Luật hóa việc cấm thuốc lá điện tử đối với trẻ em

07/06/2023

GS.TS. LÊ HỒNG HẠNH

Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,

PHAN QUỲNH NHƯ

Phó trưởng Ban Chính sách _ Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam.

Tóm tắt: Cũng như nhiều người trưởng thành hút thuốc lá và thuốc lá điện tử, trẻ em sử dụng loại thuốc lá điện tử và cho rằng hút thuốc lá điện tử là sang trọng, đẳng cấp và vô hại hoặc có tác hạikhông đáng kể đến sức khỏe. Tác động của những trang quảng cáo thuốc lá điện tử, sự phân hóa ý kiến ủng hộ và chống đối với chính sách, pháp luật về thuốc lá điện tử ở mỗi quốc gia càng làm gia tăng xu hướng tham gia sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ. Đối với Việt Nam, đây là vấn đề phức tạp và có nhiều rủi ro tiềm ẩn, cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học để đưa ra các giải pháp chính sách, pháp luật phù hợp nhất nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá điện tử trong thiếu niên. 
Từ khóa: Phòng, chống tác hại của thuốc lá; thuốc lá điện tử; kiểm soát thuốc lá điện tử; cấm hút thuốc lá điện tử đối với trẻ em.
Abstract: Like many adults who use tobacco products and electronic tobacco products, children also use electronic tobacco products and believe that they are luxurious, classy, and have harmless or negligible harmful effects on their health. The influence of electronic tobacco advertising sites and the different divisions of viewpoints for and against the policies and laws on electronic tobacco products in each country have increased the tendency of young people to participate in the use of electronic tobacco products. For Vietnam, this is a complicated matter and may bring potential risks, which need to be reviewed, analyzed, and significantly assessed in an objective and scientific manner to come up with the most appropriate policy and legal solutions to control the problem, prevent the use of electronic tobacco products in adolescents.
Keywords: Prevention and control of the harmful effects of tobacco; electronic tobacco products; control of electronic tobacco products; ban on electronic tobacco products to children.
THUỐC-LÁ-ĐIỆN-TỬ_3.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ
Thuốc lá điện tử (TLĐT) được phát minh ở Trung Quốc. Nó đã thực hiện một “cuộc thập tự chinh” vòng quanh thế giới như là một trào lưu mới trong hút thuốc. Sự hấp dẫn của nó cùng với quảng cáo “hầu như vô hại” khiến TLĐT thu hút ngày càng nhiều người dùng. Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi: “e-cigs,” “e-hookahs,” “mods,” “bút vape,” “vapes”.Một số loại TLĐT được sản xuất dưới dạng thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống điếu, có loại giống cây bút, ổ USB và những vật dụng thường ngày khác. Thuốc lá điện tử được định nghĩa ở nhiều tài liệu, văn bản pháp luật của các tổ chức quốc tế, các quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa TLĐT là hệ thống truyền dẫn điện tử nicotin (ENDS) và hệ thống truyền dẫn không có nicotin (ENNDS), nhiều loại khác như Xì gà điện tử, tẩu điện tử.[1]Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute) của Mỹ định nghĩa TLĐTlà dụng cụ có hình dáng của thuốc lá điếu, xì gà, hay bút viết không chứa thuốc lá sợi. Nó sử dụng pin và chứa hợp chất gồm nicotin, hương thơm và các hóa chất khác trong đó có những hóa chất độc hại.[2]Thành phần của dung dịch TLĐT còn bao gồm glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc. Thành phần phức tạp này khó cho phép ngăn được nguy cơ trà trộn ma túy tổng hợp vào trong TLĐT. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp.
Sử dụng TLĐT trở thành hiện tượng phổ biến ở nhiều nước châu Châu Âu và Bắc Mỹ dù quê hương của TLĐT là Trung Quốc. Hoa Kỳ nơi có sự phát triển về công nghiệp thuốc lá đã nhanh chóng chào đón TLĐT. Ở Anh, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng TLĐT đã tăng từ 1,7% năm 2012 lên 7,1% vào năm 2019, đồng thời tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm từ 19,6 xuống 14,7%. Tỷ lệ hút TLĐT ở các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu dao động trong khoảng từ dưới 0,2% đến hơn 7%.[3]
Việc xác lập bản đồ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nicotin rất khó do số liệu và thiếu tính đồng bộ đồng bộ về tiêu chí thu thập và đánh giá. WHO đã ban bố và thúc đẩy chương trình kiểm soát thuốc lá toàn cầu MPOWER vào năm 2008[4]. Chương trình này gồm 6 thành tố[5]: 1. Giám sát việc tiêu thụ thuốc lá và tính hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa; 2. Bảo vệ con người trước việc hút thuốc lá; 3) Đưa ra những hỗ trợ cho việc bỏ sử dụng thuốc lá; 4. Cảnh báo về sự nguyên hiểm của thuốc lá; 5. Cưỡng chế việc cấm quảng cáo thuốc lá, thúc đẩy, tài trợ hoạt động này;6. Tăng thuế thuốc lá.
