Phòng, chống tác động tiêu cực của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật ở một số nước và giá trị tham khảo cho Việt Nam

05/12/2022

PGS.TS. VŨ CÔNG GIAO

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,

LÊ MINH NHÂM*

VŨ MINH CHÂU**

*,** _ Học viên Cao học QTNN và PCTN Khoá IV, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả phân tích quan điểm của một số chuyên gia, tổ chức quốc tế về nhóm lợi ích, tác động của các nhóm lợi ích, cũng như những biện pháp phòng ngừa khả năng các nhóm lợi ích tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở một số quốc gia; so sánh và nêu ra những gợi ý cho việc hoàn thiện pháp luật để phòng, chống tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
Từ khoá: Nhóm lợi ích, tham nhũng, chính sách, pháp luật.
Abstract: Within this article, the authors provide an analysis of the viewpoints of international experts and from international organizations on the interest groups, the impact by the interest groups, as well as measures to prevent their negative impacts on policy and law-making in a number of countries, also make comparison with relevant legal provisions of Vietnam, and provide recommendations for the improvement of the related law in order to better prevent the negative impacts by interest groups on the law making in Vietnam.
Keyword: Interest groups; corruption; policy; law; Vietnam.
 
Khái niệm “nhóm lợi ích” (interest group) là thuật ngữ đang được sử dụng phổ biến bởi nhiều tổ chức quốc tế và học giả trên thế giới khi bàn về vấn đề quản trị quốc gia và phòng, chống tham nhũng. “Nhóm lợi ích” là một khái niệm “trung tính”, nhưng trong bối cảnh nhiều nhóm lợi ích tìm cách gây ảnh hưởng nhằm lũng đoạn quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nên ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thuật ngữ này thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực.NHÓM-LỢI-ÍCH.jpg
1. Nhóm lợi ích và tác động của nó đến việc xây dựng chính sách, pháp luật ở các quốc gia
Nhóm lợi ích (interest group) là “bất kỳ tập thể nào gồm các cá nhân, tổ chức được hình thành dựa trên một hoặc nhiều mối quan tâm chung và nỗ lực gây ảnh hưởng đến chính sách công theo hướng có lợi cho nhóm họ thông qua vận động hành lang (lobbying) các quan chức chính quyền”[1]. Có thể phân loại các nhóm lợi ích theo động cơ hoạt động của họ, cụ thể như: (1) Nhóm lợi ích về kinh tế, bao gồm các công ty và hiệp hội doanh nghiệp...; (2) Nhóm lợi ích về chuyên môn, bao gồm các liên đoàn lao động, hội nông dân...; (3) Nhóm lợi ích về lợi ích cộng đồng, bao gồm các tổ chức hoạt động vì môi trường, bình đẳng giới, quyền con người[2]… Tuỳ bối cảnh mà có các nhóm lợi ích nhất định nổi lên đóng vai trò chính trong việc vận động hành lang. Trong bài viết này, nhóm tác giả chủ yếu tập trung bàn về các nhóm lợi ích về kinh tế.
Các nhóm lợi ích thường nỗ lực gây ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách, pháp luật của quốc gia theo hướng có lợi cho nhóm họ bằng cách tự mình thực hiện hoặc thuê các cá nhân hay tổ chức vận động hành lang. Vận động hành lang có thể được thực hiện thông qua những cách thức khác nhau, bao gồm trực tiếp tác động đến các cơ quan, nhà hoạch định chính sách; tham gia các phiên thảo luận công khai; thể hiện ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thực hiện các chiến dịch gây quỹ, gửi dự thảo, cung cấp thông tin hay chuyên gia về chính sách, văn bản pháp luật mà họ mong muốn đến các cơ quan, quan chức có liên quan[3]….
Sự tác động của nhóm lợi ích đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở các quốc gia về bản chất không phải là hành vi tham nhũng hay bất hợp pháp, mà ngược lại, đây là một yếu tố có tính tất yếu, khách quan và có vai trò quan trọng trong quá trình đó[4]. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp thì các nhóm lợi ích rất dễ lũng đoạn quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực đối với nhà nước và xã hội.
