Góp ý hoàn thiện quy định về bảo hiểm xã hội một lần trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

17/06/2024

PGS.TS. BÀNH QUỐC TUẤN

Viện Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Thủ Dầu Một,

THS. NGUYỄN HOÀNG ANH

Trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương

Tóm tắt: Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt nhiều kết quả to lớn trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm. Tuy nhiên, những nỗ lực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang gặp phải rào cản là sự chưa phù hợp giữa quy định pháp luật với thực tiễn cuộc sống, nhất là liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được soạn thảo trong bối cảnh nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; và quy định về bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 74 Dự thảo Luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích nguyên nhân, hệ quả của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; nghiên cứu kinh nghiệm của một quốc gia; từ đó, đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật về vấn đề này.
Từ khóa: Bảo hiểm xã hội; rút bảo hiểm xã hội một lần; Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Abstract: Recently, Vietnam Social Insurance has obtained significant achievements in expanding insurance coverage. However, the efforts of Vietnam Social Insurance are facing a barrier due to the inconsistency of the legal regulations and real life practices, especially in relation to the matter of lump-sum withdrawal of social insurance. The Bill of Law on Social Insurance (amended) was developed in the context of several employees withdrawing social insurance in a lump-sum payment manner; and it appears that the provisions on lump-sum withdrawal of social insurance in Article 74 of the Bill of Law contain particular shortcomings. Within this article, the authors provide an analysis of the causes and consequences of the lump-sum withdrawal of social insurance; review relevant experience in a number of foreign countries; and accordingly give out recommendations for further improvements to the concerned provisions of the Bill of Law.
Keywords: Social insurance; lump-sum withdrawal of social insurance; Bill of Law on Social Insurance (amended).
Bao-hiem-xa-hoi.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
1. Rút bảo hiểm xã hội một lần: Nguyên nhân và hệ quả
Theo báo cáo đầu tháng 3/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội(BHXH) một lần đối với người lao động, giai đoạn 2016 - 2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia nhưng cũng có tới 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Tính trung bình, mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Trong số 4.058.317 người lao động được giải quyết hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021, có tới 77,5% là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi. Số người hưởng BHXH một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chiếm rất ít chỉ 0,79%[1].
Việc người lao động rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
1.1. Nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội một lần
Tình trạng người lao động rút BHXH một lần xuất hiện trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân:  
Thứ nhất, do người lao động khó khăn về kinh tế và khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt.Dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đa phần người hưởng BHXH một lần là lao động trẻ, quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Hầu hết người lao động rút BHXH một lần đều biết việc làm này là thiệt thòi, nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần bởi lý do kinh tế túng thiếu hay bức bách vì nợ nần[2]. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, khi chấm dứt hợp đồng lao động đủ một năm người lao động đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần.
Thứ hai, một số quy định, chính sách còn chưa thật phù hợp, hấp dẫn. Theo các chuyên gia, “một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng là do việc thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động: quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu dài, dẫn đến giảm nỗ lực tiếp tục tham gia đóng góp của một bộ phận người lao động; điều kiện nhận BHXH một lần khá dễ dàng”[3]. Với quy định thời gian tham gia tối thiểu phải đủ 20 năm đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí dẫn đến đa số người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 10 năm khó chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, những trường hợp từ 45 - 50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu. Người lao động lựa chọn rút BHXH một lần thay vì chờ đợi để nhận lương hưu[4].
1.2. Hệ quả của việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Thứ nhất, khi đã giải quyết BHXH một lần thì người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước tổ chức, thực hiện và bảo hộ. Tình trạng rút BHXH một lần của người lao động có xu hướng gia tăng, việc này được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi nó tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội. Chẳng hạn, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Đồng thời, khi có nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, điều này đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là bảo đảm an sinh cho mọi người dân.  
