Bàn về nội dung đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã

10/11/2022

VÕ THỊ HỒNG DUYÊN

Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Đăng ký khai sinh là việc cơ quan nhà nước xác nhận sự kiện một người được sinh ra và ghi vào sổ các thông tin hộ tịch cơ bản của người đó và của cha mẹ. Đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh là hoạt động quan trọng nhằm xác định tư cách công dân, qua đó chính thức thiết lập mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Tác giả phân tích về nội dung đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã và đưa ra giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Đăng ký khai sinh, hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp xã.
Abstract: Birth registration is the written confirmation of state agency to the fact that a person is born and record in the book the basic civil status information of a person and his parents.Birth registration and issuance of birth certificates are important activities to determine citizenship status, thereby officially establishing the relationship between citizens and the State.The author of article provides an analysis of the contents of birth registration under the authority of the People’s Committee of commune level, and also gives out a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Birth registration; civil status; People’s Committee of commune level.
 GIẤY-KHAI-SINH_1.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về đăng ký khai sinh
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta không đưa ra khái niệm “đăng ký khai sinh”. Luật Hộ tịch năm 2014 chỉ giải thích thuật ngữ đăng ký hộ tịch. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật Hộ tịch năm 2014 thì “đăng ký hộ tịch” là “việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư”[1]. Còn theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì “khai sinh” là ghi nhận về việc chào đời của một em bé mới đẻ[2].
Như vậy, căn cứ vào thuật ngữ “đăng ký hộ tịch” và “khai sinh” thì có thể hiểu “đăng ký khai sinh” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch sự kiện một người được sinh ra. Việc xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch này thể hiện những thông tin hộ tịch cơ bản của một người như: họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; mã số định danh cá nhân; các thông tin của cha mẹ (nếu có)[3].
Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm về đăng ký khai sinh:
Thứ nhất, đăng ký khai sinh là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo cơ sở pháp lý để xác định sự việc sinh ra của một cá nhân. Cụ thể, căn cứ vào phân cấp quản lý và cá nhân đăng ký khai sinh là người Việt Nam hay người nước ngoài, đang ở trong nước hay ở nước ngoài mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây có thể là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài[4].
Thứ hai, đăng ký khai sinh là việc ghi nhận sự kiện sinh ra của một cá nhân trên thực tế. Sự kiện khai sinh này được người yêu cầu đăng ký khai sinh cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung đăng ký khai sinh.
Thứ ba, đăng ký khai sinh là cơ sở thực tế để cá nhân được cấp Giấy khai sinh - đây là loại giấy tờ “hộ tịch gốc” của cá nhân[5] có ý nghĩa quan trọng để làm cơ sở cho việc cấp phát các loại giấy tờ khác trong tương lai như căn cước công dân, hộ chiếu…
Cuối cùng, đăng ký khai sinh là cơ sở quan trọng để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý dân cư.
2. Đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã
            Quyền được khai sinh là một quyền quan trọng của con người khi được sinh ra. Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Mọi trẻ em đều phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời và phải có tên gọi. Mọi trẻ em đều có quyền có quốc tịch”[6]. Nội luật hóa quy định này, khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Do tầm quan trọng của việc khai sinh đối với trẻ em nên Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em cũng đã quy định: “Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời, và trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc”[7]. Bên cạnh đó, Điều 13 Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã ghi nhận trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật”.
Việc đăng ký khai sinh của cơ quan có thẩm quyền đánh dấu điểm khởi đầu trong mối quan hệ giữa một nhà nước với một cá nhân. Bản chất của việc ghi nhận các thông tin về cá nhân trên Giấy khai sinh là sự xác nhận các đặc điểm của cá nhân, để từ đó có căn cứ phân biệt cá nhân này với cá nhân khác[8]. Theo quy định của pháp luật, Giấy khai sinh là “hộ tịch gốc” của một cá nhân và có ý nghĩa quan trọng trong việc cấp phát các loại giấy tờ khác trong tương lai bởi mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó[9]. Từ đây, có thể hiểu, thủ tục đăng ký khai sinh là trình tự và cách thức mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận sự kiện một người được sinh ra.
Theo quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam có cha và mẹ là người Việt Nam; hoặc đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú[10].
