Cơ sở và những nội dung cơ bản của đạo đức công vụ

01/02/2014

ThS. NGUYỄN TIẾN HIỆP

Học viện Hành chính Quốc gia

Hiện nay, khá nhiều người đã cho rằng cần sớm ban hành Luật Đạo đức công vụ để đặt ra một cách đầy đủ, tập trung những quy định có liên quan về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể hình thành đầy đủ và bảo đảm tính hợp lý, khả thi của các quy định pháp luật về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nước ta, cần xuất phát từ những cơ sở khoa học mà không thể chủ quan duy ý chí. Đồng thời, cũng cần có xuất phát điểm đúng đắn để quy định đúng và đủ những nội dung cơ bản của đạo đức công vụ, có nghĩa là phải xác định các cơ sở để hình thành những quy định về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước
Untitled_410.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Cơ sở để hình thành những nội dung cơ bản của đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước
Xét từ góc độ khoa học, có thể xác định nhiều nội dung khác nhau làm cơ sở để hình thành những nội dung cơ bản của đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, cần chú trọng các nội dung điển hình sau:
Một là, cơ sở chính trị.
Về chính trị, trước hết cần căn cứ vào tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Theo Người, đạo đức công vụ bao gồm những nội dung cơ bản: Nhân, nghĩa, trí, dũng1; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư2; có tinh thần trách nhiệm cao với công việc3; có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ4; khiêm tốn, cầu tiến bộ5; chấp hành nghiêm kỷ luật6; có tinh thần đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp7.
Đồng thời, phải căn cứ vào quan điểm của Đảng, Nhà nước về đạo đức công vụ.
Ngay từ khi mới giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, Đảng ta đã khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”, xây dựng “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, nhằm đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân8.
Kể từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta càng chú trọng đến vấn đề này. Nhiều văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X của Đảng đều đã đề cập việc xây dựng một chính quyền không có đặc quyền, đặc lợi, hoạt động vì nhân dân, trong đó cán bộ công chức nhà nước thật sự là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân.
Chỉ sau được thành lập được một thời gian ngắn, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có rất nhiều văn bản pháp luật thể hiện những quan điểm nói trên. Đặc biệt, Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam đã quy định: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân… Công chức Việt Nam phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”9; “công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” 10
Từ đó, trong tất cả mọi thời kỳ cách mạng sau này, tư tưởng trên đã được kế thừa, đưa vào trong các Hiến pháp, với những quy định cụ thể: Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”11; “Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”12; “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”13.
Trong mỗi thời kỳ, những quy định trên trong Hiến pháp đều đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật và dưới luật, với nhiều quy định chi tiết về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, những quy định đó còn tản mát, chưa tập trung trong một văn bản nên còn chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống.
Hai là, cơ sở kinh tế.
Để có thể tạo ra sự phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần bình đẳng nhau, theo cơ chế thị trường, pháp luật nói chung, quy định về đạo đức công vụ nói riêng cần có sự phù hợp để góp phần tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước tận tâm, tận ý với công vụ, là những người đầy tớ phục vụ nhân dân, đoạn tuyệt tư tưởng “ban, cho”, tư tưởng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế - những tư tưởng thịnh hành trong thời kỳ bao cấp trước đây.
Bên cạnh đó, cũng cần xuất phát từ việc xác định nền kinh tế có sự quản lý của Nhà nước, định hướng XHCN để xác lập các nội dung của đạo đức công vụ. Có như vậy, mới có thể tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với chế độ, có trách nhiệm cao trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Ba là, cơ sở văn hóa - xã hội.
