Bảo vệ quyền con người của một số nhóm người dễ bị tổn thương – chuẩn mực quốc tế và nội luật hóa trong Bộ luật Hình sự Việt Nam

19/12/2022

THS. LÊ THỊ DIỄM HẰNG

Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Bảo vệ quyền của nhóm người dễ bị tổn thương là một trong số những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Trong bài viết này, tác giả trình bày các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương; phân tích việc nội luật hóa các chuẩn mực này trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, dưới góc độ bảo vệ khi họ là nạn nhân của tội phạm và khi họ là chủ thể thực hiện tội phạm; và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Người dễ bị tổn thương, chuẩn mực quốc tế, Bộ luật Hình sự.
Abstract: Protection of vulnerable groups is the focal point under international law. Within this article, the author presents international standards for the protection of vulnerable groups; provides an analysis of the internalization of these standards in the Penal Code of Vietnam, from the perspective of protection once they are victims of crimes and once they are the subject of crimes; and also gives out a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Vulnerable groups; international instruments; Penal Code
 NHÓM-NGƯỜI-DỄ-BỊ-TỔN-THƯƠNG_1.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái niệm “Nhóm người dễ bị tổn thương
Nhóm người dễ bị tổn thương (vulnerable groups) là một khái niệm mở, có nội hàm phong phú, rộng lớn và khó xác định cụ thể[1]. Những năm cuối 80 của thế kỷ XX, thuật ngữ này mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi, nhất là trong những văn kiện pháp lý quốc tế liên quan đến quyền con người[2]. Hiện nay, trên thế giới không có định nghĩa thống nhất về nhóm người dễ bị tổn thương[3]. Khái niệm này còn có những cách gọi khác như nhóm yếu thế (weaker groups), nhóm thiệt thòi (disadvantaged groups), nhóm bị lề hóa (marginalized groups), nhóm thiểu số (minority groups)… Tuy nhiên, thuật ngữ phổ biến và cũng được nhiều nhà nghiên cứu và trong các báo cáo quốc tế lựa chọn, cũng như ngay cả những người trong nhóm này mong muốn, đó là “nhóm người dễ bị tổn thương”. Thuật ngữ này không tách biệt họ với số đông (so với những người được xem là có vị thế bình thường) và tạo sự bình đẳng trên cơ sở áp dụng.
Nhóm người dễ bị tổn thương “có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, và bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác[4]. Như vậy, phạm vi xác định người dễ bị tổn thương khá rộng, phổ biến hiện nay bao gồm: phụ nữ; trẻ em; người khuyết tật; người sống chung với HIV hoặc nạn nhân của AIDS; người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn; người không quốc tịch; người lao động di trú; người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…); người bản địa; nạn nhân chiến tranh; người bị tước tự do, người cao tuổi; người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới[5]
Tại Việt Nam hiện nay, văn bản luật duy nhất quy định về khái niệm người dễ bị tổn thương là Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013. Theo đó, “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu những tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo[6]. Khái niệm này có phạm vi khá hẹp khi chỉ trong giới hạn những nạn nhân dễ gặp bất lợi về thiên tai và những nhóm người được liệt kê cũng hẹp hơn so với chuẩn mực quốc tế.
2. Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương
Mặc dù chưa từng có công ước nào hay văn bản quốc tế nào đưa ra định nghĩa về người dễ bị tổn thương, nhưng tinh thần bảo về quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Các văn kiện quốc tế tổng quát về quyền con người có thể kể đến như Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) về quyền con người năm 1945; Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948; Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1993; Tuyên bố thiên niên kỷ của LHQ năm 2000… Các văn kiện cụ thể về quyền tự do, cơ bản của con người như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966…
Người dễ bị tổn thương là một trong số những đối tượng nhận được nhiều ưu tiên bảo vệ theo pháp luật quốc tế khi phần lớn các văn kiện quốc tế về quyền con người được LHQ thông qua sau các văn kiện kể trên là để pháp điển hóa các quyền cho nhóm người này. Những văn kiện này bổ sung những quyền đặc thù cho từng nhóm, mà bản chất là những ưu tiên hoặc cơ chế bảo vệ đặc biệt dành cho các nhóm dễ bị tổn thương dựa trên những đặc điểm, tính chất và hoàn cảnh của họ[7]. Quyền đối với nhóm người dễ bị tổn thương thường được các quốc gia đồng thuận và ủng hộ ở mức cao[8].
