Vật quyền dữ liệu số

19/09/2022

THS. HUỲNH THIÊN TỨ

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Quá trình chuyển đổi số đặt ra nhu cầu nhìn nhận dữ liệu như đối tượng của vật quyền và nhu cầu tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để các chủ thể chiếm hữu, dụng ích và trao đổi dữ liệu cho nhau. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa thống nhất nhìn nhận dữ liệu như tài sản, cũng chưa có quan điểm thống nhất về cơ chế vật quyền áp dụng cho dữ liệu số như tài sản. Trong bài viết này, tác giả phân tích học thuyết pháp lý và các quy phạm pháp luật thực định để trả lời cho ba câu hỏi: thứ nhất, phải chăng dữ liệu số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện nay; thứ hai, cơ chế vật quyền nào là phù hợp cho đối tượng dữ liệu số; thứ ba, làm thế nào giải quyết xung đột giữa cơ chế vật quyền đối với tài sản dữ liệu số với cơ chế bảo vệ quyền nhân thân của pháp luật dân sự từ góc độ tiền kiểm để đảm bảo công bằng, dân chủ, bảo vệ quyền con người trong xã hội số.
Từ khóa: Dữ liệu số, tài sản, vật quyền.
Abstract: The digital transformation process raises the need to regard data as the object of property rights and the need to create an appropriate legal corridor for subjects to possess, use and exchange data. However, the current law has not recognized data as property, nor has there been a unified view on the rights mechanism applied to digital data as an property. Under this article, the author provides an analysis of legal theory and practical legal norms to answer the following two theoretical questions: firstly, whether digital data is property from the perspective of civil law; secondly, what paradigm of rights is appropriate for digital data as objects, and thirdly, how to resolve the conflict between the property rights mechanism over digital data assets and the moral rights protection mechanism of the civil law from a pre-judge perspective to ensure fairness, democracy, and security for protecting the human rights in a digital society.
Keywords: Digital data; property; property rights.
 
1. Một số đặc điểm của tài sản dữ liệu số tiếp cận từ học thuyết pháp lý  
1.1. Đặc trưng của dữ liệu số trong bối cảnh chuyển đổi số
Dữ liệu là những thông tin được chiết xuất có chọn lọc từ các quan hệ kinh tế - xã hội, được phân loại, hệ thống hóa, lưu trữ vì một số mục tiêu nhất định. Khi cần thiết, các dữ liệu này được tra vấn, trích xuất và ứng dụng để phục vụ những mục tiêu khác nhau trong đời sống kinh tế, xã hội[1]. Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary định nghĩa “dữ liệu” là “các dữ kiện thực tế hoặc thông tin, đặc biệt khi được khảo cứu và sử dụng để tìm hiểu về vật hoặc để ra quyết định/thông tin được lưu trữ bởi một máy tính”[2]. Trong nghiên cứu khoa học, việc thu thập, phân loại, phân tích dữ liệu sẽ phục vụ công tác phân tích khoa học, mang lại tri thức mới về lĩnh vực đang nghiên cứu[3]. Trong khoa học dữ liệu thuần túy, việc kết hợp đúng đắn các dữ kiện từ thông tin mà dữ liệu phản ánh sẽ cung cấp những tri thức mới[4]. Tuy nhiên, bước sang kỷ nguyên điện toán, khoa học dữ liệu và các vấn đề liên quan được quan tâm nhiều hơn vì khả năng kiến tạo tri thức vô hạn nhờ vào nguồn dữ liệu được hệ thống hóa và khả năng chia sẻ qua các phương tiện kết nối; nhờ đó, các chủ thể kinh doanh có được thông tin quý giá về xu hướng, sở thích, nhu cầu của khách hàng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp[5], cơ quan quản lý có được thông tin với độ chính xác cao về dân cư, di chuyển, quy mô kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh trong từng khu vực khác nhau[6], các chủ thể truyền thông có được nguồn dữ liệu quý giá và mang lại lợi ích trực tiếp cho hoạt động báo chí truyền thông với chi phí rất rẻ[7].DỮ-LIỆU-SỐ.jpg
