Pháp luật Cộng hòa Pháp về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan đến động sản: quyền cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu và giá trị tham khảo cho Việt Nam

14/10/2022

VIỆN SĨ. PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắtTrong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối vật có đối tượng là động sản, có hai biện pháp đáng chú ý, đó là quyền cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu. Thực tiễn ghi nhận việc thực hiện các biện pháp này khá phổ biến, nhất là liên quan đến các tài sản như ô tô, xe máy, nhưng pháp luật hiên hành chưa quy định chặt chẽ và khó áp dụng. Việc tìm hiểu kỹ nội dung của các chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này trong pháp luật của Cộng hòa Pháp sẽ giúp ích cho việc hoàn thiện các chế định tương ứng trong pháp luật Việt Nam.   
Từ khoá: Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, động sản, quyền cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu.
Abstract: Among the secured transactions relating to chattels acknowledged in French law, there are two remarkable institutions deserving attention of law makers and law researchers in Vietnam: retention right and reservation of title. The reason is that in the current Vietnamese law, these transactions are not strictly regulated and difficult to apply; A thorough study of these institutions in French law will be helpful to the Vietnamese law makers and law researchers for the improvement of the corresponding regulation in Vietnam.
Keywords: Secured transaction; chattels; retention right; reservation of title.
CẦM-GIỮ-Ô-TÔ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan
Trong pháp luật của Cộng hòa Pháp, các biện pháp bảo đảm đối vật[1] có đối tượng là động sản được chia thành hai nhóm, tuỳ theo tài sản bảo đảm được hay không được bên bảo đảm nắm giữ trong thời gian có hiệu lực của biện pháp bảo đảm.
            Trong trường hợp bên bảo đảm không nắm giữ tài sản bảo đảm, thì thông thường, người nắm giữ tài sản là bên nhận bảo đảm. Cầm cố tài sản là ví dụ điển hình về bảo đảm nghĩa vụ bằng động sản mà bên nhận cầm cố giữ tài sản. Cũng có những trường hợp bên nhận cầm cố không giữ tài sản mà thoả thuận với bên cầm cố về việc giao tài sản cho người thứ ba nắm giữ trong thời gian cầm cố. Do tài sản không được bên bảo đảm nắm giữ mà bên nhận bảo đảm có thể yên tâm về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: nếu nợ được bảo đảm không được trả, thì tài sản bảo đảm ở trong tình trạng sẵn sàng để được xử lý; bên bảo đảm không có điều kiện để gây khó khăn cho bên nhận bảo đảm.  
Trong trường hợp bên bảo đảm vẫn nắm giữ tài sản, thì vẫn sử dụng tài sản trong những điều kiện bình thường, thậm chí có thể định đoạt tài sản. Về phần mình, bên nhận bảo đảm có quyền đối với giá trị của tài sản. Tuy nhiên, để quyền này được thực hiện một cách có hiệu quả, thì phải xây dựng được khung pháp lý cho phép giải quyết được hai vấn đề: một mặt, phải làm thế nào để quyền này được mọi người biết đến; mặt khác, người có quyền phải nắm trong tay một công cụ gì đó cho phép ngăn cản việc chuyển dịch tuỳ tiện quyền sở hữu đối với tài sản mà không tôn trọng quyền của mình. Chẳng hạn, bên nhận cầm cố đối với ô tô giữ các giấy tờ đăng ký hành chính và do đó có điều kiện theo dõi, giám sát các giao dịch liên quan đến tài sản tại cơ quan hành chính liên quan, ngăn chặn hành vi gian lận.   
Trong các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng động sản, có hai biện pháp đáng chú ý đối với người làm luật và người nghiên cứu luật ở Việt Nam. Đó là quyền cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu. Lý do của sự chú ý là trong pháp luật Việt Nam hiện hành, các biện pháp này chưa được quy định chặt chẽ và khó áp dụng; trong khi đó, thực tiễn ghi nhận việc thực hiện các biện pháp này khá phổ biến, nhất là liên quan đến các tài sản như ô tô, xe máy,… Việc tìm hiểu kỹ nội dung của các chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này trong pháp luật của Cộng hòa Pháp sẽ giúp người làm luật và người nghiên cứu luật ở Việt nam rút ra những kinh nghiệm có ích cho việc hoàn thiện các chế định tương ứng trong pháp luật Việt Nam.   
2. Quyền cầm giữ
2.1. Tổng quan
- Khái niệm
Không có định nghĩa chính thức: Luật viết của Cộng hòa Pháp không xây dựng một bộ quy tắc rõ ràng để điều chỉnh quyền cầm giữ và do đó, không có định nghĩa chính thức về quyền cầm giữ. Đối với người làm luật, quyền cầm giữ là quyền phát sinh trong khuôn khổ hiệu lực của một số giao dịch đặc thù. Người làm luật đặt cho quyền này một cái tên (droit de rétention) và mô tả nội dung của quyền này trong những trường hợp cụ thể, đặc thù mà quyền này phát sinh.
