Bảo đảm quyền con người trong áp dụng biện pháp bắt, giữ người trong tố tụng hình sự

27/01/2023

TS. TRỊNH DUY THUYÊN

Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Tóm tắt: Quyền tự do của công dân là những quyền cơ bản của con người, được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhưng qua thực tiễn áp dụng đã phát sinh những khó khăn, bất cập trong các quy định về biện pháp ngăn chặn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do của công dân, cần sớm được hoàn thiện.
Từ khoá: Quyền con người, biện pháp ngăn chặn, tố tụng hình sự.
Abstract: The right of freedom of citizens is one of basic human rights, stipulated in the Constitution of 2013. However, in order to maintain national security and social order and safety as well as protect legitimate rights and interests of organizations and individuals, the procedure-conducting agencies are allowed by the Criminal Procedure Code of 2015 to apply preventive measures to ensure the investigation, prosecution, adjudication and judgment enforcement process. However, a number of shortcomings and inadequacies appear after practial enforcement of the regulations on preventive measures, which directly affect the right of freedom of citizens, which need to be reviewed and improved.
Keywords: Human rights; preventive measures; criminal proceedings.
TẠM-GIAM-TẠM-GIỮ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về áp dụng các biện pháp bắt, giữ người
Biện pháp bắt, giữ người là những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (TTHS), đây là cách thức thực hiện tính quyền lực nhà nước do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng theo trình tự, thủ tục được pháp luật TTHS quy định, tác động lên tư tưởng, hành vi người tham gia tố tụng, buộc họ phải thực hiện nhằm bảo đảm cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi. Do đó, các biện pháp này đóng vai trò hết sức quan trọng để ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn bị can, bị cáo gây khó khăn cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Nhưng việc lạm dụng, áp dụng sai các biện pháp bắt, giữ người trong TTHS, sẽ bị coi là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm các quyền tự do cá nhân của con người; xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì những lý do đó, việc quy định chặt chẽ, chính xác, cụ thể biện pháp bắt, giữ người không những thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước ta đối với các quyền tự do cá nhân, mà còn là cơ sở pháp lý bảo đảm sự giám sát của Nhân dân, xã hội đối với toàn bộ hoạt động TTHS nói chung, áp dụng các biện pháp ngăn chặn TTHS nói riêng.
- Giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là một biện pháp ngăn chặn hoàn toàn mới được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015 (Bộ luật TTHS) được tiến hành khi có những căn cứ cụ thể về việc giữ người[1] hoặc các cơ quan chức năng tiếp nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp từ các cơ quan khác bàn giao, để có thời gian điều tra xác minh làm rõ hành vi phạm tội trước khi thực hiện các quyết định tố tụng tiếp theo. Khi tiến hành biện pháp này, pháp luật TTHS quy định phải bảo đảm về trình tự thủ tục như: phải có Lệnh của người có thẩm quyền và phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do họ bị giữ. Đối với Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng sau khi tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra (CQĐT) nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiến hành ngay 03 hoạt động: lấy lời khai; Người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó nếu không có đủ căn cứ tạm giữ. Ngoài ra, để bảo đảm tính khách quan Bộ luật TTHS còn yêu cầu Viện Kiểm sát phải giám sát chặt chẽ căn cứ giữ người. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Như vậy, biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp chỉ mới tạm thời tước quyền tự do của người bị tạm giữ trong một thời gian ngắn (12 giờ) để cơ quan chức năng có đủ thời gian tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu để xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội trước khi quyết định áp dụng biện pháp mang tính cưỡng chế khác nghiêm khắc hơn. Theo tác giả, biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp được các nhà lập pháp quy định thêm nhằm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013[2] vì quy định biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp trong Bộ luật TTHS năm 2003 chưa bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp. Bởi lẽ, các cơ quan tiến hành tố tụng bắt trước mới phê chuẩn sau. Với việc bổ sung Biện pháp mới này, đã thể hiện quan điểm tiến bộ của các nhà lập pháp về tôn trọng và bảo vệ quyền con người “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể[3]; đồng thời giúp cơ quan chức năng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bắt oan sai có thể diễn ra trong thực tế.