Nhìn từ góc độ tích cực, các nhóm lợi ích có thể cung cấp nhiều kiến thức, thông tin, dữ liệu chuyên sâu có giá trị thực tiễn cao về những vấn đề cụ thể để giúp chính sách, pháp luật được xây dựng phù hợp với thực tế cuộc sống. Sự tham gia lành mạnh của các nhóm lợi ích giúp bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhóm xã hội, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, trong các chính sách, pháp luật dự kiến được ban hành, cũng như bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan và nhà hoạch định chính sách, pháp luật[5].
Nhìn từ góc độ tiêu cực, nếu không được kiểm soát hợp lý, sự tác động của các nhóm lợi ích có thể dẫn tới việc lũng đoạn quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, định hình các chính sách, pháp luật đang được xây dựng theo mong muốn của nhóm lợi ích mà bỏ qua hoặc coi nhẹ lợi ích chính đáng của nhà nước, xã hội hoặc của các nhóm lợi ích khác. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khác với hối lộ, sự tác động không chính đáng của các nhóm lợi ích đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật khó nhận biết hơn, và không nhất thiết bao giờ cũng bị xem là bất hợp pháp[6]. Điều này đặt ra yêu cầu với các quốc gia về việc phải có những quy định của pháp luật phù hợp để có thể nhận biết, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi thao túng quá trình chính sách, pháp luật của các nhóm lợi ích.   
2. Kinh nghiệm ở một số quốc gia về kiểm soát tác động của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng chính sách, pháp luật
2.1. Xây dựng luật về vận động hành lang
Theo OECD, vận động hành lang là “nỗ lực của các nhóm lợi ích hay các chủ thể khác gây ảnh hưởng đến các quyết định của chính quyền, đặc biệt trong việc xây dựng chính sách, pháp luật hay trong việc giao thầu”[7]. Giống như tác động của nhóm lợi ích, về bản chất, vận động hành lang không phải là hành động xấu hay hành vi phạm pháp, mà ngược lại, là những việc làm có tính chất tất yếu, khách quan, và ở nhiều quốc gia, được xem là cần thiết cho hoạt động hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước.
Dù vậy, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, vận động hành lang rất dễ bị “biến tướng” theo hướng trở thành sự tác động tiêu cực, không chính đáng đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, vì vậy cần được luật hoá để bảo đảm hoạt động này của các nhóm lợi ích được minh bạch, đúng đắn và có trách nhiệm giải trình. Yêu cầu phổ biến với pháp luật về vấn đề này cần quy định công khai danh tính của các nhà vận động hành lang, khách hàng của họ, lĩnh vực hoạt động, mục tiêu, kỹ thuật cũng như thông tin tài chính, đồng thời quy định một cơ chế giám sát chặt chẽ. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Đạo luật công khai hoạt động vận động hành lang năm 1995 (Lobbying Disclosure Act)yêu cầu các nhà vận động hành lang hoặc bất kỳ tổ chức nào thuê các nhà vận động hành lang phải đăng ký và phải công khai thông tin về người vận động, thông tin về khách hàng, về các vấn đề được vận động cũng như thu nhập của họ từ nghề nghiệp sau mỗi 3 tháng[8]. Hoặc ởLiên minh châu Âu (EU), từ tháng 6/2001, hệ thống đăng ký minh bạch đã được thiết lập, theo đó tất cả các nhà vận động hành lang được yêu cầu phải công khai khách hàng và thu nhập có được từ hoạt động của họ[9]. Thêm vào đó, Bộ quy tắc ứng xử mới cho các thành viên Nghị viện châu Âu (MEPs) năm 2011 cũng yêu cầu các nghị sĩ phải công khai những lợi ích tài chính cũng như cấm nhận tiền hoặc bất kỳ phần thưởng nào để đổi lấy việc gây ảnh hưởng đến các quyết định của Nghị viện theo mong muốn của các nhà vận động hành lang[10]. Ở châu Á, Đài Loan đã ban hành Luật về vận động hành lang từ năm 2007, trong đó yêu cầu các nhà vận động hành lang phải đăng ký hoạt động và phải công khai chi phí vận động hành lang của họ cho các cơ quan hữu quan. Các quan chức phải báo cáo về sự tiếp xúc của họ với các nhà vận động hành lang (nếu có) trong vòng 7 ngày và bị cấm tự thực hiện hoặc đại diện đứng ra vận động hành lang trong vòng 03 năm sau khi rời nhiệm sở[11].