Thứ hai, số tiền nhận được ít hơn so với số tiền đóng vào quỹ BHXH). Bởi theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/2015 của BHXH Việt Nam Ban hành quy định về quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng; trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán cao nhất bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi và 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014 và mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014.
Thứ ba, mất cơ hội hưởng lương hưu nguồn thu nhập ổn định hữu ích khi về già. Người lao động mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động; hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần. Khi không có lương hưu hàng tháng để trang trải cuộc sống lúc về già, người lao động phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân vì không còn khả năng lao động. Bên cạnh đó, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tử tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời…
2. Kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số quốc gia về nhận bảo hiểm xã hội một lần
Tại Hàn Quốc, hệ thống hưu trí của Hàn Quốc cũng bao gồm các chế độ trợ cấp khác nhau. Chế độ hưu trí quốc gia là một hệ thống được hỗ trợ tài chính một phần và mức hưởng xác định theo quy định của BHXH cho 53% số người trong lực lượng lao động. Người sử dụng lao động và người lao động đóng góp lần lượt 4,5% tổng lương vào hệ thống. Công thức tính mức hưởng trợ cấp bao gồm một khoản cơ bản và khoản dựa trên thu nhập. Hệ thống này được thực hiện theo từng bước và áp dụng tỷ lệ cộng dồn trung bình là 1,5% trong toàn bộ khoảng thời gian đóng góp 40 năm với mức hưu trí tối đa được hưởng khi người đóng bảo hiểm đến tuổi 60. Độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 65 tuổi vào năm 2033. Hàn Quốc cũng thực hiện các chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động trong khu vực công. Theo Điều 77 Luật Hưu trí quốc gia, Hàn Quốc quy định các trường hợp hưởng BHXH một lần bao gồm: (i) Đủ 60 tuổi nhưng chưa đủ 10 năm đóng BHXH; (ii) Bị mất quốc tịch hoặc (iii) Ra nước ngoài để định cư[5].
Tại Trung Quốc, theo Luật BHXH, để đủ điều kiện nhận lương hưu, người lao động phải đóng BHXH tối thiểu 15 năm và đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp tại Trung Quốc (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ). Luật BHXH Trung Quốc quy định: “Người đóng bảo hiểm tuổi già cơ bản sẽ nhận được lương hưu cơ bản hàng tháng nếu thời gian đóng tích lũy của người đó không ít hơn 15 năm khi đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp. Nếu thời gian tích lũy đóng bảo hiểm của thành viên bảo hiểm tuổi già dưới 15 năm, khi người này đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp, người này có thể nhận bảo hiểm tuổi già hàng tháng sau khi đóng bù thêm vào cho đủ khoản đóng BHXH được yêu cầu trong 15 năm. Người đóng có thể lựa chọn chuyển sang BHXH nông thôn mới hoặc BHXH hưu trí dành cho người dân thành thị và nhận lương hưu theo quy định của Chính phủ”[6]. Ở Trung Quốc, mặc dù quy định nếu có dưới 15 năm đóng góp, người được bảo hiểm có thể lựa chọn dừng đóng và nhận chi trả một lần, nhưng Nhà nước vẫn khuyến khích người dân duy trì việc đóng góp với các hình thức: (i) Những người tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí cơ bản trước năm 2011 ở độ tuổi nghỉ hưu theo luật định và có ít nhất 10 năm nhưng dưới 15 năm làm việc thuộc diện bao phủ BHXH có thể đóng góp một khoản tiền một lần để đủ điều kiện hưởng hưu trí cơ bản; (ii) Những người được bảo hiểm đủ 60 tuổi với dưới 15 năm làm việc thuộc diện bao phủ BHXH có thể tiếp tục đóng góp cho đến khi họ đủ điều kiện hoặc thực hiện khoản đóng góp một lần vào chương trình hưu trí dành cho nông dân và cư dân thành thị không làm công ăn lương (có sự hỗ trợ của Nhà nước) để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí[7].
Tại Thái Lan, người lao động khu vực chính thức chỉ được nhận lương hưu sau tuổi 55 khi đã tham gia BHXH đủ 180 tháng (tức 15 năm). Người lao động chỉ được nhận BHXH một lần khi đã đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng góp dưới 180 tháng, với mức hưởng BHXH một lần bằng tổng số tiền đóng góp của bản thân người lao động cộng với lợi tức đầu tư trong thời gian đóng góp[8]. Đối với những người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian tham gia BHXH dưới 180 tháng, họ không đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng. Thay vào đó, họ sẽ nhận BHXH một lần với mức hưởng bằng tổng số tiền đã đóng góp cộng với lợi tức đầu tư trong thời gian đóng góp. Quy định này thúc đẩy người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giúp tăng tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội. Bảo đảm an sinh cho người lao động, việc có lương hưu sau 15 năm đóng BHXH giúp người lao động có thu nhập ổn định sau khi nghỉ hưu, giảm gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình. Về phương thức hoàn trả BHXH một lần bao gồm cả lợi tức đầu tư giúp bảo đảm rằng người lao động nhận được phần tiền xứng đáng với số tiền họ đã đóng góp, đồng thời tạo động lực cho cơ quan BHXH quản lý và đầu tư quỹ hiệu quả. Tuy nhiên, quy định trên có những thách thức và cơ hội. Về thách thức, người lao động đối mặt với việc không thể tham gia đủ 15 năm BHXH có thể gặp khó khăn tài chính khi nghỉ hưu, đặc biệt nếu số tiền nhận một lần không đủ để trang trải cuộc sống dài hạn. Về cơ hội, quy định này có thể khuyến khích người lao động, đặc biệt là trong khu vực phi chính thức, tham gia vào BHXH để bảo đảm họ được hưởng quyền lợi khi về hưu. Nhìn chung, hệ thống BHXH tại Thái Lan với quy định nhận lương hưu sau 15 năm đóng góp tạo ra một cơ chế an sinh xã hội bền vững, khuyến khích sự tham gia lâu dài của người lao động và bảo đảm sự công bằng trong phân phối quyền lợi an sinh.
