Pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ và gợi mở cho Việt Nam

17/08/2022

THS. NCS. ĐỖ NGỌC TÚ

Viện Nghiên cứu lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,

TS. TRẦN THỊ HẢI YẾN

Học viện Hành chính quốc gia, Bộ Nội vụ.

Tóm tắt: Hoa Kỳ là quốc gia đã có hệ thống pháp luật về từ thiện bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào hoạt động từ thiện một cách trung thực, công bằng và độc lập, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát chặt chẽ. Dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ, các tác giả đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam.
Từ khoá: Từ thiện, pháp luật về từ thiện, Hoa Kỳ.
Abstract: The United States of America is a country with a legal system on philanthropy that ensures the implementation of the rights and obligations of subjects participating in philanthropy activities in the manners of honesty, fairness, independence, publicity, transparency and accountability under tight controlling ground. Based on the studies of the experience of the United States of America in development and improvements of the law on philanthropy, the authors give out a number of recommendations for Vietnam.
Keywords:  Philanthropy; law on philanthropy; United States of America.
 TỪ-THIỆN_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Hoa Kỳ được coi là một trong những quốc gia “hào phóng” nhất trên thế giới[1], có truyền thống thực hiện hoạt động từ thiện trách nhiệm, hiệu quả, minh bạch. Hoạt động từ thiện trong khu vực công và khu vực tư của các cá nhân và tổ chức được điều chỉnh bởi Hiến pháp, Luật Các tổ chức từ thiện, Luật Tổ chức phi lợi nhuận, Bộ luật Thuế, Đạo luật về cứu trợ kinh tế, Đạo luật về giám sát người được uỷ thác và người gây quỹ cho các hoạt động từ thiện, Bộ luật Công ty, Bộ luật Dân sự…
1. Quan niệm pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ
Thuật ngữ “từ thiện” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại, theo nghĩa là “tình yêu thương nhân loại”[2], tức là những nỗ lực tích cực nhằm thúc đẩy phúc lợi của con người. Từ thiện được định nghĩa là bất kỳ hành động cho đi nào nhằm cải thiện cuộc sống của người khác hoặc xã hội nói chung(bao gồm cả động vật và môi trường)[3]. “Từ thiện” theo tiếng Anh có thể hiểu là: (1) cứu trợ (charity); (2) từ thiện (philanthropy). Hoạt động cứu trợ (charity) của các cá nhân, tổ chức thường gắn với những việc khẩn cấp, những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh…, mang tính chất thời sự, cấp bách, ngắn hạn. Còn từ thiện (philanthropy) thường được hiểu dưới góc độ là “phòng bệnh”, mang tính chất ổn định, lâu dài và phát triển bền vững.
Từ thiện là hành vi nhân từ, thể hiện dưới hình thức các hành động từ thiện. Những hành động này thường là: (1) cho (hoặc tặng) tiền hoặc tài sản, và (2) tình nguyện dành thời gian và sự trợ giúp mà không phải trả tiền. Hoạt động từ thiện không chỉ xuất phát từ đạo đức và bổn phận, mà còn chính từ sự tồn tại kéo dài của bất bình đẳng về thu nhập và của cải cũng dẫn đến việc những người giàu tự nguyện hỗ trợ người nghèo[4].
Pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ là hệ thống các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội về hoạt động từ thiện, bao gồm: thiết lập các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện, quản lý hoạt động từ thiện, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện, khen thưởng, kỷ luật, kiểm soát vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình, và các vấn đề khác trong hoạt động từ thiện, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hạnh phúc và sự phát triển bền vững của xã hội.
Pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ có ba mục tiêu chính: (1) Thay đổi, có nghĩa là các nền tảng tìm cách thúc đẩy các thay đổi cấu trúc và cải cách của các hệ thống hiện có, hoặc bằng cách giúp tạo ra những hệ thống mới; giúp đưa ra tiếng nói, thúc đẩy sự thừa nhận các nhu cầu mới và tìm kiếm sự trao quyền cho những người bị đẩy ra “bên lề xã hội”. Ví dụ, các quỹ đóng vai trò thay đổi chính sách nếu chúng hỗ trợ công tác vận động để thay đổi chính sách công xung quanh vấn đề vô gia cư; (2) Bảo vệ, đề cập đến tổ chức có mục tiêu là bảo vệ các cộng đồng hoặc tập quán nhất định, bảo vệ giá trị truyền thống hoặc tác phẩm nghệ thuật và tìm cách duy trì hiện trạng. Ví dụ, một tổ chức tìm cách bảo vệ các đồ vật nghệ thuật trong vùng chiến sự khỏi bị cướp phá; (3) Cứu trợ, là để giảm bớt đau khổ và đáp ứng các nhu cầu, thường bằng cách cung cấp chỗ ở hoặc thuốc men, cho người đói ăn hoặc giúp đỡ các gia đình gặp nạn[5].
Chủ thể pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ rất đa dạng, có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, bao gồm các công ty, hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn, công ty tư nhân, tổ chức gia đình, cơ sở cộng đồng, tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo dục, những chuyên gia, cố vấn gây quỹ từ thiện, các cá nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật. Như vậy, các nhà từ thiện bao gồm bất kỳ ai, cống kiến bất cứ thứ gì như thời gian, tiền bạc, kinh nghiệm, kỹ năng để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, các quỹ từ thiện đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, quan hệ quốc tế, thư viện công cộng, tôn giáo, các phong trào xã hội, và cải cách môi trường. Hình thức thực hiện hoạt động từ thiện đa dạng, bằng quà tặng, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, quyên góp bằng hiện vật, phát triển cộng đồng, lập kế hoạch chiến lược.
2. Các nguyên tắc pháp luật về từ thiện của Hoa Kỳ
Thứ nhất, bảo đảm tính trung thực, công bằng và độc lập
Khi thực hiện hoạt động từ thiện, các tổ chức từ thiện công cộng và các tổ chức từ thiện tư cần bảm đảo các tiêu chuẩn cao nhất về tính trung thực, công bằng và độc lập. Các cá nhân, tổ chức từ thiện cần thực hiện hoạt động từ thiện với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng, xã hội chứ không phải vì lợi ích của cá nhân hay chính các tổ chức từ thiện.
Thứ hai, bảo đảm tính công khai, minh bạch
Công khai thông tin trên các kênh thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật cho cộng đồng và những người có liên quan đến dự án từ thiện được biết. Các cơ quan quản lý như Ủy ban từ thiện hoặc cơ quan thuế, cũng như Tòa án thường có trách nhiệm và quyền hạn để giám sát việc thực thi điều khoản của một dự án từ thiện lâu dài, mặc dù những cơ quan này cũng thường có khả năng hạn chế trong việc cải cách các dự án vì lợi ích công cộng[6]. Các tổ chức từ thiện công cộng và tổ chức từ thiện tư phải có trách nhiệm minh bạch, thực hiện cam kết cải thiện cộng đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện. Các chủ thể khi thực hiện từ thiện thường được uỷ thác bằng hình thức quyên góp và tài trợ. Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ theo quy định của pháp luật liên bang và pháp luật của các tiểu bang cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo hàng năm với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Chính phủ liên bang và Chính phủ tiểu bang. Mặc dù các tổ chức phi lợi nhuận không phải nộp thuế nhưng họ vẫn phải nộp bản khai báo thông tin cho cơ quan thuế mỗi năm.
Thứ tư, bảo đảm trách nhiệm giải trình trong hoạt động từ thiện
Thực hiện trách nhiệm giải trình là hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức từ thiện. Một trong những đòi hỏi cao hơn, đó là trách nhiệm giải trình có liên quan đến việc đánh giá sự khách quan, tính hiệu quả, bảo đảm các thứ tự ưu tiên trong chương trình, ra quyết định về từ thiện của các tổ chức từ thiện công cộng và tổ chức từ thiện tư.
Thứ năm, bảo đảm sự kiểm soát trong hoạt động từ thiện
Các tổ chức từ thiện cần bảo đảm sự kiểm soát của Toà án, Cơ quan lập pháp, tổ chức tài trợ, cộng đồng. Các tổ chức từ thiện được ưu đãi cũng phải chịu sự giám sát của các Tòa án tiểu bang.
