Hiệu lực pháp lý của Điều lệ công ty và thực tiễn áp dụng pháp luật nhìn từ một vụ việc cụ thể

17/05/2023

TS. BÙI HỮU TOÀN

Học viện Ngân hàng.

Tóm tắt: Điều lệ công ty là một văn bản có ý nghĩa quan trọng trong quản trị, điều hành và hoạt động của công ty. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn có một số nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng và giá trị pháp lý của Điều lệ công ty. Trong bài viết này, tác giả bàn luận về những nhận định, đánh giá và quyết định của Toà án trong một vụ tranh chấp liên quan đến Điều lệ công ty, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về vấn đề này và đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Từ khoá: Điều lệ công ty, trách nhiệm hữu hạn, hiệu lực pháp lý.
Abstract: The corporate charter is an important document in the management, administration and operation of the enterprise. However, the practical performance reveals a fact that there are still some misconceptions about the importance and legal value of the corporate charter. Under this article, the author presents discussions of the judgments, assessments and decisions by the Court in a dispute related to the corporate charter, also points out a number of shortcomings and obstacles in the provisions of the law as well as the practice of law enforcement on this issue and provides relevant recommendations for improvements.
Keywords: Corporate charter; limited liability; legal effectiveness.
 ĐIỀU-LỆ-CÔNG-TY.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Có thể nói Điều lệ công ty là văn bản quan trọng nhất trong quản trị, điều hành và hoạt động của công ty, đồng thời cũng là là cơ sở pháp lý để phân định quyền và nghĩa vụ giữa các cổ đông, thành viên. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư (cổ đông, thành viên công ty, chủ sở hữu công ty)… ở Việt Nam đều quan tâm, nhận thức đúng về vai trò, giá trị pháp lý của Điều lệ công ty. Thực tế đó đã làm suy giảm ý nghĩa, vai trò của Điều lệ công ty trong việc giải quyết những tranh chấp phát sinh trong nội bộ công ty.
1. Tóm tắt việc dân sự: Yêu cầu huỷ bỏ Nghị quyết của Hội đồng thành viên[1]
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên số 0312137063, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 12/8/2016 của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH BAY W (Công ty BAY W) có hai thành viên gồm: Công ty S (D1) Limited (Công ty SUN W) và Công ty TNHH Đầu tư SATO (Công ty SATO), trong đó Công ty SUN W nắm giữ 90% vốn Điều lệ, Công ty SATO nắm giữ 10% vốn Điều lệ. Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty BAY W thông qua ngày 10/5/2016 thì “Các vấn đề sau đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả thành viên hội đồng: Bất kỳ sửa đổi nào đối với Điều lệ này; các điều khoản và điều kiện (kế cả mức lãi suất) không dựa trên cơ sở kinh doanh công bằng, khách quan của vốn vay hoặc bất kỳ sự tăng hoặc giảm vốn vay và/hoặc vốn Điều lệ...".
Ngày 03/9/2019, Công ty BAY W đã tổ chức họp Hội đồng thành viên với sự tham dự của cả hai thành viên là Công ty SUN W và Công ty SATO. Tại cuộc họp khi biểu quyết về vấn đề sửa đổi Điều lệ, Công ty SUN W đồng ý, Công ty SATO không đồng ý. Tuy nhiên, căn cứ biên bản họp ngày 03/9/2019, Công ty BAY W đã thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 03/9/2019 về việc sửa đổi Điều lệ công ty (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV), trong đó có nội dung: Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp nếu được sự chấp thuận bởi các thành viên Hội đồng được chỉ định bởi các thành viên nắm giữ số phiếu đại diện ít nhất tám mươi phần trăm (80%) vốn Điều lệ.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, Công ty SATO đã yêu cầu Toà giải quyết việc dân sự: Yêu cầu huỷ bỏ Nghị quyết của Hội đồng thành viên Công ty BAY W.Ngày 17/8/2020, Tòa án nhân dân (TAND) Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp giải quyết việc dân sự và ban hành Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số: 1257/2020/QĐST-KDTM ngày 17/8/2020. Theo đó, TAND Tp. Hồ Chí Minh quyết định: Căn cứ khoản 8 Điều 50; khoản 2, khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2015; khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37, Điều 370, Điều 371, Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 37 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toà án; xử: Chấp nhận đơn yêu cầu của Công ty TNHH Đầu tư SATO: Huỷ Nghị quyết số 05/2019/NQQ-HĐTV ngày 03/9/2019 của Hội đồng thành viên Công ty TNHH BAY W.