Hút TLĐT trở thành một trào lưu trên thế giới. Số liệu thống kê của WHO cũng như của nhiều nhóm nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nhanh của TLĐT. Jerzyński, T., Stimson, G.V., Shapiro, H và các tác giả khác trong công trình nghiên cứu vào năm 2020 đã công bố kết quả khảo sát về mức độ phổ biến của TLĐT ở 49 quốc gia. Khảo sát này cho thấy có khoảng 58.1 triệu người hút TLĐT trên toàn thế giới năm 2018 và khoảng 68 triệu người vào năm 2020. Trong số đó, khoảng 2,1 triệu người sống ở các quốc gia thu nhập thấp, 7,8 triệu người sống ở các quốc gia có thu nhập thấp trung bình, 19 triệu ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp và 29,3 triệu người ở các nước thu nhập cao.[6]
Hút TLĐT trở nên phổ biến trong những người vị thành niên. Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia trên thế giới cho thấy việc sử dụng TLĐT có xu hướng lan tỏa nhanh hơn dù lịch sử của TLĐT là rất ngắn so với lịch sử thuốc lá điếu truyền thống. Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người vị thành niên sử dụng TLĐT cao. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy 25.3% of học sinh trung học phổ thông sử dụng ít nhất 2 loại thuốc lá trong đó phổ biến nhất là TLĐT, chiếm16.0% so với thuốc lá điếu 9.3%,xì gà 8.6% cũng như so với một số loại thuốc lá khác như ống điếu 7,2%;thuốc lá không khói (thuốc lá nhai, ngửi) 6.0%; tẩu thuốc 1.0%. Học sinh các trường trung học cơ sở có tỷ lệ sử dụng thuốc ít nhất là 2 loại,  trong đó tỷ lệ sử dụng TLĐT chiếm đến 3,3%, còn lại là các loại thuốc lá khác.[7]
Ở Anh, các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ hút TLĐT ở quốc gia này không cao trong giới trẻ. Trong khi có 2.9triệu người ở Anh hút TLĐT thì số người ở tuổi 11–16 chỉ khoảng  3%. Tuy nhiên, vẫn có sự lo ngại rất lớn đối với việc sử dụng TLĐT trong giới trẻ. Quan ngại này gắn với những kết quả khảo sát khác nhau ở các nước khi mà xu hướng vị thành niên sử dụng TLĐT tăng nhanh. Bauld, L.; MacKintosh, A.M.; Eastwood, B.; Ford, A.; Moore, G.; Dockrell, M.; Arnott, D.; Cheeseman, H.; McNeill, A đã tổng hợp và phân tích kết quả các cuộc khảo sát đối với những người từ 11–16 trên toàn nước Anh. Các cuộc khảo sát có sự tham gia của 60,000 trẻ tuổi. Năm 2015/2016, số người từ 11–16 đã từng hút thuốc lá giao động trong tỷ lệ 11% to 20%; hút thường xuyên khoảng từ 1% và 4%; đã từng hút TLĐT7% đến 18%; hút thuốc lá thường xuyên 1% đến 3%; trong số những người hút thuốc lá thì việc từng hút TLĐT khoảng 4% đến 10%. Những người từng hút thuốc lá thì việc hút TLĐT có tỷ lệ trong khoảng 0.1% đến 0.5%. Trong số những người hút thuốc lá thường xuyên thì việc từng hút TLĐT dao động trong tỷ lệ67% đến 92%, còn việc sử dụng thường xuyên TLĐT từ7% đến 38%. Các kết quả khảo sát cho thấy sự sự thắng thế của việc từng hút TLĐT song sự thắng thế của hút TLĐT thường xuyên vẫn không thay đổi, chỉ vào khoảng 1%. Điều này cho thấy việc từng thử TLĐT không chuyển hóa thành việc hút thường xuyên trong giới trẻ.[8]
Sumiyo Okawa, Takahiro Tabuchi & Isao Miyashiro thực hiện khảo sát qua internet về hút TLĐT ở Nhật Bản vào tháng 2 năm 2019.[9] Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 2.414 người tuổi từ 15–29 về hút TLĐT trong 12 tháng trước đó. Kết quả cho thấy 4.3% người tham gia khảo sát từng hút TLĐT. Phân tích hồi quy đa biến các kết quả khảo sát cho thấy việc sử dụng thuốc lá đốt và việc coi hútTLĐT như là hành vi hấp dẫn. Sự quan tâm đến hương vị, hình thức sang trọng, chức năng của TLĐT, bắt chước bè bạn là các nhân tố tác động đến việc hút TLĐTcủa giới trẻ. Những người tiến hành khảo sát đánh giá rằng mặc dù số lượng dân cư hút TLĐT chưa lớn song một số ưu thế nêu trên của TLĐT rất lôi cuốn giới trẻ và khiến nó ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy rất cần đến cơ chế giám sát việc sử dụng TLĐT trong giới trẻ ở Nhật Bản.