- Các biện pháp bắt người
Bắt người là biện pháp ngăn chặn mang tính đặc thù được áp dụng liền trước các biện pháp tạm giữ[4], tạm giam. Biện pháp này khi được tiến hành sẽ hạn chế và tiến đến tước các quyền tự do thân thể của người bị bắt trong một khoảng thời gian luật định. Mục đích của pháp luật TTHS quy định biện pháp bắt người để ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội, không để các đối tượng tiếp tục có khả năng gây nguy hại cho xã hội hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngoài ra, để bảo đảm tôn trọng và bảo đảm quyền con người, Bộ luật TTHS quy định rất chặt chẽ về trình tự thủ tục khi tiến hành bắt người kể từ khi bắt đầu tiến hành cho đến những việc làm cụ thể sau khi bắt như: mọi trường hợp bắt người đều có lệnh, quyết định của người có thẩm quyền. Lệnh, quyết định bắt người phải ghi rõ các thông tin về họ tên người bị bắt giữ; lý do bắt giữ; thời gian áp dụng; căn cứ tiến hành và lập biên bản khi tiến hành các hoạt động tố tụng[5]. Lệnh bắt của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT và các tài liệu có liên quan đến việc bắt người phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp xem xét để phê chuẩn.
Theo quy định của Bộ luật TTHS, các trường hợp bắt người gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
+ Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thể hiện tính chất đặc biệt, cấp bách của việc ngăn chặn tội phạm, hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra đối với cá nhân, tổ chức và xã hội. Ngoài ra, việc nhanh chóng bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp còn góp phần ngăn ngừa không cho các đối tượng bị nghi thực hiện tội phạm có điều kiện gây khó khăn cho các hoạt động điều tra. Khoản 4 Điều 110 Bộ luật TTHS quy định: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được tiến hành trong khoảng 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc tiếp nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của cơ quan chức năng; khi xét thấy đã có đầy đủ thông tin, tài liệu và các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật TTHS. Bằng việc quy định biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được tiến hành sau khi đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Bộ luật TTHS khắc phục được tình trạng bắt trước sau đó mới xin phê chuẩn trong thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát[6]. Đồng thời, các cơ quan chức năng trước khi áp dụng biện pháp bắt người phải thật thận trọng và chỉ được tiến hành khi có các căn cứ theo luật định.
+ Bắt người phạm tội quả tang
            Việc bắt người phạm tội quả tang được quy định tại Điều 111 Bộ luật TTHS, tiến hành đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Trong quá trình bắt người phạm tội quả tang, pháp luật cho phép được tước vũ khí, hung khí của người bị bắt nhưng sau đó phải giao nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, Bộ luật TTHS đã bổ sung quy định rất cụ thể nhiệm vụ phải thực hiện của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an gồm: thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có); đồng thời phải lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường, giải ngay người bị bắt hoặc báo cho CQĐT có thẩm quyền. Trong thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS năm 2003, do thiếu vắng các quy định cụ thể trên đã dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là ở lực lượng Công an cơ sở. Do đó, với điểm mới vừa được bổ sung lần này sẽ tạo điều kiện cho lực lượng này giải quyết, xử lý ngay các tình huống trong thực tế có thể xảy ra; tăng cường trách nhiệm và mối quan hệ của phối hợp giữa lực lượng Công an cơ sở với các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc tiếp nhận người bị bắt từ quần chúng dân nhân, các cơ quan, tổ chức khác đưa đến; qua đó, góp phần hạn chế thiệt hại đối với xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội của các cơ quan tiến hành tố tụng và xử lý các vụ án hình sự được kịp thời, nhanh chóng.