2.2. Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, xung đột lợi ích được định nghĩa là “tình trạng cá nhân hoặc tổ chức nơi họ làm việc, dù là chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, hay tổ chức xã hội, phải đối mặt với việc lựa chọn giữa nghĩa vụ và yêu cầu của vị trí công việc với sở thích cá nhân của họ”. Xung đột lợi ích có thể xảy ra “khi một cá nhân có trách nhiệm chính là phục vụ cộng đồng lại tham gia vào hoạt động mà có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến phán đoán chuyên môn và sự khách quan, độc lập của họ” [12].
Mặc dù chưa phải là tham nhũng, song xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là “ngưỡng cửa” của tham nhũng nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng là một yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng, chống tác động tiêu cực của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật. Xét tổng quát, có 03 nhóm quy định chính để kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, bao gồm: cấm quan chức thực hiện một số hoạt động nhất định; buộc quan chức phải tuyên bố về lợi ích của mình có liên quan đến công việc sắp thực hiện; loại trừ quan chức khỏi quá trình ra quyết định một vấn đề mà họ có khả năng có lợi ích liên quan[13]. Những quy định này có tác dụng phòng, chống tình trạng “cửa xoay” (“revolving door”), tức là ngăn chặn các quan chức và cựu quan chức thực hiện vận động hành lang cho doanh nghiệp[14].
2.3. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cơ bản dựa trên việc yêu cầu những đối tượng đó kê khai, công khai tài sản, thu nhập của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc theo mức gia tăng của tài sản, thu nhập. Cơ chế này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia và được xem như một phương thức quan trọng để nâng cao tính minh bạch, liêm chính cũng như niềm tin của công dân vào bộ máy công quyền.
Trong khi xung đột lợi ích thường được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật khác nhau thì quy định về kê khai, công khai tài sản thường được đề cập trong các văn bản pháp luật cụ thể. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Đạo luật về đạo đức trong chính quyền (the Ethics in Government Act) yêu cầu các ứng cử viên làm tại các văn phòng dân cử, quan chức được dân bầu hay quan chức được bổ nhiệm ở cấp cao đều phải nộp báo cáo tài chính cá nhân để công bố công khai[15]. Ở Canada, pháp luật yêu cầu công chức phải thực hiện báo cáo về tài sản và nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả các hoạt động hiện tại hay trong quá khứ của họ và của vợ/chồng, con đã trưởng thành của họ. Luật này còn đưa ra các quy tắc cụ thể liên quan đến việc xác định các loại tài sản phải kê khai, cũng như đưa ra những giới hạn đối với các hoạt động bên ngoài của công chức, cùng việc nhận quà, nhận lời mời tham dự các sự kiện hay dịch vụ nhà hàng, lưu trú đặc biệt, các hoạt động sau khi nghỉ việc, và đặt ra cơ chế hồi tỵ (recusal mechanism) để giúp các quan chức cấp cao tránh khỏi những tình huống xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình[16]. Ở Indonesia, các thành viên của Chính phủ được yêu cầu phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập cũng như các nghĩa vụ tài chính trước khi nhậm chức, sau 2 năm ở nhiệm sở, khi rời nhiệm sở và bất kỳ khi nào được Ủy ban chống tham nhũng (KPK) yêu cầu. Các bản kê khai tài sản sẽ được Ủy ban này xem xét một cách kỹ lưỡng và việc xác minh tính trung thực được thực hiện đối với 1-5% tổng số bản khai[17].
2.4. Bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong xây dựng chính sách, pháp luật
Tính minh bạch trong việc ra quyết định của cơ quan công quyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trọng là sự quan tâm, tham gia của người dân vào quá trình. Công chúng càng quan tâm đến việc ra quyết định của cơ quan công quyền về một vấn đề cụ thể nào đó, thì các nhóm lợi ích càng khó tác động không chính đáng đến việc ra quyết định[18]. Như vậy, để ngăn ngừa tác động không chính đáng của các nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình này, bao gồm việc bắt buộc và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức các cuộc thảo luận công khai về các chính sách, pháp luật đang xây dựng, cũng như tổ chức tham vấn với các chủ thể khác nhau, đặc biệt là những chủ thể chịu sự tác động của chính sách, pháp luật đang được xây dựng[19].