Một trong những quyền đặc biệt được nhấn mạnh chung trong các văn kiện quốc tế liên quan đến nhóm người dễ bị tổn thương là quyền không bị phân biệt đối xử. Điều này xuất phát từ thực tế là nếu không được bảo vệ đặc biệt, các nhóm dễ bị tổn thương (toàn bộ hay một số thành viên) có thể bị rơi vào những hoàn cảnh rất bi thảm, trong khi đó, phân biệt đối xử, bỏ rơi hay quên lãng bất cứ nhóm nào đều là trái với lương tâm của con người và không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh[9]. Việc thừa nhận quyền của nhóm người dễ bị tổn thương không đồng nghĩa với việc cào bằng các quyền cho mọi chủ thể. Bình đẳng về quyền có nghĩa là mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại đều có cơ hội được hưởng các quyền như nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh, năng lực sẵn có như nhau[10]. Đối với nhóm người dễ bị tổn thương, là nhóm xã hội phải chịu những thiệt thòi và xuất phát điểm thấp hơn, có nguy cơ cao hơn vì dễ bị bỏ quên hay dễ bị vi phạm các quyền con người. Vì vậy, họ cần có những quyền đặc thù để đạt được sự bình đẳng thực chất trong việc thụ hưởng các quyền phổ quát của con người. Đây cũng được xem là cách tiếp cận công lý theo chiều dọc (vertical justice – công bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các nhóm chủ thể không có khả năng ngang nhau, theo đó quyền và nghĩa vụ giữa các nhóm chủ thể không có khả năng ngang nhau phải khác nhau, tương ứng với khả năng của họ)[11].
Bên cạnh quyền chung là quyền không bị phân biệt đối xử, đối với mỗi nhóm người dễ bị tổn thương còn có những điều ước quốc tế quy định về những quyền riêng, đặc thù của từng nhóm người cụ thể, có thể kể đến như:
- Phụ nữ: Đây là nhóm người dễ bị tổn thương mang tính chất phổ biến bởi hơn một nửa nhân loại là phụ nữ. Điều ước chủ chốt và tổng hợp nhất ghi nhận quyền của nhóm này là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Các nhóm quyền chính của phụ nữ có thể được kể đến như quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng; quyền được tôn trọng đời sống và sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần; quyền không bị làm nô lệ, bị buôn bán làm nô lệ, lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc và bị buôn bán; bình đẳng trong quan hệ hôn nhân và gia đình[12]
- Trẻ em: Trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ khi pháp luật quốc gia quy định khác[13]. Là nhóm người dễ bị tổn thương được quan tâm nhiều nhất trong luật quốc tế khi có rất nhiều văn kiện ghi nhận về quyền của trẻ em, trong đó Công ước của LHQ về quyền trẻ em (UNCRC) năm 1989 là văn kiện cơ bản và quan trọng nhất. Đối với trẻ em, các quyền đặc thù có thể kể đến như: Quyền được sống; quyền an toàn tình dục; quyền tự do và an ninh cá nhân của trẻ em; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh[14]
- Người khuyết tật: Đây là nhóm người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ và xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác[15]. Công ước về quyền của những người khuyết tật năm 2017 là một trong số những công ước chính và trong nhóm các công ước về người dễ bị tổn thương, đây là công ước ra đời muộn nhất. Ngoài những quyền cơ bản, người khuyết tật có những quyền đặc thù như quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập vào cộng đồng; quyền được hỗ trợ trong việc đi lại; quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng; quyền có mức sống thích đáng và được bảo trợ xã hội;…
- Người cao tuổi: Các văn kiện quốc tế hiện hành về người cao tuổi mới chỉ là “luật mềm”, không có tính ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý[16]. Tuy nhiên, “trong một thế giới có đặc điểm là số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng[17], đây được xác định là nhóm người dễ bị tổn thương cần được chú ý. Liên quan đến quyền của nhóm người cao tuổi được ghi nhận tại Các nguyên tắc của LHQ về người cao tuổi năm 1991 bao gồm 04 nhóm nguyên tắc: sự độc lập, sự tham gia, sự quan tâm và nhân phẩm.
