Điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam: thực trạng và kiến nghị

28/11/2022

TS. NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Tóm tắt: Cho vay ngang hàng (Peer to peer lending - P2P lending) xuất hiện trên thế giới khoảng hơn 10 năm qua, là mô hình kinh doanh mới, vừa có nhiều triển vọng nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường ở Việt Nam. Về việc thiết kế khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này, đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích bản chất của hoạt động cho vay ngang hàng từ góc độ pháp lý, đánh giá thực trạng điều chỉnh bằng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật đối với mô hình kinh doanh này.
Từ khóa: Vay ngang hàng, pháp luật về cho vay ngang hàng, tổ chức tín dụng.
Abstract: Peer to peer lending is a new business model which first appeared just more than a decade in the world. It is also a newly operated business model in Vietnam which has both a promising future and hidden risks. Designing a appropriate legal framework for this model is a topic of debate. Within this article, the author provides an analysis of legal aspects of P2P lending, assessesessment of the current legal framework and also gives out recommendations for further improvements of the legal framework for P2P lending.
Keywords: Peer to peer lending; legal regulations on peer to peer lending
 CHO-VAY-NGANG-HÀNG1_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về hoạt động cho vay ngang hàng
            Trong lịch sử thị trường vốn tín dụng thì hoạt động cho vay ngang hàng mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 21. Nền tảng cho vay ngang hàng đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại Anh với tên gọi là ZOPA vào năm 2005[1]. Cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh dựa trên việc sử dụng một nền tảng công nghệ số (thường là một ứng dụng di động), để kết nối trực tiếp giữa người có vốn nhàn rỗi muốn cho vay (còn gọi là nhà đầu tư hoặc bên cho vay) với người đang có nhu cầu sử dụng vốn (cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, gọi tắt là bên vay). Dựa trên nền tảng công nghệ số và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các thông tin về nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ của bên vay được thu thập, phân tích và gửi tới bên cho vay vốn để quyết định việc cho vay hoặc không cho vay vốn. Định chế trung gian kết nối giữa người có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu cho vay và người thiếu tiền có nhu cầu được vay tiền chỉ là doanh nghiệp/công ty cung cấp nền tảng kết nối, chứ không phải là tổ chức chuyên thực hiện hoạt động nhận tiền nhàn rỗi từ người có nhu cầu cho vay để chuyển cho người có nhu cầu vay tiền như các định chế ngân hàng thương mại (trung gian tài chính truyền thống).
            Như vậy, trong quan hệ cho vay ngang hàng, xuất hiện một bên trung gian là chủ thể cung cấp nền tảng công nghệ số (một phần mềm ứng dụng) để kết nối người vay với người cho vay. Để hoạt động cho vay ngang hàng có thể diễn ra, phải xuất hiện quan hệ ba bên: bên cho vay (còn gọi là bên đầu tư hay nhà đầu tư), bên vay và bên cung cấp dịch vụ nền tảng số kết nối. Về nguyên tắc, các quan hệ này được hình thành dựa trên ý chí và sự ưng thuận của các bên theo quan hệ hợp đồng. Bên cho vay và bên vay đều có quan hệ hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ nền tảng số kết nối đồng thời với quan hệ vay tài sản giữa bên cho vay và bên vay nhưng bên cho vay và bên vay không có quan hệ hợp đồng vay tài sản trực tiếp với bên (doanh nghiệp) cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối.
            Bằng sự hỗ trợ của nền tảng kết nối trực tuyến cùng công nghệ xử lý thông tin dựa vào dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, chi phí kết nối và xử lý giao dịch giữa bên cho vay và bên vay được giảm thiểu; nhờ đó, hoạt động cho vay ngang hàng có thể cung cấp các khoản vay với lãi suất thậm chí là thấp hơn so với hoạt động tương tự của các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, dựa vào khả năng đánh giá tín nhiệm và đánh giá khả năng trả nợ của người vay tiền chuẩn xác hơn nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, hoạt động cho vay ngang hàng cũng có thể tạo cơ hội cho cả những người vay tiền không có tài sản bảo đảm tiếp cận tín dụng mà thường các tổ chức tín dụng sẽ từ chối cho vay[2].