            + Bắt người đang bị truy nã
            Bắt người đang bị truy nã là biện pháp bắt người, đang có quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền. Bắt người đang bị truy nã không thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang vì hành vi của người truy nã là hành vi bỏ trốn sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì vậy, Bộ luật TTHS đã tách riêng biện pháp bắt người đang bị truy nã thành một điều luật độc lập, không ghép chung như các quy định của Bộ luật TTHS năm 2003[7] để phân biệt giữa biện pháp bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, bởi vì tuy biện pháp bắt người phạm tội quả tang và biện pháp bắt người đang bị truy nã có những điểm tương đồng về mức độ nhanh chóng, tính cấp thiết, quyền hạn, thủ tục tiến hành, nhưng bản chất của hai biện pháp này áp dụng cho hai đối tượng hoàn toàn khác nhau[8] nên cần phải tách riêng để bảo đảm thi hành.
            Bắt người đang bị truy nã được quy định tại Điều 112 Bộ luật TTHS. Riêngvề căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục và chủ thể có thẩm quyền thi hành bắt người đang bị truy nã được tiến hành giống như biện pháp bắt người phạm tội quả tang.
+ Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
            Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là việc bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử để tạm giam phục vụ cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Đây là một trong những biện pháp ngăn chặn mang tính nghiêm khắc và rất dễ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích cho toàn cộng đồng, thì đây là một trong những biện pháp cần thiết, hữu hiệu do CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng để đảm bảo quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm mang lại hạnh phúc bình yên cho Nhân dân. Biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại Điều 113 Bộ luật TTHS, được kế thừa và gần như giữ nguyên so với quy định tại Điều 80 Bộ luật TTHS năm 2003 về trình tự thủ tục và cách thức tiến hành như: trước khi tiến hành bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải có lệnh, quyết định của người có thẩm quyền; lệnh, quyết định phải có đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật và tuân thủ các mẫu văn bản tố tụng[9]; Lệnh bắt của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành… Và chỉ sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ cho cụ thể, rõ ràng.
+ Bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ
Đây là biện pháp ngăn chặn vừa được Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung cụ thể, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới về hợp tác quốc tế. Đây là các quy định để bổ trợ nhằm giúp cho các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động tố tụng giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành TTHS của Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền tố tụng của các nước, trên cơ sở các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập nhằm chung tay góp phần đấu tranh chống các loại tội phạm có hiệu quả, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc tế, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
 Biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ được quy định tại Điều 503 Bộ luật TTHS. Đối tượng bị áp dụng biện pháp này là người nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam hoặc thi hành quyết định dẫn độ. Trình tự, thủ tục được thực hiện giống như biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo Điều 113 Bộ luật TTHS. Tuy nhiên, thời hạn tạm giam để xem xét yêu cầu dẫn độ, chính là thời hạn đã được ghi trong lệnh bắt giam của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ hoặc thời hạn phải thi hành hoặc còn phải thi hành hình phạt tù trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước yêu cầu dẫn độ. Trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ ra lệnh, quyết định tạm giam hoặc gia hạn tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu được gửi thông qua Bộ Công an.
- Tạm giữ, tạm giam và thời hạn tạm giữ, tạm giam
Biện pháp tạm giữ thường được áp dụng liền sau biện pháp bắt người nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có khoảng thời gian thích hợp để tiến hành các hoạt động điều tra. Do đó, biện pháp tạm giữ có ý nghĩa rất quan trọng khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, do Bộ luật TTHS đã bổ sung thêm một biện pháp ngăn chặn mới là biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Do đó, biện pháp tạm giữ có thể áp dụng đối với các trường hợp như: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Ngoài ra, để khắc phục hạn chế trong Bộ luật TTHS năm 2003, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên cương, hải đảo gắn với tiêu chí “thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, hải đảo, xa CQĐT chuyên trách”, Bộ luật TTHS đã bổ sung một số chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ[10] là những người có thẩm quyền trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thời hạn tạm giữ theo Điều 118 Bộ luật TTHS là không quá 3 ngày kể từ khi CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi CQĐT ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
Trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn thì biện pháp tạm giam là biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, được thể hiện ở chỗ tước bỏ quyền tự do của người bị áp dụng trong một khoảng thời gian khá dài bằng cách tách ly họ khỏi cuộc sống của xã hội và hạn chế các quyền công dân. Xuất phát từ yêu cầu thực thi Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân, Bộ luật TTHS đã quy định cụ thể rõ ràng các căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam cho từng đối tượng cụ thể để tránh sự mập mờ, lạm dụng của các cơ quan chức năng khi áp dụng. Điều 119 Bộ luật TTHS quy định tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm thì cụ thể hóa căn cứ cản trở điều tra, truy tố, xét xử bằng các căn cứ cụ thể[11]. Ngoài ra, để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù đến 02 năm nhưng bỏ trốn, Bộ luật TTHS quy định chỉ có thể tạm giam đối tượng này nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Ngoài ra phụ nữ có thai, người già yếu có thể bị áp dung biện pháp tạm giam khi có các căn cứ được quy định tại khoản 4 Điều 119.
