Thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi, con riêng

18/11/2022

THS. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH

Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh,

TRẦN QUỐC KHIẾT

Học viên Cao học, Trường Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Thừa kế là một chế định pháp luật có vai trò quan trọng về việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người thừa kế của họ. Hiện nay, các tranh chấp về quyền thừa kế, trong đó có thừa kế thế vị xảy ra ngày càng phức tạp. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ về thừa kế và xác định người thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi, giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Từ khóa: Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Dân sự; thừa kế thế vị; con nuôi.
Abstract: Legal provisions on inheritance play an important role in transferring the property on heirs upon the death of the owner. Currently, disputes over inheritance rights, including inheritance of status, are becoming more and more complicated. The settlement of disputes related to the determination of inheritance relations and the identification of the inheritance by substitution with the element of adopted children, between stepchildren and stepfathers or stepmothers, still exist a number of problems and inadequacies in practice. This situation requires further improvements of the legal provisions.
Keywords: Marriage and family; the Civil Code; inheritance by substitution; adopted children.
           THỪA-KẾ.jpeg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi
1.1. Các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi
Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật Dân sự) quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651, 652 của Bộ luật này”. Khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật Hôn nhân và gia đình) quy định: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”. Khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 (Luật Nuôi con nuôi) quy định cụ thể về hệ quả của việc nuôi con nuôi. Theo đó, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình thì cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Căn cứ vào các quy định tại các Điều 104, 106, 113, 114 Luật Hôn nhân và gia đình, thì con nuôi không có mối quan hệ về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng nhau đối với những người thân thích thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi như, bố mẹ của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi. Hay nói cách khác, người con nuôi không thể là cháu ruột của những người này; do vậy, người con nuôi không thể là người thừa kế của những người như trên. Tuy nhiên, người làm con nuôi người khác vẫn có quan hệ với gia đình cha mẹ đẻ, cho nên họ là người thừa kế theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự của những người thân thích (họ là người thừa kế thế vị của những người thân thích trong gia đình của họ, mặc dù họ là làm con nuôi của người khác).
Từ quy định trên, có thể thấy thực trạng về quan hệ thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi có sự đan xen cả huyết thống lẫn nuôi dưỡng giữa các đời, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là huyết thống, tức là A nhận nuôi B và B sinh ra C, thì trường hợp này được thừa kế thế vị. Trường hợp này cũng được áp dụng đối với con riêng của vợ, của chồng, nếu con riêng với mẹ kế, bố dượng được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con ruột.
Thứ hai, nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là nuôi dưỡng, tức là A sinh ra B và B nhận nuôi C, thì trường hợp này không đương nhiên được thừa kế thế vị, chỉ được thế vị nếu được người để lại di sản coi như cháu ruột.
1.2. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi
Việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ, con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi có được pháp luật thừa nhận hay không có ý nghĩa rất quan trọng. Có tồn tại quan hệ giữa cha mẹ và con nuôi thì sẽ tồn tại quan hệ thừa kế. Một quan hệ xã hội được pháp luật thừa nhận thì chắc chắn sẽ được pháp luật bảo vệ, dù không phải do cha mẹ sinh ra nhưng người con nuôi cũng có đầy đủ quyền thừa kế như con đẻ, nên họ hưởng di sản của cha mẹ nuôi cũng là lẽ đương nhiên. Đó là lý do tại sao dù chưa có hướng dẫn thừa kế thế vị trường hợp con nuôi nhưng theo tinh thần của “Luật” thì “con nuôi hay con đẻ” đều là con, nên họ vẫn thuộc trường hợp của thừa kế thế vị.
Ví dụ trong vụ án yêu cầu công nhận quyền thừa kế và tranh chấp di sản thừa kế của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội giữa nguyên đơn là Thiều Văn C1 và bị đơn là Đỗ Quang V[1]. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bà Đỗ Thị T5 (chết năm 2009) không lấy chồng, nhưng có một người con nuôi là chị Đỗ Đức Phương C3 (chết năm 2007). Chị C3 và bà T5 đều không để lại di chúc.
