Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm thành lập

04/07/2022

TS. TRẦN HUỲNH THANH NGHỊ

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích việc xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, có liên hệ với pháp luật doanh nghiệp một số quốc gia trên thế giới. Việc cho phép cổ đông có thời hạn 90 ngày để góp đủ vốn vào vốn điều lệ của công ty cổ phần đã dẫn đến hệ quả vốn điều lệ của công ty cổ phần có thể “ảo” trong thời hạn nêu trên, gây khó cho quản lý nhà nước về sau. Ngoài ra, mức phạt hành chính đối với vi phạm trên vẫn còn quá thấp là những hạn chế cơ bản của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam. Để khắc phục hạn chế trên, thì việc bãi bỏ quy định thời hạn góp vốn 90 ngày trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời thu lệ phí đang ký doanh nghiệp trên vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký kinh doanh cũng như nâng mức phạt tiền đối với hành vi đăng ký vốn doanh nghiệp không trung thực khi thành lập là cần thiết.
Từ khóa: Vốn điều lệ, công ty cổ phần, pháp luật về doanh nghiệp.
Abstract: Under this article, the author provides an analysis of the determination of the charter capital of a joint-stock company at the time of establishment in accordance with the provisions of Vietnamese enterprise law, which is related to the law on enterprise in a number of countries. Currently, it is allowed by the enterprise law, the shareholders fulfill their capital contribution into charter capital within 90 days from registraion date. As a result, those regulations causes the “virtual capital” and creates hurdle to the government for management of the economy in reality. Therefore, the administrative penalty on the violation is still so low. All of these existence expose the legal aperture in Vietnam. To overcome the above shortcomings, the abolition of the 90-day period of capital contribution in the Law on Enterprise of 2020, and the collection of business registration fees on the charter capital of joint-stock companies upon business registration, is also required such as raising the fine in money for the act of dishonestly registering enterprise capital upon establishment is necessary.
Key words: Charter capital; joint stock company; legal regulations on enterprise.
 VỐN-ĐIỀU-LỆ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam về xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm thành lập qua các thời kỳ lịch sử
Ở Miền Nam Việt Nam, trước thời điểm năm 1975, mô hình công ty cổ phần đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ và được luật hoá tại Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972 với tên gọi là Hội cổ phần (công ty cổ phần). Theo đó, Hội cổ phần chỉ được thành lập sau khi vốn hội đã được ký thuận mua đủ số và những người ký thuận mua cổ phần đã đóng bằng tiền mặt ít nhất ¼ giá ngạch cổ phần mà họ muốn mua. Thời hạn phải đóng đủ chậm nhất là 5 năm, kể từ ngày Hội được thành lập hẳn. Những phần hùn bằng hiện vật phải đóng đủ ngay khi thành lập[1]. Đồng thời, sáng lập viên phải đem ký thác những số tiền đóng của các hội viên vào quỹ cung thác hay một trương mục đặc biệt mở ở một ngân hàng với danh sách những người đã ký thỏa thuận mua cổ phần và số tiền mà mỗi người đã đóng. Hội chỉ có thể lấy số tiền này ra sau khi hội đã được chính thức thành lập[2].
Sau năm 1975, Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 - những văn bản luật đầu tiên của thời kỳ mở cửa kinh tế đã được ban hành. Khoản 4 Điều 3 Luật Công ty năm 1990 lần đầu tiên định nghĩa vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần (CTCP) là số vốn do các thành viên đóng góp và được ghi vào Điều lệ công ty. Các sáng lập viên phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% số cổ phiếu dự tính phát hành của công ty. Trong trường hợp các sáng lập viên không đăng ký mua tất cả cổ phiếu công ty, thì họ phải công khai gọi vốn từ những người khác[3]. Ngoài ra, Điều 9 Luật Công ty năm 1990 cũng xác định yêu cầu nếu thành viên CTCP góp vốn bằng hiện vật hoặc bản quyền sở hữu công nghiệp thì phải được Đại hội đồng thành lập xem xét, chấp thuận, định giá và được ghi vào Điều lệ công ty; phần vốn góp này phải được nộp đủ ngay khi công ty chính thức thành lập. Các sáng lập viên phải gửi tất cả số tiền đóng góp của người đăng ký mua cổ phiếu vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng ở trong nước. Số tiền gửi chỉ được lấy ra khi công ty đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc sau một năm, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập mà công ty không thành lập được.Có thể nói, những quy định trên của Luật Công ty năm 1990, đặc biệt là yêu cầu các sáng lập viên của CTCP phải đăng ký mua ít nhất 20% số cổ phiếu dự tính phát hành của công ty đã đặt nền móng ban đầu cho việc xác định vốn điều lệ của CTCP tại các văn bản luật doanh nghiệp về sau.