Ở Việt Nam, sử dụng TLĐT tăng nhanh. Số liệu được Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế công bố cho thấy chỉ 5 năm, tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng 18 lần sau 5 năm. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.[10]Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay nên người tiêu dùng có thể dễ dàng mua chúng một cách bất hợp pháp trên internet, các trang mạng xã hội.  
 Cũng giống như giới trẻ các nước, giới trẻ Việt Nam bị sự lôi cuốn của TLĐT ở các khía cạnh như hình thức sang trọng, hương thơm dễ chịu, các hoạt động quảng cáo, khuyến mại. Đặc biệt, ở Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá, trong đó có trẻ em là rất cao. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam ước tính có khoảng 15,4 triệu người hút thuốc lá.[11] Trong đó có khoảng 14,8 triệu người là nam giới và 603.000 người là nữ giới. Đây cũng là nhân tố tác động đến trào lưu TLĐT. Từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang sử dụng TLĐT là con đường khá ngắn.
   Một số lý do giải thích việc sử dụng TLĐT đang dần phổ biến trong giới trẻ, nhất là các học sinh phổ thông, đó là:
Thứ nhất, TLĐTcó chứa các hương vị hấp dẫn, kích thích khứu giác của giới trẻ. Hương vị cuốn hút khiến giới trẻ ham muốn được thưởng thức. Đây cũng là nguyên nhân được xác định qua các cuộc khảo sát việc sử dụng TLĐT trong giới trẻ, đặc biệt là trong trường học ở nhiều nước trên thế giới. Đáng lo ngại hơn là đã xuất hiện việc sử dụng ma túy núp bóng TLĐT ở Việt Nam.[12]
Thứ hai, TLĐT được thiết kế càng ngày càng đa dạng về mẫu mã, hình thức để đáp ứng thị hiếu đa dạng. Trong số đó, thiết kế hướng tới sự sang trọng, đẳng cấp ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất đến giới trẻ, những người luôn tò mò, mong muốn khám phá, trải nghiệm. Đây cũng là nguyên nhân chung lý giải tình trạng sử dụng TLĐT ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ ba, sự phát triển của công nghệ tin học ở Việt Nam diễn ra khá nhanh. Tuy đi sau rất nhiều nước song đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 12 toàn cầu về số lượng người sử dụng Internet.[13] Mức độ sử dụng Internet lớn cũng đồng nghĩa với việc tiếp cận quảng cáo TLĐT nhiều hơn, kể cả tìm hiểu lẫn mua bán thông qua thương mại điện tử. Trong bối cảnh thiếu sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, các doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo TLĐT tràn lan, hướng đến cả học đường. Nhiều nhân vật của công chúng đã tham gia hoạt động quảng cáo điện thử nên sản phẩm này có thêm sức cuốn hút đối với giới trẻ. Không ít các sự kiện, lễ hội được liên kết, tài trợ bởi các công ty sản xuất, nhập khẩu buôn bán TLĐT. Những yếu tố này thúc đẩy sự lan truyền TLĐT rất nhanh ở Việt Nam.[14]
Thứ năm, sự phản ứng của thể chế đất nước chậm và thiếu phù hợp đối với TLĐT. Biểu hiện đầu tiên là các cơ quan y tế, các trung tâm nghiên cứu chưađánh giá kịp thời, có luận cứ khoa học đối với những thông tin thiếu kiểm chứng về tính vô hại của TLĐT. Tiếp đó, cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành các quy định của pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng trẻ em sử dụng TLĐT. Mặc dù pháp luật hiện hành vẫn có những quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá song các quy định này được mặc định áp dụng đối với thuốc lá đốt truyền thống. Những bất cập trên trong thể chế hiện hành cũng góp phần làm gia tăng mức độ phổ biến của TLĐT do thiếu kiểm soát chặt chẽ.
2. Những rủi ro phát sinh từ việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với trẻ vị thành niên
Tiến sĩ  Angela Pratt - Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết TLĐT, các sản phẩm thuốc lá nung nóng thế hệ mới sử dụng pin thực sự rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên. “Chúng tôi có các bằng chứng cho thấy tác hại đáng kể mà nicotine có trong thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới có thể gây ra đối với bộ não đang phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt, những sản phẩm này có chứa các chất độc hại gây ung thư, bệnh tim và bệnh phổi… tương tự như những chất độc có trong thuốc lá thông thường.[15] Việc cấm TLĐT đối với trẻ em, người vị thành niên không chỉ để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe, trí tuệ của những mầm xanh của đất nước.[16]
   Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy TLĐT có liên quan đến tổn thương phổi. Ví dụ, trong thời gian gần đây, TLĐT có liên quan đến sự bùng phát chấn thương phổi ở Hoa Kỳ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khẳng định tình trạng tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện, khiến. Chính vì vậy, CDC phải kích hoạt một cuộc điều tra khẩn cấp về EVALI[17] vào ngày 17 tháng 9 năm 2019.[18]
Tác hại của TLĐT đặc biệt trầm trọng đối với trẻ em bởi nhiều lý do khác nhau.Các nhà khoa học[19], các trung tâm y tế[20] chỉ ra nhiều tác hại của TLĐT.
