Kiểm soát hoạt động thu thuế đối với khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam

10/09/2022

PGS.TS. DƯƠNG ANH SƠN

Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế_Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh,

TS. BÙI THỊ HẰNG NGA

Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế_Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát thuế đối với khu vực kinh tế này còn chưa hiệu quả. Trong bài viết này, các tác giá tập trung phân tích những bất cập trong các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động kiểm soát thuế đối với khu vực chưa được quan sát và đưa ra các giải pháp nhằm thu thuế hiệu quả, bảo đảm công bằng, nâng cao vai trò điều chỉnh của pháp luật, tránh thất thu thuế.
Từ khóa: Khu vực kinh tế chưa được quan sát, kiểm soát thuế thu nhập.
Abstract: The performance of the non-observed economy is strongly developing in Vietnam. However, controlling of taxation on this economic sector is still not carried out in an effective manner. Under this article, the authors focus on analyzing the inadequacies in the legal regulations on taxation on the non-observed economy and also give out a number of recommendations for effective tax collection, assurance of the fairness, improvement of the regulatory role of the law, avoidance of tax revenue loss as well.
Keywords:Non-observed economy; income tax controlling.
 THUẾ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
 Khu vực kinh tế chưa được quan sát[1] hiện nay ở nước ta có thể được đề cập dưới góc độ của khu vực kinh tế cá thể, trong đó có hai hình thức chủ yếu là cá nhân kinh doanh tự do và hộ kinh doanh. Đây là hai hình thức kinh doanh đang có rất nhiều khoảng trống trong hoạt động kiểm soát của Nhà nước, từ quá trình thành lập, hoạt động cho đến những chính sách về quản lý thuế. Điều này đã khiến Nhà nước thất thu thuế, cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế.
1. Bất cập về hoạt động thu thuế đối với khu vực chưa quan sát
Một trong những đối tượng chịu thuế phổ biến nhất của khu vực kinh tế chưa được quan sát chính là hộ kinh doanh.Xét về bản chất pháp lý, cần xem hộ kinh doanh là một hình thức cá nhân kinh doanh[2]. Do đó, việc tính thuế của hộ kinh doanh dựa trên doanh thu khoán của hộ và thu nhập của chủ hộ theo quy định của pháp luật hiện nay là không phù hợp. Vì thế, thuế của hộ kinh doanh cần được xác định giống như là thuế của cá nhân kinh doanh và doanh thu từ hoạt động kinh doanh chỉ là một trong các khoản thu được tính vào thu nhập có thể chịu thuế.
Theo quy định của pháp luật thì thuế thu nhập đối với cá nhân kinh doanh có thuế suất cao nhất chỉ là 7% tính trên doanh thu[3]. Trong khi đó, nếu là chủ hộ kinh doanh chịu thuế thì thuế suất lại bị đánh lũy tiến dựa trên thu nhập chịu thuế[4]. Chính quy định không thống nhất như thế khiến cho quyền lợi của các chủ thể bị ảnh hưởng, có những người thu nhập cao nhưng mức thuế phải đóng khá thấp và ngược lại[5]. Do đó, cần có quy định thống nhất về mức thuế suất đối với cá nhân kinh doanh cũng như hộ kinh doanh, đặc biệt là trong trường hợp hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký thành lập và quản lý hoạt động. Cần áp dụng thống nhất các quy định của thuế thu nhập cá nhân để điều chỉnh đối với thu nhập của cá nhân kinh doanh cũng như thu nhập của hộ kinh doanh. Thêm vào đó, một trong những yếu tố quan trọng cần đánh giá đó là thu nhập chịu thuế được tính như thế nào, và tính khả thi của cách tính thu nhập chịu thuế đó.
Cơ quan Doanh thu nội địa Singapore (IRAS) cung cấp công thức xác định thu nhập chịu thuế của một cá nhân như sau:
Tổng thu nhập trừ đi chi phí = Thu nhập theo luật định.