3. Xác định nội dung đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã
Các nội dung đăng ký khai sinh ở Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm: a) thông tin của người được đăng ký khai sinh gồm họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; b) thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; c) số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh[11].
3.1. Về thông tin của người được đăng ký khai sinh
Điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thông tin của người được đăng ký khai sinh bao gồm: “họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch”.
Một là, về họ, chữ đệm, tên của người được đăng ký khai sinh
Luật Hộ tịch năm 2014 không có quy định cụ thể, chi tiết về việc đặt họ, chữ đệm, tên cho con. Tuy nhiên, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định cụ thể về quyền có họ tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Đối với trường hợp trẻ em có cha đẻ, mẹ đẻ thì họ của trẻ em được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ sinh ra do mang thai hộ thì cha đẻ, mẹ đẻ là cha, mẹ được xác định là người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ. Trong trường hợp này, họ của đứa trẻ được xác định theo nguyên tắc vừa nêu. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi nhưng được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà chưa được nhận làm con nuôi: thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
            Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Ngoài ra, việc đặt tên còn bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam. Hiện nay, Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp chỉ quy định: việc xác định họ, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng”. Tuy nhiên, Thông tư số 04/2020/TT-BTP cũng không giải thích thế nào là không đặt tên quá dài, khó sử dụng”. Cácvăn bản pháp luật khác ở nước ta cũng không có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hai là, về ngày, tháng, năm sinh
Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì ngày, tháng, năm sinh được xác định theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014. Theo đó, ngày, tháng, năm sinh của trẻ được xác định theo văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh hoặc giấy cam đoan. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì ngày, tháng, năm sinh được xác định theo quy định của pháp luật. Cụ thể, khoản 3 Điều 14 của Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh”.
Ba là, về nơi sinh, giới tính
Nơi sinh, giới tính được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp này thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó. Trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra”[12]. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì nơi sinh được xác định là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi.
Bốn là, về quê quán và dân tộc
Về quê quán và dân tộc, có sự phân biệt giữa các trường hợp cụ thể. Trường hợp trẻ em sinh ra có cha đẻ, mẹ đẻ thì khi đăng ký khai sinh, dân tộc, quê quán của trẻ em được xác định theo dân tộc, quê quán của cha mẹ theo quy định của pháp luật và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh. Theo đó, khi sinh ra, dân tộc của con sẽ được xác định theo dân tộc của cha mẹ đẻ. Trường hợp nếu cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thoả thuận của cha mẹ đẻ. Trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người. Trường hợp trẻ sinh ra do mang thai hộ thì việc xác định dân tộc, quê quán của trẻ sinh ra do mang thai hộ được quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Theo đó, dân tộc, quê quán của trẻ sinh ra do mang thai hộ xác định theo dân tộc, quê quán của cha, mẹ người nhờ mang thai hộ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi nhưng được nhận làm con nuôi thì quê quán của trẻ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ nhận nuôi hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. Dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ nhận nuôi, trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi và chưa được nhận làm con nuôi thì quê quán được xác định theo nơi sinh. Trong trường hợp này pháp luật không quy định về vấn đề ghi dân tộc của trẻ.
Năm là, về quốc tịch
Quốc tịchđược xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch mà cụ thể là Luật Quốc tịch năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch). Do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh không có yếu tố nước ngoài nên đương nhiên quốc tịch của trẻ phải là quốc tịch Việt Nam.
3.2. Về thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh
Về thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh thì được cập nhật, ghi nhận dựa vào các loại giấy tờ tùy thân mà cha, mẹ người được đăng ký khai sinh nộp khi tham gia thủ tục đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
3.3. Về số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định thêm về số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Đây là một quy định mới trong Nghị định số 123/2015/NĐ-CP bởi trước đây Nghị định số 158/2005/NĐ-CP không quy định về vấn đề này.
Theo quy định của pháp luật, số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên[13].
Theo Điều 12 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Như vậy, Số định danh cá nhân là một dãy số được cấp một lần và duy nhất cho mỗi công dân Việt Nam ngay từ khi sinh ra. Khi công dân chết đi thì mã số này cũng không thể được cấp lại cho một người khác. Do đó, sẽ không thể xảy ra trường hợp một người có nhiều mã số định danh hay nhiều người có cùng một mã số định danh.
4. Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định việc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Đây là yêu cầu về cách thức đặt tên cho trẻ khi cha, mẹ hoặc người thân thích khác đến Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Pháp luật loại trừ hai trường hợp không được đặt tên, đó là “quá dài” và “khó sử dụng”. Tuy nhiên, trên thực tế thì không có quy định thế nào là quá dài. Trên thực tế thì hiếm khi có trường hợp đặt tên cho con quá năm từ (bao gồm cả họ, chữ đệm và tên). Tuy nhiên, cũng không loại trừ những trường hợp vì một lý do nào đó, có thể lựa chọn tên cho con “quá dài”. Như vậy, dựa theo yếu tố định tính mà công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có thể xem xét yếu tố “quá dài” ở đây sẽ được hiểu vào từng bối cảnh đăng ký khai sinh, hoặc tùy theo trình độ nhận thức của công chức tư pháp - hộ tịch.
Bên cạnh đó, pháp luật còn đưa ra yếu tố khó sử dụng, yếu tố này có thể có liên quan đến nội dung quá dài được phân tích ở trên nếu đặt trong bối cảnh việc đặt tên cho trẻ là quá dài có thể sẽ dẫn đến khó sử dụng. Tuy nhiên, cái tên khó sử dụng có thể không có liên quan đến yếu tố dài của tên, có thể đặt một cái tên gây nên một hình ảnh xấu xí, hoặc khó phát âm, gây nhầm lẫn trong quá trình sử dụng… Điều này có thể áp dụng để xác định tên phù hợp với quy định của pháp luật về hộ tịch. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ hơn về một số trường hợp được xem là tên khó sử dụng và quá dài để công chức tư pháp - hộ tịch có cơ sở khách quan hơn trong việc xác định tên có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Đối với vai trò của địa phương cần nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, nhằm hiểu rõ yêu cầu đặt tên của người đăng ký khai sinh, đồng thời có hướng dẫn để người dân lựa chọn tên vừa phù hợp với yêu cầu của gia đình, vừa phù hợp với quy định của pháp luật về đặt tên.
Thứ hai, vấn đề xác định họ cho con theo cha hay theo mẹ
Việc xác định nội dung đăng ký khai sinh, điểm đầu tiên công chức tư pháp - hộ tịch cần phải hiểu rõ yếu tố tạo nên cơ sở để xác định họ của một đứa trẻ khi tiến hành tiếp nhận đăng ký khai sinh. Cở sở thực tiễn việc xác định họ khi đăng ký khai sinh là trên mẫu tờ khai đăng ký khai sinh của người yêu cầu đăng ký khai sinh cung cấp, có thể hiện các thông tin cần thiết để đăng ký khai sinh, trong đó có thể hiện rõ thông tin về họ của đứa trẻ. Trong trường hợp có đầy đủ thông tin của cha, mẹ đẻ dù cho họ của cha, mẹ có giống nhau hay khác nhau, thông thường thể hiện thông tin của người cha[14], trường hợp thể hiện thông tin người mẹ hoặc có ý kiến về vấn đề lựa chọn họ cho con, thì công chức tư pháp - hộ tịch giải thích rõ quyền có họ của trẻ theo khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 và căn cứ để lựa chọn họ cho con theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là xác định họ của trẻ dựa trên sự thỏa thuận của cha, mẹ đẻ. Tuy việc xác định họ cho con có thể tiến hành thủ tục thay đổi họ sau này, nhưng vì sự ổn định về thông tin của một cá nhân, nên việc các bên có liên quan cam kết đã thống nhất xác định họ cho trẻ là rất quan trọng, tránh việc tùy tiện thay đổi họ.
Trong trường hợp trẻ chưa xác định được cha hoặc chưa xác định được mẹ thì vấn đề xác định họ đã thật sự rõ ràng. Đối với trường hợp trẻ chưa xác định được cha, thì thủ tục không yêu cầu người mẹ phải làm thủ tục nhận con[15], họ của con đương nhiên sẽ được xác định là họ của mẹ. Đối với trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ, thì thủ tục buộc người cha phải làm thủ tục nhận con theo quy định kết hợp với thủ tục đăng ký khai sinh.
