Hoàn thiện pháp luật về lưu trữ tài liệu của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam hiện nay

06/02/2023

THS. LÃ THỊ DUYÊN

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ,

TS. TRẦN VIỆT HÀ

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội..

Tóm tắt: Nhà nước tạo ra cơ chế pháp lýbảo đảm tôn trọng và bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các chế độ sử dụng thông tin cá nhântrong hoạt động lưu trữ tài liệu của tổ chức, cá nhân. Trong bài viết này,các tác giả chỉ ra những hạn chế, bất cập của pháp luật về lưu trữ tài liệu của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Luật Lưu trữ; tài liệu lưu trữ.
Abstract: The State promulgates a legal framework and mechanism to ensure respects and protection of private life, personal secrets, family secrets and the utilization regimes of personal information in the documents of organizations and individuals under the archiving performance. Within this article, the authors provide discussions of shortcomings and inadequacies of the legal regulations on archives of documents by organizations and individuals in Vietnam and also a number of recommendations for improvements.
Keywords: Law on Archives; archives.
 lưu-trữ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Một số hạn chế trong quy định của pháp luật về lưu trữ tài liệu của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam
Theo trình tự hiệu lực, nguồn của pháp luật hiện hành về sưu tầm, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam bao gồm: Hiến pháp năm 2013, Luật Lưu trữ năm 2011, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Khoản 3 Điều 4 Luật Lưu trữ năm 2011 (Luật Lưu trữ) quy định: “Thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ; khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước…”.
Khoản 3 Điều 5 Luật Lưu trữ quy định: Cá nhân (gồm cá nhân, gia đình, dòng họ) có tài liệu có các quyền: “a) Được đăng ký tài liệu tại Lưu trữ lịch sử và hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật bảo quản và tạo điều kiện để phát huy giá trị tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này; b) Quyết định việc hiến tặng, ký gửi tài liệu cho Lưu trữ lịch sử; c) Thỏa thuận việc mua bán tài liệu; d) Được ưu tiên sử dụng tài liệu đã hiến tặng; đ) Cho phép người khác sử dụng tài liệu ký gửi tại Lưu trữ lịch sử, nhưng không được xâm hại an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; e) Được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật”.
Luật Lưu trữ ban hành năm 2011 đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật lưu trữ nói chung và pháp luật về sưu tầm tài liệu lưu trữ của cá nhân, tổ chức nói riêng. Luật Lưu trữ công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài liệu lưu trữ của cá nhân, tổ chức đã tạo môi trường pháp lý quan trọng cho các quan hệ về sưu tầm và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ vận hành. Trên cơ sở khẳng định quyền sở hữu là chế độ pháp lý, làm cơ sở phát sinh các quan hệ giữa chủ thể sở hữu đối với tài liệu lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật trong sưu tầm và sử dụng tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, cộng đồng. Về mặt xã hội, các quy định trên cũng tác động đến ý thức trách nhiệm của các chủ sở hữu tài liệu trong việc giữ gìn tài liệu lưu trữ của mình, góp phần làm ổn định các quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, quy định của Luật Lưu trữ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cụ thể:
(1) Tính hợp hiến, hợp pháp: Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Tuy nhiên,khoản 2 Điều 30 Luật Lưu trữ quy định: “...tài liệu lưu trữ bị hư hỏng nặng hoặc có nguy cơ bị hư hỏng chưa được tu bổ, phục chế; tài liệu lưu trữ đang trong quá trình xử lý về nghiệp vụ lưu trữ” là một trong những trường hợp thuộc Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng trong Lưu trữ lịch sử (tiêu chí rộng hơn giới hạn, không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013). Hay “Bộ Nội vụ ban hành Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng tài liệu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ”, về thẩm quyền ban hành cũng như hình thức văn bản quy phạm pháp luật, Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng tài liệu lưu trữ cần được quy định ở tầm Luật Lưu trữ mà không phải là văn văn dưới luật như hiện nay.
