Vấn đề pháp lý về mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng - thực tiễn tại Anh, Hoa Kỳ và kiến nghị đối với Việt Nam

26/12/2022

THS. NGUYỄN MAI LINH

GV. Trường Đại học Luật Hà Nội,

NGÔ QUỲNH LIÊN*, TRẦN NHƯ Ý**

*, ** Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả làm rõ một số vấn đề pháp lý khi áp dụng Mô hình thông tin công trình vào hợp đồng xây dựng nói chung, cũng như thông qua việc nghiên cứu thực tiễn tại Anh và Hoa Kỳ - hai quốc gia đi đầu trong việc sử dụng Mô hình này, từ đó đưa ra một số kiến nghị đối với Việt Nam.
Từ khóa: Mô hình thông tin công trình, hợp đồng xây dựng, Luật Xây dựng năm 2020.
Abstract: Within this article, the authors provide clarifications of a number of legal aspects when the Building Information Modeling is applied to the construction contracts in general, and through their studies of practical performance in the England and the United States of America – two leading countries applying this Model, thereby provide a number of recommendations for Vietnam.
Keywords: Building Information Modeling; construction contract; Law on Construction of 2020.
MÔ-HÌNH-THÔNG-TIN-CÔNG-TRÌNH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các vấn đề pháp lý về Mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng  
Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) được coi là xu thế của ngành xây dựng hiện đại. Khái niệm về BIM đã được hình thành từ những năm 1970, nhưng vào đầu những năm 2000 thì khái niệm về BIM mới được hiểu một cách thống nhất[1]. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (The International Organization for Standard ISO) – một cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế nhằm đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới đã công nhận bộ tiêu chuẩn BIM của Anh trở thành tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650. Theo tài liệu ISO 19650-1:2018, BIM là “mô hình sử dụng dạng số hóa được dùng chung để tạo thuận lợi cho các quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành nhằm tạo cơ sở tin cậy để ra các quyết định”[2]. Mọi thông tin liên quan đến mô hình sẽ được đăng tải và lưu trữ trong một môi trường dữ liệu chung (Common Data Environment - CDE) để các bên liên quan đều có thể truy cập và sử dụng[3]. CDE được coi là xương sống quan trọng nhất trong quá trình ứng dụng BIM, đây là môi trường để thu thập, quản lý, truyền tải và lưu trữ dữ liệu (hình học và phi hình học) của dự án. Mỗi dự án có duy nhất một CDE để giúp các thành viên dự án dễ dàng cộng tác với nhau và tránh thông tin bị trùng lặp và nhầm lẫn[4]. Có thể thấy, BIM là một quá trình của các hoạt động thiết kế, thi công xây dựng và vận hành các công trình trên cơ sở sử dụng hệ thống thông tin được vận hành bởi công nghệ[5]. BIM trợ giúp quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin của công trình bằng cách số hóa. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế, các nhà thầu xây dựng có thể sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình thông tin công trình trên máy tính, mà mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường. 
Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu mô hình
Đối với các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không phải là vấn đề mới trong thiết kế, kỹ thuật và dự án xây dựng. Tuy nhiên, trong các dự án xây dựng có sử dụng BIM, vấn đề quyền sở hữu và quyền đối với thông tin là một khía cạnh quan trọng do tính chất cộng tác và kỹ thuật số của BIM. Mô hình BIM là kết quả của sự hợp tác, vì vậy quyền sở hữu không thể được trao cho một bên duy nhất[6]. Các vấn đề pháp lý được đặt ra là chủ thể nào sở hữu thông tin, ai là chủ sở hữu bản quyền của mô hình BIM, chủ thể nào có quyền sử dụng mô hình, chủ thể nào có quyền thay đổi mô hình và cuối cùng là chủ thể nào phải chịu trách nhiệm về các vấn đề do lỗi trong kỹ thuật số thông tin? Trên thực tế, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những chủ thể đóng góp vào mô hình BIM nhằm mục đích bảo vệ lợi thế kinh doanh của họ trước những đối thủ cạnh tranh khác[7]. Lợi thế của BIM nằm ở khả năng số hóa dữ liệu, trích xuất và sử dụng lại thông tin của các bên trong dự án. Lo ngại về đạo nhái ý tưởng gia tăng chính là nguyên nhân khiến vấn đề pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến BIM luôn được bàn luận sôi nổi và được các bên trong hợp đồng xây dựng đặc biệt quan tâm.
