Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Israel và khuyến nghị cho Việt Nam

25/11/2022

PGS.TS. NGUYỄN TUẤN ANH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội,

THS. NGUYỄN THỊ BẢO NGA

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tóm tắt: Israel là một quốc gia không có nhiều tài nguyên, khoáng sản. Phần lớn diện tích đất của quốc gia này lại là sa mạc cằn cỗi, phần còn lại đều là đồi núi đá trọc với khí hậu khắc nghiệt. Trong bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích một số bài học kinh nghiệm của Israel về chính sách, giải pháp và cơ chế hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đưa ra một số khuyến nghị cho phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Từ khóa: Nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ nông nghiệp, triển lãm nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông.
Abstract: Israel is a country without rich resources and minerals. Most of the country's land area is barren desert, the rest are bare rocky hills with a harsh climate. Within this article, the authors make presentation and analysis of a number of lessons from Israel's experience on policies, solutions and supporting mechanisms for the development of high-tech agriculture and also provide recommendations for the development of agricultural for Vietnam.
Keywords: High-tech agriculture; agricultural science and technology; agricultural exhibition; agricultural extension services.
 công-nghệ-cao.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.    Bối cảnh nền nông nghiệp công nghệ cao ở Israel
Israel xây dựng nông nghiệp công nghệ cao với điều kiện tự nhiên rất hạn chế về tài nguyên đất và nước. Bởi lẽ, đây là một quốc gia nhỏ với diện tích khoảng 21.000 km2 và chỉ có khoảng 20% diện tích đất là có thể trồng trọt, một nửa trong số đó phải được tưới tiêu thường xuyên. Hơn một nửa đất nước Israel khô cằn hoặc bán khô hạn, ít màu mỡ và phần còn lại của đất nước chủ yếu là các sườn đồi dốc và rừng rậm. Tổng quỹ đất ở Israel được phân chia như sau: rừng 5,7%, đồng cỏ 40,2%, đất canh tác 21,5%, sa mạc, sử dụng vào những mục đích khác 32,6%. Tổng diện tích đất đang sử dụng cho canh tác là 4.100km(chiếm 1/5 diện tích toàn lãnh thổ). Phần lớn diện tích này là trồng rau (82%), 15% trồng cây ăn trái và 3% trồng hoa. Còn nước ngọt ở Israel được coi như vàng trắng vì khí hậu ở đây đặc biệt khô hạn với lượng mưa rất thấp, không đồng đều theo từng khu vực và thay đổi theo từng mùa. Phía Bắc quốc gia này có lượng mưa tương đối lớn 700 mm/năm, khu vực miền trung chỉ nhận được 400 - 600 mm/năm và miền nam có lượng mưa ít ỏi 25 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 - 3 năm sau và lượng bốc hơi tự nhiên lên tới 1.900-2.600mm/năm[2]. Trong khi đó, áp lực về nguồn cung lương thực và sản phẩm nông nghiệp cho người dân gia tăng đáng kể do Israel là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới (mật độ dân số 457 người/km2)[3], tốc độ dân số tăng nhanh, lượng người nhập cư ồ ạt từ cuối những năm 1980, cùng với đó là các cuộc chiến tranh kéo dài đã khiến nhu cầu phát triển nền nông nghiệp chất lượng và năng suất cao trở lên cấp thiết.