Khái niệm dữ liệu số khác với khái niệm “thông điệp dữ liệu” theo Luật Giao dịch điện tử[8] và khác với khái niệm “thông tin mạng” theo cách hiểu của Luật An toàn thông tin mạng[9], song nó chia sẻ nhiều điểm tương đồng về mặt định nghĩa với hai khái niệm trên. Dữ liệu số là dữ liệu được thu thập, nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu qua tập hợp phần cứng, phần mềm, để lưu trữ, hệ thống hóa, phân tích và kiến tạo tri thức mới với mục tiêu lợi ích, có thể khảo cứu và sử dụng được khi cần. Như vậy, dữ liệu số là hình thức thể hiện dưới dạng điện toán của thông tin, có phạm vi rộng hơn dữ liệu cá nhân, có tính ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau và phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, dữ liệu còn mang một số đặc trưng như (i) dữ liệu có tính chính xác vì nó luôn phản ánh đối tượng và phục vụ mục đích cụ thể; (ii) dữ liệu có tính liên quan và gắn kết chặt chẽ với bối cảnh thu thập, lưu trữ, sử dụng, từ đó phản ánh giá trị thông tin về chất và lượng; (iii) dữ liệu không có tính tiêu hao sau khi được khai thác, sử dụng, vì thông tin được gắn kết với dữ liệu có tính không cạn kiệt, chúng có thể được tái truy xuất và phân tích để phục vụ các mục đích khác nhau[10]; (iv) dữ liệu được thu thập có chủ đích, chủ đích này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể đầu tiên tiến hành thu thập, song không nhất thiết phản ánh thông tin về chủ thể này mà có thể phản ánh thông tin về chủ thể, khách thể, đối tượng khác. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng có giá trị khách quan vì nó có thể phản ánh thông tin về hiện thực khách quan[11]; (v) dữ liệu được tạo ra trên cơ sở truy nhập thông tin thực vào hệ thống thông tin, cũng có thể được tạo mới từ kết quả phân tích dữ liệu sẵn có, trong cả hai trường hợp, việc tạo ra dữ liệu đòi hỏi một khoản chi phí mất đi từ việc đầu tư vào các thiết bị phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu.
Từ phân tích trên, có thể rút ra một số đặc điểm của dữ liệu số dưới góc độ tài sản: Thứ nhất, dữ liệu có hình thức thể hiện linh hoạt trong môi trường điện toán xác định, gắn liền với một hoặc nhiều cơ sở dữ liệu, là sự phản ánh thông tin đời thực; Thứ hai, dữ liệu là sản phẩm của quá trình đầu tư chi phí vào hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực phù hợp để chuyển thông tin đời thực thành dữ liệu trong hệ thống thông tin điện toán; Thứ ba, dữ liệu có thể chiếm hữu được thông qua phạm vi hệ thống thông tin và các thiết bị lưu trữ, xử lý; Thứ tư, dữ liệu có thể là đối tượng của sự trao đổi vì nó có thể được truyền đưa, chia sẻ hoặc xử lý đồng thời bởi nhiều thiết bị thuộc các hệ thống thông tin khác nhau; Thứ năm, việc khai thác ứng dụng của dữ liệu mang lại giá trị cho người có quyền.
1.2. Dữ liệu số là tài sản
“Khái niệm về tài sản […] là một khái niệm có tính mục đích rất cao. Khái niệm này phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của xã hội. Tài sản không thể được xem xét tách rời các giá trị xã hội”[12]. Trong khi đó, một trong những lĩnh vực pháp luật chịu tác động lớn nhất từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là pháp luật về dữ liệu, đồng thời đưa ra nguyên nhân cho sự tác động này là “sở hữu dữ liệu, các yếu tố dữ liệu cá nhân đã từ lâu được coi là một hàng hóa kinh tế trọng điểm. Dữ liệu đã trở thành một loại nguyên liệu thô mới với kinh tế”[13]. Như vậy, xem xét các tính chất pháp lý của dữ liệu số nhất thiết phải đặt trong bối cảnh chuyển đổi số với hạ tầng công nghệ, đặc tính kết nối không giới hạn nhờ hạ tầng mạng, khả năng tiếp cận công nghệ của chủ thể, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nguyễn Ngọc Điện, có hai cách tiếp cận trong học thuyết pháp lý để nhận dạng tài sản: (i) Coi tài sản như một vật và (ii) Xác định tài sản là một quyền. Hai cách xác định này là hai cách khác nhau để cùng nhìn nhận tài sản chứ không phải là hai loại tài sản khác biệt. Vì vậy, hai cách xác định này chia sẻ cùng một tiêu chí là tính định giá được bằng tiền của vật được xem là tài sản[14]. Đi xa hơn, Phạm Duy Nghĩa cho rằng, tài sản có thể được hiểu là “bất cứ thứ gì có giá trị, một khái niệm rộng và không giới hạn, luôn được bồi đắp thêm bởi những giá trị mới mà con người nhận thức ra”, và “trong thời hiện đại, bí mật kinh doanh, […] quyền được kinh doanh, quyền được khai thác… hết thảy đều được xem là tài sản, chúng đều có thể dễ dàng quy đổi thành tiền”[15].