Ngày 25/8/2020, Công ty SUN W và Công ty BAY W kháng cáo toàn bộ Quyết định sơ thẩm.
Ngày 08/01/2021, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên họp giải quyết việc dân sự và ban hành Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số: 03/2021/QĐPT-KDTM. Theo đó, TAND Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh căn cứ: Khoản 3 Điều 375; khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37, Điều 373, Điều 374, Điều 375 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 8 Điều 50; khoản 1 Điều 52; khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2015; khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 1 Điều 37 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toà án, xử: Chấp nhận kháng cáo của Công ty SUN W và Công ty BAY W; sửa Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 1257/2020/QĐST-KDTM ngày 17/8/2019 của TAND Tp. Hồ Chí Minh; không chấp nhận đơn yêu cầu của Công ty TNHH Đầu tư SATO về việc yêu cầu huỷ Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV ngày 03/9/2019 của Công ty TNHH BAY W.
Ngày 28/3/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/QĐKNGĐT-VKS-KDTM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 03/2021/QĐTP-KDTM ngày 08/01/2021 của TAND Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định phúc thẩm; giữ nguyên Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 1257/2020/QĐST-KDTM ngày 17/8/2020 của TAND Tp. Hồ Chí Minh. Đến thời điểm bài viết này được thực hiện, cơ quan công quyền chưa có quyết định giải quyết cuối cùng.
2. Một số ý kiến bàn luận
Cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty BAY W về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty được tiến hành vào ngày 03/9/2019, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV (Nghị quyết số 05) của Hội đồng thành viên Công ty BAY W về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty được ban hành vào ngày 03/9/2019. Chính vì vậy, tính hợp pháp của Nghị quyết số 05 và những nhận định, đánh giá của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ được xem xét, luận bàn dựa trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm ngày 03/9/2019.
Thứ nhất, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: Quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty BAY W mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 10 Điều lệ Công ty BAY W và không thể cùng áp dụng để làm căn cứ xem xét yêu cầu của các bên đương sự[2]. Trong trường hợp này, cần căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp năm 2014 để xem xét tính hợp pháp của Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV. Để củng cổ thêm cho nhận định trên, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, khoản 3 Điều 23 quy định việc sửa đổi Điều lệ, việc tăng hay giảm vốn vay, vốn Điều lệ đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 100% thành viên góp vốn sẽ không đảm bảo cho BAY W thực hiện quyền của doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đúng là quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty BAY W có mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 10 cùng Điều lệ, nhưng không thể vì mâu thuẫn đó mà loại bỏ giá trị pháp lý quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ công ty. Một quy định trong Điều lệ công ty chỉ không có giá trị pháp lý hay nói cách khác là “vô hiệu” nếu quy định đó không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty BAY W phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể hơn nữa, Công ty BAY W đã vận dụng quy định “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác” tại khoản khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để đưa ra quy định về điều kiện thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên phù hợp với giới hạn pháp luật cho phép, phù hợp cơ cấu sở hữu phần vốn góp của các thành viên tại Công ty BAY W. Trong khi đó, quy định tại khoản 3 Điều 10 Điều lệ công ty đơn giản là sao chép y nguyên quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và không phù hợp với thực tế cơ cấu vốn góp và quy định tại khoản 3 Điều 23 Điều lệ công ty. Ngược lại với nhận định của Hội đồng phiên họp giải quyết việc dân sự cấp phúc thẩm, sự mâu thuẫn giữa khoản 3 và Điều 10 và khoản 3 Điều 23 Điều lệ Công ty BAY W trong trường hợp này chỉ làm cho quy định tại khoản 3 Điều 10 không có ý nghĩa[3].