Thứ nhất, thuốc lá điện chứa chất gây nghiện nicotin, được dẫn vào cơ thể người hút bởi thiết bị điện tử. Do được bổ sung các chất gây thơm nên kích thích người hút sử dụng nhiều. Điều này dễ dẫn đến những tình trạng say, vật vã của trẻ em. Đánh giá của trung tâm nghiên cứu dịch bệnh ở Hoa Kỳ cho thấy 99% TLĐT chứa nicotin[21], một tỷ lệ gần như tuyệt đối.
Thứ hai, từ lâu, nicotine còn được bi coi là nguyên nhân gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thậm chí đối với những người trưởng thành cho đến tuổi 25, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Trẻ em hút TLĐT có thể bị đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.Tác động của nicotin đối với não của trẻ em diễn ra khi hút thuốc lá. Mỗi khi bộ não các em có một ký ức mới được tạo ra hoặc một kỹ năng mới được học, các kết nối (hoặc các khớp thần kinh) được hình thành giữa các tế bào não. Bộ não của những người trẻ tuổi tạo các khớp thần kinh nhanh hơn bộ não của người lớn. Nicotine thay đổi cách hình thành các khớp thần kinh này. Những đánh giá này được các trung tâm nghiên cứu sức khỏe, dịch bệnh ở nhiều nước công bố. Đây chính là lý do mà nhiều quốc gia cấm hay hạn chế thuốc lá đối với trẻ em. Thuốc lá điện tử chứa nicotin như thuốc lá điếu nên những tác hại này đương nhiên diễn ra khi trẻ em sử dụng chúng.
Thứ ba, thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.
Thứ tư, các hạt siêu mịn trong nicotin có thể bị hít sâu vào phổi gây tổn hại cho cơ quan đặc biệt quan trọng này của cơ thể. Ngoài ra, chất tạo hương trong TLĐT như như diacetyl vốn tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh lý phổi nghiêm trọng. Trong thành phần của TLĐT có những hóa chất gây ung thư, một số kim loại nặng như niken, thiếc, chì có nguy gây hại cho cơ thể của trẻ em rất cao[22].
3. Pháp luật Hoa Kỳ về thuốc lá điện – Tình huống nghiên cứu
Hoa Kỳ là quốc gia cho phép sử dụng TLĐT sớm và có mức độ phổ biến rộng với rất nhiều quốc gia khác. Đây là điều gây ngạc nhiên với nhiều người vì FDA của Hoa Kỳ vốn rất chặt chẽ trong kiểm soát thực phẩm, dược phẩm, chất gây nghiện. Việc sử dụng TLĐT phổ biến đã mang lại nhiều hệ lụy đối với quốc gia này. Trước tiên, đó là việc cho phép sử dụng TLĐT làm cho tỷ lệ học sinh, sinh viên hút thuốc lá tăng nhanh. Bằng chứng là chỉ từ năm 2017 đến 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh trung học phổ thông đã tăng từ 11,5% lên 27,5%, tức gấp 60 lần. Sau khi nhiều bang của Mỹ ban hành lệnh cấm thì tỷ lệ chỉ giảm đi được khoảng 10%, chỉ còn 17,5%. Gắn với việc gia tăng việc sử dụng TLĐT là những tổn thất về sức khỏe vật chất và tinh thần của thanh, thiếu niên. Theo thống kê của SingleCare, từ tháng 2 năm 2022 đến nay, có 2,807 ca nhập viện vì tổn thương phổi liên quan đến TLĐT, trong đó có 68 ca tử vong; gần 5000 trẻ thiếu niên phải trải qua chế độ điều trị cấp cứu từ giai đoạn 2013 đến 2017.[23] Một nghiên cứu gần đây trên chuột cho thấy 22,5% đối tượng tiếp xúc với “khói thuốc lá điện tử” trong 54 tuần đã phát triển ung thư tuyến phổi và 57,5% đã phát triển chứng tăng sản bàng quang.
Những hệ lụy mà TLĐT mang lại cho giới trẻ khiến các nhà lập pháp và Chính phủ Liên bang cũng như các bang đã có những phản ứng mạnh mẽ. Vào tháng 8 năm 2016, quyền hạn của FDA đã được mở rộng để bao gồm cả việc kiểm soát TLĐT. Với thẩm quyền được quy định bởi Đạo luật kiểm soát thuốc lá và phòng chống hút thuốc trong gia đình (FSPTCA)[24], FDA có thẩm quyền xây dựng các chế độ cấp phép sản xuất, tiếp thị và bán TLĐT. CấmTLĐT hoặc tăng tuổi tối thiểu những ngườiđược mua TLĐTkhông thuộc thẩm quyền của FDA trừ phi Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, FSPTCA không cản trở các bang, các cộng đồng đưa TLĐT vào các chính sách cấm hút thuốc hoặc điều chỉnh việc bán và phân phối TLĐT.