(2) Tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, trong hoạt động tổ chức sử dụng nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, khai thác tài liệu lưu trữ phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội và đáp ứng quyền tiếp cận thông tin trong xu thế hội nhập quốc tế: vấn đề phải giải quyết là việc mang tài liệu lưu trữ ra khỏi lưu trữ lịch sử[1] mà chủ thể đã hiến tặng/bán/ký gửi/đăng ký cần phải được điều chỉnh kịp thời phù hợp với việc bảo đảm tính tự quyết định của chủ thể thông tin, tôn trọng nguyên tắc chủ sở hữu thông tin cá nhân có quyền chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình…, nhất là đối với hình thức ký gửi/đăng ký, như đã được văn bản pháp lý quốc tế năm 1948, quyền riêng tư đã được ghi nhận trong Điều 12 của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc[2]. Quy định đó trở thành rào cản đối với việc thực hiện quyền đăng ký tài liệu thuộc Phông lưu trữ Quốc gia hay quyền ký gửi tài liệu vào Lưu trữ lịch sử mà Luật Lưu trữ đã ghi nhận.
(3) Xét về tính toàn diện trong khoa học quản lý nhà nước cũng như khía cạnh kết cấu quy phạm pháp luật, pháp luật về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng còn thiếu các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật lưu trữ phù hợp với đặc thù của quan hệ pháp luật lưu trữ tài liệu cá nhân, gây khó khăn cho công tác quản lý tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng, đó là: về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các biện pháp chế tài áp dụng khi các quyền của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ bị vi phạm; xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm pháp luật về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng; chế độ khen thưởng...
(4)Xét về tính toàn diện pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, Luật Lưu trữchưa giải quyết được các vấn đề của công tác lưu trữ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như: về điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động của lưu trữ tư nhân và khuyến khích chủ sở hữu tài liệu lưu trữ đăng ký thống kê, hiến tặng, ký gửi hoặc bán tài liệu lưu trữ cho Nhà nước; Vấn đề phân phối phí sử dụng tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ (quyền lợi của chủ sở hữu tài liệu), ...; cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật (thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chế tài áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật) về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng.
(5)Luật Lưu trữ tiếp cận tài liệu lưu trữ của cá nhân về cơ bản chỉ trên phương diện quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ, ở phương diện là đối tượng của quan hệ pháp luật dân sự thì còn ở dạng luật “khung”. Trong khi để đi vào thực tiễn, nhiều quy định cần được điều chỉnh cụ thể và chi tiết các quy tắc xử sự. Về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, việc xác lập mối quan hệ pháp lý dựa trên nền tảng pháp luật dân sự giữa tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng có tài liệu với tổ chức lưu trữ và giữa một trong hai chủ thể này với chủ thể khác có quyền, lợi ích liên quan trong quá trình thực hiện sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị tài liệu của tổ chức, cá nhân.
2. Kiến nghị hoàn thiện
2.1. Sửa đổi Luật Lưu trữ
Thứ nhất, Tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với pháp luật chuyên ngành quy định về quyền tiếp cận thông tin và bảo vệ quyền bí mật cá nhân, bí mật đời tư, bí mật gia đình trong quy định hạn chế sử dụng tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhân.
