưng trên cơ sở cao hơn. Với chủ trương xây dựng mô hình nhà nước - xã hội lí tưởng dựa trên công lí và lí tính, Rousseau hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội mọi người tự do bình đẳng và quyền lực xã hội thuộc về nhân dân. Trạng thái tự nhiên là vốn có và phúc lợi cao nhất của con người và nhà nước được lập ra thông qua khế ước xã hội phải thể hiện ý chí quyền lực của nhân dân và phục vụ toàn dân; nếu không thì bộ phận cầm quyền phải bị đào thải, thay thế. Quyền lực phải được tập trung cao nhất, nếu quyền lực phân chia ra các cơ quan nắm giữ các nhiệm vụ khác nhau thì phải coi các cơ quan đó là công cụ của chủ thể nhân dân và lệ thuộc vào chủ quyền nhân dân (trái với Montesquieu). Là ý chí chung của nhân dân nên pháp luật phải mang hơi thở và là linh hồn (tinh thần) của mỗi cộng đồng dân cư.
Hành trình thế tục hóa của luật tự nhiên tiếp tục được phát triển đến cao độ với Iammanuel Kant và Georg Wihelm Friedrich Hegel. Là một trong những nhà lí luận đầu tiên về Nhà nước pháp quyền (rule of law), Emmanuen Kant[13]cho rằng, xã hội loài người là giai đoạn phát triển tiếp theo của tự nhiên. Nhà nước được xây dựng nhằm giải quyết những đối kháng xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện vì lợi ích của con người, đảm bảo bình đẳng cho mọi công dân. Sứ mệnh của nhà nước và luật pháp cũng như tiêu chí đạo đức đều nhằm phục vụ con người và thước đo đánh giá sự tiến bộ của tiến trình lịch sử nhân loại là trình độ giải phóng con người. Theo ông, có 3 ba loại pháp luật: 1) Pháp luật tự nhiên có các nguyên tắc, tiên nghiệm tất nhiên; 2) Pháp luật thực tế có nguồn gốc là ý chí của người lập pháp; 3) Pháp luật công lí là đòi hỏi khát vọng không được pháp luật quy định và do vậy không đảm bảo bằng cưỡng chế. Trong đó, pháp luật tự nhiên lại bao gồm 2 bộ phận: luật tư điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân với tư cách là chủ sở hữu và luật công điều chỉnh mối quan hệ giữa mọi người liên minh thành cộng đồng nhà nước và các công dân với tư cách là các thành viên của tổng thể chính trị. Khác với quan điểm của các nhà Khai sáng Pháp thế kỉ XVIII,Hegel[14] cho rằng: Con người về bản tính vốn là bất bình đẳng và mọi sự bất công, tệ nạn xã hội là những hiện tượng tất yếu của sự phát triển xã hội xuất phát từ bản tính con người. Sự không ngừng nảy sinh và giải quyết những mâu thuẫn giữa các quan hệ đó là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy xã hội phát triển và nhà nước xuất hiện. Hegel bác bỏ cách hiểu theo ông là “hàm hồ” về pháp luật tự nhiên như là luật có sẵn và có hiệu lực khi con người trong tình trạng tự nhiên, còn lúc con người bước vào tình trạng xã hội có nhà nước thì luật tự nhiên lại trở thành cái gì đó giới hạn sự tự do và hy sinh cho quyền tự nhiên (cách hiểu của Thomas Hobbes, Jonh Locke). Ông cho rằng, pháp quyền tự nhiên không có sẵn một cách trực tiếp như thế bởi nó không phải là hiện thực mà là khái niệm tự quy định chính mình thông qua bản tính tự nhiên của sự việc. Theo Hegel: “Chỉ đến lúc con người ra khỏi và nhất thiết phải ra khỏi tình trạng tự nhiên vốn là miếng đất của sự tùy tiện và bạo lực để đạt tình trạng xã hội thì pháp quyền tự nhiên mới từ khái niệm trở thành hiện thực” [15]. Hegel đã xem ý niệm là sự thống nhất giữa khái niệm và hiện thực, còn hiện thực không gì hơn là việc hiện thực hóa khái niệm bằng bản thân khái niệm. Ông đồng nhất giữa cái hợp lí tính và cái hiện thực, cố gắng dung hòa giữa pháp luật tự nhiên (hợp lí tính) và pháp luật thực định (hiện thực): Quan hệ giữa chúng theo ông là “quan hệ giữa Institutionen và Pandekten”[16]. Từ đó, ông cho rằng, bên cạnh việc là tồn tại - hiện có của ý chí tự do, bản thân pháp quyền tự nhiên, lí tính còn là hiện thân của sự tự do nữa. Nhấn mạnh quan hệ giữa pháp quyền và tự do, Hegel nhìn tự do là tồn tại nơi chính mình trong cái tồn tại khác. Vì ý chí chủ quan của con người nhiều khi không đồng nhất thậm chí còn đối lập với tính khách quan nào đó; nhưng với lí tính, con người có khả năng trải nghiệm tính khách quan này và biến nó thành ý chí chủ quan của mình. Đó là sự tự hiện thực hóa ý chí chủ quan của con người, là tự do. Trong triết học pháp quyền của Hegel, lí tính có sức mạnh vô biên và được đưa lên đỉnh cao chưa từng có trong việc tạo lập luật pháp.
