Thực trạng quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam và một số kiến nghị

08/06/2023

THS. PHẠM TIẾN ĐẠT

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính,

THS. PHẠM QUANG HUY

Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính.

Tóm Tắt: Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển của các quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam, các tác giả bình luận, đối chiếu, so sánh quá trình xây dựng pháp luật, cũng như những giải pháp phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam. Các giải pháp tập trung vào phát triển ổn định, bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nghiên cứu ban hành các quy định về ưu đãi thuế, đa dạng kênh phân phối chứng chỉ quỹ, thay đổi nhận thức và hành vi đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân.
Từ khóa: Quỹ đầu tư trái phiếu, chứng khoán, thị trường chứng khoán.
Abstract: On the basis of an analysis of developments of the bond investment funds in Vietnam, the authors provide comments, comparison of the legal development process, as well as solutions for the development of the bond investment funds in Vietnam. Hence, the authors also identify the causes leading to the limitations, thereby give out development solutions, which focus on stable and sustainable development of the stock market and bond market so that it is to promote the activities of credit rating agencies, to study and promulgate legal regulations on tax incentives and diversification, to change the perception and investment behavior of individual investors.
Keywords: Bond investment fund;securities; securities market.
QUỸ-ĐẦU-TƯ.1.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng phát triển của các quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam
1.1. Về khuôn khổ pháp lý
Quỹ đầu tư trái phiếu (ĐTTP) là một loại quỹ đầu tư chứng khoán (QĐTCK), trong đó giá trị các loại trái phiếu (trái phiếu doanh nghiệp - TPDN, trái phiếu Chính phủ - TPCP) chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ này. Bên cạnh đó, các quỹ này cũng đầu tư vào các tài sản có tính ổn định cao khác (tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi). Sự ra đời và phát triển của các quỹ này gắn với sự phát triển của TTCK nói chung và thị trường trái phiếu (TTTP) nói riêng.
Tại Việt Nam, khái niệm QĐTCK lần đầu tiên được đề cập vào năm 1998 cùng với sự ra đời của Nghị định số 48/1998/NĐ-CP[1]. Theo đó, QĐTCK được hiểu là quỹ hình thành từ vốn góp của người đầu tư được ủy thác cho công ty quản lý quỹ và đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán. Đây là các quy định có ý nghĩa mở đầu cho việc hình thành và phát triển mô hình QĐTCK tại Việt Nam. Nghị định số 144/2003/NĐ-CP[2], Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có những quy định cụ thể hơn về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý của quỹ này. Theo Luật Chứng khoán năm 2019, quỹ đầu tư chứng khoán được hiểu là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích thu lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc vào các tài sản khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hằng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ[3]. Đây là mô hình đầu tư mà theo đó, nguồn vốn của quỹ được đầu tư chủ yếu vào chứng khoán và các nhà đầu tư (NĐT) uỷ thác cho công ty quản lý quỹ (CTQLQ) quyền trực tiếp điều hành quỹ.
Khung pháp lý về quỹ liên tục được củng cố, hoàn thiện là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của hệ thống các quỹ tại Việt Nam. Có thể chia quá trình này thành 3 giai đoạn theo mức độ phát triển của thị trường cũng như sự hoàn thiện của hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan.
-Giai đoạn 1: 1998-2010.
Đây là giai đoạn mà các quỹ bắt đầu hình thành và chưa phát triển mạnh do chưa có hệ thống pháp lý đầy đủ cũng như TTCK trong giai đoạn này cũng mới bước đầu hình thành và phát triển. Những quy định pháp lý đầu tiên về CTQLQ, QĐTCK tại Luật Chứng khoán năm 2006, Quy chế thành lập và hoạt động của CTQLQ ban hành theo Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC[4], Quy chế thành lập và hoạt động của QĐTCK ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC[5].
-Giai đoạn 2: 2011-2019.