Ngoài các biện pháp nêu trên, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy còn có một số biện pháp khác có thể giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời giúp xác định những mối quan hệ đáng ngờ giữa các nhóm lợi ích và các cơ quan, nhà hoạch định chính sách, bao gồm: xây dựng pháp luật về tiếp cận thông tin mà cho phép tiếp cận với các tài liệu của các cơ quan nhà nước nắm giữ liên quan đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; thiết lập các hình thức liên lạc trực tuyến để khuyến khích sự tham vấn và góp ý của người dân vào các dự thảo văn bản pháp luật; quy định về việc biểu quyết công khai, và công khai kết quả biểu quyết các dự án luật trong Quốc hội v.v..[20]
2.5. Chống độc quyền, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông
Thực tế ở nhiều nước cho thấy, tình trạng các ngành, lĩnh vực kinh doanh bị chi phối bởi các công ty độc quyền hoặc các tập đoàn mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tác động không chính đáng của các công ty, tập đoàn đó đến hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật[21]. Vì vậy, cần có biện pháp chống độc quyền, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như tái cấu trúc các công ty độc quyền chủ chốt, tăng thẩm quyền của các cơ quan chống độc quyền, loại bỏ các lợi thế chống cạnh tranh, dỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường của các công ty mới, cải thiện môi trường đầu tư [22].
Ví dụ ở Hàn Quốc, nơi trước đây giới kinh doanh thường duy trì mối quan hệ thiếu minh bạch với các chính trị gia, từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn lũng đoạn quá trình xây dựng chính sách, pháp luật[23]. Để khắc phục tình trạng đó, Hàn Quốc đã xây dựng một đạo luật chống độc quyền vào cuối thập kỷ 1980[24] và thực hiện một số cải cách khác vào cuối những năm 1990 nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý của các Chaebol[25]. Chính phủ cũng củng cố cơ quan chống độc quyền (Ủy ban Thương mại công bằng) bằng việc trao cho cơ quan này quyền lực bán tư pháp. Kết quả là đã làm giảm những ảnh hưởng tiêu cực của các Chaebol vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở Hàn Quốc[26].
Các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động vận động hành lang của các doanh nghiệp, qua đó phòng ngừa khả năng tác động không chính đáng của các nhóm lợi ích đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật[27]. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Trung tâm Chính trị đáp ứng (Centre for Responsive Politics) đã giám sát và công bố kết quả nghiên cứu về sự lưu chuyển của dòng tiền trong hoạt động chính trị ở Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó đến bầu cử và hoạch định chính sách công, qua đó giúp các cơ quan nhà nước và công chúng nhận biết và có phản ứng kịp thời với những hành vi phạm pháp luật vận động hành lang ở Hoa Kỳ . Ở Bangladesh, một tổ chức phi chính phủ có tên là Jagoree đã thiết lập một nền tảng ứng dụng trực tuyến để cung cấp thông tin và giúp người dân dễ dàng tham gia và giám sát hành động của các nhóm lợi ích trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật[28].
3. Kiểm soát tác động của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam
Ở Việt Nam, đã có một số nghiên cứu cho thấy tình trạng các nhóm lợi ích tác động tiêu cực đến hoạt động thực thi chính sách, pháp luật,[29] tiêu biểu như vụ Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG), vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm)[30]… Mặc dù vậy, khác với việc thực thi pháp luật, có quan điểm cho rằng “hiện nay chưa phát hiện ra biểu hiện lợi ích nhóm trong hoạt động lập pháp”[31], hoặc “lợi ích nhóm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật rất khó xảy ra”[32], trong khi quan điểm khác lại cho rằng hiện đã có biểu hiện, tác động không chính đáng của nhóm lợi ích lên quá trình hoạch định chính sách, thậm chí có nơi “nhóm lợi ích” đã can thiệp sâu vào quá trình hướng lái chính sách ở một số lĩnh vực[33]. Nếu nhìn nhận khái niệm “lợi ích nhóm” theo nghĩa rộng hơn, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ ra tình trạng một số bộ, ngành khi đề xuất một dự án luật “cài cắm” lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình mà không tính đến lợi ích chung, chẳng hạn như quy định về quỹ tài chính, hay tổ chức và bộ máy trong các đạo luật không phải chuyên ngành; quy định về chế độ, chính sách, điều kiện gia nhập thị trường và điều kiện sản xuất, kinh doanh bất hợp lý, có lợi cho quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành mình mà đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp[34]...