Trên thực tế, bản thiết kế mô hình là tài sản của nhà thiết kế sau khi hoàn thành một dự án. Những giá trị và thông tin mà BIM đem lại sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý, xây dựng và vận hành công trình. Do vậy, chủ đầu tư hoặc các bên liên quan khác có thể muốn sử dụng và phát triển mô hình thiết kế đó[8]. Mặt khác, vì một dự án sử dụng BIM sẽ gồm các thông tin được đóng góp bởi nhiều bên vào mô hình thiết kế tổng thể, nên mỗi bên sẽ muốn đảm bảo rằng họ muốn sở hữu mô hình dựa trên những phần mà họ đã đóng góp. Sự đồng thuận chung giữa nhà thiết kế và nhà thầu là tất cả các mô hình đều thuộc về chủ đầu tư, vì mô hình là hiện hữu trong hoạt động giữa nhà thiết kế và nhà thầu, được tạo ra cho chủ đầu tư. Bản chất công việc của nhà thiết kế là yêu cầu sản xuất mô hình cho một dự án nhất định và do đó họ sẵn sàng đưa mô hình đó cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, những thông tin là tài sản trí tuệ của nhà thiết kế cần được bảo vệ để ngăn chặn việc chủ đầu tư tái sử dụng mô hình trong những dự án xây dựng khác trong tương lai mà không có sự đồng ý của bên đóng góp. Quyền truy cập của chủ đầu tư vào mô hình hoặc các tài liệu liên quan sẽ ở dạng giấy phép vĩnh viễn dành riêng cho dự án, nhưng điều này không có nghĩa là chủ đầu tư thực sự sở hữu mô hình. Mô hình sau đó có thể được sử dụng cho các mục đích vận hành, bảo trì và tiếp thị trong tương lai nhưng không nhằm mục đích tái tạo cấu trúc trong các dự án khác[9]. Ngoài ra, cần phân biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu của mô hình thiết kế và quyền sở hữu thông tin có trong mô hình. Thông thường, quyền sở hữu thông tin trong mô hình thuộc về các bên sáng tạo ra thông tin và đóng góp chúng vào mô hình.
Thứ hai, bảo mật dữ liệu
Giống với những tài liệu hữu hình, thông tin về BIM được lưu trữ trong phần mềm số cũng cần được bảo vệ. Khi tất cả các thông tin cần thiết cho việc xây dựng và vận hành dự án đều được tích hợp trên mô hình ảo, việc dữ liệu bị lỗi hay bị hỏng có thể gây tổn hại rất lớn cho các bên liên quan. Vấn đề bảo mật dữ liệu cần được đặt ra bởi trên thực tế không thể tránh khỏi trường hợp xảy ra các cuộc tấn công mạng vào các mô hình BIM trong quá trình thiết kế và xây dựng, truy cập trái phép vào BIM trong quá trình thiết kế và xây dựng một số công trình đặc thù trong quân đội, các công trình công cộng quan trọng của quốc gia[10]. Có ba nhóm nguyên nhân đe dọa đến dữ liệu của BIM: (i) Tác nhân từ bên ngoài: tội phạm không gian ảo truy cập trái phép vào hệ thống để rò rỉ thông tin bí mật, đánh cắp tài sản trí tuệ, phầm mềm độc hại; (ii) Tác nhân từ nội bộ: chính những bên liên quan trong dự án có thể lạm dụng quyền truy cập của mình để tiết lộ bí mật về dự án của chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ công trình hoặc do sự thiếu hiểu biết, sơ suất của họ đã vô tình tác động đến tính toàn vẹn của dữ liệu BIM; (iii) Lỗi từ hệ thống: phần mềm BIM phát sinh lỗi ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ dữ liệu, không thể khôi phục thông tin[11]. Thông thường, các bên sẽ chỉ định điều phối viên có trách nhiệm giám sát và quản lý dữ liệu mô hình. Vậy trong trường hợp dữ liệu bị xâm phạm, bên cạnh những tác nhân đã nêu thì cá nhân này sẽ bị xử lí như thế nào? Nếu xảy ra tranh chấp về bảo mật giữa chủ đầu tư và điều phối viên, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ dựa vào những căn cứ nào để xác định mức độ bồi thường, đặc biệt đối với những thông tin nhạy cảm như bí mật kinh doanh.
Thứ ba, phân định trách nhiệm và rủi ro
Về vấn đề phân định trách nhiệm, nghĩa vụ cẩn trọng và rủi ro cần thiết phải có sự phân định rõ ràng trong nội dung hợp đồng về thông tin được nhập vào – xuất ra, chất lượng tổng thể của mô hình BIM, rủi ro đối với người sử dụng BIM[12]. Với sự cộng tác ngày càng sâu rộng giữa các thành viên trong nhóm dự án, việc phân bổ rủi ro theo quy định của pháp luật hiện nay có lẽ đã không còn phù hợp. Hệ thống pháp luật hiện hành xác định rủi ro dựa trên việc các bên biết nghĩa vụ của họ là gì và khi có vấn đề xảy ra họ cần làm gì. Tuy nhiên, những vai trò và trách nhiệm cụ thể đó có thể không phù hợp trong một dự án xây dựng sử dụng BIM khi BIM giúp giảm thiểu và khắc phục lỗi có thể xuất hiện trong dự án. Chính vì vậy, khi nhà thầu lựa chọn sử dụng BIM, sự kỳ vọng của họ đối với kiến trúc sư sẽ tỷ lệ thuận với nghĩa vụ cẩn trọng mà kiến trúc sư cần đảm bảo[13]. Không chỉ vậy, trong trường hợp có sự thay đổi liên quan mô hình, kéo theo sự thay đổi nội dung hợp đồng đã ký kết tiềm ẩn những vấn đề phát sinh cần thiết phải được các bên tiên liệu và thỏa thuận trước để tránh các tranh chấp không đáng có.