Khi tiến hành cải cách hệ thống các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ cách nay hơn 10 năm, người làm luật hoàn thiện một bước khung pháp lý về quyền cầm giữ thông qua viêc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan; đặc biệt, tại Điều 2286 Bộ luật Dân sự, danh sách các chủ nợ có quyền cầm giữ bao gồm: 1. Người được giao nắm giữ tài sản cho đến khi nợ đối với người đó được trả đủ[2]; 2. Người mà nợ đối với người đó phát sinh từ một hợp đồng mà theo hợp đồng đó người này có nghĩa vụ giao tài sản mình đang nắm giữ[3]; 3. Người mà nợ đối với người đó phát sinh từ việc cầm giữ tài sản[4]; 4. Người nhận cầm cố mà không nắm giữ tài sản về phương diện vật chất[5].   
Học thuyết pháp lý: Theo quan niệm được chấp nhận rộng rãi[6], quyền cầm giữ là quyền giữ lại một tài sản mà người cầm giữ có nghĩa vụ giao trả. Lý do khiến người cầm giữ từ chối giao trả tài sản, đồng thời được pháp luật thừa nhận có quyền làm việc đó, là bởi chủ sở hữu tài sản không thực hiện nghĩa vụ của người này đối với mình. Ví dụ điển hình là trường hợp cầm giữ ô tô của chủ ga ra sửa xe: chủ xe không trả tiền sửa chữa xe; chủ ga ra không giao trả xe đã sửa xong như một cách phản ứng tự bảo vệ quyền chính đáng của mình.  
- Đặc điểm
Biện pháp bảo đảm đặc thù: Quyền cầm giữ cho phép người có quyền được sử dụng tài sản cầm giữ như một thứ con tin nhằm gây sức ép đối với người mắc nợ (phải trả nợ thì việc cầm giữ mới được giải toả; chừng nào nợ chưa được trả thì tài sản còn bị cầm giữ). Thật ra, bên cầm giữ có nghĩa vụ giao trả tài sản; nhưng trong hoàn cảnh đặc thù, bên cầm giữ được pháp luật cho phép trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, với lý do chính đáng là nghĩa vụ đối với mình chưa được thực hiện. Tuy nhiên, khác với biện pháp bảo đảm thông thường, quyền cầm giữ không bao hàm quyền xử lý tài sản, cũng không cho bên cầm giữ được ưu tiên thanh toán một khi tài sản được xử lý. 
Biện pháp bảo đảm mang tính cơ hội và không bền vững: Có lợi thế trong việc đòi nợ so với các chủ nợ khác của cùng một người mắc nợ, nhưng chủ nợ cầm giữ tài sản chỉ duy trì được lợi thế đó chừng nào còn nắm giữ tài sản. Nếu bên cầm giữ tự nguyện từ bỏ việc nắm giữ tài sản; ví dụ, bằng cách giao trả tài sản cho chủ sở hữu, thì quyền cầm giữ cũng chấm dứt và bên cầm giữ trở về dưới sự chi phối của luật chung về đòi nợ. Quyền cầm giữ cũng biến mất trong trường hợp tài sản bị mất hoặc bi huỷ hoại.
Dẫu sao, quyền cầm giữ vẫn được thừa nhận là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thậm chí, được coi là biện pháp bảo đảm đối vật. Lý do chính là quyền này được pháp luật thừa nhận; tất cả mọi người phải tôn trọng. Pháp luật của Cộng hòa Pháp còn quy định trong trường hợp chủ sở hữu bị phá sản và tài sản cầm giữ cần được xử lý trong khuôn khổ thủ tục phá sản, thì bên cầm giữ có quyền từ chối giao tài sản cho thanh toán viên cho đến khi nhận được tiền thanh toán đối với món nợ được bảo đảm[7].  
- Đối tượng của quyền cầm giữ
Tất cả các loại tài sản cầm giữ được:Thời cổ, quyền cầm giữ chỉ được thừa nhận đối với các tài sản hữu hình. Cái tên của quyền đủ để giải thích điều này. Ngày nay, sự phát triển của quan hệ tài sản cho phép hình dung khả năng thực hiện quyền cầm giữ đối với tất cả các loại tài sản. Tư tưởng chủ đạo là một khi chủ nợ ở trong tư thế cho phép cản trở một cách hợp pháp việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, thì quyền cầm giữ được thừa nhận cho người này. Ví dụ, trong trường hợp tài khoản chứng khoán được cầm cố và pháp luật cho phép bên nhận cầm cố yêu cầu ngân hàng phong toả tài khoản một khi nợ được bảo đảm đã đến hạn mà không được trả, thì có thể nói rằng việc phong toả tài khoản là sự thể hiện quyền cầm giữ của chủ nợ nhận cầm cố.  
2.2. Xác lập quyền cầm giữ
- Điều kiện liên quan đến việc cầm giữ
Nguyên tắc cầm giữ thực tại:Quyền cầm giữ chỉ được thừa nhận cho chủ nợ trong các trường hợp mà ở thời điểm quyền này phát sinh, chủ nợ đang nắm giữ tài sản về phương diện vật chất và việc nắm giữ tài sản hoàn toàn có căn cứ, hợp lệ. Ví dụ, chủ nợ nhận cầm cố đang giữ tài sản cầm cố ở thời điểm nợ được bảo đảm đến hạn đòi. Sự nắm giữ có thể được chủ nợ tự mình thực hiện hoặc được một người khác thực hiện dưới sự quản lý của chủ nợ. 