Nhìn chung, trong khoảng ba thế kỉ (thế kỉ XVI - XVIII), với các đại biểu Hugo Grotius, Hobbes, Locke... học thuyết luật tự nhiên đã lột xác hoàn toàn: Từ luật tự nhiên xuất phát bởi Thượng đế và nằm ở bản tính sự vật sang luật tự nhiên bắt nguồn từ đòi hỏi của lí trí và bản tính con người, nó có sẵn trước khi xuất hiện nhà nước và xã hội. Luật tự nhiên không còn do Thượng đế tạo ra nữa mà trở thành sản phẩm của lí trí con người, của tự do và bất biến: “Hoàn toàn không còn, dù chỉ phảng phất bóng dáng của thế lực siêu nhiên dù là Thượng đế, tạo hóa hay tự nhiên trong Thomas Hobbes, John Locke hay Montesquieu, Kant xem luật có cơ sở duy nhất từ ý chí tự do, trong khi với Hobbes hay Locke, tự do của con người chỉ là hành động” [17] . Cùng với việc chỉ ra nguồn gốc của nhà nước và pháp luật từ bản chất của con người, trong trạng thái tự nhiên trước khi kết ước sống thành xã hội, các nhà tư tưởng cũng đồng thời triệt tiêu Thượng đế (hay Chúa Trời) và đưa con người lên ngôi. Con người thời cận đại không sợ hãi tự nhiên trong sự đồng nhất với Thượng đế như thần học, cũng không gắng công đi tìm bản chất tự nhiên như triết học Aristotle đã làm. Từ Thượng đế chuyển qua tự nhiên và chuyển sang lí tính, luật của tự nhiên là luật của lí trí, xuất phát từ lí trí con người, do con người mà tồn tại.
4. Thế kỉ XX - Luật tự nhiên về thủ tục chặt chẽ (procedural natural law)
Đại diện là Lon Fuller (1902 - 1978), ông cho rằng, luật pháp phải chứa đựng những yếu tố đạo đức nội tại và đạo lí tiềm ẩn. Các đạo luật phải đảm bảo sự công bằng về thủ tục mới có đủ phẩm chất để trở thành pháp luật. Nếu một hệ thống các quy tắc vi phạm những nguyên tắc, thủ tục cơ bản của công lí và công bằng thì hệ thống quy tắc đó không thể được coi là hệ thống pháp luật. Ông đề xuất tám thủ tục chặt chẽ và cho rằng nếu đáp ứng đủ các thủ tục, nguyên tắc này, hệ thống các quy tắc của con người có thể coi là công bằng, tốt đẹp. Các quy tắc này bao gồm các quy định về tính minh bạch, tính không hồi tố, tính không mâu thuẫn và khả năng thực thi…Trên quan điểm đó, Fuller lên án hệ thống pháp luật vô đạo đức như các đạo luật của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Do hàng loạt các vi phạm về thủ tục (như: quy định hồi tố, tính công khai...) nên các quy định này không hội đủ các yếu tố để trở thành pháp luật, không thể coi là pháp luật chân chính.
Tóm lại:Từ lịch sử hình thành, phát triển của tư tưởng pháp luật tự nhiên, có thể quan niệm: Học thuyết pháp luật tự nhiên(natural law doctrine) là hệ thống tư tưởng chính trị và pháp quyền về một hệ thống pháp luật lí tưởng, dường như xuất phát từ bản tính con người, lấy lí trí con người làm nền tảng, không phụ thuộc vào nhà nước và các điều kiện xã hội [18]. Là lí thuyết về các nguyên tắc và quyền con người được thể hiện ở những quy tắc, tiêu chuẩn về công bằng, bác ái, lẽ phải, lương tri, tôn trọng nhân cách, phẩm giá và các quyền con người; pháp luật tự nhiên cũng được hiểu là những chuẩn mực cơ bản của đạo đức và chính trị bắt nguồn từ bản chất của các sự vật và bản chất con người, mang tính phổ quát và áp dụng cho mọi người ở mọi thời điểm và có thể được nhận thức bởi  những phương tiện hợp lí thông thường.
Đây là học thuyết lấy quan niệm luật tự nhiên là lí tính tri thức, lấy triết học tự nhiên và nhận thức luận làm căn cứ luận và được nhận thức bằng phương pháp logic.

 


[1] Platon (427 - 347 tr.cn), tên thật là Aristoclès, là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại, khối óc toàn diện nhất trong những triết gia Hy Lạp cổ đại.
