Xử phạt vi phạm hành chính qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ

12/12/2022

PGS.TS. BÙI TIẾN ĐẠT

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,

VŨ MINH QUÂN*, NGUYỄN THÙY GIANG**

*,** K64C. Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Ở Việt Nam, việc xử phạt vi phạm hành chính qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được triển khai từ năm 2004. Phương pháp xử phạt này đã mang lại nhiều điểm tích cực đối với công tác quản lý an toàn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập, hạn chế, đặc biệt về quy trình xử lý.
Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính; giao thông đường bộ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Abstract: In Vietnam, the sanctioning of administrative violations through detection by means of professional technical equipment in the field of road traffic has been carried out since 2004. This sanctioning method has given several acheivements in administration for traffic safety, and increases in the awareness of road users as well. However, the implementation process still has some inadequacies and shortcomings, especially in terms of sanction-handling process.
Keywords: Administrative violations sanctioning; road traffic; professional technical means and equipment.
 XỬ-PHẠT-GIAO-THÔNG-ĐƯỜNG-BỘ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật (hay còn gọi là “phạt nguội”) là việc áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền sau khi phát hiện hành vi vi phạm đã xảy ra, được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng hình thức xử phạt này không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm.
Cơ chế phạt nguội được hỗ trợ bởi hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, một số các ngã tư, là trọng điểm giao thông có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý. Sau đó, Trung tâm này tiến hành việc in ảnh, truy xuất thông tin người và xe, xác định chủ phương tiện, địa chỉ rồi gửi thông báo đối với các đối tượng vi phạm để xử phạt. Ngoài ra, hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông cũng áp dụng phạt nguội đối với những vi phạm giao thông được người dân chụp ảnh, quay phim và gửi trực tiếp về địa điểm, hòm thư điện tử của Đội cảnh sát giao thông hoặc đăng tải trên mạng xã hội.
Mặc dù cơ chế phạt nguội đã được áp dụng và triển khai từ năm 2004 (ở TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng phạt nguội từ năm 2007, ở TP. Hà Nội áp dụng phạt nguội từ năm 2015), nhưng còn nhiều vướng mắc trong việc bảo đảm thực hiện việc xử phạt[1]. Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật Xử lý VPHC) thiếu chế tài cưỡng chế để buộc người vi phạm thực hiện nghiêm việc xử phạt, khoản 2 Điều 86 quy định 04 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau: (i) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; (ii) Khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; (iii) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (iv) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Trong trường hợp quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, cá nhân, tổ chức có thể bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC. Như vậy, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định chưa đủ hiệu quả để buộc người vi phạm thi hành quyết định xử phạt một cách nghiêm minh.
Thứ hai, người vi phạm cố tình né tránh việc xử phạt (chuyển chỗ ở, bán phương tiện, cho rằng không biết, không hề nhận được thông báo về việc xử phạt...). Hơn nữa, việc phạt nguội hiện nay cũng gặp khó khăn lớn khi việc xử phạt chỉ căn cứ vào sự vi phạm của phương tiện, không biết rõ ai là người đang điều khiển phương tiện, nhất là người sử dụng phương tiện khi vi phạm lại không phải là chủ phương tiện. Việc áp dụng phạt nguội các phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật giao thông qua camera, máy bắn tốc độ, bên cạnh những ưu điểm còn có những bất cập. Cụ thể là nhiều người đã bị phạt oan, do khi mua xe cũ, họ phải sang tên, đổi biển số, nhưng hành vi vi phạm luật giao thông lại xảy ra trước khi họ mua xe, sang tên, đổi biển số xe đó, đặc biệt khi đó là một doanh nghiệp vận tải có hàng trăm ô tô và thuê hàng trăm người lái. Có trường hợp, tài xế xe vi phạm luật giao thông nhưng do biết trước mức phạt sẽ rất nặng nên tài xế tự động nghỉ việc. Khi doanh nghiệp cho xe đi đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định khiến phương tiện không thể tiếp tục lưu thông. Tương tự như vậy là các trường hợp cho người nhà, bạn bè mượn xe. Đối với các doanh nghiệp cho thuê xe cũng vậy, nhiều cơ sở cho thuê xe nhận được giấy báo vi phạm lỗi quá tốc độ và được yêu cầu đóng phạt, nhưng người vi phạm lỗi đó là khách thuê xe và vụ việc đã xảy ra trước. Việc tìm và yêu cầu người đã mượn xe, thuê xe nộp phạt do lỗi của họ không dễ dàng đối với chủ phương tiện cho mượn, cho thuê xe. Đó cũng là những nguyên nhân xảy ra khiếu nại của công dân với cơ quan nhà nước.