Sau đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, thay thế cho Luật công ty năm 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Khoản 6 Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999 định nghĩa, vốn điều lệ là số vốn do tất cả thành viên góp và được ghi vào Điều lệ công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật như Nghị định 03/2000/NĐ-CP, Nghị định 125/2004/NĐ-CP không quy định cụ thể về việc xác định vốn điều lệ của CTCP là dựa trên số cổ phần đã phát hành hay cổ phần được quyền phát hành. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2000 – đến giữa năm 2006, vốn điều lệ của CTCP được được hiểu tính trên số lượng cổ phần được quyền phát hành, chứ không phải là số cổ phần thực phát hành thành công. Cũng trong giai đoạn này, các cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán.[4] Song, Luật Doanh nghiệp năm 1999 lại không quy định thời hạn thanh toán cho số cổ phần mà cổ đông sáng lập nắm giữ theo tỷ lệ 20% nêu trên. Vì vậy, việc xác định vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập trong giai đoạn này là chưa nhất quán, do nhiều cách hiểu khác nhau.
Khắc phục hạn chế trên của Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 xác định cụ thể hơn về vốn điều lệ. Khoản 6 Điều 3 Luật Luật Doanh nghiệp năm 2005  định nghĩa, vốn điều lệ của các loại hình công ty, trong đó có CTCP là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.Và các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh[5]. Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Nghị định số 102) cụ thể hóa khái niệm vốn điều lệ của CTCP. Theo đó, vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Còn cổ phần được quyền phát hành là số cổ phần mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động thêm vốn.[6] Cổ phần này không được tính vào vốn điều lệ của CTCP.
Như vậy, kể từ ngày 15/11/2010, ngày Nghị định số 102 có hiệu lực, vốn điều lệ của CTCP chính thức được xác định dựa trên tổng số cổ phần đã phát hành thành công của công ty, còn những cổ phần được quyền phát hành nhưng chưa được nhà đầu tư đăng ký mua thanh toán đủ tiền thì không được tính vào vốn điều lệ của CTCP. Còn tại thời điểm thành lập CTCP thì vốn điều lệ của CTCP được xác định dựa trên số cổ phần mà cổ đông sáng lập và cổ đông khác đăng ký mua và thanh toán tiền trong 90 ngày. Sau thời hạn 90 ngày này thì vốn điều lệ của CTCP có thể được điều chỉnh giảm nếu cổ đông sáng lập và cổ đông khác vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền mua cổ phần.
Các văn bản Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tiếp tục kế thừa quy định về vốn điều lệ của CTCP tại Nghị định số 102/2010/NĐ-CP.
2. Quy định của pháp luật doanh nghiệp tại một số quốc gia về xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm thành lập
Trong điều kiện kinh tế thị trường, CTCP là loại hình doanh nghiệp được các quốc gia ưu tiên phát triển cho nên việc góp vốn của nhà đầu tư vào công ty này có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế. Bởi lẽ, cổ phần của CTCP biểu hiện cho sự đầu tư của cổ đông vào công ty[7]. Và khi nhà đầu tư bỏ vốn dưới dạng thức trách nhiệm tài sản hữu hạn của CTCP cũng với mục đích nhằm bảo vệ tài sản cá nhân của nhà đầu tư trong trường hợp các quyết định kinh doanh sai lầm có thể gây các tổn thất kinh tế cho họ[8]. Hơn nữa, CTCP là hình thức huy động vốn trên huy mô lớn hiệu quả nhất[9]. Phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong công chúng là ưu điểm nổi bật của CTCP đồng thời khối lượng cổ phiếu lưu hành đó phản ánh vốn điều lệ của công ty cổ phần trong nền kinh tế. Vì vậy, việc luật hóa vốn điều lệ và việc góp vốn của nhà đầu tư vào vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập thường được pháp luật doanh nghiệp các quốc gia quy định dưới các góc độ khác nhau.  