Thứ hai, Hội đồng phiên họp giải quyết việc dân sự cấp phúc thẩm nhận định “khoản 3 Điều 23 quy định việc sửa đổi Điều lệ, việc tăng hay giảm vốn vay, vốn Điều lệ đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 100% thành viên góp vốn sẽ không đảm bảo cho BAY W thực hiện quyền của doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014”. Nhận định trên chưa phù hợp về bản chất, vai trò của Điều lệ công ty. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, Điều lệ công ty phải được hiểu là một hợp đồng giữa các thành viên về việc thành lập, quản trị và điều hành công ty[4]. Nguyên tắc tự do hợp đồng đối với Điều lệ công ty được pháp luật Việt Nam ghi nhận bằng các quy định như: “trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”, “nếu Điều lệ công ty không có quy định khác”, “trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một t lệ khác cao hơn”, “trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn”. Chính vì vậy, khi Điều lệ công ty được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật thì có giá trị pháp lý và được ưu tiên áp dụng trước các quy định của pháp luật. Những nội dung trong Điều lệ công ty có thể là sự dung hoà quyền lợi giữa các thành viên, cổ đông nhưng cũng có thể mang lại quyền và lợi ích lớn hơn, có lợi hơn cho một số thành viên, cổ đông, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị, điều hành và hoạt động của công ty hoặc ngược lại cũng có thể gây cản trở khó khăn cho việc quản trị, điều hành và hoạt động của công ty. Tuy nhiên, khi đã được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật thì Điều lệ công ty chính là bản “hiến pháp” của công ty. Không thể vì lý do nó mang lại quyền và lợi ích lớn hơn cho một số thành viên, cổ đông hoặc gây cản trở khó khăn cho việc quản trị, điều hành và hoạt động của công ty để phủ định giá trị pháp lý của các điều khoản trong Điều lệ công ty. Bên cạnh đó, Điều lệ công ty được xây dựng trên nguyên tắc thoả thuận, tự nguyện, bình đẳng. Vì vậy, việc sửa đổi Điều lệ công ty cũng phải được thực hiện trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện, bình đẳng và quan trọng hơn là trên cơ sở quy định của pháp luật và chính Điều lệ công ty.
Thứ ba, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh có nhận định “cần căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp năm 2014 để xem xét tính hợp pháp của Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV”. Tuy nhiên, thực tế trong nội dung phân tích cụ thể và trong phần quyết định, Toà cấp phúc thẩm chỉ viện dẫn và áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 52 và khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Việc đề cập quy định tại khoản 1 Điều 155 trong vụ việc trên là không cần thiết[5]. Hơn nữa, việc chỉ nhắc đến mà không phân tích và không viện dẫn làm căn cứ trong phần quyết định của Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự là một câu hỏi đặt ra đối với Hội đồng phiên họp phúc thẩm.
Thứ tư, trong Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số: 03/2021/QĐPT-KDTM, Hội đồng phiên họp phúc thẩm nhận định: Hồ sơ việc dân sự thể hiện, Công ty SATO nhiều lần không tán thành Nghị quyết của Hội đồng thành viên (bút lục 222-223) mà không nêu được lý do chính đáng. Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí,…”. Do không được tiếp cận hồ sơ việc dân sự, nội dung dưới đây sẽ không bàn luận về tính khách quan của nhận định trên mà chỉ xem xét, bàn luận dưới góc độ quy định của pháp luật về quyền biểu quyết của thành viên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên là quyền của thành viên. Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào bắt buộc thành viên phải nêu “lý do chính đáng” trong trường hợp không tán thành nghị quyết của Hội đồng thành viên. Công ty SATO có thể không có “lý do chính đáng” khi không tán thành nghị quyết Hội đồng thành viên Công ty BAY W nhưng vì thế mà xác định Công ty SATO đã vi phạm nguyên tắc “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí,…” quy định tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 là rất khiên cưỡng.