2. Thực tiễn áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng tại Anh
            Anh được đánh giá là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc áp dụng công nghệ BIM. Từ đầu năm 2009, bộ phận pháp lý của nước này đã bắt đầu xây dựng khung pháp lý về BIM. Vào tháng 5/2011, Chính phủ Anh đã ban hành Chiến lược của ngành xây dựng, yêu cầu tất cả các mô hình BIM phải được thể hiện dưới dạng 3D ở mức tối thiểu vào năm 2016. Trong thời gian này, BIM được điều chỉnh bởi các tiêu chuẩn BS/PAS1192 và Nghị định thư về Mô hình thông tin công trình[14]. Tuy nhiên vào năm 2019, sự ra đời của tiêu chuẩn ISO 19650 đã thay đổi toàn bộ khung pháp lý về BIM tại Anh. Một loạt các tài liệu hướng dẫn và Nghị định thư hỗ trợ trong việc soạn thảo hợp đồng xây dựng BS EN 19650-2 được ban hành mới và tái bản chỉnh sửa hàng năm[15] đã tạo điều kiện cho các chủ thể sử dụng BIM dễ dàng hơn.
            Thứ nhất, trách nhiệm pháp lý của các bên
            Mỗi bên trong một dự án sẽ có những trách nhiệm khác nhau, ví dụ như chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm chỉ định điều phối viên quản lý các thành viên của dự án, kiến trúc sư có trách nhiệm thiết kế đồ họa mô hình công trình… Những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý một mặt là cơ sở để các bên hoàn thành nhiệm vụ của mình, mặt khác là căn cứ để yêu cầu bồi thường nếu một bên không tuân thủ chúng. Nếu các bên chủ quan khi thỏa thuận về vấn đề này ở giai đoạn soạn thảo và kí kết hợp đồng thì trong tương lai gần, họ rất dễ phải đối mặt với những tranh chấp không mong muốn. Trên thực tế, trong vụ North America Mechanical, Inc v Walsh Const. Co II, LLC No.12-CV-598, 2015 WL 5530190 (E.D. Wisc. Sept. 18, 2015) nảy sinh giữa tổng thầu và nhà thầu phụ trong một dự án sửa chữa và mở rộng cơ sở bệnh viện Mercy Walworth và Trung tâm Y tế ở Hồ Geneva là một ví dụ điển hình cho nhận định trên. Nhà thầu đã không đưa mọi thứ được đề ra trong kế hoạch của kiến trúc sư vào cơ sở BIM khiến mô hình hoạt động không hiệu quả và tạo ra những thay đổi đối với phạm vi công việc. Tuy Tòa án không yêu cầu tổng thầu phải trả thêm tiền bồi thường nhưng xuất phát từ lí do thiếu những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên đã dẫn đến những tranh chấp tương tự như vậy trong quá trình sử dụng BIM[16].
            Bên cạnh những thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, một số tài liệu hướng dẫn như Nghị định thư về BIM hay Nghị định thư hỗ trợ các hợp đồng liên quan đến BS EN 19650-2 đã khắc phục hiệu quả vấn đề này khi quy định khác đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên. Trong trường hợp một bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình sẽ là cơ sở để bên còn lại yêu cầu bồi thường thỏa đáng.  
            Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ
            Tại Điều 8 của Nghị định thư hỗ trợ các hợp đồng liên quan đến BS EN 19650-2 quy định quyền sở hữu trí tuệ đối với mô hình sẽ được bảo lưu thuộc về các thành viên trong nhóm dự án và bên đóng góp vào mô hình[17]. Chủ đầu tư có quyền được sử dụng những thông tin trong mô hình đó thông qua một giấy phép không độc quyền[18]. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thể tự ý chỉnh sửa thông tin trong mô hình nếu không có sự đồng ý của bên đóng góp vào mô hình và không được sao chép bất kì thiết kế của mô hình ra ngoài phạm vi công trình[19]. Trong trường hợp chủ đầu tư muốn quyền sở hữu trí tuệ đối với toàn bộ mô hình thì các bên cần phải tự thỏa thuận lại với nhau. 