Tại Nhật Bản, theo quy định của Luật Công ty năm 2005 thì các cổ đông sáng lập phải góp đủ vốn vào vốn điều lệ mà họ đã đăng ký mua tương ứng với số sổ phần được phát hành tại thời điểm thành lập CTCP. Họ không được trì hoãn viêc thực hiện nghĩa vụ này[10]. Luật Công ty năm 2005 không giới hạn việc các cổ đông sáng lập phải đăng ký mua tối thiểu bao nhiêu cổ phần tại thời điểm thành lập công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp có cổ đông sáng lập không hoàn thành việc góp đủ vốn thì các cổ đông sáng lập còn lại sẽ ấn định một thời hạn và thông báo cho cổ đông sáng lập vi phạm góp vốn theo thời hạn ấn định đó. Nếu cổ đông sáng lập lại vi phạm không góp đủ vốn theo thời hạn ấn định đó thì họ mất quyền trở thành cổ đông của công ty[11].
Tại Trung Quốc, theo quy định của Luật Công ty năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì vốn điều lệ của công ty cổ phần do các cổ đông sáng lập tham gia thành lập công ty được xác định tại thời điểm thành lập là tổng số cổ phần mà cổ đông sáng lập đăng ký mua. Còn đối với các CTCP được thành lập theo hình thức phát hành cổ phần thì các cổ đông sáng lập phải đăng ký mua ít nhất là 35% tổng số lượng cổ phần của công ty. Luật Công ty Trung Quốc không quy định thời hạn thanh toán của cổ đông sáng lập mà thời hạn thanh toán này sẽ do thỏa thuận giữa các cổ đông hoặc do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp, nếu cổ đông sáng lập vi phạm việc góp vốn thì họ sẽ chịu trách nhiệm cho vi phạm trên phụ thuộc vào thỏa thuận cổ đông[12].
Tại Đức, theo quy định của Luật Công ty cổ phần năm 1965, các cổ đông khi góp vốn mua cổ phần vào vốn điều lệ của CTCP có thể góp bằng tiền mặt hoặc góp bằng hiện vật. Luật Công ty Đức không ràng buộc nghĩa vụ của cổ đông sáng lập phải đăng ký mua tối thiểu bao nhiêu % số lượng cổ phần của CTCP tại thời điểm thành lập, mà điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các cổ đông. Tuy nhiên, trong chứng thư thành lập các CTCP thì phải ghi rõ khối lượng cổ phần đã được thanh toán[13]. Thỏa thuận cổ đông được xem như một hợp đồng giữa công ty và cổ đông tương lai của công ty. Nếu những người góp vốn không thanh toán đủ tiền mua cổ phần theo thỏa thuận trong hợp đồng này thì công ty có thể thực hiện các hành động pháp lý chống lại họ[14].
Tại Anh Quốc, Luật Công ty năm 2006 không quy định cụ thể số sổ phần mà các cổ đông của CTCP phải nắm giữ khi thành lập công ty cũng như không luật hóa việc thanh toán cổ phần của các cổ đông này như thế nào. Tất cả các vấn đề liên quan đến góp vốn mua cổ phần của cổ đông đều được các cổ đông thỏa thuận và ghi vào điều lệ công ty nhưng phải được thông báo cho cơ quan đăng ký knh doanh[15].
Tại tiểu bang New York (Hoa Kỳ) theo quy định của Luật Công ty thương mại năm 2016 thì việc góp của các cổ đông vào vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập có thể được thực hiện trước hoặc sau sau thời điểm thành lập công ty nhưng họ phải thanh toán đủ tiền mua cổ phần vào các thời điểm đó, trừ khi những người góp vốn có thỏa thuận khác bằng văn bản[16].
Còn tại Tây Ban Nha, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Công ty năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), khi thành lập CTCP các cổ đông phải mua được ít nhất 25% giá trị cổ phần phát hành, viêc thanh toán tiền mua cổ phần của cổ đông sẽ thực hiện qua tài khoản ngân hàng mang tên công ty. Luật Công ty Tây Ban Nha không quy định thời hạn cụ thể cho các cổ đông thanh toán tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng kể từ khi hết hạn góp vốn mua cổ phần thì các cổ đông sáng lập phải chốt được danh sách cổ đông đã góp vốn mua cổ phần với các nội dung chính như giá trị cổ phần, loại cổ phần, khổi lượng cổ phần được sở hữu bởi các cổ đông trước khi công chứng thành lập doanh nghiệp[17].
3. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về vốn điều lệ của công ty cổ phần
Hiện nay, theo quy định của khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ của CTCP là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Đồng thời, khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng xác định vốn điều lệ của CTCP là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của CTCP khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn[18]. Quy định trên của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư khi góp vốn mua cổ phần tại CTCP. Bởi lẽ, với thời hạn 90 ngày linh hoạt trong thanh toán tiền mua cổ phần sẽ giúp cho nhà đầu tư có thể thu xếp tài chính để tham gia công ty với mức góp vốn cao nhất có thể, thay vì chỉ góp trọn góp một lần tại thời điểm thành lập thì cứng nhắc, gây khó cho họ. Tuy nhiên, thực tiễn thực hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho thấy quy định của Luật về vốn điều lệ của công ty cổ phần bộc lộ một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, tạo ra tình trạng vốn “ảo” của CTCP khi thành lập.
Với quy định thông thoáng về thời hạn góp vốn 90 ngày nêu trên thì nhà đầu tư có thể đăng ký vốn ảo ở giai đọan đầu thành lập doanh nghiệp theo chiêu thức phổ biến là cam kết góp số vốn lớn vào vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập, sau đó có thể điều chỉnh giảm xuống theo thực góp. Thực tế này đã được kiểm chứng qua ví dụ sau: Ngày 20/5/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) được thành lập, trụ sở chính tại tầng 46 tòa Tòa nhà BITEXCO (Quận 1, TP.HCM) đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh vốn điều lệ đăng ký lên đến 500.000 tỷ đồng, với chỉ 3 cổ đông cá nhân. Các nhà sáng lập công ty này đã đăng ký mức vốn “khủng” với mục đích khó đoán định, gây khó cho hoạt động quản lý nhà nước, làm méo mó quy định có tính linh hoạt tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, gây ra những rủi ro cho các đối tác trong quan hệ thương mại, dân sự trong nền kinh tế.   
Ngay cả số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng chỉ ra rằng: Năm 2021, cả nước có 116.839 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới là 1.611.109 tỷ đồng. Vốn bình quân của một doanh nghiệp đăng ký lên đến 13,7 tỷ đồng[19]. Xu thế doanh nghiệp Việt Nam đăng ký vốn điều lệ ngày càng cao, trong khi nhà nước khó xác định tính xác thực của số vốn đăng ký đó tại thời điểm thành lập. Trong khi trước đó, vào thời điểm năm 2019, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp chỉ đạt 12,5 tỷ đồng nhưng tăng 11,2% so với năm 2018[20].
Thứ hai, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc tất cả các chủ thể thành lập doanh nghiệp đều phải thanh toán tiền mua cổ phần qua tài khoản ngân hang.
Hiện tại, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam[21]. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản[22]. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cụ thể về hình thức thanh toán tiền góp vốn của nhà đầu tư tại CTCP. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về Thanh toán bằng tiền mặt (Nghị định số 122) và Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài Chính về Hướng dẫn Điều 6 của Nghị định số 222/2013/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp khi góp vốn vào doanh nghiệp khác mới bắt buộc phải qua ngân hàng, còn cá nhân góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp thì có thể lựa chọn qua ngân hàng hoặc góp bằng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là, các cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp bằng tiền VND không buộc phải thanh toán tiền góp vốn đó qua tài khoản ngân hàng. Quy định trên đã tạo khoảng trống, dễ bị các nhà đầu tư không chân chính lợi dụng để đối phó cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp vốn điều lệ trên thực tế. Điển hình, vụ việc tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tại Tp. HCM trong năm 2020: Chỉ từ một doanh nghiệp khởi sự kinh doanh đăng ký vốn điều lệ lần đầu ngày 05/05/2016 với 1 tỷ đồng, đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đăng ký thay đổi vốn lần thứ 3 ngày 26/09/2017 thì vốn điều lệ đã lên đến 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt). Trong đó, có 3 cổ đông là ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc là đại diện pháp luật góp 10% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai góp 10% vốn điều lệ[23]. Trong khi thực tế, mọi người đều biết các biên bản góp vốn bằng tiền mặt giữa các cổ đông là hoàn toàn không có thực.
