Bàn về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong luật xử lý vi phạm hành chính

01/08/2022

THS. PHÍ MẠNH LONG

Khoa Luật, Trường Đại học An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14). Theo đó, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là biện pháp cưỡng chế hành chính được áp dụng nhằm ngăn chặn chủ thể tiếp tục vi phạm hoặc gây khó khăn, cản trở việc xử lý vi phạm. Đây là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính, là cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày những điểm mới của các quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Biện pháp ngăn chặn, thủ tục hành chính, vi phạm hành chính.
Abstract: At the 10th Meeting Session, the Fourteenth National Assembly approved the Law amending a number of articles of the Law on Handling of Administrative Violations (Law No. 67/2020/QH14). Accordingly, the measure to prevent and ensure the handling of administrative violations is an administrative coercive measure applied to prevent subjects from continuing to commit violations or to cause difficulties or obstacles to the handling of violations. This is an important tool to maintain the order and administrative discipline. It is a legal ground of protection of national security, social order and safety, and legitimate rights and interests of individuals and organizations. Within the scope of this article, the author introduces new contents of the provisions on measures to prevent and ensure the handling of administrative violations in the Law on Handling of Administrative Violations of 2012 amended  in a number of articles of 2020, and also provides recommendations for further improvements.
Keywords: Preventive measures; administrative procedures; administrative violations.
 ẢNH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những điểm mới của các quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Thứ nhất, về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (TTHC)
Tạm giữ người theo TTHC là biện pháp ngăn chặn (BPNC) hành chính do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với người vi phạm hành chính (VPHC) nhằm ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi VPHC theo quy định hoặc bảo đảm thi hành quyết định xử lý VPHC.
Luật số 67/2020/QH14 đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC, bổ sung 04 trường hợp là:
+ Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
+ Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
+ Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Trong đó, quy định “tạm giữ người trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”[1] đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan năm 2014; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”[2] là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này; trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”[3] là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”[4] được bổ sung nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng.
Thời hạn tạm giữ người theo TTHC không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người VPHC ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm[5].
Trường hợp tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy thì nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính[6].
Bên cạnh đó, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tạm giữ người theo TTHC. Theo đó, những người có quyền quyết định tạm giữ người theo TTHC bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Trưởng Công an phường, Trưởng Công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng một số phòng thuộc Công an cấp tỉnh; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Đội trưởng Đội quản lý thị trường; Đồn trưởng Đồn Biên phòng; Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa…[7]
Những người có thẩm quyền tạm giữ người có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo TTHC khi vắng mặt. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác[8].
Thứ hai, về biện pháp áp giải người vi phạm
Áp giải người vi phạm là biện pháp bảo đảm xử lý VPHC do chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền nhằm bảo đảm sự chấp hành của họ.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về những trường hợp người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải, đó là:
+ Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào do được hoãn chấp hành quyết định;
+ Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng được tạm đình chỉ chấp hành quyết định;
+ Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng bỏ trốn[9].
Thứ ba, về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo TTHC
Tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là BPNC và bảo đảm xử lý VPHC do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhằm xác minh, ngăn chặn hành vi VPHC và bảo đảm xử lý VPHC.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo TTHC, cụ thể:
Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề vẫn được quy định là người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Tuy nhiên, Luật số 67/2020/QH14 bổ sung “thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện VPHC”[10].
Trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề như sau: Người có thẩm quyền lập biên bản VPHC đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC để xem xét ra quyết định tạm giữ. Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ. Sửa đổi quy định trường hợp không có chữ ký của người vi phạm trong biên bản tạm giữ thì chỉ cần có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến thay vì phải có chữ ký của 02 người như trước đây[11].
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn như: Việc xử lý tang vật, phương tiện VPHC hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận. Trường hợp tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ nhưng hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không thi hành quyết định xử phạt; giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không đến nhận…[12].
Thứ tư, về biện pháp quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính là BPNC và bảo đảm xử lý VPHC do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhằm ngăn chặn không để đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật, bảo đảm sự có mặt của đối tượng khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi biện pháp quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính như sau:
Đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định: Giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc[13]. Việc sửa đổi trên đây nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn vì biện pháp này hầu như không thể triển khai trong một thời gian dài.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất,về biện pháp tạm giữ người theo TTHC
