Tội rửa tiền trong pháp luật hình sự Anh

12/09/2022

TS. BÙI HỮU TOÀN

Học viện Ngân hàng.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định của pháp luật hình sự Anh về tội rửa tiền, chỉ ra những điểm hợp lý, những kinh nghiệm có giá trị, và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tội rửa tiền.
Từ khoá: Rửa tiền, tội rửa tiền, tài sản do phạm tội mà có, pháp luật hình sự.
Abstract: Within this article, the author provides presentions and analysis of the provisions of the criminal law on money laundering by the the United Kingdom, gives out reasonable provisions, valuable lessions learnt, and also a number of recommendations for further improvements of the legal regulations on money laundering of Vietnam.
Keywords: Money laundering; money laundering offence; property obtained by crime; criminal law.
RỬA-TIỀN_4.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tình hình rửa tiền ở Anh
“Rửa tiền” ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ của công nghệ, đã buộc nhiều nước trên thế giới phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Ban đầu, các quy định về phòng, chống rửa tiền được quy định tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Anh. Ví dụ, Luật Tư pháp hình sự năm 1988 (the Criminal Justice Act 1988) quy định về các tội phạm về rửa tiền. Tuy nhiên, đạo luật này không quy định về thu nhập phát sinh từ buôn bán, vận chuyển ma túy. Thu nhập phát sinh từ hành vi buôn bán ma túy được quy định trong Luật Buôn bán, vận chuyển ma túy năm 1994 (the Drug Trafficking Act 1994). Đến năm 2002, Luật Thu nhập do phạm tội mà có năm 2002 (Proceeds of Crime Act 2002 (POCA 2002)) được ban hành đã thống nhất các quy định về tội phạm rửa tiền. Từ lúc được ban hành cho đến nay, POCA 2002 đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Ví dụ, ban đầu POCA 2002 không có cơ chế phạm tội hai lần (double criminality defence). Nhưng sau đó, POCA 2002 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và cảnh sát năm 2005, bổ sung quy định về cơ chế phạm tội hai lần. Cơ chế này xuất phát từ thực tiễn một hành vi hợp pháp ở một nước khác nhưng lại có khả năng không hợp pháp theo pháp luật của Anh. Để nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố, Luật về tội phạm tài chính năm 2017 đã được ban hành, bổ sung thêm Điều 339ZB-339ZG vào POCA 2002. Theo đó, các ngân hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu sự kiểm soát đối với hành vi rửa tiền có thể tự nguyện chia sẻ thông tin cho nhau khi nghi ngờ có người thực hiện hành vi rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, hoặc khi phát hiện ra dấu hiệu của tài sản của khủng bố hay việc dịch chuyển hoặc sử dụng tài sản này.
Có thể nói, các quy định về phòng, chống rửa tiền của Anh tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống tội rửa tiền không phải là công việc dễ dàng. Bởi vì, hành vi rửa tiền được thực hiện rất tinh vi và xảo quyệt. Về cơ bản, quy trình rửa tiền được thực hiện qua ba công đoạn:
Công đoạn thứ nhất: Tài sản được chuyển từ nơi có được vào hệ thống tài chính hợp pháp. Ở công đoạn này, người phạm tội sẽ tìm các cách thức tinh vi để đưa tiền “bẩn” vào hệ thống tài chính mà không gây ra sự chú ý. Ví dụ: khoản tiền có thể được phân bổ ra cho nhiều người để thực hiện giao dịch chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Cũng có trường hợp, người phạm tội sử dụng tiền mặt do phạm tội mà có để mua tài sản, sau đó tài sản này được bán đi để lấy tiền (rất có thể người phạm tội sẽ không tham gia vào các giao dịch này mà để người thứ ba đứng tên tham gia giao dịch).