Thứ ba, chế tài xử lý hành vi gian dối của nhà đầu tư trong góp vốn vào vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe.
Trước năm 1975, theo quy định tại Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972 thì các biện pháp chế tài xử phạt hành vi gian dối trong góp vốn thành lập doanh nghiệp hết sức nghiêm khắc. Theo đó, nhà đầu tư có thể bị xử lý hình sự về tội lường gạt theo quy định tại Bộ Hình luật nếu việc góp vốn là giả tạo, gian dối hoặc có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng – 500.000 đồng nếu không góp đủ vốn trong thời hạn luât định[24].
Trong khi đó, theo quy định của Điều 43 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Nghị định số 122), mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả việc kê khai, đăng ký không trung thực số vốn của doanh nghiệp khi thành lập. Và biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Như vậy, trong bất luận trường hợp nào khi có sự vi phạm về tính chính xác, trung thực của số vốn kê khai khi đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng, không áp dụng chế tài hình sự cho hành vi gian dối góp vốn của nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp. Có thể nói, mức phạt tiền tại Nghị định số 122 đối với hành vi  đăng ký vốn ảo của nhà đầu tư là còn thấp so với mặt bằng kinh tế hiện nay tại Việt Nam, chưa đủ sức răn đe, trong khi hành vi vi phạm trên có thể gây những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế như làm mất niềm tin của các nhà đầu tư vào quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp năm 2020, dễ phát sinh các doanh nghiệp “ma” đăng ký vốn khủng để khuếch trương thanh thế trước đối tác, tham gia đấu thầu dự án, đấu giá tài sản với số vốn không có thực trong nền kinh tế.
4. Kiến nghị
Để khắc phục tình trạng vốn “ảo” ở CTCP đã xảy ra trong thời gian qua, tác giả kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về vốn điều lệ của CTCP với các nội dung sau:
Thứ nhất, sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bỏ quy định về thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập để nhà đầu tư góp đủ vốn vào vốn điều lệ của CTCP. Thay vào đó, cho phép cho các nhà đầu tư tự quyết định tiến độ góp vốn nhưng với điều kiện là họ phải đăng ký vốn điều lệ theo số vốn thực góp của họ tại thời điểm thành lập (vốn điều lệ chỉ tính số vốn thực góp tại thời điểm thành lập).
Thứ hai, sửa đổi Nghi định số 122 theo hướng tăng mức xử phạt tiền nhà đầu tư đối với hành vi đăng ký vốn không trung thực lên gấp ít nhất 3 lần so với quy định hiện nay.
Thứ ba, sửa đổi Nghị định số 222 theo hướng quy định bắt buộc cá nhân góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp bằng tiền VND, ngoại tệ thì phải qua tài khoản ngân hàng, thay vì chỉ có doanh nghiệp như hiện tại. Thiết nghĩ, trong giai đoạn bùng nổ công nghệ số hiện nay cũng như hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong nền kinh tế thì việc quy định nhà đầu tư dù là pháp nhân hay cá nhân phải thanh toán tiền góp vốn qua ngân hàng là cần thiết. Sự thay đổi này sẽ giúp nhà nước kiểm soát được tính xác thực của vốn điều lệ của CTCP khi thành lập và phòng chống các hoạt động rửa tiền trong nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thứ tư, bổ sung quy định thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp trên tỷ lệ vốn đăng ký của nhà đầu tư vào vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập. Hiện tại, lệ phí đăng doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc diện thấp hàng đầu so với các nước khác trên thế giới (chỉ từ 0 đồng đến 50.000 đồng). Mặt trái, của quy định này là tạo tâm lý thoải mái cho nhà đầu tư trong đăng ký vốn điều lệ mà không phải quan tâm đến số tiền họ phải trả cho lệ phí thành lập doanh nghiệp. Kinh nghiệm trong quản lý vốn điều lệ của công ty tại Thái Lan cho thấy, công ty phải nộp 2 loại lệ phí tại thời điểm thành lập: (1) Lệ phí đăng ký Hợp đồng thành lập công ty cố định 500 Bath; (2) Mức lệ phí tính theo vốn đăng ký, theo đó, nếu vốn đăng ký dưới 1 triệu Bath thì lệ phí là 50 Bath, còn với mỗi bước vốn đăng ký tăng thêm 100.000 Bath thì lệ phí là 50 Bath, nếu vốn đăng ký lớn hơn 50 triệu Bath thì lệ phí là 25.000 Bath[25]. Việc tính mức lệ phí thành lập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ % của vốn điều lệ đăng ký tại thời điểm thành lập như tại Thái Lan sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong việc đăng ký vốn điều lệ, buộc doanh nghiệp phải đăng ký theo số vốn thực có nếu không muốn phải chịu chi phí tài chính lớn do đăng ký vốn ảo, qua đó góp phần hạn chế những doanh nghiệp có vốn “ảo”trong nền kinh tế trong thời gian tới./. 