Điểm nổi bật của giai đoạn 2011-2019 là sự ra đời của Thông tư số 212/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động của CTQLQ (Thông tư 212) và các thông tư hướng dẫn thành lập và hoạt động của các loại hình QĐTCK, gồm quỹ thành viên, quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục), quỹ REIT (quỹ tín thác đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán. Thông tư số 212 thể hiện rõ chủ trương thúc đẩy sự phát triển có định hướng cả về định tính và định lượng đối với các CTQLQ. Cụ thể là đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập CTQLQ có chọn lọc hơn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong việc nắm giữ quyền sở hữu chi phối các CTQLQ; Nâng cao năng lực quản lý của các CTQLQ thông qua yêu cầu về việc thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ; Yêu cầu các CTQLQ quản trị công ty theo tiêu chuẩn của công ty đại chúng; Yêu cầu về nhân sự có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Hệ thống văn bản trên đã bao quát các lĩnh vực từ các quy định liên quan đến thành lập, tổ chức hoạt động của CTQLQ, đến các quy định cụ thể đối với từng loại quỹ (quỹ đóng, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hoán đổi danh mục). Các quy định này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của quỹ trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.
-Giai đoạn 3: sau năm 2020
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành quỹ được tiếp tục hoàn thiện với sự ra đời của Luật Chứng khoán năm 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, có hiệu lực từ ngày 01/1/2021 như: Nghị định số 156/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư số 97/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, CTQLQ nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 98/2020/TT-BTC về hướng dẫn hoạt động và quản lý QĐTCK; Thông tư số 99/2020/TT-BTC về hướng dẫn hoạt động của CTQLQ đầu tư chứng khoán.
Với các quy định mới về sử dụng vốn và tài sản của quỹ đầu tư, các quỹ đầu tư được đầu tư vào chứng chỉ quỹ (CCQ) đại chúng, cổ phiếu công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do các CTQLQ khác quản lý, có nghĩa quỹ đầu tư được phép đầu tư vào CCQ ETF để đa dạng hóa danh mục. Với tài sản được phép đầu tư của quỹ mở cũng được quy định đa dạng hơn, khi quy định tài sản là các cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng, trái phiếu chào bán ra công chúng thay cho việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chuẩn bị niêm yết, đăng ký giao dịch. Trong khi đó, quy định về số lượng thành viên của quỹ thành viên và yêu cầu chuyển nhượng của quỹ thành viên cũng được mở rộng hơn khi đưa ra quy định có từ 2 đến 99 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, thay đổi so với trước đây quỹ thành viên chỉ có tối đa 30 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân, đồng thời các thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hay toàn bộ phần vốn góp của quỹ thành viên, phải đảm bảo sau khi chuyển nhượng, quỹ vẫn đáp ứng điều kiện trên. Bên cạnh đó, yêu cầu với nhân viên của ngân hàng giám sát (NHGS) cũng tăng lên, khi quy định nhân viên của NHGS có bằng đại học trở lên chuyên ngành về kế toán, kiểm toán được xét đáp ứng một trong các điều kiện để thực hiện giám sát/quản trị quỹ đầu tư.
1.2. Thực trạng phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán
Sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, hệ thống các quỹ đầu tư tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn 2011–2020. Hệ thống các quỹ đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô và loại hình QĐTCK.
Tại thời điểm tháng 8/2022, số lượng các là 76 quỹ tăng gấp gần 3 lần so với mức 28 quỹ của thời điểm cuối năm 2015. Cùng với sự phát triển về số lượng, sự đa dạng về loại hình quỹ đầu tư, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ không ngừng gia tăng, đặc biệt từ năm 2017. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đã đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với cuối năm 2015 (6,9 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - tháng 8/2022, các QĐTCK tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, với giá trị tài sản ròng đạt 84,7 nghìn tỷ đồng vào tháng 8/2022, tăng 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020.