Công đoạn thứ hai: người phạm tội tìm mọi cách thức tinh vi để gây khó khăn cho việc tìm ra nguồn gốc của tài sản. Người phạm tội sẽ tổ chức thực hiện nhiều lớp giao dịch nhằm xóa mờ nguồn gốc của tài sản. Các giao dịch chuyển tiền ngân hàng được sử dụng phổ biến. Theo cách thức này, tiền được chuyển đi chuyển lại qua hàng loạt các tài khoản khác nhau để che đậy bản chất thực cũng như người sở hữu hưởng lợi của tài sản. Việc tìm ra nguồn gốc của tài sản và chủ sở hữu hưởng lợi của tài sản sẽ càng khó hơn khi người phạm tội tổ chức sử dụng các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới. Người phạm tội cũng có thể sử dụng các giao dịch xuất nhập khẩu để che giấu nguồn gốc của tài sản. Bên cạnh đó, ngân hàng nước ngoài, cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh,… cũng là những công cụ được các tổ chức tội phạm sử dụng để che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản.
Công đoạn 3: người phạm tội sẽ đưa tài sản vào sử dụng trong nền kinh tế một cách hợp pháp. Một cách phổ biến để đưa tài sản vào nền kinh tế một cách hợp pháp là hoạt động đầu tư và kinh doanh. Thông thường, các đối tượng sẽ ưu tiên thành lập các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập để triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh. Bởi vì, các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản, được độc lập tham gia các giao dịch, có hệ thống sổ sách kế toán,… Vì vậy, việc thành lập các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ giúp cho việc che đậy nguồn gốc tội phạm của tài sản dễ dàng hơn và ngược lại gây khó khăn cho công tác điều tra. Để ngăn ngừa tình trạng này, Anh đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có giải pháp buộc người sở hữu từ 25% vốn góp của công ty phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
Sự phát triển của thị trường bất động sản ở Anh cũng là môi trường thuận lợi cho hoạt động rửa tiền và gây khó khăn cho công tác điều tra hành vi rửa tiền. Thị trường bất động sản ở Anh hấp dẫn giới tội phạm vì tỷ suất lợi nhuận cao bởi phí cho thuê cũng như sự gia tăng giá trị của bất động sản. Hơn nữa, các quy định chặt chẽ bảo vệ chủ sở hữu tài sản cũng giúp cho giới tội phạm tránh được sự điều tra của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, giới tội phạm sử dụng các giao dịch thương mại của các doanh nghiệp để rửa tiền. Với cách thức này, giới tội phạm lợi dụng tư cách pháp nhân và chế độ trách nhiệm hữu hạn khi sử dụng các công ty để ngụy trang tài sản và quyền sở hữu cũng như lẩn tránh trách nhiệm pháp lý. Thông qua các giao dịch thương mại của các công ty, đồng tiền được “làm sạch” và đưa vào nền kinh tế. Trong các giao dịch thương mại, các đối tượng sử dụng các thủ thuật như ghi tăng hoặc giảm giá trị hàng hoá,dịch vụ so với thực tế và xuất nhiều hoá đơn cho một hàng hoá, dịch vụ (mỗi giao dịch sẽ có một lần xuất hoá đơn); ghi tăng hoặc giảm số lượng, và mô tả sai sự thật về hàng hoá, dịch vụ. Ngoài ra, các giao dịch liên quan đến dịch vụ và thông tin càng làm cho việc điều tra, phát hiện hành vi rửa tiền khó khăn. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ (tiền số, thương mại điện tử,…) càng làm cho hoạt động rửa tiền thuận lợi hơn và công tác điều tra hành vi rửa tiền gặp nhiều khó khăn.
2. Một số quy định của pháp luật hình sự Anh về tội rửa tiền
2.1. Khái niệm “Tội rửa tiền” và tài sản do phạm tội mà có
Khái niệm “Tội rửa tiền”: Tội rửa tiền được định nghĩa tại các Điều 327, 328 và 329 của POCA 2002. Theo các quy định này, hành vi rửa tiền bao gồm:
(1) Che giấu, ngụy trang, chuyển đổi, chuyển giao tài sản do phạm tội mà có; hoặc di dời tài sản do phạm tội mà có ra khỏi lãnh thổ Anh, xứ Wales, Scotland hoặc Bắc Ai len;
(2) Xác lập hoặc tham gia các giao dịch thâu tóm, giữ lại, sử dụng hoặc kiểm soát tài sản do phạm tội mà có; và
(3) Thâu tóm, sử dụng và chiếm hữu tài sản do phạm tội mà có.