(1) Luật Lưu trữ phải bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các luật chuyên ngành về nội dung tiếp cận thông tin, bảo đảm quyền bí mật đời tư, bí mật gia đình; đồng thời bảo đảm thực hiện thuận lợi, thống nhất và đồng bộ quyền tiếp cận thông tin của công dân trong từng lĩnh vực. Cụ thể, bổ sung điều khoản áp dụng Luật Lưu trữ theo nguyên tắc: (i) Trong trường hợp luật khác có quy định rộng hơn về phạm vi thông tin được tiếp cận, thuận lợi hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin cho công dân thì áp dụng quy định của luật đó; (ii) Ngoài ra, để lấp những “chỗ trống” của pháp luật, trong từng lĩnh vực, trường hợp văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đó không quy định về việc cung cấp thông tin và thông tin bí mật đời tư, thì áp dụng quy định của Luật Lưu trữ.
(2) Bảo đảm phù hợp với quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 và trong mối quan hệ mật thiết với các luật chuyên ngành khác, cần sửa đổi Điều 30 Luật Lưu trữ: (i) Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng phải được quy định trực tiếp trong Luật Lưu trữ để bảo đảm việc hạn chế quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ cũng như tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ sưu tầm của cá nhân, gia đình, cộng đồng phải được quy định ở tầm luật (không ủy quyền Bộ Nội vụ ban hành); (ii) Bỏ quy định tiêu chí xác định tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng khá chung chung và không phù hợp với quy định của Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
(3) Vấn đề xác định thông tin có trong tài liệu lưu trữ cá nhân cần được hạn chế sử dụng, Luật Lưu trữ cần quy định cụ thể: Phạm vi thông tin được tiếp cận và thông tin hạn chế tiếp cận; Tiếp cận thông tin trong một số trường hợp đặc biệt. Trên cơ sở đó, Luật xác định rõ: trách nhiệm cung cấp tài liệu của cơ quan lưu trữ, nguyên tắc, điều kiện cung cấp thông tin hạn chế tiếp cận (trừ bí mật nhà nước) trong những trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người và lợi ích cộng đồng.
(4) Quy định rõ hơn hình thức, trình tự, thủ tục, thời hạn công bố tài liệu, cung cấp thông tin khi có yêu cầu theo hướng đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, ít tốn kém nhất và đúng quy định. Các điều kiện, biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ, trên nền tảng thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, bảo đảm quyền bí mật đời tư, bí mật gia đình có trong tài liệu cá nhân. Trình tự, thủ tục khai thác sử dụng tài liệu phải được quy định khác với trình tự, thủ tục khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ nói chung.
Thứ hai,Tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể:
(1) Bổ sung quy định ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp Luật Lưu trữ có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề: để giải quyết trường hợp sưu tầm tài liệu lưu trữ của Việt Nam và về Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài và khai thác sử dụng tài liệu vượt khỏi phạm vi biên giới Việt Nam.
(2) Sửa đổi khoản 1 Điều 34 Luật Lưu trữ quy định về mang tài liệu lưu trữ ra khỏi Lưu trữ lịch sử mà chủ thể đã hiến tặng, bán, ký gửi, đăng ký; vấn đề hoàn trả và thẩm quyền cho phép đưa tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhân ra khỏi Lưu trữ lịch sử phù hợp với việc đảm bảo tính tự quyết định của chủ thể thông tin, tôn trọng nguyên tắc chủ sở hữu thông tin cá nhân có quyền chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình…  
Thứ ba, Cần bổ sung các quy định về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng với những đặc thù của quan hệ pháp luật; các biện pháp chế tài áp dụng khi các quyền của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ bị vi phạm; xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng; chế độ khen thưởng trong hoạt động lưu trữ tài liệu cá nhân.
Thứ tư, Hoàn thiện quy định của Luật Lưu trữ về thực hiện, bảo vệ quyền dân sự đối với tài liệu của cá nhân.
(1)Cần bổ sung nguyên tắc áp dụng Luật Lưu trữ. Trong đó, rà soát các quan hệ đặc thù trong hoạt động lưu trữ để có được cơ chế pháp lý riêng, phù hợp, nhất là những giới hạn thực hiện quyền dân sự cần phải có trong hoạt động lưu trữ; trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh tài liệu của cá nhân, quyền, nghĩa vụ đối với tài liệu cá nhân thì ưu tiên áp dụng quy định của Luật Lưu trữ, trường hợp không có quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự hoặc của luật khác có liên quan.