[2] Aristotle(384 - 322 tr.cn) sinh tại Stagia (Hy Lạp), học trò Platon. Aristotle đã đặt nền tảng của luật tự nhiên trong chính bản tính của con người (natura humana) và đặt cơ sở đạo đức học cho pháp luật.
[3] Cicéron (106 - 43 tr.cn) là triết gia và luật gia La Mã cổ đại, được mệnh danh là Đại biểu của trí tuệ La Mã, tác giả của “Nền Cộng hòa” (De Republica).
[4] Xem: Viện khoa học pháp lí, Bộ tư pháp, Từ điển luật học, Nxb. Tư pháp, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2006, tr. 608.
[5] St.Augustine (354 - 430) nhà văn, giáo sư tu từ học, triết gia thần học La Mã, nhà tư tưởng khởi thủy Thiên Chúa giáo, trụ cột trong việc khẳng định chân lí đạo Cơ đốc. Ông được tôn xưng là Tiến sĩ ân sủng, Đại bàng của các nhà thông thái, Cha của phương Tây và Giáo hoàng suy tôn suốt thời Trung cổ.
[6] Thomas D’aquin (1225 -1274) là triết gia thần học người Ý, tu sĩ dòng Dominic, tiến sĩ Giáo hội Công giáo; được xem là đại diện tiêu biểu của trường phái luật tự nhiên tôn giáo. Học thuyết của ông được ví như Vương cung thánh đường tri thức của thần học thế kỉ XIII và có vị trí lớn trong lịch sử tư tưởng.
[7] Hugo Grotius (1583 - 1645) là triết gia, kịch tác gia và thi sĩ, nhà luật học nổi tiếng người Hà Lan. Hugo đưa ra các luận điểm nổi tiếng về pháp luật tự nhiên và đặt nền móng cho Công pháp quốc tế; có vai trò to lớn trong việc giải thoát lí luận nhà nước và pháp luật khỏi sự bảo hộ của thần học và chủ nghĩa kinh viện trung đại.
[8] Thomas Hobbes (1588 - 1679) là nhà triết học người Anh theo Đạo Tin lành.
[9] Barud Spinoza hay Benedictus de Spinoza (1632 - 1677) là nhà triết học người Hà Lan gốc Do Thái, một trong những nhà duy lí vĩ đại của triết học thế kỉ XVII và là nhà luân lí học có quan điểm dứt khoát.
[10] John Locke (1632 - 1704) là triết gia, nhà tư tưởng lớn người Anh; tác giả của “Hai khảo luận về chính quyền” (Two Treatives on Government) viết trong thời gian bị lưu đày ở Hà Lan. Tác phẩm này khiến cho tên tuổi Locke vĩnh viễn không thể xóa mờ trong lịch sử tư tưởng nhân loại.
[11] S.L.Montesquieu (1689 - 1755) là đại biểu nổi bật và hoàn chỉnh của chủ nghĩa tự do, nhà tư tưởng vĩ đại thời kì Khai sáng với tư tưởng đề cao “Tinh thần pháp luật” (Spirit of the Laws). Cùng với Khế ước xã hội của Rousseau, Tinh thần pháp luật của Montesquieu được coi là bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lí, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc Cách mạng tư sản 1789.
[12] JJ. Rousseau (1712 - 1778) là nhà tư tưởng vĩ đại, cha đẻ của thuyết “Khế ước xã hội”. Cùng với tác phẩm của những nhà tư tưởng cùng thời, Khế ước xã hội đã tạo ra sức mạnh tinh thần cho các cuộc Cách mạng tư sản. Cuốn sách  chỉ ra định hướng xây dựng xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, được coi là Thánh kinh chính trị của Cách mạng dân chủ.
[13] Emmanuel Kant (1724 - 1804) được mệnh danh là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây, người đặt nền tảng và điểm xuất phát của triết học Đức hiện đại.
[14] Hegel (1770 - 1831) là nhà triết học vĩ đại Đức theo chủ nghĩa duy tâm khách quan. Một trong những tư tưởng bất hủ của Hegel được trình bày dưới hình thức duy tâm là sự khẳng định con người là chủ thể đồng thời là kết quả của lịch sử và lịch sử là kết quả hoạt động của con người.
[15] Xem: Hegel F.W.G, Các nguyên lí của triết học pháp quyền, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010, tr. 192.
[16] Institutionen là phần thứ nhất của Bộ luật dân sự La Mã (Corpus Iuris Civilis) mang hình thức sách giáo khoa. Pandekten là tập hợp các trích dẫn từ những tác phẩm của các cá nhân nhà luật học và các bộ luật trong quá khứ.
[17] Xem: Hegel F.W.G, Các nguyên lí của triết học pháp quyền, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr. 29.
[18] Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 3, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr. 420 - 421.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(262), tháng 3/2014)