Tài sản do phạm tội mà có: Pháp luật của Anh giải thích rõ thế nào là tài sản do phạm tội mà có. Theo đó, tài sản do phạm tội mà có được hiểu là:
“Tài sản được coi là tài sản do phạm tội mà có nếu:
(1) Tài sản này là khoản lợi của một người có được từ hành vi phạm tội hoặc là kết quả của khoản lợi này; và
(2) Bị can/bị cáo biết hoặc có nghi ngờ rằng tài sản là hoặc là kết quả của khoản lợi này.”[1]
Tài sản phải là tài sản do phạm tội mà có tại thời điểm thực hiện hành vi rửa tiền, nếu không hành vi này không được coi là hành vi rửa tiền. Các quy định từ khoản (5) đến (10) của Điều 340 POCA 2002 tiếp tục giải thích rõ hơn về tài sản do phạm tội mà có như sau:
(1) Một người được coi là có khoản lợi từ hành vi phạm tội nếu người này có được tài sản là kết quả của hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội;
(2) Nếu một người có được một khoản lợi về tài sản (a pecuniary advantage) phát sinh từ hoặc liên quan đến hành vi phạm tội, người này được coi là nhận được một khoản tiền phát sinh từ/hoặc liên quan đến hành vi phạm tội có giá trị tương đương với giá trị của khoản lợi đó.
Ngoài ra, POCA 2002 cũng giải thích rằng, một người được coi là có được tài sản khi mà người này có được các quyền, lợi ích trên tài sản đó.
Hiện nay, ở Việt Nam, Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 324 Bộ luật Hình sự[2] về tội rửa tiền (Nghị quyết số 03) đưa ra khái niệm về tiền, tài sản do phạm tội mà có như sau: “Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội”. Về cơ bản, cả pháp luật Anh và pháp luật Việt Nam đều giải thích rõ tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được từ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khái niệm tài sản trong POCA 2002 rộng hơn khái niệm tài sản do phạm tội mà có trong Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 03. Tài sản được giải thích trong Nghị quyết số 03 như sau:
“1. Tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.
2. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”.
Khái niệm tài sản được nêu trong Nghị quyết số 03 đề cập đến tài sản truyền thống; nhưng chưa đề cập đến những “tài sản phi truyền thống” (những lợi ích có giá trị kinh tế nhưng chưa được ghi nhận là tài sản trong Bộ luật Dân sự). Ví dụ: quyền sử dụng miễn phí dịch vụ làm đẹp trong 03 năm, quyền sử dụng phòng gym trong 03 năm liên tiếp. Ví dụ khác, chủ đầu tư một dự án bất động sản cam kết sẽ tặng cho một cán bộ nhà nước một căn hộ sau khi dự án hoàn thành, như vậy vị cán bộ này có một khoản lợi là được tặng một căn hộ ngoại giao sau khi dự án hoàn thành (khoản lợi này chưa được thừa nhận là tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam). Hoặc cán bộ nhà nước được doanh nghiệp hứa tặng 10.000 cổ phần. Như vậy, trong ví dụ này, cán bộ có được một khoản lợi là trong tương lai gần sẽ được doanh nghiệp tặng 10.000 cổ phần. Khoản lợi này cũng không được pháp luật dân sự Việt Nam coi là tài sản. Tiền mã hoá và nhiều tài sản mã hoá khác (ví dụ bitcoin, NFT,…) chưa được công nhận là tài sản theo pháp luật dân sự của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là các khoản lợi về tài sản có giá trị rất lớn.
Trong khi đó, pháp luật hình sự Anh lại tiếp cận tài sản do phạm tội mà có là một khoản lợi hoặc kết quả của khoản lợi có được từ hành vi phạm tội nguồn. Với cách tiếp cận, tài sản là một khoản lợi, Tòa án Anh dễ dàng giải thích tài sản do phạm tội mà có trong những trường hợp đặc thù. Ví dụ, trong vụ R v K, Tòa án Anh kết luận rằng, một người gian lận thuế có được một khoản lợi về tài sản từ hành vi phạm tội này. Khoản lợi này tương ứng với số tiền thuế mà người này gian lận[3].