Trường hợp cầm cố mà không giao tài sản: khái niệm nắm giữ ảo (détention fictive). Pháp luật của Cộng hòa Pháp thừa nhận việc xác lập quan hệ cầm cố cả trong trường hợp bên cầm cố không giao tài sản cho bên nhận cầm cố hoặc bên thứ ba. Ví dụ điển hình là trường hợp cầm cố ô tô: chủ nợ nhận cầm cố vẫn để lại tài sản cầm cố cho bên cầm cố sử dụng. Có thể nhận thấy ngay vấn đề đối với chủ nợ là làm thế nào để quản lý được tài sản, ít nhất là về mặt pháp lý, với mục đích ngăn chặn việc đưa tài sản vào các giao dịch có thể gây khó khăn cho chủ nợ khi cần xử lý tài sản sau này. 
Có trường hợp chủ nợ không cầm giữ thực tại, nhưng bất kỳ ai quan tâm đến việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đều được dẫn dắt theo quy trình xử lý tài sản đến chỗ gặp gỡ chủ nợ này. Lý do là chủ nợ giữ một vai trò mang ý nghĩa quyết định đối với việc chuyển quyền sở hữu tài sản, hoặc ít nhất là đối với việc công bố để công khai việc chuyển quyền sở hữu. Bởi vậy, học thuyết pháp lý gọi chủ nợ này là “người cầm giữ ảo” (détenteur fictif). Người cầm giữ ảo không phải là chủ sở hữu tài sản, và do đó không có quyền gì có tác dụng gây cản trở việc chuyển quyền sở hữu tài sản; nhưng người này có khả năng gây khó khăn cho chủ sở hữu trong việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản. 
Ví dụ điển hình là việc người nhận cầm cố một tài sản có đăng ký, thay vì giữ tài sản, chỉ giữ các giấy tờ hành chính do cơ quan đăng ký cấp cho chủ sở hữu[8]: trong trường hợp muốn mua tài sản, người định mua phải quan tâm đến việc thực hiện thủ tục đăng ký, nghĩa là quan tâm đến việc giữ các giấy tờ cần thiết phải xuất trình khi tiến hành thủ tục đó; chủ nợ đang giữ giấy tờ có quyền từ chối giao giấy tờ cho đến khi nợ được trả đủ. 
Pháp luật có thể có những quy định có tác dụng hỗ trợ cho việc cầm giữ ảo. Ví dụ, từ năm 2008, việc cầm cố ô tô ở Cộng hòa Pháp phải được ghi nhận bằng văn bản hợp đồng; để việc cầm cố có hiệu lực đối kháng với người thứ ba, phải khai báo việc cầm cố với toà thị chính nơi cấp thẻ đăng ký phương tiện. Toà thị chính cấp cho chủ nợ một biên nhận về việc tiếp nhận tờ khai và biên nhận này có ý nghĩa thừa nhận rằng chủ nợ đang nắm giữ tài sản (dù thật ra chủ nợ không nắm giữ về mặt vật chất).  
- Điều kiện liên quan đến nợ được bảo đảm
Nợ chắc chắn, tính được thành tiền và đến hạn đòi: Học thuyết pháp lý của Cộng hòa Pháp cho rằng, quyền cầm giữ chỉ được thừa nhận để bảo đảm việc trả những món nợ chắc chắn, tính được thành tiền và đến hạn đòi.
Nợ chắc chắn được hiểu là nợ có thật và chính đáng. Án lệ Pháp cho rằng, không thể được coi là nợ chính đáng một khi nợ phát sinh do chủ ga ra sửa xe đã tự ý thực hiện những hoạt động sửa chữa ngoài danh mục đã thoả thuận mà không được sự đồng ý trước của chủ xe, dẫn đến việc gia tăng chi phí đáng kể. Do nợ không được coi là chính đáng mà chủ ga ra không được thừa nhận có quyền cầm giữ xe trong trường hợp chủ xe không chịu thanh toán các khoản chi phí ngoài thoả thuận.
Nợ tính được thành tiền là nợ có thể được thanh toán bằng cách trả một số tiền được xác định. Hoạ sĩ cam kết thực hiện bức tranh chân dung của khách và, để thực hiện công việc, hoạ sĩ bày bố các công cụ tại nhà của khách. Do hoạ sĩ không thực hiện công việc đúng cam kết, khách cầm giữ công cụ, không chịu giao trả. Việc cầm giữ trong trường hợp này là không hợp lệ do nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản bị cầm giữ không tính được thành tiền. Tuy nhiên, đòi hỏi nợ được tính thành tiền không nhất thiết có nghĩa là số tiền nợ phải được xác định ngay tại thời điểm cần thực hiện quyền cầm giữ. Điều quan trọng là nợ có thật (nghĩa là được định tính); còn việc xác định giá trị của món nợ (định lượng) có thể cần có thời gian[9].
Nợ đến hạn đòi là nợ đã đến thời điểm mà bên mắc nợ phải thực hiện nghĩa vụ và bên chủ nợ có quyền yêu cầu bên mắc nợ thực hiện nghĩa vụ. Trên nguyên tắc, quyền cầm giữ chỉ phát sinh một khi nợ đến hạn đòi. Tuy nhiên, án lệ Pháp cũng thừa nhận quyền cầm giữ cho chủ nợ trong trường hợp nợ đến hạn, nhưng người mắc nợ được toà án cho hưởng sự gia hạn thực hiện nghĩa vụ.   