Di sản bà T5 để lại là thửa đất số 203, Tờ bản đồ số 12, diện tích 127,3m2 tại khối 7, phường L, thành phố H.
Chị C3 có chồng là anh Thiều Văn C1 và có 02 con chung là cháu Thiều Thụy Thùy T7, và cháu Thiều Đỗ Gia H4.
Năm 2011, anh C1 về sửa lại nhà và làm thủ tục khai nhận thừa kế cho hai cháu T7 và cháu H4 đối với di sản của bà T5 để lại, nhưng ông Đỗ Quang V ngăn cản không cho sửa và khai nhận thừa kế cho hai cháu.
Vì vậy, anh C1 khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế tài sản của bà T5 và công nhận hai cháu T7 và H4 được hưởng toàn bộ di sản do bà T5 để lại.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm nhận định: cháu T7 và cháu H4 được quyền thừa kế đối với di sản bà T5 để lại gồm: Thửa đất số 203, diện tích 127,3m2 tại khối 7, phường L, thành phố H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC188680 ngày 01/8/2005 mang tên Đỗ Thị T5; nhà và các tài sản khác gắn liền với đất.
Tòa án phúc thẩm nhận định: bà T5 nhận chị C3 làm con nuôi nhưng không thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía gia đình bị đơn thừa nhận chị C3 được bà T5 nhận nuôi năm 1979. Quá trình nuôi dưỡng, gia đình có hỗ trợ kinh phí để bà T5 chăm sóc, nuôi dưỡng chị C3 đến tuổi trưởng thành. Khi chị C3 đi học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, bà T5 bỏ tiền nuôi ăn học và có sự hỗ trợ kinh phí từ phía gia đình bị đơn (BL06, 65, 186). Mối quan hệ mẹ nuôi, con nuôi giữa bà T5 và chị C3 tồn tại trên thực tế. Do đó, theo điểm a Điều 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì trường hợp bà T5 nhận nuôi chị C3 là con nuôi thực tế. Năm 2002, chị C3 kết hôn với anh C1 và vợ chồng có hai con chung là cháu T7 và cháu H4. Chị C3 (chết năm 2007) và bà T5 (chết năm 2009) đều không để lại di chúc, nên hai cháu T7 và H4 được thừa kế thế vị di sản của bà T5.
Có thể thấy, trong trường hợp này chị C3 được xác định là con nuôi của bà T5 nên các con T7 và H4 được thế vị chị C3 (chết trước bà T5) hưởng phần di sản của bà T5 là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành về thừa kế thế vị còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, cụ thể nếu trong tình huống trên, chị C3 có con nuôi thì người con nuôi của chị C3 liệu có được thế vị để hưởng di sản của người mẹ nuôi không?
1.3. Kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay, có một số quan điểm khác nhau về “yếu tố con nuôi trong thừa kế thế vị”. Theo quan điểm của Phạm Văn Tuyết và Lê Kim Giang, “việc thế vị là mối liên hệ giữa hai bên, một bên được gọi là người được thế vị (gồm cha hoặc mẹ đẻ), một bên được gọi là người thế vị (gồm các con đẻ), tức là giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ)”[2]. Còn theo quan điểm của Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ cũng cho rằng, thừa kế thế vị xuất hiện “giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ)[3], tức là “yếu tố con nuôi trong thừa kế thế vị” không xuất hiện thừa kế thế vị vì “con nuôi của một người không đương nhiên trở thành cháu nuôi của người khác”.