Rõ ràng, trong thời đại số, khi mà có rất nhiều khoản lợi về tài sản được hình thành nhưng không nằm trong khái niệm tài sản truyền thống, thì việc giải thích tài sản do phạm tội mà có là một khoản lợi hoặc kết quả của khoản lợi có được từ hành vi phạm tội nguồn là cách tiếp cận hợp lý. Cách tiếp cận này sẽ không bị lạc hậu so với sự vận động không ngừng của thực tiễn sinh động.
2.2. Hành vi rửa tiền được thực hiện bởi người thứ ba[4]
Điều 328(1) POCA 2002 quy định hành vi của một người thứ ba (như ngân hàng, tổ chức tài chính,…) xác lập hoặc tham gia giao dịch mà người này biết hoặc nghi ngờ là được tiến hành để người khác thâu tóm, giữ lại, sử dụng hoặc kiểm soát tài sản do phạm tội mà có. Trong vụ K Ltd v National Westminster Bank plc, Tòa án Anh phân tích rằng:
“Không nghi ngờ gì nữa, nếu một cán bộ ngân hàng biết hoặc nghi ngờ rằng khoản tiền trong tài khoản của khách hàng là tài sản do phạm tội mà có, mà không báo cáo hoặc không được sự phê chuẩn (khi đã báo cáo), mà vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán séc cho khách hàng để chuyển khoản tiền đó vào tài khoản của người khác, trong trường hợp này, cán bộ ngân hàng đã hỗ trợ việc sử dụng hoặc kiểm soát tài sản do phạm tội mà có và như vậy hành vi cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 328 của Luật năm 2002”[5].
Tuy nhiên, trong vụ Bowman v Fels, Tòa phúc thẩm kết luận rằng việc luật sư thực hiện những hành vi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng không phải là hành vi tham gia giao dịch liên quan đến tài sản do phạm tội mà có[6].
Điều 329 của POCA 2002 quy định hành vi thâu tóm, sử dụng hoặc chiếm hữu tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, hành vi của người phạm tội thâu tóm, sử dụng và chiếm hữu khoản tiền có được từ hành vi phạm tội của mình cũng được coi là hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp thương nhân được thanh toán bằng tiền do phạm tội mà có cho hàng hoá hoặc dịch vụ tiêu dùng thông thường mặc dù thương nhân này biết hoặc nghi ngờ khoản tiền này do phạm tội mà có, thì hành vi này của thương nhân không được coi là phạm tội rửa tiền[7].
Vấn đề phức tạp trong các vụ án về tội rửa tiền được thực hiện bởi người thứ ba, đó là như thế nào được coi là “biết” hay “nghi ngờ”. Biết ở đây được hiểu là trên thực tế biết rằng một cái gì đó là sự thật. Tuy nhiên, để biết rằng một cái gì đó là sự thật là một vấn đề không dễ dàng, tòa án sẽ phải căn cứ vào các chứng cứ và hoàn cảnh khách quan của vụ việc để đưa ra kết luận. Trong khi đó giải thích thế nào là “nghi ngờ” thì lại có vẻ dễ dàng hơn so với giải thích thế nào là “biết”. Trong vụ R v Sally Lane and John Letts, Tòa án tối cao của Anh nhận định:
“Một sự thật rõ ràng rằng vì lý do hợp lý và khách quan cho sự nghi ngờ là đầy đủ, bị cáo/bị can có thể phạm tội mặc dù thực tế không biết hoặc trên thực tế không nghi ngờ rằng tiền sẽ được sử dụng cho khủng bố… Cần phải tập trung vào các thông tin mà bị can/bị cáo có được để xác định xem có lý do hợp lý và khách quan cho sự nghi ngờ hay không. Nếu khi bị can/bị cáo có được thông tin, bị can/bị cáo sẽ (không phải là có thể hay có khả năng) nghi ngờ rằng tiền có khả năng được sử dụng cho khủng bổ”[8].
Một điều đáng lưu ý là thông tin mà căn cứ vào đó chủ thể có cơ sở hợp lý để nghi ngờ là thông tin người này có được trong khi thực hiện công việc thuộc lĩnh vực chịu sự kiểm soát đối với hoạt động rửa tiền (ví dụ: lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán,…). Trong trường hợp này, bị can/bị cáo phải xác định được người bị nghi ngờ có hành vi rửa tiền hoặc là nơi của tài sản do phạm tội mà có, hoặc tin rằng hoặc đủ cơ sở hợp lý để bị can/bị cáo tin rằng thông tin sẽ hỗ trợ trong việc xác định người bị nghi ngờ có hành vi rửa tiền hoặc là nơi của tài sản do phạm tội mà có.[9]
Pháp luật hình sự của Việt Nam cũng giải thích thế nào là “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03 giải thích như sau:
“Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);
b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);
c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);
d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.
