Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm

23/11/2022

THS. NGUYỄN THÚY HÀ

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về kinh tế _xã hội,

Viện Nghiên cứu lập pháp.

Tóm tắt: Bệnh không lây nhiễm đã trở thành thách thức lớn đe doạ sức khoẻ và sự phát triển kinh tế-xã hội của nhân loại trong thế kỷ 21. Vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật y tế để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này càng trở nên cấp thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày định nghĩa “bệnh không lây nhiễm” và các yếu tố nguy cơ; phân tích, đánh giá pháp luật về bệnh không lây nhiễm và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, phòng bệnh.
Abstract: Noncommunicable diseases become a major challenging threats to the health and socio-economic developments of mankind in the 21st century. Therefore, it is important to study and improve the health policies and legal regulations for effective prevention manner. Within the scope of this article, the author provides presentation of the definition of “non-communicable diseases” and the risky factors; and analysis of and assessments of the law on non-communicable diseases and also a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Noncommunicable disease; chronic disease; disease prevention.
 BỆNH-KHÔNG-LÂY-NHIỄM.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 thì hầu như mọi nỗ lực của con người đều hướng về phòng bệnh. Phòng bệnh bao gồm hai nội dung cơ bản là phòng bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong khi tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, thì các bệnh không lây nhiễm lại chính là nguyên nhân hàng đầu đối với bệnh tật và tử vong. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam có gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm ước tính lên tới 77%[1].
1. Bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ
Các bệnh không lây nhiễm (Noncommunicable diseases-NCDs), theo định nghĩa của WHO, là những căn bệnh không nhiễm trùng hoặc không lây truyền giữa người với người. Hầu hết bệnh không lây nhiễm là bệnh mãn tính, diễn tiến chậm, có thời gian ủ bệnh kéo dài và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh trong một thời gian dài, thậm chí suốt cuộc đời[2].
Có nhiều loại bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện có 04 nhóm bệnh không lây nhiễm nguy hiểm và phổ biến được thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm, đó là các nhóm bệnh: (1) Tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp…); (2) Đái tháo đường (chủ yếu là týp 2); (3) Các thể ung thư; và (4) Bệnh hô hấp mạn tính (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…).
Đây là nhóm bệnh có tỷ lệ mắc cao, là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành; đồng thời có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được. Ngoài ra, rối loạn tâm thần và bệnh lý thần kinh cũng được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm đáng lưu ý do có sự gia tăng nhanh chóng[3].
Bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể, mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ làm bệnh phát triển:
- Yếu tố nguy cơ về hành vi: (1) Hút thuốc, bao gồm cả hút thuốc thụ động; (2) Sử dụng rượu, bia; (3) Dinh dưỡng không hợp lý (chế độ dinh dưỡng không cân đối, ăn thiếu rau/trái cây, tiêu thụ nhiều muối, đường và chất béo; và (4) Thiếu hoạt động thể lực.
- Các yếu tố sinh lý/chuyển hóa: Tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu.
- Các yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến sức khỏe như nghèo đói, thiếu kiến thức, già hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa... Đây là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ liên quan đến sự gia tăng các yếu tố nguy cơ.
Theo WHO, 80% bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và 40% ung thư có thể phòng tránh được bằng thực hiện dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng thuốc lá, rượu bia, vận động thể lực thường xuyên[4].
Chính vì vậy, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cần phải sử dụng các giải pháp về chính sách, luật pháp, kinh tế, văn hóa-xã hội để kiểm soát thuốc lá, rượu bia, bảo đảm chất lượng thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng và hoạt động thể lực[5]. Trong đó, giải pháp cơ bản nhất là sử dụng công cụ pháp luật. Cần rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm. 
2. Pháp luậtvề phòng, chống bệnh không lây nhiễm
Hệ thống pháp luật y tế hiện hành của Việt Nam bao gồm 10 đạo luật, có thể chia thành 04 lĩnh vực cơ bản sau đây:
- Lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng: gồm 03 đạo luật: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006;
- Lĩnh vực tài chính y tế: Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.