Thu nhập theo luật định trừ đi các khoản quyên góp = Thu nhập tính thuế.
Thu nhập tính thuế trừ đi các khoản cứu trợ cá nhân = Thu nhập chịu thuế[6].
Trong đó, tổng thu nhập được xác định là tất cả các khoản lợi nhuận kiếm được từ kinh doanh, thương mại, nghề nghiệp, nghề nghiệp với tư cách là đối tác trong công ty hợp danh hoặc chủ sở hữu duy nhất;
+ Thu nhập từ việc làm (bao gồm cả phúc lợi bằng hiện vật);
+ Cổ tức, thu nhập đầu tư, tiền lãi;
+ Phí cho thuê, tiền bản quyền, phí bảo hiểm và các khoản lợi nhuận khác tích lũy từ tài sản.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế không được xác định dựa trên các khoản thu nhập nêu trên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thu nhập được tính vào thu nhập có thể chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ hoạt động kinh doanh; thu nhập từ tiền công, tiền lương; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng[7].
Thu nhập chịu thuế sẽ được tính bằng tổng thu nhập từ các khoản nêu trên trừ (-) đi các mức giảm trừ sau đây:
a) Mức giảm trừ:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng[8].
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học[9].
Mức miễn trừ gia cảnh áp dụng một cách thống nhất, nhưng cứng nhắc giữa các chủ thể với các mức thu nhập khác nhau là không phù hợp. Thực tế, để có mức thu nhập chịu thuế trên 100 triệu đồng/tháng thì có khả năng chi phí đầu tư, chi tiêu của chủ thể ấy sẽ cao hơn nhiều so với những chủ thể có mức thu nhập chịu thuế khoảng 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập được phép miễn trừ khỏi thu nhập tính thuế của các chủ thể có mức đầu tư, chi tiêu khác nhau hiện nay lại là như nhau. Điều này khiến cho hiệu quả thực thi chính sách thuế thu nhập cá nhân trên thực tế không đảm bảo công bằng, hợp lý.
Pháp luật ở các quốc gia trên thế giới đang có cách tiếp cận khác với pháp luật của Việt Nam. Ví dụ như tại Singapore thì thu nhập chịu thuế là thu nhập ròng sau khi trừ đi các khoản chi phí, các khoản quyên góp và cứu trợ cá nhân. Các khoản giảm thuế cá nhân, tùy thuộc vào các điều kiện, bao gồm hỗ trợ người phụ thuộc, học phí, chi phí phát triển nghề nghiệp, và phí bảo hiểm được trả cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, các khoản miễn trừ sẽ được xác định dựa trên những khoản chi phí cần thiết để duy trì đời sống, sinh hoạt hàng ngày của bản thân người nộp thuế và những người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc. Bao gồm nhưng không giới hạn các khoản học phí hoặc khóa học đủ điều kiện, hỗ trợ cha mẹ và hỗ trợ người phụ thuộc, chi phí phát triển nghề nghiệp và phí bảo hiểm được trả cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bất kỳ khoản cứu trợ đặc biệt nào khác, thậm chí cả chi phí thuê người giúp việc cũng được miễn trừ thuế[10]
Tương tự, thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống pháp luật Nhật Bản cũng được tính theo nguyên tắc: thuế được tính bằng cách lấy tổng số thu nhập trừ đi các khoản khấu trừ thu nhập khác nhau, sau đó nhân khoản chênh lệch là thu nhập chịu thuế với thuế suất lũy tiến[11]. Đồng thời, các khoản khấu trừ được chấp nhận bao gồm chi phí khám chữa bệnh, chi phí bảo hiểm cũng như cả những khoản mất mát do thiên tai, dịch bệnh[12].
Đối với pháp luật thuế thu nhập cá nhân của Indonesia thì khoản khấu trừ được tính dựa trên các khoản chi phí liên quan đến quá trình tạo ra thu nhập, cũng như chi phí thực hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bên cạnh các mức miễn trừ của người phụ thuộc[13].