Nghị quyết số 03 sử dụng phương pháp liệt kê các trường hợp được coi là “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Cách tiếp cận này có điểm hợp lý là rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, điểm hạn chế là không thể lường hết được các trường hợp khách quan trong cuộc sống. Ví dụ, mặc dù thông tin chưa được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng theo thông tin nội bộ của ngân hàng, nhân viên ngân hàng có cơ sở để biết được khoản tiền có trong một tài khoản là số tiền do phạm tội mà có. Thông tin nội bộ của ngân hàng là thông tin có được từ nguồn đáng tin cậy (ví dụ: báo cáo của chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng về việc khoản tiền trong tài khoản là khoản tiền có được do thực hiện tội phạm nguồn ở nước ngoài – báo cáo này được dựa trên nguồn thông tin tin cậy và hợp pháp ở nơi xảy ra tội phạm nguồn). Như vậy, trong trường hợp này, nhân viên ngân hàng đủ cơ sở để biết rằng số tiền trong tài khoản này là do phạm tội mà có. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03 thì nếu như nhân viên ngân hàng vẫn cho thực hiện giao dịch chuyển số tiền này đi thì có khả năng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì không thuộc trường hợp “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Trong khi đó, cách giải thích của pháp luật hình sự Anh là theo phương pháp trừu tượng. Phương pháp trừu tượng có nhược điểm là không rõ ràng và cần sự giải thích của tòa án theo từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, phương pháp này lại có khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống khách quan.
2.3. Cơ chế báo cáo và chấp thuận giao dịch
Khi thực hiện các giao dịch mà người tham gia giao dịch có nghi ngờ đây là tài sản do phạm tội mà có, thì người tham gia giao dịch phải có ứng xử như thế nào và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ứng xử như thế nào? Pháp luật của Anh thiết lập cơ chế báo cáo và chấp thuận. Theo cơ chế này, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền, người thực hiện hoặc tham gia một trong các hành vi hoặc giao dịch thuộc ngoại diên của hành vi rửa tiền phải báo cáo về giao dịch với cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan điều tra tội phạm quốc gia – NCA) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đương sự cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận giao dịch. Điều 335(5) của POCA 2002 quy định trong thời hạn 07 ngày làm việc NCA phải trả lời đề nghị của đương sự. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chấp thuận giao dịch thì trong thời hạn 31 ngày làm việc, giao dịch không được thực hiện. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có thêm 40 ngày làm việc để xác định có chấp thuận giao dịch hay không. Những thời hạn này giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra các vấn đề mà đương sự báo cáo và đề nghị. Nếu xét thấy cần tiến hành điều tra hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải gửi kiến nghị đến tòa án để tòa án ra một lệnh cấm giao dịch các tài sản của bị can. Như vậy, cơ chế này giúp cho chủ thể tham gia giao dịch tránh khỏi thế khó khăn. Bởi lẽ, trong trường hợp một người có nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền nhưng không chắc chắn. Nếu họ tiếp tục tham gia và thực hiện giao dịch thì họ có thể phạm tội rửa tiền. Vì vậy, việc báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giúp ngăn ngừa được hành vi rửa tiền (nếu có) cũng như giúp giao dịch được tiếp tục xác lập và thực hiện (nếu không có dấu hiệu rửa tiền).
Dưới góc độ nghĩa vụ báo cáo, khái niệm “nghi ngờ” được giải thích rộng hơn so với khái niệm “nghi ngờ” trong cấu thành tội rửa tiền. Trong vụ R v Da Silva, Tòa án phúc thẩm đã giải thích “nghi ngờ” như sau: “Yếu tố căn bản của từ “nghi ngờ” (động từ) và các từ liên quan, trong ngữ cảnh này, là Bị đơn phải nghĩ rằng có khả năng, ở mức cao tưởng tượng, rằng tình tiết liên quan tồn tại. Chỉ cảm giác không rõ ràng về sự lo lắng là không đủ. Tuy nhiên, luật không buộc sự nghi ngờ phải có căn cứ “rõ ràng” hay “chắc chắn” hoặc dựa vào một tình tiết cụ thể hoặc dựa trên “cơ sở hợp lý”[10].