Chính phủ Israel đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ sức mạnh của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, bức tranh nền nông nghiệp Israel đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc, biến vùng đất khô cằn bậc nhất trở thành đất nước có nền nông nghiệp rất phát triển, làm hoa nở giữa sa mạc. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, Israel từ quốc gia thiếu lương thực, thực phẩm đã đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, và còn xuất khẩu nông sản trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm. Các nhà nông nghiệp Israel cũng đi tiên phong trong công nghệ sinh học nông nghiệp; khử vôi hóa đất; sử dụng nước thải công nghiệp tái chế an toàn cho nông nghiệp; hệ thống tưới tiêu cảm biến tự động (bao gồm cả phương pháp nhỏ giọt hướng dòng nước thẳng đến vùng rễ của cây trồng); sử dụng máy tính để điều phối các hoạt động canh tác phức tạp như điều khiển phun phân bón dựa vào phân tích các yếu tố môi trường; cung cấp thức ăn hỗn hợp cho vật nuôi theo tỷ lệ đã qua kiểm nghiệm, chi phí thấp nhất, năng suất tốt nhất; cung cấp và kiểm soát môi trường nhiệt độ và độ ẩm cho gia cầm. Ngoài ra, nhiều loại thiết bị được thiết kế để xới, gieo, trồng, thu hoạch, thu gom, phân loại và đóng gói đã được phát triển, sản xuất và thực hiện. Những thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Israel không chỉ thể hiện qua năng suất nông phẩm mà còn phản ánh qua chất lượng các sản phẩm theo tiêu chuẩn đo lường nghiêm ngặt.
Có nhiều lý do giải thích cho sự thành công đặc biệt của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trước tiên, đó là sự lãnh đạo của hệ tư tưởng Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (hệ tư tưởng Zionism) trong định hướng và tôn vinh sự trở lại của nông dân Do Thái trong một quốc gia Do Thái đổi mới[4]. Bên cạnh đó, thành tựu trên có được phụ thuộc rất lớn vào bản chất xã hội bình đẳng ở Israel, nơi mà nông nghiệp không chỉ là một nghề đáng kính mà một nghề có thu nhập ổn định và tương đối cao. Hơn nữa, nông dân Israel có trình độ học vấn cao so với tiêu chuẩn quốc tế; họ học hỏi không ngừng nghỉ và luôn cởi mở với những ý tưởng mới, công nghệ mới. Cùng với đó là chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng và dự án nông nghiệp mới. Với những lý lẽ đó, nông dân và ngành nông nghiệp của Israel luôn lạc quan khi nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào các hoạt động nông nghiệp[5]. Đánh giá toàn diện về lĩnh vực nông nghiệp của Israel của OECD năm 2010 đã chỉ ra nguyên nhân của sự thành công là do ngành nông nghiệp đã nhận được nhiều sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; có hệ thống giáo dục phát triển tốt và các dịch vụ khuyến nông phát huy được vai trò và hiệu suất cao của mình. Israel là nước dẫn đầu thế giới về nhiều khía cạnh của nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là gắn liền với việc canh tác trong điều kiện khô cằn. Do đó, việc canh tác nông nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào lợi thế so sánh tự nhiên, mà lợi thế so sánh nằm ở sự tiến bộ công nghệ. Sự thành công và tăng năng suất của nền nông nghiệp Israel trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển một hệ thống nghiên cứu hiệu quả, chuyển giao công nghệ, thiết lập và duy trì tốt các dịch vụ khuyến nông[6]. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng thành công của ngành nông nghiệp công nghệ cao Israel không chỉ là câu chuyện về nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, dịch vụ khuyến nông… mà còn về các chính sách và khuôn khổ thể chế cho sự ra đời các giải pháp công nghệ nông nghiệp mang những đặc điểm riêng biệt, đặc trưng kiểu Israel.
2.    Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Israel
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Israel đã xây dựng những chính sách và giải pháp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với triển khai ứng dụng thực tế, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ tối đa cho nền nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến một số các chính sách và giải pháp cơ bản sau:
-          Ban hành các thể chế góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Israel không xây dựng một đạo luật bao trùm, tạo ra một khuôn khổ quy định chung cho nông nghiệp, thay vào đó là xây dựng từng đạo luật riêng điều chỉnh các đối tượng cụ thể. Thể chế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Israel được ban hành chủ yếu trong những năm 1950-1970 (sau khi thành lập Nhà nước Israel) theo nhu cầu ổn định cuộc sống và phát triển nông nghiệp. Các đạo luật được thông qua bởi cơ quan lập pháp của Israel (Knesset); còn các quy định, pháp lệnh sẽ do các bộ có thẩm quyền quản lý xây dựng nhưng phải có sự tham vấn các bộ có liên quan khác để tránh mâu thuẫn, chồng chéo và được sự chấp thuận của ủy ban Knesset tương ứng. Các luật chính và các quy định liên quan trực tiếp đến nông nghiệp công nghệ cao ở Israel như:
- Luật Nông nghiệp năm 1967[7] xác định bản chất của hoạt động nông nghiệp, quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng tư liệu đầu vào quan trọng của nông nghiệp là đất và nước. Luật này đóng vai trò là công cụ lập pháp để đảm bảo các hoạt động nông nghiệp được phát triển tốt, phù hợp với mục tiêu chính sách của Nhà nước.