Ngoài những nhóm người trên, người dễ bị tổn thương, theo một số quan điểm quốc tế hiện nay, còn có thể là người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người thiểu số, người sống chung với HIV- AIDS, tù binh chiến tranh, người đồng tính hoặc người chuyển giới… Và danh sách người dễ bị tổn thương có thể được mở rộng bởi “theo cách tiếp cận về vấn đề này, mỗi chúng ta, vào lúc này hay lúc khác, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, đều có thể thuộc về một hoặc một vài nhóm dễ bị tổn thương[18]. Mặc dù các quốc gia không phải có nghĩa vụ nội luật hóa tất cả những quyền của nhóm người dễ bị tổn thương trên trong các văn kiện pháp lý quốc tế, nhưng các văn kiện này là cơ sở quan trọng để Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng như các cơ quan khác đánh giá và đưa ra những khuyến nghị. Đồng thời, phạm vi nội luật hoá trong pháp luật quốc gia cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận và lĩnh vực mà pháp luật quốc gia điều chỉnh. Ví dụ, tuỳ theo lĩnh vực điều chỉnh, đó là pháp luật hình sự, pháp luật dân sự hay pháp luật lao động... mà phạm vi người yếu thế cũng có khác nhau, không phải là toàn bộ danh sách mà pháp luật quốc tế đề cập ở trên.
3. Nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Với pháp luật hình sự, quyền con người là một bộ phận của quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung, có nhiệm vụ nội luật hóa các tiêu chí quốc tế về quyền con người[19]. Như đã phân tích ở trên, sự thừa nhận của pháp luật quốc gia là một yếu tố bắt buộc tạo nên quyền con người. Luật hình sự là một ngành luật quy định về những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và hình phạt có thể áp dụng cho tội phạm đó. Bảo vệ quyền con người, mà cụ thể là người dễ bị tổn thương bằng pháp luật hình sự được thể hiện dưới hai góc độ. Nhà nước bảo vệ quyền con người của nạn nhân khi tội phạm xâm phạm những quyền này ở mức đáng kể. Đồng thời, người thực hiện hành vi phạm tội có thể phải chịu những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt, cũng cần được đảm bảo quyền con người của họ. Như vậy, việc nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về người dễ bị tổn thương, trong pháp luật hình sự, cũng cần được tiếp cận dưới hai góc độ, đó là khi họ là nạn nhân của tội phạm và khi họ là chủ thể thực hiện tội phạm. Luật hình sự đương nhiên ghi nhận các quy định trừng phạt nghiêm khắc hành vi phạm tội nào xâm phạm quyền con người của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhưng cũng đồng thời có chính sách khoan hồng, giảm nhẹ đặc biệt trong việc xử lý, trừng phạt người phạm tội thuộc nhóm này khi họ thực hiện hành vi phạm tội[20]. Và Bộ luật Hình sự (BLHS), mà cụ thể hiện nay là BLHS năm 2015 được coi là nguồn duy nhất của ngành luật hình sự Việt Nam[21], đã thể hiện rõ nét chính sách bảo vệ người dễ bị tổn thương của Nhà nước Việt Nam[22].
3.1. Bảo vệ người dễ bị tổn thương là nạn nhân của tội phạm bằng Bộ luật Hình sự Việt Nam
 Nạn nhân của tội phạm hiểu theo nghĩa rộng là các cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức, cộng đồng bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hậu quả trực tiếp của hành vi phạm tội[23]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiếp cận nạn nhân của tội phạm theo cách hiểu hẹp hơn, là cá nhân bị thiệt hại tội phạm.
Nạn nhân của tội phạm không phải là chủ thể trung tâm của quyền con người trong tư pháp hình sự. Họ là đối tượng thụ hưởng công lý một cách bị động bởi đối tượng điều chỉnh trực tiếp của luật hình sự là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có sự kiện phạm tội xảy ra[24]. Tuy nhiên, nạn nhân của tội phạm cũng là đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ bằng luật hình sự “xuất phát từ những tổn thương nguyên phát mà tội phạm gây ra và những tổn thương thứ phát mà tội phạm có thể sẽ tiếp tục gây ra hoặc môi trường tố tụng và dư luận xã hội gây ra, từ việc bị các cơ quan tư pháp hình sự quên lãng, bỏ mặc hoặc đối xử thiếu tôn trọng trong quá trình tiếp cận công lý[25]. BLHS năm 2015, đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế liên quan đến những nhóm người dễ bị tổn thương, và bảo vệ quyền của các nhóm người này, với tư cách là đối tượng tác động của tội phạm. Theo đó, hành vi phạm tội với nhóm người dễ bị tổn thương là dấu hiệu định tội, hoặc dấu hiệu định khung tăng nặng hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS)[26].