Trong vụ K Ltd v National Westminster Bank plc[11], ngân hàng đã từ chối không thực hiện lệnh chuyển tiền của khách hàng vì có nghi ngờ về dấu hiệu chuyển tiền. Về vấn đề này, Tòa án đã nhận định như sau:
“(1) Nghi ngờ là vấn đề chủ quan. Không có bất kỳ một quy định nào của pháp luật bắt buộc phải có cơ sở hợp lý cho sự nghi ngờ. Nhân viên ngân hàng liên quan có thể nghi ngờ hoặc không. Nếu người này nghi ngờ thì người này phải (trực tiếp hoặc thông qua một người có thẩm quyền của ngân hàng) báo cáo với cơ quan có thẩm quyền”[12].
Trong vụ Squirrell v National Westminster Bank plc, một khách hàng đề nghị huỷ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng (tài khoản này bị phong tỏa do ngân hàng nghi ngờ rằng tài khoản có chứa nguồn thu do phạm tội mà có). Tòa án đã bác yêu cầu của khách hàng của ngân hàng vì khi ngân hàng nghi ngờ rằng tài khoản có chứa nguồn thu do phạm tội mà có thì ngân hàng phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, không thực hiện giao dịch trên tài sản hoặc thông báo cho người thứ ba làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, hành vi của ngân hàng phong tỏa tài khoản của khách hàng là phù hợp với quy định của pháp luật.
Các quy định trên giúp cho việc kiểm soát hành vi rửa tiền tương đối hiệu quả ở Anh. Bởi vì, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu sự kiểm soát đối với hành vi rửa tiền phải báo cáo với cán bộ có thẩm quyền của ngân hàng hoặc doanh nghiệp đó hoặc báo cáo với Cơ quan điều tra tội phạm quốc gia khi có nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền[13]. Theo Điều 338(2A) của POCA 2002, việc báo cáo có thể được thực hiện khi đang thực hiện hành vi bị cấm miễn là người có liên quan đã bắt đầu thực hiện hành vi tại thời điểm mà người này không biết hoặc nghi ngờ rằng đây là hành vi bị cấm. Trong trường hợp này, việc báo cáo phải được thực hiện bởi chính người có liên quan này và phải thực hiện sớm nhất có thể ngay sau khi phát hiện ra hoặc nghi ngờ đây là hành vi bị cấm.
Theo pháp luật của Anh, việc báo cáo và nhận được sự phê chuẩn chỉ giúp cho người có liên quan tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền. Tuy nhiên, cơ chế này không bảo vệ doanh nghiệp khỏi các yêu cầu dân sự; vì vậy, nếu sau khi có được sự phê chuẩn, doanh nghiệp chuyển tài sản bị nghi ngờ là tài sản do phạm tội mà có thì doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Pháp luật Việt Nam chưa có cơ chế báo cáo và chấp thuận. Hiện nay, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 có quy định về cơ chế báo cáo giao dịch đáng ngờ. Nhưng theo tinh thần của khoản 3 và 4 Điều 4 và Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 thì chỉ có các tổ chức tài chính, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực: kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh kim loại quý và đá quý; cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp cho bên thứ ba. Như vậy, đối với các cá nhân, tổ chức khác thì không thực hiện báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Vậy, nếu khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng giao dịch được thực hiện để rửa tiền thì cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp được quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 sẽ phải báo cáo theo thủ tục nào? Phải chăng các chủ thể này sẽ thực hiện theo thủ tục tin báo, tố giác tội phạm? Với quy trình, thủ tục tin báo, tố giác tội phạm khá phức tạp và mất nhiều thời gian, sau khi quy trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm được giải quyết và có kết luận là không có dấu hiệu phạm tội rửa tiền thì có khả năng giao dịch sẽ không thể được thực hiện được nữa và lợi ích của các bên không bảo đảm. Vì vậy, cơ chế báo cáo và phê chuẩn theo pháp luật hình sự Anh tỏ ra hiệu quả trong kiểm soát hành vi rửa tiền cũng như bảo đảm cho giao dịch có thể được thực hiện bình thường nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận là không có dấu hiệu rửa tiền và phê chuẩn giao dịch.