- Lĩnh vực thuốc và trang thiết bị y tế: Luật Dược năm 2016.
- Lĩnh vực phòng bệnh bao gồm 05 luật: Trong đó, 02 đạo luật về bệnh lây nhiễm là Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2020 và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Có 03 đạo luật có liên quan đến bệnh không lây nhiễm (BKLN) là: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010. 
Một số đạo luật có liên quan mà không thuộc pháp luật y tế như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thể dục thể thao, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật…
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản dưới luật điều chỉnh lĩnh vực dự phòng BKLN vô cùng phong phú. Tiêu biểu phải kể đến Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025; Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm.
Như vậy, trong hệ thống pháp luật về phòng, chống BKLN, các văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, có ý nghĩa định hướng đồng bộ, thống nhất và toàn diện về công tác y tế là các đạo luật: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về công tác phòng bệnh; Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về tổ chức y tế và nhân lực y tế; Luật Bảo hiểm y tế quy định về chế độ tài chính y tế; Luật Dược quy định chính sách về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh… Tuy nhiên, pháp luật trong lĩnh vực này cơ bản và chủ yếu nhất tập trung tại 03 đạo luật sau đây:
Một là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sử dụng rượu bia là một trong những yếu tố nguy cơ lớn làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư nói riêng và các BKLN nói chung. Do những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Việc ban hành luật được kỳ vọng làm thay đổi những thói quen sử dụng rượu, bia không phù hợp đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng nguy cơ BKLN và tai nạn thương tích.
Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm; trong đó, đáng chú ý nhất là cấm lái xe khi vừa uống rượu bia. Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; quảng cáo rượu từ 15 độ cồn; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe... Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ của BKLN. Tuy nhiên, đây cũng là đạo luật khó trong tổ chức thực hiện, vì liên quan đến thói quen lâu đời của người dân.
Một trong những điểm thách thức lớn nhất trong thi hành pháp luật chính là hành vi sử dụng rượu bia của người dân với tỷ lệ còn rất cao[6]. Bởi vậy, vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông nhằm giảm tính sẵn có của rượu bia, phòng ngừa giới trẻ tiếp cận với rượu bia. Đây cũng là một thách thức vô cùng khó khăn trong thực thi pháp luật. Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì Việt Nam chưa hạn chế điểm bán để hạn chế tính sẵn có của rượu bia[7]. Các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về quảng cáo mới điều chỉnh ở mức độ nhất định nên việc tiếp cận rượu bia vẫn còn quá dễ dàng.
Hai là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012, có hiệu lực từ 01/05/2013. Khói thuốc lá là yếu tố góp phần rất lớn gây ra các BKLN như tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư, tắc nghẽn mãn tính.
Việt Nam đã gia nhập Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của WHO từ năm 2003. Bởi vậy, Luật quy định các chính sách kiểm soát thuốc lá cơ bản phù hợp với khuyến cáo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam như quy định cấm hoàn toàn quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, cấm hút thuốc nơi làm việc và nơi công cộng khác,… Luật quy định việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, tạo nguồn lực quan trọng và bền vững để duy trì các hoạt động này.
Kể từ khi ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến nay, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá của người dân vẫn chưa cao.
Theo thống kê WHO, Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới[8]. Với 17 triệu người hút thuốc lá ở Việt Nam, mỗi năm có 23.000 người mắc ung thư phổi, có 20.000 người tử vong. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động nhiều khi còn nguy hiểm hơn hút trực tiếp. Người hút thuốc thụ động, đặc biệt phụ nữ mang bầu, trẻ em phải hứng chịu nguy cơ rất lớn. Đây là những con số đáng báo động đối với sức khỏe cộng đồng[9].