Cần dựa trên những nét tốt đẹp của nền văn hóa, những thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, như: tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; phương châm sống “mình vì mọi người”, “lá lành đùm lá rách”; đạo lý “giấy rách giữ lấy lề”, dám làm dám chịu… để hình thành nên những quy định cơ bản của đạo đức công vụ, có như vậy mới kế thừa và phát huy được những nét tinh hoa trong bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo ra sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Bốn là, cơ sở pháp lý.
Cơ sở pháp lý của Luật Đạo đức công vụ là Hiến pháp 1992, sửa đổi, sung năm 2013. Tại Điều 8 Hiến pháp quy định: “ Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
2. Những nội dung cơ bản của các quy định pháp luật về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức  
Quy định về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức bao gồm nhiều nội dung khác nhau, là những chuẩn mực pháp luật về hành vi ứng xử của người cán bộ, công chức. Trong khi đó, việc đánh giá hành vi ứng xử của cán bộ, công chức chỉ được đặt ra trong mối quan hệ giữa từng cán bộ, công chức cụ thể với những chủ thể khác. Bên cạnh đó, để có thể hình thành và nâng cao đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, công chức, Nhà nước cũng cần đòi hỏi cán bộ, công chức tự thân rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt. Nếu căn cứ vào tính chất mối quan hệ trong công vụ của cán bộ, công chức, có thể chia các quy định về đạo đức công vụ thành một số nhóm sau đây: 
Thứ nhất, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với Đảng và Nhà nước.
Trong mối quan hệ này, trước hết cán bộ, công chức phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngoài việc xác định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là hết lòng phụng sự Tổ quốc, còn phải xuất phát từ vị trí, vai trò của cán bộ, công chức là những người nắm giữ ít nhiều bí mật của Nhà nước để xác định nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ bí mật quốc gia.
Đồng thời, do là người có mối quan hệ đặc biệt, gắn bó mật thiết với Nhà nước nên cán bộ, công chức phải tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước; phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách, của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, để hoạt động của Nhà nước có hiệu quả, hiệu lực thì mỗi cán bộ, công chức phải có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tận tâm tận lực với công vụ được giao. Nếu thiếu phẩm chất này, thì người cán bộ, công chức sẽ tự biến mình thành “cái máy biết đi” để “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thờ ơ với công việc của cơ quan, đơn vị, thậm chí chây lười, trốn tránh việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, do thực tiễn xã hội rất phong phú và luôn biến động nên hoạt động quản lý nhà nước rất đa dạng và phức tạp. Để có thể hoàn thành công vụ của mình, cán bộ, công chức còn phải rèn luyện để có được sự chí công, vô tư, tính sáng tạo linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước. Sự sáng tạo, linh hoạt đó phải xuất phát từ “cái tâm” của người cán bộ, công chức và phải trong khuôn khổ pháp luật.
Đặc biệt, do bộ máy nhà nước là một chỉnh thể, nên để bảo đảm sự thông suốt trong quá trình vận hành thì mỗi cán bộ, công chức - bộ phận nhỏ nhất của bộ máy đó - ngoài việc được bố trí đúng vị trí, còn cần tuân thủ đầy đủ các quy tắc trong vận hành: Kỷ luật nội bộ trong bộ máy nhà nước. Điều đó có nghĩa, cán bộ, công chức cần có tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật nhà nước.
Thêm vào đó, cán bộ, công chức cần có tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, không sử dụng công quỹ, tài sản của cơ quan, của Nhà nước vào những việc mang tính vụ lợi.
Thứ hai, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với nhân dân.
Do Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nên mỗi cán bộ, công chức đều phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không được có hành vi cửa quyền, ức hiếp hoặc sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân. Cần có nhận thức đúng đắn về bổn phận là công bộc của nhân dân để mỗi cán bộ, công chức nhà nước tự gạt bỏ tư tưởng tự cho mình là người “cai trị”, có quyền “ban phát” cho người dân những thứ thuộc về quyền lợi của họ, từ đó loại bỏ cách hành xử thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng đối với người dân.