-          Bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của tội phạm
Đối với phụ nữ, BLHS năm 2015 đã bảo vệ các quyền của phụ nữ được quy định trong các chuẩn mực quốc tế. Về quyền được bình đẳng trước pháp luật, BLHS năm 2015 không chỉ xóa bỏ những quy định không công bằng, phân biệt đối xử mà tại Điều 165 còn quy định riêng tội xâm phạm bình đẳng giới[27]. Đối với quyền được tôn trọng đời sống và sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần của phụ nữ, nhóm quyền này gồm những quyền rất đặc thù như quyền làm mẹ, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tự do và an toàn tình dục. Đối với quyền làm mẹ, BLHS năm 2015 tội phạm hóa hành vi xâm phạm thiên chức làm mẹ của phụ nữ, làm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý, thậm chí là tính mạng của phụ nữ qua Điều 316 quy định về tội phá thai trái phép. Điểm i khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 tiếp tục quy định “phạm tội đối với phụ nữ có thai” là một tình tiết tăng nặng TNHS chung áp dụng đối với mọi tội phạm cũng như là tình tiết định khung tăng nặng của nhiều cấu thành tội phạm. Ngoài ra, BLHS năm 2015 lần đầu tiên tội phạm hóa hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Điều 187 nhằm bảo vệ quyền làm mẹ của phụ nữ bị lợi dụng nhằm mục đích trục lợi. Để chống lại những hành vi xâm phạm quyền tự do và an toàn tình dục vốn chủ yếu nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái, BLHS năm 2015 quy định các hành vi sau là tội phạm và đưa ra chính sách hình sự nghiêm khắc: Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội cưỡng dâm (Điều 143)… Đối với quyền bình đẳng trong quan hệ hôn nhân gia đình, BLHS năm 2015 đã quy định cấm các hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181); Vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182), Tổ chức tảo hôn (Điều 183)… mà đối tượng được bảo vệ chủ yếu là phụ nữ.
-          Bảo vệ trẻ em là nạn nhân của tội phạm
Đối với trẻ em, BLHS năm 2015 quy định điểm i khoản 1 Điều 52 “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” là một tình tiết tăng nặng TNHS chung áp dụng đối với mọi tội phạm. Ngoài ra, BLHS năm 2015 quy định phạm tội đối với “người dưới 16 tuổi” là tình tiết định tội và tình tiết định khung tăng nặng trong nhiều cấu thành tội phạm hoặc trẻ em dưới 07 ngày tuổi là tình tiết định tội của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124)…Quyền an toàn tình dục của trẻ em được bảo vệ rất cụ thể trong BLHS năm 2015, cụ thể: 1/ Các tội mà phạm tội đối với người dưới 18 tuổi là tình tiết định tội, gồm: Điều 142 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144 – Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 – Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146 – Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 147 – Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Điều 329 – Tội mua dâm người dưới 18 tuổi. 2/ Các tội phạm tình dục mà phạm tội đối với người dưới 18 tuổi là tình tiết định khung tăng nặng gồm: khoản 4 Điều 141 – Tội hiếp dâm; khoản 4 Điều 143 – Tội cưỡng dâm[28]. Quyền tự do và an ninh cá nhân của trẻ em được bảo vệ bằng cách tội phạm hóa các hành vi xâm hại quyền của trẻ em như hành vi mua bán trẻ em (Điều 151); hành vi đánh tráo trẻ em dưới 01 tuổi (Điều 152); hành vi chiếm đoạt trẻ em (Điều 153). Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh của trẻ em được BLHS năm 2015 bảo vệ bằng biện pháp tội phạm hóa các hành vi tổ chức tảo hôn; lôi kéo, cưỡng ép, xúi giục, ép buộc trẻ em có các hành vi trái pháp luật liên quan đến ma túy cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác[29] như Điều 183, khoản 2 Điều 250, khoản 2 Điều 252,…
-          Bảo vệ người khuyết tật là nạn nhân của tội phạm
BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng bị xâm hại là “người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức” vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Bên cạnh đó, những hành vi xâm hại trực tiếp đến quyền của người khuyết tật như quyền được bảo vệ sức khỏe, an toàn về tình dục… cũng được BLHS bảo vệ khi quy định hành vi phạm tội đối với người khuyết tật là tình tiết định tội như tại điểm c khoản 1 Điều 134; thủ đoạn lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân khoản 1 Điều 141, điểm a khoản 1 Điều 142 hoặc Điều 172 hoặc là tình tiết định khung tăng nặng của các tội: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185), Tội cưỡng bức lao động (Điều 297), Tội dùng nhục hình (Điều 373), Tội bức cung (Điều 374), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377).