Việc triển khai luật đối mặt với nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá; các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng. Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn còn diễn ra. Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao tại một số địa điểm như nhà hàng, quán bar… Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng, thuốc lá được bày bán ở khắp nơi, giá thuốc lá rẻ. Số liệu thống kê năm 2019 của Bộ Y tế cho thấy, sau 6 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá mới chỉ giảm được 2%. Việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng đạt tỷ lệ thấp, riêng TP. Hồ Chí Minh chỉ mới có 54% số lượng người biết về điều này[10].
Câu hỏi đặt ra là làm sao để giảm tải bớt gánh nặng bệnh tật cho xã hội về các căn bệnh liên quan đến thuốc lá? Làm sao để những người xung quanh người hút thuốc không còn phải chịu đựng khói thuốc thụ động? Trước thực trạng mỗi ngày có 15,6 triệu người Việt Nam hút thuốc, nếu người hút thuốc không có khả năng bỏ thuốc, đâu là giải pháp cho họ?[11] Bởi vậy, cần chú trọng tới các giải pháp đảm bảo tiêu chí hoàn thiện pháp luật về tính phù hợp và tính khả thi của các quy định của pháp luật.
Ba là Luật An toàn thực phẩm.
Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát BKLN[12]. Trong đó, an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực từ 01/07/2011. Luật quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với ATTP; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố ATTP; thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Việc phòng, chống các BKLN đòi hỏi yêu cầu cao về các điều kiện tiêu chuẩn và chất lượng của thực phẩm. Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế (IDRC) cho biết, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các BKLN: 19% ca tử vong do BKLN năm 2017[13] trên toàn cầu liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Thực phẩm bẩn là tác nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các căn bệnh đặc biệt nguy hiểm từ tiêu chảy cấp đến ung thư. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 25-700 ca ngộ độc thực phẩm, từ 7.000 đến 10.000 người nhập viện và từ 100 đến 200 người tử vong. Việt Nam dành 0,22% GDP hàng năm chi trả cho 06 căn bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do thực phẩm bẩn[14].
Vì vậy, vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Yêu cầu đặt ra là phải rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, vì quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường hoạt động giáo dục truyền thông để trau dồi kiến thức cho người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và bảo vệ cộng đồng.
Có thể thấy rằng, lĩnh vực y tế dự phòng còn đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Vẫn còn những khoảng trống trong pháp luật về phòng, chống BKLN, cụ thể là: Các quy định của pháp luật chưa chú trọng tổng thể tới công tác phòng bệnh, chưa đề xuất cơ chế đầu tư, chi trả cho y tế dự phòng nhằm khắc phục việc khó khăn và thiếu thốn về nguồn lực trong lĩnh vực này. Vẫn còn thiếu các quy định về đảm bảo dinh dưỡng cộng đồng, chính sách tăng cường vận động thể lực cho người dân.
WHO khuyến nghị các quốc gia cầncủng cố hệ thống pháp luật để bảo đảm thực thi các chính sách phòng ngừa và kiểm soát BKLN. Ngoài kiểm soát nghiêm ngặt rượu bia và thuốc lá, WHO khẳng định cần loại bỏ chất béo chuyển hóa công nghiệp thông qua luật cấm sử dụng chúng trong sản xuất thực phẩm; ban hành chiến lược giảm tiêu thụ muối; đánh thuế đồ uống có đường ở mức đủ cao để khuyến khích người dân giảm tiêu thụ đường; hạn chế tiếp thị thực phẩm có nhiều muối, chất béo và/hoặc đường cho trẻ em; quy định ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, tăng cường hoạt động thể chất bằng các biện pháp can thiệp ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia/địa phương... 