Khoản 1a, 1b Điều 3 Luật Xử lý VPHC quy định các nguyên tắc: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh”… và “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, sẽ không phù hợp nếu cảnh sát giao thông để mấy tháng sau khi vi phạm xảy ra mới xúc tiến việc lập biên bản cũng như thực hiện các bước xử lý tiếp theo. Có trường hợp người vi phạm chỉ biết mình bị xử phạt vi phạm hành chính sau một thời gian thực hiện hành vi vi phạm, khi mang phương tiện đi kiểm định định kỳ.
Luật Xử lý VPHC cũng đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản và xử phạt có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Các “trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản” (khoản 1 Điều 56). Điều 58 quy định về lập biên bản vi phạm hành chính tại khoản 1: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”; và “trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm”.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến và Biên bản VPHC phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; Biên bản VPHC lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức VPHC 01 bản… Như vậy, trong trường hợpVPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ và tiến hành phạt nguội, các yêu cầu về lập biên bản; nội dung của biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm; người ký biên bản… đều không đáp ứng được các quy định của Luật Xử lý VPHC, vì phạt nguội hoàn toàn không có biên bản này.
Khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý VPHC quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính có nêu 4 nguyên tắc về quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng không quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm khi các thông tin có được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không chính xác hoặc bị làm giả, bị đánh tráo. Hiện nay, pháp luật quy định hình ảnh trích xuất trong camera chỉ là một nguồn tài liệu để phục vụ cho việc xác định giữa hình ảnh với thực tế có phải là một hay không. Trong điều tra tố tụng, ảnh trích xuất trong camera cũng chỉ để làm cơ sở giúp cho việc thu thập, củng cố các chứng cứ buộc tội khách quan khác nhằm kết luận hành vi vi phạm hay phạm tội. Hình ảnh trong camera mới chỉ là của cơ quan chuyên môn (có thể là cảnh sát giao thông), còn đối với đối tượng liên quan hoàn toàn chưa có, hơn nữa việc chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh không phải là khó với công nghệ hiện nay[2].
2. Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ
2.1. Những kết quả đạt được
- Tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho việc nộp phạt của người vi phạm giao thông; nâng cao tính minh bạch trong việc xử phạt vi phạm
Với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ bằng các thao tác tại nhà[3]. Theo đó, để tra cứu quyết định xử phạt, người dân không cần đăng nhập tài khoản, tuy nhiên để nộp phạt sau khi tra cứu thì bắt buộc phải đăng nhập tài khoản. Người dân có thể đăng nhập trước khi tra cứu hoặc đăng nhập tại thời điểm thực hiện nộp phạt online.
Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan công an tại tỉnh/thành phố (nơi vi phạm giao thông), chỉ cần ngồi tại nhà và đóng phạt qua mạng hoặc qua các app: Momo, VN pay, Smart Banking của các ngân hàng trong nước…, giấy tờ xe sẽ được gửi về tận nhà qua đường bưu điện hoặc kết quả phạt nguội được gửi cho Công an nơi cư trú để xử lý[4]. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho việc nộp phạt của người vi phạm[5].
Hình thức xử phạt VPHC bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cũng góp phần giảm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, hạn chế việc người thi hành công vụ lạm dụng quyền và xâm phạm quyền của người dân; mặt khác, cũng không cho cơ hội người dân "móc ngoặc" với công quyền nhằm "đôi bên cùng có lợi", khó có chuyện xin cho, hoặc bỏ qua vi phạm, vì tất cả chứng cứ đã lưu hết trên hệ thống.