Về chất lượng, các quỹ cũng ghi nhận sự ra tăng đáng kể, nếu như trước năm 2015, trên thị trường chỉ có 4 quỹ đại chúng, chiếm khoảng 17% số lượng quỹ thì đến cuối năm 2020, có 44 quỹ đại chúng, chiếm 77% tổng số QĐTCK. Đặc biệt, trong năm 2020, quỹ ETF có sự phát triển mạnh mẽ với 05 quỹ ETF mới được thành lập, năm 2021 thêm 01 quỹ và 01 quỹ tại thời điểm tính đến tháng 8/2022. Tổng quy mô của các quỹ ETF tăng lên đáng kể với tổng giá trị tài sản ròng cuối năm 2020 đạt 605 triệu USD, tăng 108% so với cuối năm 2019. Các quỹ ETF mới thành lập được đánh giá cao trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. 
Các QĐTCK ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TTCK. QĐTCK bảo đảm tốt chức năng huy động vốn từ NĐT nhỏ lẻ và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động đầu tư của các quỹ vào cổ phiếu, TPDN. Các quỹ đầu tư cũng đóng góp tích cực cho việc tạo ra sức cầu trong các chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các hoạt động phát hành TPCP, giúp đa dạng hóa NĐT trên thị trường TPCP, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước.
1.3. Thực trạng hoạt động của các quỹ đầu tư trái phiếu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các quỹ đầu tư được các CTQLQ thành lập, các công ty này trực thuộc các NHTM, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Các quỹ này thường có nguồn vốn hỗ trợ lớn từ tập đoàn mẹ (Bảo Việt, Eastspring, Dai-chi, Manulife) hoặc mang thương hiệu của các tập đoàn uy tín (Vietcombank, VFM, Kỹ thương, SSI). Một số quỹ đã tập trung vào đầu tư trái phiếu (bao gồm TPCP, TPDN, tài sản ngắn hạn khác) như: QĐTCK trái phiếu MB Capital Việt Nam, Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF (VCBF-FIF), Quỹ Đầu tư trái phiếu ngân hàng Công thương Việt Nam (VTBF), Quỹ đầu tư trái phiếu SSI, Quỹ đầu tư trái phiếu VNDBF, Quỹ Đầu tư trái phiếu ngân hàng Techcombank (TCBF)…
Các quỹ ĐTTP đạt được nhiều kết quả tích cực trên các khía cạnh chính như: giá trị tài sản ròng của quỹ, số lượng CCQ phát hành, giá trị tài sản ròng/CCQ hay tổng tăng trưởng/CCQ. Đặc biệt là chỉ tiêu giá trị tài sản ròng/CCQ. Đây là chỉ tiêu thể hiện hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư trái phiếu. Chỉ tiêu này được duy trì ở mức cao, ổn định sẽ là cơ sở để thu hút các NĐT đầu tư vào quỹ.
Untitled1_17.png
Tại quỹ DCBF, giá trị tài sản ròng của quỹ đã tăng gần 2 lần sau 2 năm lên mức 828 tỷ đồng so với mức 359 tỷ đồng năm 2017, tính đến hết quý 1/2022, giá trị tài sản ròng của quỹ tiếp tục tăng và đạt 850 tỷ đồng. Đặc biệt chỉ tiêu giá trị tài sản ròng/CCQ luôn duy trì mức tăng trưởng, việc này đảm bảo khả năng lợi nhuận của quỹ mang lại cho khách hàng. Trong khi tổng tăng trưởng/1CCQ cũng luôn được duy trì ở mức cao, dao động quanh mức 7%, đặc biệt năm 2019 với mức tăng trưởng lên đến 9,15%.
Về mạng lưới phân phối, có thể phân thành 02 nhóm quỹ ĐTTP, 01 nhóm trực thuộc các ngân hàng thương mại (NHTM) và 01 nhóm thuộc các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư độc lập. Đối với các quỹ thuộc các NHTM, với lợi thế về hệ thống chi nhánh ngân hàng, cùng với việc các NHTM cũng thường thành lập công ty chứng khoán, do vậy các quỹ này có khả năng xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp để tiếp xúc với khách hàng.
Trong khi đó, đối với nhóm các quỹ được thành lập từ các công ty chứng khoán và các quỹ độc lập, việc phân phối được thực hiện thông qua hệ thống các chi nhánh của các công ty chứng khoán. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ, hiện các quỹ thực hiện phân phối trực tiếp thông qua các ứng dụng được tải và kết nối trực tiếp với điện thoại của các NĐT (CTQLQ SSI có ứng dụng SSI OTG, Dragon Capital có ứng dụng Dragon Capital, Vina Capital có ứng dụng Mio…). Các ứng dụng này hầu hết cho phép các NĐT mở tài khoản, gửi tiền, mua/bán CCQ trực tiếp và nhanh chóng qua ứng dụng. Đây được xem là kênh hiệu quả, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh và kết nối internet đang ở mức cao và tăng trưởng không ngừng như giai đoạn hiện nay.
Trong cơ cấu đầu tư của các quỹ ĐTTP tỷ trọng phần lớn là các TPDN và các tài sản có độ rủi ro thấp, tính thanh khoản cao. Điều này phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí thành lập và hoạt động của các quỹ này, đồng thời đảm bảo được khả năng ổn định của các quỹ. Tuy nhiên, mức độ sinh lợi theo đó cũng ở mức thấp, dưới 10%/năm, thường dao động trong khoảng từ 5-8%/năm.