Song Phạm Duy Nghĩa đã cho rằng “quyền tài sản có thể hiểu là cách ứng xử của con người đối với nhau liên quan đến những tài nguyên khan hiếm” và “[…] bản chất của quyền tài sản là sự phân chia giới hạn kiểm soát tài nguyên khan hiếm. Trong quyền tài sản bao giờ cũng có hàm ý tập trung quyền kiểm soát cho người này, mà giới hạn hoặc loại trừ quyền đó đối với người khác”[16]. Sự khan hiếm về tài sản trong định nghĩa của Phạm Duy Nghĩa không nên chỉ được hiểu là sự khan hiếm của tài sản trong tự nhiên; sự khan hiếm này còn được xem xét từ việc giới hạn quyền tiếp cận của chủ thể khác đối với nguồn tài nguyên đã được xác lập quyền tài sản của một chủ thể; ngoại trừ chủ sở hữu quyền tài sản, người khác không được tiếp cận tài sản ấy ngay cả khi viện đến phúc lợi phổ quát[17]. Như vậy, việc mở rộng khái niệm tài sản để bao trùm luôn cả dữ liệu số không gây ra mâu thuẫn với định nghĩa tài sản của Phạm Duy Nghĩa, bởi sự không khan hiếm của dữ liệu số là sự không khan hiếm về mặt nguồn gốc tự nhiên; tuy nhiên, quy trình kiến tạo dữ liệu và khai thác dữ liệu chỉ nằm trong tay những chủ thể có tiềm lực kinh tế và khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phù hợp đã tạo nên sự khan hiếm về nguồn cung dữ liệu.
Tóm lại, dữ liệu số hoàn toàn có thể trở thành đối tượng chiếm hữu, sử dụng, trao đổi, mang lại giá trị và có thể quy đổi được thành tiền. Vì vậy, có cơ sở xác định dữ liệu số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện nay, là đối tượng của quyền sở hữu và các vật quyền khác.
2. Dữ liệu số và quyền tài sản từ góc độ những nguyên lý của vật quyền
Mặc dù pháp luật dân sự thực định ở Việt Nam hiện nay không chính thức sử dụng thuật ngữ “vật quyền” để chỉ quyền đối với tài sản, các quy phạm thực định đã thể hiện gần đầy đủ các nội dung của quyền này[18]. Hiểu một cách chung nhất, vật quyền là quyền của một người đối với một vật, thể hiện sự chi phối của người đó đối với vật. Vì lý do trên, vật quyền một khi đã xác lập sẽ có tính đối vật, người có vật quyền thực hiện các quyền của mình trực tiếp lên tài sản mà không cần đến ý chí hay sự hợp tác của người khác[19]. Phần lớn các học thuyết hiện tại đều thống nhất về hai đặc điểm của vật quyền, đó là (i) vật quyền có tính theo đuổi, theo đó, người có vật quyền có quyền yêu cầu bất kỳ ai phải giao tài sản cho mình một cách vô điều kiện nếu tài sản ấy đã được xác lập vật quyền cho người đó; (ii) vật quyền dành sự ưu tiên hưởng quyền cho người có vật quyền[20]. Hiểu theo nghĩa này, vật quyền bao gồm tất cả các quyền mà người có vật quyền có được trên tài sản, trong đó bao gồm nhưng không hạn chế trong nhóm quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