            Qua tổng kết hoạt động thực tiễn, một số nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế đã chỉ ra những thông số có liên quan tới tính đáng tin cậy, khả năng trả nợ của người vay. Chẳng hạn, người vay có mạng lưới quan hệ xã hội tốt, cung cấp các thông tin cá nhân, bao gồm cả hình ảnh cá nhân, thông tin về thu nhập hàng năm, thông tin về mục đích vay sẽ là những người đáng tin cậy và có khả năng trả nợ tốt hơn, vì thế, dễ nhận được khoản vay hơn[3]. Trong thực tế, các nền tảng kết nối cũng thường yêu cầu người có nhu cầu vay cung cấp các loại thông tin này. Chẳng hạn, với nền tảng trực tuyến Lending Club - một trong những nền tảng trực tuyến phục vụ hoạt động cho vay ngang hàng hàng đầu ở Hoa Kỳ, điểm chỉ số tín dụng cá nhân (còn gọi là điểm FICO - một trong những điểm chỉ số tín dụng cá nhân được các ngân hàng ở Hoa Kỳ sử dụng phổ biến để đo lường mức độ tín nhiệm của cá nhân trong việc quyết định cấp tín dụng) được sử dụng như một căn cứ đầu tiên để xác định khả năng cho vay đối với cá nhân có nhu cầu vay. Điểm FICO của mỗi cá nhân được tính toán dựa trên năm chỉ số thành phần: chỉ số về “lịch sử thanh toán (đúng hạn)” (payment history) chiếm 35% số điểm, chỉ số “tài khoản nợ/tổng số nợ” (debt burden) chiếm 30% số điểm, chỉ số “độ dài lịch sử tín dụng” (length of credit history) chiếm 15% số điểm, chỉ số “tín dụng mới” (recent credit) chiếm 10% số điểm, và chỉ số “loại tín dụng đã được sử dụng” (type of credit used) chiếm 10% số điểm. Chỉ số FICO được đo lường với thang đo từ 300 đến 850 điểm; trong đó, khoảng điểm từ 670 điểm trở lên được coi là có lịch sử tín dụng tốt. Trên thực tế, Lending Club chấp thuận cho khoản vay đối với cá nhân có điểm FICO tối thiểu phải đạt 600 điểm trở lên. Bên cạnh đạt điểm FICO tối thiểu từ 600 trở lên, người vay còn phải cung cấp các thông tin khác cho Lending Club như: báo cáo thu nhập hàng năm, tình hình sở hữu bất động sản hiện có (đang sở hữu/đang bị thế chấp/đang đi thuê v.v..), tình trạng việc làm, số tiền cần vay, mục đích vay tiền v.v..[4]
            Trước thực tế hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, kể cả các tổ chức tín dụng vi mô chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu tín dụng rất đa dạng của các cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, nhất là nhu cầu tiếp cận các khoản vay nhỏ, được cấp tín dụng nhanh chóng, không cần phải quá nhiều thủ tục liên quan tới thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh tài sản v.v.., Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng cho các hoạt động vay ngang hàng[5].
2. Thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam hiện nay
            Có ý kiến cho rằng, “pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending”[6]. Điều này chính xác ở khía cạnh pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có một đạo luật riêng hoặc một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ để điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng) không có quy định về vay ngang hàng. Hoạt động cho vay ngang hàng không được xếp vào một dạng hoạt động cấp tín dụng theo cách hiểu của Luật Các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, “cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác” và “cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. Các thuật ngữ “cho vay” và “cấp tín dụng” theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng luôn đòi hỏi bên cho vay hoặc bên cấp tín dụng phải là một tổ chức tín dụng[7] hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối giữa người cho vay và người vay không trực tiếp là bên cho vay hoặc bên vay thì rõ ràng, doanh nghiệp trung gian này không phải là tổ chức tín dụng theo nghĩa của Luật Các tổ chức tín dụng.
