Việc thực hiện pháp luật an sinh xã hội tại các đô thị lớn ở Việt nam hiện nay

01/07/2009

ThS. LÊ KIM NGUYỆT

Giảng viên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những thành công về mọi mặt của cả nước trong những năm đổi mới vừa qua đã góp phần tạo nên sự phát triển ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh đến các yếu tố tiềm ẩn trong đời sống xã hội có nguy cơ gây mất ổn định và phá vỡ sự phát triển bền vững. Đó là các vấn đề như ô nhiễm môi trường; sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ, sự chênh lệch lớn về mức sống giữa vùng đô thị và nông thôn miền núi; tình trạng lạm phát, nạn thất nghiệp gia tăng; sự bất cập trong hệ thống giáo dục, y tế; sự yếu kém trong quản lý đất đai, quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị; sự gia tăng các vấn nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm, tai nạn giao thông, tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại... Bài viết phân tích những bất cập, hạn chế của bộ máy chính quyền tại các đô thị lớn trong việc thực hiện các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý của chính quyền tại các đô thị trong thời gian tới.
Untitled_952.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những bất cập, hạn chế của chính quyền đô thị trong việc thực hiện các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội
Hiện nay, các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải về an sinh xã hội mà nguyên nhân sâu xa một phần bắt nguồn từ năng lực nội tại còn nhiều hạn chế cũng như những bất cập trong cơ chế hành pháp của bộ máy quản lý nhà nước chưa theo kịp và đáp ứng được tốc độ phát triển nóng của đô thị. Đó là sự thiếu nhất quán và đồng bộ trong việc lập quy hoạch tổng thể phát triển đô thị với kiểu “tư duy theo nhiệm kỳ”, sự nửa vời thiếu cương quyết trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị; sự chồng chéo vai trò quản lý của bộ máy chính quyền cũng như tầm nhìn hạn chế mang tính cục bộ địa phương của các nhà hoạch định chính sách. Bộ máy chính quyền đô thị (CQĐT) vừa là người ra các quyết định quan trọng về đầu tư, lập quy hoạch, cấp đất, giải tỏa, định hướng phát triển, giải quyết mâu thuẫn kinh tế xã hôi, vệ sinh môi trường, trật tự an ninh..., đồng thời cũng là người gián tiếp thụ hưởng các lợi ích và cũng gánh chịu hệ quả từ chính các quyết định đó. Mỗi một quyết định của chính quyền đều tạo ra các thay đổi quan trọng đến đô thị, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở đây. Đứng đầu bộ máy CQĐT các cấp là chủ tịch phường, quận, thành phố - những người ra các quyết định cụ thể về phát triển đô thị và chịu trách nhiệm về các vấn đề này - thế nhưng vai trò của họ trong việc tham gia xây dựng quy hoạch đô thị hiện nay lại rất mờ nhạt và mang tính thụ động, dễ bị áp đặt. Cảm nhận rõ nét nhất về đô thị Việt Nam là sự phát triển “chụp giật”, manh mún, xô bồ, thiếu trật tự, thiếu khoa học, ô nhiễm và phi thẩm mỹ. Nhìn sâu xa hơn thì thấy tổ chức quy hoạch khập khiễng, nhân sự thiếu và yếu về chuyên môn, pháp luật chưa hoàn thiện và không nghiêm. Cả hai đô thị lớn là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sau hàng thập kỷ phát triển đều chưa có quy hoạch tổng thể một cách hệ thống, toàn diện và hợp lý dù đã qua rất nhiều lần xây dựng và điều chỉnh quy hoạch với sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài. Điều đó dẫn đến hệ quả là bức tranh đô thị của cả hai thành phố hiện nay phát triển một cách chắp vá, lộn xộn, không có bản sắc văn hóa và tạo ra nhiều lỗ hổng trầm trọng gây mất cân đối trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống đô thị như hạ tầng cơ sở vật chất, hệ thống giao thông công cộng, môi trường, y tế giáo dục.
Theo các chuyên gia nhận định, quá trình xây dựng đô thị thiếu quy hoạch tổng thể và thiếu tính nhất quán đã dẫn đến việc thu hút đầu tư thiếu tập trung, dàn trải và không hiệu quả. Đơn cử như việc phát triển các khu đô thị mới ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, tuy ồ ạt về số lượng nhưng lại rải rác, thiếu quy hoạch đồng bộ và tính kết nối. Mỗi một khu đô thị mới ra đời, các nhà đầu tư gần như phải tự hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhưng vấn đề quan trọng là phương án kết nối cơ sở hạ tầng của khu đô thị với cơ sở hạ tầng chung của thành phố như thế nào cho đồng bộ và hợp lý thì lại không được chính quyền quan tâm chỉ đạo. Thực trạng cho thấy, khi xây dựng các khu đô thị, nhà đầu tư thường tập trung thực hiện các hạng mục có lợi nhuận