Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

11/01/2023

TS. THÁI THỊ TUYẾT DUNG

Trường Đại học Kinh tế Luật,

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự hoặc không đem theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy; quy định về xử lý vi phạm của các công ty kinh doanh bảo hiểm; cơ chế để cân bằng lợi ích trong việc xử phạt người dân và trách nhiệm của người mua bảo hiểm, của công ty kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay; và đưa ra một số nhận xét, kiến nghị.
Từ khóa: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; chủ xe mô tô, xe máy; xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: Within this article, the author provides an analysis of the legal provisions on sanctioning administrative violations for the act of non-compliance of civil liability insurance of motor owners, or non-presentation of the certificate of civil liability insurance of motor vehicle owners as well as regulations on handling violations of the insurance business company, the mechanism to balance the benefits of penalizing people of non-compliance of the motor insurance and the responsibility of insurance buyers, and the responsibility of insurance business companies in the current context, and then provide relevant recommendations.
Keywords: Civil liability insurance; owners of motors and scooters; sanction administrative violations.
 BẢO-HIỂM-BẮT-BUỘC-XE-MÁY_1.jpg
          Ảnh minh họa: Nguồn internet
  Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới trong đó có xe gắn máy được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, cũng như giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước rủi ro bất ngờ và cấp quyền cho bên thứ ba được phép tiến hành thủ tục thanh toán đối với công ty bảo hiểm động cơ mà không cần sự hỗ trợ hoặc hợp tác của người lái xe được bảo hiểm[1].Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy được áp dụng ở hầu hết các nước ở khu vực ASEAN, tuy có khác nhau về chi tiết[2] cho phù hợp với bối cảnh lịch sử và nhu cầu cụ thể của từng quốc gia. Ở Việt Nam, chính sách về bảo hiểm bắt buộc TNDS với xe cơ giới đã tồn tại hơn 30 năm. Văn bản pháp luật hiện hành quy định chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ.
Đây không phải là bảo hiểm tự nguyện giữa người mua với công ty kinh doanh bảo hiểm, mà là mối quan hệ ba bên: Nhà nước (ban hành chế tài, nên buộc phải mua); người mua bảo hiểm; và công ty kinh doanh bảo hiểm. Khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định[3]: “Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội”, khoản 2 quy định cụ thể các loại bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 xếp “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” vào nhóm “nguồn nguy hiểm cao độ” và quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới bao gồm nhiều loại như xe mô tô hai bánh, xe ô tô, xe tải…. Dưới đây, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy vì đây là nhóm phương tiện nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.
1. Xử phạt vi phạm hành chính hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải đem theo: (1) đăng ký xe, (2) giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới, (3) giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, (4) giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nếu thiếu bất cứ loại giấy tờ nào nêu trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể mức phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực[4]. Quy định trên tập trung vào 2 nhóm hành vi: (1) Không mua bảo hiểm TNDS; (2) không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS còn hiệu lực.
Trên thực tế, vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS thường rơi vào các trường hợp như không có bảo hiểm TNDS, bảo hiểm TNDS đã hết hạn, có bảo hiểm TNDS nhưng không mang theo khi tham gia giao thông.
2. Xử phạt hành vi vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới
Xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP. Ngày 16/11/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập. Nghị định này góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói riêng. Cụ thể:
- Xử phạt đối với hành vi không công khai và minh bạch trong bán hàng làm cho khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp: cảnh cáo.
- Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm: phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
- Xử phạt đối với hành vi triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận: phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
- Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: từ chối bán bảo hiểm bắt buộc cho cá nhân, tổ chức trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; không tuân thủ quy tắc, điều khoản và biểu phí do Bộ Tài chính ban hành. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về môi giới bảo hiểm: Phạt tiền từ 40 đến 50 đồng đối với hành vi tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc không đúng quy định của pháp luật.
3. Một số nhận xét
Thứ nhất, ý nghĩa của loại bảo hiểm này cũng chưa đạt được như yêu cầu đặt ra ban đầu là “nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội”. Việc người dân sợ bị “phạt vi phạm” là lý do mua bảo hiểm bắt buộc TNDS hơn là ý thức trách nhiệm của công dân về chia sẻ rủi ro với cộng đồng[5]. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô). Trong 10 tháng năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc quyết định xử phạt 3.024.869 trường hợp, trong đó có 152.916 trường hợp ô tô, 378.642 trường hợp mô tô. Vi phạm quy định về bảo hiểm TNDS có 35.932 trường hợp (1,19%), trong đó có 876 trường hợp ô tô, 24.123 trường hợp mô tô chiếm 67,13%[6]. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do người dân chưa quan tâm, chưa nắm được quyền và nghĩa vụ cũng như hồ sơ, thủ tục khi gây tai nạn để được doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết nên họ không tham gia cũng như số tiền bồi thường rất thấp nên nhiều trường hợp xảy ra tai nạn dù có mua bảo hiểm bắt buộc TNDS thì họ cũng tự thỏa thuận bồi thường cho nhanh và thực tế, thủ tục bồi thường hiện nay còn khá phức tạp, nhiều người chưa hiểu, chưa nắm rõ quy trình bồi thường thiệt hại khiến người dân không mặn mà với việc mua bảo hiểm.
