Hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân

19/08/2022

TS. LÊ THỊ HỒNG NHUNG

Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân là trung tâm trong quá trình giải quyết các vụ việc tố tụng có sự tham gia của Tòa án nhân dân. Hiệu quả của hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân mang yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng. Tuy nhiên, không phải trong vụ việc nào, hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cũng được thực hiện suôn sẻ. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân vẫn diễn ra. Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan có quy định biện pháp xử lý những hành vi này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích nhằm làm rõ hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân, quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân và kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Hoạt động tố tụng, hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Tòa án nhân dân.
Abstract: Procedural activities at the People’s Court are the center in the process of settling legal cases with the participation of the People's Courts.The effectiveness of the proceedings at the People’s Court is a key factor determining the effectiveness of the entire legal process.However, in not all cases, the proceedings in the People’s Court were also carried out smoothly.In fact, for many different reasons, a number of acts obstructing proceedings at the People’s Court still take place.Currently, a number of relevant legal documents have also prescribed measures to handle these acts.This article provides an analysis of the acts of hindering proceedings at the People’s Court and proposes a number of recommendations for improvements.
Keywords: Procedural activities, obstructions of legal proceedings, People’s Court.
 TỐ-TỤNG.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân
Thuật ngữ “tố tụng” thường được hiểu là quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính theo các thủ tục tương ứng[1]. Đơn cử, tố tụng hình sự là một quá trình giải quyết vụ án, trong đó có nhiều chủ thể, nhiều giai đoạn khác nhau phù hợp với tính chất, đặc điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, là cơ chế mà qua đó tội phạm được điều tra, làm rõ, bị truy tố, xét xử và hình phạt được áp dụng[2]. Tương tự, tố tụng hành chính là quá trình thực hiện những hoạt động khác nhau của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng nhằm thụ lý, giải quyết đúng đắn vụ án hành chính theo quy định của pháp luật[3].
Tố tụng có hai đặc điểm là tính quyền lực và tính độc lập[4]. Tính quyền lực thể hiện sự áp đặt về mặt thủ tục và tính bắt buộc thi hành của các quyết định giải quyết. Thông thường tính quyền lực này thể hiện quyền lực nhà nước, là hoạt động được tiến hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó không thể hiện tính quyền lực nhà nước trong hoạt động của chủ thể tiến hành mà là sự bảo hộ của Nhà nước đối với hoạt động tố tụng của các chủ thể (ví dụ tố tụng trọng tài). Tính độc lập đòi hỏi chủ thể giải quyết không phải là một bên đương sự của vụ việc hoặc người có liên quan đến vụ việc[5].
Như vậy, tố tụng có thể được hiểu là quá trình thực hiện những hoạt động khác nhau do chủ thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức khác được Nhà nước bảo hộ tiến hành nhằm thụ lý, giải quyết các vụ việc đúng theo quy định của pháp luật và kết quả của quá trình giải quyết này có tính bắt buộc thi hành đối với các chủ thể. Trong quá trình này, ngoài cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn có các cơ quan, tổ chức khác được Nhà nước bảo hộ thực hiện hoạt động tố tụng như các trung tâm trọng tài (tiến hành thực hiện các hoạt động tố tụng trọng tài) và các chủ thể tham gia tố tụng khác, tùy vào từng loại tố tụng mà người tham gia tố tụng là các chủ thể khác nhau. Có rất nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động tố tụng và hoạt động tố tụng diễn ra ở những giai đoạn khác nhau.
Theo tác giả, tố tụng chỉ bao gồm những hoạt động được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bởi đây là hai nhóm chủ thể được Nhà nước trao quyền thực hiện các hoạt động tố tụng. Việc thực hiện các hoạt động tố tụng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền hạn của các chủ thể này. Nhóm chủ thể còn lại cũng tham gia vào quá trình tố tụng của các vụ án (người tham gia tố tụng) và kết quả của quá trình tố tụng phần nào chịu sự tác động từ hoạt động của các chủ thể này. Tuy nhiên, các hoạt động của họ phụ thuộc vào hoạt động tố tụng của chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cụ thể, không phải vụ án nào cũng có sự tham gia của người phiên dịch, người giám định và việc người phiên dịch, người giám định nào được tham gia vụ án cũng phụ thuộc vào yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, hoạt động của người tham gia tố tụng đôi khi không bị ràng buộc về nghĩa vụ. Đơn cử, bị can, bị cáo có quyền bào chữa nhưng không có nghĩa vụ bào chữa để chứng minh mình vô tội. Bị can, bị cáo có quyền khai báo và đồng thời cũng có quyền im lặng tức là không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội[6].
Từ những phân tích trên, có thể thấy, tố tụng là quá trình giải quyết các vụ việc do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức được Nhà nước bảo hộ thực hiện. Tùy vào từng loại tố tụng khác nhau mà các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ có sự khác nhau. Từ đó, các chủ thể tham gia vào hoạt động tố tụng cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động được thực hiện bởi các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ việc đều được xem là hoạt động tố tụng. Theo tác giả, hoạt động tố tụng chỉ bao gồm hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện, bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như đã phân tích, hiện nay tồn tại nhiều hình thức tố tụng khác nhau như: tố tụng tại tòa án, tố tụng trọng tài, tố tụng cạnh tranh. Trong tố tụng tòa án lại bao gồm nhiều loại hình tòa án khác nhau. Tùy vào truyền thống pháp luật và mô hình tổ chức bộ máy của từng quốc gia mà có thể có Tòa án tư pháp và Tòa án quân sự, thậm chí đối với một số quốc gia còn tồn tại Tòa án tôn giáo như: Malaysia, Brunei…
Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành quy định hai hệ thống tòa án là hệ thống Tòa án nhân dân và hệ thống Tòa án quân sự. Tòa án nhân dân ở Việt Nam cũng có thẩm quyền tương tự Tòa án tư pháp ở các quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua quy định của Hiến pháp năm 2013 trao việc thực hiện quyền tư pháp cho Tòa án nhân dân.
Như vậy, hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cần được phân biệt với hoạt động tố tụng theo thủ tục tố tụng trọng tài, tố tụng cạnh tranh và tố tụng có sự tham gia của Tòa án quân sự. Hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân là hoạt động được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện, bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của các quy trình tố tụng diễn ra tại Tòa án nhân dân trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân[7]) và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư[8]). Tiếp theo, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm có: Người tiến hành tố tụng (Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra[9]) và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự).
Ngoài ra, xét về mặt thuật ngữ, hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, nếu “Tòa án nhân dân” được hiểu là một cơ quan trong bộ máy nhà nước với nghĩa là một địa danh ước lệ thì hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân có thể được hiểu là tất cả các hoạt động tố tụng được diễn ra tại trụ sở của các Tòa án nhân dân. Ví dụ, trong vụ án hình sự, kể từ thời điểm kết thúc giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Tòa án hay trong vụ án dân sự thì kể từ thời điểm Tòa án thụ lý hồ sơ cho đến giai đoạn xét xử đều được xem là hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Hiểu theo góc độ này thì hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân khá rộng và bao gồm hoạt động của nhiều chủ thể khác nhau. Thứ hai, theo nghĩa hẹp, có thể hiểu hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân là hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử trong từng vụ án cụ thể. Theo cách hiểu này thì hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân chỉ bao gồm hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.
Xét theo ngữ nghĩa thì cụm từ “tại Tòa án nhân dân” là trạng từ. Điều đó có nghĩa cụm từ này diễn đạt về địa điểm diễn ra hoạt động chứ không phải chủ thể thực hiện hoạt động. Bên cạnh đó, thuật ngữ Tòa án nhân dân không thể đồng nhất với Hội đồng xét xử. Vì vậy, hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân không đồng nhất với hoạt động tố tụng của Hội đồng xét xử trong một phiên tòa cụ thể. Hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân rộng hơn hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử trong một vụ án cụ thể. Nó không chỉ bao gồm hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử diễn ra tại Tòa án nhân dân mà còn bao gồm các hoạt động tố tụng khác như hoạt động hòa giải, hoạt động đối thoại, hoạt động thu thập chứng cứ… Từ đó cho thấy, hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cần được hiểu là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng diễn ra tại trụ sở các Tòa án nhân dân.
Vì lẽ đó mà hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cần được hiểu là tất cả các hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng diễn ra tại địa điểm là Tòa án nhân dân nhằm thụ lý, giải quyết các vụ việc đúng theo quy định của pháp luật. Hoạt động này được quy định trong các luật tố tụng tương ứng bao gồm: tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự.
2. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “cản trở” “gây khó khăn trở ngại, làm cho không tiến hành được dễ dàng, suôn sẻ”[10]. Hành vi cản trở là hành vi được thực hiện nhằm ngăn chặn, không cho một hành vi hay hoạt động nào đó xảy ra suôn sẻ, thuận tiện. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cấu thành những vi phạm pháp luật cụ thể. Thế nhưng, hiểu như thế nào là hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân thì pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể.
Tương đồng với cách tiếp cận trên, hiện nay có một số quan điểm về hành vi cản trở hoạt động tố tụng như sau:
Quan điểm thứ nhất: hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự là hành vi không tuân thủ những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hành vi này có thể xuất hiện ở người tham gia tố tụng, mà trước hết là các đương sự và có thể là những người tham gia khác như người làm chứng, người phiên dịch, người giám định[11]. Hiểu một cách khái quát theo quan điểm này thì hành vi cản trở hoạt động tố tụng là hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng tương ứng.
Quan điểm thứ hai: hành vi cản trở hoạt động tố tụng nói chung, có thể hiểu là hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức gây trở ngại cho các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hòa giải và xét xử của Tòa án[12].
Như đã trình bày, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân có thể được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân chỉ bao gồm những hành vi cản trở xảy ra tại địa điểm là Tòa án nhân dân. Điều này có nghĩa nếu như các hành vi cản trở xảy ra ngoài địa điểm Tòa án nhân dân thì không được xem là hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Theo nghĩa rộng, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân bao gồm tất cả hành vi diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào nhưng hành vi đó gây cản trở cho hoạt động tố tụng được tiến hành tại Tòa án nhân dân.
Tác giả cho rằng cách hiểu thứ hai hợp lý hơn bởi mục đích của việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân là nhằm ngăn ngừa, răn đe để loại trừ những hành vi gây trở ngại cho hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Chính vì vậy, hành vi cản trở này cho dù được thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào, thời gian nào thì đều gây cản trở cho hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Từ đây, có thể hiểu, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân là hành vi của các cá nhân, tổ chức diễn ra trong hoặc ngoài Tòa án nhân dân, gây trở ngại cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể có thẩm quyền tiến thành tố tụng diễn ra tại Tòa án nhân dân.
3. Quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân và kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta có quy định biện pháp xử lý đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Đơn cử, khoản 1 Điều 316 Luật Tố tụng hành chính quy định: người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 153 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 491 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 234 của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Tương tự, khoản 1 Điều 467 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dường như các quy định trên chỉ hướng đến việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa chứ không phải làtất cả hành vi gây cản trở cho hoạt động tố tụng được tiến hành tại Tòa án nhân dân.
Như đã trình bày, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cần được hiểu là hành vi đó gây cản trở cho hoạt động tố tụng được tiến hành tại Tòa án nhân dân chứ không phải chỉ là hành vi gây rối hay cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Có lẽ nhận thấy sự bất cập này mà khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Nếu như trong các lĩnh vực khác thì Chính phủ ban hành nghị định quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính; đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành pháp lệnh để quy định về xử phạt vi phạm hành chính. 
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính, “Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Tuy Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể hiểu là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định cả về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh[13]. Theo tác giả, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân thì cần cân nhắc những vấn đề sau:
Thứ nhất, Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân cần thể hiện thống nhất quan điểm hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân được hiểu là tất cả hành vi gây cản trở cho hoạt động tố tụng được tiến hành tại Tòa án nhân dân chứ không phải chỉ là hành vi gây rối hay cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Do đó, việc mô tả hành vi vi phạm cũng như các chế tài xử lý cần quán triệt nội dung này.
Thứ hai, hành vi “gây rối trật tự phiên tòa” ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử phạt còn bị áp dụng biện pháp “buộc rời khỏi phòng xử án”. Về bản chất, “buộc rời khỏi phòng xử án” là một biện pháp khắc phục hậu quả và rất cần thiết trong việc bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa. Đáng tiếc, biện pháp này không được ghi nhận trong phần thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân cần quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp này cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi xử phạt hành vi “gây rối trật tự phiên tòa”.
Thứ ba, Tòa án nhân dân bên cạnh việc xét xử tại các phiên tòa còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại các phiên họp. Đơn cử, đó là Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, việc cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân cần được hiểu theo nghĩa bao hàm cả những phiên họp của Tòa án nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ luật Hình sự năm 2015đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) đã bổ sung việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây rối trật tự phiên họp, đồng thời sửa đổi tên của điều luật thành: Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp nhằm bảo đảm tính bao quát và phù hợp với các trường hợp có thể xảy ra trong thực tế[14]. Do đó, Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân cần quy định về hành vi vi phạm cũng như thừa nhận thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thẩm phán phụ trách các phiên họp.
Thứ tư, không phải mọi hành vi gây khó khăn trở ngại cho hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân đều là hành vi hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Đơn cử, hành vi của bị cáo từ chối khai báo, nếu hiểu dưới góc độ chung thì việc từ chối khai báo của bị cáo sẽ gây cản trở cho việc xé xử vụ án của Tòa án nhân dân mà cụ thể ở đây là của Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, việc từ chối khai báo của bị cáo lại là hành vi hợp pháp, bởi bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”[15]. Như vậy, mặc dù một hành vi có thể gây cản trở cho hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân, nhưng nếu hành vi đó hợp pháp thì không thể bị xem là hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân. Chính vì vậy, Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân cũng phải có những quy định về trường hợp ngoại lệ, những giới hạn của điều luật để tránh trường hợp mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tế./.  

 


[1] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Tố tụng hành chính, Nxb. Hồng Đức, năm 2019, tr. 23.
[2] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2014, tr. 17.
[3] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Tố tụng hành chính, tlđd, tr. 26.
[4] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Tố tụng hành chính tlđd, tr. 22.
[5] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tlđd, tr. 23.
[6] Điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự).
[7] Khoản 1 Điều 36 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Tố tụng hành chính); Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 1, Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[9] Khoản 2 Điều 36 Luật Tố tụng hành chính; Khoản 2 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, năm 2006, tr.108.
[11] Lê Thu Hà, “Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 19, 2004, tr. 21 – 23.
[12] Phạm Linh Trang, “Quy định của pháp luật về cản trở hoạt động tố tụng và cách xử lý”, https://lsvn.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-can-tro-hoat-dong-to-tung-va-cach-xu-ly1627140403.html, truy cập ngày 30/9/2021.
[13] Cao Vũ Minh, “Tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhìn từ Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 11, năm 2013.
[14]Điều 391 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp”.
[15] Điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (460), tháng 6/2022.)