Sự tham gia của người dân Thành phố Hồ Chí Minh vào quy trình ngân sách nhà nước trong bối cảnh áp dụng mô hình chính quyền đô thị

18/05/2022

THS. LƯƠNG THỊ THU HƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách nhà nước là một nguyên tắc trong quản trị công, các giá trị mà nó mang lại như: thúc đẩy công khai, minh bạch; giảm trừ tham nhũng; kết nối tốt hơn giữa chính quyền với người dân… Đặc biệt, việc Nhà nước ghi nhận nguyên tắc này còn trở thành phương án tối ưu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân ở các cấp chính quyền không có hoặc không tổ chức cơ chế dân chủ đại diện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày lý thuyết về quyền tham gia và mô hình chính quyền đô thị một cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời lý giải về sự cần thiết phải áp dụng nguyên tắc này trong bối cảnh áp dụng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Sự tham gia của người dân, quy trình ngân sách, chính quyền đô thị.
Abstract: Citizen participation in the state budget process is a principle in public governance, the related values gained such as publicity and transparency; corruption reduction; the better connection between the government and the citizens… In particular, the State's recognition of this principle also becomes the optimal solution to protect the rights and interests of the citizen at all levels of government with no or no organization of representative democracy. Within the scope of this article, the author gives out discussions of the theory of participation rights and the one-level urban government model in Ho Chi Minh City, and also of explanations of the need to apply this principle in the context of application of urban government in Ho Chi Minh City.
Keywords: Citizen participation; state budget process; urban government.
 TP-HỒ-CHÍ-MINH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet 
1. Tổng quan về sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách nhà nước
Sự tham gia của người dân vào các lĩnh vực vốn được mặc định dành riêng cho Nhà nước được nhìn nhận như là một sự phân bổ lại quyền lực[1]; theo đó, người dân tác động vào các quy trình chính sách công này để gây ảnh hưởng nhằm đạt được những mục tiêu cũng như những nhu cầu mà họ mong đợi.
Trong các lĩnh vực quản trị công, ngân sách nhà nước là một lĩnh vực quan trọng nhất, vì không có quyết định nào quan trọng bằng các quyết định liên quan đến kinh tế[2]. Ngân sách nhà nước không chỉ đơn thuần là các khoản thu và chi của Nhà nước, nằm sâu dưới dòng chảy của nguồn tài chính công này là mối quan hệ pháp luật phức tạp và quan trọng nhất giữa Nhà nước và người dân. Theo đó, chủ thể tạo lập và duy trì nguồn ngân sách nhà nước chính là người dân; vì thế, chủ sở hữu thực thụ của ngân sách nhà nước là người dân và họ trao quyền quản lý, sử dụng này cho Nhà nước. Đồng thời, quyền quyết định ngân sách được trao cho một cơ quan đại diện dân cử, với sự đồng thuận rằng, không thể quản trị theo mô hình tất cả đều trở thành nhà quản lý. Vì thế, cơ chế đại diện được áp dụng với kỳ vọng sẽ truyền tải được tất cả những nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Vì vậy, quyền quyết định ngân sách được trao cho nhánh lập pháp ở hầu hết các quốc gia và tại Việt Nam, là Quốc hội ở trung ương và HĐND các cấp ở địa phương.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa và sự trợ lực mạnh mẽ của công nghệ 4.0, quản trị nhà nước buộc phải gia nhập sự đổi mới này, quản trị nhà nước với nguyên tắc tổ chức một mô hình áp dụng cho tất cả dần trở thành nhân tố chính cản trở sự trỗi dậy của các địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, với các tầng lớp dân cư mang bản sắc thị dân có nhu cầu cung cấp dịch vụ công khác biệt với địa phương có nền tảng quản trị nông thôn. Do đó, nhu cầu cải cách hành chính, đổi mới quản trị địa phương, đặc biệt, lựa chọn mô hình quản trị cho từng địa phương trở thành nhiệm vụ bất khả kháng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những nhiệm vụ quan trọng nhất của quá trình đổi mới này chính là lựa chọn thể chế phù hợp để có thể dung nạp và vận hành thuận tiện, mang lại hiệu quả cho địa phương trong bối cảnh không có nhu cầu tiến hành làm mới toàn bộ thể chế nền tảng của quốc gia. Đặc biệt là các hình thức dân chủ đại diện vốn đang được sử dụng như là trụ cột cho toàn bộ hệ thống của bộ máy nhà nước.