- Bảo vệ người cao tuổi là nạn nhân của tội phạm
Người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 là người từ đủ 60 tuổi trở lên[30]. Trong BLHS năm 2015 hiện nay, đối với người cao tuổi, có thể được sử dụng bằng thuật ngữ “người già yếu” hoặc “người đủ 70 tuổi trở lên”. Đối với người cao tuổi, BLHS năm 2015 quy định điểm i khoản 1 Điều 52 “phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên” là một tình tiết tăng nặng TNHS. Bên cạnh đó, để bảo vệ những quyền cơ bản của người cao tuổi, phạm tội đối với người già yếu có thể là tình tiết định tội (điểm c khoản 1 Điều 134 – Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) hoặc là tình tiết định khung tăng nặng của rất nhiều tội như điểm a khoản 2 Điều 140 – Tội hành hạ người khác; điểm e khoản 2 Điều 157 – Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; một số tội xâm phạm quyền sở hữu như Tội cướp tài sản; Tội cưỡng đoạt tài sản, Tội cướp giật tài sản… hoặc phạm tội với người đủ 70 tuổi trở lên là tình tiết định khung được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 301 – Tội bắt cóc con tin.
Bên cạnh những nhóm người trên, BLHS năm 2015 còn những quy định khác nhằm hướng đến bảo vệ những nhóm đối tượng khác, ví dụ như quy định về “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” trong các tội phạm về tình dục nhằm bảo vệ những người đồng giới hoặc chuyển giới khi họ là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục… Ngoài ra, hình phạt áp dụng cho những hành vi xâm phạm đến nạn nhân là người dễ bị tổn thương thường nghiêm khắc hơn so với những trường hợp thông thường.
3.2. Bảo vệ người dễ bị tổn thương là người phạm tội bằng Bộ luật Hình sự Việt Nam
Pháp luật quốc tế với các Công ước, Hiến chương về nhân quyền nói chung và các quyền dân sự, chính trị nói riêng, đặc biệt là Công ước của LHQ về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đặt ra các tiêu chuẩn về quyền con người của người bị buộc tội, người bị tước quyền tự do và pháp luật các quốc gia thành viên phải nội luật hóa và thiết lập các cơ chế pháp lý để bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản này của người bị buộc tội[31]. Người phạm tội là một đối tượng mà theo quan điểm của pháp luật quốc tế, cũng thuộc vào nhóm người dễ bị tổn thương bởi Nhà nước bằng thể chế và thiết chế của mình sẽ tước hoặc hạn chế quyền của người phạm tội, dẫn đến họ có địa vị thấp hơn và trở thành nhóm yếu thế trong quan hệ xã hội này. Chính vì vậy, cần có những yêu cầu và những biện pháp để bảo vệ cho người phạm tội, hay nói cách khác là bảo đảm công lý thủ tục (công bằng từ quy trình) và góp phần bảo đảm cho công lý bản thể (công bằng trong các phán quyết cuối cùng của thủ tục hoặc quy trình tố tụng)[32].
Trong số những người phạm tội, còn có những người thuộc về những nhóm yếu thế hơn, đó chính là nhóm người dễ bị tổn thương mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Có thể nói, họ là những người yếu thế kép vì bản thân họ đã ở yếu thế hơn những người khác do vị thế thấp hơn hoặc những hạn chế về độ tuổi, giới tính, sức khỏe… đồng thời vừa ở vị trí là người phạm tội – phải chịu ảnh hưởng của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như dư luận xã hội. Chính vì vậy, BLHS năm 2015 cũng có những quy định rất đặc thù nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Ngay từ Điều 3 – Nguyên tắc xử lý, BLHS năm 2015 đã quy định rõ “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Tuy nhiên, việc xử lý người phạm tội phải cân nhắc đến các yếu tố đặc biệt về tâm lý, độ tuổi, giới tính, tình trạng bệnh tật. Theo đó, Điều 51 BLHS năm 2015 quy định một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với một số nhóm người dễ bị tổn thương như: người phạm tội là phụ nữ có thai; người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình[33].
Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tội quy định tại khoản 2 Điều 12 và người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 12). Như vậy, so với khuyến nghị của Công ước LHQ về quyền trẻ em năm 1989, độ tuổi thấp nhất trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là 12 tuổi thì quy định của BLHS năm 2015 ở mức cao hơn. Đây là một chỉ số để đánh giá mức độ quan tâm, bảo vệ lợi ích của trẻ em đối với các quốc gia. Đặc biệt, đối với trẻ em là người phạm tội, BLHS năm 2015 dành một chương riêng – Chương 12. Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội với những nguyên tắc và các nội dung áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội nhân đạo hơn so với người từ đủ 18 tuổi phạm tội. Bên cạnh đó, có các biện pháp xử lý phi hình phạt hoặc các biện pháp xử lý chuyển hướng hay tư pháp phục hồi là một yêu cầu bắt buộc đối với người chưa thành niên phạm tội trong các công ước quốc tế, và BLHS năm 2015 đã quy định một nội dung rất mới – đó là các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng với người dưới 18 tuổi trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm khiển trách (Điều 93); hoà giải tại cộng đồng (Điều 94); giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
Ngoài tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự cũng là một điều kiện khi xem xét một cá nhân có đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm. Theo đó, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS năm 2015). Quy định này nhằm bảo vệ tối đa cho người bị khuyết tật về tâm thần. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trước khi bị kết án hoặc đang chấp hành hình phạt tù mà bị mắc bệnh thuộc trường hợp Điều 21 thì có thể được áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 49 BLHS năm 2015).
Bên cạnh đó, các quy định về hình phạt – biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước cũng thể hiện tinh thần bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (khoản 4 Điều 36). Đặc biệt đối với hình phạt tử hình, là hình phạt nghiêm khắc nhất tước đi quyền sống của con người, BLHS năm 2015 tại Điều 40 quy định không áp dụng hoặc thi hành hình phạt này với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Quy định này căn bản phù hợp đối với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến nhóm người dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, BLHS năm 2015 quy định về miễn trách nhiệm hình sự hoặc một số chế định liên quan đến chấp hành hình phạt như miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù… đều có những nội dung có lợi hơn cho nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật, người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS…
BLHS năm 2015 còn quy định một số tội phạm có dấu hiệu chủ thể liên quan đến nhóm người dễ bị tổn thương như Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124) hoặc Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148)… đều có mức hình phạt nhẹ hơn so với những tội phạm có cùng tính chất.
4. Một số khuyến nghị
Trong Bản nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba của Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền có viết: “Ủy ban hoan nghênh những biện pháp lập pháp, thể chế và chính sách đã được Nhà nước thành viên thực hiện[34]. Tuy nhiên, Ủy ban vẫn “quan ngại rằng giữa khuôn khổ pháp lý trong nước vẫn còn chưa tương thích với Công ước”. Trên cơ sở những phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp sau:
Một là, nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự, mà cụ thể là BLHS năm 2015. Theo đó, cần có sự nghiên cứu toàn diện và hệ thống liên quan đến quy định của pháp luật để có sự tương thích với các chuẩn mực quốc tế và các văn bản pháp luật khác trong bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương. Cụ thể, cần tội phạm hóa hành vi quấy rối tình dục, hành vi phân biệt đối xử,… Đặc biệt đối với hình phạt tử hình, cần thu hẹp hơn nữa cũng như tiến tới xóa bỏ, hoặc hạn chế sử dụng hình phạt này trên thực tế, mà thay vào đó là các biện pháp hoặc hình phạt thay thế như tù chung thân như áp dụng án tù chung thân không có khả năng mãn hạn đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng như Anh, Thụy Điển[35] hay tù chung thân trọn đời như tại Hoa Kỳ[36]… Đồng thời, cần có sự bảo vệ đầy đủ hơn với các nhóm, ví dụ như nhóm người khuyết tật, cần quan tâm đến người khuyết tật nhẹ thay vì chỉ người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng như hiện nay… Bên cạnh đó, có thể bổ sung một số tình tiết định tội hoặc định khung tăng nặng là yếu tố tác động lên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi khi xem xét trách nhiệm hình sự, ví dụ như hành vi trộm cắp tài sản với một số đối tượng người dễ bị tổn thương (như người nghèo, người khuyết tật…) có thể đã cấu thành tội phạm, không cần giá trị tài sản chiếm đoạt được là bao nhiêu…
Hai là, nhóm giải pháp hoàn thiện các văn bản pháp luật khác, cụ thể là “rà soát khuôn khổ pháp luật trong nước để xác định các khoảng trống và mâu thuẫn với Công ước[37], đặc biệt là các luật chuyên ngành quy định trực tiếp về nhóm người dễ bị tổn thương như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Người cao tuổi năm 2009, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014… Một số thay đổi cần thiết như nâng độ tuổi trẻ em là người dưới 18 tuổi theo chuẩn mực quốc tế hoặc thừa nhận hôn nhân đồng giới… Ngoài ra, cần cân nhắc thông qua một luật chống phân biệt đối xử toàn diện[38]./.