Tác giả cho rằng, theo quy định tại Điều 653 Bộ luât Dân sự (BLDS) thì con của người con nuôi vẫn được thừa kế thế vị khi người con nuôi đó chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người cha nuôi, mẹ nuôi của người con nuôi đó. Con nuôi của người con nuôi đó cũng được thế vị để hưởng di sản của người nhận nuôi cha nuôi, mẹ nuôi của mình, do Điều 651 và Điều 652 BLDS chỉ quy định là “con”, mà không xác định rõ là con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, giữa con nuôi của người con nuôi và người nhận nuôi (cha nuôi, mẹ nuôi của người đó) mặc dù không có bất kỳ mối quan hệ huyết thống, nhưng có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, và “thừa kế thế vị là con hoặc cháu thay thế vị trí của cha, mẹ hoặc ông, bà để hưởng thừa kế” nên theo các quy định trên thì con (con đẻ, con nuôi) của người con nuôi đó vẫn được hưởng thừa kế thế vị khi cha nuôi, mẹ nuôi của người con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người nhận nuôi (cha nuôi, mẹ nuôi của người đó).
Do đó, vấn đề “con nuôi của người con nuôi” có được hưởng thừa kế thế vị hay là chỉ con đẻ, nên dựa trên nguyên tắc thừa kế là bảo đảm “quyền thừa kế”[4] và “quyền bình đẳng về thừa kế”[5]. Vì vậy, để có cách hiểu thống nhất, cần quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được hưởng di sản thừa kế của nhau theo Điều 651 của BLDS. Trong trường hợp người con nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì chỉ có con đẻ, con nuôi của người con nuôi được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 BLDS”.
2. Các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con riêng với bố dượng, mẹ kế
2.1. Các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con riêng với bố dượng, mẹ kế
Để xác định một quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế thì việc đầu tiên phải xác định quan hệ vợ chồng giữa cha ruột với mẹ kế hoặc giữa mẹ ruột với bố dượng, bởi vì đây là mốc xác định quan hệ con riêng với bố dượng, mẹ kế được xác lập. BLDS quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế như sau: Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 về thừa kế thế vị và Điều 653 về người thừa kế theo pháp luật của Bộ luật này và theo Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng; theo đó: 1. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 69, 71 và 72 của Luật này; 2. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này.
Theo các quy định trên thì về nguyên tắc, con riêng với bố dượng, con riêng với mẹ kế không được hưởng di sản thừa kế của nhau. Nhưng nếu bố dượng, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng và coi các con như các con của mình thì bố dượng, mẹ kế được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của người con đó. Khi con riêng chăm sóc nuôi dưỡng và coi bố dượng, mẹ kế như bố mẹ của mình thì người con riêng được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của bố dượng, mẹ kế khi họ chết. Có thể thấy, trong thừa kế thế vị thì điều kiện để con riêng có được thế vị bố dượng, mẹ kế hay không là phải chứng minh được sự “chăm sóc, nuôi dưỡng nhau”, tức là phải bảo đảm được sự qua lại giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế trong quan hệ nuôi dưỡng.
Nhìn chung, chế định quan hệ thừa kế thế vị có yếu tố con riêng với bố dượng, mẹ kế được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, khi xem xét đến quan hệ thế vị, thì sự “chăm sóc, nuôi dưỡng nhau” phải bảo đảm được sự qua lại giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế chưa hoàn toàn phù hợp khi chỉ xác định việc tồn tại của quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Chẳng hạn:
- Chăm sóc, nuôi dưỡng thế nào được xem là cha con, mẹ con? Theo tác giả thì xét mức độ chăm sóc để xem là cha con, mẹ con là không có sự phân biệt đối xử giữa con riêng của vợ, của chồng với các con chung của họ. Bố dượng, mẹ kế coi con riêng của vợ, của chồng như con ruột của mình và không dừng lại ở mặt hình thức mà thể hiện được trên thực tế nghĩa vụ: yêu thương, nuôi dưỡng, giáo dục các con, chăm lo việc học tập và phát triển lành mạnh của con về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
- Nếu quan hệ nuôi dưỡng chỉ xuất phát từ một bên thì có xem là cha con, mẹ con không? Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì việc “chăm sóc, nuôi dưỡng nhau” phải bảo đảm được sự  qua lại giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế. Tuy nhiên, theo tác giả, con riêng chỉ cần chứng minh có sự chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế mà không cần chứng minh ngược lại, là bố dượng, mẹ kế có chăm sóc, nuôi dưỡng họ; bởi vì, theo Điều 591 BLDS thì người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định[6]. Theo quy định này thì người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bồi thường nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, tức là chỉ cần chứng minh người được nhận khoản tiền bồi thường có nuôi dưỡng mà không cần chứng minh người bị thiệt hại đã từng nuôi dưỡng người được nhận khoản tiền bồi thường.