Năm 2018, FDA đã thành công trong việc mở rộng chiến dịch phòng chống thuốc lá cho thanh thiếu niên. FDA đã bỏ ra ngân sách để tiếp cận hơn 10 triệu thanh niên trong độ tuổi 12–17 từng sử dụng TLĐT hoặc sẵn sàng thử chúng. Chiến dịch này đặt mục tiêu giáo dục giới trẻ về những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng TLĐT.
Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2022, có 28 bang của Hoa Kỳ có định nghĩa E-Cigarettes trong pháp luật, 28 bang đánh thuế E-Cigarettes, 18 bang có quy định về đóng gói TLĐT.Tuyệt đại đa số các bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ có luật hạn chế trẻ em hút TLĐT[25]. Tháng 12 năm 2019, Hoa Kỳ đã thông ban hành luật nâng độ tuổi tối thiểu được mua bán đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá lên 21 tuổi.[26] Luật này có hiệu lực ngay lập tức. Các nhà bán lẻ phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh của những người dưới 27 tuổi muốn mua các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả TLĐT. Hiện tại, 30 tiểu bang đã thiết lập độ tuổi tối thiểu được mua bán các sản phẩm thuốc lá là 21. Điều đó có nghĩa là trẻ em và người vị thành niên là đối tượng bị cấm thuốc lá. Các tiểu bang và một số địa phương có khả năng thiết lập độ tuổi bán sản phẩm thuốc lá cao hơn ngoài quy định của Liên bang.
Một số biện pháp cấm liên quan đến thương mại TLĐT được Hoa Kỳ đặt ra. Chính phủ Hoa Kỳ cấm bán TLĐT bằng máy tự động trừ một số nơi được cho phép bán cho người trên 18 tuổi theo những điều kiện rất hạn chế.Các mẫu TLĐT miễn phí và các thành phần của chúng cũng bị cấm kể từ ngày 8 tháng 8 năm 2016.Đạo luật kiểm soát thuốc lá yêu cầu FDA ban hành các quy định để thiết lập các yêu cầu xác minh độ tuổi đối với việc mua bán bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào qua internet, các hình thức mua bán không gặp mặt trực tiếp.
Năm 2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Luật ngăn chặn việc bán TLĐT trực tuyến cho trẻ em”[27]. Luật này cấm gửi TLĐT qua đường bưu điện và các dịch vụ vận chuyển khác, tương tự như các lệnh cấm gửi thuốc lá và thuốc lá không khói hiện có. Các sản phẩm được FDA chấp thuận là sản phẩm cai nghiện hoặc cho các mục đích điều trị khác được miễn áp dụng điều khoản này.
Những thông tin trên cho thấy các nhà lập pháp, hành pháp của Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn lưu thông và sử dụng TLĐT trong giới trẻ. Mặc dù là quốc gia thiên về bảo vệ quyền cá nhân, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng áp đặt các biện pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn học sinh các trường phổ thông, giới trẻ nói chung sử dụng TLĐT.
Các cơ quan tư pháp Hoa Kỳ cũng vào cuộc chống sử dụng TLĐT. Trong học sinh, sinh viên. Trong những năm gần đây Tòa án Liên bang, tòa án các bang đã thụ lý một loạt vụ kiện chống lại các hành vi liên quan đếnTLĐT. Bang California, Bắc Carolina, Illinois, Connecticut, Colorado, Massachusetts và Quận Columbia đã công bố các vụ kiện hoặc kết quả điều tra các hoạt động tiếp thị và/hoặc tuyên bố về lợi ích của TLĐT.
4. Cần Luật hóa việc cấm thuốc lá điện tử đối với trẻ em
 Thứ nhất, không thể kiểm soát TLĐT, ngăn chặn tác động xấu của sản phẩm này nếu thiếu các quy định pháp luật cần thiết. Yếu tố đầu tiên của kiểm soát TLĐT chính là việc cấm người vị thành niên sử dụng TLĐT. Người vị thành niên là học sinh các trường phổ thông có số lượng đông và dễ bị lôi cuốn. Các nhà sản xuất, phân phốiTLĐT hướng đến họ vì dễ mang lại lợi nhuận khi TLĐT chưa bị cấm. Cần lưu ý rằng, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật này như Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/06/ 2013, Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/ 07 năm 2013, Nghị định số 106/2017/NĐ-CPngày 14/ 9/ 2017 chưa có các quy định về TLĐT, nhất là các quy định liên quan đến trẻ em sử dụng TLĐT.Quy định duy nhất trong pháp luật hiện hành là khoản 13 của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP bổ sung. Khoản 13, Điều 1 Nghị định chỉ nêu: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ”. Cho đến nay, các quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm TLĐT vẫn được ban hành. Dĩ nhiên, trong tương quan giữa “bị cấm và bị hạn chế” và “không bị cấm” theo pháp luật hiện hành thì ưu thế tất nhiên nghiêng về TLĐT và trẻ em tiếp cận TLĐT. Trong thể chế hiện hành đang thiếu sự cân bằng giữa việc bảo vệ trẻ em trước các tác động độc hại của TLĐT và việc cho phép lưu hành TLĐT. Đang lo là sự mất cân bằng này lại nghiêng về yếu tố sau.