Trong khi đó, cách tính các khoản khấu trừ trong hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn toàn dựa trên mức khoán 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người chịu thuế, và 4.4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Nhưng với mức 4.4 triệu đồng/người/tháng thì sẽ không thể đáp ứng đủ điều kiện sinh sống, học tập, khám chữa bệnh và các chi phí khác phát sinh cho mỗi người phụ thuộc, đặc biệt là ở các tỉnh thành lớn như Tp. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Thêm vào đó, nếu xét về cơ cấu tổ chức thì mọi khác biệt của hộ kinh doanh so với các mô hình chủ thể kinh doanh khác, điển hình là doanh nghiệp tư nhân đã được bãi bỏ (liên quan đến địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động được thuê mướn[14]…). Trong khi đó, với hình thức thuế khoán và khả năng dễ dàng thỏa hiệp, “chia chác” với nhân viên ngành thuế[15] khiến cho việc thu thuế của hộ kinh doanh trên thực tế gặp nhiều bất cập, không tạo được sự công bằng giữa các hộ kinh doanh cũng như giữa các loại hình chủ thể kinh doanh. Do vậy, việc xác định đúng đắn, chặt chẽ thu nhập chịu thuế của các hộ kinh doanh là yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện vai trò kiểm soát của Nhà nước trong hoạt động thu thuế đối với đối tượng kinh tế chưa được kiểm soát nói chung và hộ kinh doanh nói riêng.
Bên cạnh cá nhân có thu nhập chịu thuế và hộ kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế, thì một đối tượng quan trọng, ngày càng phát triển trong khu vực kinh tế chưa được quan sát là những người kinh doanh qua mạng nhưng không đăng ký kinh doanh, các cá nhân có thu nhập nhỏ lẻ, không thông qua công ty, cơ quan, tổ chức có đăng ký, thì việc quản lý và thu thuế phát sinh khá nhiều hạn chế. Ví dụ đối với các khoản thu nhập phát sinh từ việc kinh doanh qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube... việc quản lý các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động này rất khó nếu các các nhân kinh doanh nhỏ lẻ không tiến hành đăng ký hoạt động kinh doanh của họ.
Theo Thông tư số 95/2016/BTC của Bộ Tài Chính, cá nhân phải tiến hành đăng ký thuế thì mới được cấp mã số thuế, các thu nhập phải được kê khai, chứng minh qua các hồ sơ người nộp thuế cung cấp thì mới có cơ sở tính thuế. Nếu người nộp thuế kinh doanh tự do, chủ yếu sử dụng tiền mặt, không tiến hành giao dịch qua ngân hàng thì cũng không có cơ sở rõ ràng xác định thu nhập để tính thuế trong các trường hợp này. Các quy định về ấn định thuế cũng khó áp dụng với các trường hợp trương tự.
2. Kiểm soát hoạt động thu thuế đối với khu vực chưa quan sát
Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, và thuế thu nhập cá nhân. Hộ kinh doanh áp dụng mức thu lệ phí môn bài theo quy định tại Thông tư số 302/TT-BTC; thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng: đối tượng là cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Như vậy, so với các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh được nộp thuế theo phương thức nộp thuế khoán, nhưng thực tế lại chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ doanh thu để làm căn cứ áp dụng mức thuế khoán. Điều này có thể là lỗ hổng để hộ kinh doanh và cán bộ thuế “thỏa thuận ngầm”, gây ra tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước, chưa khuyến khích được ý thức tuân thủ pháp luật thuế của hộ kinh doanh.
