Cơ chế đặc thù cho thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ thực tiễn thành phố Thủ Đức

23/01/2023

TS. THÁI THỊ TUYẾT DUNG

Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã bước đầu được hình thành, nhưng về thực tiễn áp dụng chưa thật sự đáp ứng các đặc điểm của đô thị và yêu cầu quản lý đô thị ở nước ta mặc dù mô hình này kỳ vọng như đô thị vệ tinh trong phát triển đô thị Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả phân tích đặc trưng của thành phố thuộc thành phố, tiêu chí thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, lý giải vì sao phải có cơ chế đặc thù cho thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất một số kiến nghị.
Từ khóa: Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; đặc thù; đô thị vệ tinh.
Abstract: The modality of municipal city under a Central city has initially been formed, but in practice, it has not really met the characteristics of the city and the requirements of municipal governance in our country. This model is expected to be like a satellite city in municipal development in Vietnam. Under this article, the author provides an analysis of the characteristics of municipal government under a Central city, the criteria for establishing a municipal government under a Central city, and also explanations of reasons for a specific mechanism for of municipal government under a Central city and proposes a number of relevant recommendations.
Keywords: Municipal city under a Central city; characteristics; satellite city.
THÀNH-PHỐ-THỦ-ĐỨC_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.    Đặc trưng của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050, Việt Nam sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị, phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế[1].
Hiến pháp năm 2013 đã có một bổ sung quan trọng so với Hiến pháp 1992 về phân chia các đơn vị hành chính lãnh thổ, đó là quy định thành phố thuộc thành phố là đơn vị hành chính tương đương cấp quận, huyện, thị xã trong cấu trúc hành chính - lãnh thổ của thành phố trực thuộc Trung ương (TPTTTƯ). Với việc bổ sung “đơn vị hành chính tương đương” trong cấu trúc hành chính - lãnh thổ của TPTTTƯ trong Hiến pháp là cơ sở quan trọng để đa dạng hóa mô hình tổ chức của các TPTTTƯ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương nói chung và các TPTTTƯ nói riêng. Đặc biệt, quy định mới này của Hiến pháp năm 2013 tạo ra khả năng thực tế để tổ chức mô hình chính quyền đô thị phù hợp không chỉ các đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các đô thị, mà còn đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý và phát huy dân chủ tại các TPTTTƯ có quy mô lớn về diện tích, về dân số, về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về lý thuyết, các thành phố thuộc TPTTTƯ có thể là các đô thị vệ tinh của một đô thị trung tâm (đô thị lõi), hoặc là các đô thị trực thuộc một đô thị lớn trong một chùm đô thị. Mô hình tổ chức đô thị này có nhiều ưu điểm, vừa tôn trọng được tính độc lập (tương đối) của mỗi thành phố, lại vừa bảo đảm được tính thống nhất, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành phố thuộc TPTTTƯ; nâng cao được hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân của chính quyền đô thị.
Về tính chất, thành phố này là một đô thị hoàn chỉnh có vị trí độc lập và tự chủ cao so với các cấu trúc hành chính lãnh thổ trực thuộc TPTTTƯ (như quận), đáp ứng các điều kiện về chức năng, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị theo các loại đô thị được pháp luật quy định.
Về mô hình tổ chức, chính quyền thành phố thuộc TPTTTƯ phải phù hợp với đối tượng quản lý, yêu cầu và tính chất quản lý ở các thành phố trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; phương thức hoạt động; cơ chế chính sách phân cấp, ủy quyền của các thành phố trực thuộc Trung ương cho chính quyền thành phố phù hợp với yêu cầu, mục tiêu quản lý của chính quyền đô thị tại thành phố, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu quả; đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy quyền chủ động sáng tạo của các cấp chính quyền tại thành phố.