- Việc chứng minh có quan hệ chăm sóc thì chứng minh thế nào nếu trường hợp người con riêng không sống chung nhưng sống gần nhà hoặc đi làm xa nhưng có gửi tiền chu cấp, lo thuốc thang khi đau yếu thì có được xem là chăm sóc, nuôi dưỡng không? Pháp luật chưa quy định cụ thể vấn đề này, nhưng theo tác giả, mặc dù không sống chung do hoàn cảnh cá nhân, công việc nhưng luôn quan tâm chu cấp cho bố dượng, mẹ kế trong sinh hoạt hàng ngày và lo thuốc thang khi đau yếu vẫn được xem là chăm sóc, nuôi dưỡng, vì thực tế ngay cả con ruột vẫn xảy ra trường hợp này.
- Thời gian chăm sóc nuôi dưỡng bao lâu mới được thừa kế di sản? Hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn vấn đề này; theo tác giả, cần có quy định của pháp luật cụ thể khoảng thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng hay thời điểm chăm sóc, nuôi dưỡng. Chẳng hạn, nếu con riêng thực sự yêu thương, quan tâm bố dượng, mẹ kế tận tình nhưng chỉ vài tháng trước khi bố dượng, mẹ kế chết thì con riêng có được thừa kế thế vị hay không. Hay con riêng đã chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế trong một thời gian dài nhưng vì công việc, cuộc sống cá nhân không còn sống chung để chăm sóc, nuôi dưỡng thì sau khi bố dượng, mẹ kế chết có được thừa kế thế vị, hoặc nếu có hai người con riêng đã chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế nhưng người con riêng thứ nhất chăm sóc một thời gian, sau đó để cho người con riêng thứ hai chăm sóc thì trong trường hợp này người con riêng nào được thừa kế thế vị hay cả hai.
Pháp luật dân sự quy định trường hợp con riêng được thừa kế thế vị bố dượng, mẹ kế chỉ dừng lại ở quy định chung chung, khi xác định dựa trên “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” mà chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, việc thừa nhận quyền thừa kế của con riêng cho thấy, đây là một quy định mang tính nhân văn, có giá trị giáo dục sâu sắc nhằm bảo vệ quyền lợi của họ với nhau, dù rằng không cùng dòng máu nhưng họ đã yêu thương, chăm sóc như những người ruột thịt nên không thể tước quyền thừa kế của họ với nhau. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, khuyến khích họ yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau, tránh trường hợp “con anh, con tôi”.
2.2. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thừa kế thế vị có yếu tố con riêng với bố dượng, mẹ kế
Theo quy định của pháp luật thừa kế thì “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế” nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị. Tức là, nếu con riêng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế thì vừa được hưởng thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế vừa được hưởng thừa kế đối với cha mẹ đẻ, ông bà nội ngoại, các cụ nội ngoại… của người này qua đời, và đồng thời được hưởng thừa kế thế vị nếu con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha, mẹ chắt được hưởng nếu còn sống.
Ví dụ như vụ án “Tranh chấp thừa kế” của TAND huyện Đông Anh – Tp. Hà Nội giữa nguyên đơn là Đàm Văn V và bị đơn là Đàm Thị T[7]. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996 có vợ cả là cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1921 chết, năm 2008; Cụ C1 và cụ B1 khi chết đều không để lại di chúc và không có con chung.