- Luật Đất đất đai năm 1960[8] xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của nông dân đối với đất nông nghiệp (không được bán, cho thuê hay tặng cho…) mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai quốc gia (bởi 93% đất đai ở Israel thuộc sở hữu công cộng do Nhà nước quản lý, người dân chỉ được Nhà nước giao đất nông nghiệp để canh tác).
- Luật về Nước năm 1959[9] điều chỉnh tất cả các khía cạnh của việc sử dụng và tái sử dụng nước, thiết lập một khuôn khổ để kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ các nguồn nước của Israel, đặc biệt là tái chế nước thải để phục vụ hoạt động tưới tiêu. Tất cả các nguồn nước ở Israel đều là tài sản công cộng, mọi người đều có quyền sử dụng nước miễn là việc sử dụng đó không làm cho tài nguyên nước bị nhiễm mặn, cạn kiệt.
- Luật Khuyến khích nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ năm 1984: Đạo luật này điều chỉnh chung cho tất cả các lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao, nhưng nó có vai trò và tác động rất lớn đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Israel nhờ cung cấp các cách thức người nông dân có thể được nhận các khoản trợ cấp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp[10].
Ngoài ra, còn nhiều các đạo luật, các văn bản pháp luật khác ở một khía cạnh nhất định cũng góp phần tạo điều kiện cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Israel phát triển như Luật Đầu tư, Luật Chống độc quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập, Luật Công nghệ…
-          Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước để điều hành chính sách pháp luật nông nghiệp
Israel đã xây dựng một hệ thống các bộ máy quản lý nhà nước để điều hành chính sách nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, có thể kể đến như Bộ Bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Lao động, Cơ quan quản lý đất đai, Hội đồng đất đai Israel, cơ quan cấp nước và thoát nước, chính quyền địa phương, quỹ quốc gia, Dịch vụ kiểm tra và bảo vệ thực vật[11].
Chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[12]. Bộ này đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, khuyến khích các hoạt động nông nghiệp. Nhiệm vụ của Bộ là xây dựng và thực hiện các chính sách để tư vấn cho Chính phủ Israel trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tươi sạch cho người dân; bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển cộng đồng nông thôn, phát triển động thực vật phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường, gắn với việc bảo vệ môi trường. Bộ có thẩm quyền yêu cầu các bộ ngành có liên quan tham gia phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ được giao như phối hợp với Bộ Bảo vệ môi trường hướng dẫn nông dân và giúp họ trong các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ chất lượng và độ màu mỡ của đất, chống ngập lụt, chống hạn hán; thúc đẩyứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đảm bảo bền vững vàthân thiện với môi trường; ngăn ngừa suy thoái môi trường phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao không phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Lao động định hướng nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp theo xu thế thế giới, tìm thị trường hợp tác cũng như xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các công cụ hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm...
- Thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, các trung tâm nghiên cứu và phát triển phục vụ nông nghiệp, và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp

 Israel thiết lập hệ thống hỗ trợ cho người nông dân khi gặp những vướng mắc về mặt khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông qua ba cấp độ, gồm các cơ quan nghiên cứu mang tính chất học thuật, các trung tâm nghiên cứu và phát triển khu vực trên toàn quốc và dịch vụ tư vấn kỹ thuật.

Với cấp độ thứ nhất, tại Israel hiện có khoảng 10 cơ quan nghiên cứu nông nghiệp lớn, tiêu biểu là Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp, Viện Volcani đều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Khoa Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Hebrew, Khoa Khoa học Đời sống thuộc Đại học Tel Aviv, Khoa Nông nghiệp Dryland thuộc Đại học Ben Gurion, Khu nông nghiệp - Bộ phận kỹ thuật tại Học viện Công nghệ Technion, Israel[13].