Với cấu trúc địa lý và dân cư, các thành phố trực thuộc Trung ương đang rất cần phải có các đô thị mới, với đầy đủ tính chất, quy mô, đặc điểm của một đô thị hiện đại, có tính tự chủ cao, không thể chỉ là các cấu trúc đô thị phụ thuộc như một mảnh ghép của một thành phố dưới hình thức một quận trực thuộc. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, như tỉnh Hà Tây trước khi được hợp nhất vào Thủ đô Hà Nội đã từng có hai thành phố trực thuộc: thành phố Hà Đông và thành phố Sơn Tây. Sau khi Hà Tây được hợp nhất vào thành phố Hà Nội, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là chưa có quy định về thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, nên thành phố Hà Đông trở thành một quận của thành phố Hà Nội và thành phố Sơn Tây quay trở lại địa vị pháp lý trước đây là thị xã Sơn Tây. Sự thay đổi địa vị pháp lý của hai thành phố Hà Đông và Sơn Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển của hai thành phố này[2].
2. Tiêu chí “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”
Ngày 16/11/2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 đã cho phép thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất 3 quận là Quận 2, 9, quận Thủ Đức từ ngày 01/01/2021. Đây là mô hình thành phố thuộc thành phố duy nhất ở Việt Nam hiện nay với những đặc điểm riêng biệt, đặc thù. Để triển khai thực hiện chủ trương trên, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những quy định đặc thù cho Thành phố Thủ Đức.
Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương) quy định việc phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí như: quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính trực thuộc; trình độ phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, xét trên thực tế không phải tất cả các đơn vị hành chính khi phân loại đều dựa trên năm tiêu chí này[3]. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trong đó Điều 12quy định tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên được tính điểm để phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh cụ thể, tỉnh từ 500.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm. Diện tích tự nhiên từ 1.000 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 1.000 km2 thì cứ thêm 200 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
Tiêu chí về đơn vị hành chính thành phố thuộc TPTTTƯ, thuộc tỉnh và đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh được quy định tại Điều 1, Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 1211 như sau:
Thành phố thuộc tỉnh/ thuộc
thành phố trực thuộc Trung ương
Tỉnh (ở khu vực đồng bằng)
Thành phố trực thuộc
Trung ương
1. Dân số từ 150.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.
3. Số ĐVHC cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên; Tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã từ 65% trở lên.
4. Được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc TPTTTƯ đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.
5. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội đạt quy định
1. Dân số: từ 1,4 triệu người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên: 5.000 km2 trở lên.
3. Số ĐVHC cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thành phố hoặc 01 thị xã.
 
1. Dân số từ 1,5 triệu người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
3. Số ĐVHC cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên. Tỷ lệ số quận trên tổng số ĐVHC cấp huyện từ 60% trở lên.
4. Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập TPTTTƯ đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
 
Như vậy, có thể thấy chưa có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn của thành phố thuộc TPTTTƯ với tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, không có phân biệt so với các đô thị cấp huyện khác, như thị xã, thành phố thuộc tỉnh: quy mô dân số 150.000 người khá thấp, cần nâng lên (ít ra từ 300.000 người trở lên); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên khá thấp, cần tăng lên trên 75% để tránh tình trạng nông thôn trong đô thị; trình độ phát triển đô thị nên từ loại II trở lên, (không có loại III). Do quy định không phân biệt rõ ràng này, nên các địa phương nếu áp dụng sẽ cào bằng giữa Thành phố thuộc TPTTTƯ với Thành phố thuộc tỉnh. 
3. Xu hướng thành lập thành phố thuộc thành phố
Hiện nay, trong 5 TPTTTƯ, chỉ có 2 Thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ chưa có kế hoạch thành lập Thành phố thuộc Thành phố; còn Thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã và đang có những hoạt động để tiến hành thành lập Thành phố thuộc Thành phố, cụ thể:
- Thành phố Hải Phòng: có chủ trương và đang xây dựng Đề án thành lập Thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc Thành phố Hải Phòng trước năm 2025, huyện Thủy Nguyên hiện nay có diện tích 242,87 km², dân số 333.810 người.