Xét về mặt pháp lý, có thể thấy khung khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam đã gồm nhiều quy định có tác dụng phòng, chống việc các nhóm lợi ích gây tác động không chính đáng đến việc xây dựng chính sách, pháp luật. Cụ thể, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc phải tuân thủ, mỗi giai đoạn có tính chất độc lập tương đối (từ lập chương trình xây dựng pháp luật; soạn thảo; thẩm tra; trình Quốc hội xem xét, thông qua), với nhiều chủ thể tham gia, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia không bị sự tác động, sự chi phối tiêu cực của các chủ thể khác[35].  Ngoài ra, ở Việt Nam còn có quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật; quy định về kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức tham gia mỗi công đoạn của hoạt động lập pháp; quy định về hoạt động giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội, của báo chí[36];… qua đó góp phần phòng, chống tác động tiêu cực của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật. Xét rộng hơn, giống như ở nhiều nước, Việt Nam cũng đã có những quy định của pháp luật điều chỉnh nhiều vấn đề khác có liên quan đến kiểm soát tác động của các nhóm lợi ích, cụ thể như các vấn đề quản lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước; vai trò và trách nhiệm tham gia của các tổ chức xã hội và người dân vào phòng, chống tham nhũng... Những vấn đề này được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và một số luật chuyên ngành khác.
Mặc dù vậy, nội dung và việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật nêu trên, đặc biệt là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này vẫn còn một số bất cập, tạo ra kẽ hở cho các nhóm lợi ích tác động không chính đáng đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, trong đó tiêu biểu như[37]: Quy trình lập pháp còn có điểm thiếu hợp lý, nhất là về thời gian dành cho việc thẩm định, thẩm tra dự thảo luật; sự tham gia của các cơ quan hữu quan, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng và giám sát hoạt động lập pháp còn chưa thực sự hiệu quả; Việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối với dự thảo luật đôi khi còn mang tính hình thức; chất lượng tờ trình, báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo rà soát thủ tục hành chính, báo cáo thẩm định, thẩm tra… có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng "nể nang", "lợi ích cục bộ ngành, địa phương" trong quá trình xây dựng luật vẫn còn xảy ra[38]. Tương tự, hiệu quả thực thi những quy định của pháp luật về quản lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước; vai trò và trách nhiệm tham gia của các tổ chức xã hội và người dân vào phòng, chống tham nhũng... cũng còn hạn chế.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn liên quan đến cách thức tiếp cận hay chiến lược kiểm soát tác động của các nhóm lợi ích với việc xây dựng chính sách, pháp luật. Nhìn từ góc độ này, đối chiếu với một số quốc gia khác, có thể thấy rằng, khung pháp luật hiện hành của Việt Nam đã nêu ở trênmới chỉ tập trung vào việc giám sát các cơ quan đề xuất, soạn thảo dự án luật, mà chưa chú ý đến việc kiểm soát hoạt động của cán bộ, công chức tham gia vào quá trình đó, cũng như hoạt động của các nhóm lợi ích, đặc biệt là nhóm lợi ích về kinh tế, trong việc tác động đến các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Sự bất cập về cách tiếp cận như nêu trên có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả là Việt Nam chưa có luật vận động hành lang - một đạo luật rất quan trọng để minh bạch hoá hoạt động lập pháp và phòng, chống việc các nhóm lợi ích gây tác động không chính đáng đến việc xây dựng chính sách, pháp luật. Thực tế ở nhiều quốc gia đã cho thấy, luật vận động hàng lang là một trong những công cụ pháp lý nòng cốt, không thể thiếu để vừa phát huy được những khía cạnh tích cực, vừa phòng ngừa được những tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích tới hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.