Tại Philippines, chương trình trợ cấp tuổi già cho phép người lao động được hưởng trợ cấp một lần khi đủ tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) nhưng có dưới 120 tháng tham gia với mức hưởng được tính từ số tiền đóng quỹ của người lao động và người sử dụng lao động cộng với tiền lãi phát sinh[9]. Chương trình trợ cấp tuổi già giúp bảo đảm một mức độ an toàn tài chính cho những người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng, đặc biệt là những người có sự nghiệp không ổn định hoặc làm việc trong các ngành nghề không cố định. Việc cung cấp khoản trợ cấp một lần giúp giảm nguy cơ nghèo đói cho người cao tuổi, bảo đảm họ có một khoản tiền nhất định để trang trải cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Chương trình này khuyến khích người lao động tham gia BHXH ngay cả khi họ không thể bảo đảm thời gian đóng góp dài hạn, tạo động lực cho cả người lao động và người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ.
Việc tính lãi phát sinh từ các khoản đóng góp đòi hỏi quỹ BHXH phải được quản lý và đầu tư hiệu quả để bảo đảm lợi tức cho người lao động. Cơ chế này giúp bảo đảm tính bền vững tài chính của quỹ BHXH, vì người lao động nhận khoản trợ cấp một lần thay vì lương hưu hàng tháng, giảm bớt gánh nặng chi trả dài hạn cho quỹ.
So với các quốc gia sử dụng mô hình đa trụ cột, hệ thống của Philippines tập trung vào việc bảo vệ người lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn hơn, trong khi nhiều quốc gia khác kết hợp giữa BHXH bắt buộc, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và tiết kiệm cá nhân để tạo ra một hệ thống toàn diện hơn. Hệ thống của Philippines mở rộng phạm vi bảo vệ cho những người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng, tương tự như Thái Lan nhưng với yêu cầu thời gian đóng góp ngắn hơn (10 năm so với 15 năm).
Có thể thấy rằng, chương trình trợ cấp tuổi già tại Philippines với quy định trợ cấp một lần giúp bảo vệ người lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn hạn, bảo đảm họ có một khoản tiền để trang trải cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hệ thống này cần tiếp tục cải thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và bảo đảm tính bền vững tài chính trong tương lai.
Tại Đức, không có giới hạn mức lương hưu tối thiểu. Nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức sống tối thiểu, sẽ được Nhà nước trợ cấp bù cho bằng với mức sống tối thiểu. Việc chi trả BHXH một lần cho một khoảng thời gian đóng góp ngắn là không có quy định. Tuy nhiên, Luật Hưu trí của Đức quy định, người lao động phải có ít nhất 5 năm đóng BHXH hưu trí mới được quyền làm đơn xin hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng, với điều kiện là giới hạn về tuổi là 65 tuổi. Từ năm 2012, tuổi giới hạn này tăng dần mỗi năm là 1 tháng cho tới khi đạt 67 tuổi. Mức hưởng sẽ phụ thuộc vào mức đóng[10].
Đối với người đóng BHXH hưu trí chưa đủ 5 năm mà có yêu cầu thì họ sẽ được nhận BHXH hưu trí một lần và chỉ được nhận phần do chính người lao động đóng góp. Trường hợp này thường được áp dụng đối với những người lao động nước ngoài có thời gian lưu trú ngắn hạn ở Đức. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản tiền trả một lần cho người lao động nếu họ không đóng đủ 5 năm chỉ là phần mà họ đã đóng góp từ phần tiền lương của họ, còn phần đóng góp BHXH của người sử dụng lao động thì không phải là một phần tiền lương của người lao động. Phần đóng góp của người sử dụng lao động nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thì đây sẽ là một phần của chi phí cho lao động. Đó là lý do cơ bản mà người lao động không được nhận phần đóng góp của người sử dụng lao động nếu họ không hưởng chế độ hưu trí. Doanh nghiệp hay người sử dụng lao động không được hoàn trả lại phần tiền đã đóng góp cho người lao động, vì đó là khoản đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội.
Tại Hoa Kỳ, người lao động buộc phải tham gia bảo hiểm hưu trí giống như ở Việt Nam, tuy nhiên, người lao động chỉ có thể nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng, không tồn tại chính sách về BHXH một lần. Trong điều kiện tối đa, người lao động chỉ cần 10 năm làm việc là có thể tích lũy đủ 40 tín chỉ BHXH để nhận trợ cấp hưu trí. Trong khi đó, tại Việt Nam, ở hầu hết trường hợp, người lao động phải đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm mới đạt điều kiện để hưởng trợ cấp hưu trí, 20 năm là quá lâu, đặc biệt với những lao động làm các công việc không ổn định[11]