- Thành phố Hà Nội: Nghị quyết số 15-NQ/BCT ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 xác định sẽ xây dựng 5 thành phố trực thuộc thủ đô Hà Nội bao gồm Thành phố Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (ở vùng phía bắc) và Thành phố Hoà Lạc, Xuân Mai (ở vùng phía tây).
- Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030 do Ủy ban nhân dân TPHCM vừa ban hành, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025. Tuy nhiên, sau đó cả 5 đơn vị Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên Thành phố, không lên quận vì cho rằng lên quận cần nhiều tiêu chí và ít dư địa phát triển hơn nên đều muốn lên thành phố trước năm 2030. Bởi lẽ, đối chiếu các quy định hiện nay, mô hình lên thành phố với huyện dễ thực hiện hơn mô hình cấp quận, như lý do các huyện bỏ mục tiêu lên quận là quy định 100% đơn vị hành chính cấp xã phải đạt tiêu chuẩn phường, tức địa phương phải bỏ hẳn vùng nông thôn. Trong khi đó, tiêu chuẩn lên thành phố chỉ yêu cầu 65% xã lên phường. Như trường hợp Nhà Bè, toàn bộ 7 xã tại đây đều chưa đạt tiêu chuẩn phường. Song nếu chọn lên thành phố, huyện chỉ cần chuyển đổi 5 xã, còn lên quận phải nâng cấp tất cả[4].
Với xu hướng như trên, rõ ràng, tiêu chí thành lập thành phố thuộc TPTTTƯ khá “dễ”, và hình mẫu “thành phố Thủ Đức” là chưa phù hợp, bởi quy mô dân số của Thành phố Thủ Đức gấp 7-8 lần, số đơn vị hành chính cấp xã 34 (gấp 3,4 lần so với số tối thiểu quy định là 10) và tổng thu ngân sách nhà nước ngang với Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ[5].
5. Lý do đề xuất cơ chế đặc thù cho thành phố thuộc Thành phố trực thuộc trung ương từ thực tiễn Thành phố Thủ Đức
Thứ nhất, về mục tiêu khi thành lập Thành phố Thủ Đức
Trong Đề án Thành phố Thủ Đức[6] thể hiện Thành phố Thủ Đức khi thành lập có những tương đồng nhất định với mô hình đô thị vệ tinh[7]. Kỳ vọng sẽ giúp khu vực phía Đông của TPHCM sớm trở thành “hạt nhân” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Tp. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững. Sau đó, ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1538/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 với mục tiêu và tính chất đô thị:
- Trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và quốc gia. Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại- dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các khu vực trong thành phố Thủ Đức theo quy hoạch, đảm bảo chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục, đào tạo.
Thứ hai, thực tiễn tổ chức và hoạt động của Thành phố Thủ Đức
Để triển khai việc xây dựng và phát triển Thành phố Thủ Đức, các cơ quan có thẩm quyền đã có những văn bản điều chỉnh như Nghị quyết số 131/2020/QH14, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP nhưng các văn bản này dường như chưa phù hợp với thực tế và sự kỳ vọng đối với sự phát triển của thành phố Thủ Đức, khi mà dự báo năm 2030, Thành phố Thủ Đức sẽ có 1,5 triệu dân[8]. Hiện nay, tính trên mỗi 01 km2, dân số Thành phố Thủ Đức (4.791) gấp 15 lần bình quân cả nước (320 người/km2)[9], đóng góp ngân sách gấp 44 lần bình quân cả nước. Do vậy, trên 1 km2, nhu cầu về giao thông, nước sạch, trường học, bệnh viện của Thành phố Thủ Đức phải gấp hàng chục lần. Vì thế, để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư lớn, có kế hoạch lâu dài và bền vững.
Sau khi thành lập, căn cứ Nghị định số 33/2021/NĐ-CP và Nghị quyết của HĐND Thành phố Thủ Đức, UBND Thành phố Thủ Đức đã ban hành Quyết định số 2056/QĐ-UBND về thành lập Phòng Khoa học công nghệ, dấu ấn là ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành xây dựng đô thị thông minh, đã tạo hiệu quả. Quá trình thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020 và Nghị định số 33 cho đến nay về cơ bản không có sự phân biệt đáng kể giữa Thành phố Thủ Đức và các quận ngoài sự hiện diện của Hội đồng nhân dân Thành phố Thủ Đức[10].