            Thứ ba, rủi ro trong quá trình chuyển tải dữ liệu điện tử (chuyển giao thông tin)
            Các thông tin trong mô hình BIM được thiết lập và xây dựng trên nền tảng điện tử, dẫn đến không tránh khỏi xảy ra những trường hợp lỗi dữ liệu, dữ liệu bị chỉnh sửa ngoài ý muốn khi chúng được truyền từ một bên đến bên còn lại. Theo quy định tại Điều 5.1 và Điều 5.2 của Nghị định thư, các bên sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý về tính toàn vẹn của dữ liệu sau khi đã được chuyển giao phù hợp với quy trình. Tuy nhiên, nếu có căn cứ chứng minh thông tin bị chỉnh sửa, lỗi dữ liệu là hậu quả của một bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình được quy định trong Nghị định thư hoặc hợp đồng xây dựng thì khi đó bên không tuân thủ sẽ có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng dữ liệu[20]. Ngoài ra, cần thiết phải có sự thiện chí của các bên cùng nhau khắc phục những tình huống ngoài ý muốn xảy ra để đảm bảo tiến trình của dự án.
            Thứ tư, quyền truy cập môi trường dữ liệu chung CDE
            Trant Engineering Ltd v. Mott MacDonald [2017] EWHC 2061 (TCC) là một tranh chấp điển hình của Anh giữa nhà thầu (Trant) và nhà tư vấn (Mott MacDonald) về vấn đề này. Cụ thể, trong hợp đồng giữa hai bên quy định nhà thầu sẽ bị trì hoãn sử dụng BIM nếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ. Nhà tư vấn triển khai sử dụng phần mềm mang tên ProjectWise để các nhóm thiết kế quản lý, chia sẻ và phân phối dữ liệu thiết kế trên nền tảng này. Khi tranh chấp thanh toán xảy ra, nhà tư vấn đã thu hồi mật khẩu cấp cho nhà thầu để truy cập vào các máy chủ lưu trữ dữ liệu thiết kế ProjectWise vào tháng 3 năm 2017. Sau đó, nhà thầu đã nộp đơn lên Tòa án Công nghệ và Xây dựng để xin lệnh tạm thời được cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu ProjectWise để dự án không bị đình trệ. Trên cơ sở cho rằng việc ban hành lệnh tạm thời cho nhà thầu là hợp lý và công bằng, Tòa án đã đồng ý yêu cầu của nhà thầu và yêu cầu nhà tư vấn cấp quyền truy cập vào mô hình BIM cho nhà thầu[21].
            Với mục đích tránh các vấn đề đã gặp phải trong tranh chấp nói trên, so với Nghị định thư về BIM (CIC BIM Protocol)[22] trước đó, Nghị định thư hỗ trợ cho hợp đồng liên quan đến BS EN ISO 19650-2 đã bổ sung thêm quy định về quyền truy cập môi trường dữ liệu chung. Điều 5.5 của Nghị định thư đã xác định hai thời điểm các bên có quyền truy cập vào môi trường dữ liệu chung đó là: (i) trong chừng mực cần thiết để thực hiện nghĩa vụ của mình theo Nghị định thư và hợp đồng; (ii) trong khoảng thời gian điều phối viên nắm giữ chức vụ của mình theo Nghị định thư hoặc hợp đồng để truy cập các bản ghi thông tin[23]. Theo đó, điều phối viên là người được chủ đầu tư chỉ định để dẫn dắt và quản lý các thành viên trong một mảng bất kì của dự án ví dụ như khâu thiết kế, thi công… Họ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của những thông tin xuất hiện trong phần mềm BIM. Các bản ghi BIM (BIM records) được đề cập đến ở đây bao gồm tất cả những thông tin đồ họa và phi đồ họa về công trình[24].
Thứ năm, vấn đề bảo mật
Do các thông tin về công trình được lưu trữ trên nền tảng ứng dụng điện tử nên yêu cầu về bảo mật cần được đặt ra, đặc biệt là những thông tin có nội dung nhạy cảm như bí mật của chủ đầu tư. Theo Điều 4.8 Nghị định thư hỗ trợ cho hợp đồng liên quan đến BS EN ISO 19650-2, một nghĩa vụ được đặt ra cho các bên trong dự án đó là phải tuân thủ kế hoạch quản lý bảo mật mà chủ đầu tư đưa ra[25]. Trong trường hợp chủ đầu tư có căn cứ hợp lý cho rằng các bên trong dự án có khả năng vi phạm Điều 4.8, chiếu theo Điều 11.1 của Nghị định thư, một thông báo sẽ được chủ đầu tư đưa ra yêu cầu bên còn lại cần thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn vi phạm đó trong khoảng thời gian hợp lý. Nếu vi phạm về bảo mật đã thực sự xảy ra, bên vi phạm cần khắc phục hậu quả của nó xuống mức thấp nhất có thể[26]. Bên cạnh đó, chủ đầu tư có thể chấm dứt hợp đồng trong hai trường hợp: (i) bên vi phạm không thực hiện các bước cần thiết để khắc phục vi phạm chiếu theo Điều 11.1; và (ii) phạm vi vi phạm liên quan đến thông tin nhạy cảm không có khả năng khắc phục hoặc giảm thiểu hậu quả[27].