cao như chung cư, siêu thị, biệt thự, né tránh việc thực hiện các hạng mục công cộng như công viên, vườn hoa, trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế... Đồng thời, các hệ thống hạ tầng trong khu đô thị cũng chỉ được đầu tư một cách sơ sài, chiếu lệ như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước. Trong khi đó, chính quyền sau khi làm xong nhiệm vụ cấp phép đầu tư đã buông lỏng vai trò quản lý, phó mặc cho các nhà đầu tư và người dân tự xoay sở, dẫn đến thực trạng hạ tầng các khu đô thị mới bộc lộ quá nhiều yếu kém mà ví dụ tiêu biểu là bức tranh đô thị mới tại Hà Nội trong trận lụt lịch sử vừa qua, như lời một quan chức thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận: "40 khu đô thị mới chưa được quy hoạch, khớp nối đồng bộ hạ tầng nên đường không ra đường, thoát nước không ra thoát nước...". Một bất cập khác nữa là, quá trình quy hoạch đô thị ồ ạt tại các địa phương trong thập kỷ qua hầu như không có sự tham gia của cộng đồng nhân dân. Hiện nay, người dân mới chỉ được tham gia vào giai đoạn kết thúc quy hoạch, tức là khi làm xong quy hoạch thì chính quyền mới công bố cho người dân biết, trong khi về nguyên tắc, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân được tham gia trong quá trình lập quy hoạch, tức là khi quy hoạch ở một vùng thì làm gì ở đó, người dân phải được tham gia và sau khi quy hoạch xong, có giải quyết được mong muốn của người dân hay không. Trong hệ thống định chế của CQĐT, không thấy có quy định bắt buộc nào về trưng cầu ý nguyện của người dân để coi đó là cơ sở xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị. Hầu như mọi vấn đề liên quan đến quy hoạch từ định hướng tổng thể, thiết kế chi tiết cho đến quyết định phê duyệt cuối cùng hầu như không tham khảo nguyện vọng nhân dân. Người dân chỉ được biết đến quy hoạch khi nó đã hoàn tất.
Sự mất kiểm soát về dân số cũng là một hạn chế lớn hiện nay của CQĐT. Dân số của các đô thị trong thập kỷ qua đã tăng với tốc độ chóng mặt, trong khi đó các điều kiện hạ tầng thiết yếu như nhà cửa, điện nước, giao thông, y tế, giáo dục... lại không phát triển tương xứng, dẫn đến các vấn nạn xã hội đương nhiên nảy sinh không thể một sớm một chiều giải quyết được. Đó là vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông; các tệ nạn xã hội và thất nghiệp gia tăng; an ninh trật tự vệ sinh nơi công cộng bị đe dọa, dịch bệnh bùng phát thường xuyên. Nguyên nhân chính ở đây là chưa có đầy đủ chính sách và quy định hợp lý về người nhập cư. Người lao động nhập cư đa số gặp khó khăn về nhà ở và việc làm và hầu như không có trợ cấp từ phía Nhà nước. Họ buộc phải chấp nhận thuê hoặc mua nhà ở những nơi có điều kiện sinh hoạt thấp kém, mật độ dân cư cao để sinh sống, đồng thời làm đủ mọi nghề để tồn tại, khiến hệ thống hạ tầng các khu lao động, “xóm liều” vốn đã thấp kém càng trở nên xuống cấp trầm trọng, gây mất vệ sinh môi trường cũng như an ninh trật tự. Không ít người lao động nhập cư chọn buôn bán nhỏ vỉa hè hay bán rong làm kế sinh nhai duy nhất, mà họ buộc phải chọn những nơi phố lớn có nhiều người qua lại mới bán được hàng. Vì thế, dù có cứng rắn thế nào, chính quyền cũng không thể dẹp bỏ được tình trạng buôn bán này, nếu không có giải pháp hạn chế số lượng và việc làm cho lực lượng này, vì đơn giản, nó gắn với sự sinh tồn của đa số người dân nhập cư hàng ngày. Ngoài ra, việc quan tâm bảo vệ quyền lợi của các đối tượng dân cư thuộc nhóm có thu nhập thấp như người làm thuê, giúp việc, buôn bán nhỏ... cũng không được cấc cấp chính quyền chú trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số vụ việc đau lòng gây bức xúc trong dư luận xảy ra trong thời gian qua như việc ngược đãi hành hạ dã man các cháu bé giúp việc tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), quận 2 (thành phố Hồ Chí Minh) hay một số điểm nóng về ma túy, cờ bạc, mại dâm tồn tại dai dẳng nhiều năm gây nhức nhối trong nhân dân tại phường Thanh Nhàn, công viên Đống Đa (Hà Nội)... Mặt khác, việc đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa một cách tràn lan đã kéo theo một lượng lớn nông dân mất đất canh tác, trong khi những chính sách giúp đỡ tạo việc làm mới cho họ hầu như không có, đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp và phát sinh các tệ nạn xã hội như nghiên hút, cờ bạc...