            Tuy nhiên, khi pháp luật hiện hành chưa có quy định nào cấm hoạt động cho vay ngang hàng, có thể xác định rằng, hoạt động cho vay ngang hàng, với tư cách là quan hệ hợp đồng, chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, nhất là các quy định về hợp đồng vay tài sản. Như phần trước đã đề cập, có thể khẳng định rằng, để hoạt động cho vay ngang hàng diễn ra, có ba mối quan hệ hợp đồng được xác lập và phát sinh: (1) quan hệ vay tài sản giữa bên cho vay (còn gọi là nhà đầu tư) và bên vay (còn gọi là người vay); (2) quan hệ giữa bên cho vay với doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối (đây là quan hệ hợp đồng dịch vụ); (3) quan hệ giữa bên vay với doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối (đây là quan hệ hợp đồng dịch vụ). Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định tại Điều 465 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên cho vay có các nghĩa vụ như sau: (1) Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; (2) Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó; (3) Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này[8] hoặc luật khác có liên quan quy định khác. Bên vay có nghĩa vụ trả nợ được quy định cụ thể tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
            Về lãi suất vay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định ở trên tại thời điểm trả nợ. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
            Ngoài ra, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nền tảng kết nối giữa bên cho vay và bên vay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp; trong đó, tùy từng loại hình doanh nghiệp mà chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay loại hình doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và các sắc thuế khác có liên quan, các quy định về lao động, bảo vệ môi trường, cạnh tranh, quảng cáo v.v..
            Trên thực tế, như một số nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) đang thử nghiệm hoặc đã đi vào hoạt động chính thức. Trong đó phải kể tới các thương hiệu như Tima, Trust Circle, Lendmo, Wecash, Interloan v.v..[9].
            Có thể thấy rằng, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định khác có liên quan trong pháp luật Việt Nam chưa đủ sự chi tiết cần thiết để xử lý các vấn đề riêng có của hoạt động cho vay ngang hàng. Không ít vấn đề đang được đặt ra cần được pháp luật quy định chi tiết để tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành lành mạnh loại hình kinh doanh mới này, trong đó phải kể đến như:
            - Hoạt động kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng có thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện không?
            - Nếu kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng là loại hình kinh doanh có điều kiện thì những chủ thể nào có thể được phép thực hiện loại hình kinh doanh này? Thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước nào?
            - Khi tiến hành kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng, doanh nghiệp kinh doanh phải tuân thủ những chuẩn mực kinh doanh nào?
            - Các loại thông tin cá nhân mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng được thu thập từ người cho vay, người vay là gì? Cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân này ra sao?
            - Hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng với người cho vay, người vay phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản gì? Đây có nên là loại hình thỏa thuận cần đưa vào diện kiểm soát của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trước khi áp dụng hay không?
            - Biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm nên như thế nào và cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như thế nào cho phù hợp?
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước[10], hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. Cụ thể: Một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro. Thêm vào đó, hoạt động P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia. Một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay; trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại. Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng[11] khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.
Để giải tỏa các lo ngại kể trên, rõ ràng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng ở Việt Nam là rất cấp thiết. Khuôn khổ pháp lý này cần quan tâm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan tới hoạt động cho vay ngang hàng như: các quan hệ hợp đồng phát sinh giữa các chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động cho vay ngang hàng (như quan hệ giữa bên cho vay và bên vay, quan hệ giữa bên cho vay và doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối, quan hệ giữa bên vay với doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối). Các quan hệ liên quan tới hoạt động cho vay ngang hàng còn bao gồm các quan hệ quản lý nhà nước giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay ngang hàng với các chủ thể tham gia hoạt động cho vay ngang hàng.