4. Kết luận và đề xuất
Sự hình thành, tồn tại, phát triển của các nhóm lợi ích là vấn đề mang tính tất yếu, khách quan trong mọi xã hội. Vì thế, sự tác động của các nhóm lợi ích đối với Nhà nước nói chung, với hoạt động hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước nói riêng, cũng là tất yếu khách quan. Tác động của các nhóm lợi ích đến hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật mang tính hai mặt. Mặt tích cực là giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều dữ liệu, thông tin để xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn. Mặt tiêu cực là nếu không được quản lý phù hợp, các nhóm lợi ích có thể gây tác động một cách không chính đáng, bất tương xứng hay bất hợp lý đến cơ quan, nhà hoạch định chính sách, khiến cho chính sách, pháp luật ban hành ra không phản ánh đúng thực tiễn, chỉ phục vụ lợi ích của một, một số nhóm xã hội, làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm xã hội khác.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để quản lý hiệu quả tác động của các nhóm lợi ích đến xây dựng chính sách, pháp luật, cần luật hoá hoạt động vận động hành lang để buộc mọi hành động của các nhóm lợi ích tác động đến cơ quan, nhà hoạch định chính sách phải công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, và chịu sự giám sát của mọi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, báo chí và người dân. Bên cạnh đó, cần củng cố khung pháp lý về một loạt vấn đề có liên quan khác, như kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hại; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong xây dựng chính sách, pháp luật; chống độc quyền, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông trong quản trị quốc gia và phòng, chống tham nhũng.
Ở Việt Nam, vấn đề phòng, chống tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích với hoạt động của Nhà nước, trong đó bao gồm hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, gần đây được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Việt Nam đã có khung pháp luật khá toàn diện, cụ thể về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần làm giảm khả năng các nhóm lợi ích tác động tiêu cực đến quá trình này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những quy định của pháp luật khá toàn diện về hầu hết những vấn đề liên quan cần thiết để góp phần kiểm soát tác động của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng chính sách, pháp luật.
Dù vậy, trong thực tế hiện nay ở nước ta vẫn có hiện tượng nhóm lợi ích tác động tiêu cực đến hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Một trong những nguyên nhân là do khung pháp luật có liên quan, kể cả trong vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn những hạn chế nhất định. Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện pháp luật trong một số vấn đề còn thiếu kiên quyết, chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là pháp luật Việt Nam chưa chú ý đúng mức đến việc kiểm soát hoạt động của cán bộ, công chức tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và hoạt động vận động hành lang của các nhóm lợi ích trong quá trình đó.
Cùng với quá trình phát triển, đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong thời gian tới ở nước ta sẽ còn có thêm nhiều nhóm lợi ích và tác động của các nhóm lợi ích đến hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải khắc phục những hạn chế đã nêu ở mục trên để hoàn thiện khung khổ pháp luật có liên quan, trong đó đặc biệt là việc nghiên cứu luật hoá các quy định về vận động hành lang để phát huy những khía cạnh tích cực, ngăn ngừa những khía cạnh tiêu cực trong quá trình các nhóm lợi ích tham gia xây dựng chính sách, pháp luật./.
  

* Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp bộ “Quản trị tốt nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra chủ trì thực hiện trong các năm 2021-2022. Nội dung bài viết được củng cố, bổ sung từ tham luận với tiêu đề “Quan điểm, kinh nghiệm nước ngoài về phòng, chống tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng chính sách, pháp luật và các giá trị tham khảo cho Việt Nam” của nhóm tác giả, đã được trình bày tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” do Đảng đoàn Quốc hội tổ chức ngày 5/8/2022 tại Đà Nẵng.
 
[1] Maira Martini (2012), Influence of interest groups on policy-making, Transparency International & AntiCorruption Resource Centre, https://www.u4.no/publications/influence-of-interest-groups-on-policy-making.pdf. 
[2] Chari. R, Hogan. J, Murphy. G (2010), Regulating Lobbying: A Global Comparison, Manchester University Press. Về phân loại lợi ích nhóm, xem thêm: Defining and classifying interest groups, https://link.springer.com/article/10.1057/iga.2014.9; Campos. N (2009), In pursuit of policy influence: Can lobbying be a legitimate alternative to corruption in developing countries?, U4 Anti-Corruption Resource CentreBrief, https://www.u4.no/publications/in-pursuit-of-policy-influence-can-lobbying-be-a-legitimate-alternative-to-corruption-in-developing-countries.pdf.
[3] Dur. A, Bievre. D (2007), The Question of Interest Group Influence,International Public Policy, 27, I, pp. 1-12.
[4] Zinnbauer. D (2009), The role of investors in strengthening corporate integrity and responsibility, in Global Corruption Report: Corruption and the Private Sector, TransparencyInternational.
[5] OECD (2009), Lobbyists, government and public trust: Promoting integrity by self-regulation, http://www.oecd.org/officialdocuments.
[6] Xem OECD (2009), tlđd.