- Ý thức pháp luật của người tham gia giao thông được nâng cao
Việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào nhận thức người điều khiển phương tiện và tạo cảm giác luôn bị các thiết bị camera giám sát trong quá trình tham gia giao thông, người tham gia giao thông sẽ tự ý thức được rằng bất cứ vi phạm nào cũng đều được ghi lại nên phải chấp hành nghiêm nếu không muốn bị xử phạt, từ đó làm cho người dân có ý thức tự giác tuân thủ Luật Giao thông.
Khi bị xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm thường sẽ có tâm lý bao biện cho hành vi của mình. Vì vậy, trích xuất hình ảnh vi phạm giao thông là điều cần thiết để người vi phạm hiểu ra lỗi sai của mình. Từ đó, người dân sẽ  có nhận thức về lỗi sai và có ý thức lần sau.
- Khả năng phát hiện, xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng được nâng cao, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ điều tra hình sự  
Qua camera, các lỗi vi phạm như phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường… đều được phát hiện một cách chính xác, khách quan. Người vi phạm khi bị xử phạt cũng phải “tâm phục, khẩu phục” với việc xử phạt.
Thời gian qua, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; dừng, đỗ sai quy định; biển kiểm soát không rõ chữ hoặc bị che lấp… và thông báo đến các đơn vị trên tuyến triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. 
Việc triển khai áp dụng biện pháp phạt nguội đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.
Với hệ thống camera giám sát, mọi hoạt động được ghi lại, các hành vi trộm cắp, hành hung gây mất trật tự an ninh cũng được ghi lại để các cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng làm bằng chứng để truy tố hình sự. Việc lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các tuyến phố cũng giúp quá trình điều tra trở nên nhanh chóng, chính xác.
2.2. Những bất cập, hạn chế
-Những bất cập, hạn chế mang tính khách quan
Thứ nhất, có thể thấy khó khăn lớn nhất là xác định thông tin địa chỉ nơi ở đã đăng ký với dữ liệu quản lý xe. Trường hợp chủ phương tiện thay đổi thông tin địa chỉ nơi ở đã đăng ký với dữ liệu quản lý xe là một trong những nguyên nhân khiến việc phạt nguội gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó, với những trường hợp phương tiện đã mua bán qua lại nhiều lần nhưng chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ cũng gây khó khăn khi xử phạt nguội.
Thứ hai, đối với công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh, đối tượng tập trung xử lý chủ yếu là xe ôtô. Camera giám sát chỉ xác định được xe vi phạm, không xác định được lái xe vi phạm, do vậy thời gian gần đây một số trường hợp có xe vi phạm đã cho phụ nữ hoặc người ít sử dụng giấy phép lái xe đến xử lý, nhận là người lái xe vi phạm, chấp nhận tước giấy phép lái xe, do vậy việc xử lý đúng đối tượng vi phạm còn hạn chế, khó khăn.
Thứ ba, đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy, lực lượng chức năng tập trung phát hiện và xử lý ngay tại hiện trường. Bởi vì xe mô tô, xe gắn máy thường thay đổi qua nhiều chủ sở hữu nên việc xác định địa chỉ chủ sở hữu hiện tại và gửi thông báo vi phạm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, camera giám sát chỉ xác định được xe vi phạm, không xác định được lái xe vi phạm, do vậy việc xử lý còn nhiều hạn chế.
Thứ tư, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, khai không đúng địa chỉ, địa giới hành chính thay đổi vẫn diễn ra phổ biến là một trong những khó khăn để tìm ra người điều khiển phương tiện vi phạm.
Thứ năm, một số người cố tình che một phần hoặc làm thay đổi biển sổ xe nhằm trốn tránh vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định, gửi thông báo vi phạm cho chủ phương tiện.
Thứ sáu, về thời gian xử phạt cũng còn gặp nhiều hạn chế. Cơ quan nhà nước còn chưa quy định rõ thời gian gửi thông báo và chấp hành đóng phạt của người vi phạm giao thông. Việc mời lên làm việc, thực hiện đóng phạt phần lớn thực hiện thủ công, rườm rà thủ tục, mất thời gian.