3. Một số kiến nghị
            Thứ nhất, cần sớm đưa hoạt động kinh doanh cho vay ngang hàng thuộc vào danh mục hoạt động kinh doanh, đầu tư có điều kiện. Loại hình hoạt động này, với nhiều rủi ro có thể phát sinh, cần đưa vào diện áp dụng cơ chế tiền kiểm (thẩm định, cấp phép trước khi doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối chính thức được phép hoạt động), đồng thời thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay ngang hàng, nhất là giám sát các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối. Điều này có nghĩa rằng, việc cung ứng dịch vụ nền tảng kết nối giữa người cho vay và người vay mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cần được xem là hoạt động bất hợp pháp. Thêm vào đó, không phải cứ là chủ sở hữu của một nền tảng kết nối giữa người cho vay và người vay thì doanh nghiệp đương nhiên được cấp đăng ký cung cấp các dịch vụ liên quan tới cho vay ngang hàng, mà doanh nghiệp này cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định, thể hiện uy tín và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp đó phải là doanh nghiệp được quản lý với chế độ quản trị minh bạch, rõ ràng. Điều đó có nghĩa rằng, doanh nghiệp đó không nên là các doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị có tính đóng, khép kín cao (như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), mà nên là các công ty cổ phần. Doanh nghiệp đó phải có vốn điều lệ ở mức không thấp hơn mức vốn pháp định (mức vốn tối thiểu pháp luật quy định để doanh nghiệp có thể được cấp đăng ký kinh doanh vay ngang hàng) nhất định[12]. Với tính chất hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng, mức vốn pháp định này không nên thấp hơn mức vốn pháp định của tổ chức tài chính vi mô (tức là không nên thấp hơn mức 5.000.000.000VNĐ) và có thể tính tới quy mô hoạt động để xác định mức vốn pháp định phù hợp. Ngoài ra, các yêu cầu khác để được đăng ký có thể tính tới như: lực lượng nhân lực, hệ thống máy tính điện tử, và trang thiết bị vật chất khác đủ cho việc bảo đảm khả năng bảo vệ người sử dụng và thực thi hoạt động kinh doanh vay ngang hàng; kế hoạch kinh doanh hợp lý và hợp pháp; tiêu chuẩn của người điều hành; có hệ thống kiểm soát nội bộ hợp lý để phòng ngừa xung đột lợi ích; cổ đông lớn nhất của công ty phải có năng lực đầu tư đầy đủ, có tình trạng tài chính lành mạnh, và có tín nhiệm xã hội; chưa có tiền án/tiền sự…
            Thứ hai, cần sớm chính thức giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng. Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ thuận lợi và có thế mạnh nhất về vấn đề này chính là Ngân hàng Nhà nước. Chính vì vậy, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nên trở thành cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ cho vay ngang hàng. Đi theo hướng này, Ngân hàng Nhà nước nên được xác định là chủ thể duy nhất có thẩm quyền cấp phép hoạt động đối với các công ty kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng.
            Thứ ba, cần nghiên cứu sớm ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng. Đạo luật này cần có giá trị ưu tiên áp dụng so với các quy định về cho vay trong Bộ luật Dân sự, đồng thời có giá trị ưu tiên áp dụng so với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Đạo luật này cần bao gồm các nhóm quy phạm sau:
            - Quy định xếp việc kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng (nhất là đối với doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối giữa người cho vay và người vay) thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
            - Quy định điều kiện cần và đủ để được hoạt động kinh doanh, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối giữa người cho vay và người vay khi thực hiện dịch vụ cho vay ngang hàng.
            - Quy định các điều kiện kinh doanh cần bảo đảm để chủ thể cung ứng dịch vụ cho vay ngang hàng là doanh nghiệp có lịch sử tài chính tốt, có tiềm lực kinh doanh, cùng các điều kiện về người quản lý, điều hành, hệ thống kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý xung đột lợi ích có thể phát sinh.