Cách tiếp cận trong chính sách thuế hiện hành giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp (đặc biệt là siêu nhỏ với hình thức tổ chức tương đồng với hộ kinh doanh) rất khác nhau, mặc dù cùng chung bản chất là tổ chức kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Cụ thể theo quy định của pháp luật hiện nay, mọi sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân như hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm, thuê mướn không quá 10 lao động… đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí, chỉ nộp 300.000 – 1.000.000 đồng tùy doanh thu, trong khi doanh nghiệp nộp 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư. Trong thực tế, có những hộ kinh doanh có quy mô và doanh thu lớn hơn nhiều lần doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1-2-5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0-5-10% (được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20%, trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân từ 0,5-2-5% doanh thu. Hộ kinh doanh không cần làm báo cáo tài chính, hóa đơn giá trị gia tăng như doanh nghiệp siêu nhỏ. Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp; nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận nhiều tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và áp dụng chế độ kế toán chứng từ hoá đơn.
Việc duy trì các quy định khác biệt về phương thức tính thuế và mức thuế phải nộp giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp như trên đang gây bất bình đẳng, làm méo mó môi trường kinh doanh và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước[16].
Do đó, để bảo đảm công bằng cũng như thực hiện hiệu quả chính sách thuế đối với các chủ thể kinh doanh, pháp luật cần có quy định thống nhất về cách tính thuế, phương thức xác định thuế, thuế suất phải đóng cho doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh trong trường hợp không là cá nhân đăng ký và không áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân như lựa chọn nêu trên. Theo đó, pháp luật cần loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”. Cần bảo đảm thống nhất quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như các mô hình chủ thể kinh doanh khác theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020): “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.
Để thực hiện được việc này, pháp luật cần quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh đều phải xuất hóa đơn mua bán hàng và chịu các loại thuế như doanh nghiệp; bắt buộc cơ sở kinh doanh phải thực hiện hạch toán thu - chi và ghi sổ như đối với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ; các cơ sở kinh doanh đều phải chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, phúc lợi xã hội như đối với doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, với cơ chế xác định thuế khoán như hiện nay, đã dẫn đến hiện tượng như hộ kinh doanh “đi đêm” thỏa thuận với cán bộ thuế về mức thuế khoán, điều này không chỉ làm thất thu thuế mà còn làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp; các dịch vụ dạy thêm, học thêm không đăng ký công khai, khám chữa bệnh tại nhà mà không mở phòng mạch tư, cho thuê nhà đối với người thân người quen không khai báo để tránh nộp thuế thu nhập cá nhân hay thuế môn bài; các hộ kinh doanh hoạt động không có hóa đơn chứng từ và không thể kiểm soát được doanh thu thực tế; tình trạng hàng nhái, hàng giả một phần từ các hộ gia đình nhỏ lẻ đã gây tác hại lớn, trong khi sản xuất nội địa không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập...[17].
Để khắc phục tình trạng này, cần phải đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng trong thực tế. Ví dụ, một hộ kinh doanh bán phở khi sử dụng hóa đơn điện tử, được kết nối với cơ quan thuế thì khi mỗi hóa đơn xuất ra, cơ quan thuế sẽ nắm được, từ đó xác định doanh thu hàng ngày, hàng tháng là bao nhiêu, từ đó sẽ xác định mức thuế phải một cách chính xác. Thực tế cũng đã chứng minh rằng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, việc ứng dụng hóa đơn điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt như giảm thiểu thời gian, chi phí, nhân lực cho việc phát hành và quản lý hóa đơn, giảm thiểu gánh nặng chuẩn bị hồ sơ sổ sách, giấy tờ mỗi khi có yêu cầu kiểm tra và quan trọng hơn sẽ giúp nhà nước quản lý khoản thu nhập phải chịu thuế được hiệu quả hơn.
Đồng thời, cơ chế khấu trừ chi phí dựa trên hóa đơn điện tử cũng sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt thu nhập chịu thuế của các chủ thể khác thông qua việc kiểm tra, giám sát chéo giữa các chủ thể trong việc chứng minh chi phí dựa trên hóa đơn điện tử mình được xuất và mình phải xuất. Điều này sẽ góp phần chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh cũng như những cá nhân kinh doanh trên thực tế.