Phương án lựa chọn và mạnh dạn thúc đẩy các hình thức tham gia trực tiếp của người dân, để cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương kết nối với người dân mà không cần một cơ chế trung gian có lẽ là lựa chọn phù hợp và duy nhất cho tới thời điểm này tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM). Bởi vì, sự tham gia của người dân, đặc biệt là sự tham gia vào quy trình ngân sách nhà nước mang lại những giá trị quan trọng trong quản trị nhà nước, đặc biệt với các mô hình quản trị địa phương khiếm khuyết cơ chế đại diện tại cấp cơ sở tại Tp. HCM như hiện nay. Cụ thể gồm:
Thứ nhất, sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách công trong đó có ngân sách nhà nước thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Dưới làn sóng toàn cầu hóa và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đã vô hình tạo nên những tầng lớp dân cư khác biệt so với trước đây, đó là sự hiểu biết cùng với các nhu cầu cung cấp dịch vụ công vượt ra khỏi địa giới hành chính địa phương và quốc gia, người dân của một quốc gia nhưng cũng đồng thời là những công dân toàn cầu trở thành áp lực của quá trình quản trị công. Buộc khu vực công phải tự cải tổ và đổi mới, đòi hỏi về các nhu cầu liên quan đến đời sống dân sinh, các quyền lợi từ sự đóng góp các khoản thuế… là động lực để người dân tham gia nhiều hơn và lĩnh vực quản trị công. Đặc biệt, họ không thể tham gia vào những lĩnh vực mà họ không có thông tin, yếu tố này dẫn tới nhu cầu về nguồn thông tin phải luôn có sẵn, dễ tiếp cận và sử dụng được… và Nhà nước với vai trò của mình buộc phải làm những nhiệm vụ này, đây chính là nhân tố và mối quan hệ nhân quả giữa quyền tham gia của người dân với minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Không có thông tin thì không tham gia hiệu quả được và càng tham gia thì nguồn thông tin càng có xu hướng được cung cấp đầy đủ, minh bạch. Đây cũng chính là căn nguyên mà Nhà nước phải ghi nhận và các quyền về thông tin trong Hiến pháp và pháp luật chuyên ngành, ngay cả ở Việt Nam, Luật Ngân sách nhà nước vốn là lĩnh vực khá đặc thù và được rào rậu khá kín kẽ, hầu như không có cánh cửa nào để người dân có thể tham gia thì những năm gần đây đã ghi nhận quyền tham gia của người dân vào quy trình ngân sách nhà nước[3] và đồng thời quy định nghĩa vụ, trong đó buộc các cơ quan nhà nước phải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến quy trình ngân sách nhà nước[4].
Thứ hai, sự tham gia trực tiếp của người dân vào quy trình ngân sách nhà nước có khả năng làm giảm trừ tham nhũng trong khu vực công.