3. Thực tiễn áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng tại Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, BIM được triển khai từ đầu thập niên 70 của thế kỉ trước nhưng không thực sự đem lại hiệu quả. Năm 2003, Cơ quan quản lý Dịch vụ Công (GSA) mới đưa chương trình về BIM 3D và 4D trở lại, bắt buộc tất cả các dự án dịch vụ công cộng phải áp dụng BIM[28]. Năm 2008, Hoa Kỳ thành lập Hội đồng dự án BIM đồng thời công bố tiêu chuẩn quốc gia về BIM gồm các chỉ dẫn theo 3 cấp độ A, B, C[29]. Cùng năm đó, Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) đã xuất bản Nghị định thư mẫu về BIM “The AIA Document E202–2008, Building Information Modeling (BIM) Protocol Exhibit”. Năm 2013, AIA đã cập nhật tài liệu này mang tên AIA Document E203TM – 2013[30]. Tài liệu E203 làm rõ việc sử dụng dữ liệu mô hình được phép và mở rộng mô tả về các giao thức cần thiết để trao đổi điện tử dữ liệu mô hình, tiếp tục nhấn mạnh vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà thiết kế[31]. Tháng 6/2008, ConsensusDOCS đã ban hành “ConsensusDOCS 301 BIM Addendum (Addendum BIM)”. Mục đích của Addendum BIM xoay quanh việc giải quyết các vấn đề về trách nhiệm pháp lý giữa các chủ sở hữu, nhà thiết kế, nhà thầu…; phân bổ rủi ro giữa các chủ thể; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ…[32]. Năm 2015, ConsensusDOCs đã thực hiện những sửa đổi rất đáng kể đối với Addendum BIM[33]. Những vấn đề pháp lý xoay quanh việc áp dụng BIM trong hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ được thể hiện thông qua một số nội dung sau:
Thứ nhất, trách nhiệm pháp lý và phân bổ rủi ro
Tài liệu Addendum BIM 2015 đã phân bổ những rủi ro một cách công bằng và hiệu quả nhất có thể khi đặt ra yêu cầu mỗi bên có trách nhiệm đối với bất kỳ đóng góp nào mà họ tạo ra cho Mô hình hoặc những dữ liệu phát sinh từ việc một bên truy cập vào Mô hình dự án[34]. Trong trường hợp có trục trặc phần mềm, một bên tham gia có thể được miễn thực hiện trách nhiệm và được gia hạn thời gian sử dụng nếu bên đó đã thực hiện một cách cẩn thận hợp lý[35]. Bên cạnh đó,Addendum BIM 2015 đặt ra nghĩa vụ khẳng định đối với mỗi bên rằng họ phải sử dụng nỗ lực cao nhất để giảm thiểu rủi ro khiếu nại và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ việc sử dụng hoặc truy cập vào Mô hình dự án[36].
Thứ hai, yêu cầu bảo mật thông tin
Tài liệu E203TM – 2013 của AIA quy định các bên tham gia vào dự án có trách nhiệm quản lý mô hình, trong đó có yêu cầu bảo mật thông tin[37]. Tương tự, Tài liệu Addendum BIM 2015 quy định người quản lý BIM sẽ có trách nhiệm thiết lập và duy trì tính bảo mật của mô hình, giám sát người truy cập dữ liệu thông tin của mô hình và đảm bảo những người truy cập cũng phải tuân theo yêu cầu này[38]. Theo đó, người quản lý BIM sẽ do chủ đầu tư chỉ định, bao gồm công nhân xây dựng, chuyên gia thiết kế và những chủ thể khác…[39].
Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ
Tài liệu E203TM – 2013 của AIA dựa trên quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu mô hình BIM, quy định rằng chủ sở hữu không chuyển giao bất kỳ quyền sở hữu nào đối với các nội dung được cung cấp hoặc các nội dung trong phần mềm được sử dụng để tạo ra nội dung mới. Trừ khi được cấp giấy phép riêng biệt, quyền sử dụng, sửa đổi hoặc truyền tải thêm mô hình dự án của bất kỳ bên nào sẽ bị giới hạn và không được quyền sử dụng mô hình cho mục đích khác[40].
Tương tự như AIA E203, Addendum BIM 2015 giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ trong hợp đồng sử dụng BIM một cách linh hoạt. Addendum BIM quy định rằng người sở hữu bản quyền sẽ là (1) các bên có đóng góp vào dự án và (2) các bên được cấp phép hoặc ủy quyền bởi chủ sở hữu[41]. Trong trường hợp chủ đầu tư không thanh toán cho các bên tham gia xây dựng mô hình, chủ đầu tư sẽ mất các giấy phép liên quan đến dự án[42]. Những bên được cấp phép không được quyền sao chép, phân phối, hiển thị hoặc sử dụng lại tất cả hoặc một phần đóng góp của bất kỳ bên nào khác trừ khi được kiểm soát bởi Addendum BIM hoặc hợp đồng xây dựng điều chỉnh[43].