            - Quy định tiêu chí đánh giá khả năng trả nợ, các loại thông tin cần thu thập để đánh giá khả năng trả nợ của người vay; tiêu chí đánh giá khả năng gánh chịu rủi ro khi đầu tư cho vay ngang hàng của người cho vay (nhà đầu tư); các biện pháp để bảo đảm thông tin quan trọng này có tính xác thực.
            - Quy định hợp đồng giao kết giữa người/bên cho vay (nhà đầu tư), người vay (bên vay) với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối là loại hợp đồng cần có sự kiểm soát bằng cơ chế đăng ký trước khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối sử dụng để giao kết với khách hàng, nhằm tạo cơ hội để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể loại bỏ những điều khoản bất lợi cho người sử dụng dịch vụ.
- Quy định cơ chế kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm; trong đó, không chỉ coi trọng sự kiểm tra, giám sát từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nhất là các cơ quan quản lý thị trường tài chính, tín dụng) mà cần coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát từ phía các tổ chức hiệp hội. Luật về hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam cần lưu ý thiết kế các quy định về các biện pháp chế tài phù hợp, để áp dụng không chỉ cho doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối để thực hiện hoạt động cho vay ngang hàng mà còn áp dụng cho cả cá nhân người quản lý, người điều hành (ví dụ: Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, các kiểm soát viên v.v..).
- Quy định về bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự), quy định về xử phạt vi phạm hành chính cùng các quy định xử lý hình sự đối với hành vi của các chủ thể vi phạm các chuẩn mực pháp luật trong kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng, nhất là đối với hành vi của doanh nghiệp và người điều hành doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng.
Thứ tư, Luật về hoạt động cho vay ngang hàng của Việt Nam nên được xác định là đạo luật chuyên ngành, được ưu tiên áp dụng so với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đạo luật liên quan tới bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân.  
            Việc chỉ sử dụng khuôn khổ pháp lý hiện hành, vốn được thiết kế để điều chỉnh các quan hệ vay mượn trong giao lưu dân sự hoặc được thiết kế để điều chỉnh hoạt động tín dụng ngân hàng để điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng sẽ không thực sự phù hợp./.

 


* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài độc lập cấp quốc gia “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản” (Mã số: ĐTĐL_XH-03/21).
[1] Cấn Văn Lực, Phạm Thị Hạnh &Lại Thị Thanh Loan (2022), Cho vay ngang hàng - Phương thức tiếp cận vốn mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai, https://tapchinganhang.gov.vn/cho-vay-ngang-hang-phuong-thuc-tiep-can-von-moi-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-tuong-lai.htm.
[2] Petr Teply, Yael Roshwalb & Michal Polena (2021), Financial Disintermediation: The Case of Peer-to-Peer Lending, in Maurizio Pompella, Roman Matousek (eds.), The Palgrave Handbook of FinTech and Blockchain, Switzerland: Palgrave Macmillan, p. 382.
[3] Petr Teply, Yael Roshwalb & Michal Polena (2021), p. 383.
[4] Petr Teply, Yael Roshwalb & Michal Polena (2021), p. 384.
[5] Bùi Thúy Hằng, Phạm Xuân Dũng & Phạm Thị Hoàng Anh (2022), Hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-tai-viet-nam.htm.
[6] Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 8/7/2019 của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[7] Bao gồm ngân hàng (ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã), tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (còn gọi là hợp tác xã tín dụng).
1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
[9] Bùi Thúy Hằng, Phạm Xuân Dũng & Phạm Thị Hoàng Anh (2022), Hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-tai-viet-nam.htm.
[10] Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 8/7/2019 của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[11] Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng quy định "1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán".
[12] Hiện tại, Điều 2 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng như sau: (1) Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; (2) Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; (3) Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; (4) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); (5) Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; (6) Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; (7) Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; (8) Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng; (9) Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (470), tháng 11/2022.)