Hầu như mọi lĩnh vực hành chính công đều là nguồn cho việc tham nhũng[5], việc Nhà nước ghi nhận và thúc đẩy sự tham gia của người dân, đặc biệt đối với các dự án, chương trình có sử dụng ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, như chúng ta đều thừa nhận với nhau rằng, quản trị nhà nước tốt được hình thành từ các trụ cột gồm công khai, minh bạch; thông tin có thể dự đoán được; trách nhiệm giải trình và sự tham gia. Vì vậy, đơn cử như một chương trình cung cấp dịch vụ công, nếu thông tin được cung cấp đủ và dễ tiếp cận sẽ trở thành một nội dung thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, các quy trình sau đó được thực hiện trên các nguyên tắc công bằng, công khai sẽ loại trừ được những khoảng tối để các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tham gia không cần phải “bôi trơn; lại quả…” cho các chủ thể có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, sự tham gia của người dân không chỉ dừng lại ở việc tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện các chính sách công, mà còn trở thành lực lượng giám sát hiệu quả, đặc biệt đối với những lĩnh vực giám sát của Nhà nước chưa đủ hiệu quả hoặc các cơ chế đại diện được trao quyền giám sát không được tổ chức hoặc có hiện hữu nhưng không đáp ứng được các yêu cầu trong giám sát. Đối với ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án có sử dụng ngân sách của Nhà nước thì sự tham gia của người dân thực sự quan trọng, không chỉ hỗ trợ giám sát của Nhà nước với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, người dân được tham gia giám sát các công trình, ngân sách của địa phương có sức ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ đã vô hình trao cho họ trở thành một phần của quá trình và họ có trách nhiệm cá nhân đối với các nhiệm vụ đó.
Thứ ba, sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách cung cấp đầu vào cho quá trình ra quyết định phân bổ nguồn lực công.
Việc Nhà nước tôn trọng quyền tham gia của người dân, đặc biệt là đối với lĩnh vực quan trọng nhất như ngân sách nhà nước mang lại nhiều hiệu quả trong quản trị nhà nước. Theo đó, thay vì tự mình đánh giá và lên các kế hoạch phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực cung cấp các dịch vụ công có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh của người dân có thể dẫn đến hệ quả là ngân sách được sử dụng không hiệu quả.
Ngân sách nhà nước cần phải quản trị khác biệt đối với tài chính của khu vực tư nhân, bắt nguồn từ bản chất của ngân sách nhà nước vốn không hình thành từ sự tự thân của Nhà nước, mà bằng sự đóng góp chính của người dân. Vì thế, thay vì mục tiêu lợi nhuận, ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả chính là vận hành bộ máy nhà nước nhịp nhàng và cung cấp các dịch vụ công theo đúng nhu cầu và mong đợi của người dân.
Vì vậy, quy trình phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ chi thường xuyên của bộ máy người dân trao quyền quyết định cho các đại biểu dân cử. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ công, được cho là phần bù đắp, nuôi dưỡng các chủ thể đóng thuế cho ngân sách nhà nước thì hiệu quả được đánh giá bằng sự hài lòng và giải quyết được những khó khăn trong đời sống hàng ngày của người dân. Để phân bổ nguồn lực công công bằng, hiệu quả, Nhà nước cần ghi nhận quyền tham gia của người dân, việc trực tiếp đưa ra ý kiến, nguyện vọng của mình chính là hoạt động cung cấp thông tin cho chủ thể có thẩm quyền phân bổ nguồn lực, để nguồn ngân sách được phân bổ đáp ứng được trúng các nguyện vọng của người dân địa phương, sự tham gia phải thể hiện được tính toàn diện, tức là không một ai bị loại trừ, ý kiến có giá trị như nhau và trực tiếp. Cơ chế tham gia này sẽ thực sự mang lại hiệu quả, hỗ trợ chủ thể có thẩm quyền chọn lọc và nhận dạng được các mong muốn thực sự của phần lớn người dân. Trước lựa chọn cung cấp mạng internet chỉ dành cho người dân có điều kiện với hệ thống nước sạch mà tất cả cư dân địa phương đều cần… thì áp dụng quyền tham gia của người dân thực sự mang lại hiệu quả.