- Điều kiện về mối quan hệ giữa việc nắm giữ và nợ được bảo đảm
Liên hệ có thật: Tư tưởng chủ đạo là quyền cầm giữ tài sản chỉ nhằm bảo đảm cho những nghĩa vụ có mối quan hệ liên kết với việc nắm giữ tài sản. Không thể thừa nhận cho chủ ga ra quyền cầm giữ xe ô tô như một cách gây sức ép để chủ sở hữu xe phải thanh toán số nợ phát sinh từ một hợp đồng vận chuyển trước đó. Thậm chí, không thể cầm giữ tài sản ký gửi để đòi bên ký gửi trả nợ tiền phí ký gửi lần trước mà chưa đòi được.
Thực tiễn ghi nhận mối quan hệ liên kết giữa quyền cầm giữ và nghĩa vụ được bảo đảm có thể được ghi nhận trong một trong ba dạng thức – quan hệ pháp lý, quan hệ vật chất và quan hệ kết ước.
Quan hệ pháp lý: Ví dụ điển hình về quan hệ pháp lý giữa quyền cầm giữ là nghĩa vụ được bảo đảm là quyền của chủ ga ra sửa chữa xe được cầm giữ chiếc ô tô được giao để sửa chữa. Hợp đồng dịch vụ sửa chữa tạo điều kiện cho chủ ga ra nắm giữ chiếc xe và việc thực hiện nghĩa vụ sửa chữa theo hợp đồng là căn cứ xác lập quyền đòi trả chi phí sửa chữa. Một cách tổng quát, một khi tài sản được chuyển giao cho một bên trong khuôn khổ thực hiện một giao dịch và cũng chính việc thực hiện giao dịch đó tạo ra quyền yêu cầu của bên nắm giữ tài sản đối với bên kia, thì quyền cầm giữ có điều kiện để phát sinh.
Quan hệ vật chất: Có trường hợp khi nắm giữ tài sản thì giữa bên nắm giữ tài sản và chủ sở hữu tài sản không có mối quan hệ pháp lý gì đặc biệt. Nhưng trong quá trình nắm giữ tài sản, bên nắm giữ thực hiện các công việc được cho là cần thiết để việc nắm giữ được suôn sẻ, nhất là để cho tài sản được an toàn. Các công việc này đòi hỏi chi phí; bên nắm giữ ứng trước và do đó có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả. Chừng nào chủ tài sản chưa hoàn trả chi phí, thì bên nắm giữ có quyển từ chối giao trả tài sản. Ví dụ điển hình là trường hợp người thực hiện công việc mà không có uỷ quyền, người có nghĩa vụ hoàn trả tài sản nắm giữ mà không có căn cứ pháp luật.
Quan hệ kết ước: Ví dụ điển hình nhất về quyền cầm giữ phát sinh từ quan hệ kết ước là quyền cầm giữ của chủ nhận cầm cố; theo đó, bên cầm cố giao tài sản cho bên nhận cầm cố một cách tự nguyện và các bên coi việc bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản như là cách nhắc nhở bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải quan tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ một cách nghiêm chỉnh.
- Điều kiện về thái độ của bên cầm giữ
Trung thực và ngay tình. Quyền cầm giữ chỉ được thừa nhận cho bên nắm giữ tài sản một khi bên này tỏ ra trung thực và ngay tình. Bên cung ứng dịch vụ trong một hợp đồng dịch vụ dọn nhà không có quyền giữ tài sản được bên thuê dọn nhà giao để đòi tiền công trong trường hợp bên thuê dịch vụ đã đóng đủ số tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chi trả, đồng thời bên thuê dịch vụ cần số tài sản đó để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống[10]. Tuy nhiên, một nhà thầu biết rõ đang nhận thầu xây dựng trên đất của người khác vẫn có quyền cầm giữ vật liệu xây dựng để đòi bên chủ đầu tư trả tiền công[11]. Nói rõ hơn, sự ngay tình chỉ được đòi hỏi trong quan hệ giữa bên cầm giữ và bên có nghĩa vụ được bảo đảm.  
2.3. Hiệu lực
Giữ, bảo quản tài sản và chấm hết:Bên cầm giữ không có bất kỳ quyền gì đối với tài sản ngoài quyền nắm giữ tài sản. Tất nhiên, do tài sản không phải của mình, bên cầm giữ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản.
Điều chắc chắn là bên cầm giữ có quyền từ chối giao trả tài sản chừng nào chưa có ai trả nợ cho mình. Quyền cầm giữ có hiệu lực đối với toàn bộ tài sản và không suy giảm theo tiến độ trả nợ (cho dù nợ chỉ còn một phần nhỏ chưa trả, bên cầm giữ vẫn giữ nguyên quyền cầm giữ đối với tài sản).
Quyền từ chối giao trả tài sản của bên cầm giữ có hiệu lực đối kháng với tất cả mọi người, từ chủ sở hữu, người thừa kế của chủ sở hữu đến chủ nợ của chủ sở hữu và tất cả những người thứ ba có quan tâm. Đặc biệt, trong trường hợp chủ sở hữu phá sản hoặc chủ nợ của chủ sở hữu có được bản án buộc chủ sở hữu tài sản bị cầm giữ trả nợ và có được lệnh kê biên, xử lý tài sản trong khuôn khổ thi hành án, thì bên cầm giữ phải tôn trọng quyền xử lý của cơ quan chức năng; nhưng đổi lại, bên cầm giữ được quyền chuyển quyền cầm giữ thành quyền đối với giá trị của tài sản cầm giữ.