2.4. Cơ chế phạm tội hai lần
POCA 2002 (đã được sửa đổi theo Luật Tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và cảnh sát năm 2005) đã thiết lập một cơ chế phạm tội hai lần (double criminality defence) để giải quyết tình huống hành vi cơ sở hợp pháp ở lãnh thổ bên ngoài Anh quốc nhưng lại trái pháp luật hình sự ở Anh Quốc. Như vậy, bị can/bị cáo có thể căn cứ vào cơ chế này để biện hộ cho mình. Theo đó, bị can/bị cáo có thể lập luận rằng: (i) người này biết hoặc có cơ sở hợp lý để tin rằng hành vi phạm tội được thực hiện ở bên ngoài Anh quốc; và (ii) hành vi này không trái pháp luật hình sự của nước nơi mà hành vi phát sinh. Tuy nhiên, POCA 2002 cũng quy định rằng cơ chế phạm tội hai lần chỉ được áp dụng đối với tội phạm có mức phạt tù tối đa là 01 năm, các tội phạm được quy định tại Điều 23 hoặc 25 của Luật Dịch vụ và thị trường tài chính năm 2000, tội phạm theo Luật Trò chơi năm 1968 và các tội phạm được quy định trong Luật Xổ số và giải trí năm 1976; đối với tội phạm nghiêm trọng hơn thì cơ chế này không áp dụng (ví dụ các tội tham nhũng hoặc trốn thuế). Như vậy, cơ chế phạm tội hai lần chỉ được áp dụng đối với tội phạm nguồn là tội phạm ít nghiêm trọng (theo pháp luật của Anh).
Đây là một cơ chế hiệu quả bảo vệ các tổ chức tài chính và nhân viên của các tổ chức này trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi liên quan đến các giao dịch về tài sản có nguồn gốc từ một hành vi được coi là phạm tội ở Anh nhưng không phải là hành vi phạm tội ở quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác. Như vậy, nhân viên tổ chức tài chính hoặc nhân viên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu sự kiểm soát đối với hành vi rửa tiền không phạm tội rửa tiền nếu người này chứng minh được rằng hành vi cơ sở được thực hiện ngoài nước Anh và không phải là tội phạm theo luật của vùng lãnh thổ mà hành vi phát sinh.
Ở nước ta, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03 có quy định: “Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm”.
Quy định này cũng đã ghi nhận cơ chế phạm tội hai lần. Cơ chế này góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án rửa tiền xuyên biên giới mà tội phạm nguồn được thực hiện ở nước ngoài. Tuy nhiên, với cách hành văn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03 thì sẽ dẫn đến những cách hiểu như sau:
Cách hiểu thứ nhất: Hành vi xảy ra ở nước ngoài chỉ được coi là tội phạm nguồn khi cả Bộ luật Hình sự của Việt Nam và pháp luật của vùng lãnh thổ nơi hành vi xảy ra đều quy định hành vi này là tội phạm. Cách hiểu như này sẽ tạo cơ hội cho đối tượng phạm tội lẩn tránh pháp luật. Nếu như một hành vi ở nước A được coi là tội phạm nhưng ở Việt Nam không được coi là tội phạm thì các băng, nhóm tội phạm của nước A sẽ tìm cách chuyển tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội này sang Việt Nam. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, tài sản này không phải là tài sản do phạm tội mà có.