Tại Hoa Kỳ, người lao động chỉ có thể nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng, không có chính sách nhận trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp hàng tháng được tính dựa trên mức thu nhập trung bình trong suốt cuộc đời làm việc và tuổi bắt đầu nhận trợ cấp. Người lao động có thể bắt đầu nhận trợ cấp từ 62 tuổi, nhưng nếu đợi đến 67 tuổi hoặc lâu hơn, mức hưởng sẽ cao hơn. Hệ thống bảo hiểm hưu trí của Hoa Kỳ bảo đảm rằng, người lao động chỉ cần làm việc 10 năm là có thể hưởng trợ cấp hưu trí, giúp giảm bớt áp lực tài chính khi nghỉ hưu. Hệ thống này bảo vệ tốt hơn cho những người lao động có sự nghiệp không ổn định hoặc làm việc trong các ngành nghề thay đổi nhiều.
Hệ thống an sinh xã hội của Hoa Kỳ kết hợp bảo hiểm hưu trí bắt buộc với các kế hoạch hưu trí tư nhân và các khoản tiết kiệm cá nhân, tạo ra một hệ thống đa trụ cột linh hoạt và toàn diện hơn. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam chủ yếu dựa vào bảo hiểm hưu trí bắt buộc, cần cải thiện để tạo ra một hệ thống đa trụ cột toàn diện hơn, bao gồm các kế hoạch hưu trí tự nguyện và tiết kiệm cá nhân.
Một số nhận xét:
(i) Về chính sách BHXH một số nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… cho thấy, người lao động chỉ được hưởng BHXH một lần khi hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Quy định này khắt khe hơn nhiều so với quy định hiện hành về hưởng BHXH một lần của Việt Nam được quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Theo đó, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Như vậy, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được nhận BHXH một lần nếu có yêu cầu.
(ii) Một số quốc gia có cân nhắc và quy định về hình thức nhận BHXH một lần với việc chi trả BHXH một lần, nhưng chỉ được thực hiện khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng hưu trí định kỳ (hàng tháng, quý hoặc năm) và người lao động được khuyến khích tiếp tục đóng BHXH để có thể đủ điều kiện hưởng hưu trí trong tương lai.
(iii) Các nước cũng quy định điều kiện đóng góp để hưởng hưu trí chỉ từ 10-15 năm, không quá dài như ở Việt Nam với 20 năm đóng BHXH. Hơn nữa, người lao động được khuyến khích tiếp tục đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng hưu trí trong tương lai.
3. Khuyến nghị hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về bảo hiểm xã hội một lần[12]
Theo Điều 74 Dự thảo Luật quy định về BHXH một lần, người lao động yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần khi đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư. Bên cạnh đó, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định của Bộ Y tế nếu yêu cầu sẽ được rút BHXH một lần. Tại điểm đ khoản 1 Điều 74 Dự thảo Luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án rút BHXH một lần: 
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật mới có hiệu lực, nên đối với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt là trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực. Đồng thời, tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật mới có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần[13].
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Phương án này, hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động có nhiều cơ hội đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu hơn khi đến tuổi nghỉ hưu.
Nhìn chung, hai phương án trong Dự thảo Luật đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần, đánh giá mỗi phương án đều có ưu điểm riêng. Tuy nhiên, cả hai phương án rút BHXH một lần mà cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn còn một số hạn chế:
Một là, chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc; người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH được nhận BHXH một lần nếu có yêu cầu. Thực chất quy định này là cho phép thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần như quy định của Luật BHXH năm 2006. Trong khi đó, Dự thảo Luật quy định: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện” thì mới được rút BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.
Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như đối với quy định của Luật BHXH năm 2014. Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng BHXH ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Hai là, thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại các Điều 71, 72, Dự thảo Luật đã quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, cả 2 phương án về BHXH một lần nêu trên vẫn quy định điều kiện hưởng là người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Quy định này là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, chưa bảo đảm tính thống nhất với các nội dung khác trong Dự thảo Luật.
Ba là, theo phương án 2, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Quy định này chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không (trừ các trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này). Ngoài ra, trường hợp sau khi nghỉ việc và hưởng BHXH một lần (lần thứ nhất), còn 50% thời gian đóng chưa hưởng và đi làm cho người sử dụng lao động khác và lại nghỉ việc đi hưởng BHXH một lần (lần thứ hai) thì lúc này việc tính 50% thời gian hưởng thế nào? Có cộng dồn 50% thời gian chưa hưởng của lần thứ nhất hay không. Vì thực tế có nhiều lao động khi nhảy việc qua các công ty khác nhau làm một thời gian lại nghỉ việc và tiếp tục làm hồ sơ hưởng BHXH một lần.