2. Đánh giá sự phát triển của các quỹ đầu tư trên thị trường trái phiếu Việt Nam
2.1. Các kết quả đạt được
- Số lượng các quỹ đầu tư cũng như các CTQLQ có sự gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, các quỹ đầu tư đại chúng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn vốn từ các NĐT, qua đó mở rộng khả năng đầu tư vào thị trường. Bên cạnh đó, là sự gia tăng của giá trị tài sản quản lý, các chỉ tiêu giá trị ròng của quỹ cũng như giá trị ròng/CCQ cũng là yếu tố thể hiện sự tăng trưởng tích cực của các quỹ này trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng tài sản quản lý đạt trung bình trên 60%/năm trong 5 năm qua đã chứng minh xu hướng tất yếu là tăng quy mô ủy thác đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp cũng đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
- Góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư của công chúng đầu tư, đồng thời cũng thúc đẩy đầu tư chứng khoán xanh và đầu tư có trách nhiệm theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các quỹ trái phiếu hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả từ nguồn vốn nhàn rỗi cá nhân đến với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTTP.
- Các chỉ tiêu như giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng/CCQ hay tốc độ tăng trưởng năm vẫn ghi nhận ở mức ổn định. Sự tăng trưởng này phù hợp với tiêu chí đảm bảo an toàn, bền vững giá trị cho các NĐT của các quỹ này.
- Xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro nội bộ; hệ thống đánh giá, xếp hạng về các công cụ tài chính mà quỹ đầu tư bên cạnh việc cập nhật báo cáo từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu. Các quỹ thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động đầu tư và tình hình tài chính (chiến lược đầu tư, giá trị tài sản ròng (NAV), giá trị NAV/CCQ…) trực tiếp đến các NĐT và được thể hiện trên website của quỹ. Trong đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng và chủ yếu là khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các CTQLQ, đặc biệt là các hãng bảo hiểm có uy tín trên thế giới như Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife.
2.2. Các tồn tại, hạn chế
- Tỷ lệ tài sản quản lý của các CTQLQ thấp. Các CTQLQ của Việt Nam hiện mới quản lý lượng tài sản khoảng 20 tỷ USD, cả cổ phiếu và trái phiếu, chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam. Tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các CTQLQ trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn so với một số nước trong khu vực. Đây là tỉ lệ còn thấp so với các quốc gia như Ấn Độ 15,4 % (tháng 9/2021), Thái Lan: 28,93% (năm 2017), Malaysia: 31,57% (năm 2017), Trung Quốc: 10,7% (năm 2020)[6]
- Vốn điều lệ của các quỹ còn thấp. Một số quỹ tiêu biểu trên thị trường nhưng có quy mô vốn điều lệ chưa đến 100 tỷ đồng. Tiêu biểu như: quỹ Đầu tư trái phiếu DC (thuộc CTQLQ Dragon Capital) có số vốn đăng ký 99,5 tỷ đồng, hay quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh Vinawealth cũng chỉ có số vốn với 53,8 tỷ đồng, Quỹ đầu tư trái phiếu PVcom (PVBF) với 66 tỷ đồng…
Trong khi đó, chỉ một số số ít các CTQLQ có quy mô lớn, khả năng huy động tốt và hoạt động hiệu quả, trong khi đa số các quỹ hoạt động không hiệu quả, còn thua lỗ.
- Mạng lưới phân phối CCQ còn hạn chế. Mặc dù pháp luật chứng khoán đã cho phép các NHTM, doanh nghiệp bảo hiểm phân phối các CCQ nhằm tận dụng mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này. Tuy nhiên, phân phối CCQ đại đa số là phân phối trực tiếp qua CTQLQ, công ty chứng khoán. Trong khi đó, mạng lưới CTQLQ, công ty chứng khoán chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới việc hạn chế tiếp cận công chúng NĐT và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm quỹ; chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều. Hiện 50% số lượng CCQ được bán thông qua NHTM tại các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan. Phân phối theo dạng bán chéo cũng đang được triển khai tại các nước này.
Chính việc xây dựng các kênh phân phối chưa hiệu quả, cộng với việc thiếu các giải pháp thuyết phục NĐT đầu tư vào quỹ khiến cho số lượng các tài khoản giao dịch CCQ hiện ở mức thấp. Theo thống kê, chỉ có 0,2% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch CCQ.
2.3. Các nguyên nhân