 Một bất cập nữa của CQĐT hiện nay là các chính sách, văn bản pháp luật ban hành đôi khi thiếu sự dũng cảm, quyết đoán và không nhất quán. Đơn cử trong thời gian qua, chính quyền đáng ra có thể làm tốt việc hạn chế sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân như việc: dừng đăng ký xe máy[1], đánh thuế cao việc lưu hành trên đường đối với các phương tiện giao thông, hạn chế lưu lượng xe ô tô con vào một số tuyến phố, nút giao thông nội thành trong giờ cao điểm, cấm bán hàng rong, các phương tiện thô sơ đi lại cản chở giao thông trên phố[2], cấm để xe trên lòng đường, vỉa hè, dẹp bỏ các quán cơm, bún cóc trên hè phố... nhưng do tâm lý cầu toàn hoặc liên quan đến lợi ích của một số cá nhân hoặc gặp phản ứng thái quá từ phía các cơ quan báo chí truyền thông và dư luận, nên không cương quyết làm đến cùng. Điều đó dẫn đến hệ quả là sự thiếu kỷ cương trong quản lý đô thị và ảnh hưởng không nhỏ tới việc đảm bảo thực hiện các vấn đề an sinh xã hội.
Ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu đang trở nên ngày càng trầm trọng ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn đã đe dọa sức khỏe người dân cũng như gây bức xúc về an sinh xã hội. Hiện nay, người dân đang phải chung sống với một môi trường ô nhiễm ở tất cả các phương diện do nhiều nguyên nhân: tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số và phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông lại chậm. Số liệu thống kê cho thấy, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35 - 40% so với nhu cầu cần thiết. Hệ thống cấp thoát nước ở Hà Nội nói chung và ở nhiều khu đô thị nói riêng đều là chắp vá giữa khu cũ và khu mới, giữa lạc hậu và hiện đại... khiến chất lượng không đảm bảo vệ sinh. 100% nước thải đô thị chỉ xử lý sơ bộ rồi thải thẳng vào sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt. Hệ thống thoát nước yếu kém, diện tích ao hồ bị thu hẹp khiến nhiều đô thị trong vùng thường xảy ra tình trạng úng ngập. Chưa hết, hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn mới chỉ đạt khoảng 70% nhu cầu[3]. Ngoài ra, việc đô thị hóa và mở rộng đô thị đã làm cho nhiều nhà máy và các khu công nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thành phố, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trong thời gian qua, công tác cứu trợ xã hội và khả năng đối phó với các tình huống khủng hoảng, thiên tai của các cấp CQĐT còn nhiều hạn chế, bất cập. Qua trận lụt vừa qua tại Thủ đô cũng như việc đối phó với triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy những phản ứng chậm chạp từ phía chính quyền trong việc cứu trợ và ổn định đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân đô thị.
Đây là một vấn đề tuy không thường xuyên xảy ra nhưng luôn tiềm ẩn những hậu họa nghiêm trọng gây tổn hại cả về vật chất lẫn tinh thần đối với cộng đồng.
2. Một số giải pháp
Từ những bất cập, hạn chế của bộ máy chính quyền tại các đô thị trong thời gian qua, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể với mục đích góp phần nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo đời sống cho người dân nói chung và cho các tầng lớp yếu thế trong xã hội nói riêng. Đó là:
2.1. Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương
Khi nghiên cứu cơ cấu lại chính quyền địa phương rất cần nghiên cứu kế thừa những bài học lịch sử về xây dựng chính quyền do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng[4], theo đó, việc xây dựng chính quyền nhân dân cần phải lấy hiệu quả làm mục tiêu, gọn, nhẹ theo đúng khoa học về tổ chức và đỡ tốn tiền của dân, có hiệu lực để phục vụ tốt cho dân. Mô hình tổ chức đô thị hai cấp chính quyền theo Sắc lệnh số 77 giống như tổ chức quản lý đô thị của các thành phố tiên tiến như Paris, Tokyo là một mô hình hợp lý đã được kiểm nghiệm, cần nghiên cứu áp dụng vào quản lý đô thị trong giai đoạn hiện nay. Điểm mấu chốt là phải phân biệt rõ chính quyền ở đô thị và chính quyền nông thôn, do đặc thù của hai loại địa bàn này nên phải có sự thiết kế khác nhau. Vì vậy, theo chúng tôi, nên tiếp tục sửa đổi hoàn thiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Bổ sung Luật về bộ máy chính quyền địa phương trong đó phân biệt rõ vai trò, chức năng của chính quyền nông thôn và CQĐT, nên bỏ đơn vị hành chính trung gian là cấp quận, huyện vì không cần thiết. CQĐT phải đảm bảo tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở như điện, đường, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Sự chia cắt theo nhiều cấp chính quyền sẽ phá vỡ tính thống nhất và liên thông này. Việc xây dựng CQĐT cần phải chú trọng xây dựng một bộ máy tập trung quyền lực vào cấp thành phố, không phân tán xuống cơ sở, giảm sự cồng kềnh của bộ máy, hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả và điều quan trọng nhất là có cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng của những người đứng đầu các cấp CQĐT.