Cấp độ hỗ trợ thứ hai được cung cấp bởi một mạng lưới tám trung tâm nghiên cứu và phát triển khu vực có vai trò bổ sung và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu. Các trung tâm thực địa này không phải là nơi có các loại cây trồng mới hoặc công nghệ được phát triển. Đúng hơn, nó là nơi mà kỹ thuật trồng trọt và cây trồng được nâng cấp và các vấn đề đã gặp phải khi áp dụng các phương pháp nông nghiệp mới. Mối quan hệ đối tác giữa cơ quan nghiên cứu và các trung tâm mang tính chất win ‐ win bởi các Trung tâm được hợp tác với các nhà khoa học nổi tiếng quốc tế, trong khi các nhà nghiên cứu được hưởng lợi từ các nhân viên hiện trường có năng lực cao, hiểu biết về điều kiện địa phương và kiểm tra thực tế cho công việc của họ. Vì vậy, mối quan hệ cộng sinh này rất phát triển ở Israel[14]

Cấp độ thứ ba đó là dịch vụ tư vấn kỹ thuật (hay còn gọi là dịch vụ khuyến nông). Dịch vụ tư vấn rất đa dạng từ việc nên chọn loại nông sản gieo trồng, giống vật nuôi để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; nên sử dụng kỹ thuật khoa học gì trong quá trình canh tác, chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm và thị trường chào bán và cung cách tiếp thị đều do các nhà tư vấn (khuyến nông) này thực hiện. Đây là đội ngũ chuyên viên có trình độ chuyên môn cao, làm việc và hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân; tất cả được đào tạo chính quy về nông nghiệp, nghiên cứu sâu về nhu cầu thị trường, giá cả thương phẩm… và thường xuyên duy trì liên lạc và cập nhật các kiến thức khoa học công nghệ mới từ các cơ quan học thuật cũng như các trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp khiến cho các vấn đề nan giải trong nông nghiệp sẽ nhanh chóng được khắc phục. Vì vậy, nông dân Israel rất coi trọng các nhà khuyến nông bởi không chỉ giúp họ hiểu biết về mặt học thuật mà còn giúp họ khắc phục những vướng mắc trên thực địa, nhất là trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp[15].

Israel đã chi rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu phát triển, và là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu cao nhất trên thế giới. Kể từ năm 2004, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển phục vụ nông nghiệp trung bình chiếm 17% ngân sách nông nghiệp của Chính phủ[16]. Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Israel tăng lên đến mức 7% tổng vốn tài trợ toàn cầu. Đây có thể là một con số khiêm tốn, nhưng so với dân số của Israel chỉ chiếm 0,1% dân số thế giới thì trên cơ sở bình quân đầu người, đây lại là mức cao, lớn hơn 2,4 lần so với đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực nông sản[17].

-          Nuôi dưỡng các ý tưởng công nghệ mới, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Chương trình ươm tạo công nghệ[18] được thành lập vào năm 1991, được thành lập bởi Bộ Công Thương và Lao động, và gần đây đã chuyển đổi để trở thành một phần của Cơ quan đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chương trình là cung cấp chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ, biến những ý tưởng trừu tượng thành những sản phẩm có tính khả thi, có lợi thế sáng tạo và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính phủ Israel đã sớm xây dựng cơ cấu tổ chức phục vụ cho đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản, khoa học nên sự thành công của chương trình đã tạo lên danh tiếng toàn cầu cho Israel với tư cách là một Quốc gia Khởi nghiệp, một cái nôi nuôi dưỡng văn hóa doanh nhân địa phương.