Ủy ban nhân dân TPHCM cũng có cơ chế phân công các lãnh đạo sở ngành hình thành tổ công tác để hỗ trợ Thủ Đức đẩy nhanh các nhiệm vụ. Ví dụ ở lĩnh vực quy hoạch, TPHCM giao Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thường xuyên phối hợp với Tp. Thủ Đức rà soát tất cả vấn đề quy hoạch để có giải pháp, phương án khả thi. Liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng, thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có tổ công tác đặc biệt hỗ trợ Thủ Đức giải quyết các vấn đề liên quan. Như vậy, thay vì lãnh đạo Thủ Đức phải đi lên các sở, ở đây các lãnh đạo sở, ngành cùng đi xuống, cùng chia sẻ với địa phương...[11].
Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoạt động với vai trò “thành phố thuộc thành phố”, đã bộc lộ một số bất cập như:
- Công tác tiếp dân, nhận các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân diễn ra ở ba khu vực là 3 quận cũ trước đây, vẫn duy trì 3 điểm tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính chậm, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn chưa đạt mục tiêu. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn thấp, nhất là tập trung vào các thủ tục đất đai. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng hồ sơ về thủ tục đất đai, các chi nhánh văn phòng đăng ký thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường đã tiếp nhận là 44.500 hồ sơ, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực xử lý nhưng việc giải quyết nhóm thủ tục này còn chậm[12].
Trong khi khối lượng công việc tăng nhiều lần nhưng việc phải giảm biên chế theo đề án về Thành lập thành phố Thủ Đức đã được phê duyệt gây áp lực rất lớn lên công tác tổ chức bộ máy và nhân sự. Đặc thù của Thành phố Thủ Đức - đơn vị hành chính “cấp huyện khổng lồ” với tổng cộng 34 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng công việc của 3 quận nhưng biên chế lại giảm, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính thành phố thuộc TPHCM[13].
- Số lượng cán bộ, công chức, viên chức giảm: năm 2021 thành phố Thủ Đức đã giảm từ 631 biên chế xuống 585 biên chế và năm 2022 phải giảm gần 130 nhân sự [14]. Số lượng biên chế hành chính của UBND Thành phố Thủ Đức 459 người vào cuối năm 2022 theo Đề án số 591/ĐA-CP, nhưng thực tế hiện nay có 565.
 
UBND Thành phố Thủ Đức
 Cơ quan Đảng
UBMTTQ và các Đoàn thể
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành ủy Thủ Đức
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố Thủ Đức
Số lượng biên chế
565
92
76
30
60
 
Theo quy định hiện hành, UBND thành phố Thủ Đức có 03 Phó Chủ tịch UBND[15] và 13 cơ quan chuyên môn có không quá 03 Phó Trưởng phòng. Với quy định này, chưa phù hợp tình hình thực tế quản lý nhà nước tại thành phố Thủ Đức, vì khối lượng của mỗi vị trí việc làm là rất lớn do quy mô dân số hơn 1,1 triệu dân (chưa kể khoảng 400 đến 500 ngàn người tạm trú), 34 đơn vị hành chính cấp phường, 600 cơ sở giáo dục, 154 cơ sở tín ngưỡng, 285 cơ sở tôn giáo, trên địa bàn Thành phố Thủ Đức đã và đang triển khai 300 dự án. Rõ ràng Thành phố Thủ Đức hiện nay rất đặc biệt, mang quy mô cấp tỉnh hơn là đơn vị hành chính “cấp huyện”. Việc thành lập Thành phố Thủ Đức không nên chỉ thay đổi một cách cơ học về địa giới hành chính và tên gọi mà chưa có những thẩm quyền đặc thù, chưa phù hợp quy luật phát triển của các đô thị lớn trong siêu đô thị là TPHCM. Kể cả cơ chế phân cấp, ủy quyền chỉ là phương án tạm thời từng chính sách chứ không phải phương án lâu dài.