(2)Tên gọi đối với nhóm “tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ” sửa thành “tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng” để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ và cách hiểu thống nhất giữa Luật Lưu trữ với Bộ luật Dân sự dưới góc nhìn về hình thức quyền sở hữu và phân biệt giữa nhóm tài liệu thuộc sở hữu Nhà nước và nhóm tài liệu lưu trữ không thuộc sở hữu Nhà nước. Qua kết quả khảo sát, bên cạnh tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, các lưu trữ lịch sử, bảo tàng, thư viện,… còn sưu tầm được tài liệu của bản, làng, tộc người, dân tộc thiểu số, tổ chức kinh tế - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đình, đền, chùa, miếu, phủ, nhà thờ…[3]
Để bao quát được đúng, đủ về giá trị sử dụng của tài liệu lưu trữ, Luật Lưu trữ cần được tiếp cận theo hướng: Tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử hoặc phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác theo yêu cầu được lựa chọn để lưu trữ(sửa đổi khoản 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 5) đồng thời bổ sung định nghĩa “Tài liệu lưu trữ cá nhân”.
(3) Luật Lưu trữ cần tiếp cận các quy định về tài liệu của cá nhân trên cả hai phương diện: quản lý nhà nước và là đối tượng quan hệ pháp luật dân sự. Luật quy định các nguyên tắc pháp lý phù hợp, bảo đảm sự hài hòa giữa chuẩn mực trong quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ với chuẩn mực pháp lý về quyền nhân thân, quyền tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự. Ví dụ, cần bổ sung các hành vi bị cấm bao gồm các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và chế độ sử dụng thông tin cá nhân…; quy định về những tài liệu của cá nhân có thể là đối tượng của giao dịch, dịch vụ trong hoạt động lưu trữ mà một bên chủ thể là tổ chức lưu trữ nhà nước.
(4) Luật Lưu trữ cần điều chỉnh tài liệu của cá nhân trong trạng thái động, vừa là một tài sản trong giao dịch vừa đồng thời là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, cần quy định cụ thể cơ chế pháp lý để cơ quan lưu trữ được xác lập quyền dân sự đầy đủ hoặc xác lập có giới hạn đối với tài liệu của cá nhân trong hoạt động lưu trữ như các nội dung quyền nhân thân, quyền sở hữu, quyền thừa kế hay trong thực hiện giao dịch (sau khi rà soát các quy định Bộ luật Dân sự liên quan đến tài liệu cá nhân).
(5)Luật Lưu trữ cần có cơ chế pháp lý để xã hội hóa đối với một số hoạt động lưu trữ liên quan đến vấn đề này để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát huy giá trị gia tăng của tài liệu lưu trữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
2.2. Sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật về lưu trữ tài liệu của cá nhân, tổ chức
Thứ nhất, Sửa đổi Điều 16 Nghị định số 01/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ cho phù hợp với nội dung sửa đổi khoản 5 Điều 30 Luật Lưu trữ về thời hạn sử dụng tài liệu lưu trữ cá nhân và với Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, về thời hạn sử dụng tài liệu liên quan đến cá nhân được quy định tùy thuộc vào nhóm tài liệu tương ứng với thời hạn sử dụng rộng rãi khác nhau.
Thứ hai, Ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, xác định giá trị và phân hạng tài liệu sưu tầm, trong đó quy định tiêu chuẩn tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Việc ban hành văn bản là cần thiết, vì:
(1) Bảo đảm tính khả thi của Luật Lưu trữ và đồng bộ, thống nhất với các văn bản dưới Luật.