 Thứ hai, các kết quả đáng tự hào của Việt Nam trong việc thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 sẽ bị xói mòn bởi TLĐT. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Giai đoạn từ 2015 đến 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới từ giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Cùng với đó, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm như nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); trường học giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%); tại gia đình giảm 13,2% (từ 73,1% xuống 59,9%).[28] Tuy nhiên, những thành quả này có thể bị xói mòn bởi việc sử dụng TLĐT. Số lượng người tham gia hút thuốc sẽ tăng nhanh bởi sự gia nhập của học sinh phổ thông hiếu kỳ, thích khám phá trải nghiệm cộng với hội chứng tâm lý “số đông”.
 Thứ ba, thiếu các quy định pháp luật về kiểm soát TLĐT hướng tới việc kiểm soát việc sử dụng sản phẩm này bởi trẻ em dẫn đến nhiều tác động xã hội tiêu cực không lường được. Học đường dễ bị biến thành nơi tiêu thụ sản phẩm thuốc lá được định danh “vô hại” theo những quảng cáo thiếu trách nhiệm từ phía nhà sản xuất, phân phối TLĐT và sự kiểm soát từ cách cơ quan quản lý chức năng. Khoa học và thực tiễn nhiều nước đã chứng minh TLĐT không vô hại, ngược lại có hại như thuốc lá truyền thống song đặc biệt có hại đối với trẻ em. Nhiều vụ học sinh ngộ độc, bị xốc phải cấp cứu vì thuốc lá đã xảy ra. Các trường học vì muốn giữ cho học đường không khói thuốc, không có TLĐT đã thực hiện những biện pháp chưa được pháp luật cho phép. Do thiếu những quy định phù hợp để kiểm soát TLĐT nên việc lưu thông, mua bán sản phẩm này cho trẻ em không được ngăn chặn, không được kiểm soát. Gắn với thực tế này là tình trạng buôn lậu TLĐT.“Nếu chúng ta cho phép thì tỷ lệ buôn lậu còn có nguy cơ gia tăng”.[29]
Thứ tư, xu hướng hạn chế TLĐT hay cấm TLĐT đối với người vị thành niên đã xuất hiện chỉ ít năm sau khi sản phẩm này được cấp phép sản xuất và lưu hành ngay tại Mỹ, nơi nó được thị trường đón chào hào hứng. Hiện tại, xu hướng này trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia. WHO đã khuyến cáo các quốc gia cấm hoặc kiểm soát chặt các sản phẩm thuốc lá mới trong đó có TLĐT. Nếu các quốc gia không cấm thì phải đảm bảo ngăn ngừa sự sử dụng của thanh, thiếu niên, của các đối tượng dễ tổn thương.[30]Nhiều quốc gia chọn giải pháp cấm bởi vì khó kiểm soát tác hại của TLĐTdo điều này còn phụ thuộc vào mức độ pha trộn của người sử dụng. Sự hiếu kỳ, ham mạo hiểm trong điều kiện chưa nhận thức đầy đủ tác hại của TLĐTdễ khiến trẻ em sử dụng liều cao.
   Thứ năm, vì chưa luật hóa việc cấm TLĐT đối với trẻ em nên hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật chỉ dừng ở khía cạnh phòng chống tác hại của thuốc lá thông thường. Chính vì vậy, các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo chưa có được những kiến thức pháp luật cần thiết để ứng xử phù hợp với tình trạng sử dụng TLĐT của học sinh, sinh viên đang theo học ở đó. Các tổ chức xã hội chính trị có ảnh hưởng lớn trong xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Luật gia v.v chưa thể tiến hành các hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến đến TLĐT nói chung và TLĐT trong học đường, trong giới trẻ.
 4.2. Những vấn đề cơ bản của thuốc lá điện tử cần luật hóa
   Thứ nhất, cấm TLĐT đối với những người vị thành niên. Vị thành niên theo pháp luật hiện hành là những người đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ và 21 tuổi trở lên đối với nam. Tuổi cấm hút thuốc theo Luật Phòng chống thuốc lá năm 2012 là dưới 18 tuổi không có phân biệt nam hay nữ.[31] Tuy nhiên, tuổi cấm hút TLĐT đối với nam cần được nâng lên 21. Lý do của đề xuất này là theo các nghiên cứu khoa học, TLĐT gây tác hại đối với não bộ của con người cả khi họ đạt 21 tuổi, thậm chí 25 tuổi.