Cụ C1 có vợ hai là cụ Nguyễn Thị B, sinh năm 1928, chết năm 2016 và có 3 người con chung là: Đàm Thị T, sinh năm 1959; Đàm Văn V, sinh năm 1963 và Đàm Văn C, sinh năm 1963. Ngoài ra, cụ Nguyễn Thị B còn có một người con riêng là Nguyễn Văn N sinh năm 1959.
Bà Đàm Thị T và ông Đàm Văn V tuy là con của cụ B và cụ C1, nhưng từ lúc còn nhỏ đã sống chung cùng một nhà và được cụ C1 và cụ B1 chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp. Ông C ở với cụ B tại nhà khác, nhưng vẫn cùng một thửa đất; khi cụ B1 chết, bà T, ông V đều cùng có trách nhiệm chung lo tang ma, do đó có căn cứ để xác định giữa cụ B1 bà T, ông V có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 654 BLDS, “con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau...” nên xác định bà T và ông V được hưởng thừa kế của cụ B1.
Có thể thấy, theo quy định tại Điều 654 BLDS, cụ B1 và ông V, bà T đều có quyền được hưởng thừa kế di sản của nhau. Do đó, giả sử trong trường hợp bà T, ông V chết thì các con (con nuôi, con đẻ) của bà T, ông V đều được thừa kế thế vị theo Điều 652 BLDS. Tuy nhiên, nếu trường hợp này xảy ra thì sẽ xuất hiện một số vướng mắc. Cụ thể:
Thứ nhất, để được thừa kế di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế phát sinh dựa trên cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con, mẹ con. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là “nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con, mẹ con và như thế nào thì được coi là như cha con, mẹ con? Mức độ nuôi thế nào? Thời gian bao lâu? Chỉ có quan hệ một chiều một bên chăm sóc, nuôi dưỡng, bên kia khi lớn lên không chăm sóc, nuôi dưỡng lại có được hưởng thừa kế không? Ngược lại, vì người con riêng đã trưởng thành, nên bố dượng, mẹ kế không phải chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng người con này lớn lên đi làm có điều kiện, nên có chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế. Họ có được hưởng thừa kế không? Nếu họ đi làm xa, thỉnh thoảng chỉ gửi tiền về cho bố dượng, mẹ kế, vậy có coi là đã chăm sóc, nuôi dưỡng hay không?”.
Thứ hai, có thể nói việc thừa nhận quyền thừa kế thế vị của con riêng là điều rất hợp lý và thể hiện được tính nhân văn cao, góp phần tạo lập mối quan hệ gắn kết giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế. Bởi vì, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, nghĩa vụ và quyền giáo dục con theo quy định của pháp luật; Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, nghĩa vụ và quyền giáo dục con theo quy định của pháp luật[8]. Vì vậy, khi giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con và người con riêng đã thể hiện được nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ, thì theo quy định của pháp luật họ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau. Tuy nhiên, trong hàng thừa kế thứ nhất chỉ liệt kê con đẻ hoặc con nuôi, chứ không có sự xuất hiện của con riêng nên sẽ không xuất hiện trường hợp thừa kế thế vị mặc dù giữa họ có phát sinh quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc.
Hay một trường hợp khác là vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” của TAND tỉnh Tây Ninh giữa nguyên đơn gồm ông Trần Văn M, ông Trần Văn L, ông Trần Văn H, bà Trần Kim N và bị đơn là Nguyễn Kim T[9].Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nội dung vụ án như sau: Cụ Trần Văn S (chết năm 2008) và cụ Trần Thị E (chết năm 2005), có 04 người con chung gồm: ông Trần Văn M, ông Trần Văn L, ông Trần Văn Đ, bà Trần Kim N, và bà NLQ1 (là con riêng của cụ E và bị tâm thần, được cụ Trần Văn S chăm sóc, nuôi dưỡng từ nhỏ). Bà NLQ1 có con ruột là chị Lâm Ngọc Y.