Trong mô hình của Israel, các cơ sở ươm tạo công nghệ của Israel đóng vai trò như các chương trình tự lực cộng đồng, trong đó các nhà “phát minh mới chớm nở” tại địa phương nhận được sự hỗ trợ (tư liệu sản xuất, nguồn lực tài chính) và tư vấn từ các chuyên gia khởi nghiệp, chính phủ là đối tác chính trong quá trình ươm tạo. Theo chương trình, mỗi dự án để được chấp thuận đầu tư phải được một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học liên quan xem xét để điều tra tính khả thi. Sau đó, các chuyên gia kinh doanh sẽ xem xét mọi khía cạnh của ý nghĩa thương mại của dự án, bao gồm thị trường tiềm năng, giá cả, chi phí đầu tư và đối thủ cạnh tranh; cũng như phải trải qua các cuộc phỏng vấn sâu rộng để kiểm tra xem họ có kiểu tính cách dẫn đến thành công hay không. Dự án chỉ được chấp thuận nếu vượt qua tất cả các vòng và được phê duyệt bởi cả ban chỉ đạo cơ sở ươm tạo và Cơ quan đổi mới sáng tạo. Nhà nước sẽ tài trợ 85% số tiền đầu tư cho dự án được chấp thuận trong vòng hai năm, một số dự án có thể kéo dài 3 năm, được hưởng hỗ trợ tài chính trực tiếp lên đến 850.000 USD, một số loại sáng kiến đặc biệt có thể được tài trợ thêm 125.000 USD. Đổi lại khoản đầu tư ban đầu, các nhà đầu tư sẽ nhận được từ 30 đến 50% cổ phần trong công ty khởi nghiệp và 3 đến 5% thu nhập từ tiền bản quyền sáng chế được tạo ra cho đến khi khoản vay được hoàn trả; được tái đầu tư vào cơ sở ươm tạo. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khi bắt đầu có doanh thu sẽ trả lại số tiền đầu tư theo điều kiện và lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại và vượt quá 3% tổng doanh thu của họ. Do đó, các khoản thanh toán có thể mất nhiều năm để hoàn thành[19]. Hơn nữa, các doanh nhân khởi nghiệp sẽ nhận nhiều lợi ích và hứng khởi nghiên cứu vì nhận được hỗ trợ chuyên môn từ các cố vấn, chuyên gia của cơ sở ươm tạo. Nếu công ty khởi nghiệp không thành công, thì doanh nhân không phải trả lại bất cứ khoản nào. Bằng cách chia sẻ những rủi ro liên quan đến việc theo đuổi nghiên cứu và phát triển, Chính phủ đã tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp sự ổn định và bình tĩnh về cảm xúc và kinh tế, cho phép các doanh nhân tập trung phát triển sản phẩm chứ không phải theo đuổi nguồn vốn để trả lại các khoản vay, từ đó phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả của chính sách này là rõ ràng khi nhiều công ty trong số này đã tìm được các nhà đầu tư lớn từ cả Israel và nước ngoài.
Mặc dù chương trình này hỗ trợ tất cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo công nghệ ở tất cả các lĩnh vực, nhưng nhờ sự phát triển công nghệ, nền nông nghiệp công nghệ cao Israel cũng được hưởng lợi rất nhiều. Một đánh giá của Startup Nation Central gần đây cho thấy rằng, tài trợ cho lĩnh vực công nghệ nông nghiệp của các công ty khởi nghiệp nông nghiệp cũng nhận được sự đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu bởi các công ty đầu tư mạo hiểm (46%), quỹ tài chính (23%); đầu tư của doanh nghiệp (18%) và chỉ 5% từ các cơ sở ươm tạo. Khoảng 3% trong số các công ty khởi nghiệp nông nghiệp nhận được số vốn đầu tư thông qua các nền tảng huy động vốn từ cộng đồng trên internet[20]
-          Tổ chức các mô hình hợp tác xã nông nghiệp đặc trưng kiểu Israel
 Israel là một quốc gia của các hợp tác xã; trong đó, hai mô hình hợp tác trong nông nghiệp nổi bật nhất là Kibbutz và các Moshav, chiếm khoảng khoảng 80% hoạt động nông nghiệp trên cả nước; 20% còn lại hầu hết là các moshava gồm các khu rừng nhỏ trồng cam quýt ở miền trung đất nước thuộc về các công ty tư nhân lớn và các làng Arab[21].