Thứ tư, học thuyết Spearin
Năm 1918, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đưa ra học thuyết Spearin, học thuyết này phân bổ trách nhiệm pháp lý cho những sai sót xảy ra trong quá trình xây dựng[44]. Theo US. v. Spearin, một nhà thầu được miễn trách nhiệm về các sai sót phát sinh từ các thông số kỹ thuật, nếu nhà thầu đó đã tuân thủ kế hoạch và thông số kỹ thuật thiết kế của dự án[45]. Học thuyết Spearin trái ngược với lập trường pháp lý ở Vương quốc Anh, trong đó khung pháp lý của quốc gia này sẵn sàng gắn rủi ro cho nhà thầu[46].
4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về Mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng  
BIM đã được đưa vào một số văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam như Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, cũng như thông tư và quyết định của Bộ Xây dựng để đẩy mạnh việc áp dụng BIM tại các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam[47].Năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 về việc công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM). Tuy nhiên, Hướng dẫn này tập trung về việc chuẩn bị, thực hiện BIM và mang tính kỹ thuật nhiều hơn là các vấn đề pháp lý.
Trong thực tiễn, những dự án đầu tư xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, các chủ đầu tư đều chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng BIM trong thiết kế, quản lý dự án vì gặp nhiều rào cản. Trong đó rào cản lớn nhất là nhiều nội dung hướng dẫn về BIM chưa được đưa vào trong các văn bản pháp lý, điều này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn hoặc chủ đầu tư trong quá trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự toán, tổng mức đầu tư hay quyết định đầu tư. Một số vấn đề pháp lý về việc áp dụng BIM trong hợp đồng xây dựng chưa được giải quyết như mối quan hệ của các chủ thể sử dụng BIM với hợp đồng xây dựng, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo mật dữ liệu, cũng như những hậu quả của việc áp dụng BIM không đúng trong hợp đồng thì phải cung cấp các giải pháp khắc phục của hợp đồng…. Từ đó việc soạn thảo các hướng dẫn pháp lý về BIM trong hợp đồng xây dựng cần được đặt ra và các cơ quan liên ngành trong lĩnh vực xây dựng và pháp luật cần phải tham gia soạn thảo để đưa ra các hướng dẫn pháp lý, hoặc bổ sung vào Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình 2021 hiện nay về những vấn đề pháp lý này.
Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của Anh và Hoa Kỳ, nhằm nâng cao khả năng ứng dụng BIM trong hợp đồng xây dựng cũng như giảm thiểu các tranh chấp phát sinh, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, trách nhiệm pháp lý và rủi ro của các bên
BIM đại diện cho một mô hình mới trong ngành Kiến trúc và Xây dựng (Architecture Engineering and Construction – AEC), một mô hình khuyến khích tích hợp vai trò của tất cả các bên liên quan trong một dự án như chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu[48] và tất cả những người đóng góp thông tin vào mô hình thiết kế. Do vậy yêu cầu về tính cẩn trọng và nỗ lực đóng góp cho mô hình dự án là rất lớn. Từ thực tiễn của các quốc gia đi đầu trong việc áp dụng BIM như Anh và Hoa Kỳ, các quy định về việc phân chia trách nhiệm và rủi ro cho các bên được coi là một phần tất yếu của hợp đồng xây dựng. Trách nhiệm chung của các thành viên tham gia vào dự án xây dựng là nghĩa vụ cẩn trọng, đảm bảo sự chính xác của thông tin mô hình, duy trì tính bảo mật và không làm phương hại đến mô hình thiết kế chung. Theo đó, các quy định này cần đảm bảo tính công bằng giữa các bên, mỗi bên tham gia đều phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần đóng góp của mình cho dự án. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cần mở rộng quy định về việc chia sẻ trách nhiệm trong việc xuất hiện lỗi phần mềm, rủi ro kỹ thuật khi sử dụng BIM.
Hai là, vấn đề bảo mật
            BIM là trung tâm của một quá trình tương tác phức tạp giữa con người, quản lý thông tin và công nghệ. Vì vậy, tất cả các thành viên của dự án cần hiểu tầm quan trọng của an ninh mạng. Đối với những dự án có giá trị càng lớn, chủ đầu tư càng phải thiết lập những biện pháp bảo vệ thông tin của mô hình chặt chẽ hơn. Trên thực tế, các cường quốc lớn như Anh, Mỹ hay bất kì quốc gia nào có dự án sử dụng BIM, chủ đầu tư đều thiết lập những biện pháp bảo mật như chỉ định cá nhân có trách nhiệm giám sát, bảo vệ thông tin mô hình, quy định biện pháp xử lí đối với những cá nhân vi phạm về bảo mật thông tin… Để đảm bảo tối đa những thông tin bí mật của dự án xây dựng sử dụng BIM, trong một tương lai gần, khung pháp lý về BIM của Việt Nam cần quy định về những nghĩa vụ tối thiểu mà người quản lý mô hình phải thực hiện để duy trì tính bảo mật của mô hình, các trường hợp vi phạm bảo mật và mức độ xử lý phù hợp với từng trường hợp.