Thứ bảy, việc xử phạt trực tiếp hay gián tiếp qua hệ thống camera giao thông là một việc tốt, tích cực, nhưng ở Việt Nam hiện nay, hình thức phạt tại chỗ vẫn còn là phổ biến và không phải lúc nào cũng có đủ cảnh sát giao thông để tham gia kiểm tra, xử phạt trên tất cả các tuyến đường. Việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp việc kiểm tra, xử phạt được tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không tìm đúng người vi phạm, mà chỉ căn cứ vào giấy tờ, biển số xe ghi lại sẽ dẫn tới những bức xúc không đáng có. Trong điều kiện hạ tầng giao thông yếu kém, hệ thống thông tin chưa hợp lý, hệ thống giao thông thông minh chưa được thiết lập, việc "phạt nguội" sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Thứ tám, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát giao thông chưa được triển khai rộng mà chỉ mới tập trung ở một số tuyến trọng điểm. Công tác vận hành, bảo vệ hệ thống giám sát giao thông chưa được quan tâm đúng mức.
-Những bất cập, hạn chế mang tính chủ quan
Thứ nhất, thẩm quyền thu tiền phạt tại chỗ được giao cho người xử phạt trực tiếp (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông...), sau đó được chuyển sang Kho bạc Nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng, nay lại được đề xuất quay trở lại người xử phạt nhằm "tránh phiền hà". Tuy nhiên, dù có giao cho cơ quan nào thu tiền phạt thì cũng chưa ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả cũng như khó tránh được phiền hà. Thêm vào đó, những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được con người lắp đặt sử dụng, điều khiển nên sẽ không thể tránh khỏi những sai sót, lạm quyền do chính những người có thẩm quyền lắp đặt, sử dụng và điều khiển, vì một vấn đề mấu chốt cần được giải quyết: ai là người có thẩm quyền thanh tra việc sử dụng, điều khiển các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ? Ai là người có thẩm quyền xử lý người lạm quyền và người VPHC trong lĩnh giao thông? Đây là những vấn đề cần thiết cần được giải quyết để tránh tham nhũng, lạm quyền từ việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Tuy nhiên, từ Nghị định số 165/2013/NĐ-CP[6] và đến Nghị định số 135/2021/NĐ-CP[7], những vấn đề nêu trên vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.
Thứ hai, gần đây, đề xuất mới của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông về cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video vi phạm giao thông để xử phạt nguội đang thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân[8]. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP[9] của Chính phủ cũng đã có quy định về việc sử dụng tài liệu, hình ảnh của cơ quan, tổ chức cung cấp để xử lý. Điều này cũng nhằm thi hành Thông tư số 65[10] của Bộ Công an. Đối với những hình ảnh mang tính cấp bách về tai nạn giao thông, phương tiện đang lưu thông mà người dân thông tin thì có thể tạm dừng phương tiện ngay để xử lý.
Tuy nhiên, điểm bất cập của cơ chế này là liệu việc ghi hình người vi phạm giao thông có phải là hành vi quay lén người khác không? Trường hợp nhiều người cùng quay 1 chủ thể vi phạm để gửi cho công an, thì công an sẽ lựa chọn video nào? Cảnh sát giao thông có được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không? Hơn thế nữa, quan điểm của tác giả đó là ranh giới giữa "săn" hành vi vi phạm và xâm phạm hình ảnh riêng tư là rất mong manh, bởi vì việc trả tiền cho người dân để mua lại những video, clip, hình ảnh vi phạm giao thông để xử lý phạt nguội sẽ hình thành một đội ngũ chuyên "săn" hình ảnh vi phạm một cách chuyên nghiệp với mục đích kiếm thêm thu nhập. Việc phát hiện và xử lý vi phạm đã được luật quy định, đó là trách nhiệm của lực lượng chức năng và ngân sách đã trả lương cho họ để làm việc này.