Cách hiểu thứ hai: Hành vi xảy ra ở nước ngoài được coi là tội phạm nguồn nếu Bộ luật Hình sự của Việt Nam hoặc pháp luật của vùng lãnh thổ nơi hành vi xảy ra quy định hành vi này là tội phạm. Cách hiểu này góp phần ngăn ngừa hiện tượng lẩn tránh pháp luật. Giả sử một hành vi nếu được thực hiện ở Việt Nam thì được coi là tội phạm nhưng thực hiện ở nước A thì không được coi là tội phạm. Nếu như không áp dụng theo cách hiểu thứ hai, các đối tượng sẽ sang nước A để thực hiện hành vi phạm tội (ở nước A hành vi này không phạm tội) sau đó chuyển tài sản do thực hiện hành vi này về Việt Nam. Cách hiểu thứ hai sẽ phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển – thể chế kinh tế và pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Cách hiểu thứ hai cũng sẽ thể hiện sư cương quyết của Việt Nam trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới cũng như phòng, chống rửa tiền.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tội rửa tiền
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khái niệm tài sản do phạm tội mà có cho phù hợp với sự phát triển sinh động của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời đại kinh tế số. Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung thêm khái niệm “khoản lợi về tài sản do phạm tội mà có” vào trong Nghị quyết số 03. Đồng thời, “khoản lợi về tài sản” cần được giải thích là bất kỳ khoản lợi nào có thể định giá được bằng tiền hoặc quy đổi thành tiền hoặc tài sản khác.
Thứ hai, khái niệm “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” cần được xây dựng bằng cách kết hợp giữa phương pháp liệt kê và phương pháp trừu tượng. Theo đó, “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” là trường hợp có cơ sở hợp lý để biết hoặc nghi ngờ rằng tiền, tài sản, khoản lợi về tài sản do phạm tội mà có; sau đó đưa ra ví dụ để minh họa cho khái niệm trên bằng cách liệt kê các trường hợp phổ biến như theo quy định từ điểm (a) đến điểm (d) khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03.
Thứ ba, cần thiết lập cơ chế báo cáo và phê chuẩn để vừa ngăn ngừa hiệu quả tội rửa tiền cũng như vừa bảo đảm các giao dịch được diễn ra thuận lợi trong đời sống xã hội. Theo đó, khi “biết hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”, chủ thể phải báo cáo và xin phê chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ngân hàng nhà nước chi nhánh cấp tỉnh). Để bảo đảm giao dịch hợp pháp được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng mà không bị trì trệ thì cơ quan nhà có thẩm quyền phải phê chuẩn giao dịch trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo. Trong trường hợp cần thêm thời gian để điều tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được gia hạn thời gian điều tra không quá 30 ngày làm việc. Việc gia hạn này phải được quyết định bằng văn bản và phải được giải thích rõ căn cứ, lý do. Nếu sau 30 ngày làm việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có ý kiến chính thức bằng văn bản thì các bên liên quan được mặc nhiên suy đoán là giao dịch được phê chuẩn. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét rằng có dấu hiệu rửa tiền thì sẽ ra quyết định không phê chuẩn giao dịch và tiến hành cách thủ tục pháp lý để xử lý hành vi rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP theo hướng dấu “,” sẽ được thay bằng từ “hoặc”.
“Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài hoặc pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hoặc pháp luật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm”./. 
 

 


[1] Điều 340(3) của POCA 2002.
[2] Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[3] Arun Srivastava, Mark Simpson & Nina Moffatt (Editors) (2019), International Guide to Money Laundering Law and Practice, Bloomsbury Professional, p. 70.
[4] Người thứ ba được hiểu là người không thực hiện tội phạm nguồn hoặc không có liên quan đến tội phạm nguồn.
[5] K Ltd v National Westminster Bank Plc & Ors [2006] EWCA Civ 1039 (19 July 2006), para. 9.
[6] Bowman v Fels [2005] EWCA Civ 226 (08 March 2005). 
[7] Arun Srivastava, Mark Simpson, Nina Moffatt (ed, 2019), International Guide to Money Laundering Law and Practice, Bloomsbury Professional, pp. 72-73.
[8] Lane & Anor, R. v [2018] UKSC 36 (11 July 2018), para. 24.
[9] Điều 104 Luật tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và cảnh sát năm 2005.
[10] Da Silva, R. v [2006] EWCA Crim 1654 (11 July 2006), para. 16.
[11] Squirrell Ltd v National Westminster Bank Plc [2005] EWHC 664 (Ch) (22 April 2005).
[12] K Ltd v National Westminster Bank Plc & Ors [2006] EWCA Civ 1039 (19 July 2006), para. 21.
[13] Arun Srivastava, Mark Simpson, Nina Moffatt (ed, 2019), International Guide to Money Laundering Law and Practice, Bloomsbury Professional, pp. 76-77.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022.)