Mặc dù đã có một số quy định mới đặc thù cho chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh so với các địa phương như: áp dụng một cấp chính quyền, hai cấp hành chính, áp dụng chế độ thủ trưởng cho người đứng đầu cơ quan hành chính quận và phường, giao thêm quyền chủ động cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phân định thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân hai cấp dưới... Nhưng với khung pháp lý hiện nay và dự thảo này, qua hơn 1,5 năm hình thành, chính quyền Thành phố Thủ Đức vẫn là “cấp huyện”, chưa có sự đột phá, thậm chí các thủ tục hành chính tại Thành phố Thủ Đức kéo dài thời gian hơn so với trước khi sáp nhập; chưa có sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền mang tính chất “thay đổi” về quyền quản lý; chưa có cơ chế đột phá phát huy tính chất “đô thị”.
Vì vậy, để Thành phố thuộc thành phố trở thành một cú hích pháp lý và phát triển đúng với nhiệm vụ, mục tiêu mà khi thành lập đã kỳ vọng thì cần thí điểm có những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về tổ chức chính quyền đô thị, vì đây là đơn vị Thành phố thuộc TPTTTƯ duy nhất hiện nay, gánh vác không chỉ trọng trách là một đô thị vệ tinh của vùng đô thị TPHCM, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam, mà còn phải gánh trách nhiệm chứng minh về tính hiệu quả của mô hình đơn vị hành chính lãnh thổ thành phố thuộc thành phố trên cả nước, trong bối cảnh nhiều quy định của pháp luật về chính quyền đô thị còn nhiều khoảng trống và vướng mắc.
6. Một số kiến nghị
Các TPTTTƯ đóng vai trò đầu tàu của sự phát triển, tạo động lực phát triển cho toàn vùng và đất nước. Để thực hiện tốt vai trò này, cần thiết phải tích cực tạo tiền đề để thành lập các thành phố trực thuộc. Thực tiễn cho thấy, đô thị hóa càng mạnh mẽ, việc kiểm soát xã hội càng khó khăn, những bất cập về quản lý ở các đô thị lớn bộc lộ nhiều. Vì vậy, cần có chính sách đặc thù để điều phối, vận hành theo hướng chuyên môn hóa và phát triển như một đô thị đặc thù.
Theo đó, cần nghiên cứu khắc phục mô hình phát triển đô thị theo mô thức “vết dầu loang”, thúc đẩy hướng phát triển các hệ thống “đô thị vệ tinh” ở cấp độ thành phố. Hình thành chuẩn hệ thống các “đô thị vệ tinh” vừa giải tỏa áp lực cho “đô thị lõi”, vừa tạo nên các tiểu vùng phát triển, tạo động lực lan tỏa cho toàn thành phố, toàn khu vực[16]. Với pháp luật hiện hành, thành phố thuộc TPTTTƯ mà phát triển như kỳ vọng nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể:
Thứ nhất, cần ban hành một Nghị quyết riêng của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thuộc TPTTTƯ, Nghị quyết này sẽ chi tiết nhiều hơn các nội dung thí điểm, và có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên ban hành độc lập thì phù hợp hơn. Trong tương lai, cần ban bành Luật về Chính quyền đô thị để từng địa phương “lên đô thị” không phải thực hiện thủ tục xin cơ chế đặc thù, trung ương không phải giải quyết từng trường hợp đơn lẻ.
Thứ hai, ban hành tiêu chí phân biệt Thành phố thuộc tỉnh và Thành phố thuộc TPTTTƯ. Đối với thành phố thuộc TPTTTƯ cần nâng quy mô dân số từ 150.000 người lên thành 300.000 người trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã nâng từ 65% lên trên 75% để tránh tình trạng nông thôn trong đô thị; trình độ phát triển đô thị nên từ loại II trở lên (không có loại III). Đồng thời, bổ sung quy định đặc thù về đô thị vệ tinh, để có khung pháp lý chung cho các đô thị tương tự Thành phố Thủ Đức trong tương lai, đây cũng chính là sự đa dạng hóa các mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong một quốc gia.