 

 


[1] Trần Thái Dương, Trần Thị Thanh Mai (2015), Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 07, tr. 12.
[2] Helen Forbes, Mewett (2019), Vulnerability in a Mobile World, Emerald Publishing Limited, United Kingdom, p. 7.
[3] Vũ Ngọc Bình, Nguyễn Toàn Thắng (2021), Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền về các quyền dân sự, chính trị của nhóm dễ bị tổn thương, Kỷ yếu Hội thảo khoa học thuộc đề tài cấp Bộ: Rà soát việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc nhằm thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 90.
[4] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 23.
[6] Khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013.
[7] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 19.
[8] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), tlđd, Lời nói đầu.
[9] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), tlđd, tr.20.
[10] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), tlđd, tr.15.
[11] Lê Lan Chi (2019), Bảo đảm quyền của nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự từ quy định của pháp luật đến hoạt động của người hành nghề luật, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 33.
[12] Trịnh Quốc Toản (2020), Bảo vệ quyền phụ nữ là nạn nhân của tội phạm theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và một số kiến nghị, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự”, Quảng Ninh, tr. 107
[13] Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.
[14] Vũ Thị Phượng (2020), Bảo về quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 55 – 63.
[15] Điều 1 Công ước về quyên của những người khuyết tật năm 2017.
[16] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), tlđd, tr. 30.
[17] Lời nói đầu Các nguyên tắc của Liên hợp quốc về người cao tuổi năm 1991.
[18] Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2011) tlđd, tr. 18.
[19] Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên 2015), Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 48.
[20] Nguyễn Ngọc Chí, sđd, tr.61.
[21] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 38.
[22] Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung cụ thể hơn vào một số nhóm dễ bị tổn thương có tính phổ biến là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
[23] Lê Lan Chi, tlđd, tr. 26.
[24] Trường Đại học Luật Hà Nội, tlđd, tr. 11.
[25] Lê Lan Chi, tlđd, tr. 28.
[26] Vũ Thị Phượng, tlđd, tr. 136.
[27] Trịnh Quốc Toản, tlđd, tr. 114.
[28] Trần Văn Độ, Lê Thị Diễm Hằng (2020), Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm tình dục theo pháp luật hình sự Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự, Quảng Ninh, tr. 249.
[29] Vũ Thị Phượng sđd, tr. 159.
[30] Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009.
[31] Lê Lan Chi, tlđd, tr. 25.
[32] Lê Lan Chi, tlđd, tr. 25.
[33] Hoàng Minh Đức, Nguyễn Phan Trung Anh (2018), Bảo đảm quyền của người yếu thế trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghề luật, số 5, tr. 15.
[34] Bản nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba của Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền, https://vietnam.un.org/sites/default/files/2020-05/ICCPR%20COBS_VN.pdf, tr. 2.
[35] Lê Khắc Đại, Bảo đảm quyền sống và việc duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Vấn đề hình phạt tử hình trên thế giới và ở Việt Nam, tr. 16-17.
[36] Hội Luật gia Việt Nam (2008), tlđd, tr. 343.
[37] Bản nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba của Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền, tlđd, tr.2.
[38] Bản nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba của Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền, tlđd, tr.3.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (468), tháng 10/2022.)