Theo tác giả, một trong những nguyên tắc chính trong lý thuyết vật quyền, cũng là trở ngại lớn trong việc ứng dụng lý thuyết vật quyền vào các đối tượng mới trong bối cảnh đổi khác, đó là tính luật định bắt buộc trong căn cứ xác lập vật quyền. Nhóm tác giả Nguyễn Minh Oanh và cộng sự, lẫn tác giả Nguyễn Ngọc Điện đều khẳng định, vật quyền không thể được tạo ra bởi sự thỏa thuận riêng giữa các bên, bởi vật quyền có hiệu lực đối kháng với tất cả mọi người khác[21]. Bên cạnh (i) nguyên tắc luật định, vật quyền còn mang ba nguyên tắc khác là (ii) nguyên tắc tuyệt đối, (iii) nguyên tắc công khai, và (iv) nguyên tắc tin cậy. Thực chất, trừ nguyên tắc (ii) là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nguyên tắc (i) như đã phân tích, còn hai nguyên tắc vừa trình bày là hệ quả phái sinh của nguyên tắc (i), theo đó vật quyền phải do luật định. Việc chế định vật quyền cụ thể, rõ ràng khẳng định hiệu lực công tín của vật quyền vì được đảm bảo trên cơ sở sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[22]. Vì vậy, đăng ký tài sản, một trong những phương thức thể hiện sự bảo chứng đến từ công quyền, là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đó vô hiệu[23]. Việc đăng ký quyền này cũng phải được công bố để đảm bảo sự tiếp cận thông tin của xã hội đối với vật quyền.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra nhận định, vật quyền có nội hàm rộng hơn quyền tài sản và có thể được xác lập trên bất cứ vật gì, kể cả vật vô hình và vật hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, các quan điểm hiện nay còn chưa thống nhất khi nói về vật quyền xác lập trên một quyền có tính chất tài sản. Khi đặt câu hỏi “Tài sản vô hình có thể được sở hữu không?” tác giả Lê Nết đã trả lời bằng việc lập luận ba bước: (a) tài sản vô hình có thể trị giá được bằng tiền và có thể trao đổi, (b) đối tượng sở hữu trí tuệ là sự sáng tạo, (c) uy tín thương mại có giá trị lớn[24]. Tác giả cho rằng, cơ sở để hình thành quyền tài sản đối với các đối tượng là tài sản vô hình là tính trị giá được bằng tiền, trao đổi được, được tạo ra từ sự đầu tư chất xám (và các chi phí liên quan) và có tính thương mại. Ở một góc nhìn khác hơn, Phạm Duy Nghĩa cho rằng, khái niệm “quyền tài sản” ra đời như một quyền na ná đối với vật (jura in re aliena), đồng thời nhận định khái niệm quyền tài sản là sự cách tân đối với quyền sở hữu xuất phát từ nhu cầu sử dụng tài sản “thiên biến vạn hóa theo quyết định của (những) người có quyền kiểm soát chúng”[25]. Nguyễn Ngọc Điện tiếp cận hẹp hơn theo hướng khái niệm quyền tài sản bao hàm vật vô hình và trái quyền; đặc biệt, ông cũng khẳng định không phải quyền tài sản nào cũng có thể chuyển giao được. Điều này khiến việc định nghĩa quyền tài sản trở nên mơ hồ, song khi kết hợp cả hai lý giải trên, chúng ta có thể khẳng định một điều: quyền tài sản có thể là một trong những đối tượng của vật quyền chứ không đồng nhất với vật quyền, vì (a) quyền tài sản có thể phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng; (b) quyền tài sản có thể được xác lập và thực thi trên các tài sản vô hình, trong khi chưa rõ lý thuyết về vật quyền có thể được áp dụng rộng ra cho các tài sản vô hình hoặc các tài sản có hình dáng không cố định, không nhìn thấy được rõ ràng (được tác giả Đỗ Thị Diện gọi tên là các dấu hiệu không nhìn thấy được) hay không[26].