Kibbutzvừa là đơn vị kinh tế nông nghiệp quy mô lớn nhất, vừa là vùng định cư có vai trò quan trọng trong quốc phòng và chính trị Israel. Vì vậy, Kibbutz thường được xây dựng ở vùng biên giới và được Nhà nước bao cấp phần lớn. Kibbutz điển hình cho mô hình công xã nông nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tự quản, cộng đồng sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, bình đẳng trong lao động “làm theo năng lực” và phân phối công bằng “hưởng theo nhu cầu”[22]. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Kibbutz có quan hệ rất gắn bó với khoa học và công nghệ từ các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và trường đại học. Nhiều thành tựu khoa học nông nghiệp công nghệ cao của Israel xuất phát hoặc được ứng dụng trong các Kibbutz. Nhà nước đầu tư lớn ban đầu và thường xuyên hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ở các Kibbutz. Israel đứng đầu thế giới trong đầu tư cho phát triển nông nghiệp, thường khoảng 100 triệu USD/năm. Một nửa trong số đó là từ ngân sách (50 triệu USD/năm), từ hợp tác quốc gia (12 triệu USD/năm), từ các tổ chức nông nghiệp (6 triệu USD/năm), từ tư nhân 25 triệu USD/năm[23]. Trong khi vẫn lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế quan trọng, ngày nay nhiều Kibbutz mở rộng hoạt động sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Moshav cũng giống Kibbutz ở ý thức hệ và chính trị, được quản lý trên tư tưởng tôn trọng những giá trị cộng đồng, công bằng, bình đẳng, dân chủ; chỉ khác ở cấu trúc tổ chức. Mỗi Moshav gắn liền với một làng mạc nào đó và mọi dân làng đều là thành viên. Đây là loại hình hợp tác xã dựa trên sở hữu cá nhân của các hộ gia đình được tập hợp lại thành một nhóm cùng hợp tác sản xuất. Mặc dù sở hữu cá nhân song Moshav cũng bao gồm việc chia sẻ các nguồn lực đầu vào giữa các thành viên trong hợp tác, bao gồm diện tích đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng nước… Các hộ gia đình trong Moshav đều được cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống gồm giáo dục, tôn giáo, văn hóa, hoạt động xã hội, phong trào thanh thiếu niên, thể thao, y tế, công viên, xử lý rác thải, ánh sáng công cộng, đường sá, và các tiện ích cho người cao tuổi. các thành viên trong cộng đồng đều phải tự nguyện sống trong Moshav và tham gia các hoạt động của nó. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm tham gia hoạt động của Moshav, nhưng không bắt buộc phải thực hiện công việc theo yêu cầu mà mỗi cá nhân tự lựa chọn cách thức làm việc của mình trong mọi khía cạnh công việc: làm những gì họ thấy là hợp lý và phù hợp nhất cho khả năng của mình. Các thành viên trong Moshav chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là khi có khó khăn. Sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên cho phép vận hành một cơ chế tín dụng hợp tác, trong đó các thành viên cùng tham gia vay các khoản tín dụng và cùng chia sẻ nghĩa vụ thanh toán[24]
-          Triển lãm nông nghiệp công nghệ cao
Một đóng góp quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Israel đó là triển lãm công nghệ nông nghiệp được tổ chức ba năm một lần tại thành phố Tel Aviv, Israel. Về mặt kỹ thuật, triển lãm được điều hành bởi tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận. Đây là một sự kiện hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, nơi trình diễn các công nghệ nông nghiệp mới nhất của Israel và thế giới. Tại triển lãm, sẽ có các chương trình hội nghị khoa học về một loạt các chủ đề có liên quan đến nông nghiệp, công nghệ, chính sách sẽ được thuyết trình bởi các chuyên gia, trong nước và quốc tế. Vì vậy, chương trình thường thu hút nhiều bộ trưởng nông nghiệp, các nhà hoạch định, chuyên gia, nông dân và người kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan. Đó là cơ hội để cùng một lúc được nhìn thấy những tiến bộ mới nhất trong nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tưới tiêu, quản lý nguồn nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt, trồng trọt năng suất cao trong nhà kính, các tiến bộ trong giống cây trồng, nông nghiệp hữu cơ và định hướng sinh thái… Triển lãm cũng góp phần là địa điểm gặp gỡ và xúc tiến quan hệ thương mại đối tác cho nhiều giao dịch quan trọng, là nơi tiếp cận hàng nghìn người mua tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ vậy, triển lãm còn gia tăng lượng du khách đến thăm quan du lịch tại Israel. Theo thống kê, lượng du khách đến Israel tăng 25% trong năm 2018, lên mức gần 4 triệu lượt người trong năm 2018, mang về nguồn thu 6,5 tỷ USD cho Israel. Trong đó, lượng khách du lịch đến tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel chiếm khoảng từ 40 – 50% lượng khách của toàn quốc. Nhờ đó, ngành du lịch, đóng góp khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội của Israel[25].