Hơn nữa, tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của hai thành viên tại Công ty BAY W là 90% và 10%. Chính vì vậy, nếu xem xét đến nguyên tắc “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí,…”, thì việc Hội đồng thành viên Công ty BAY W không căn cứ vào Điều lệ công ty mà căn cứ vào khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Điều lệ công ty mới thể hiện sự không thiện chí, không bảo đảm được quyền lợi của các bên. Công ty SUN W nắm giữ 90% vốn Điều lệ, vì vậy, nếu không căn cứ vào Điều lệ công ty mà căn cứ vào khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Điều lệ công ty thì đồng nghĩa với việc nghị quyết trên là quyết định đơn phương của một thành viên là Công ty SUN W. Hơn nữa, quy định nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua nếu “được chấp thuận bởi các thành viên Hội đồng được chỉ định bởi các thành viên nắm giữ số phiếu biểu quyết đại diện ít nhất tám mươi phần trăm (80%) vốn Điều lệ” đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn vai trò của thành viên còn lại là Công ty SATO trong việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty SATO.
Thứ năm, Hội đồng phiên họp giải quyết việc dân sự cấp phúc thẩm còn đưa ra nhận định: “Công ty SATO có quyền yêu cầu Công ty BAY W mua lại phần vốn góp của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo mức giá quy định tại khoản 3 Điều 10 Điều lệ Công ty BAY W”. Nhận định và quyết định của Hội đồng phiên họp giải quyết việc dân sự cấp phúc thẩm đã phủ nhận hiệu lực của một điều khoản là kết quả của sự thoả thuận, thống nhất nhằm bảo vệ, dung hoà quyền lợi của các thành viên trong Công ty BAY W (khoản 3 Điều 23) và gián tiếp ghi nhận hiệu lực của một điều khoản chỉ đơn thuần là sao chép y nguyên quy định của Luật Doanh nghiệp (khoản 3 Điều 10).
 Bên cạnh đó, Hội đồng phiên họp giải quyết việc dân sự cấp phúc thẩm đưa ra nhận định: “Trường hợp Công ty SATO cho rằng người quản lý Công ty BAY W vi phạm nghĩa vụ và cản trở Công ty SATO thực hiện quyền của thành viên góp vốn theo quy định tại Điều 25 Điều lệ Công ty BAY W và khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì có quyền khởi kiện người quản lý theo quy định tại Điều 72 Luật Doanh nghiệp năm 2014”. Tuy nhiên, nhận định trên không phù hợp với yêu cầu huỷ bỏ Nghị quyết của Hội đồng thành viên của Công ty SATO, và hơn nữa là không phù hợp làm căn cứ để đưa ra quyết định công nhận hiệu lực của Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTV…
3. Những vấn đề rút ra từ vụ việc dân sự và phán quyết của toà án
Thứ nhất, quy định của pháp luật về nội dung Điều lệ công ty chưa thật sự phù hợp
Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là Điều 25) quy định “Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây”, sau đó liệt kê các nội dung cụ thể. Vấn đề đặt ra là trong các nội dung được liệt kê có những nội dung đúng là “chủ yếu”, “cần thiết” và thậm chí là “bắt buộc” để định danh công ty.
“a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Vốn Điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
d) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty TNHH; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
e) Cơ cấu tổ chức quản lý;
g) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty TNHH, công ty cổ phần”.
Tuy nhiên, cũng có những nội dung được quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhưng không thật sự “chủ yếu”, “cần thiết” hay “bắt buộc”, những nội dung này đã được pháp luật quy định, vì vậy, thực tế chỉ cần đưa vào Điều lệ công ty nếu có “thoả thuận” khác với quy định của pháp luật. Ví dụ các nội dung:
“h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty TNHH hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty”.