Như vậy, xuất phải từ bản chất của hoạt động thì hộ kinh doanh chính là cá nhân kinh doanh được tổ chức tương tự như doanh nghiệp tư nhân nhưng phương thức tính thuế và mức thuế suất được áp dụng cho hộ kinh doanh lại khác biệt rất lớn so với doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Chính quy định này đã tạo ra những bất cập trong quá trình thực thi chính sách của nhà nước. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thuế thu nhập có được từ hoạt động kinh doanh thì cần có quy định thống nhất trong việc xác định thu nhập chịu thuế cũng như thuế suất theo nguyên tắc: thu nhập chịu thuế phải được tính dựa trên doanh thu sau khi trừ đi chi phí thực tế, thay vì là hình thức thuế khoán dựa trên doanh thu hoặc mức miễn trừ như quy định của pháp luật hiện hành. Việc tính thu nhập chịu thuế nên được gắn liền với hoạt động kê khai và chứng minh các khoản thu nhập cũng như chi phí và hóa đơn điện tử gắn liền với mã số thuế cá nhân của chủ thể kê khai là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Đồng thời, pháp luật cần có cơ chế gắn liền trách nhiệm về việc chứng minh thu nhập chịu thuế của chủ thể kê khai thông qua cơ chế kiểm tra chéo, ngẫu nhiên với những hình phạt phù hợp đảm bảo được tính răn đe trong trường hợp phát hiện ra có hành vi lừa dối hoặc gian lận.
Để thống nhất quản lý thuế đối với khu vực kinh tế chưa được quan sát, mà cụ thể là hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thì các quy định của pháp luật có liên quan trong thời gian tới cần được xây dựng trên tinh thần:
Thứ nhất, bỏ chế độ thuế khoán áp dụng đối với hộ kinh doanh cũng như mức khoán theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Các quy định của pháp luật về thuế khoán liên tục thay đổi; trước đây, người thực hiện thuế khoán được giảm trừ gia cảnh, nay mức thuế khoán căn cứ theo nhóm ngành nghề và không được giảm trừ gia cảnh. Việc phân thành nhiều nhóm ngành với mức thuế suất chênh lệch lớn khiến người thực thi có thể áp dụng không chính xác, gây ra sự không công bằng đối với người nộp thuế.
Trong chính sách thuế khoán sẽ bao gồm hai sắc thuế là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Trong khi bản chất của thuế “thu nhập” phải tính trên “lợi nhuận” (doanh thu trừ chi phí), thế nhưng ở chính sách thuế khoán lại xác định giá tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh dựa trên “doanh thu”. Điều này không đúng với bản chất thuế thu nhập. Về thuế giá trị gia tăng, căn cứ theo Luật Thuế giá trị gia tăng chỉ có 3 mức thuế suất là 10%, 5% và 0%. Thế nhưng, ở quy định thuế khoán lại áp nhiều mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 1%, 2%, 3% và 5% trên toàn bộ doanh thu mà không tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ là không đúng với bản chất và mô hình của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, việc bỏ chế độ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là điều cần làm, để đưa hoạt động kinh doanh nói chung vào nề nếp, bình đẳng, công bằng và thống nhất chính sách thuế.
Thứ hai, cần xem xét quy định hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm được miễn thuế. Quy định thuế khoán không xem xét giảm trừ gia cảnh cho cá nhân, thành viên của hộ kinh doanh thì việc quy định doanh thu kinh doanh dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế tạo ra bất bình đẳng với hộ cận trên 100 triệu/năm. Nếu chính sách này cho rằng doanh thu thấp là quy mô nhỏ cần được miễn thuế thì điều đó cũng không hợp lý. Bởi lẽ, ngành nghề thương mại (mua đi bán lại) thì nhiều món hàng có giá trị lớn sẽ dẫn đến doanh số lớn, nhưng chưa chắc lợi nhuận cao. Ngược lại, một số ngành dịch vụ tuy doanh số không cao nhưng tỷ suất lợi nhuận cao. Do vậy, quy định này cần được thay đổi theo 2 hướng (i) giảm chung cho tất cả hộ kinh doanh. Tức hộ nào cũng được miễn thuế phần doanh thu 100 triệu đồng, số doanh thu cao hơn 100 triệu đồng/năm thì đóng thuế phần chênh lệch; (ii) bãi bỏ quy định mức miễn thuế trên doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, vì như trên đã đề xuất bỏ chế độ thuế khoán để thay chế độ khấu trừ thuế theo quy định nên không cần dựa vào doanh thu làm căn cứ xác định thu nhập.