Để có thể nắm bắt kịp thời, chính xác những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, công chức cần phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Có như vậy, mới tránh được bệnh quan liêu, hình thức hời hợt trong hoạt động công vụ.
Mặt khác, hoạt động công vụ luôn cần được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát thì mới hạn chế được những lệch lạc, sai phạm có thể xảy ra. Trên thực tế, các sai phạm, lệch lạc trong hoạt động công vụ rất đa dạng, xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, như: có sự lạm quyền, vụ lợi; yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ… của người cán bộ, công chức. Vì vậy, việc quy định cán bộ, công chức phải chịu sự giám sát của nhân dân, vừa có vai trò quan trọng trong việc buộc Nhà nước phải xây dựng cơ chế hữu hiệu để nhân dân có thể giám sát hoạt động công vụ; vừa góp phần tạo ra nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò giám sát của nhân dân, từ đó có sự tự giác, chủ động trong việc công khai hóa hoạt động công vụ, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động công vụ.
Thứ ba, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với đồng nghiệp.
Trước hết, cán bộ, công chức cần có tinh thần dân chủ, đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp trong việc thực hiện công vụ vì điều đó sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp mọi người có thể khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, để có được sự đoàn kết, nhất trí nội bộ, cũng cần cấm cán bộ, công chức thực hiện hành vi gây bè phái, cục bộ trong cơ quan, đơn vị.
Trong mỗi công vụ, pháp luật luôn đặt ra những quy định cần thiết về kỷ luật công vụ. Nhờ kỷ luật công vụ, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức trong công vụ được xác định; cách thức vận hành bộ máy, thủ tục thực hiện công vụ được ấn định nên công vụ được tiến hành theo đúng quy trình đã định, đạt hiệu quả đã đặt ra trong quản lý. Có tuân thủ các kỷ luật đó, công vụ mới có thể được thực thi có hiệu quả. Vì vậy, người cán bộ, công chức cần có tinh thần tự giác trong việc chấp hành kỷ luật công vụ. 
Trong quan hệ với đồng nghiệp, cán bộ, công chức cần có đức tính trung thực vì sự thiếu trung thực không chỉ làm cho những thông tin liên quan đến công vụ bị sai lệch, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ, mà còn trực tiếp tạo ra sự thiếu tin tưởng, hoài nghi của đồng nghiệp trong các hoạt động khác, là mầm mống gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trong quan hệ với đồng nghiệp, cán bộ, công chức còn cần phải có tính khiêm tốn vì sự kiêu căng luôn vừa triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên, vừa tạo ra sự xa lánh của đồng nghiệp, là mầm mống gây ra sự mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cán bộ, công chức còn cần có tinh thần cầu thị, nhờ đó có thể học hỏi kinh nghiệm hay của đồng nghiệp, dám nhận ra những khuyết điểm của mình nhằm sửa chữa, khắc phục để vươn lên.
Thứ tư, những quy định về sự tự thân phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, công chức.
Một mặt, cần buộc cán bộ, công chức thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tác phong, không tham gia vào các tệ nạn xã hội. Có như vậy, người cán bộ, công chức mới không bị gục ngã trước những cám dỗ về vật chất, không bị dao động tư tưởng trước những dư luận, thông tin đa chiều, kiên định và giữ vững quan điểm, lập trường cách mạng trong quá trình thực thi công vụ.
Mặt khác, cán bộ, công chức cần tích cực, tự giác trong việc học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là trình độ chuyên môn, để nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt công vụ được giao./.

 


1Hồ Chí Minh, Bàn về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 426, 427.
2Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 158-159.
3Hồ Chí Minh, Sđd , tập 6, tr. 346.
4Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr 41.
5Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 73-74.
6Hồ Chí Minh, Bàn về nhà nước và pháp luật, Sđd, , tr 502.
7Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr 54-55
8Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội,1980, tr. 463.
9Lời nói đầu.
10Điều 2.
11Điều 6 Hiến pháp 1959.
12Điều 8 Hiến pháp 1980.
13Điều 8 Hiến pháp 1992.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(260), tháng 2/2014)