   Thứ hai, xác định trách nhiệm pháp lý đối với các nhà sản xuất, phân phối có hành vi bán TLĐT cho người vị thành niên theo các độ tuổi khác nhau.
   - Dưới 16 tuổi: Quy định tội phạm và trách nhiệm hình sự theo theo cấu thành hình thức. Điều này có nghĩa làhành vi tổ chức bán TLĐT cho trẻ em dưới 16 tuổi được coi là tội phạm mà không cần đến việc xác định các hệ quả theo định lượng.
 - Từ đủ 16 tuổi đến đủ 18 tuổi: Quy định trách nhiệm hành chính đặc biệt với mức phạt bằng 100 lần giá trị lượng TLĐT được mua bán.
- Từ đủ 18 tuổi đến dưới 21. Trách nhiệm hành chính với mức phạt bằng 50 lần giá trị lượng TLĐT được mua bán.
Thứ ba, cấm bất cứ hoạt động quảng cáo, tài trợ của các nhà sản xuất, phân phối, mua bán TLĐT cho các sự kiện, lễ hội được tổ chức trong các trường học. Gắn với giải pháp này là cấm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm, đặc biệt là những ấn phẩm dành riêng cho trẻ em. Trong thời đại Internet vạn vật thì không có ấn phẩm nào được dùng riêng cho người lớn hay dùng riêng cho trẻ em một cách hiệu quả. Vì vậy, việc cấm quảng bá TLĐT dưới mọi hình thức là rất cần thiết.
Trách nhiệm đối với những người quyết định tiếp nhận quảng cáo là cách chức chức vụ đang nắm giữ và phạt tiền bằng 5 lần giá trị quảng cáo nhận được. Quy định mức phạt đối với tổ chức tài trợ, quảng cáo bằng 50 lần số tiền tài trợ, quảng cáo TLĐT.
Thứ ba, quy định trách nhiệm pháp lý đối với việc để người vị thành niên mua, bán và sử dụng TLĐT.
-Quy định trách nhiệm hành chính với mức phạt 5 lần giá trị TLĐT được mua và sử dụng đối với bố mẹ hay người đỡ đầu nuôi dưỡng nếu biết mà không có biện pháp ngăn chặn việc con, người được nuôi dưỡng mua bán, sử dụng TLĐT.
- Áp dụng trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo nếu để xảy ra tình trạng học sinh dưới 16 tuổi sử dụng TLĐT trong trường học mà không có biện pháp ngăn chặn. Hình thức trách nhiệm là cắt các danh hiệu thi đua.
- Người đủ 16đến 18 tuổi nếu sử dụng TLĐT ở trường học, nơi công cộng sẽ bị phạt với mức phạt bằng 5 lần giá trị TLĐT bị phát hiện.
- Người từ đủ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi sử dụng TLĐT bị phạt với mức phạt bằng 3 lần giá trị TLĐT bị thu giữ.
Thứ tư, cấm bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động ở bất cứ địa điểm nào.
4.3. Những đề xuất xây dựng pháp luật
- Quốc hội cần sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để luật hóa việc cấm TLĐT đối với trẻ em và hạn chế việc sử dụng TLĐT thông qua những can thiệp chức năng mạnh mẽ, hiệu quả. Việc sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 là rất cần thiết mặc dù cũng có nhiều ý kiến giải thích pháp luật cho rằng Điều 9 Luật này có thể áp dụng đối với TLĐT. Tuy nhiên, rất khó để tiếp cận như vậy vì Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 không đề cập đến TLĐT trong lúc nhiều quốc gia đã cho phép TLĐT như là thay thế tốt hơn cho thuốc lá truyền thống. Hiện tại, ở nước ta, ngay giữa các chuyên gia, nhà khoa học vẫn có có các quan điểm khác nhau về tác hại của TLĐT và việc cấm hay không loại thuốc lá này.[32]Cách tiếp cận nêu trên có thể bị phản bác dựa trên các nguyên tắc áp dụng pháp luật liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Luật hóa cấm việc TLĐT đối với trẻ em có thể tham khảo các giải pháp nêu ở tiểu mục 4.2.
-Sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 77/2013/NĐ-CP; Nghị định số 106/2017/NĐ-CP. Các nghị định này không quy định các giải pháp phòng chống TLĐT. Trong 3 nghị định này chỉ có Nghị định số 106/2017/NĐ-CP đề cập đến TLĐT. Tuy nhiên, nội dung của khoản 13, Điều 1 của Nghị định tạo ra những khó khăn hơn cho cách tiếp cận “áp dụng tương tự” các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để cấm TLĐT. Bộ Công thương chưa trình Chính phủ ban hành các quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm TLĐT. Rất dễ nhận thấy, pháp luật hiện hành chưa cấm TLĐT đối với trẻ em.