2.2. Cần sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị cũng như định hướng lại quy hoạch các đô thị lớn
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và các vấn đề liên quan hiện nay chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý toàn diện về xây dựng phát triển đô thị. Quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển đô thị còn phân tán, chồng chéo, không có sự thống nhất rõ ràng, chưa có cơ chế chịu trách nhiệm trong việc quản lý giám sát thực hiện quy hoạch của các cấp CQĐT. Vì vậy, ban hành Luật Quy hoạch đô thị sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị một cách khoa học, có bản sắc, văn minh, hiện đại. Việc thực thi xây dựng điều chỉnh quy hoạch tại các đô thị lớn trong thời gian tới nên có các quy định bắt buộc về việc di chuyển các cơ sở sản xuất, hệ thống các bệnh viện, trường đại học ra các khu vực ngoại thành, giãn bớt trụ sở các cơ quan công quyền ra khỏi khu vực trung tâm thành phố, tăng hệ số sử dụng đường giao thông nội thị, tăng mật độ cây xanh, vườn hoa... Điều này sẽ giúp các đô thị vừa phát triển kinh tế một cách bền vững, vừa đảm bảo thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội.
2.3. Về các chính sách an sinh xã hội
Đây là điểm nhấn để khẳng định sự văn minh, phát triển của các đô thị đối với cộng đồng dân sinh trên cả nước, nhất là tại các đô thị hiện đang trong giai đoạn mở rộng về quy mô diện tích như thủ đô Hà Nội. Các vấn đề chính ở đây là chính quyền cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm tại chỗ ở địa phương nhằm hạn chế tỷ lệ người nhập cư vào làm ăn, sinh sống tại các khu vực nội thành. Nhà nước cần có các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả khi đối phó với các thiên tai dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại cho người lao động, tạo tâm lý yên tâm cho cộng đồng khi có các biến cố xảy ra. Nghiêm túc và quyết liệt trong việc bắt buộc các doanh nghiệp và người dân thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đô thị nói riêng và về lĩnh vực an sinh xã hội nói chung. Kiên quyết trấn áp các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn kỷ cương trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.
2.4. Về năng lực của bộ máy chính quyền đô thị
Bên cạnh việc giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà, các bộ máy trung gian chồng chéo nhau về chức năng thẩm quyền, CQĐT cần tăng cường công tác đào tạo, trang bị kiến thức chuyên môn sâu cho các cán bộ công chức để họ thực sự là những người vận hành guồng máy đô thị một cách năng động và tích cực. ở đây, chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đó là quan điểm ứng xử giữa đội ngũ cán bộ công chức với người dân. Để biến Chính phủ là “của dân, do dân và vì dân”, hãy bắt đầu từ quan hệ Chính phủ coi nhân dân là khách hàng. Đó phải là cuộc cách mạng trong ý thức cán bộ công chức nhà nước, kể từ cấp cao nhất đến các cấp cơ sở. Các nước ứng dụng Chính phủ điện tử thành công như Hoa Kỳ, Đan Mạch, Singapore hay Hàn Quốc đều theo tiêu chí này[5]. Để làm được điều này, đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam cần được bồi dưỡng nhiều hơn nữa về trình độ chuyên môn, tạo điều kiện tốt nhất về tri thức cũng như phương tiện để giúp chính quyền và người dân đạt được mục tiêu vì một đô thị phát triển văn minh, hiện đại, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội./.

 


[1] Xem Quyết định số 98/2003/QĐ-UB về tạm dừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành cũ của UBND thành phố Hà Nội
[2] Theo tinh thần Nghị quyết số 32 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2008, các loại xe công nông, xe 3- 4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu hành.
[3] Theo đánh giá của Hội Môi trường xây dựng Việt Nam năm 2007.
[4]Trên địa bàn đô thị, Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tại Điều 3 quy định “ở mỗi Thành phố đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, ủy ban hành chính thành phố và ủy ban hành chính khu phố”. Tức là ở Thành phố theo Sắc lệnh số 77 có hai cấp và Hội đồng nhân dân chỉ có ở cấp Thành phố.
[5] Xem: http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Đừng nên có những đề án to tát kiểu 112 nữa.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(151), tháng 7/2009)


Thống kê truy cập

33929738

Tổng truy cập