3. Nội dung cơ bản của pháp luật về từ thiện Hoa Kỳ
-Điều kiện thành lập các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ
Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ bao gồm các tổ chức từ thiện công cộng và các tổ chức từ thiện tư nhân. Các tổ chức từ thiện đều có mục tiêu chung vì lợi ích công cộng; tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của tổ chức từ thiện công cộng và tổ chức từ thiện tư nhân là nguồn tài trợ và các hoạt động của các tổ chức.
Tổ chức từ thiện công cộng là các tổ chức gây quỹ và nhận đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau như Chính phủ, các tổ chức và xã hội. Các quỹ từ thiện công thường bao gồm nhà thờ và bệnh viện, chủ yếu cung cấp các dịch vụ trực tiếp để liên tục gây quỹ và phân bổ quỹ cho các mục đích từ thiện.
Tổ chức từ thiện tư nhân là các tổ chức gây quỹ và nhận đóng góp từ nguồn tài trợ chính ở xã hội. Các quỹ từ thiện tư nhân thường chỉ có một nguồn tài trợ, như từ một gia đình, cá nhân hoặc một công ty. Các quỹ từ thiện tư nhân thực hiện tài trợ cho cá nhân hoặc tổ chức nhằm hỗ trợ đa dạng về mặt kỹ thuật và xây dựng năng lực.
Các tổ chức từ thiện tư nhân đều phải thực hiện quy định đăng ký với Chính phủ liên bang với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận hoặc một quỹ tư nhân và tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nhằm thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát đối với tài sản. Các tổ chức từ thiện cần phải chọn tên công ty hoặc tổ chức; dự thảo và trình các điều khoản với Bộ trưởng Ngoại giao, dự thảo các quy chế của công ty hoặc tổ chức; dự thảo một (Bản) hành động liêm chính và có chữ ký của các bên, nộp đơn tuyển dụng liên bang, tổ chức cuộc họp đầu tiên của các giám đốc, nộp một Tuyên bố Thông tin cho Bộ trưởng Ngoại giao, đăng ký với Cơ quan đăng ký quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật, xác định xem có bất kỳ giấy phép bổ sung nào không. Các tổ chức từ thiện tư nhân phải thực hiện việc đăng ký quy chế hoạt động phi lợi nhuận với chính quyền trước khi kêu gọi quỹ. Nhìn chung, các tổ chức từ thiện tư nhân phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt hơn so với các tổ chức từ thiện công cộng[7].
-Cách thức hoạt động của các tổ chức từ thiện
Các tổ chức từ thiện công phải đối mặt với áp lực quyên góp từ tư nhân và một tổ chức liên kết được coi là chiến lược để đạt được mục tiêu này. Do đó, một cơ quan dịch vụ xã hội phi lợi nhuận có thể tạo ra một nền tảng để giúp nó gây quỹ từ cộng đồng địa phương[8]. Nhìn chung, luật pháp các tiểu bang ở Hoa Kỳ nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức gây quỹ từ thiện sử dụng những thông tin, ký hiệu, hình ảnh gây nhầm lẫn, hiểu sai về đối tượng thụ hưởng, mục tiêu gây quỹ, hoặc bất cứ khía cạnh nào khác của hoạt động từ thiện. Pháp luật Hoa Kỳ cũng quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua hoạt động từ thiện. Các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này phải kiểm tra, xác minh chủ sở hữu các tài khoản thụ hưởng quyên góp trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền[9].
-Nghĩa vụ của các tổ chức từ thiện
Các tổ chức từ thiện có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có việc liệt kê các thông tin chi tiết về tổng số tài sản của tổ chức, nguồn gốc hình thành tài sản có được do các hoạt động gây quỹ và các hoạt động chi tiêu của tổ chức. Một số bang của Hoa Kỳ có quy định chặt chẽ hơn, đó là yêu cầu về báo cáo tài chính của các tổ chức từ thiện phải đi kèm với các loại báo cáo kiểm soát của một tổ chức kiểm toán độc lập, có giấy chứng nhận hoạt động hợp pháp. Các cá nhân, tổ chức Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực từ thiện nếu có nhiều hơn 10.000 USD trong các tài khoản ở nước ngoài thì buộc phải báo cáo thông tin về tài khoản này, trong đó nêu rõ số dư cao nhất trong năm, ngay cả khi tài khoản đã dừng hoạt động[10]. Đây là quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ, khoa học về mặt tài chính đối với các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động từ thiện.