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
3.1. Về phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Bổ sung quy định về thuốc lá điện tử và thuốc lá hun nóng: Để ngăn ngừa tác hại của thuốc lá, thế giới hiện phổ biến hai dòng sản phẩm thay thế thuốc lá là: Thuốc lá điện tử và thuốc lá hun nóng[15]. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn đang gây tranh cãi.Các nhà khoa học Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu cho biết thuốc lá điện tử có chứa các chất gây ung thư như formaldehyde và acetaldehyde. Trong đó, formaldehyde được tìm thấy trong thuốc lá điện tử cao gấp 10 lần so với các loại thuốc lá thông thường[16]. Các chuyên gia xác định, hệ thống hun nóng thuốc lá chỉ là cách gọi khác của thuốc lá điện tử và có tác hại tương tự thuốc lá thông thường.
WHO đã kêu gọi chính phủ các nước cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên và cảnh báo sản phẩm này gây ra "mối đe doạ nghiêm trọng" đối với giới trẻ và thế hệ tương lai. Bởi vậy, cần bổ sung các quy định về thuốc lá điện tử và thuốc lá hun nóng, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho việc lưu hành và sử dụng các sản phẩm này.
- Bổ sung quy định cấm toàn bộ mọi hình thức quảng cáo thuốc lá: Điều 25 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định mỗi đại lý, mỗi điểm bán thuốc không được bày bán quá một bao, một tút thuốc. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), các bên tham gia cần thực hiện cấm toàn bộ mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá. Bởi vậy, quy định tại Điều 25 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng cấm toàn bộ mọi hình thức quảng cáo thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân và chăm lo sức khỏe cộng đồng.
3.2. Về phòng, chống tác hại của rượu, bia
- Bổ sung quy định hạn chế quảng cáo rượu, bia trên không gian mạng: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bỏ ngỏ quy định về quảng cáo rượu, bia trên không gian mạng. Trong khi trên thế giới, có 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên Internet và mạng xã hội. Quy định này áp dụng cả với bia, rượu vang và rượu mạnh (Na Uy, Malaysia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào…) để giảm tiếp cận của giới trẻ đối với sản phẩm này[17].
 - Xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia: Hiện nay, thuế đối với rượu bia ở Việt Nam chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, mức thuế dao động từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Các nghiên cứu cho thấy thuế đối với bia ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 thuế đối với bia ở Úc, New Zealand và Thái Lan[18]. WHO khuyến nghị Việt Nam nên giảm khả năng chi trả của người mua rượu, bia bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. 
3.3. Về dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm
- Bổ sung quy định cảnh báo đối với thực phẩm có nguy cơ gây bệnh: Sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm nhằm cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát nguy cơ gây ra các BKLN liên quan đến chế độ ăn uống. Bổ sung các quy định về việc cảnh báo những ảnh hưởng đến sức khỏe đối với các thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, phụ gia thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em.
Bổ sung các quy định về ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn để có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và chuẩn quốc tế.
Nhằm giảm sử dụng nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn và một số sản phẩm khác có nguy cơ gây BKLN, cần có các quy định về kiểm soát quảng cáo và các chính sách thuế đối với các sản phẩm này, theo khuyến nghị của WHO.
- Bổ sung các chính sách khuyến khích sản xuất, cung cấp và tiêu thụ thực phẩm an toàn, dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe: Bổ sung vào Luật ATTP các quy định khuyến khích doanh nghiệp tăng cường công nghệ sản xuất xanh và đạo đức kinh doanh; quy chuẩn và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng; phát triển các dịch vụ hậu mãi thân thiện, tiện lợi, chất lượng cao. Quy định các chính sách khuyến khích phát triển hệ thống thực phẩm an toàn và dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Rà soát và bổ sung các quy định về quản lý nhập khẩu hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, các phụ gia thực phẩm, các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chống di nhập các loại sinh vật lạ lây lan mầm bệnh, làm biến đổi gen.
3.4. Về tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe
- Xây dựng các quy định khuyến khích hoạt động thể chất: WHO khuyến nghị các quốc gia giảm tỷ lệ người dân thiếu vận động thể lực bằng các biện pháp can thiệp ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia. Quy định các chính sách cung cấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao. Quy định việc phát triển giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới để khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng nhằm tăng cường vận động thể lực.