Ba là, quyền sở hữu trí tuệ  
Kinh nghiệm của Anh và Hoa Kỳ cho thấy, cần có quy định chặt chẽ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Hiện nay, khi công nghệ số đang có những bước phát triển không ngừng, việc truyền phát, sao chép dữ liệu và thông tin xảy ra khá phổ biến. Do vậy, cần có quy định để bảo vệ sản phẩm mô hình của chủ sở hữu. Tuy nhiên, BIM được thiết kế và đóng góp xây dựng từ rất nhiều chủ thể, việc quy định ai là người có quyền sở hữu thiết kế, sở hữu thông tin có trong mô hình là điều hết sức cần thiết. Để quyền sở hữu trí tuệ được thực thi một cách hiệu quả, bên cạnh những quy định về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2019, pháp luật Việt Nam cần bổ sung những quy định về phạm vi chuyển giao quyền sử dụng mô hình BIM, nội dung, hình thức của giấy phép chuyển nhượng nên được tích hợp trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và thành viên nhóm dự án hay lập một thỏa thuận riêng biệt.
Bốn là, sử dụng BIM trong hợp đồng xây dựng
Thực tiễn cho thấy, các công trình hay dự án sử dụng BIM thường không đề cập đến BIM trong hợp đồng. Kết quả là khi có tranh chấp liên quan đến BIM sẽ không có điều khoản hợp đồng để hỗ trợ giải quyết. Hoặc trường hợp các bên trong hợp đồng có thể đã thỏa thuận trước về trách nhiệm pháp lý của các bên và chuyển giao rủi ro. Tuy nhiên, không thể đảm bảo rằng, nội dung thỏa thuận do các bên dự liệu được các loại rủi ro về mô hình BIM sẽ xảy ra. Tại Việt Nam, BIM vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp chưa biết cách đưa BIM vào hợp đồng xây dựng. Khi áp dụng đầy đủ các khía cạnh của BIM, điều cần thiết là thống nhất một mẫu chung trong việc áp dụng BIM vào hợp đồng xây dựng để đảm bảo có đầy đủ các điều khoản quy định về những mối quan hệ khác nhau giữa các bên tham gia vào dự án xây dựng. Việt Nam có thể ban hành một hợp đồng mẫu hoặc tài liệu đi kèm với hợp đồng có quy định về việc sử dụng BIM tương tự như tài liệu E203TM – 2013 của AIA (Hoa Kỳ). Theo xu hướng của các nước đi trước như Anh và Hoa Kỳ, Việt Nam cần hỗ trợ cho các chủ thể sử dụng mô hình BIM trong việc xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý và chuyển giao rủi ro đặc biệt là trong vấn đề quản lý thông tin để họ có thể tham khảo và sử dụng nó khi soạn thảo và ký kết hợp đồng./. 

 


[1] Rafael Sacks, Charles Eastman, Ghang Lee, Paul Teicholz (2018), BIM Handbook: A Guide to Building Information Modeling for Owners, Designers, Engineers, Contractors, and Facility Managers, John Wiley & Sons, Third Edition, Canada, p.120.
[2] The Institution of Structural Engineers BIM Panel (2021), An introduction to Building Information Modeling, ArcLib, United Kingdom, p. 4.
[3] Trang thông tin về công nghệ BIM trong xây dựng (2017), BIM là gì?, https://congnghebim.vn/bim-la-gi/.
[4] Long Thang (2016), Môi trường dữ liệu chung trong BIM Common Data Environment CDE, ViBIM, https://www.vibim.com.vn/blog/moi-truong-du-lieu-chung-trong-bim-common-data-environment-cde.html.
[5] May Winfield (2015), Building Information Modelling: The Legal Frontier – Overcoming legal and contractual obstacles, Society of Construction Law, https://www.ace-cae.eu/fileadmin/New_Upload/3._Area_2_Practice/BIM/Other_Docs/5_0_Legal_Frontier.pdf.
[6] Howard W.Ashcraft (2008), Building Information Modeling: A Framework for Collaboration, The Construction Lawyer, (28), p. 10.
[7] Su-Ling FAN, Cen-Ying LEE, Heap-Yih CHONG, Miroslaw J. SKIBNIEWSKI (2018), A critical review of legal issues and solutions associated with Building Information Modelling, https://doi.org/10.3846/tede.2018.5695, p. 2108.
[8] Hurtado, K.A. and O’Connor, P.J. (2008), Contract issues in the use of building information modelling, International Construction Law Review, p. 265.