Việc quy định các trường hợp được áp dụng biện pháp giữ người theo TTHC[14] còn chung chung, chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Ngoài ra, trong thực tế nhiều trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác như: Đánh bạc, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ,... cần có thời gian để xác minh, làm rõ hoặc nếu không tạm giữ thì có thể đối tượng sẽ bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý về sau.
Vì vậy, theo tác giả, cần quy định phạm vi áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC theo hướng mở, bổ sung khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) như sau:
“1. Việc tạm giữ người theo TTHC chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
e) Các trường hợp khác do Chính phủ quy định”.
Theo đó, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết việc áp dụng biện pháp này, cụ thể là Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Trong đó, quy định chi tiết trường hợp tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc trên cơ sởquy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp tạm giữ người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên cơ sở quy định của Luật Hải quan; đồng thời, bổ sung những trường hợp tạm giữ người khác phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.
Thứ hai, về biện pháp áp giải người vi phạm
Khoản 1 Điều 124 Luật Xử lý VPHC quy định: Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp:
a) Bị tạm giữ người theo TTHC;
b) Đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 111, khoản 2 Điều 112 không tự giác chấp hành khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ không còn và đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 132 của Luật này”.
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ cũng thực hiện việc áp giải những đối tượng bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
Vì vậy, theo tác giả, cần bổ sung phạm vi áp dụng biện pháp áp giải người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Xử lý VPHC như sau:
“1. Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
c) Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn”.
Thứ ba, về biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC
Khoản 1 Điều 129 Luật Xử lý VPHC quy định: “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó cất giấu tang vật, phương tiện VPHC”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 129 Luật Xử lý VPHC cũng quy định về thẩm quyền khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý VPHC. Tuy nhiên, trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Quy định trên đây đã gây khó khăn cho công tác xác minh của lực lượng chức năng và bất cập khi thực hiện trong trường hợp vụ vi phạm xảy ra tại địa bàn biên giới, khu vực rừng núi, hải đảo, cách xa trụ sở Ủy ban nhân dân, vì đối tượng đã kịp tiêu hủy tang vật, phương tiện VPHC trong thời gian chờ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định[15].
Để khắc phục bất cập này, theo tác giả, nên sửa đổi quy định này theo hướng: “Nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là chỗ ở trong trường hợp vụ VPHC xảy ra ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì giao quyền cho những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý VPHC có quyền khám xét”.
Thứ tư, về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo TTHC
Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý VPHC quy định những trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bao gồm: “Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, để định giá tang vật VPHC làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;để ngăn chặn ngay hành vi VPHC mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại khoản 6 Điều này”.
Khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý VPHC quy định: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác... Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC”.
Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý VPHC quy định: “Cá nhân, tổ chức VPHC thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt”.
Như vậy, cùng là căn cứ áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng lại được quy định tại 3 khoản là khoản 1, khoản 6 và khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý VPHC.
Đồng thời, theo như các quy định trên đây, trường hợp cá nhân, tổ chức VPHC bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC thì không thể bị tạm giữ tang vật, phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Điều này đã mâu thuẫn với khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý VPHC: “Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ”. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý VPHC có thể hiểu nếu cá nhân, tổ chức VPHC mà có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC thì cũng thuộc trường hợp bị tạm giữ tang vật, phương tiện.
Ngoài ra, trong thực tiễn xử phạt VPHC, nếu cá nhân, tổ chức VPHC bịáp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC mà người có thẩm quyền xử phạt không tạm giữ tang vật, phương tiện thì sẽ gây khó khăn khi thi hành quyết định xử phạt sau này.
Vì vậy, để bảo đảm sự khái quát trong quy định về các trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo TTHC và sự thống nhất giữa quy định tại khoản 1 Điều 125 và khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý VPHC; đồng thời tạo thuận lợi khi thi hành quyết định xử phạt thì cần sửa đổi, bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý VPHC như sau:
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt:
Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC.
Trường hợp cá nhân, tổ chức VPHC bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó”.
Nếu theo hướng sửa đổi này thì khoản 6, khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý VPHC cũng cần được bãi bỏ./. 
 

 


[1] Điểm a khoản 61 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[2] Tlđd.
[3] Tlđd.
[4] Tlđd.
[5] Tlđd.
[6] Điểm c khoản 61 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[7] Khoản 62 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[8] Khoản 62 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[9] Khoản 63 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[10] Điểm a khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[11] Điểm a khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[12] Khoản 65 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[13] Khoản 66 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[14] Khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật Xử lý VPHC).
[15] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 về Tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Hà Nội, năm 2018.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (459), tháng 06/2022.)