- Xây dựng Đề án tăng cường vận động thể lực cho người dân ở cộng đồng để nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật; tổ chức các chương trình, mô hình vận động thể lực, luyện tập thể dục, thể thao phù hợp tại cộng đồng dân cư và tại nơi làm việc.
3.5. Về chính sách cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: quy định bổ sung một số dịch vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh tật được quỹ BHYT chi trả. Việc thực hiện chính sách này được đề xuất trên cơ sở người tham gia BHYT được quyền mua thêm các gói BHYT bổ sung để chi trả cho phần cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Bổ sung các loại hình cung ứng dịch vụ y tế được tham gia vào cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT như: Nhà thuốc; trung tâm chẩn đoán hình ảnh; trung tâm xét nghiệm,... 
- Thiết lập cơ sở pháp lý về chăm sóc sức khỏe tâm thần để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tất cả các tuyến bệnh viện, đặc biệt là đối với y tế cơ sở, nhằm kịp thời dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc người có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Pháp luật về phòng, chống BKLN phải được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Các quy định của pháp luật vừa phải mang tính khả thi trong bối cảnh mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi; vừa phải tìm ra những giải pháp tối ưu cho sự nghiệp sức khỏe toàn dân, tôn trọng quyền lợi của người dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, quyền về sức khỏe./.
 

 


[1] WHO, Hồ sơ quốc gia BKLN (NCD Country Profiles 2018), Geneva, WHO, tr. 218. 
[2] WHO (2021), Bệnh không lây nhiễm: Các dữ liệu cơ bản, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/noncommunicable-diseases).
[3] UN. Tuyên bố chính trị của cuộc họp cấp cao lần thứ 3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về ngăn ngừa và kiểm soát BKLN: Nghị quyết được thông qua bởi Đại hội đồng LHQ, 2018.
[4] WHO (2005), Preventing Chronic Disease: a vital investment, 2005, World Health Organization: Geneva.
[5] Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống BKLN, website Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, 4/1/2015.
[6] “Khoảng 80% người sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua”. Nguồn: Phát biểu của PGS.TS. Trần Thanh Hương tại Hội thảo Cung cấp thông tin báo chí về phòng, chống tác hại của rượu, bia và ung thư, ngày 19/4/2017, tại Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
[7] Tlđd.
[8] Trích số liệu đưa ra tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức ngày 29/10/2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: Lê Vũ-Lê Thuận (2020), Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá Báo Dân tộc và phát triển, ngày 29/10/2020.
[9] Làm thế nào giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá, Tọa đàm do Báo Tuổi trẻ tổ chức, ngày 29/5/2020.
[10] Xuân Phú (2019), Vì môi trường sống không khói thuốc lá, Báo Nhân dân điện tử.
[11] Hồng Hà (2019), Hạn chế tác hại của thuốc lá, bằng cách nào?, Tuổi trẻ online.
[12] Trích của phát biểu Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến BKLN tại châu Á, Hà Nội, ngày 19-21/11/2018.
[13] Minh Thanh (2019), Dinh dưỡng không hợp lý, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh của người Việt, Vietnamnet.
[14] Tố Uyên (2018), Số liệu thống kê thực phẩm bẩn trên thị trường hiện nay, trang điện tử ATVSTP, http://atvstp.org.vn.
[15] Sản phẩm hun nóng thuốc lá không đốt cháy của Philip Morris, tập đoàn sản xuất thuốc lá doanh thu hơn 70 tỷ USD, được bán tại Hoa Kỳ vì ít tạp chất độc hại hơn thuốc lá điếu thông thường.
[16] Phạm Thị Hồng Đào (2016), Pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và kiến nghị hoàn thiện, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2046.
[17] Trần Nguyên (2019), Thách thức để triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia trong cuộc sống, Báo Nhân dân điện tử.
[18] Lê Nga (2019), WHO: Thuế rượu bia ở Việt Nam quá thấp, Vnexpress.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022.)