Trường hợp tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, pháp luật TTHS quy định rất rõ chỉ được áp dụng khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Đồng thời, để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi bỏ trốn gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi, tại Điều 419 Bộ luật TTHS đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa độ tuổi và hành vi phạm tội cụ thể để cơ quan chức năng xem xét có áp dụng biện pháp tạm giam hay không[12].
Ngoài ra, để bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, phù hợp với xu thế của các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới, Bộ luật TTHS rút ngắn thời hạn tạm giam: không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra thì được gia hạn tạm giam: tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng[13]. Như vậy, trong giai đoạn điều tra, đối với tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng: chỉ cho phép gia hạn một lần thay vì gia hạn hai lần; đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, chỉ cho phép gia hạn hai lần thay vì gia hạn ba lần. Theo đó, rút ngắn thời hạn tạm giam 01 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 02 tháng đối với tội rất nghiêm trọng; 04 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Một số hạn chế và kiến nghị
            Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự thủ tục luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, người bị buộc tội gồm: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ được coi là vô tội cho đến khi lỗi của họ được chứng minh. Do đó, để bảo đảm nội dung này, đòi hỏi quy định của Bộ luật TTHS phải rõ ràng từ căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, đối tượng được áp dụng. Việc quy định không rõ, không đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người bị buộc tội trong các giai đoạn TTHS. Cụ thể:
            Thứ nhất, Điều 117 Bộ luật TTHS đã quy định cụ thể tạm giữ được áp dụng đối người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt trong trượng hợp truy nã, tự thú và đầu thú. Tuy nhiên, điều luật này lại không quy định biện pháp tạm giữ được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, thực tế khi đã bắt người thì phải tạm giữ. Chính vì vậy, điều luật này còn đang khập khiễng so với quy định tại điều 110 của Bộ luật TTHS. Do đó, tác giả kiến nghị cần quy định thêm căn cứ áp dụng tạm giữ đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm tính phù hợp giữa các điều luật là trong thực tế.
   Thứ hai,khoản 2 Điều 117Bộ luật TTHS dẫn chiếu về khoản 2 Điều 110 về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ. Trong đó, điểm c khoản 2 Điều 110 quy định thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp có “Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng”. Tuy nhiên, quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật TTHS. Khoản 4 Điều 110 Bộ luật TTHS quy định sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người chỉ huy tàu bay, tàu biển phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến CQĐT nơi có sân bay hoặc bến cảng tàu bay, tàu biển trở về đầu tiên. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, CQĐT phải lấy lời khai ngay và ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Theo quy định này, người chỉ huy tàu bay, tàu biển bị thiếu trình tự thủ tục ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, tác giả kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tạm giữ đối với chủ thể có thẩm quyền này trong TTHS nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS.