Quyền đối với giá trị của tài sản cầm giữ: Trên nguyên tắc, bên cầm giữ chỉ có quyền cầm giữ tài sản trong tình trạng vốn có và không có quyền tự mình xử lý tài sản bằng cách đem bán đấu giá để nhận tiền thanh toán. Tuy nhiên, nếu tài sản được đem bán trong khuôn khổ thủ tục phá sản hoặc thủ tục thi hành án, thì quyền cầm giữ của chủ nợ đối với tài sản bằng hiện vật sẽ tự động được chuyển sang quyền được nhận tiền thanh toán từ giá bán tài sản.
Nói rõ hơn, một khi tài sản được xử lý theo thủ tục tư pháp và được đem bán, thì số tiền bán phải được ưu tiên trích để chi trả cho bên cầm giữ; số còn lại mới được dùng để trả cho các chủ nợ khác. Quyền đối với giá trị tài sản cầm giữ được thừa nhận cho bên cầm giữ là quyền giữ vị trí ưu tiên áp đảo tất cả các chủ nợ, kể cả chủ nợ có bảo đảm của chủ sở hữu tài sản.       
2.4. Chấm dứt
Các trường hợp chấm dứt: Quyền cầm giữ chấm dứt một khi nợ được bảo đảm chấm dứt. Quyền cầm giữ cũng chấm dứt trong trường hợp bên cầm giữ tự nguyện chấm dứt việc nắm giữ tài sản (bao gồm nắm giữ vật chất và nắm giữ ảo). Ví dụ, bên cầm giữ kiện ra toà yêu cầu buộc bên mắc nợ trả nợ và yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong toả tài sản cầm giữ (việc phong toả có tác dụng chấm dứt tình trạng nắm giữ thực tại của bên cầm giữ). Cần nhấn mạnh rằng, một khi chấm dứt, thì quyền cầm giữ không thể tái sinh để bảo đảm cùng một nghĩa vụ. Chủ ga ra đã từng cầm giữ chiếc ô tô để đòi tiền sửa chữa; sau đó chủ ga ra lại giao trả chiếc ô tô dù tiền sửa chữa xe chưa được trả đủ; ít lâu sau nữa, xe lại được đưa vào ga ra sửa chữa hư hỏng do nguyên nhân khác; chủ ga ra không được cầm giữ xe để đòi món nợ tiền sửa chữa xe chưa được trả đủ trước đây.   
3. Bảo lưu quyền sở hữu
3.1. Tổng quan
Khái niệm: Khác với quyền cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu được điều chỉnh trong pháp luật của Cộng hòa Pháp có một khung pháp lý riêng biệt, cũng như bằng các quy định nằm rải rác trong các văn bản luật, chủ yếu là Bộ luật Dân sự. Khung pháp lý riêng biệt được xây dựng trong Bộ luật Dân sự từ Điều 2367 đến Điều 2372. Luật không định nghĩa biện pháp bảo lưu quyền sở hữu mà chỉ mô tả tình huống trong đó biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được triển khai (Điều 2367). Các tình huống này có yếu tố giống nhau là có một giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản và bên chuyển quyền giao tài sản về mặt vật chất, nhưng hoãn việc chuyển quyền sở hữu cho đến khi bên nhận tài sản thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
Trong thực tiễn, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thường được xác lập trong hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần: điều khoản bảo lưu quyền sở hữu có nội dung là bên bán chỉ chuyển quyền sở hữu cho bên mua một khi bên mua trả đủ tiền mua tài sản.
Tài sản mà quyền sở hữu được bảo lưu: Trên nguyên tắc, bất kỳ tài sản nào cũng có thể là đối tượng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu (tài sản hữu hình hoặc vô hình; vật cùng loại hoặc vật đặc định; tài sản phải đăng ký hoặc không đăng ký).
3.2. Xác lập
Lập văn bản và xác định đối tượng: Pháp luật đòi hỏi việc bảo lưu phải được lập thành văn bản (Điều 2368), cho dù hợp đồng chuyển quyền sở hữu, theo quy định của pháp luật áp dụng đối với hợp đồng loại đó, không cần được lập thành văn bản.  
Tài sản đối tượng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu phải được xác định. Trong trường hợp đối tượng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu là vật cùng loại, ngoài việc được xác định rõ theo các tiêu chí áp dụng đối với vật cùng loại, còn phải được xác định về số lượng.    
3.3. Hiệu lực
Quyền đòi lại tài sản: Với việc bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lưu có quyền đòi lại tài sản một khi bên nhận tài sản không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, như trường hợp bên mua không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua tài sản.
Pháp luật của Cộng hòa Pháp quy định nếu bên bảo lưu quyền sở hữu thực hiện quyền đòi lại tài sản, thì giá trị của tài sản sẽ được trừ vào giá trị còn lại của khoản nợ được bảo đảm (Điều 2371). Ví dụ, A bán cho B một chiếc tủ lạnh với giá 20 triệu đồng với điều kiện trả dần và A được bảo lưu quyền sở hữu cho đến khi nhận đủ tiền mua tài sản; B trả được 10 triệu đồng rồi ngưng; A đòi lại tài sản; lúc được A nhận lại, tủ có giá trị còn lại là 10 triệu đồng. Trong trường hợp này, A không phải trả tiền lại cho B. Nếu giá trị còn lại của chiếc tủ lạnh là 12 triệu đồng, thì B nợ lại A 2 triệu đồng. Tất cả những điều này có nghĩa rằng số tiền 10 triệu đồng mà A đã trả được coi là tiền hao mòn giá trị tài sản do tài sản được bên mua sử dụng.