Thời gian gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó có nhiều nội dung nhằm phát huy hiệu quả và quản lý chặt chẽ loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, quy định có hiệu lực từ ngày 01/03/2021[7], quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới; quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và các Tổ chức có liên quan trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định này đã đơn giản hóa đáng kể thủ tục bồi thường; cụ thể, hồ sơ bồi thường chỉ còn ba loại tài liệu, gồm: Giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án, trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử. Đặc biệt, những hồ sơ này do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Các vụ tai nạn khác, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Theoquy định trước đây thì người mua bảo hiểm phải đi làm thủ tục, thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm là rào cản đáng kể khiến người tham gia giao thông, người mua bảo hiểm e ngại khi thực hiện các thủ tục để được bồi thường. Bởi lẽ, khi thủ tục quá phức tạp, tốn thời gian,thì kinh phí mà họ giải quyết theo dạng là tự thỏa thuận sẽ nhanh hơn, thấp hơn với kinh phí mà họ đi theo kênh truyền thống, tức là kênh bảo hiểm.
Về thời hạn yêu cầu, thanh toán bồi thường, là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ. Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ.
Thứ hai, mức phí khi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và mức bồi thường khá thấp.
Thông tư số 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có Phụ lục I quy định Biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới áp dụng từ ngày 01/03/2021, mức phí này khá thấp như xe mô tô trên 50 cc chỉ 60.000 đồng/ năm, xe máy điện 55.000 đồng/năm. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04/2021/TT-BTC, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra tối đa là năm mươi (50) triệu đồng trong một vụ tai nạn trên nguyên tắc bồi thường tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Thứ ba, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu bảo hiểm đối với xe máy hiện nay quá thấp (6%), còn xe ô tô là 34,4%. Trong khi con số này tại Liên minh châu Âu năm 2019 lên tới 76%, tức là doanh thu đạt 135 tỷ USD thì họ đã dùng tới hơn 103 tỷ USD để chi trả đền bù[8]. Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong quá trình chi trả bảo hiểm, đặc biệt đối với đối tượng là xe máy. Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính riêng trong năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS ước tính đạt 3.590 tỷ đồng, trong đó riêng ô tô 2.825 tỷ đồng, xe máy 765 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính đạt 972 tỷ đồng, trong đó ô tô đạt 927 tỷ đồng, xe máy đạt 45 tỷ đồng[9]. Tức tỷ lệ nhận bảo hiểm của xe ô tô là 34,4%, còn xe máy là 5,8%. Trong khi số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam khá cao, cụ thể năm 2019, cả nước xảy ra trên 17.000 vụ tai nạn giao thông, làm thiệt mạng trên 7.000 người, bị thương trên 13.000 người[10].
Ở một quốc gia có hơn 61 triệu mô tô xe máy đang tham gia giao thông, gấp hơn 13 lần số ô tô (tính đến năm 2020), trong bối cảnh số vụ TNGT liên quan đến nhóm phương tiện này đang chiếm khoảng 70% tổng số vụ TNGT mỗi năm, mà tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chỉ trên dưới 6%, đó là một con số quá thấp, không bình thường.
Tỷ lệ bồi thường thấp, có thể do số vụ việc được thông báo tới cơ quan bảo hiểm còn quá ít so với thực tế xảy ra. Sự hiểu biết còn mơ hồ về pháp luật khi tham gia giao thông khiến gần như 100% tình huống va chạm đều xuất hiện lỗi hỗn hợp. Bản thân nạn nhân tự biết mình có lỗi, nên thường có xu hướng tự giải quyết chứ không báo cơ quan chức năng, vì cơ quan nhà nước biết sẽ bị phạt nặng thêm. Mặt khác, những bất cập của hạ tầng và tổ chức giao thông khiến nhiều trường hợp rất khó xác định đúng sai ngay cả khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Thứ tư,xử phạt hành vi không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS gây nhiều bức xúc cho người dân, bởi về bản chất họ đã mua và đang có hiệu lực, chỉ là quên mang theo. Cần xem xét lại tính khoa học về quy định này, bởi lẽ giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS có ý nghĩa khi có rủi ro đã xảy ra, tức là cần thời gian để xác định, chứ không phải quên mang theo giấy này là “trách nhiệm bảo hiểm” không phát sinh hiệu lực với người mua bảo hiểm và công ty bán bảo hiểm. Vì vậy, cần quy định hành vi này theo hướng chỉ phạt khi không mua hoặc bảo hiểm hết hạn, chứ không nên phạt hành vi quên mang theo.