Thứ ba, cho phép thành phố thuộc TPTTTƯ thí điểm thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập tự chủ tài chính như Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị… để quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và địa phương sẽ thành lập một trung tâm để quản lý. Khi đó, tất cả vấn đề hạ tầng được tập trung về một đầu mối, thay vì việc duy tu, bảo dưỡng đường do Sở Giao thông Vận tải phụ trách, lĩnh vực công viên cây xanh, thoát nước do Sở Xây dựng, rồi xử lý rác thải do Sở Tài nguyên và Môi trường... như hiện nay.
Thứ tư, cần sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng “Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, UBND thành phố thuộc TPTTTƯ và do UBND phân bổ, quản lý, sử dụng. Hội đồng nhân dân TPTTTƯ quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố trên cơ sở phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Việc quyết định số lượng biên chế phải gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức”.

 


* Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số ĐH2022-34-03.
[1] Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
[2] https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/01/06/giai-phap-xay-dung-mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-thanh-pho-thuoc-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong/.
[3] Nguyễn Đặng Phương Truyền (2019), Hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6.
[4] Thu Hằng, Lý do 5 huyện TPHCM muốn lên thành phố; https://vnexpress.net/ly-do-5-huyen-tp-hcm-muon-len-thanh-pho-4471954.html.
[5] Với 705 huyện ở cả nước, thì gần 1/3 có dân số dưới 100.000 dân, hơn 1/2 các địa phương có dân số khoảng 100.000-200.000 dân/huyện; trong khi 19 đơn vị cấp huyện có dân số từ 600.000 dân trở lên thì TPHCM chiếm gần 2/3, chỉ có Thành phố Biên Hòa, Thành phố Thủ Đức gần 1,1 triệu dân.
[6] Đề án số 591/ĐA-CP ngày 11/11/2020 thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM.
[7] Thành phố Thủ Đức là nơi kết nối khu vực cửa ngõ phía đông của TPHCM với khu vực Đông Nam bộ, với các tuyến đường metro, cao tốc ở vùng ven của vùng đô thị để Thủ Đức có thể giữ vị trí liên kết, cầu nối giữa TPHCM và các tỉnh khu vực phía đông. Thành phố Thủ Đức có vị trí tự nhiên được tách biệt với khu vực Trung tâm TPHCM vì các nhánh sông Sài Gòn, và tách biệt với vùng Đồng Nam là sông Đồng Nai. Về chính sách phát triển, thành phố Thủ Đức được xác định quy  hoạch chuyên môn hóa ngành, lĩnh vực, được đầu tư phát triển trở thành “khu vực hạt nhân sáng tạo, một cực tăng trưởng mới, khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới, sáng tạo, đáp ứng được định hướng chuyên môn hóa của đô thị mới.
[8] Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1538/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040.
[10] Báo cáo số 128/BC-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/7/2022 Sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
[11] Hữu Công, Bí thư Thủ Đức: 'Thành phố cần nhiều thẩm quyền để phát triển'; Nguồn: https://vnexpress.net/bi-thu-thu-duc-thanh-pho-can-nhieu-tham-quyen-de-phat-trien-4407189.html.
[12] Vân Sơn- Ngô Tùng, Thành phố Thủ Đức quá tải hồ sơ đất đai, https://tienphong.vn/thanh-pho-thu-duc-qua-tai-ho-so-dat-dai-post1449569.tpo.
[13] Phan Hải Hồ (2021), Phân cấp, ủy quyền tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,số 10, tr. 63.
[14] Báo cáo số 582/BC-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
[15] Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019 và khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy định “Việc tổ chức chính quyền địa phương ở huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, theo đó cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức hiện có 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. 
[16] Lê Minh Thông, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-ve-mo-hinh-to-chuc-thanh-pho-thuoc-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (471), tháng 12/2022.)


Ý kiến bạn đọc