Thứ ba, cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 419 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, quy định về biện pháp ngăn chặn nói chung và tạm giữ nói riêng đối với người dưới 18 tuổi ngoài những căn cứ chung được quy định tại Điều 117 thì phải dựa vào căn cứ cụ thể được quy định tại Điều 419 Bộ luật TTHS. Nhưng tại Điều 419 chỉ dẫn chiếu đến các căn cứ tại Điều 110, 111, 112, 119 Bộ luật TTHS về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác; trong khi đó, biện pháp tạm giữ ở Điều 117 lại không được dẫn chiếu. Điều này dẫn đến vướng mắc về viện dẫn cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 419 Bộ luật TTHS về cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi, để đảm bảo tính hoàn thiện trong quy định của Bộ luật TTHS về biện pháp tạm giữ.
Thứ tư, về nguyên tắc, biện pháp tạm giam chỉ được áp dụng khi đây là biện pháp cuối cùng nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong TTHS. Trước khi áp dụng tạm giam, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần kiểm tra các biện pháp ngăn chặn khác trước khi áp dụng tam giam. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp thay thế tạm giam hiện nay còn nhiều quan điểm:
Quan điểm 1: áp dụng tam giam trước, sau đó áp dụng các biện pháp thay thế như: bảo lĩnh, đặt tiền.
Quan điểm 2: trước khi áp dung biện pháp tạm giam, các cơ quan cần xem xét các biện pháp khác, nếu xét thấy không cần phải tạm giam thì có thể áp dụng: cấm đi khởi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm.
Tác giả ủng hộ quan điểm thứ hai, vì quan điểm này góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và trong TTHS. Do cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong thời gian tới cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất nội dung này.
Thứ năm, Điều 113 quy định biện pháp ngăn chặn “bắt bị can, bị cáo để tạm giam”; như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu “Bắt người là một biện pháp để thực hiện tạm giam”. Theo tác giả, cách hiểu này là không đúng; bởi lẽ, nếu xem“bắt bị can, bị cáo để tạm giam” là một biện pháp để thực hiện lệnh tạm giam thì việc ngăn chặn bị can, bị cáo thực hiện lệnh tạm giam dựa trên căn cứ pháp lý nào. Bên cạnh đó, đối chiếu với quy định bắt người trong các trường hợp (bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang…) thì Điều 113 chưa quy định cụ thể các căn cứ áp dụng đối với biện pháp này. Theo tác giả, đây cũng là một trong các biện pháp ngăn chặn, do đó cũng phải bảo đảm đầy đủ năm yếu tố: căn cứ áp dụng, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và thời hạn tiến hành. Nếu chúng ta bỏ ngỏ vấn đề này hoặc quy định không cụ thể và không rõ ràng thì trong thực tế quyền con người, quyền tự do công dân sẽ rất dễ bị xâm phạm khi áp dụng. Nguyên nhân là do sự suy diễn hoặc tùy tiện áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặc khác, vì đây là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính nghiêm khắc nhất trong TTHS, tước bỏ quyền tự do của con người, công dân, nên pháp luật phải bảo đảm được tính chặt chẽ và thống nhất nội dung khi đưa ra áp dụng trong thực tế./. 

 


[1] Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ thực hiện biện pháp này khi “ có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.
[2] Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát…”.
[3] Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013.
[4] Ngoại trừ biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Vì theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì mới quyết định có bắt người trong trường hợp khẩn cấp hay không.
[5] Xem Điều 132, 133 Bộ luật tố tụng hình sự.
[6] Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013.
[7] Xem Điều 82 Bắt người phạm tội quả tang hoặc truy nã, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
[8] Người có hành vi phạm tội quả tang, tuy có hành vi phạm tội nhưng chưa bị khởi tố về hình sự. người bị truy nã là người bị cơ quan thẩm quyền ra quyết định truy nã trong trường hợp: đã có lệnh bắt những chưa bắt được thì bỏ trốn; đã bị bắt đang bị tạm giữ, tạm giam nhưng bỏ trốn; đang tại ngoại và bị áp dụng các biện pháp không tước bỏ tự do mà bỏ trốn.
[9] Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132; Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt; Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”.
Khoản 3 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”.
[10] Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng.
[11] Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố Tụng hình sự quy định: “đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”.
[12] Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự; bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã”.
[13] Xem Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (471), tháng 12/2022.)