Thứ năm, nhiều người mua bảo hiểm để “đối phó” vẫn bị phạt do mua không đúng loại bảo hiểm vì phương thức bán bảo hiểm không có sự minh bạch, đơn giản. Ví dụ, bảo hiểm xe máy hiện chia làm bốn sản phẩm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; bảo hiểm vật chất xe; bảo hiểm mất cắp; bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một trong những dạng hình bắt buộc chủ phương tiện phải thực hiện, còn các loại khác là bảo hiểm tự nguyện. Nhưng nhiều đại lý lập lờ “thông tin” để bán cho bằng được, nhiều chủ phương tiện mua chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng, hoặc không hiểu, không để ý, nên khi bị xử phạt mới thấy bất ngờ và biết mua nhầm loại bảo hiểm. Hơn nữa, vẫn không có tiêu chí nào xác định mua bảo hiểm thật hay giả và cũng không biết làm sao để xác định mình đã mua đúng loại bảo hiểm hay chưa vì hiện nay phương thức bán bảo hiểm khá đơn giản nên việc mua bán rất lộn xộn, ai cũng có thể trở thành đại lý bán, ở đâu cũng có thể bán được từ vỉa hè, chợ, cửa hàng tạp hóa…, nên cơ chế kiểm soát rất khó khăn. Thậm chí, có trường hợp, ghi sẵn hiệu lực là 2 năm, nhưng thực tế khách hàng chỉ được hưởng quyền lợi 1 năm.
Thứ sáu,chưa công khai minh bạch về số tiền thu được của các công ty bảo hiểm với số vụ tai nạn giao thông, số vụ bảo hiểm chi trả để thấy tỷ lệ lợi nhuận trong lĩnh vực này cao hay thấp. Rõ ràng, khi bảo hiểm bắt buộc, tức ràng buộc chế tài với người dân khi không tham gia bảo hiểm, thì ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này là chia sẻ rủi ro, là trách nhiệm xã hội hơi là “lợi nhuận” của các doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới giai đoạn 10 năm (2008-2017) đã có số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ). Trong khi đó, theo Báo cáo từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2017, số vụ tai nạn giao thông trong cả nước là 20.080 vụ tai nạn, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người[11]; năm 2018 xảy ra 18.499 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Như vậy, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông[12].
Thứ bảy, chưa có quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Quỹ này đang quản lý số tiền khá lớn (ít nhất đóng góp 1% tổng doanh thu năm tài chính trước đó của tất cả các doanh nghiệp bán bảo hiểm TNDS), nhưng quy định về kiểm soát vi phạm không rõ ràng.
4. Một số kiến nghị
Từ những phân tích trên, rõ ràng quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định bảo hiểm bắt buộc TNDS xe gắn máy có quá nhiều bất cập, bao gồm yếu tố pháp lý và yếu tố thực tiễn. Trường hợp, vẫn tiếp tục xác định hành vi không mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe gắn máy là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, thì cần hoàn thiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần có một Trang thông tin điện tử về dữ liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS, đồng thời buộc các công ty bảo hiểm phải nhập dữ liệu khách hàng vào Trang này. Lúc này, người tham gia giao thông, cảnh sát giao thông có thể tra cứu dữ liệu trực tuyến để xác minh tính chính xác của việc có mua bảo hiểm bắt buộc TNDS hay không.
Khi có dữ liệu này, thì đồng thời sửa đổi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng không xử phạt hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, mà chỉ phạt khi không mua bảo hiểm TNDS. Bởi lẽ, về bản chất bảo hiểm bắt buộc TNDS phát sinh trách nhiệm sau khi xảy ra tai nạn chứ không phải dùng cho việc tham gia giao thông. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi này gấp đôi, để đảm bảo chủ xe cơ giới sẽ chủ động mua bảo hiểm thay vì chịu phạt với số tiền khá cao. Cần sửa đổi như sau: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mua bảo hiểm TNDS”. Đối với xe ô tô cũng cần cơ chế tương tự xe gắn máy trong trường hợp này.