Hiệu lực của quyền đòi lại tài sản: Pháp luật của Cộng hòa Pháp đòi hỏi sự phân biệt giữa quyền đòi lại tài sản trong khuôn khổ bảo lưu quyền sở hữu và quyền kiện yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng[12]. Trong chừng mực nào đó, việc bên có quyền bảo lưu quyền sở hữu đòi lại tài sản chỉ được coi như một cách gây sức ép để bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Ngay cả trong trường hợp việc đòi lại tài sản được thực hiện thông qua một vụ kiện trước toà án và có bản án buộc bên mua trả lại tài sản, thì bên có quyền bảo lưu quyền sở hữu cũng chỉ nhận lại tài sản như một cách gây sức ép. Trong trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ, thì bên bán thực hiện các quyền được thừa nhận cho bên có quyền bảo lưu quyền sở hữu, như trừ giá trị còn lại của tài sản vào số nợ chưa trả,…  
Chịu rủi ro về tài sản: Pháp luật của Cộng hòa Pháp vẫn cho áp dụng nguyên tắc res perit domino (rủi ro về tài sản cho chủ sở hữu chịu) trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu. Nói cách khác, bên bảo lưu quyền sở hữu vẫn chịu rủi ro về tài sản dù tài sản đang được bên kia nắm giữ và có quyền sử dụng. Bởi vậy, thực tiễn thừa nhận rằng các bên có thể thoả thuận không áp dụng nguyên tắc res perit domino và bên nhận tài sản phải chịu rủi ro.   
4. Vận dụng kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp vào Việt Nam
4.1. Liên quan đến quyền cầm giữ
Mở rộng khái niệm cầm giữ: Trong pháp luật Việt Nam hiện hành, khái niệm cầm giữ được xây dựng với ý định áp dụng cho các tài sản hữu hình và cầm giữ được hiểu là nắm giữ vật lý. Pháp luật sử dụng các từ ngữ mô tả việc kiểm soát của bên cầm giữ đối với tài sản khiến người ta hình dung đến các trường hợp kiểm soát thực tại mang tính vật chất đối với tài sản: nắm giữ (Điều 346 Bộ luật Dân sự (BLDS)); chiếm giữ (khoản 2 Điều 347 BLDS); bảo quản, gìn giữ tài sản (khoản 3 Điều 348 BLDS). Với nội hàm cầm giữ được nhìn nhận như thế, thì phạm vi áp dụng của quyền cầm giữ sẽ rất hẹp. Đặc biệt, những trường hợp mà trong pháp luật của Cộng hòa Pháp gọi là “nắm giữ ảo” không được thừa nhận là những tình huống mà trong đó quyền cầm giữ có thể phát sinh.
Trong khi đó, thực tiễn ghi nhận rất nhiều trường hợp tài sản bảo đảm là động sản vẫn để lại cho bên bảo đảm giữ và được quyền sử dụng, khai thác bình thường. Pháp luật Việt Nam không gọi đó là cầm cố mà gọi là thế chấp (khoản 1 Điều 317 BLDS). Pháp luật Việt Nam hiện hành tổ chức hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm để biện pháp thế chấp có đối tượng là các tài sản loại này có hiệu lực đối kháng với người thứ ba (khoản 1 BLDS Điều 297). Tuy nhiên, hiện nay việc đăng ký thế chấp tàu bay, tàu biển được thực hiện tại cơ quan quản lý không chỉ việc đăng ký giao dịch bảo đảm mà cả việc đăng ký chuyển quyền sở hữu[13]. Giải pháp này cho phép ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản thế chấp thông qua các biện pháp cảnh báo đối với các bên liên quan khi cần thiết. Trong khi đó, việc thế chấp các tài sản khác được đăng ký tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tác dụng của việc đăng ký này, đặc biệt liên quan đến yêu cầu tạo thuận lợi cho việc thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm của chủ nợ có bảo đảm, là không rõ.  
Để tránh rủi ro khi cần xử lý tài sản trong điều kiện hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm đối với động sản không tạo ra được hiệu quả đối kháng thiết thực, những biện pháp đặc thù thường được chọn: giữ giấy tờ đăng ký (chẳng hạn, trong trường hợp thế chấp xe máy); thường xuyên kiểm tra sổ sách kế toán (như trường hợp thế chấp kho hàng);... Những biện pháp này chỉ mang tính đối phó, tự bảo vệ. Cần có giải pháp thật sự chính quy và áp dụng được trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Ví dụ, đối với các tài sản phải đăng ký mà không phải là máy bay, tàu biển, thì việc đăng ký chuyển dịch quyền sở hữu chỉ được cơ quan có thẩm quyền thực hiện một khi có xác nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, và trong trường hợp tài sản được thế chấp, thì phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp để việc đăng ký chuyển dịch tài sản được thực hiện.  