Như đã phân tích, dữ liệu số hoàn toàn có thể được xem là tài sản theo học thuyết pháp lý lẫn pháp luật dân sự thực định hiện nay. Tuy nhiên, nếu phải phân loại dữ liệu vào nhóm tài sản hữu hình hay vô hình thì câu trả lời là rất khó, bởi thông tin thì có tính vô hình, nhưng khi được thể hiện dưới những dạng thức điện toán (câu lệnh, mã điện toán, v.v..) thì dữ liệu lại có thể là nhìn thấy được. Tham khảo phân tích của nhóm tác giả Nguyễn Minh Oanh và cộng sự liên quan đến tiền ảo, khi bàn về biểu hiện của tiền ảo xem xét dưới góc độ tài sản, nhóm tác giả đã nhấn mạnh hình thức tồn tại của tiền ảo “dưới dạng kỹ thuật số và phải phụ thuộc vào môi trường số để hoạt động mà không biểu hiện ra bên ngoài dưới bất kỳ dạng vật chất truyền thống nào”, đồng thời khẳng định “sự tồn tại của tiền ảo hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống mạng máy tính lưu trữ các thông tin liên quan đến tài khoản của chủ sở hữu tiền ảo”; trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu xác định tiền ảo là tài sản vô hình, và cơ chế vật quyền cần xác lập trên đối tượng này là thông qua quyền tài sản[27]. Nếu áp dụng những tiêu chí tương tự vào dữ liệu số, ta có: (i) dữ liệu số chỉ tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, phải phụ thuộc vào môi trường số và hệ thống dữ liệu; (ii) mặc dù dữ liệu có thể được phân tích và chuyển đổi thành các văn bản, văn tự truyền thống, nhưng hình thức tồn tại bên ngoài của nó là thông tin được chuyển đổi sang các thông điệp văn tự, ký ngữ, chứ không phải là dữ liệu số nữa; (iii) sự tồn tại của dữ liệu số phụ thuộc vào hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ nó và liên quan đến ý chí của chủ thể thu thập, lưu trữ, phân tích nó. Như vậy, có cơ sở để khẳng định dữ liệu số là tài sản vô hình và là đối tượng của quyền tài sản, đến lượt nó, là đối tượng của vật quyền.
3. Giải quyết xung đột giữa vật quyền dữ liệu số và quyền riêng tư
Trước hết, quan hệ vật quyền dữ liệu số phải được xác lập, thực hiện trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm[28]. Với vai trò là một quyền tài sản, vật quyền dữ liệu số cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự thực định, được đưa ra tại Điều 3 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015; trong đó, nổi bật nhất là nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và việc xác lập, thực hiện quyền không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác[29].
Xung đột mấu chốt nhất trong việc xác lập và thực thi vật quyền dữ liệu số chính là xung đột giữa quyền riêng tư liên quan đến thông tin cá nhân và quyền tài sản liên quan đến việc thu thập, khai thác, trao đổi và dụng ích những dữ liệu phản ánh thông tin ấy. Nếu không giải quyết xung đột này, việc xác lập và thực thi vật quyền dữ liệu sẽ vi phạm nguyên tắc ở Điều 3 BLDS năm 2015.
Cần khẳng định rằng, chủ thể dữ liệu có quyền với dữ liệu cá nhân liên quan đến định danh của chính mình; chủ thể dữ liệu cũng có quyền riêng tư đối với bí mật cá nhân và đời sống riêng mà không bị xâm phạm bởi bất kỳ chủ thể và thế lực nào khác. Tuy nhiên, quyền đối với dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu không nên được đồng nhất với quyền riêng tư[30]. Trái lại, quyền đối với dữ liệu cá nhân hoàn toàn có thể được xem là vật quyền, theo đó, người sáng tạo ra dữ liệu sẽ có vật quyền đối với dữ liệu ấy, dù người hưởng dụng dữ liệu có thể là người khác[31]. Mặt khác, quyền riêng tư đối với thông tin cá nhân nên được đặt trong những bối cảnh hết sức cụ thể trong mô hình kinh tế số, xã hội số, tập trung vào những điều kiện cần thiết để tạo ra cho các chủ thể trong hoàn cảnh đó sự riêng tư hoàn toàn và có giá trị riêng tư một cách hiệu quả[32]. Trong quan hệ với vật quyền dữ liệu, cần xác định rõ những tiêu chí, điều kiện cho tính hợp pháp của việc xác lập và thực thi vật quyền dữ liệu, cũng phải xác định rõ các tiêu chí, điều kiện để đáp ứng nhu cầu riêng tư và bảo vệ các giá trị về mặt riêng tư của chủ thể dữ liệu trong bối cảnh cụ thể. Những tiêu chí và điều kiện này phải liên quan đến (a) cách thức trao đổi giá trị, (b) trách nhiệm chủ thể, (c) khách thể giá trị, và (d) nghĩa vụ luật định của các chủ thể liên quan[33].