Thứ hai,trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cần bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, vì hình thức xử phạt này quá nhẹ, không có ý nghĩa răn đe đối với doanh nghiệp vi phạm. Như khoản 1 Điều 16 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi “không công khai và minh bạch trong bán hàng làm cho khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp” là không phù hợp, làm cho những đại lý bảo hiểm sẽ không tuân thủ quy định về minh bạch thông tin. Vì vậy, cần nâng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
Thứ ba, cần bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về công khai minh bạch của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới để đảm bảo Quỹ này hoạt động hiệu quả và đúng ý nghĩa. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm công khai mức thu, chi đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS xe gắn máy để các cơ quan có thẩm quyền giám sát; chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật
Thứ tư, cần tăng mức bồi thường và bổ sung chi trả hỗ trợ nhân đạo cũng như cải thiện mức độ hấp dẫn của chế độ bảo hiểm. Cần bổ sung thêm trường hợp đối với các loại phương tiện giá trị cao thì có thể mua bảo hiểm TNDS với mức phí bảo hiểm lớn hơn để hưởng những chế độ bảo hiểm thiết thực hơn, thay vì chỉ mang ý nghĩa hình thức như lâu nay. Đồng thời, pháp luật không nên quy định thời hạn cứng là 01 năm của hợp đồng bảo hiểm TNDS mà nên linh hoạt theo hướng chỉ quy định thời hạn tối thiểu và tối đa. Điều này tạo sự chủ động cho người mua bảo hiểm, phù hợp chiến lược mục tiêu kinh doanh và khả năng quản lý của doanh nghiệp[13].
Thứ năm, cần cải thiện sự minh bạch trong các tình huống vi phạm khi tham gia giao thông, để khi cơ quan chức năng vào cuộc, khi bảo hiểm làm việc thì dễ dàng phân định đúng sai, mức độ lỗi của mỗi bên, từ đó mới có căn cứ xác định mức bồi thường nhanh chóng, thuận lợi./.

 


[1] The Asean insurance training and research Institute, The motor insurance laws & their supervision in selected asean countries: a comparative analysis, (Co. No. 673779-K).
[2] Goh & Loh (2001), Insurance Law, Butterworths Asia, p.154.
[3] Luật này đã được thay thế bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01.01.2023, nội dung về bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới cũng được quy định tại khoản 2 Điều 8.
[4] Còn đối với ô tô: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
[5] Ví dụ, trong đợt công an tổng kiểm tra phương tiện xe mô tô, xe gắn máy kéo dài 01 tháng từ 15/8 đến 14/9 năm 2021 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhiều người lo sợ mới mua bảo hiểm xe máy chứ không phải vì ý nghĩa của bảo hiểm. Xem: https://thanhphohaiphong.gov.vn/can-tiep-tuc-chan-chinh-thi-truong-bao-hiem-xe-may-bat-buoc.html.
[6] Anh Phương, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, https://www.csgt.vn/m/tintuc/12077/Thuc-trang-tham-gia-bao-hiem-trach-nhiem-dan-su.html.
[7] Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP[7] quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
[8] Vì sao tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy ở Việt Nam chỉ bằng số lẻ nhiều nước? https://vovgiaothong.vn/vi-sao-ti-le-boi-thuong-bao-hiem-xe-may-o-viet-nam-chi-bang-so-le-nhieu-nuoc-d14305.html.
[9] Duy Thái, Bảo hiểm xe máy: Sẽ có thêm nhiều quy định mới mang tính căn cơ và lâu dài; https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-hiem-xe-may-se-co-them-nhieu-quy-dinh-moi-mang-tinh-can-co-va-lau-dai-27140.html.
[10] Việt Dũng, Tai nạn giao thông giảm từng năm và hiệu quả từ Nghị định 100; https://laodong.vn/xa-hoi/tai-nan-giao-thong-giam-tung-nam-va-hieu-qua-tu-nghi-dinh-100-880956.ldo.
[11] Kim Sơn, Năm 2017, hơn 8000 người chết vì tai nạn giao thông, https://dangcongsan.vn/thoi-su/nam-2017--hon-8000-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-468489.html.
[12] Ngọc Ẩn, Gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam; https://tuoitre.vn/gan-10-000-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-moi-nam-tai-viet-nam-20191008115204856.htm.
[13] Tạ Thị Thùy Trang (2020), Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (413), http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210581/Mot-so-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-ve-bao-hiem-bat-buoc-trach-nhiem-dan-su-cua-chu-xe-may.html
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (470), tháng 11/2022.)