Tóm lại, sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách công, đặc biệt là quy trình ngân sách nhà nước là thực sự cần thiết, đây là một lựa chọn về thể chế của các quốc gia trong công cuộc tìm kiếm các mô hình quản trị nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ 4.0. Bởi vì, sự tham gia của người dân mang lại nhiều giá trị to lớn trong quản trị nhà nước như giảm trừ tham nhũng, cung cấp đầu vào cho quá trình ra quyết định, phân bổ công bằng dịch vụ công và đặc biệt khỏa lấp được những khoảng trống do thiếu vắng các cơ chế đại diện hoặc có tổ chức nhưng hoạt động của cơ quan này chưa mang lại hiệu quả.
2. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách tại Thành phố Hồ Chí Minh
Với số dân theo thống kê chưa chính thức gần sấp xỉ 14 triệu người đang sinh sống tại địa phương, TP. HCM được coi là đại đô thị của Việt Nam. Sau nhiều năm dẫn đầu về các chỉ số kinh tế - xã hội, thời gian gần đây, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, Theo thống kê, từ 1991-2010, trong vòng 20 năm, tốc độ tăng GDP của Thành phố đạt bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, khoảng 10 năm, từ năm 2011-2020 chỉ đạt là: 7,2%/năm và 1,2 lần. Năm 2020 cùng với sự tấn công từ đại dịch Covid_19 tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. HCM khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%). Và được nhận định là không có hoặc khả năng đối măt với những những biến động bất thường của kinh tế là rất yếu[6].
Với khả năng đóng góp vào ngân sách cao nhất trong 63 tỉnh thành, sự suy yếu của TP. HCM đồng thời cũng là rủi và khó khăn chung cho cả nước. Bên cạnh đó, mô hình quản trị địa phương áp dụng thống nhất bao gồm cả các địa phương có nền tảng đô thị và nông thôn, với cơ cấu tổ chức theo phương thức: một mô hình cho tất cả, đã trở thành rào cản cho một số địa phương có những điểm khác biệt mang tính đặc thù trong đó có Tp. HCM.
Nhận diện được vai trò quan trọng của Thành phố đối với sự phát triển chung của quốc gia, tìm kiếm mô hình quản trị phù hợp là phương thuốc duy nhất để duy trì vị trí đứng đầu, đồng thời giải quyết được sự quá tải trong quản trị đô thị của Thành phố nên ngay từ đầu những năm 2000, mô hình chính quyền đô thị đã được nhắm tới như là chìa khóa giải các bài toán khó về phát triển kinh tế - xã hội của Tp. HCM. Tuy nhiên, phải chờ đến Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 1/8/2007 Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước thì mô hình chính quyền đô thị mới chính thức được bàn đến và trở thành định hướng làm nền tảng xây dựng thể chế để phân biệt với chính quyền nông thôn với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo đó, tại Tp. HCM, năm 2009 với ý nghĩa là xây dựng chính quyền đô thị nên địa phương bắt đầu được thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại huyện, phường và kéo dài trong thời gian 6 năm, tức là tới năm 2016. Sau khi tổng kết, Nghị quyết số 16/NQ-TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Tp. HCM đến năm 2020 cho phép Tp. HCM triển khai thí điểm chính quyền đô thị đồng thời với Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho phép Tp. HCM áp dụng một số cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và tháo gỡ những rào cản hoàn thành tiến trình áp dụng chính quyền đô thị chính thức. Gần đây nhất, ngày 1/7/2021, Tp. HCM chính thức áp dụng chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết số 131) về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định số 33) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131.
Về căn bản, mô hình chính quyền đô thị áp dụng tại Tp. HCM được gọi là mô hình chính quyền một cấp, trụ cột quan trọng nhất của thiết chế này là  không tổ chức HĐND tại các phường và các quận mà chỉ còn HĐND Thành phố. Chính quyền địa phương là văn phòng UBND ở 16 quận và 249 phường. Do đó, hoạt động của UBND phường và quận chuyển sang cơ chế hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo. Đặc biệt, quy trình ngân sách tại các cấp này không còn theo quy định tại Luật Ngân sách năm 2015, cụ thể, quyền quyết định ngân sách về cơ bản được đẩy lên và được quyết định bởi HĐND Tp. HCM.