Nhiều quan điểm khẳng định có sự xung đột giữa việc thực thi quyền tài sản và quyền con người cơ bản và cách thức giải quyết chúng. Theo đó, cách thứ nhất là bảo đảm quyền con người bằng cách áp dụng theo nguyên tắc xác định tính ưu việt của quyền con người; cách thứ hai là trả phí công bằng nhằm chia sẻ lợi ích và nhận đền bù xứng đáng cho những tổn thất gây ra từ việc khai thác tài sản[34]. Nếu áp dụng kết hợp cả hai cách giải quyết, dễ kết luận rằng, trong mọi trường hợp, việc bảo vệ quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu được ưu tiên, người sử dụng dữ liệu mà không có sự cho phép của chủ thể dữ liệu sẽ phải hoàn trả chi phí cho chủ thể dữ liệu cá nhân như một khoản đền bù tổn thất. Tuy nhiên, tổn thất của chủ thể dữ liệu trong những hoàn cảnh khác nhau là khác nhau. Giả sử thông tin cá nhân của chủ thể dữ liệu bị hưởng dụng và chia sẻ giữa nhiều chủ thể khi chưa có sự đồng ý, nhưng nhằm mục đích điều trị y tế cho chủ thể dữ liệu hoặc mục đích dự báo dịch tễ phục vụ công tác chống dịch, thì lúc này cần xem xét mục đích của việc thu thập, hưởng dụng và trao đổi dữ liệu là gì. Nếu mục đích này là hợp pháp và không gây ra tổn thất cho chủ thể dữ liệu, thiết nghĩ pháp luật cần đưa ra một số chế tài mang tính hành chính nhằm đề cao nguyên tắc pháp trị, bảo vệ quyền con người, nhưng không nên áp đặt các chi phí quá đáng kể từ việc bồi thường thiệt hại lên chủ thể có vật quyền vì chúng sẽ gây lãng phí xã hội[35]. Bởi lẽ, vật quyền có thể phát sinh trong một số trường hợp luật định, miễn sao chủ thể có vật quyền đáp ứng được những tiêu chí về mục đích, cách thức trong vật quyền theo luật định thì sẽ có thể xác lập và thực hiện vật quyền lên dữ liệu mà không cần sự đồng ý của chủ thể. Để làm được điều này, pháp luật dân sự hiện hành cần được rà soát, sửa đổi và bổ sung theo hướng đưa ra các tiêu chí, cách thức xác lập và thực thi vật quyền, đảm bảo đồng bộ hóa với các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến dữ liệu hiện nay và trong thời gian sắp tới như Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng./. 
[1] Về những suy tưởng triết học liên quan đến hiện tượng lưu trữ và lưu trữ học dữ liệu đối với tri thức, xin tham khảo [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.
[9] Mặc dù Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 không đưa ra quy phạm định nghĩa về “thông tin mạng”, nhưng có thể suy ra định nghĩa trên qua định nghĩa “hệ thống thông tin” và “thông tin cá nhân” tại Điều 3 Luật này. Theo đó, thông tin mạng là những thông tin trên mạng được tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi qua tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu, trong đó có thể bao gồm những thông tin cá nhân, gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. 
[10] Trong đại dịch Covid-19, một số nước trên thế giới, điển hình là Gambia đã tái sử dụng dữ liệu bản ghi chi tiết cuộc gọi từ các nhà mạng viễn thông để theo dõi quá trình di chuyển hằng tuần của người dân nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp hạn chế đi lại đến từ cơ quan quản lý. Israel cũng đã phân tích dữ liệu cellular để phát hiện sớm các ca nhiễm, hỗ trợ công tác phòng – chống dịch hiệu quả. 
[11] [12] [13] [14] [15] [16] Phạm Duy Nghĩa (2013), Giáo trình Luật Kinh tế. Nxb. Công an nhân dân[17] [18] [19] [20] Tlđd; [21] Tlđd; [22] Tlđd; [23] Một dẫn chứng đáng tin cậy trong pháp luật thực định liên quan đến lập luận này là ở khoản 2 Điều 133Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015:
“Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
[24] [25] Tlđd; [26] [27] [28] Điều 1 BLDS 2015.
[29] Khoản 2, khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015.

[30] [31] [32] [33] [34] [35] Tlđd; 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (462), tháng 7/2022.)