Cân nhắc trường hợp tài sản cầm giữ chịu lệnh kê biên: Luật viết hiện hành không dự kiến trường hợp tài sản được cầm giữ chịu một lệnh kê biên, phong toả hoặc được xử lý trong khuôn khổ thủ tục thi hành án. Trong khi đó, thực tiễn ghi nhận rất nhiều trường hợp bên có nghĩa vụ được bảo đảm có nghĩa vụ với nhiều người và một hoặc nhiều chủ nợ. Một trong các chủ nợ đến hạn kiện yêu cầu toà án buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ, và có được bản án cần thiết, sau đó tiến hành các thủ tục thi hành án, dẫn đến việc kê biên tài sản của bên phải thi hành án, bao gồm tài sản đang được cầm giữ. Có thể nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp: trong trường hợp tài sản cầm giữ bị kê biên, xử lý trong khuôn khổ thi hành án, thì bên cầm giữ phải hợp tác. Đổi lại, bên cầm giữ được quyền ưu tiên lấy trước khoản nợ đối với mình từ số tiền bán tài sản.      
4.2. Liên quan đến bảo lưu quyền sở hữu
Phạm vi áp dụng: BLDS xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu: “Trong hợp đồng mua bán,…” (khoản 1 Điều 331). Bởi vậy, việc bảo lưu quyền sở hữu, như là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ được áp dụng cho hợp đồng mua bán. Mặt khác, theo khoản 1 Điều 453 BLDS: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Như vậy, chỉ cần các bên thoả thuận về việc bán trả chậm, trả dần là biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được tự động “kích hoạt” và vận hành theo luật chung mà không cần có thoả thuận đặc biệt giữa các bên. Nếu không muốn sự vận hành tự động của cơ chế bảo đảm này, thì các bên phải có thoả thuận khác.   
Đối tượng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu: Về mặt lý thuyết, việc bảo lưu quyền sở hữu có thể được xác lập với tất cả các loại tài sản - động sản hay bất động sản; tài sản có đăng ký hay tài sản không đăng ký; tài sản hữu hình hay tài sản vô hình. Tuy nhiên, câu chữ của BLDS cho thấy người làm luật chỉ thật sự quan tâm đến việc bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình. Cụ thể, Điều 322 có quy định trong trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì bên bán lấy lại tài sản và “hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng”.
Có những tài sản vô hình mà việc bảo lưu quyền sở hữu hoàn toàn khả thi, điển hình là các quyền sở hữu công nghiệp có đăng ký. Có thể thừa nhận rằng, quy định của Điều 322 chỉ nhấn mạnh trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hữu hình, chứ không có tác dụng giới hạn phạm vi đối tượng áp dụng của biện pháp bảo đảm này.
Trong lĩnh vực thương mại, có thể hình dung việc bảo lưu quyền sở hữu đối hàng hàng hoá, nguyên liệu để trong kho hàng. Việc bảo lưu có tác dụng bảo đảm quyền sở hữu của bên nhận bảo đảm đối với một số lượng tài sản cùng loại. Trong trường hợp bên mua không trả đủ tiền mua tài sản, thì bên bán có quyền đòi lại số tài sản cùng loại được dùng để bảo đảm nghĩa vụ mà bên mua đang nắm giữ.     
Trái lại, trong lĩnh vực dân sự, việc bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản cùng loại là điều không có ý nghĩa, bởi thông thường, một khi mua tài sản cùng loại, thì người mua tiêu dùng tài sản đó và nếu người mua không trả tiền mua thì cũng không có tài sản cùng loại khác để trả lại cho người bán. Thậm chí, việc bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản đặc định nhưng không thuộc loại phải đăng ký, cũng có thể tạo nhiều rủi ro cho bên nhận bảo đảm: bên bảo đảm có thể bán tài sản cho người khác mà bên nhận bảo đảm không hay biết; khi bên nhận bảo đảm đã biết và tài sản đã được chuyển giao cho bên mua, thì bên mua được hưởng sự bảo vệ của pháp luật dành cho người thứ ba ngay tình, và bên nhận bảo đảm không thể đòi lại tài sản bằng hiện vật.     
Cần chú ý rằng, “bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký” (khoản 3 Điều 331 BLDS). Nhưng việc đăng ký được ghi nhận tại điều luật có đối tượng là biện pháp bảo đảm chứ không phải là tài sản. Việc đăng ký được thực hiện tại nơi được luật quy định, nghĩa là tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Thực hiện quyền đòi lại tài sản: Theo Điều 322 BLDS, “trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thoả thuận, thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng”. Có thể suy đoán, người làm luật thiên về bảo vệ quyền lợi của bên mua nhiều hơn bên bán. Nếu bên mua không thật sự có ý định mua tài sản, thì sẽ tìm cách dây dưa không trả đủ tiền, đồng thời sẽ sử dụng tài sản một cách tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm và bên bán sẽ gánh chịu hậu quả.
Bởi vậy, nên quy định rằng phần chênh lệch giữa giá trị tài sản lúc bán và giá trị còn lại của tài sản là phần nợ mà bên mua phải trả cho bên bán: nếu phần này nhỏ hơn số tiền bên mua đã thực trả, thì bên bán hoàn lại cho bên mua phần sai biệt đó; ngược lại, nếu phần này lớn hơn số tiền bên mua đã trả cho bên bán, thì bên bán có quyền đòi bên mua phải trả cho đủ./.  