Theo Thông tư số 275/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tài liệu lưu trữ. Theo đó, về “mức thu phí sử dụng tài liệu lưu trữ quý, hiếm bằng 05lần mức thu phí sử dụng các tài liệu tương tự quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Tài liệu lưu trữ quý, hiếm là tài liệu lưu trữ theo quy định tại Điều 26 Luật Lưu trữ”[4]. Tuy nhiên, Điều 26 Luật Lưu trữ chỉ quy định đặc điểm tài liệu quý, hiếm và mang tính trừu tượng, khó có chuẩn mực chung để hiểu và áp dụng thống nhất khi xác định đâu là tài liệu quý, hiếm. Thực tế thu phí khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ quý, hiếm, các Lưu trữ lịch sử gặp nhiều khó khăn, chưa áp dụng thống nhất và chưa có sự phân biệt (thu gấp 5 lần) tài liệu lưu trữ nói chung và thật khó thuyết phục đối với người sử dụng tài liệu nộp phí. Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 275/2016/TT-BTC không đi vào thực tiễn.
(2) Ban hành thông tư này làm căn cứ pháp lý cho thực tiễn áp dụng hình thức đăng ký quốc gia, trước khi lựa chọn đăng ký vào chương trình, danh hiệu của khu vực và thế giới, bảo đảm tính khả thi khoản 2 Điều 26 Luật Lưu trữ. Bên cạnh các yếu tố phù hợp điều kiện văn hóa - xã hội, phong tục tập quán và truyền thống, tiêu chuẩn xác định tài liệu quý, hiếm phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế (một trong những nội dung khuyến cáo của UNESCO).
(3) Quy định tiêu chuẩn tài liệu lưu trữ quý, hiếm làm tiền đề: (i) Quy định về quyền và nghĩa vụ tương ứng của chủ sở hữu tài liệu trong từng hình thức dịch chuyển quyền đối với tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng; (ii) Lưu trữ lịch sử tư vấn, giúp chủ sở hữu tài liệu lựa chọn hình thức dịch chuyển quyền phù hợp; (iii) Xác định giá trị tài liệu trong sưu tầm tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng nhằm tối ưu hóa thành phần tài liệu Phông lưu trữ Quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thực hiện thống nhất giữa các tổ chức lưu trữ nhà nước và tư nhân.
(4) Quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về nghiệp vụ lưu trữ cũng như sử dụng kinh phí có hiệu quả cho công tác sưu tầm tài liệu.
Thứ ba, Ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký, ký gửi, mua - bán, hiến tặng tài liệu lưu trữ của tổ chức, cá nhân, theo đó xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ các bên chủ thể của quan hệ (từ khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật).
Trên cơ sở xác định, nghiên cứu đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự, quy trình, thủ tục thực hiện dịch chuyển quyền phải bảo đảm: (1) Nguyên tắc tôn trọng quyền dân sự (với đặc trưng xác lập là bình đẳng, thỏa thuận và tự quyết) của chủ sở hữu tài liệu và chính sách của nhà nước đối với quan hệ dân sự; (2) Phải thuận lợi nhất và phù hợp với nguyện vọng của tổ chức, cá nhân; (3) Tuân thủ Luật Lưu trữ, phù hợp với luật pháp các chuyên ngành liên quan và tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Thứ tư, Bãi bỏ Thông tư số 05/2015/TT-BNV ngày 25/11/2015 của Bộ Nội vụ ban hành quy định Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng tại Lưu trữ lịch sử, để phù hợp với việc sửa đổi Điều 30 Luật Lưu trữ.
Thứ năm, Ban hành Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí sưu tầm tài liệu lưu trữ để bảo đảm thực tiễn công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ nói chung và sưu tầm tài liệu quý, hiếm nói riêng. Thông tư số 129/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 05/9/2014 của Bộ Nội vụ quy định việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” hết hiệu lực thi hành ngày 17/5/2022. Tuy nhiên, việc sưu tầm tài liệu lưu trữ của cá nhân, tổ chức vẫn cần thiết tiếp tục thực hiện trong thời gian tới./. 
 

 


[1] Điều 34 Luật Lưu trữ quy định: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được mang tài liệu lưu trữ ra khỏi … Lưu trữ lịch sử… và phải hoàn trả nguyên vẹn tài liệu lưu trữ đó”.
[2] “Không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy” (Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948).
[3] Phụ lục Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Quản lý Nhà nước về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ”, Chủ nhiệm Đề tài: ThS. Lã Thị Duyên, Mã ĐT.07/2020 (Bộ Nội vụ chủ trì).
[4] Xem khoản 2 Điều 5 Thông tư số 275/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14/11/2016.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (472), tháng 12/2022.)


Thống kê truy cập

32907156

Tổng truy cập