-Quyền lợi của các tổ chức từ thiện
Tại Hoa Kỳ, chính quyền nhiều bang đã ban hành các quy định bảo đảm bình đẳng trong việc hỗ trợ tài chính cho các tổ chức từ thiện, cũng như tạo điều kiện phát triển đa dạng các nguồn tài trợ, trong đó có gói hỗ trợ tài chính từ chính quyền liên bang hoặc hỗ trợ, ưu đãi thuế[11].
Theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, các tổ chức từ thiện được kiểm soát bởi các tổ chức tôn giáo được miễn hầu hết các quy định mà Chính phủ liên bang và tiểu bang áp đặt đối với các tổ chức và các nhà cung cấp dịch vụ phi lợi nhuận. Miễn trừ tất cả các loại thuế liên bang cho các tổ chức phi lợi nhuận khi tài trợ cho các mục đích từ thiện, và không đánh thuế các khoản tài trợ của trường đại học công[12].
Theo điểm c khoản 3 Điều 501 Bộ luật Thuế của Hoa Kỳ được thông qua vào năm 2017, việc miễn thuế được áp dụng đối với tổ chức hoạt động riêng cho mục đích tôn giáo, từ thiện, khoa học, thử nghiệm vì mục đích an toàn công cộng, văn học hoặc giáo dục hoặc để bồi dưỡng nghiệp dư trong nước hoặc quốc tế thi đấu thể thao…, hoặc để ngăn chặn hành vi tàn ác đối với trẻ em hoặc động vật. Bộ luật Thuế xác định nhiều loại hình các tổ chức phi lợi nhuận mà không phải trả thuế thu nhập. Nếu một tổ chức đủ điều kiện để được miễn thuế, thì (a) điều lệ của tổ chức - nếu một công ty phi lợi nhuận - hoặc (b) công cụ ủy thác - nếu một quỹ tín thác - hoặc (c) các điều khoản của hiệp hội - nếu một hiệp hội - phải nêu rõ rằng không một phần tài sản nào của nó sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ người nào là thành viên, giám đốc, cán bộ hoặc đại lý. Ngoài ra, tổ chức phải có mục đích hợp pháp, từ thiện, tức là tổ chức phải được tạo ra để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, tôn giáo hoặc từ thiện. Tuy nhiên, chỉ có các tổ chức từ thiện có thể nhận được các nguồn đóng góp thì được khấu trừ thuế và tránh phải trả tài sản và thuế (đối với hoạt động) bán hàng. Bộ luật Thuế có lợi thế là một công cụ quản lý khuyến khích, ít can thiệp trực tiếp vào tính độc lập của tổ chức từ thiện.
Có sự khác nhau giữa tổ chức từ thiện công cộng và tổ chức từ thiện tư nhân, đó là tổ chức từ thiện tư nhân phải trả 5% tài sản của tổ chức mỗi năm, trong khi một tổ chức từ thiện công cộng không phải trả; các nhà tài trợ cho một tổ chức từ thiện công cộng nhận được lợi ích về thuế lớn hơn các nhà tài trợ cho một tổ chức từ thiện tư nhân; một tổ chức từ thiện công cộng phải có tổng nguồn thu từ công chúng đạt ít nhất 10% so với tổng chi phí hàng năm để được duy trì miễn thuế, trong khi tổ chức từ thiện tư thì không yêu cầu phải có nguồn thu này. Đối với cá nhân khi tham gia các hoạt động từ thiện được miễn trừ thuế[13].