[9] Arensman, D. B., and Ozbek, M. E. (2012), Building information modelling and potential legal issues, International Journal of Construction Education and Research, 8(2), p. 150, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/15578771.2011.617808?journalCode=uice20.
[10] Rafael Sacks, Charles Eastman, Ghang Lee, Paul Teicholz (2018), tlđd 1, tr. 360-361.
[11] The Institution of Engineering and Technology (2014), Building Information Modelling (BIM): Addressing the Cyber Security Issues, https://www.theiet.org/media/8760/bim-cyber.pdf, p. 5.
[12] David-John Gibbs, Wayne Lord, Stephen Emmitt, Kirti Ruikar (2014), “BIM and construction contracts – CPC 2013’s approach”, Management, Procurement and Law, Volume 168 Issue MP6, https://core.ac.uk/download/pdf/161913649.pdf, p. 288.
[13] Hurtado, K.A. and O’Connor, P.J. (2008), tlđd 8, tr. 149.
[14] PAS1192-2:2013, PAS1192-3:2014, BSS1192-4:2014, PAS1192-5:2015, BIM Protocol.
[15] ISO 19650 Guidance các phần và Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets, https://ukbimframework.org/wp-content/uploads/2020/06/Information-Protocol-to-support-BS-EN-ISO19650-2.pdf.
[16] North America Mechanical, Inc v Walsh Const. Co II, LLC No.12-CV-598, 2015 WL 5530190 (E.D. Wisc. Sept. 18, 2015),  https://casetext.com/case/n-am-mech-inc-v-walsh-constr-co.
[17] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 8.2.
[18]Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 8.3.
[19] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 8.5.  
[20] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 5.1; 5.2.
[21]Trant Engineering Ltd v. Mott MacDonald [2017] EWHC 2061 (TCC), https://www.casemine.com/judgement/uk/606aa15f2c94e02990ded613.
[22] Building Information Modelling (BIM) Protocol, https://www.cic.org.uk/uploads/files/old/bim-protocol-2nd-edition-2.pdf.
[23] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 5.5.
[24] Queensland Government (2019), Building Information Modelling (BIM) – Guideline on the manegement and disposal of building information modelling records, https://www.ace-cae.eu/fileadmin/New_Upload/3._Area_2_Practice/BIM/Other_Docs/5_0_Legal_Frontier.pdf. 
[25] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 4.8.
[26] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 11.1.
[27] Information protocol to support BS EN ISO 19650-2 the delivery phase of assets Article 11.2.
[28] GSA (US General Services), 2007, “GSA’s national 3D-4D BIM program”.
[29] Nguyễn Đắc Đức, Quách Thanh Tùng (2021), Ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong xây dựng công trình cầu ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Giao thông vận tải, tập 72, số 8, tr. 910.
[30] AIA Document E203TM – 2013 Building Information Modeling and Digital Data Exhibit, https://zdassets.aiacontracts.org/ctrzdweb02/zdpdfs/aia-e203-2013-free-sample-preview.pdf.
[31] Kimberly A. Hurtado (2016), Design Technology, BIM Comes of Age: The New ConsensusDOCs BIM Addendum (2015) for Life-cycle Building Information Modeling, The Construction Lawyer, p. 38.
[32] Richard H. Lowe - Jason M. Muncey (2009), Contract forms and Drafting/Building Information Modeling – ConsensusDOCS 301 BIM Addendum, The Construction Lawyer, p. 17.
[33] ConsensusDocs® 301 Building Information Modeling (BIM) Addendum, http://www.unh.edu/purchasing/CD301%20-%20BIM%20Addendum.pdf.
[34] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 5.1.
[35] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 5.8.
[36] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 5.4.
[37] AIA Document E203TM – 2013, Article 4.8.2.
[38] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 3.2.9, Article 4.6.4.
[39] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 3.1.
[40] AIA Document E203TM – 2013, Article 2.3.
[41] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 6.1.
[42] ConsensusDOCS 301 BIM Addendum Article 6.6.1.
[43] Richard H. Lowe - Jason M. Muncey, tlđd 36, tr. 23.
[44] Justia US Supreme Court, United States v. Spearin, 248 U.S. 132 (1918), https://supreme.justia.com/cases/federal/us/248/132/.
[45] Benton T Wheatley and Travis W Brown (2007), Design Responsibility And Liability, “An Introduction to Building Information Modeling”, The Construction Lawyer, p. 34.
[46]  McAdam, B. (2010), Building information modelling: the UK legal context, International Journal of Law in the Built Environment, vol. 2, no. 3, pp. 246-259, https://doi.org/10.1108/17561451011087337.
[47] Xem thêm: khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 66 Luật Xây dựng năm 2020; khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Điều 3 Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.
[48] Brynne Ramella (2019), What is BIM? Building Information Modeling Definitions, Terms, and Tools, https://learn.g2.com/bim. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (469), tháng 11/2022.)