Bên cạnh một số nguyên nhân đến từ sự phát triển thiếu bền vững của TTCK, xu hướng tự đầu tư hơn là đầu tư qua các quỹ của các NĐT cá nhân, sự phát triển hạn chế của hoạt động xếp hạng tín nhiệm, còn có các nguyên nhân quan trọng như:
- Thiếu chính sách hỗ trợ các QĐTCK. Hiện các quy định về quản lý quỹ đầu tư đã được ban hành và cập nhật cùng với sự biến động của thị trường, tuy nhiên hiện vẫn còn thiếu các chính sách hỗ trợ các quỹ ĐTTP phát triển, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ về tài chính (thuế, hỗ trợ trực tiếp). Kinh nghiệm một số nước như Singapore, Thái Lan cho thấy các ưu đãi về thuế TNDN, thuế thu nhập có tác dụng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các quỹ này. Trong bối cảnh việc huy động vốn còn hạn chế, việc có được các ưu đãi sẽ khiến các CTQLQ có thêm nguồn lực để tăng cường đầu tư cho các quỹ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Các quy định về hoạt động của NHGS còn chưa cụ thể. NHGS có trách nhiệm chính là bảo quản các tài sản của quỹ, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý quỹ của CTQLQ, đảm bảo hoạt động của các công ty này phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ. Tuy nhiên, với việc lặp lại thuật ngữ “giám sát” trong nội dung quyền giám sát làm cho quyền của NHGS vẫn còn mang tính chung chung, khó thực thi. Trong khi nghiệp vụ chính của các ngân hàng này là hoạt động ngân hàng, không phải là hoạt động giám sát. Do vậy, hiệu quả của hoạt động giám sát của NHGS không cao.
- Các hoạt động thông tin về lợi ích của QĐTCK đến NĐT chưa đem lại hiệu quả. Điều này được thể hiện thông qua việc tỷ lệ nhà đầu tư vào các quỹ còn hạn chế, thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Một trong những khó khăn lớn đối với các quỹ là quan điểm, thói quen đầu tư của các nhà đầu trong nước hiện nay là thích tự đầu tư hơn là phó thác hoạt động này cho đối tượng khác. Đây là thói quen đã hình thành từ lâu, ăn sâu vào nhận thức của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TTCK mới phát triển, các quỹ cũng chỉ mới xuất hiện, chưa có thời gian để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh tính công khai, minh bạch của các quỹ đầu tư chưa được cải thiện thì lòng tin của các nhà đầu tư cũng cần thêm thời gian để được cải thiện.
3. Giải pháp phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu
Một là, giải pháp phát triển bền vững TTCK, TTTP Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý TTCK đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với chuẩn mực quốc tế như: hoạt động giao dịch tự động, quản lý danh mục tự động, tư vấn tự động, số hóa các tài sản tài chính trên TTCK áp dụng công nghệ tài chính mới, hoạt động huy động vốn cộng đồng. Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, nâng cao chất lượng nguồn cung, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, chú trọng bảo vệ NĐT. Tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, nhất là với dòng vốn đầu tư gián tiếp, nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK.
Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thị trường TPDN, vừa đảm bảo phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của thị trường, đồng thời đảm bảo sự ổn định nhất định của khung khổ pháp luật. Tập trung vào việc: Nâng cao tiêu chuẩn điều kiện phát hành TPDN; Phân định rõ giữa TPDN phát hành riêng lẻ và TPDN phát hành ra công chúng; Hoàn thiện tổ chức thị trường cho TPDN niêm yết và TPDN phát hành riêng lẻ; Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức cơ chế quản lý giám sát thị trường TPDN; Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát thị trường TPDN thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Tài chính và NHNN) trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ đối với thị trường này.