Thực tế cho thấy, rất nhiều công ty đưa vào Điều lệ tất cả các nội dung được liệt kê tại khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 mà không quan tâm đến nội dung theo quy định của Điều lệ công ty có gì khác biệt với quy định của pháp luật hay không, trong rất nhiều trường hợp chỉ là sự sao chép y nguyên các quy định của pháp luật, và quy định tại khoản 3 Điều 10 Điều lệ Công ty BAY W là một ví dụ điển hình. Để các nhà đầu tư hiểu đúng về quy định của pháp luật về Điều lệ công ty cũng như nhận thức đúng vai trò, hiệu lực pháp lý của Điều lệ công ty, quy định của pháp luật về Điều lệ công ty cũng nên được sửa đổi theo hướng: Quy định rõ những nội dung bắt buộc của Điều lệ công ty và những nội dung không bắt buộc, mang tính định hướng, hướng dẫn.
Thứ hai, nhận thức, hiểu biết của một số nhà đầu tư (cổ đông, thành viên) về vai trò và giá trị pháp lý của Điều lệ công ty còn hạn chế
Hiểu biết hạn chế vai trò, hiệu lực pháp lý của Điều lệ công ty và sự “cẩu thả” trong việc xây dựng, soạn thảo Điều lệ công ty trong một số trường hợp đã gây nên những hệ luỵ, mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có. Những quy định trong Điều lệ công ty nếu không phù hợp không những không tạo thuận lợi mà còn “trói tay” công ty, gây ra những khó khăn, cản trở trong việc quản trị, điều hành cũng như hoạt động của công ty. Chính vì thế việc hiểu đúng, nhận thức đúng về vai trò, hiệu lực pháp lý của Điều lệ công ty từ đó quan tâm đúng mức đến việc soạn thảo, xây dựng Điều lệ công ty là điều hết sức cần thiết. Điều lệ công ty tốt phải là kết quả sự thương lượng, thoả thuận giữa các thành viên, cổ đông trên cơ sở quy định của pháp luật, phải dung hoà được quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên cổ đông, phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị, điều hành và hoạt động của công ty./. 
 

 


[1] Nội dung vụ việc và quyết định của Toà án được trích dẫn theo Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số: 03/2021/QĐPT-KDTM – TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, được đăng tải trên website https://congbobanan.toaan.gov.vn, truy cập ngày 18/5/2022.
[2] Khoản 1 Điều 10 Điều lệ Công ty BAY W quy định: “1. Thành viên có quyền chào bán cho Công ty phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó bỏ phiếu không tán thành đối với quyết định của Hội đồng thành viên về bất kỳ vấn đề nào sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty”.
[3] Không có ý nghĩa và không có giá trị pháp lý là hoàn toàn khác nhau.
[4] Luật Doanh nghiệp năm 2014 và pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại không đưa ra định nghĩa về Điều lệ công ty nói riêng và Điều lệ pháp nhân nói chung. Tuy nhiên, khái niệm Điều lệ công ty đã từng được quy định trong Luật Công ty năm 1990 và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 02/03/2000 hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp. Theo quy định trong Luật Công ty năm 1990 “Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả thành viên về thành lập và hoạt động của công ty, được thông qua tại Đại hội đồng thành lập”[4]; theo Nghị định số 03/2000/NĐ-CP, “Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả thành viên về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty”. Dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS. Ngô Huy Cương cho rằng “Điều lệ công ty là văn bản thể hiện ý chí tạo lập công ty của chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu của công ty. Do đó nó có thể là một văn bản hợp đồng hoặc là một văn bản biểu lộ ý chí đơn phương” - Giáo trình Luật thương mại – Phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 172. 
[5] Khoản 1 Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03 (475), tháng 02/2023.)