Đối với trường hợp trẻ có cha có mẹ, việc xác định họ cho con theo họ của cha chiếm đa số và vượt trội hơn xác định theo họ của mẹ. Mặc dù, chính sách pháp luật thống nhất dựa trên sự thỏa thuận. Tuy nhiên, sự thỏa thuận này vẫn còn mang tính chất áp đặt bởi các phong tục, tập quán. Ngoài ra, trong nhận thức của công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch thường xem xét yếu tố lựa chọn họ theo cha là một điều hiển nhiên trong quá trình xác định nội dung đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, tư tưởng con sinh ra phải mang họ cha cũng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người dân Việt Nam.
Việc xác định họ cho con theo quy định của pháp luật dân sự cho thấy sự tiến bộ, bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc thỏa thuận lựa chọn họ cho con trong trường hợp họ của cha và mẹ khác nhau. Đối với địa phương cần quan tâm quán triệt các quy định của pháp luật trong đó có quy định về việc thỏa thuận của cha mẹ trong việc lựa chọn họ cho con. Đối với công chức tư pháp - hộ tịch, cần nắm rõ quy định của pháp luật về việc lựa chọn họ cho con nhằm bảo đảm giải thích cho người đi đăng ký khai sinh hiểu rõ và lựa chọn họ cho trẻ theo tinh thần thỏa thuận của cha mẹ. Trong trường hợp không có sự lựa chọn hoặc có xung đột trong phương thức lựa chọn thì áp dụng phong tục nơi đăng ký khai sinh (đảm bảo không trái với nguyên tắc của pháp luật về hộ tịch).
Thứ ba, về vấn đề xác định dân tộc cho con
Việc xác định dân tộc cho con trong trường hợp trẻ có cha và mẹ, đồng thời cha và mẹ có hai dân tộc khác nhau, thì ngoài việc áp dụng tương tự như xác định họ cho con thì còn có một yếu tố ưu tiên đối với lựa chọn dân tộc ít người hơn. Tuy nhiên, trường hợp cha mẹ thuộc hai dân tộc ít người, nếu không có sự thỏa thuận và xung đột về việc áp dụng phong tục tập quán thì việc xác định dân tộc nào ít người hơn để được ưu tiên lựa chọn là vấn đề không đơn giản đối với công chức tư pháp - hộ tịch.
Dân tộc Kinh là dân tộc chiếm đa số trong 54 dân tộc của Việt Nam. Đối với những trường hợp phổ biến thì áp dụng phương pháp thỏa thuận, hoặc theo phong tục tập quán. Tuy nhiên, đối với những trường hợp không phổ biến, ví dụ như cha mẹ thuộc hai dân tộc ít người và việc áp dụng các quy định trên không phù hợp nữa, thì việc căn cứ vào thứ tự ít người hơn để xác định lựa chọn dân tộc cho con là biện pháp cuối cùng trong vấn đề lựa chọn dân tộc khi đăng ký khai sinh. Do đó, Bộ Tư pháp cần có danh sách các dân tộc được sắp xếp theo thứ tự (tăng dần hoặc giảm dần) dựa trên số liệu thống kê của các đợt tổng điều tra dân số để công chức làm công tác hộ tịch có cơ sở xác định dân tộc cho trẻ dựa trên danh sách này. Đối với vai trò của địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình, có phương pháp quản lý các cộng đồng dân tộc trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là dân tộc ít người để có phương án hỗ trợ kịp thời, bảo đảm sự bình đẳng trong các quan hệ pháp luật. Đối với công chức làm công tác hộ tịch, cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, bảo đảm giải thích rõ cho các bên về việc tự nguyện thỏa thuận vấn đề xác định dân tộc cho con./.

 


[1] Khoản 2 Điều 2 Luật Hộ tịch năm 2014.
[2] Nguyễn Lân (2006), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 929.
[3] Dương Thu Hương (2020), Các vấn đề quan trọng xoay quanh Luật Hộ tịch, Tạp chí Nghề luật, số 7, tr. 31.
[4] Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
[5] Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
[6] Điều 24 Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
[7] Điều 7 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.
[8] Nguyễn Công Khanh (2015), Triển khai thi hành Luật Hộ tịch một trong những biện pháp quan trọng đảm bảo thực thi quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 4, tr. 15.
[9] Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
[10] Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
[11] Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014.
[12] Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
[13] Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
[14] Vì trong tờ khai có nội dung “Tôi cam đoan nội dung đề nghị đăng ký khai sinh trên đây là đúng sự thật, được sự thỏa thuận nhất trí của các bên liên quan theo quy định của pháp luật”.
[15] Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21(469), tháng 11/2022.)