[7] OECD & ADB (2008), Managing Conflict of Interest: Frameworks, Tools, and Instruments for Preventing, Detecting, and Managing Conflict of Interest, http://www.adb.org/publications/managing-conflict-interestframeworks-tools-and-instruments-preventing-detecting-andma.
[8] Xem Maira Martini, tlđd.
[9] Nghị viện châu Âu: Văn phòng thúc đẩy Dân chủ Nghị viện, 2011.
[10] Nguồn: http://www.euractiv.com/future-eu/journalisticspoof-traps-meps-br-news-503281, truy cập 25/7/2022.
[11] Nguồn: http://www.chinapost.com.tw/taiwan/national/national-news/2008/08/04/168456/p2/Taiwan’s-Lobbying.htm, truy cập 25/7/2022.
[12] Transparency International (2009), Controlling Corporate Lobbying and Financing of Political Activities, Policy Position, http://www.transparency.org/whatwedo/pub/policy_position_06_2009_controlling_corporate_lobbying_and_financing_of_pol.
[13] Reed. Q (2008), Sitting on the fence: conflicts of interest and how to regulate them, U4, Iss. 6, http://www.u4.no/publications/sitting-on-the-fence-conflictsof-interest-and-how-to-regulate-them/downloadasset/113.
[14] Xem Transparency International (2009), tlđd.
[15] Xem OECD (2009), tlđd.
[16] Xem OECD (2009), tlđd.
[17] World Bank (2011), Public Accountability mechanisms: Indonesia, https://www.agidata.org/Pam/ProfileIndicator.aspx?c=93&i=10601.
[18] Xem Dur, Bievre, tlđd.
[19] Transparency International (2009), tlđd.
[20] Xem Maira Martini, tlđd.
[21] Hellman. J (2011), Strategies to Combat State Capture and Administrative Corruption in Transition Economies, Background Paper Prepared for the Conference: “Economic Reform and Good Governance: Fighting Corruption in Transition Economies”, http://siteresources.worldbank.org/INTWBIGOVANTCOR/Resources.
[22] Xem Hellman (2011), tlđd.
[23] Transparency International (2006), National Integrity System: South Korea, Transparency International.
[24] Petersen. N (2011), Antitrust Law and the Promotion of Democracy and Economic Growth, Max Planck Institute forResearch on Collective Goods, http://www.coll.mpg.de/pdf_dat/2011_03online.pdf.
[25] Yanagimachi. I (2004), Chaebol Reform and Corporate Governance in Korea, http://coe21-policy.sfc.keio.ac.jp/D62F531C-B642-457D-8CD8-690300F9644F/FinalDownload/DownloadId.
[26] Xem Maira Martini, tlđd.
[27] Transparency International (2009), TI Plain Language Guide, www.transparency.org.
[28] Xem Maira Martini, tlđd.
[29] Nguyễn Ngọc Tương, Nhận diện “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” và biện pháp phòng, chống, Báo Quân đội nhân dân, ttps://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/nhan-dien-loi-ich-nhom-nhom-loi-ich-va-bien-phap-phong-chong-624853, truy cập 25/7/2022. 
[30] Nguyễn Văn Chung (2020), Kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-, truy cập 25/7/2022. 
[31] Nguyễn Mạnh Cường (2022),Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, https://moha.gov.vn/baucu/van-ban-huong-dan/hoan-thien-co-che-kiem-soat-quyen-luc-de-phong-chong-loi-ich-nhom-trong-hoat-dong-xay-dung-chinh-sach-phap-luat-47743.html,truy cập 25/7/2022. 
[32] Diệp Trương (2022), Lợi ích nhóm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật rất khó xảy ra, TTXVN/Vietnam+, https://www.vietnamplus.vn/loi-ich-nhom-trong-xay-dung-ban-hanh-van-ban-phap-luat-rat-kho-xay-ra/797012.vnp.
[33] Xem Nguyễn Văn Chung, tlđd.  
[34] Hà An (2018), Ngăn chặn lợi ích cục bộ, Báo Đại biểu nhân dân, https://daibieunhandan.vn/Goc-nhin/Ngan-chan-loi-ich-cuc-bo-i48988/.
[35] Nguyễn Mạnh Cường, tlđd.  
[36] Nguyễn Mạnh Cường, tlđd.
[37] Xem Nguyễn Mạnh Cường, tlđd.
[38] Xem Nguyễn Mạnh Cường, tlđd.  
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (467), tháng 10/2022.)