 


[1] Pháp luật của Cộng hòa Pháp phân chia các biện pháp bảo đảm thành hai nhóm – bảo đảm đối vật và bảo đảm đối nhân. Biện pháp bảo đảm đối vật có tác dụng thừa nhận cho bên nhận bảo đảm quyền trực tiếp trên giá trị của tài sản bảo đảm; ví dụ điển hình là biện pháp cầm cố tài sản. Biện pháp bảo đảm đối nhân có tác dụng thừa nhận cho bên nhận bảo đảm quyền yêu cầu bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo đảm; ví dụ điển hình là biện pháp bảo lãnh. Xem, ví dụ: Ph. Simler và Ph. Delebecque (2009), Droit civil. Les sûretés. La publicité foncière, Dalloz, Paris, tr. 12 và kế tiếp.
[2] Ví dụ: tài sản cầm cố được giao cho chủ nợ nhận cầm cố để bảo đảm việc trả nợ vay; chủ nợ có quyền cầm giữ tài sản chừng nào nợ vay chưa được trả đủ.
[3] Ví dụ: trong hợp đồng mua bán, người bán có trách nhiệm giao tài sản bán cho người mua. Tuy nhiên, chừng nào người mua chưa trả đủ tiền, thì người bán có quyền cầm giữ, chưa giao tài sản, dù có thể theo pháp luật hoặc theo thoả thuận, quyền sở hữu đối với tài sản bán đã được xác lập cho người mua.
[4] Ví dụ: người bắt được gia súc bị thất lạc, tự bỏ tiền để nuôi dưỡng trong thời gian chờ đợi chủ sở hữu đến nhận, có quyền từ chối giao trả chừng nào chủ sở hữu chưa thanh toán chi phí nuôi giữ.  
[5] Trong pháp luật của Cộng hòa Pháp, có những trường hợp tài sản là động sản được cầm cố nhưng chủ nợ không giữ tài sản trong thời gian cầm cố, vì nhiều lý do. Chẳng hạn, ô tô được cầm cố nhưng vẫn để lại cho chủ sở hữu sử dụng. Pháp luật Việt Nam gọi trường hợp này là thế chấp.
Về bản chất của quyền cầm giữ trong trường hợp chủ nợ nhận cầm cố mà không giữ tài sản: xem tiếp mục 2.2.  
[6] Xem N. Catala (1967), De la nature juridique du droit de rétention, Revue trimetrielle de droit civil, p. 9; F. Perochon (1999), Le droit de rétention, accessoire de la créance, Mélanges Cabillac, Litec, Paris, p. 379; Ph. Simler, Ph. Delebecque (2009), Droit civil. Les sûretés. La publicité foncière, Dalloz, Paris, p.507.
[7] Điều L. 642 – 25 Bộ luật Thương mại Pháp.
[8] Có một thời ở Cộng hòa Pháp, khi cầm cố ô tô, bên cầm cố giao cho bên nhận cầm cố thẻ đăng ký phương tiện đi lại được toà thị chính cấp. Việc chủ nợ nắm giữ giấy tờ sẽ khiến cho người nhận chuyển nhượng gặp trở ngại khi đăng ký hành chính dưới tên mình: Ph. Simler, Ph. Delebecque (2009), Droit civil. Les sûretés. La publicité foncière, Dalloz, Paris, p. 638.  
Thẻ đăng ký lưu hành phương tiện đi lại như ô tô, mô tô, trong ngôn ngữ thông dụng ở Pháp gọi là thẻ xám (carte grise) do có màu xám tro. Ngoài ra, còn có thẻ xanh (carte verte), do thẻ có màu xanh lá cây, là thẻ bảo hiểm tai nạn giao thông do công ty bảo hiểm cấp. Người Việt chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp gọi thẻ đăng ký này là “cạc vẹc” hay “cà vẹc”, một kiểu phát âm từ ngữ tiếng Pháp theo cách của người Việt. Thật ra thẻ xanh không phải là thẻ đăng ký phương tiện. 
[9] Xem Bản án ngày 12/3/1985 của Toà dân sự 3 thuộc Toà phá án, Bulletin civil, III, số 50. 
[10] Bản án Toà thượng thẩm Aix ngày 03/12/1975, Bulletin Aix, số 332. 
[11] Ph. Simler, Ph. Delebecque (2009), Droit civil. Les sûretés. La publicité foncière, Dalloz, Paris, p. 518.
[12] Pháp luật của Cộng hòa Pháp, khác với pháp luật Việt Nam, không trao quyền huỷ bỏ hợp đồng cho bên giao kết hợp đồng: muốn huỷ bỏ hợp đồng, bên giao kết phải kiện ra toà án yêu cầu ra bản án huỷ bỏ hợp đồng. Pháp luật Việt Nam lại thừa nhận bên giao kết có quyền tự mình huỷ bỏ hợp đồng một khi có đủ điều kiện luật định; bên kia có thể kiện ra Toà án yêu cầu vô hiệu hoá việc huỷ bỏ hợp đồng: xem Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh – Nguyễn Ngọc Điện (2022), Giáo trình Luật dân sự - Tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tái bản lần thứ 8, tr.341.  
[13] Theo Luật Hàng không dân dụng, việc thế chấp tàu bay được đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay (khoản 1 Điều 32); Sổ này cũng ghi nhận việc đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay (Điều 30). Theo Bộ luật Hàng hải, việc thế chấp tàu biển được đăng ký tại Sổ đăng ký tàu biển quốc gia (Điều 39); Sổ này cũng ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu tàu biển (khoản 2 Điều 36).    

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (465), tháng 8/2022.)