Bên cạnh đó, giai đoạn lập dự toán; chấp hành và quyết toán ngân sách ở phường và quận được thiết kế không tổ chức HĐND cùng cấp (Điều 35, 36 Nghị định số 33). Như vậy, quyền quyết định về các dự án, chương trình sử dụng ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính 3 năm quy định tại Điều 43 của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015; Điều 18 Nghị định số 45/2017/NĐ-CP; xử lý vấn đề tăng thu khoản 3 Điều 59 Luật NSNN năm 2015; lập lại dự toán quy định tại Điều 48 Luật NSNN năm 2015; Điều 27 NĐ số 163/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 342/2016 TT – BTC; điều chỉnh dự toán quy định tại Điều 52 Luật NSNN năm 2015; dự phòng ngân sách quy định tại Điều 10 Luật NSNN năm 2015; Điều 7 Nghị đinh số 163/2016/NĐ-CP; công khai ngân sách quy định tại Điều 15 Luật NSNN năm 2015; quyết toán NSNN quy định tại Điều 69 Luật NSNN năm 2015 và đặc biệt giám sát quy trình ngân sách nhà nước ở địa phương quy định tại khoản 6 Điều 30 Luật NSNN năm 2015 và khoản 1 Điều 14 Thông tư số 344/2016/TT-BTC sẽ không còn được thực hiện bởi HĐND phường và quận.
Như vậy, toàn bộ quy trình ngân sách nhà nước, từ giai đoạn lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước tại các phường và quận của Tp. HCM không còn được trao quyền quyết định và giám sát cho cơ quan quyền lực là HĐND vì thiết chế này đã hoàn toàn bị tháo bỏ.
3. Kiến nghị
Theo quan điểm của tác giả, việc Tp. HCM áp dụng chính quyền đô thị tại thời điểm này là hoàn toàn phù hợp và sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để mô hình chính quyền đô thị đáp ứng được các kỳ vọng của lãnh đạo và người dân Tp. HCM, cần đồng thời thực hiện nhiều cách thức khác nhau, trong đó có các giải pháp sau:
Một là, chính quyền Thành phố cần cam kết thúc đẩy quyền tham gia của người dân vào quy trình chính sách công, trong đó có quy trình ngân sách nhà nước.
Hiện tại, cơ sở pháp lý ghi nhận quyền tham gia của người dân đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách năm 2015. Đồng thời, theo quy định của Nghị quyết số 131 và  Nghị định số 33, việc không tổ chức HĐND tại các phường và quận, đồng thời hoạt động của chính quyền của các cấp địa phương này chuyển sang cơ chế thủ trưởng lãnh đạo, khiếm khuyết về tính đại diện đã thực sự hiện hữu, phương án khả thi nhất trong bối cảnh này là áp dụng phương thức tham gia của người dân như là một nguyên tắc trong quản trị nhà nước. Bởi lẽ, như đã trình bày ở phần trên, các giá trị có được khi áp dụng nguyên tắc tham gia hoàn toàn cần thiết và phù hợp cho Thành phố khi tháo bỏ cơ chế đại diện tại địa phương, không chỉ dừng lại ở đó, xuất phát từ mong đợi và các kỳ vọng về một địa phương phát triển nhất, đáng sống nhất chỉ có thể đạt được khi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân được kết nối gần với nhau hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, chỉ số tham gia của người dân Thành phố đang chứng minh về khả năng thúc đẩy và khuyến khích quyền tham gia của người dân ở địa phương còn hạn chế. Năm 2020 chỉ số tham gia của người dân trên địa bàn Thành phố chỉ đạt 4,45 trên tổng số 10 điểm, rơi vào cấp độ thấp nhất trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước.