Từ các hạn chế nếu trên, tác giả khuyến nghị hoàn thiện quy định về BHXH một lần trong Dự thảo Luật như sau:
Thứ nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với điểm đ khoản 1 Điều 74 Dự thảo Luật. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, “BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân khi về già. Tuy nhiên, Luật BHXH hiện nay cho phép rút 100% dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm, "lợi trước mắt nhưng hại lâu dài". Chưa kể số tiền khi rút BHXH một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH”[14].
Dự thảo Luật nên sửa đổi theo phương án 2, đồng thời điều chỉnh phương án 2 theo hướng: Đối với những người tham gia sau khi Luật mới có hiệu lực không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật mới có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút một phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần và thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn như: (i) Nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm. Nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện cần thiết; (iii) Người lao động có thể rút 50% và bảo lưu 50%. Phương án này cũng giảm việc người lao động hưởng BHXH một lần khi vẫn trong độ tuổi lao động và có khả năng làm việc, hướng dẫn tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai lúc về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng. Hiện nay, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và dự báo đến năm 2036 tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 14%.
Thứ hai, giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí.  Về điều kiện đóng để được hưởng, đa số các nước hiện đang quy định là 10 hoặc 15 năm (ngắn hơn so với quy định 20 năm của Việt Nam hiện nay). Dự thảo Luật nên quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi BHXH. Cùng với đó, tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn, như 45 - 47 tuổi mới tham gia lần đầu, hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.
Pháp luật BHXH Việt Nam cần nghiên cứu giảm dần thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và đạt mức 10 năm như một số quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... Trong tương lai, khi thời gian đóng BHXH để hưởng trợ cấp hưu trí giảm xuống (tức người lao động sớm được tiếp cận trợ cấp hưu trí hơn), cần thiết phải siết chặt các quy định về việc hưởng BHXH một lần sao cho hạn chế đến mức tối đa việc người lao động yêu cầu hưởng loại bảo hiểm này, buộc người lao động còn trong độ tuổi lao động không được hưởng BHXH một lần. Điều này là tốt cho người lao động và tốt cho sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Thứ ba, cần phải có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần[15]. Nêncó sự nỗ lực hơn nữa từ phía Nhà nước để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Do đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu nếu rút BHXH một lần. Như vậy, người lao động sẽ cân nhắc thiệt hơn để không rút BHXH một lần và tìm cách khác để vượt qua khó khăn nhất thời. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách tín dụng cho người lao động có nhu cầu vay tiền với lãi suất ưu đãi để họ giải quyết khó khăn tạm thời, không phải rút BHXH một lần. Khi người lao động khắc phục được khó khăn về kinh tế, ổn định cuộc sống thì sẽ quay trở lại hệ thống BHXH.
Xây dựng hệ thống BHXH trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn. Có hai chính sách chế độ BHXH ngắn hạn phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần: đó là đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Cần đưa chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng vào hệ thống an sinh xã hội hiện có. Việc thêm vào chế độ trợ cấp như vậy sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con ở độ tuổi đủ điều kiện, do đó khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống thay vì rút BHXH một lần và cũng thu hút những trường hợp người lao động chưa tham gia. Cung cấp cho các gia đình một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con họ có cũng như tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo, có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia hệ thống BHXH bắt buộc, đồng thời giảm tỷ lệ rời khỏi hệ thống BHXH từ đó tăng diện bao phủ BHXH. Hiện nay, mặc dù mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao (60%), nhưng do mức lương làm căn cứ đóng BHXH có thể thấp hơn, dẫn đến các khoản trợ cấp thất nghiệp vẫn có giá trị thấp khi so sánh với chi phí sinh hoạt và thu nhập thực tế của người lao động trước khi mất việc. Nếu tăng mức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam có thể giảm bớt động cơ rút BHXH một lần của người lao động.
Bên cạnh đó, có thể tăng thời gian chờ để được rút BHXH một lần mỗi năm tăng một tháng. Hiện tại, thời gian chờ để được rút BHXH một lần là 12 tháng, nếu theo phương pháp trên thì sau 6 năm thời gian chờ sẽ tăng thêm 50%. Người lao động sẽ dễ chấp nhận sự thay đổi như vậy, vì không cảm thấy đó là một cú sốc đáng kể đối với hệ thống và với quyền của họ.

Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần cần phải thực hiện song hành và đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tìm kiếm, hỗ trợ quay lại thị trường lao động là rất quan trọng đối với người lao động mất việc làm. Nếu có lại việc làm ngay, người lao động sẽ tiếp tục công việc và tham gia BHXH mà không nhận BHXH một lần. Giảm số người lao động rút BHXH một lần sẽ là chìa khóa để bảo đảm an ninh thu nhập tuổi già của người lao động cũng như tính bền vững tài chính và khả năng dự đoán của toàn bộ hệ thống hưu trí./.


[1] Viết Dư, Rút BHXH một lần: Lợi bất cập hại, https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202304/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-loi-bat-cap-hai-cf762c3/.
[2] Hải Yến, Sửa đổi Luật BHXH, cần tăng tính hấp dẫn của BHXH để hạn chế rút BHXH một lần, https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=78699.
[3] PV, Hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần: Vì tương lai của chính người lao động, https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=168&ItemID=17877.
[4] Ban Thời sự, Rút BHXH một lần và những hệ lụy, https://vtv.vn/xa-hoi/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-va-nhung-he-luy-20230517184909736.htm.
[5]BHXH Đà Nẵng, Xây dựng BHXH đa tầng, kinh nghiệm từ các nước, https://danang.baohiemxahoi.gov.vn/Pages/thong-tin-can-biet.aspx?CateID=0&ItemID=18443&OtItem=date.
[6] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng quan về hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc - Nhận xét và kiến nghị của Đoàn công tác tại Trung Quốc, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=20921.
[7] Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (2023), Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về BHXH của một số quốc gia trên thế giới, https://soldtbxh.haiduong.gov.vn/uploads/11-.pdf.
[8] Nguyễn Thị Ngọc Lan (2023), Chính sách hưởng BHXH một lần, kinh nghiệm một số nước và khuyến nghị đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán, số 238.
[9] Nguyễn Thị Ngọc Lan (2023), tlđd.
[10] Nguyễn Thị Ngọc Lan (2023), tlđd.
[11] Thái Vũ Hải Đăng (2022), An sinh xã hội ở Hoa Kỳ và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/an-sinh-xa-hoi-o-hoa-ky-va-mot-so-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam6607.html.
[12] Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5/2024.
[13] Hải Yến, Sửa đổi Luật BHXH, cần tăng tính hấp dẫn của BHXH để hạn chế rút BHXH một lần, https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=78699
[14] Thành Trung, Rút BHXH một lần: Còn quá nhiều ý kiến khác nhau, https://tuoitre.vn/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-con-qua-nhieu-y-kien-khac-nhau-20230422083836488.htm.
[15] Hải Yến, Sửa đổi Luật BHXH, cần tăng tính hấp dẫn của BHXH để hạn chế rút BHXH một lần, https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=78699.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11 (490), tháng 6/2024)


Thống kê truy cập

33918527

Tổng truy cập