3.    Khuyến nghị cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm phát triển thành công nền nông nghiệp công nghệ cao ở Israel có thể rút ra một số gợi mở cho phát triển nông nghiệp Việt Nam như sau:  
Thứ nhất, rà soát và hoàn thiện lại hệ thống pháp luật để đảm bảo khơi thông những vướng mắc đang khiến nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam không thể phát triển được, nhất là các đạo luật có vai trò chủ chốt như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường, Luật Công nghệ cao, Luật Hợp tác xã… Việt Nam đã sớm nhận ra tầm quan trọng của công nghệ với nông nghiệp và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách[26] nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp tiến lên. Song các quy định của pháp luật hiện nay đang cản trở quá trình đó. Điển hình như các quy định về tư liệu sản xuất đầu vào của nông nghiệp là đất trong Luật Đất đai đang khiến cho đất đai bị phân tán, manh mún, nhỏ lẻ không thể tích tụ để phát triển thành những cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (máy bay phun thuốc không người lái); hay các quy định về tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều quy định phức tạp, điển hình là việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên các tiêu chí theo định tính... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này.
Thứ hai, đổimới cơ chế quản lý và nâng cao vai trò của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp và khoa học công nghệ nông nghiệp. Theo đó, tất cả các hoạt động liên quan đến nông nghiệp nên nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giúp sự lãnh đạo của Nhà nước đối với nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng có sự chuyên sâu và xuyên suốt. Bộ cũng cần đổi mới để thể hiện sự thân thiện và chuyên nghiệp của mình; các công chức viên chức của Bộ không chỉ cần có chuyên môn sâu về các hoạt động nông nghiệp mà còn cần sự thân thiện, linh hoạt hỗ trợ tận tâm với sứ mệnh giúp đỡ nông dân và làm cho nông nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế nâng cao trách nhiệm hỗ trợ và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Mức đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp nước ta còn khá thấp, chủ yếu do ngân sách nhà nước chi trả. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng kinh phí chi cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước năm 2020 là khoảng 12.800 tỷ đồng[27]. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và ngay cả so với các nước trong cùng khu vực ASEAN. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa cho đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp từ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học hàn lâm sang nghiên cứu khoa học ứng dụng và thương mại theo nhu cầu kinh tế thị trường, gắn liền với phát triển bền vững. Song song với đó là đẩy mạnh đầu tư cho công tác khuyến nông, vì đây là cầu nối quan trọng giữa nhà khoa học và nông dân khi đưa nghiên cứu công nghệ nông nghiệp vào ứng dụng và ngược lại. Tính đến cuối năm 2016, tổng kinh phí khuyến nông ở Trung ương và địa phương chỉ xấp xỉ 238 tỷ, bình quân 27.700đ/hộ/năm, trong khi mức đầu tư này ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia… từ 50-80 USD/hộ/năm[28]. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách tín dụng thu hút đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đồng thời xem xét nới rộng điều kiện cho vay, thời hạn vay và món vay cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Nhà nước khi đứng ra kêu gọi qua nguồn vốn hỗ trợ đầu tư để tạo sự an tâm và tin tưởng cho các nhà đầu tư rót vốn vào các tổ chức khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp và vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, cân nhắc xem xét mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung chứ không tách rời hộ cá thể như hiện nay. Cách sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ rất phù hợp với nền nông nghiệp công nghệ cao do các tư liệu đầu vào canh tác được tập trung lại, không phân tán nhỏ lẻ; do đó đủ khả năng áp dụng những máy móc hiện đại canh tác trên cho những cánh đồng có quy mô lớn, vừa giảm sức lao động vừa thu được năng suất cao. Đồng thời, sản xuất tập trung sẽ hình thành vùng nông sản đặc trưng tạo điều kiện phát triển thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ năm, triển khai các chương trình triển lãm kết hợp du lịch gắn liền với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việt Nam là một nước nông nghiệp, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, đời sống chính trị - xã hội ổn định. Vì vậy, lợi thế phát triển triển lãm kết hợp du lịch nông nghiệp công nghệ cao của chúng ta là rất lớn và thuận lợi. Về vấn đề này, cần có chính sách, chủ trương phù hợp với chiến lược lâu dài. Việc tổ chức triển khai chương trình vừa là cơ hội nâng cao hiểu biết của người dân về công nghệ nông nghiệp, vừa kích thích phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, cũng như xúc tiến hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao./.