Các hoạt động từ thiện của Hoa Kỳ, với các nhà từ thiện nổi tiếng thế giới như Gilded Age, John D. Rockefeller và Andrew Carnegie và xu hướng từ thiện “cho đi khi còn sống” có các hoạt động nổi bật. Ba tỷ phú người Mỹ là Bill Gates, Warren Buffett và George Sorros đã quyên góp hơn 30% giá trị tài sản ròng của họ. Người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates và vợ Melinda, đã tài trợ khoảng 27 tỷ USD. Warren Buffett, Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, một công ty tập đoàn đa quốc gia, đã quyên góp hơn 21,5 tỷ USD[14]. Năm 2014, có khoảng 80.000 cơ sở tư nhân, độc lập; 3.700 cơ sở tư nhân, hoạt động cung cấp các khoản tài trợ; khoảng 2.500 cơ sở doanh nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân thành lập; và 789 cơ sở cộng đồng[15].
Các khoản quyên góp cá nhân, quyên góp công ty, tài sản thừa kế và quyên góp quỹ, người Mỹ đã thu về mức kỷ lục 471,44 tỷ đô la vào năm 2020. Con số này tương đương hơn 1,29 tỷ đô la mỗi ngày. Bằng cách cộng số cá nhân và số yêu cầu, chúng tôi thấy rằng các cá nhân đã đóng góp khoảng 78% tổng số đô la được trao cho tổ chức từ thiện vào năm 2020[16].
Đối tượng nhận từ thiện theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ,
Untitled_1008.png
Danh mục người nhận từ thiện[17]
Đối tượng nhận từ thiện bao gồm tổ chức từ thiện tôn giáo (114,90 tỷ USD, tương đương 32%), tiếp theo là giáo dục (54,62 tỷ USD, 15%), dịch vụ nhân sinh (42,10 tỷ USD, 12%), và quà tặng cho các tổ chức (41,62 tỷ USD, 12%); y tế (30,37 tỷ USD, 8%); lợi ích cộng đồng ­(26,29 tỷ USD, 7%); nghệ thuật, văn hóa và nhân văn (17,23 tỷ USD, 5%); các vấn đề quốc tế (15,10 tỷ USD, 4%); môi trường/(bảo vệ) động vật (10,50 tỷ USD, 3%); và quà tặng cho các cá nhân chủ yếu vì lý do y tế (6,42 USD, 2%)[18]
4. Một số gợi mở cho Việt Nam
Việt Nam có truyền thống “lá lành đùm lá rách”; chính vì vậy, hoạt động từ thiện được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm ủng hộ và tham gia thực hiện. Nhà nước cần khuyến khích các loại hình hoạt động từ thiện, có tiềm năng lớn, đa dạng, linh hoạt và sáng tạo, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam ở những góc khuất và âm thầm nhất của đời sống. Còn về cách thức hoạt động, để tránh sự tự phát, kém bền vững, tiêu cực thì cần luật định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, hình thức hoạt động nhằm khuyến khích, bảo vệ, giám sát và hướng tới sự chuyên nghiệp[19].
Hoạt động từ thiện ở nước ta được điều chỉnh bởi các quy định có trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2015… Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có những quy định thể hiện chính sách pháp luật đầy tính nhân văn. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm 8 nhóm đối tượng cơ bản (Điều 2). Do đó, về chủ thể thực hiện hoạt động từ thiện của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP có nhiều hơn so với Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Đặc biệt, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP có điểm mới cho phép cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, hoạt động từ thiện ở nước ta vẫn còn một số vấn đề còn vướng mắc trong các quy định về nội dung chi hỗ trợ, như không rõ về hình thức hỗ trợ, Ban Cứu trợ sẽ tổ chức mua lương thực, quần áo, thuốc chữa bệnh... và cung cấp cho người bị thiệt hại hay hỗ trợ bằng tiền để người bị thiệt hại tự mua. Các nội dung chi hỗ trợ còn chung chung, chưa bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thực tiễn hiện nay (thiếu hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm xá, đường giao thông...). Mặt khác, chưa có nội dung chi hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch bệnh, sự cố. Đáng chú ý, quy định về công khai trong công tác vận động, tiếp nhận và phân phối, sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ vẫn tương đối chung chung, chưa cụ thể về nội dung, hình thức và thời gian công khai[20]. Do vậy, Việt Nam nên tham khảo, nghiên cứu các quy định của pháp luật về từ thiện ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ để xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về từ thiện, nhân đạo. Cụ thể là:
Thứ nhất, cần xây dựng Luật Tổ chức hoạt động từ thiện của Việt Nam nhằm bảo đảm các mục tiêu nhân đạo, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động từ thiện;
Thứ hai, cần quy định các hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tổ chức khi thực hiện hoạt động từ thiện một cách bài bản, chuyên nghiệp. Theo kinh nghiệm ở Hoa Kỳ, có cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo về hoạt động từ thiện hàng năm như “The Giving Institute”[21], từ đó nhằm tạo ra cơ chế động lực, khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện một cách tích cực, nhằm bảo đảm chỉ số hạnh phúc của con người.
Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện hoạt động từ thiện một cách thường xuyên và lâu dài, tức là không chỉ dừng ở việc cứu trợ khẩn cấp, mà còn bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững của con người.
Thứ tư, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động từ thiện của các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động từ thiện. Cần tạo ra hành lang pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với hoạt động từ thiện nhằm thiết lập các trật tự pháp luật hiệu quả, chất lượng./.

 


[1] Sintia Radu (2019), The World Most Generous Countries, US News, Retrieved 7/9/2020.
[3] What Is Philanthropy, https://info.cncf.ca,Retrieved 05/5/2022.
[4] Barman, E. (2017) The social bases of philanthropy. Annual Review of Sociology, vol. 43, pp. 271– 290.
[5] Hammack, D. C., Anheier, H.K. (2013), A versatile American institution: The changing ideals and realities of philanthropic foundations, Washington, DC: Brookings Institution Press.
[6] Chan, K. (2016), The Public-Private Nature of Charity Law, Oxford: Hart Publishing.
[7] Suzanne M Reisman (2020), Charitable organisations in the United States (New York): overview, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com.
[8] Smith, S. R. (2010), Hybridization and nonprofit organizations: The governance challenge, Policy and Society, vol. 29(3), pp. 219-229.
[9] Duy Anh (2021), Mỹ khuyến khích và quản lý người dân làm từ thiện như thế nào? https://zingnews.vn, truy cập ngày 4/5/2022.
[10] Duy Anh (2021), Mỹ khuyến khích và quản lý người dân làm từ thiện như thế nào? https://zingnews.vn, truy cập ngày 4/5/2022.
[11] Brennan, D. (2002), Charities and the Constitution: Evaluating the Role of Constitutional Principles in Determining the Scope of Tax Law’s Public Policy Limitation for Charities, Florida Tax Review, vol. 5(9): pp. 779–849.
[12] Krever, R. (1991), Tax Deductions for Charitable Donations: A Tax Expenditure Analysis, In Charities and Philanthropic Organisations: Reforming the Tax Subsidy and Regulatory Regimes, edited by R. Krever, and G. Kewley, Melbourne: Australian Tax Research Foundation, pp. 1-28.
[13] David C. HammackSteven Rathgeb Smith (2018), Foundations in the United States: Dimensions for International Comparison, American Behavioral Scientist, vol. 62(12) p. 1611.
[14] Loudenback, T., Martin, E. (2015), The 20 Most Generous People in the World, Business Insider. http://www.businessinsider.com/most-generous-people-in-the-world- 2015-10.
[15] Foundation Center (2014). Key facts on U.S. foundations, http://foundationcenter.org/gainknowledge/
research/keyfacts2014/foundationfocus.html.
[16] Giving USA (2021), Inside the number, https://blog.stelter.com, Retrieved 05/5/2022.
[17] Lilly Family School of Philanthropy at Indiana University (2015).
[18] The Giving Institute, 2015.
[19]Phạm Diệu (2021),Kiến nghị xây dựng Luật về hoạt động từ thiện, https://baophapluat.vn/kien-nghi-xay-dung-luat-ve-hoat-dong-tu-thien-post418769.html, truy cập ngày 05/5/2022.
[21] Một tổ chức được thành lập ở Hoa Kỳ từ năm 1935, có một trong những nhiệm vụ là hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động từ thiện. Xem https://www.givinginstitute.org/.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (460), tháng 6/2022.)