Vì thế, việc phải bỏ ra thêm một khoản tiền để mua clip là không hợp lý, gây lãng phí cho ngân sách. Không những thế, chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh trong thực tế mà cơ quan chức năng chưa lường được hết. Đơn cử, cùng một vi phạm, có nhiều người dân cùng ghi lại clip và gửi cho cảnh sát giao thông. Video gửi trước chất lượng hình ảnh không rõ, video gửi sau chất lượng tốt hơn, vậy thì sẽ trả tiền cho ai? Và chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống gây tranh cãi, nếu như góc quay không phản ánh đúng thực tế trên đường, chưa kể đến nhiều tình huống dàn dựng, cắt ghép video, hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Một là,Luật Xử lý VPHC cần có chế tài mạnh với các quy định cụ thể bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt như về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mức phạt lũy tiến và phương tiện vi phạm không được đăng kiểm; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; yêu cầu chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, thay đổi chủ sở hữu khi mua bán phương tiện.
Hai là, cần sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC theo hướng tách các quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC thành một phần riêng. Tại phần này, Luật Xử lý VPHC quy định về các nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC, hình thức, quy trình xử phạt VPHC, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xử phạt VPHC, trách nhiệm trước các thông tin thu được từ việc trích xuất hình ảnh, âm thanh từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ... Có thể quy định cụ thể về: thời gian, quy trình làm các thủ tục xử phạt VPHC; khi trích xuất các thông tin (hình ảnh, âm thanh) từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có cần làm biên bản không, ai ký biên bản, có nên mời đại diện chính quyền địa phương nơi đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm chứng không, giải trình về VPHC của người vi phạm vào thời điểm nào…
Ba là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo các sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý VPHC, trong đó quy định rõ quy trình, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xử phạt VPHC qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo hướng quy định rõ việc người VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng chưa nộp phạt có được tiến hành kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hay không[11]?.
Năm là, Luật hóa quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi vi phạm hành chính về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để làm cơ sở xử phạt; phương thức thông báo quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua trang web, tin nhắn, facebook... Nghiên cứu, quy định việc công dân khi đi đăng ký phương tiện phải có kèm theo tài khoản ngân hàng; khi vi phạm giao thông, bị rơi vào trường hợp phạt nguội mà người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị trừ tài khoản ngân hàng.
Sáu là, mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, chẳng hạn như: các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt.
Bảy là, cần có cơ sở pháp lý cụ thể về quy trình “chuyển hóa” kết quả thu được từ điện thoại cầm tay, máy tính bảng, camera an ninh... do tổ chức, cá nhân cung cấp; từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp thành chứng cứ để làm căn cứ cho người có thẩm quyền xử phạt có thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tăng cường kết hợp sự quản lý của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền với sự giám sát của người dân để việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm hành chính trở nên kịp thời, chính xác. Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng và có chính sách cụ thể rõ ràng về cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video vi phạm giao thông để xử phạt nguội./.

 


[1] Báo Người đô thị, TP. Hồ Chí Minh muốn dùng AI để xử phạt vi phạm giao thông, ngày 10/04/2021,  (https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-muon-dung-ai-de-xu-phat-vi-pham-giao-thong-28188.html), truy cập ngày 05/5/2022.
[2] Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải (2016), Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/48297/hoan-thien-phap-luat-ve-bao-dam-trat-tu-atgt-dap-ung-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi.aspx.
[3] Báo Pháp luật, Người dân được nộp phạt và nhận giấy tờ vi phạm giao thông tại nhà, ngày 23/4/2022, https://plo.vn/nguoi-dan-duoc-nop-phat-va-nhan-giay-to-vi-pham-giao-thong-tai-nha-post677112.html?fbclid=IwAR11dT5F-lidY9gujqLjcUhw2XhX61cJqdjgCxvOJcsERZTOZgRbQO97Vek.
[4] Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý được nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2022/TT-BCA. Việc xử phạt sẽ thuộc thẩm quyền của Công an cấp xã, cấp huyện nơi người vi phạm cư trú.
[5] Công thông tin điện tử Bộ Công an - Dịch vụ hành chính công: Nộp phạt trực tuyến trong lĩnh vực giao thông đường bộ, http://bocongan.gov.vn/TTHC/Pages/huong-dan.aspx?itemID=299.
[6] Nghị định số 165/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
[7] Nghị định số 135/2021 quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
[9] Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
[10] Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
[11] Lê Trung Hiếu (2017), Hoàn thiện các quy định về phạt nguội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(351), http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208263/Hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-ve--phat-nguoi.html.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (468), tháng 10/2022.)