Untitled.LTH.png
 
 Các chỉ số khảo sát cho thấy rằng, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân Thành phố đang cần được đánh giá và nhìn nhận lại. Đồng thời, phải đặt ra các phương án nhằm khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào các khu vực công, đặc biệt là ngân sách nhà nước. Cụ thể, phải được bắt đầu từ phía chính quyền; đó là, sự cam kết được thể hiện bằng các quy phạm pháp luật. Đó là các cơ chế tham gia của người dân nên được xây dựng như một bộ nguyên tắc được sử dụng cho các lĩnh vực công đã được pháp luật chuyên ngành ghi nhận. Trong đó, các hình thức tham gia được mô tả cụ thể, dễ hiểu, dễ sử dụng và luôn sẵn có. Ví dụ như trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, tránh quy định chung chung mà ghi nhận cụ thể về quyền tham gia trực tiếp của người dân vào quy trình phân bổ, quản lý, sử dung đối với các chương trình, dự án cung cấp dịch vụ công như: y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… ngoài việc đóng vai trò như là một lực lượng giám sát thì sự tham gia của người dân còn có vai trò chống lạm quyền, tham nhũng đặc biệt hiệu quả. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, khả năng kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Thành phố luôn ở mức điểm thấp nhất so với các địa phương khác. Điều này hoàn toàn dễ hiểu; bởi vì, sự tham gia của người dân có mối quan hệ nhân quả với khả năng loại trừ tham nhũng; vì vậy, kết quả đo được tại TP.HCM như trên là hoàn toàn hợp lý.
Hai là, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số. Bởi vì, theo tính toán sơ bộ, Việt Nam hiện trở thành quốc gia thuộc nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%; trong khi đó, theo World Bank năm 2021, tỷ lê này ở Việt Nam là 70,29% [7].
Untitled.LTH_1.png
Tỷ lệ người dùng internet từ 16 - 64 tuổi tại Việt Nam sở hữu thiết bị thông minh năm 2020
Nguồn: We Are Social & Hootsuite, 2021
Từ những kết quả nghiên cứu trên cho thấy rằng, việc áp dụng chính quyền số không còn là lựa chọn, đó là cách duy nhất mà Tp. HCM phải sử dụng nếu muốn đạt được các mục tiêu của mình về áp dụng chính quyền đô thị tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần một số lưu ý sau:
Thứ nhất, xây dựng mô hình chính quyền đô thị một cấp trong đó chính quyền điện tử phải được thiết kế để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu cụ thể của địa phương về kinh tế và xã hội, đó là: xây dựng Tp. HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực; là nơi đáng sống của người dân và có tính cạnh tranh cao; thu hút nhà đầu tư. Từ các trụ cột này, Thành phố đặt hàng mô hình chính quyền điện tử chi tiết, phù hợp.
Thứ hai, ưu tiên nguồn lực tài chính cho dự án xây dựng chính quyền điện tử. Như số liệu đã trình bày ở trên, người dân tại Việt Nam và đặc biệt là các đô thị, độ phủ của công nghệ hầu như đã kín, đặc biệt sau hơn một năm chống chọi với đại dịch Covid_19, hành vi kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại Tp. HCM đã được điều chỉnh và thay đổi, thương mại điện tử thực sự trở thành nền tảng giao dịch chính đối với người dân và doanh nghiệp của Thành phố; đặc biệt, sử dụng các nền tảng di động miễn phí để quản lý dân cư tại các tổ dân cư; khu phố cho tới các phường trở thành cuộc tập dượt không chủ đích nhưng đạt được những kết quả khả thi trong quản lý hành chính của Tp. HCM năm 2021. Vì vậy, chính quyền Thành phố nên đặt kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử trở thành nhiệm vụ cấp thiết, định hình nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị trở thành những khoản chi không trì hoãn được trong kế hoạch sử dụng ngân sách của Thành phố.