Thứ ba, áp dụng thống nhất một loại hoá đơn và áp dụng một phương pháp tính thuế. Hiện nay, doanh nghiệp sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng với ba mức thuế suất (10%, 5% và 0%) theo từng loại mặt hàng và thuế giá trị gia tăng chỉ tính trên phần tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ. Trong khi hộ kinh doanh lại sử dụng hoá đơn bán hàng, ấn định mức thuế suất trên toàn bộ doanh thu rồi căn cứ theo nhóm ngành nghề kinh doanh để áp thuế suất (1%, 2%, 3% và 5%). Điều này khiến cho việc kê khai, tính thuế trở nên khó khăn, phức tạp. Chính các quy định nhiều loại hoá đơn, nhiều phương pháp tính thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh thỏa thuận thuế, tính thuế, từ đó làm mất đi sự công bằng trong cạnh tranh tạo kẽ hở cho việc trốn thuế ở những hộ kinh doanh có quy mô lớn. Bỏ chính sách thuế khoán, buộc hộ kinh doanh phải có sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ ở mức độ đơn giản, cũng là giải pháp giúp người kinh doanh giảm bớt thủ tục tuân thủ thuế.
Trong thời đại công nghệ số, ngành thuế đang xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng thì cần thiết phải thống nhất sử dụng một loại hoá đơn là hoá đơn giá trị gia tăng với nội dung và hình thức đơn giản. Đồng thời, áp dụng một phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ, giống như loại hình doanh nghiệp, sẽ bình đẳng hơn giữa các loại hình kinh doanh. Khi đó, hộ kinh doanh sẽ không còn là nơi để doanh nghiệp, tổ chức trục lợi về thuế bằng cách mua hoá đơn của hộ kinh doanh để kê khai chi phí đầu vào.
Thứ tư, buộc mọi cơ sở, cá nhân kinh doanh bán hàng phải xuất hoá đơn, đồng thời cải tiến mở rộng hình thức hoá đơn. Để thuận tiện cho người kinh doanh, và phù hợp với thời đại công nghệ số, ngay khi doanh nghiệp, hộ cá nhân đăng ký thành lập, Nhà nước cấp cho một mã vạch gắn với mã số thuế để hoạt động. Đồng thời, có quy định buộc cơ sở kinh doanh phải trang bị máy tính tiền để xuất hoá đơn điện tử. Tất cả phiếu tính tiền, phiếu thu có mã vạch của tổ chức kinh doanh sẽ được xem như hoá đơn.
Bên cạnh đó, cần thay đổi các quy định của pháp luật có liên quan. Chẳng hạn, Luật thuế Thu nhập cá nhân nên cho phép người dân được khấu trừ chi phí khi tính thuế. Vì cho phép cá nhân được khấu trừ chi phí sẽ khuyến khích cá nhân nhận hoá đơn. Khi có sự đối trọng về thuế sẽ tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp (bên mua – bên bán) giám sát lẫn nhau. Có thể tận dụng công nghệ thông tin trong thực thi chính sách thuế. Chẳng hạn, tạo app và cấp cho cá nhân tài khoản để tự kê khai, khấu trừ, quyết toán thuế mà không cần đến cơ quan thuế. Áp dụng phần mềm trong máy POS tính tiền giúp người mua hàng hoá, dịch vụ chỉ cần nhập mã số thuế thì hoá đơn đó sẽ được chuyển dữ liệu tự động vào hồ sơ thuế của bên mua.