 


[1] Xem: Điều 238 Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, Nxb. Thần Chung, 1973.
[2] Xem: Điều 241 Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, Nxb. Thần Chung, 1973.
[3] Xem: Khoản 1 Điều 32 Luật Công ty năm 1990.
[4] Xem: Điều 58 Luật Doanh nghiệp năm 1999.
[5] Xem: Khoản 1 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
[6] Xem: Khoản 4 và Khoản 5 Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010 về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
[7] Xem: Stephen Griffin : “Company Law : Fundamental Principles, 4th edition, 2006, Publisher : Pearson Longman, p.156.
[8] Xem: John M.B. Balouziyeh: A Legal Guide to United States Business Organizations : The Law of Partnerships, Corporations, and Limited Liability Companies, edition 2nd , Publisher : Springer, 2013, p. 47.
[9] Xem : Ts. Đoàn Duy Khương (chủ biên) : Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO”, Sách tham khảo, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2013, tr. 66.
[10] Xem: Điều 34 Luật Công ty Nhật Bản ban hành ngày 26/07/2005, có thể truy cập tại địa chỉ http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2035&vm=02&re=02.
[11] Xem: Điều 36 Luật Công ty Nhật Bản ban hành ngày 27/06/2005, có thể truy cập tại địa chỉ : http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2035&vm=02&re=02.
[12] Xem: Điều 80, Điều 83, Đều 84 Luật Công ty Trung Quốc năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2018). Có thể truy cập tại địa chỉ, http://subsites.chinadaily.com.cn/InvestinChina/2018-05/31/c_231571.htm.
[13] Xem: Section 23, section 27 Luật Công ty cổ phần CHLB Đức 1965, sửa đổi gần nhất là ngày 27/07/2017, có thể truy cập tại địa chỉ https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_aktg/englisch_aktg.html#p0013Stock Corporation Act.
[14] Xem: Angela Schneeman : The Law of corporations and other business organizations”, 5th edition, Delmar Cengage Learning, 2010, trang 290.
[15] Xem: Section 10 Luật Công ty năm 2006 của Anh. Có thể truy cập tại địa chỉ https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/section/10.
[16] Xem: Điều 503 Luật Công ty thương mại New York (Hoa Kỳ) năm 2016, có thể truy cập tại địa chỉ : https://newyork.public.law/laws/n.y._business_corporation_law_section_503.
[17] Xem: Điều 44 Luật Doanh nghiệp Công ty Tây Ban Nha năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), truy cập tại https://www.mjusticia.gob.es/es/AreaTematica/DocumentacionPublicaciones/Documents/Corporate_Enterprises_Act_2015_-_Ley_de_Sociedades_de_Capital.PDF.
[18] Xem: Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[19] Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5732/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-12-va-nam-2021.aspx.
[20] Nguồn: Có thể truy cập tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/598/5051/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-nam-2019.aspx#:~:text=C%E1%BB%A5%20th%E1%BB%83%2C%20trong%20n%C4%83m%202019,2%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202018.
[21] Xem: Khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[22] Xem: Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[23] Nguồn: Có thể truy cập tại dịa chỉ : https://kinhtenongthon.vn/tu-viec-alibaba-tang-von-ao-ban-du-an-ma-va-nhung-bai-hoc-cho-thi-truong-bds-post7811.html.
[24] Xem: Điều 325, Điều 329 Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, Nxb. Thần Chung, 1973
[25] https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/600/3481/quy-trinh-thanh-lap-doanh-nghiep-tai-thai-lan-doi-voi-loai-hinh-cong-ty-tnhh.aspx.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (457), tháng 05/2022.)