Thứ hai, cần nghiên cứu hoàn thiện những quy định về chính sách thuế đối với ngành quỹ. Việt Nam hiện đang thiếu chính sách ưu đãi thuế để tạo được động lực cho các quỹ ĐTTP. Theo quy định[7], khi NĐT chuyển nhượng trái phiếu thì áp dụng thuế chuyển nhượng 0,1% trên giá trị chuyển nhượng, trường hợp NĐT cá nhân nhận trái tức định kỳ hoặc vào ngày đáo hạn thì áp dụng thuế đầu tư vốn 5% trên lãi trái phiếu được nhận. Như vậy, so với việc đầu tư cổ phiếu, các NĐT trái phiếu thường sẽ chịu ở mức thuế cao hơn vì trong khi đầu tư cổ phiếu, các NĐT thường tìm kiếm lợi nhuận dựa trên việc tìm kiếm chênh lệch giữa giá mua/bán cổ phiếu hơn là lợi nhuận từ cổ tức, trong khi giá trái phiếu ít biến động hơn nên lợi nhuận mà các NĐT mong đợi thường xuất phát từ trái tức được nhận. Điều này phần nào khiến kênh đầu tư trái phiếu trở lên kém hấp dẫn hơn. Trong khi, hiện nay theo quy định cũng chưa có ưu đãi thuế cụ thể, riêng biệt (TNDN) cho các CTQLQ đầu tư vào trái phiếu.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các CTQLQ bao gồm các nội dung chính như giám sát tuân thủ, giám sát dựa trên rủi ro, tăng cường phối hợp giám sát giữa các cơ quan quản lý, giám sát nhằm đảm bảo hệ thống CTQLQ, QĐTCK hoạt động an toàn. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ. Bên cạnh các quy định nhằm tạo điều kiện mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ ĐTTP, cũng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo hoạt động của các quỹ này trong khuôn khổ pháp luật, tạo ra các tác động tích cực đến thị trường. Thực hiện tái cấu trúc các CTQLQ theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng theo hướng, cụ thể: đình chỉ hoạt động đối với các công ty có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu mà không khắc phục được trong thời hạn 6 tháng; thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động đối với các CTQLQ không thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ trong thời hạn 2 năm liên tục.
Thứ tư, quy định rõ ràng hơn về quyền giám sát của các NHGS. Như đã phân tích, quy định về quyền giám sát hoạt động quản lý QĐTCK của NHGS còn mang tính chung chung. Trong khi nghiệp vụ chính của ngân hàng này là hoạt động ngân hàng, không phải là hoạt động giám sát. Do đó, pháp luật cần quy định cụ thể hơn nội dung hoạt động giám sát để NHGS dễ dàng thực thi quyền hạn của mình.
Bên cạnh đó,cần có quy định để đảm bảo tính độc lập của CTQLQ và NHGS. Mặc dù pháp luật đã có quy định về các hạn chế của CTQLQ, hạn chế của NHGS, tuy nhiên, trên thực tế các chủ thể này vẫn có mối quan hệ tài chính với nhau nên dễ dẫn đến tình trạng móc ngoặc vụ lợi gây thiệt hại cho NĐT. Hiện pháp luật về QĐTCK không cấm CTQLQ được quản lý nhiều QĐTCK khác nhau, các NHGS cũng được giám sát nhiều QĐTCK khác nhau.           
Thứ năm, cần đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền, thay đổi nhận thức của NĐT về quỹ đầu tư. Cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền (trực tiếp, trực tuyến), cũng như có sự tham gia của các thành viên thị trường: công ty chứng khoán, NHTM, công ty mẹ, công ty con của các CTQLQ. Việc này sẽ giúp các NĐT nâng cao kiến thức về quỹ ĐTTP (lợi ích, rủi ro, quy trình mua bán CCQ), qua đó thuyết phục NĐT (nhất là các đầu tư mới gia nhập thị trường) thay đổi thói quen từ tự đầu tư sang uỷ thác đầu tư (thông qua mua CCQ).
Thứ sáu, cần mở rộng thêm các kênh phân phối CCQ bên cạnh việc sử dụng kênh phân phối truyền thống. Hiện nay, các quỹ chủ yếu phân phối CCQ thông qua hệ thống các công ty chứng khoán, các CTQLQ, công ty mẹ, công ty con của các CTQLQ, hoặc trực tiếp qua website của CTQLQ, thiếu vắng sự tham gia phân phối của các NHTM. Bên cạnh đó, chưa có Hiệp hội các CTQLQ để thúc đẩy phát triển thị trường, là bước đệm trong vai trò giám sát tuân thủ các CTQLQ. Để mở rộng mạng lưới phân phối, các CTQLQ nên kết hợp với các NHTM để đẩy mạnh việc phân phối CCQ, với hệ thống cơ sở dữ liệu về các NĐT cộng với các chính sách phân chia lợi ích phù hợp, hoạt động phân phối CCQ thông qua kênh NHTM có thể mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân phối CCQ qua các kênh trực tuyến thông qua việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới về giao dịch điện tử, an toàn bảo mật thông tin./. 

 


[1] Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK.
[2] Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK được ban hành thay thế cho Nghị định số 48/1998/NĐ-CP.
[3] Khoản 37 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019.
[4] Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CTQLQ.
[5] Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 05/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế thành lập và hoạt động của QĐTCK.
[7] Tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN, Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 04 (476), tháng 02/2023.)


Thống kê truy cập

33923064

Tổng truy cập