Thứ ba, hiện nay, theo quy định tại Điều 15 Luật NSNN năm 2015; Pháp lệnh số 34 về áp dụng dân chủ cơ sở tại xã, phường, thị trấn cùng với các quy định pháp luật về đầu tư công… quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai và minh bạch thông tin liên quan đến quy trình ngân sách nhà nước.
Vì vậy, chính quyền Tp. HCM phải đảm bảo các thông tin thuộc các lĩnh vực trên phải luôn trong tình trạng sẵn có, dễ hiểu và dễ sử dụng.
Thứ tư, các nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình chính quyền đô thị không thể vắng bóng nguồn lực là con người, ngoài những thay đổi về chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của công chức của phường và quận, Thành phố cần phải có những chính sách và kế hoạch cụ thể để lực lượng công chức làm việc tại địa phương ổn định, thích ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng trong các chiến lược áp dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước của Tp. HCM.
4. Kết luận
Trước làn sóng hội nhập trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia không nằm ngoài các dư địa về cải cách thể chế, lựa chọn mô hình nào để mang lại hiệu quả là bài toán khó, để đạt được các kỳ vọng đã đặt ra, cần sự đồng thuận rộng rãi từ chính quyền trung ương cho tới lãnh đạo và người dân của từng địa phương. Việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị một cấp và đồng thời dám thử các hình thức dân chủ trực tiếp, nhìn nhận lại mối quan hệ với người dân của chính quyền, ghi nhận và tôn trọng ngày càng mạnh mẽ các quyền cơ bản của công dân, đồng thời mở rộng phạm vi tham gia của người dân vào lĩnh vực quản trị công là đổi mới mà Việt Nam và Tp. HCM đang lựa chọn.
Quá trình xây dựng chính quyền đô thị của Tp. HCM đang ở giai đoạn đầu của quá trình cải cách thể chế, để đạt được những thành tựu quan trọng cũng như kỳ vọng của cả nước đặt lên vai người dân và lãnh đạo Thành phố cần một sự quyết tâm vượt ra khỏi những tuyến bố chính trị, đó là các cam kết được hiện diện dưới các quy định của pháp luật, bằng sự nỗ lực đổi mới từ chính lực lượng cán bộ, công chức trong việc thích ứng với công nghệ của thời đại số để xây dựng một chính quyền điện tử/ chính quyền số nhằm cung cấp các dịch vụ công với tốc độ và hiệu quả nhanh nhất.
Sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách đã được chứng minh về mặt lý thuyết và áp dụng thực địa mang lại nhiều thành công trong quản trị nhà nước. Nó hỗ trợ các khiếm khuyết của cơ chế dân chủ đại diện nhưng đồng thời trở thành nguyên tắc quản trị nhà nước hiệu quả, Bên cạnh đó, không dừng lại như là một nhân tố thúc đẩy làm tăng các chỉ số phát triển, nó còn thể hiện bản chất Nhà nước nhân dân sâu sắc. Đó là khi quyền tham gia của người dân được ghi nhận và tôn trọng cũng là lúc bản chất của Nhà nước được thể hiện rõ nhất, như là một tuyên bố mạch lạc về một Nhà nước/một chính quyền của dân, do dân và vì dân./.

 


[1]Arnstein, S. R. (1969), A ladder of citizen participation, Journal of the American Institute of planners, 35(4), 216-224.
[2]Stiglitz, Joseph E. (2002). "Participation and Development: Perspectives from the Comprehensive Development Paradigm." Review of Development Economics 6(2): 163- 192.
[3] Điều 16 Luật Ngân sách nhà nước 2015
[4] Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước 2015
[5] S.Chiavago- Campo và P.S.A.Sundaram, 2003. Phục vụ và duy trì – Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.
[6]TS. Trần Du Lịch, TP. HCM tiếp tục giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của ca nước, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Định hướng phát triển TP. HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.  

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (454), tháng 03/2022.)