 

 


[1] WHO, Tobaco and E-cigarettes, who.int, 25 May 2022, https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes
[2] NIH, NCI, Electronic Cigarettes, https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/ def/electronic-cigarette
[3] Jerzyński, T., Stimson, G.V., Shapiro, H. et al. Estimation of the global number of e-cigarette users in 2020. Harm Reduct J 18, 109 (2021). https://doi.org/10.1186/s12954-021-00556-7
[4] WHO, MPOWER, https://www.who.int/initiatives/mpower
[5]MPOWER: 1) Monitoring tobacco consumption and the effectiveness of preventive measures; 2) Protect people from tobacco smoke; 3) Offer help to quit tobacco use; 4) Warn about the dangers of tobacco; 5) Enforce bans on tobacco advertising, promotion and sponsorship; and 6) Raise taxes on tobacco.
[7]Singh T, Arrazola RA, Corey CG, et al. Tobacco Use Among Middle and High School Students — United States, 2011–2015, MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2016;65:361–367. DOI: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.mm6514a1
[8] Bauld, L.; MacKintosh, A.M.; Eastwood, B.; Ford, A.; Moore, G.; Dockrell, M.; Arnott, D.; Cheeseman, H.; McNeill A,  Young People’s Use of E-Cigarettes across the United Kingdom: Findings from Five Surveys 2015–2017. Int. J. Environ. Res. Public Health 2017, 14, 973. https://doi.org/10.3390/ijerph14090973
[9] Sumiyo Okawa, Takahiro Tabuchi & Isao Miyashiro, Who Uses E-cigarettes and Why? E-cigarette Use among Older Adolescents and Young Adults in Japan: JASTIS Study, Journal of Psychoactive Drugs, (2020) 52:1, 37-45, DOI: 10.1080/02791072.2019.1708999
[10] Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử, Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm, nhiều hệ luỵ khôn lường cho sức khoẻ, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/ gHbla8vOQDuS/ content/ty-le-su-dung-thuoc-la-ien-tu-tang-18-lan-sau-5-nam-nhieu-he-luy-khon-luong-cho-suc-khoe
[11] Moha, Chính sách thuế thuốc lá đóng góp 50% mức giảm tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam, https://moha.gov.vn/75-nam/van-ban-huong-dan/chinh-sach-thue-thuoc-la-dong-gop-50-muc-giam-ty-le-hut-thuoc-tai-viet-nam-45465.html
[13] Phạm Lê, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, VN.Media.vn 07/12/2022, https://vnmedia.vn/cong-nghe/202212/viet-nam-la-quoc-gia-co-luong-nguoi-dung-internet-cao-thu-12-tren-toan-the-gioi-2822ac9/
[14] Sở Y tế Đồng Tháp, Tại sao giới trẻ lại có xu hướng hút thuốc lá điện tử, syt.gov.vn ngày 4/5/2021, https://syt.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/5892833
[15] Dẫn từ: Thiên Long, Báo động tình trạng giới trẻ hút thuốc lá điện tử đang tăng nhanh, Congan.com.vn, 25/11/2022, https://congan.com.vn/doi-song/gioi-tre-hut-thuoc-la-dien-tu-gia-tang-bao-dong_140356.html
[16]Thiên Long, tlđd, 24
[17] E-Cigarette or Vaping Use Associated Lunger Injury: Hội chứng tổn thương phổi do TLĐT
[18] WHO, Tobaco: E-Cigarettes, who.int 25 May 2022, https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes
[19]Jerzyński, T., Stimson, G.V., Shapiro, H. et al,, tlđd,6
[20] CDC, Quick Facts on the Risks of E-cigarettes for Kids, Teens, and Young Adults, https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/Quick-Facts-on-the-Risks-of-E-cigarettes-for-Kids-Teens-and-Young-Adults.html
[22] CDC, tlđd, 29
[23] SingleCare, Vaping statistics 2023, https://www.singlecare.com/blog/news/vaping-statistics/
[24] Family Smoking Prevetion and Tobaco Control Act.
[25] Public Healt Law Center, U.S. E-CIGARETTE REGULATIONS - 50 STATE REVIEW, https://www.publichealthlawcenter.org/resources/us-e-cigarette-regulations-50-state-review
[26] Federal law raises the minimum age of sale of tobacco products from 18 to 21 years of age
[27] Preventing Online Sales of E-cigarettes to Children Act
[28]Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm, nhiều hệ luỵ khôn lường cho sức khoẻ, moh.gov.vn ngày 22/12/2022, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/ gHbla8vOQDuS/content/ty-le-su-dung-thuoc-la-ien-tu-tang-18-lan-sau-5-nam-nhieu-he-luy-khon-luong-cho-suc-khoe
[29]Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, tlđd, 38
[30] https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes
[31] Điều 9, khoản 4 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 
[32] Nguyễn Thị Tình, Kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá điện tử trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam, Luật học số 1/2023, 80-93, 82.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (483), tháng 06/2023.)


Thống kê truy cập

33014457

Tổng truy cập