Khi tất cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp cùng sử dụng hoá đơn chứng từ trong mọi hoạt động mua bán thì sẽ không có khoảng trống thuế nữa. Sẽ không còn chuyện những hộ kinh doanh dùng phần doanh thu đã bán cho cá nhân không lấy hoá đơn rồi dồn doanh thu đó xuất hoá đơn khống cho doanh nghiệp khác, giúp họ kê khai, khấu trừ thuế hoặc hoạch toán, trục lợi tiền từ ngân sách.
Thứ năm, cần quy định buộc thanh toán qua mạng và kiểm soát thu thuế qua ngân hàng. Đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước, cần kiểm soát qua số tài khoản thanh toán và có chế tài thật nặng nếu kinh doanh không khai thuế. Còn đối với hoạt động thương mại điện tử mà người kinh doanh ở nước ngoài thì Nhà nước cần có cơ chế giao cho ngân hàng kiểm soát hoạt động thanh toán qua biên giới. Cụ thể, cổng thông tin ngân hàng được quyền thu tiền thuế nhà thầu[18] theo quy định khi cá nhân thanh toán ra nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng cổng thông tin thanh toán trung gian và được quyền thu thuế thay khi có hoạt động thanh toán tiền ra nước ngoài, tương tự như trao quyền cho tổ chức chi trả được quyền khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Quy định này sẽ góp phần làm giảm thất thoát thuế trong hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các trang thương mại của doanh nghiệp ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam./. 


*Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số C2020-34-07. 
[1] Khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non-Obseved Economy, viết tắt: NOE) bao gồm tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thu thập được thông tin trong các nguồn dữ liệu cơ bản để biên soạn tài khoản quốc gia,
https://www.google.com/searchq=khu+v%E1%BB%B1c+kinh+t%E1%BA%BF+ch%C6%B0a+%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c+
quan+s%C3%A1t&oq=khu+v%E1%BB%B1c+kinh+t%E1%BA%BF+ch%C6%B0a+&aqs=chrome.1.69i57j0i22i30l2.10774j0j15&sourceid=chrome&ie=UTF-8.
[2] Trần Thị Lệ Thu (2021), Bản chất pháp lý của Hộ kinh doanh, Tạp chí Pháp luật & phát triển, số 06.
[3] Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
[4] Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân.
[5] Thu nhập 300 tỷ nhưng chỉ phải đóng thuế 21 tỷ, https://vnexpress.net/tai-sao-ca-nhan-thu-nhap-hon-300-ty-nhung-dong-thue-chi-7-4226905.html, truy cập ngày 28/11/2021.
[6] https://www.rikvin.com/taxation/singapore-personal-income-tax/, truy cập ngày 24/11/2021.
[7] Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
[8] Điều 1 Nghị quyết số: 954/2020/UBTVQH14.
[9] Xem Điều 9 văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/12/2019.
[10] https://www.rikvin.com/taxation/singapore-personal-income-tax/, truy cập ngày 28/11/2021.
[11] Xem thêm tại link https://www.mof.go.jp/english/policy/tax_policy/tax_system/income/index.html, truy cập ngày 28/11/2021.
[12] Xem thêm tại link https://www.mof.go.jp/english/policy/tax_policy/tax_system/income/02_6.pdf, truy cập ngày 28/11/2021.
[13] Huỳnh Văn Diện (2016), Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân thực tiễn từ Cần Thơ, Luận án Tiến sĩ, tr. 56-60.
[14] Xem thêm quy định cụ thể tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
[15] Bùi Xuân Hải (2017), Những hạn chế, bất cập về đặc điểm pháp lý của Hộ kinh doanh và vấn đề Hộ kinh doanh “chuyển” thành doanh nghiệip, Tạp chí Khoa học pháp lý số 05.
[16] Hoàng Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Hưởng (2019), Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam: Khía cạnh lý luận, thực tiễn và lập pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6.
[17] Tlđd.
[18] Tham khảo Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Thông tư 103/2014/TT-BTC về hướng dẫn khai thuế nhà thầu nước ngoài.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022.)