 

* Bài viết này có sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp bộ “Pháp luật nông nghiệp công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp” - Mã số ĐTCB.2021-10 do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan chủ trì.
[2] Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD (2010), OECD Review of Agricultural Policies: Israel 2010, Paris, pp. 42- 43.
[3] Jewish Virtual Library (2022), Vital Statistics: Latest Population Statistics for Israel.
[4] Avner De-Shalit (1995), “From the Political to the Objective: The Dialectics of Zionism and the Environment”, Environmental Politics(4), pp. 70- 87.
[5] Alon Tal (2008), “Enduring Technological Optimism: Zionism's Environmental Ethic and its Influence on Israel's Environmental History”,The Journal of Environmental History(13), pp. 275-305.
[6] OECD (2010), “OECD Review of Agricultural Policies: Israel 2010”, Paris, page 12.
[7] Agricultural Settlement (Restriction on Use of Agricultural Land and of Water) Law, 1967, https://www.landportal.org.
[8] Israel Land Administration Law 1960, https://mfa.gov.il.
[9] The Water Law of 1959, https://mfa.gov.il.
[10] Heather A. Stone (2014), Laws Encouraging Technological Innovation in Israel: Strings Attached, KLRI Journal of Law and Legislation (4)1, p. 11.
[11] OECD (2010), OECD Review of Agricultural Policies: Israel 2010, Paris, pp. 86-87.
[12] Agri.gov.il.
[13] Alon Tal (2019), Israeli Agricultural Innovation: Assessing the Potential to Assist Smallholders, Tel Aviv University, Israel, pp. 29-31.
[14] Alon Tal (2019), Ibid, p. 32.
[15] Alon Tal (2019), Ibid, pp. 34-35.
[16] Alon Tal (2019), Ibid, p. 16.
[17] Start-up Nation Central (2017), Agritech Report 2017, p. 5.
[18] Catarina Wylie (2011), Vision in venture: Israel’s high-tech incubator program, https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.4161/cc.10.6.15366.
[19] The Incubators Program, https://innovationisrael.org.il/en/program/incubators-incentive-program.
[20] Alon Tal (2019), Ibid.
[21] OECD (2010), Ibid, p. 99.
[22] Gadi Rosenthal, Hadas Eiges (2015), Agricultural cooperatives in Israel, FAO Regional Office for Europe and Central Asia, p. 10.
[23]Nguyễn An Ninh (2021), Các Kibbutz của Israel: Mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Cộng sản điện tử.
[24] Gadi Rosenthal, Hadas Eiges (2015), Ibid, p. 12.
[25] Trần Thị Lan (2021),Kinh nghiệm phát triển DLNN ứng dụng công nghệ cao ở Israel, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, http://itdr.org.vn.
[26] Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII, Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
[27] Hải Hà (2021), Chính sách tài chính tạo sức bật mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ, Thời báo Tài chính điện tử.
[28] Vũ Thị Thúy Hằng (2021), Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ấn Độ và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Con số sự kiện điện tử.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (470), tháng 11/2022.)