Trong vụ án này, bà NLQ1 là con riêng của cụ Trần Thị E và từ nhỏ lại được cụ Trần Văn S và cụ Trần Thị E chăm sóc, nuôi dưỡng thì có xuất hiện “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế” theo Điều 654 BLDS hay không? Vì theo Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình thì bốdượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng xuất hiện “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế khi bố dượng, mẹ kế chăm sóc nuôi dưỡng và coi như các con của mình; bố dượng, mẹ kế được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của người con đó; khi con riêng chăm sóc nuôi dưỡng và coi bố dượng, mẹ kế như bố mẹ của mình thì người con riêng được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của bố dượng, mẹ kế khi họ chết”. Tuy nhiên, bà NLQ1 bị tâm thần (không thể chăm sóc được cho cụ Trần Văn S) nên “quyền, nghĩa vụ của bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng” chỉ xuất phát từ một bên. Do đó, giả sử nếu trường hợp bà NLQ1 chết trước cáccụ Trần Văn S và cụ Trần Thị E, thì con ruột bà NLQ1 là chị Lâm Ngọc Y có được thừa kế thế vị để hưởng di sản của cụ Trần Văn S và cụ Trần Thị E?
2.3. Kiến nghị hoàn thiện
Theo Đỗ Văn Đại, “thừa kế thế vị có yếu tố con riêng với cha dượng, mẹ kế là trường hợp đặc thù của đối tượng trong hàng thừa kế, nên xem xét họ là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bởi lúc này là họ nhận di sản từ chính cha dượng, mẹ kế nên chỉ cần họ có chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì việc thừa kế sẽ được thực hiện như những trường hợp bình thường. Đây cũng là giải pháp trong thực tiễn xét xử và hoàn toàn hợp lý: nên coi họ như con đẻ, con nuôi của người chết, do đó họ được hưởng thừa kế của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất”[10]. Tác giả đồng ý với quan điểm trên, và kiến nghị giải pháp chung trường hợp con riêng với cha dượng, mẹ kế là: thừa nhận họ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất trong trường hợp con riêng với cha dượng, mẹ kế giữa họ có xuất hiện quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con từ một phía hoặc từ cả hai phía (tức là trong trường hợp này có thể xem con riêng cũng giống như trường hợp con nuôi) và con hoặc cháu của người con riêng đó còn được thừa kế tài sản theo quy định tại Điều 652 của BLDS.
Bên cạnh đó, cần xem xét việc dẫn chiếu điều luật rườm rà, có thể gây nhầm lẫn trong việc hiểu và áp dụng pháp luật. Cụ thể: Điều 654 BLDS quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế thế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của BLDS”; Điều 653 BLDS lại quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của BLDS. Có thể thấy, Điều 654 BLDS dẫn chiếu đến Điều 652 và Điều 653 BLDS; Điều 653 BLDS lại dẫn chiếu Điều 651 và Điều 652 BLDS; Điều 654 BLDS đã có dẫn chiếu đến Điều 652, nhưng Điều 653 lại tiếp tục dẫn chiếu đến Điều 652. Do đó, theo tác giả, Điều 654 BLDS nên quy định: Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế thế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật Dân sự./. 


[1] Bản án số 69/2018/DS-PT ngày 09/3/2018 về việc Yêu công nhận quyền thừa kế và tranh chấp di sản thừa kế của TAND cấp cao tại Hà Nội.
[2] Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 323.
[3] Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Công an nhân dân, tr. 1011.
[4] Điều 609 BLDS.
[5] Điều 610 BLDS.
[6] Khoản 2 Điều 591 BLDS.
[7] Bản án 07/2018/DS-ST ngày 26-29/03/2018 về “tranh chấp thừa kế” của TAND huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
[8] Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình.
[9] Bản án số 126/2018/DS-PT ngày 10/7/2018 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản” của TAND tỉnh Tây Ninh
[10] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, (Bản án và bình luận bản án) - Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 465.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (465), tháng 9/2022.)